Thượng Quan Linh vốn là một chàng trai bất khuất, nhưng đối với sự kiện này, chàng cảm thấy là một sự nhục lớn lao của con nhà võ, không thể nào trả thù được, bởi vậy làm sao vị thiếu hiệp này làm sao chịu đựng được. Và chính điểm này là một cái buồn lớn lao trong lòng chàng.
Liễu Mi chỉ sợ người yêu quá suy nghĩ mà lâm bệnh thì nguy, nàng cố nghĩ cách để giải quyết.
Rút cục, nàng thứ nữ khôn ngoan của Thanh Thông bang chủ đã nghĩ ra một kế, tuy mỏng manh, nhưng cũng không thể nói là không có hy vọng thành công. Nàng bèn thương lượng với Thượng Quan Linh, nay nếu muốn công lực át hẳn Tỉ Vương, chỉ có thể nhắm về hai sự kiện.
Điều thứ nhất, là mười tám chữ Phạn văn trên ngọn cờ Tiểu Đoạt Hồn Kỳ và đã được Tả Pháp Thụ xưa kia dịch bằng Hán ngữ tại dưới Đại Ngũ Trì, Liễu Mi vẫn còn nhớ rõ trong lòng: Hữu ý bất tâm, hữu chỉ bất chí, vô cư, động thủy, tịnh như kinh, phát thiên quân. Nhưng mười tám chữ này quả là uyên thâm kỳ bí lạ lùng hết sức, dù cho nàng Liễu Mi thông minh đến đâu đi nữa cũng không thể nào hiểu nổi ý nghĩa sâu xa bên trong được.
Điều thứ nhì, là về những thế chưởng được khắc trong thạch động của Đại Ngũ Trì, và chính là ngọn võ Vô Tướng thần công của Minh Quang đại sư truyền ra và được xưng với danh là Duy Na chưởng thức cộng cả thảy là chín chín tám mươi mốt thế, so với tám mươi mốt thế Pháp Thụ kiếm chiêu lợi hại hơn nhiều. Đến như bản thân của Tả Pháp Thụ là kẻ đồng môn còn khó học nổi, và Thượng Quan Linh cũng đã từng thử, nhưng kết quả, mới vào đầu đã gặp ngay trở ngại.
Nhưng chuyến lặn lội về Đại Ngũ Trì, không biết có thể học được ngọn tuyệt học này không? Liễu Mi cố cổ vũ Thượng Quan Linh may ra có thể nhờ sức Tuyết bi tiên hoa mà luyện nổi môn võ học Duy Na chưởng thức cũng chưa chừng.
Thượng Quan Linh suy nghĩ, ngoài việc này ra, quả không còn phương pháp gì khác, chàng quyết tâm đi thử một chuyến, ngay lúc đó bèn cùng với ái thê chưa cưới sửa soạn đăng trình đi ngay Đại Ngũ Trì trên Phòng Sơn.
Liễu Mi sửa soạn chu đáo mọi việc và nói rõ tất cả quyết định cho gia đình hay; xin lão bang chủ Liễu Khai phái ngay người đi Ngọc Thụ miền Thanh Hải yết kiến với Đoạn trường nhân Độc chỉ Thôi Bác, để báo rõ các tin tức đã xảy ra, và hy vọng ông ta hãy tạm án binh bất động, nếu trời thương hại, chuyến đi Đại Ngũ Trì này thành công, sau này sẽ liên kết hết các tay nghĩa hiệp để đối phó với tà phái của Tỉ Vương.
Lão bang chủ tuy không muốn con gái mình đi mạo hiểm, nhưng biết rõ trách nhiệm của hai trẻ quá nặng nề, hơn nữa, hai phái chánh tà trước sau gì cũng tránh không khỏi một trận quyết đấu, nay ngoại trừ kế này ra, quả không còn cách gì hơn, đành phải bằng lòng ý kiến của con gái cưng.
Hai người bèn đăng trình về hướng Ngạc Tây.
Hạ tuần tháng ba, họ đã đến Phòng Sơn. Liễu Mi cùng với Thượng Quan Linh lo sắm những thức ăn uống đầy đủ để vào động thất của Đại Ngũ Trì để dùng. Khi vào đến thạch thất, cảnh sắc vẫn như xưa.
Trên vách thạch động, hai môn võ học Pháp Thụ kiếm chiêu và Duy Na chưởng thức vẫn còn nguyên vẹn.
Liễu Mi sắp xếp xong các đồ đạc cần dùng xuống đất, cười nói rằng:
- Này anh Linh, chúng mình phân công hợp tác với nhau. Anh lo học môn Duy Na chưởng thức còn em lo nghiên cứu mười tám chữ trên Tiểu Đoạt Hồn Kỳ xem là ý nghĩa gì.
