Độc Thân Cần Yêu

Chương 4: Cuộc hẹn cafe và crepe

Lam miễn cưỡng mỉm cười với chính mình trong gương. Chẳng buồn kẻ viền môi, cô với thỏi son gần nhất quệt nhẹ hai nhát rồi chấm nhanh chút son bóng lên phần mọng nhất của môi dưới. Không nấn ná bên bàn phấ

n thêm một giây, cô đi nhanh về phía tủ quần áo. Bốn mươi phút nữa mới tới giờ hẹn, cô vẫn còn thời gian để thử ra thử vào mấy bộ váy vừa mua tuần trước. Nhưng liệu có cần thiết phải ăn mặc điệu đà đến thế cho một cuộc hẹn xuất phát từ mẩu tin chẳng khác gì rao vặt trên mạng không nhỉ? Chắc chắn là không rồi. Lam nhấc chiếc áo len cổ đổ màu be ra khỏi mắc. Kiểu áo này kết hợp với quần jeans xanh truyền thống và túi Fossil hoa xanh sẽ làm cho người đối diện một thông điệp rằng: Tôi ăn mặc thoải mái vì chẳng coi buổi gặp gỡ này là cái đinh gì, nhưng tôi cóc phải đứa lôi thôi hay mù tịt về thời trang đâu nhé. Và khi hòa vào dòng xe cộ, di chuyển giữa ánh đèn loang loáng và âm thanh huyên náo của đủ loại động cơ, Lam đã thấy mình đã sẵn sàng cho cuộc hẹn mà Bích, đứa bạn thân của cô, đã dày công lôi kéo.

* * *

Bích gọi khi cô vừa đến văn phòng, máy tính còn chưa kịp bật.

- Này, bao lâu rồi mày không đi chơi tối, hả?

- Không lâu lắm đâu. Thỉnh thoảng tao vẫn đi xem phim ở Cinemathèque mà.

- Xem phim một mình chứ gì?

- Ừ.- Có bao giờ đi đâu khác với ai không?

- Thì hôm trước đi chơi bowling với mày đấy thôi.

- Giời ơi! – Bích rít lên trong điện thoại – Bà trẻ ạ! Tôi sợ bà rồi. Bây giờ bà vào YM ngay, tôi gửi cho cái link.

- Có chuyện gì?

- Thì cứ vào đi.

Hóa ra, thứ khiến Bích nhảy tanh tách với cô ngay đầu giờ sáng lại là một trang web mà công ty nó mới phát triển. Hencaphe, cái tên chẳng gợi ra ấn tượng gì nhưng dòng tự giới thiệu thì khiến cô hiểu ngay mục đích của con bạn thân quý hóa. Hừ, “trang web hẹn hò theo phong cách mới”, cũng lại là một kiểu mai mối online, cũ rích…

- Tao chẳng thấy gì hay ho cả - Cô gõ nhanh vào cửa sổ YM, không quên thêm vào cuối câu dấu hai chấm và chữ p [:p] như để lêu lêu cái sự sốt sắng quá đà của Bích.


- Sao lại không, mày xem cái này chưa? – Nó paste thêm một cái link.

“Muốn mời một bạn nữ biết tiếng Pháp đi uống cà phê và ăn crêpe. Thời gian: 19h30 hôm nay…” Mẩu tin mới đăng được có năm phút và chỉ có vỏn vẹn ba lượt đọc.

- Mới có ba lượt đọc, chắc mày phải chiếm hai nhỉ - Lam cười ha hả bằng cái emoticon [:))].

- Đừng có đánh trống lảng. Đăng ký làm thành viên đi!

- Để làm gì?

- Nhận lời mời chứ còn làm gì nữa. Mày check mail đi.

- Sao phải check?

- Tao mới lấy địa chỉ mail của mày đăng ký rồi.

- Eo ơi, màyó cần mót gả tao đi đến mức này không?

- Cần! Rất cần! Cực cần! Check đi!

- Lát tao check, giờ tao xuống sảnh uống cà phê đã. Đêm qua thức đến 2 giờ làm báo cáo, buồn ngủ quá.

- Cà phê tối nay rồi uống. Mày mở mail, bấm vào link xác nhận đăng ký rồi nhận lời ngay cho tao, không thì đừng trách tao ác.