Thượng Quan Linh vui vẻ bằng lòng ngay với đề nghị của Liễu Mi, hai người nghỉ ngơi ăn uống xong một hồi, Thượng Quan Linh bỗng đứng dậy đi đến vách tường đá khảm về võ học Duy Na chưởng thức, chàng nhìn ngay vào thế khởi đầu. Thế này quá là cổ quái kỳ lạ, song chưởng một ngửa lên trời, một úp xuống đất, Thượng Quan Linh bắt chước đúng theo, và suy ngẫm về sự tinh diệu bên trong. Chàng cảm thấy rất thuận lợi, tiếp theo là thế thứ hai của bức hình, chàng từ từ đổi thế, nào hay trong ngực bỗng trở nên bần thần, khó chịu vô cùng, vội ngừng ngay lại, vận động để nghỉ, khá lâu mới cảm thấy khôi phục lại, chàng quay nhìn Liễu Mi, thấy nàng đã viết hết cả mười tám chữ trên mặt đất, sắc mặt đăm chiêu suy nghĩ.
Thượng Quan Linh không muốn phá rối nàng, chàng cố tâm để khắc phục mọi trở ngại và nguyền thế nào cũng phải lo học cho kỳ được Duy Na chưởng thức này mới nghe. Sau khi nghỉ ngơi lấy lại sức, chàng lại cẩn thận học tiếp, và lần này ngang nhiên đã học được thế thứ hai, nhưng đến thế thứ ba, chàng cảm thấy khó khăn, mặc dù cố thử mấy lần, nhưng vẫn không sao vượt qua được, và quá mệt đến lã người, dành phải ngừng tay nghỉ, chỉ thấy mắt như tóe đom đóm, ngực rạo rực bồi hồi, khó chịu vô ngần, lúc này Liễu Mi cũng nghỉ ngơi, nàng quay nhìn Thượng Quan Linh cười nói:
- Xem ra mười tám chữ này là một nguyên tắc tu luyện về nội công cơ đấy.
Thượng Quan Linh không muốn Liễu Mi phải thất vọng, chàng mỉm cười nói mình đã có chút tiến triển trong Duy Na Chưởng.
Và cứ thế bên tìm hiểu mười tám chữ Phạn, bên lo học chưởng pháp, thấp thoáng đã bảy ngày trôi qua.
Thượng Quan Linh miễn cưỡng tiến hành cuộc học tập của mình, vì trong ba ngày mà chàng vẫn loanh quanh trong tư thế thứ năm và thứ sáu, chàng lại cảm thấy bồi hồi khó chịu không sao chịu đựng nổi, trong lòng đâm thất vọng vừa sốt ruột, đành ngừng lại để nghỉ, chợt nghe tiếng nấc hự một tiếng phía sau, Thượng Quan Linh quay đầu nhìn lại, thấy Liễu Mi ngất luôn trên mặt đất, chàng quấn quít lay gọi:
- Liễu Mi... Em!... Em!...
Vội ôm ngay nàng dậy, chỉ thấy đôi má của Liễu Mi đỏ ửng, Thượng Quan Linh vội xoa nắn huyệt cho nàng, khá lâu nàng mới dần tỉnh lại, khẽ than và buồn bã nói với người yêu rằng:
- Anh Linh ạ? Em đã hiểu hết tất cả ý nghĩa của mười tám chữ Phạn ấy, nhưng đồng thời cũng phát giác được trong mười tám chữ này là một nguyên tắc để tu luyện nội công tuyệt đỉnh, nay chúng mình tuy rõ ý nghĩa, nhưng lại không biết nhập môn bằng cách nào, xem ra, nếu không có cao nhân chỉ dẫn, chắc cũng chỉ uổng công hao lực mà thôi...
Thượng Quan Linh cố an ủi nàng và khuyên bỏ ngay chuyện tìm hiểu này sang một bên để tránh ảnh hưởng cho sức khỏe. Lúc này hai má nàng trắng bệch, chỉ nghe Liễu Mi nhẹ tiếng nói:
- Anh Linh ơi! Từ khi em bị ngọn lửa độc của Lân vương Cổ Thái Huyền thiêu ấy, chất độc đã ăn sâu vào trong nội thể, sau những trận kinh hoàng bôn ba bấy lâu và tất cả những lo nghĩ đã dồn dập, cơn bệnh của em thành cố tật... nay thọ nguyên của em cũng đã sắp tận.
Nghe vậy Thượng Quan Linh quýnh lên vội bồng ngay ái thê chưa cưới, lo đi tìm danh y Hoạt thương công Hoa Diệp Tử cứu mạng Liễu Mi.
Liễu Mi vội ngăn cản và lắp bắp nói mình đã không hy vọng gì, cố tật đã ngấm ngầm từ lâu, nay được thể bùng phát ra, không còn cách gì để cứu vãn, con đường chết đã nằm sẵn trước mắt nhưng nàng hài lòng là đã được ở một nơi yên tĩnh của thạch thất đây cùng với Thượng Quan Linh, Liễu Mi yêu cầu chàng chớ có đụng đậy mà tăng thêm sức đau đớn trong lòng nàng.
Thượng Quan Linh càng quýnh hoảng, thấy sắc mặt nàng trắng toát, hơi thở dồn dập... Chàng nghĩ nếu Liễu Mi có mệnh hệ nào, chàng cũng liều thân luôn để theo người yêu xuống chín suối.
Liễu Mi lúc này đã cấm khẩu, chỉ còn đôi mắt dại đờ nhìn người chồng chưa cưới của mình... Nàng như đang thông cảm nỗi tình yêu của chàng đối với mình...
Thượng Quan Linh cảm thấy trời như sắp sụp đến nơi! Mặt mày hoa lên choáng váng vì người yêu đang đi dần vào cõi chết... ruột gan chàng như đứt từng khúc... nước mắt chàng dầm dề nhỏ trên mặt người yêu, không ngờ tất cả mọi việc lại xảy ra chớp nhoáng như thế!
Chàng tuyệt vọng, khẽ đặt ngay mình Liễu Mi xuống và lẩm bẩm rằng:
- Liễu Mi em ơi! Ngu huynh nào có thể bỏ em ra đi như thế, nếu em có linh thiêng, hãy về giúp cho anh được mau rời khỏi thế gian này để được sát bên em mãi mãi... hiện nay anh khó chết vì Tuyết bi tiên hoa... ôi em!... Liễu Mi...
Chàng thiếu hiệp nghẹn ngào... Bỗng Thượng Quan Linh đứng phắt ngay dậy, lo tìm cách để chết cho nhanh!
Chàng rối cuống, đau khổ, không biết nên làm sao để mà chết?
Ngay khi đó, bỗng lại có chuyện lạ xảy ra!
Bên ngoài thạch thất bỗng lại có tiếng Cộc! Cộc! Cộc! truyền vào, Thượng Quan Linh nghĩ bụng: trong giờ phút này mà lại còn có người tới thình lình như thế, chẳng cần đoán, nhất định phải là vị kỳ nhân và công lực cao cường lắm đây. Nay Liễu Mi đã chết, tội gì mình không ra ngoài kia gây chiến để nhờ tay vị cao nhân nào đó giết mình cho mau chết, nghĩ xong chàng rút ngay kiếm tung mình vọt ra, chỉ thấy thạch động bên ngoài, dưới ánh sáng chập chờn của lân quang, một tăng nhân trung niên đang loay hoay đi dưới bụng con tích long khổng lồ.
Thấy tăng nhân này mặt lạ hoắc, chàng hét lên một tiếng, chủ động khiêu chiến, vung ngay kiếm chém bừa sang, tăng nhân nọ giật mình thất kinh, vội vàng né tránh ngay sang một bên, lên tiếng quát hỏi:
- Hãy ngừng tay ngay! Thí chủ là ai vậy?
Thượng Quan Linh thấy thân pháp người này né tránh tài tình, biết ngay khinh công người này không phải tay xoàng, công lực quyết không thua gì mình, nên nghe hỏi mà không trả lời gì, vung bừa kiếm đâm tới đối phương, cố ép địch phải trả đòn, nhưng sự hàm dưỡng của tăng nhân hình như cao lắm, chỉ thấy tung mình nhẹ nhàng tránh xa gần trượng, và hấp tấp hỏi:
- Thí chủ hãy ngừng ngay lại, có gì nói rõ đã, sao lại hung hăng thế?
Thượng Quan Linh lên tiếng nói khích thêm:
- Không có gì đáng nói cả! Hôm nay không phải tôi chết, thì ông toi, chớ hỏi vu vơ làm gì! Mau mau ra đòn đi!
Soạt một tiếng lại chém ngay sang phía tăng nhân, lúc này tăng nhân cũng không chịu nổi con người bướng kỳ cục này nữa, lập tức rút binh khí để trả đòn, Thượng Quan Linh thấy cây kiếm lành lạnh của tăng nhân, chàng mừng thầm và ngầm vái: Cầu trời cho ngọn kiếm kia là một bảo kiếm để giết nổi Thượng Quan Linh này, như thế mình sẽ đứng đón trước dưới đường cửu tuyền để chờ em Liễu Mi đáng yêu của mình... Nghĩ xong, chàng phưỡn ngay ngực xông nhanh tới phía mũi kiếm tăng nhân, nhưng tăng nhân nọ kinh người hoảng hốt!
Quả nhiên xưa nay chưa thấy ai đánh lối kỳ dị liều mạng như thế, tăng nhân kinh ngạc ý lên một tiếng vội thu ngay thế nhảy lùi ra sau.