* * *

Lam không biết lý do gì Bích trở nên “quá khích” như vậy, chỉ biết là khi đồng hồ trên điện thoại nhấp nháy sang số 19:29, cô đã dừng xe trước cửa Chat Noir. Quán cà phê nằm trong một con ngõ cụt vắng vẻ của khu phố cổ. Biển hiệu treo phía trên cửa hình con mèo đen vểnh râu đang khẽ rung rinh, hệt như tâm trạng của Lam lúc này. Tính chất nặc danh của cuộc hẹn cùng với sự kiệm lời của người mà Lam sẽ gặp khiến trái tim cô, rộn lên vài nhịp lạ lùng. Nhưng ngay khi chủ nhân của nó bước hẳn vào không gian ấm cúng của quán café, trái tim lập tức đập bình thường trở lại.

Chưa có ai đến. Chỉ có hai người phục vụ mặc gilet đen và ánh đèn vàng hắt xuống bức tranh vẽ nhà thờ Sacré Cceur chào đón xự xuất hiện của Lam. Cô lật menu gọi đồ uống rồi ngồi bó gối, lắng nghe một bài hát cũ của Dalida phát ra từ cái loa nhỏ giấu sau chậu cay trong góc tường, “J’ attendrai”… Mười lăm phút sau, môi cô đã xóa đi một phần ba vành muối trên miệng ly Margarita, người kia vẫn không thấy bóng dáng. Ngay từ khi anh ta liên lạc lại sau khi cô nhấn nút “tham gia cuộc hẹn”, cô đã cảm thấy là lạ rồi. Không một bức ảnh nhận dạng, không một dòng giới thiệu, chỉ vỏn vẹn một nickname và một số điện thoại được đính dưới địa chỉ của quán café kèm theo ba chữ “hẹn gặp lại”. Ấy thế mà lúc đó cô lại cảm thấy dễ chịu, ít nhất thì anh ta cũng giống cô, không quá coi trọng cuộc gặp này.

Nhưng không quá coi trọng khác hẳn với coi thường! Lam cau mày liếc xuống mặt điện thoại. Đã quá giờ hẹn hai lăm phút, ly Margarita của cô đã vơi đi một nửa, chiếc điện thoại vẫn im lìm còn căn phòng vẫn chẳng có ai ngoài hai người phục vụ mặc gilet đen sau quầy bar và Dalida đang rên rỉ rằng “Pour qui, pour quoi” trong góc tường… Giờ này lẽ ra cô phải ở nhà làm nốt báo cáo cuối năm. Vậy mà cô lại đi trang điểm rõ xinh (tuy hơi ẩu), ăn mặc rõ đẹp (tuy không điệu lắm), còn tới rõ đúng giờ (cái này thì không tuy tiếc gì cả, cô đúng giờ thật) để ngồi đây, đợi một người hoặc một cuộc gọi, chẳng vì ai, chẳng vì cái gì. Lam khoác chiếc túi lên vai, dứt khoát đứng dậy, đi về phía quầy bar.

* * *

Chiếc máy tính tiền ở góc quầy từ từ nhả hóa đơn cho ly Margarita, Lam mở ví, không để ý tiếng xe bên ngoài. Nhận lại tiền thừa từ tay người phục vụ, cô bước nhanh về phía cửa và gần như đầm sầm vào người khách thứ hai của quán. Người này đang dán mắt vào chiếc điện thoại, nói “xin lỗi” mà không ngẩng lên để nhìn xem mình vừa suýt va vào ai. Lam nép sang một bên tránh đường, tự hỏi đây có phải người mà cô đã chờ suốt nửa tiếng hay không. Mặt mũi sáng sủa, áo khoác sẫm màu, sơ mi kẻ sọc, quần thẳng nếp, giày da đen, vẻ ngoài như thế này có thể phù hợp với bất cứ cuộc hẹn nào. Cùng lúc với hành động áp điện thoại lên tai của anh, tiếng nhạc chuông khẽ ngân lên từ trong túi xách như lời khẳng định cho vấn đề cô đang nghi hoặc. Lam kẹp chặt túi vào sườn để giấu tiếng chuông điện thoại, bước thật nhanh ra ngoài. Nhưng hình như anh ta đã kịp nghe thấy.

- Excusez-moi, mademoiselle? (Xin lỗi, thưa cô)


- …

- Bạn ơi!

- …

- BẠN ƠI!

Lam có thể giả vờ không biết cả tiếng Pháp lẫn tiếng Việt chứ không thể giả điếc. Cô đành quay lại, ném cho người đang đuổi theo cô một cái nhìn bực bội. “Cuộc hẹn hụt” cười ngượng ngập:

- Xin lỗi, bạn có phải là Lam không?

Lam không biết phải ừ hay vâng, chỉ gật đầu. Anh ta chìa tay, giọng đầy áy náy:

- Mình là Tuyên. Thật ngại quá, để bạn chờ hơi lâu…

“Không phải hơi mà là rất lâu”, Lam nghĩ thầm như vậy nhưng không nói gì. Anh ta tiếp tục phân b

- Mình có mấy việc đột xuất, nhắn tin cho bạn nhưng thấy cứ báo pending mãi.

Lam thở ra hai chữ “thế ạ” đầy thờ ơ, thậm chí cũng chẳng hỏi xem việc đột xuất của anh ta là gì hay nghi ngờ về vụ tin nhắn không đi. Cô lẳng lặng cúi xuống mở cốp xe nhét túi xách vào. Tuyên vội làm cử chỉ ngăn lại:

- Kìa, bạn đừng về vội, mình mới gọi crêpe rồi…

Câu níu kéo này làm Lam càng thêm tự ái. Anh ta nghĩ cô chờ anh ta nửa tiếng ở cái quán chán ngắt này chỉ vì thèm khát món bánh xèo ngọt vớ vẩn này ư? Đến cả anh ta cô cũng còn chẳng thèm!

- Xin lỗi, mình bận. – Cô nói một câu ngắn ngủn, và chẳng chứa chút sự thật nào. – Có ca mổ gấp.

Không thèm nhìn phản ứng rất lạ của Tuyên, Lam nổ máy phóng đi. Điều băn khoăn duy nhất trong đầu cô lúc này không phải là bản báo cáo cuối năm chưa hoàn thành mà là việc làm sao để nói lại với Bích về diễn biến cuộc hẹn trời ơi đất hỡi chưa bắt đầu đã kết thúc này.

* * *

Thật lạ là sáng hôm sau rồi hôm sau, và cả hôm sau nữa, con bạn sốt sắng của cô vẫn không hề hỏi han về cuộc hẹn. Ngay cả khi Lam buzz nó trên YM, thú nhận hết sức thật thà về chuyện giả vờ có ca mổ để chuồn êm, nó cũng chỉ ậm ừ. Lam chột dạ. Hay là Bích giận cô vì cô đã không thèm trân trọng công sức của nó nhỉ? Nó đã chẳng bảo cô rằng nó đã phải giấu cái mẩu tin mời cà phê và crêpe vào thư mục ẩn để dành riêng cho cô là gì. Và trước đó, nó cũng đã cố gắng xếp đặt hàng chục buổi hẹn chung hẹn riêng, chỉ để giúp một đứa con gái đã ế chỏng chơ còn kén cá chọn canh như cô tìm được một anh chàng ưng ý. Ôi chao, cô cô thể viện những lý do hơi hơi chính đáng như công việc hay duyên số để bỏ qua những cơ hội hẹn hò, nhưng chẳng có lý do nào để chối bỏ tình cảm cùng sự lo lắng của bạn bè như thế… Thôi được rồi, để trốn chạy cảm giác tội lỗi vì đã phụ lòng bạn bè, lần này Lam sẽ thử cố gắng tự giác một lần, chủ động liên lạc lại với “đối tượng” xem sao. Anh ta có tỏ thái độ lạnh lùng hay ghét bỏ thì cô cũng cảm thấy dễ chịu vì dù sao cô cũng đã cho cà phê và crêpe một cơ hội.

Tiếng nhạc chờ điện thoại vang lên thật lâu mới có người bắt máy, một giọng nữ. Trong tích tắc Lam muốn bấm nút dừng cuộc gọi, nhưng cô vẫn mạnh dạn hỏi gặp Tuyên.


- Bác sĩ Tuyên đang ở trong phòng mổ. Khoảng nửa tiếng nữa chị gọi lại.