Thượng Quan Linh hấp tấp đánh bừa vào, tăng nhân vội vung kiếm lên gạt, trong cơn tóe lửa ấy, Thượng Quan Linh nổi hứng, hét lên một tiếng tăng thêm công lực trên ngọn kiếm, lập tức vị tăng nhân bị bật ngay về sau mấy bước. Thượng Quan Linh bất giác thất vọng, chàng không ngờ công lực người này lại kém mình đến thế. Vậy làm sao có thể giết nổi mình? Chàng bất giác cúi đầu ứa nước mắt khóc cho tình cảnh đau khổ của mình...
Tăng nhân lấy làm lạ lùng, sao vị thiếu niên này sau khi đánh bật mình lại đứng khóc sướt mướt như vậy, bèn ôn tồn hỏi:
- Thí chủ thần lực cái thế vô song, bần tăng Bách Lỗ vô cùng khâm phục, dám hỏi thí chủ tôn danh đại tánh xưng hô ra sao?
- Nếu được vậy thì quí hóa quá! Nay tôi xin thuật rõ ngài hay vậy, nay tôi có người vợ chưa cưới đang hấp hối vì cơn bệnh tâm trí lao quá độ, nay đã hết hy vọng hồi sinh, mà riêng tôi không muốn sống đau khổ một mình trên trần gian, nhưng vì Tuyết bi tiên hoa tác quái, khiến tôi không làm sao chết theo ái thê, quả là một sự đau khổ vô ngấn trong tâm thần tôi!... Nay được thấy công lực ngài cao cường, tôi đã nghĩ ra được một kế, sẽ nằm ngửa ra và xin ngài cứ thẳng tay phát chưởng đánh mạnh vào ngực tôi, đến khi nào tôi chết thực sự thì thôi...
Bách Lỗ nghe xong, lắc tay lia lịa, và kiên quyết nói:
- Cửa Phật vốn từ bi, chỉ có cứu người, chứ tuyệt không bao giờ nghĩ cách để giúp người ta tự sát bao giờ.
Bách Lỗ cũng cho hay nay còn thuốc bên người, thử vào xem bịnh tình của nạn nhân xem sao, may ra còn có cơ cứu được chăng? Hai người vội vào ngay thạch động bên trong, Thượng Quan Linh đưa tay thăm mũi nàng Liễu Mi, thấy đã tắt hơi thở, nước mắt lã chã tuôn rơi, Bách Lỗ vội quì ngay xuống móc thuốc ra bỏ vào miệng Liễu Mi, bảo Thượng Quan Linh lấy ngay nước đến đổ ngay vào miệng nàng, hai người chờ mãi không thấy động tĩnh gì, Bách Lỗ khẽ tiếng rằng:
- Tôn phu nhân quả là vị quốc sắc thiên hương, nay gặp chuyện bất hạnh... tuy đã uống linh đơn của bổn sư môn, mà vẫn không hồi sinh được, xem ra duyên trần đã dứt, không còn thuốc gì cứu được nữa, nay thí chủ muốn chung tình quyên sinh theo ái thê, bần tăng quả thông cảm vô cùng, nhưng sức bần tăng không thể nào đạt đúng nguyện vọng của thí chủ... mong thí chủ lượng tình cho...
Thượng Quan Linh gào lên như bắt vạ rằng:
- Đại hòa thượng ngài tuy không thể cứu sống nàng, nhưng có thể khiến tôi chết được cơ mà! Sao ngài lại từ chối để nhìn sự đau khổ của tôi, thử hỏi như thế liệu có phù hợp với hai chữ từ bi không?...
Bách Lỗ biến sắc mặt... Thượng Quan Linh vẫn cố năn nỉ khá lâu, vị tăng nhân hình như bị cảm động, quả nhiên nhận lời rằng:
- Nếu thí chủ đã cương quyết đòi chết, bần tăng đành ra tay giúp thí chủ vậy, nhưng bần tăng cũng có một điều kiện, muốn thí chủ coi như là một cuộc trao đổi.
Thượng Quan Linh nghiễm nhiên rằng:
- Thưa đại hòa thượng, tại hạ nay đã quyết tâm chết đâu còn có thể giúp gì cho hòa thượng, sau khi chết, lại còn phải phiền đến hòa thượng lo cho vấn để hậu sự (việc mai táng), vậy ngài nói xem là điều kiện gì!
Bách Lỗ thở dài một tiếng, kính cẩn quì ngay xuống, mặt hướng về hướng Tây chắp tay rằng: Xin Phật tổ khoan dung đệ tử! Khoan dung đệ tử!
Khấn xong đứng ngay dậy, trang nghiêm nói rằng:
- Không giấu gì thí chủ, nay bần tăng biết trong sư môn còn một ước nguyện lớn lao chưa được thành tựu, đó là việc chạm tư dung của một Quan thế âm đại sĩ chỉ tại ngọc đẹp khó kiếm, thợ giỏi lại không có, nên sư môn đối với vấn đề này vẫn chưa đạt tới ước nguyện, nay bần tăng thấy diện mạo của vị nữ thí chủ đây, bỗng sinh ra một ý nghĩ kỳ lạ, khuôn mặt của nữ thí chủ đây, quả là một diện mạo trang nghiêm ung dung vô cùng, tư dung tuyệt sắc; và cũng vì chưa cưới nhau, chắc nữ thí chủ đây vẫn là đồng trinh, bần tăng nay trộm nghĩ, nếu được sư môn dùng thuốc đặc biệt tiêm nhiễm vào nữ thể, có thể giữ cho xác còn nguyên vẹn, đem chuyển ngay về Thiên Trúc, như thế sẽ có ngay một bức tượng đại sĩ hoàn toàn mỹ quan.
Thượng Quan Linh không thể nào ngờ rằng việc yêu cầu của Bách Lỗ lại như thế được... nếu quả di hài của Liễu Mi có thể vận chuyển sang miền Thiên Trúc và báo tồn muôn đời với thời gian và lại có hàng vạn ngàn tín đồ cung thờ chiêm bái như một bồ tát, kể cũng là một chuyện đáng kiêu ngạo lắm!
Suy nghĩ đắn đo một hồi, Thượng Quan Linh bằng lòng ngay với lời yêu cầu của Bách Lỗ tăng, và chàng yêu cầu vị hòa thượng này cũng đem di hài của mình vận chuyển ngay đi Thiên Trúc và cũng chiếu theo phương pháp giữ xác lại như Liễu Mi, nếu có thể, xin để chung cùng nơi với thi hài của nàng càng hay!
Sự yêu cầu của chàng, Bách Lỗ cân nhắc một hồi, rồi cũng nhận lời ngay. Bàn tính xong xuôi, Bách Lỗ hòa thượng chuẩn bị hành động, lúc này Thượng Quan Linh nằm thẳng băng dưới đất, bạch ngực ra, sẵn sàng hứng chịu các đòn chường nặng nể! Nhưng Bách Lỗ hòa thượng vốn là đệ tử của Phật môn, tâm địa từ thiện, nay phá giới để hạ độc thủ giết người như thế, trong lòng bỗng nao nao bất an, hai tay run rẩy và công lực không làm sao vận ra được.
Thấy vậy, Thượng Quan Linh cuống lên, chàng cố hối thúc Bách Lỗ mau ra tay!
Bách Lỗ bỗng như sực nhớ ra một chuyện, hỏi rằng:
- Ấy chết! Tí nữa thì hỏng chuyện, thí chủ phải nói rõ tên tuổi và quê quán ở đâu, để bần tăng còn có thể đọc kinh siêu độ cho thí thủ sau khi nhắm mắt an giấc chứ, có như thế bần tăng mới hòng tránh khỏi nghiệt tội chứ...
Thượng Quan Linh rằng:
- Tại hạ Thượng Quan Linh, vốn người Nhạc Châu ở tỉnh Tương...
Câu nói chưa dứt, chỉ thấy Bách Lỗ hòa thượng thất kinh rú lên một tiếng, vùng luôn hai tay ôm quàng ngay Thượng Quan Linh run lên rằng:
- Trời ơi! Em! Em!... Em của anh!
Thượng Quan Linh đờ người chẳng hiểu chuyện gì, rõ lạ lùng. Vị đại hòa thượng rõ ràng đang gọi mình là:
Em! Em... Em của anh.... Nhưng cả nhà mười mạng đã bị chết hết về ngọn Lãnh điện ti thủ của Tỉ Vương, mình đâu có một người anh hòa thượng như thế này?!
Bách Lỗ hòa thượng thấy em kinh ngạc nghi ngờ, lúc này bi thảm nói:
- Trời ơi! Em! Chắc em không nhận ra ngu huynh, anh là Thượng Quan Tứ đây, chính là anh của em, Thượng Quan Tứ đây!...
Câu nói này khiến cho Thượng Quan Linh tỉnh ngộ hẳn. Ôi chao! thì ra vị Bách Lỗ hòa thượng đây chính là con trai của lão bà bịt mặt Lỗ Yểu Nương và Bách Hoa Chúa, từ nhỏ được gửi nuôi tại nhà Thượng Quan, và mất tích trên mười năm trời.
Thượng Quan Tứ tuy không phải là con ruột của nhà Thượng Quan, nhưng vì từ bé đã được cha mẹ Thượng Quan Linh là Thượng Quan Thế Nhã và mẹ là Phương Xảo Linh hết lòng nuôi dưỡng, coi không khác như con ruột, nên Thượng Quan Tứ cứ tưởng mình là con của nhà họ Thượng Quan, nay gặp em là Thượng Quan Linh, bảo sao mà chàng không mừng điên lên cho được!
Thượng Quan Linh lúc này trăm mối ngổn ngang trong lòng, cất giọng run run rằng:
- Đại ca! Không ngờ lại gặp anh tại đây! Đáng lẽ em phải vui mừng lắm mới phải, nhưng tạo hoá khéo trêu người. Ai ngờ đâu anh em chúng mình lại gặp nhau trong hoàn cảnh này...