* * *

Vài phút sau, trên cửa sổ chat giữa nick của Bích và Lam, một hàng emoticon tạo ra bằng dấu bằng và hai dấu đóng ngoặc đơn [=))] chạy dài.

* * *

Nửa tiếng sau, cùng lúc trên trang web hencaphe và trên màn hình của một bác sĩ trẻ của bệnh viện Việt Pháp, một tin nhắn bằng tiếng Pháp xuất hiện, đại ý rằng có bệnh nhân vừa trải qua ca mổ tim phức tạp đang cần tẩm bổ bằng cà phê và bánh crêpe, rất cần.

Vẫn cần cưới gấp

1. Một buổi tối cuối tuần đầu thu, khi trận cầu đỉnh giữa hai ông lớn của giải bóng đá ngoại hạng Anh vừa bắt đầu được vài phút, Nguyễn nhận được tin nhắn của Lê. Đây có lẽ là tin nhắn ngắn nhất mà Lê đã gửi cho Nguyễn kể từ khi hai người quen nhau, và nó chắc chắn l

tin nhắn gây sốc nhất, khó quên nhất, cũng khó trả lời nhất, đối với Nguyễn. Mấy chữ cụt ngủn trong nội dung tin đã khiến Nguyễn không thể phân biệt được đâu là chủ nhà, đâu là đội khách, cũng không còn nghe được tiếng bình luận viên nói gì nữa. Nguyễn ngồi đờ đẫn trước màn hình TV mất già nửa hiệp, rồi quyết định gọi cho Lê.

- Tại sao lại thế? – Nguyễn hỏi không đầu không đuôi, giọng tự động chuyển tông, cao hơn hẳn bình thường.

Ở đầu dây bên kia, Lê im lặng, chỉ nghe tiếng bàn phím gõ lạch cạch.

- Đang bận à? – Nguyễn hạ giọng một chút nhưng ngữ điệu vẫn như vừa tuôn ra từ tủ lạnh.

- Ừ, em đang vào Google… - Lê nói không nhanh không chậm, giọng cũng không vui không buồn – thử tìm xem có ai nhượng lại chỗ đặt tiệc không.

- Cái gì?

- Bác sĩ bảo lần này không giải quyết được.

Ngày hôm sau, Nguyễn đến cơ quan hỏi thủ tục xin nghỉ phép để tổ chức cưới. Sếp vỗ vai chúc mừng, đồng nghiệp xúm lại hỏi han, Nguyễn cười cười, trả lời qua loa. Hết giờ làm, đi uống bia với mấy thằng bạn thân, nghe đứa này một câu “dính bẫy”, đứa kia một câu “bị trói”, Nguyễn lại cười cười, không phản bác.

- Trước sau gì cũng phải có vợ, nó cho tao lý do chính đáng thế là quá tốt! – Sau khi cạn hết vại bia thứ n, Nguyễn vận dụng phép thắng lợi tinh thần như vậy.

2. Dạm ngõ, cũng là lần đầu hai nhà chính thức gặp nhau. Chẳng nhà nào có kinh nghiệm, đôi bên cha mẹ đứng ngồi nói năng đều gượng gạo. May mà Lê đã nhờ được một chị đồng nghiệp mau mồm mau miệng đến đảm nhiệm vai trò trung gian đưa đẩy nên không khí cũng dần nồng ấm thân tình. Mấy lựa chọn về ngày giờ ăn hỏi xin dâu cũng là Lê tự tìm thầy xem rồi “phím” cho chị đồng nghiệp từ dăm hôm trước. Suốt buổi, Nguyễn ngồi yên một bên ngó Lê đi lại, rót nước, tiếp bánh trái, động tác gọn ghẽ khéo léo, chợt nghĩ, không biết Lê có phải luyện tập gì không, và nếu có thì mất bao nhiêu thời gian…