Thượng Quan Tứ xuất gia làm hòa thượng, lấy pháp hiệu Bách Lỗ, chính lại là húy danh của bố mẹ, chứng tỏ chàng tuy vào cửa Phật nhưng vẫn còn nặng lòng quyến luyến gia đình.
Lúc này vị Bách Lỗ Thượng Quan Tứ hấp tấp an ủi em rằng:
- Em chớ nên rầu rĩ bi ai vội, vị cô nương này đã là em dâu tương lai của ngu huynh, dù sao ngu huynh cũng ráng tận hết mọi năng lực để tìm phương cứu...
Vị hòa thượng lúc này đã khôi phục hết cảm tình của kẻ tục gia, tâm tư đều dồn hết cho người thân, tất cả cách xưng đều thay đổi hẳn, từ Thí chủ, Bần tăng chuyển sang Em và Ngu huynh, và rối rít lo cứu người em dâu.
Bách Lỗ vội ngồi ngay xuống sau khi khám kỹ cẩn thận, từ trong mình móc ra một lọ thuốc nhô, đổ ngay ra, đủ thứ linh đơn nằm trong lòng bàn tay, lanh tay lựa ngay mấy viên, giao cho Thượng Quan Linh dùng nước và chường lực ép ngay vào miệng Liễu Mi.
Khi ngón chỉ của Thượng Quan Linh đụng đến môi người yêu, chàng cảm thấy lạnh ngắt, trong lòng bất giác tuyệt vọng và nghi ngờ hỏi:
- Đại ca! Liệu còn cứu được không?
Bách Lỗ nghiêm nghị nói:
- Ngu huynh cũng không thể nào trả lời chắc chắn cho em được, vị cô nương đây tuy đã tắt hơi, nhưng vừa rồi ngu huynh đã nhận ra nàng còn chút sức nóng trong lòng, chứng tỏ nàng là người sẵn công lực, nay không cam tâm nhắm mắt về thế giới u minh, nên đã cố gắng duy trì sức sống cho đến lúc cuối cùng, nên vẫn còn chút hiện tượng của sự sống. Nay ngu huynh đã dùng thứ linh đơn độc đáo của sư môn là truy hồn chuộc mạng cho nàng uống, nhưng vẫn chưa thể nào giúp nàng được, nếu nàng còn được chút linh minh nào, có thể biết mà vận hóa sức thuốc thì thần hiệu của linh đơn sẽ giữ nguyên được nội tạng của nàng trong bốn mươi chín ngày không bị hủ hóa. Ngu huynh sẽ tận lực hộ trì đem nàng về ngay sư môn bên Thiên Trúc, cầu xin với thầy của ngu huynh, để dùng nội qui pháp trong Vô Tướng thần công để cứu sống mạnh nàng... nhưng không biết sức nàng có thể hóa thuốc không, hoặc ngu huynh có thể đưa về kịp Thiên Trúc, và Vô Tướng thần công liệu có thể cứu nổi, tất cả đều thành vấn đề gay go và chưa biết sao mà đoán được!
Thượng Quan Linh nghe Bách Lỗ nói xong, trong lòng càng đắm ra bần thần, Thượng Quan Linh đưa ngay tay lên ngực Liễu Mi quả nhiên vẫn còn hơi nóng, mà hình như càng lúc càng tăng dần thêm, một tia hy vọng lại nổi lên trong lòng Thượng Quan Linh, chàng vội cho Bách Lỗ hay, Bách Lỗ khám kỹ, sắc mặt cũng vui mừng hẳn, và cho hay tình hình có hy vọng lắm, nhưng giờ đây vẫn chưa tiện di động thân thể nàng, phải kiên tâm chờ cho sức thuốc tan khắp trong cơ thể của nàng, và ít nhất cũng phải mất mấy tàn nhang, chừng đó mới tiện bề chuyên trình di chuyển nàng về Thiên Trúc để cứu trị!
Hai anh em lo ngồi chờ đợi, và giở ngay lương khô ra ăn uống và kể các chuyện xảy ra của nhau cho dối phương nghe.
Bách Lỗ bèn thuật về đời mình sau khi được trưởng thành trong gia đình họ Thượng Quan, không biết gì về thân thế bí mật của mình vẫn tưởng đâu Thượng Quan Thế Nhã là cha và Phương Xảo Linh là bố mẹ thân sinh ra mình. Trong khi được nuôi nấng tại gia đình họ Thượng Quan, Bách Lỗ đã hấp thụ được một sự gia giáo tốt đẹp và vợ chồng Thượng Quan Thế Nhã coi Bách Lỗ cũng như con ruột, các người trên dưới trong nhà đều xưng hô bằng Đại công tử cho ăn học tử tế và lúc ấy Bách Lỗ đã tính sau này học xong sẽ ra làm quan.