Lễ ăn hỏi sau đấy mấy hôm diễn ra cũng thật suôn sẻ. Đội ngũ bê, đỡ tráp toàn người quen của Lê. Địa chỉ các chỗ đặt bánh cốm, trầu cau, mua rượu, thuốc… toàn do Lê dò la trên mạng, sau đó mới dồn vào một file gửi qua mail cho Nguyễn. Ngay cả việc gian nan nhất là tìm địa điểm đặt tiệc trong thời điểm hầu hết các nhà hàng và hội trường đều kín lịch cũng có vẻ không khó khăn kinh khủng như lâu nay mọi người vẫn dọa, vì Lê đã liên hệ được với một nhà hàng mới khai trương, tuy hơi xa trung tâm nhưng địa chỉ cũng dễ tìm, khung cảnh lại rộng rãi, sáng sủa. Nguyễn cũng chỉ nghe Lê tả như vậy chứ không tận mắt chứng kiến, vì “việc đặt cọc chọn cỗ gì gì của đàn bà, hơi đâu mình nhúng tay” – Nguyễn thổ lộ như vậy trong bữa nhậu tiễn biệt đời độc thân, bữa thứ n.


3. Còn 10 hôm nữa là đến ngày cưới, Nguyễn đưa Lê ra phường đăng ký kết hôn. Thủ tục giấy tờ xác minh gì đó thì đã xong từ ngay sau hôm ăn hỏi, giờ chỉ việc ký sổ lĩnh giấy. Đang đợt cao điểm của mùa cưới, phường trả kết quả cho cả vài ba cặp trong cùng một buổi, không khí trong phòng đợi có vẻ đặc biệt ngọt ngào. Một đôi trông trẻ măng ngồi ở góc tường còn lén hôn nhau. Không rõ vì mệt hay vì ảnh hưởng xung quanh, Lê lẳng lặng ngả đầu vào vai Nguyễn. Nguyễn nhìn gò má có vết nám mờ của Lê, bất giác nhớ lại mấy năm trước, khi hai người mới quen. Lúc đó, Lê mới đi làm, khuôn mặt bầu bĩnh thoáng nét trẻ con, làn da trắng mịn, đôi mắt lúc nào cũng long lanh như đang cười. Mấy năm qua đi, Lê nhảy việc vài lần, mối quan hệ với Nguyễn càng lúc càng giống một thói quen cũ kỹ nhàm chán, những đường nét sinh động tươi tắn cũng dần tan đi, nhường chỗ cho vẻ tĩnh lặng, đôi khi là đờ đẫn…

Để tránh nghĩ ngợi thêm, Nguyễn đưa mắt ra xung quanh, chợt phát hiện là đôi nào cũng mang theo một túi đựng bánh kẹo, thuốc lá. Nguyễn lay lay Lê. Lê vụt ngẩng lên, vẻ mặt hơi thất thần, không giống ngái ngủ mà lại tựa như hớt hải, bất an. Nguyễn thoáng sững lại, giọng bỗng trầm hẳn xuống, gần như thủ thỉ:

- Em không chuẩn bị bánh kẹo như mọi người à?

Lê ngẩn ra một lát vì câu nói đượm vẻ âu yếm của Nguyễn, mãi sau mới đứng dậy mỉm cười nhợt nhạt:

- Em không biết. Để em ra kia mua.

Dù biết hiệu tạp hóa ở ngay đối diện ủy ban phường, Nguyễn vẫn đứng dậy đi theo Lê. Nhìn từ sau lưng, trông Lê không giống người mang thai sắp sang tháng thứ tư chút nào.

4. Như mọi chú rể khác, Nguyễn không thích phải chường mặt ra giữa đường hay giữa công viên cả ngày trời chỉ để có một album ảnh dày cộp với những dáng đứng ngồi cứng quèo, lố bịch. Lê biết vậy và cũng cảm thấy việc đi chụp ngoại cảnh ở thời điểm này có phần quá sức nên chỉ đề nghị Nguyễn thu xếp nửa buổi đến studio của ảnh viện áo cưới để chụp lấy mươi kiểu “trình các cụ”. Nguyễn đã đồng ý mà không hề nhă hay hầm hừ.

Buổi chụp diễn ra thật suôn sẻ và dễ chịu, nhiếp ảnh gia thậm chí còn luôn mồm khen cô dâu chú rể lên hình trông đẹp đôi, tình cảm. Nhưng đúng lúc tất cả mọi người, bao gồm Nguyễn, Lê và nhóm nhân viên ảnh viện, đều nghĩ “thế là ổn cả” thì đột nhiên Lê loạng choạng, suýt ngã ngồi xuống. Lê không thấy đau chỗ nào, chỉ mơ hồ nhìn thấy nét mặt có thể gọi là hoảng hốt và đau lòng của Nguyễn, rồi mắt tối sầm lại.