Bỗng trong một cơ hội ngẫu nhiên, chàng phát giác về thân thế của mình có vẻ ly kỳ, bèn trực tiếp hỏi ngay mẫu thân là Phương Xảo Linh, và chính dưỡng mẫu Phương Xảo Linh cũng kể rõ mọi sự cho Bách Lỗ!
Thượng Quan Tứ (Bách Lỗ) lúc này mới rõ mình quả thật không phải là người của nhà họ Thượng Quan, cha mình là Bách Hoa Chúa đã qua đời, mẹ là Lỗ Yểu Nương còn sống trên thế gian. Khi ấy, Thượng Quan Tứ muốn đi gặp mẹ ruột, nên đã lén bỏ nhà ra đi, với tấm thân yếu đuối của thư sinh, chàng bắt đầu phiêu bạt lang thang trên giang hồ, từ Nhạc Châu khởi trình đi về xứ Ai Lao Sơn của tỉnh Vân Nam.
Nào hay định mạng chàng thư sinh long đong vất vả, trên dọc đường gặp ngay các bại loại giang hồ hãm hại, bị bắt cóc và đem bán cho người ta làm nô lệ, sau nhiều đợt đổi chủ trong hai năm trời Thượng Quan Tứ đã bị bán làm nô lệ tuốt sang xứ Thiên Trúc!
Khi đó chàng đã ba mươi ba tuổi, nhưng định mệnh vẫn éo le, khiến cho vị quí công tử đã tiều tụy thảm thương như que củi. Chàng tự hận với tấm thân yếu đuối của kẻ thư sinh, nên không sao thoát khỏi một vận mạng bi thảm của hoàn cảnh, chỉ còn cách chịu đựng và tin tưởng vào một ngày kia sẽ nở mặt với đời.
Cuối cùng, đến năm Thượng Quan Tứ được ba mươi lăm tuổi, định mạng bắt đầu chuyển hướng hẳn.
Nhà vua Thiên Trúc vốn là tâm hướng về Phật, ngài đã chuộc có trên một ngàn hai trăm nô lệ của các xứ bị bán, rồi gửi hết vào các ngôi chùa chiền lớn nhỏ của cửa Phật, trong số đó, Thượng Quan Tứ là người có duyên may mắn được vào nơi tịnh xá ở Bàn Na Tha tại thượng du sông Hằng Hà, để làm những công việc quét dọn nhà chùa.
Từ đó, Thượng Quan Tứ bắt đầu sống cuộc đời an thân với những công việc nhẹ nhàng, dần dà chàng đâm mến thích cảnh sống của nhà chùa, lúc này chàng cũng đã hiểu tiếng Phạn, khi các cao tăng giảng kinh thuyết pháp, Thượng Quan Tứ đều chăm chú nghe, dần dần chàng đâm ra thích thú phật pháp và tận tâm để tìm hiểu.
Chàng bắt đầu dùng Hán văn để ghi chép lại những ý nghĩa để học.
Lại một cơ hội ngẫu nhiên nữa đưa tới, đó là vị chủ trì của tịnh xá Bàn Na Tha là Bảo Nghiêm pháp sư được xem quyển ghi chép pháp học của Thượng Quan Tứ.
Bảo Nghiêm pháp sư là người đã nối nghiệp Minh Quang đại sư, thuộc bậc hậu bối kỳ tài, học vấn uyên bác, Hán học thâm sâu, sau khi xem quyển ghi chép của một nô công người miền Trung thổ, thì ra là người tinh thông Lão Nho, càng hiếm thấy là đối với Phật giáo, chàng đã đến mức độ đăng đường nhập thất, đã có một sức hiểu biết siêu việt.
Bảo Nghiêm pháp sư vô cùng sung sướng, và đã phá lệ thường để đề bạt tên nô công miền Trung Thổ này lên trong hàng ngũ đệ tử.
Thượng Quan Tứ sau khi kể rõ thân thế và tỏ rõ quyết lòng xuất gia, Bảo Nghiêm pháp sư đã thân hành thí độ cho chàng, và để kỷ niệm song thân, đã lấy pháp hiệu là Bách Lỗ.
Bách Lỗ sống tại dị quốc suốt năm năm liền, trong thời gian ấy, Bảo Nghiêm đã đào tạo cho Bách Lỗ trở nên một vị tinh thông Phật pháp, một cao tăng hiếm hoi, đồng thời trên người cũng đầy đủ tuyệt nghệ của một nội gia cao thủ .
Mãi năm Bách Lỗ bốn mươi tuổi, bỗng một hôm, Bảo Nghiêm đại sư hỏi môn đồ có nhớ quê hương không?
Bách Lỗ không dám giấu sư tôn, đành thành thật khai vẫn còn nhớ.