5. Lê tỉnh dậy trong tiếng trò chuyện rì rầm, những giọng nói từ đủ mọi vùng miền cứ quanh quẩn bên tai nhưng không có giọng nói nào quen thuộc. Cảm giác này sao mà rã rời, trống rỗng! Lê mở mắt, ánh đèn tuýp bàng bạc của phòng bệnh hắt xuống bức tường xanh và những cột giường bằng inox, trông lạnh ngắt.

Lê đưa mắt sang bên, bắt gặp cái nhìn đăm đăm của Nguyễn.

- Em muốn ăn gì không?

Lê nghiêng mặt sang phía khác. Trong nháy mắt, Nguyễn nghĩ rằng Lê khóc, nhưng không phải. Chưa đầy vài giây sau, Lê quay lại nhìn Nguyễn, cả mắt và giọng nói đều bình tĩnh lạ lùng:

- Anh có thể đi được rồi!

Nguyễn vẫn nhìn đăm đăm như không muốn bỏ lỡ nét biến đổi nào trên khuôn mặt đang cố tỏ ra phẳng lặng kia. Lê nắm chặt mép chăn, ngước nhìn trần nhà loang lổ những vết ố.

- Tuần trước em đi khám, bác sĩ nói có dấu hiệu không tốt.

- Sao em không nói… - Câu hỏi nghẹn ngang cổ Nguyễn.

- Em nghĩ chỉ cần cố gắng qua nốt mấy ngày này là yên tâm. Không ngờ, cái gì không giữ được thì đúng là không giữ được…

Nghe đến đây, Nguyễn lại định mở lời nhưng Lê đã phẩy tay ngăn lại, giọng nói đều đều như được thu âm sẵ- Nửa tháng nay một mình lo liệu mọi thứ, em rất mệt mỏi. Đi đặt cái này, mua cái kia, thấy người ta có đôi có cặp chọn lựa, bàn bạc, cả cãi cọ nữa, em vừa tủi thân vừa ghen tị. Em cứ ước giá anh có thể bỏ được một trận bóng đá, một bữa bia, một buổi họp lớp… để làm đỡ em vài việc thì tốt biết bao. Mấy lần em muốn gọi điện nói thẳng với anh như vậy, nhưng rồi nghĩ đến thái độ của anh từ hôm trước đến giờ, em lại thôi.


- Anh xin lỗi! – Nguyễn khó khăn lắm mới chen vào được một câu, giọng nói là lạ như thể cổ họng đang bị chặn bởi cái gì đó rất khô và đắng.

- Anh không cần phải xin lỗi. – Lê lắc đầu nhìn lướt qua anh. – Là do em đánh giá mình quá cao. Em vẫn tự cổ vũ mình rằng ít nhất thì anh cũng có thưa chuyện với gia đình, ít nhất cũng không để cho em phải đi đăng ký kết hôn một mình. Em tưởng sức chịu đựng của mình là vô tận. Nhưng hóa ra không phải. Cho nên…

Đúng lúc Lê hít sâu một hơi để dứt khoát nói ra lời kết luận thì một nhóm bác sĩ thực tập theo nhau vào phòng. Vẻ mặt không có biểu hiện gì của sự an ủi hay thương xót của họ làm Lê chưng hửng. Câu hỏi vừa lờ mờ hiện ra trong đầu Lê lập tức được trả lời khi một bác sĩ lớn tuổi xuất hiện dặn dò Nguyễn về những điểm cần chú ý. Nguyễn liếc nhìn cặp mắt bối rối không biết phải vui mừng hay tức giận của Lê, tự nhiên bật cười.

Nhóm bác sĩ xuất hiện thật không đúng lúc nhưng cũng thật đúng lúc. Sau khi họ rời đi, hẳn hai người sẽ phải tiếp tục câu chuyện có giọng điệu cực kỳ nghiêm trọng ở trên. Lần này, hẳn Nguyễn sẽ yêu cầu Lê sờ xuống bụng trước khi phát biểu. Lần này, hẳn Nguyễn sẽ không để Lê độc thoại nữa…

Dù sao thì hai người vẫn cần cưới gấp.