Bảo Nghiêm pháp sư mỉm cười, dặn ngay Bách Lỗ đêm vắng hãy vào thiền phòng để yết kiến, đêm đó, hai thầy trò cùng ở trong mật thất, Bảo Nghiêm bèn kể về chuyện bốn mươi năm trước về cuộc hành trình tìm thuốc cứu thầy của hai sư huynh Tả Pháp Thụ tôn giả và Hữu Duy Na tôn giả. Rút cục hai mươi năm đã mãn hạn, Minh Quang đại sư chờ hai môn đệ không thấy về, sau khi bói đoán quẻ, biết hết hy vọng, bèn hạ lệnh cho Bảo Nghiêm lên nắm quyền chưởng y bổn, rồi Minh Quang đại sư từ trần sau đó.
Kể từ ngày hai sư huynh ra đi, đã bốn mươi năm trời trôi qua, nhưng tin tức hai người đều bặt vô âm tín. Bảo Nghiêm pháp sư, quyết ý truy xét về vụ mất tích này của hai sư huynh, nhưng phần vì mắc công việc chủ trì nhà chùa, không thể nào rời thân ra đi miền Trung Nguyên, tính chọn các sư đệ và tăng thống, nhưng không có nhân tài nào có thể đảm đương trọng thác này.
Mãi đến khi Thượng Quan Tứ đã thí phát xuất gia, và mất năm năm trời để nhận xét, Bảo Nghiêm đã hài lòng, nhận định Bách Lỗ là người có thể lo trọng thác của mình là tìm thăm tin tức của hai sư huynh.
Sau khi thầy trò tâm sự và thoả thuận đồng ý, một chuyến đi Trung Nguyên được quyết định ngay!
Với Bách Lỗ, duyên trần chưa dứt, thường vẫn quyến luyến mẹ là Lỗ Yểu Nương, và càng nhớ dưỡng phụ dưỡng mẫu, chuyến về Trung thổ đây, công tư đều kiêm tiện và lý tưởng. Mãi cuối năm vừa qua, Bách Lỗ mới tới Trung Thổ, và Bách Lỗ quyết ý thăm tin mẹ ruột trước.
Trong tình cờ, Bách Lỗ gặp Tỉ Vương, phát giác Bách Lỗ là tay cừ giỏi, Tỉ Vương tính thu dụng dưới trướng mình, sau vô tình lại được biết thân thế của Bách Lỗ, biết là con trai của lão bà bịt mặt, Tĩ Vương không muốn mẹ con lão bà đoàn tụ, nên đã cố ý đánh lạc hướng manh mối, báo hại cho Bách Lỗ hòa thượng bôn ba vất vả đi tuốt sang miền Tây Tạng, dĩ nhiên là toi công hao lực.
Trái lại Tỉ Vương từ trong miệng Bách Lỗ đã dò được khá nhiều chuyện và tình hình ngôi tịnh xá ở Bàn Na Tha và sự chấp chưởng y bổn của Bảo Nghiêm pháp sư vô tình đã thành những tài liệu quí báu cho Tỉ Vương, nhờ vậy, Tỉ Vương mới bắt bí Tả Pháp Thụ tôn giả vào phe mình để tăng cường thế lực, nên trong cuộc thịnh hội tại Bách Linh Thánh Tự Thanh y sứ giả đã ngang nhiên tiết lộ bí mật về chuyện của Tả Pháp Thụ, khiến cho vị Thiên Trúc ác tăng còn chưa hoàn thành sứ mạng của sư môn và đã hại chết sư đệ Hữu Duy Na, khó mà chuộc được trọng tội! Nhất là sau khi được biết sư môn bên Thiên Trúc đã cho người ra truy tung tìm tích, lòng dạ của Tả Pháp Thụ càng hoang mang hoảng sợ, và đã hết lòng lo bám vào thế lực của Tĩ Vương để nhờ vả sau này.
Bách Lỗ sau khi bị Tỉ Vương đánh lừa đi Tây Tạng, không thu được kết quả gì, đành quay về Phòng Sơn của Ngạc Bắc để dò tin về Tuyết bi tiên hoa và nhị vị sư bá! Nhưng dưới xác con tích long nào có tiên hoa gì đâu.
Đang lúc bàng hoàng, lại gặp Thượng Quan Linh xuất hiện.
Nay trong thạch động của Đại Ngũ Trì, Bách Lỗ hòa thượng Thượng Quan Tứ kể hết mọi sự tình cho em là Thượng Quan Linh nghe.
Biết tiên hoa em mình đã may mắn được hưởng, Bách Lỗ hòa thượng vui mừng khôn tả, rồi câu chuyện bắt sang hỏi về tin tức của mẹ là Lỗ Yểu Nương, và dưỡng phụ mẫu Thượng Quan Thế Nhã và Phương Xảo Linh, và hai sư bá Tả Pháp Thụ, Hữu Duy Na.
Câu hỏi này khiến cho Thượng Quan Linh ngẩn người đớ họng khó trả lời. Mắt nhìn người đại ca, vẻ bối rối, nhưng vốn là người thật thà, Thượng Quan Linh cứ y thực kể lại đầu đuôi!