Hận Thư Sinh lúc này đứng cạnh lạnh lùng cười rằng:
- Này Vân Cư Sĩ lão huynh! Tội tình gì ngài phải mệt lòng khuyên can thế làm gì, Liễu lão gia người ta dù sao cũng là ông chủ của một bang phái lừng danh, đâu có thể nào để cho người khác khinh khi như thế được, vậy xin lão huynh cứ việc để yên cho lão gia người ta cho những kẻ hỗn láo một bài học cho đích đáng... Hơn nữa, tôi nhận thấy quá đông người cũng đâm rầy rà chuyện, nếu rút bớt thêm người đi, may ra lại còn dễ làm việc là khác!
Trong câu nói này chẳng qua chỉ muốn khuyên ngăn Vân Cư Sĩ hãy tọa sơn quan hổ đấu (ngồi trên đồi xem hai cọp tương tranh), diệt bớt được tên Bắc kiếm Phổ Côn đi cũng hay! Và tình hình như vậy thế nào cũng có lợi, nên Hận Thư Sinh muốn càng ít người tham gia vào vụ này càng hay, chỉ riêng Gia Cát Dật và Liễu Mi không hiểu họ ngấm ngầm tiến hành chuyện gì không biết!
Trong lúc này Gia Cát Dật và Liễu Mi chỉ biết là bốn phái này đang hợp mưu kế bắt một người, rồi dùng người này để nhử thêm một người khác nữa, hình như võ công của người bị nhử ấy cao cường lắm thì phải, không sao họ phải tính giấu kỹ lưỡng con tin để bắt chẹt đối phương phải phục tùng theo ý của họ. Nhưng không biết nhân vật sắp bị bắt đây là ai? Và cả người sẽ bị nhử ra mặt ấy là ai? Và nhất là mục đích chủ yếu của họ tính làm gì? Gia Cát Dật và Liễu Mi đành chịu, họ không đoán ra được một chi tiết mảy may nào cả, và trong suốt câu chuyện của họ không thấy đề cập đến những bí ẩn bên trong của vấn đề.
Chỉ thấy Vân Cư Sĩ xoa tay rối rít ra lệnh cho các tăng lữ do Hải Không dẫn đầu, giơ hết thiền trượng và phất trần chen ngay vào giữa đứng, để tránh cho hai phái khỏi xung đột.
Bắc kiếm Phổ Côn lạnh lùng:
- Vân Cư Sĩ! Ngươi có ý gì vậy? phải chăng muốn ép chúng tôi giao tranh với các người đây?
Vân Cư Sĩ vội lắc tay rằng:
- Xin Bắc kiếm Phổ Côn hãy nghe tôi nói, bốn phái chúng ta hợp tác với nhau, tuyệt không thể nào bớt đi được một phái nào, vì sắp sửa có đại kình địch đến ngay bây giờ đây. Nay chúng mình nổi loạn như thế này, chẳng là một cơ hội cho chúng nhân dịp ra tay trừ bớt lực lượng của cánh mình đó sao! Và một khi chúng mình bị yếu thế, quyết không phải là đối thủ của họ nữa!
Thấy lời nói nghiêm trọng như thế, cả đôi bên bất giác kinh ngạc, Hận thư sinh Hoàng Kha bất giác hỏi rằng:
- Thế Cư sĩ lão huynh vừa nói nhân vật kình địch ghê gớm nào sắp đến, kẻ đó là ai vậy?
Vân Cư Sĩ rằng:
- Nói ra thế nào các ngài cũng biết ngay sức lợi hại của người đó! Chúng tức là người trong Ma Cung trên Vô ảnh phong của Cửu Lãnh Sơn, và cả vị vương của Lãnh điện tỉ thủ!
Câu nói này vừa thoát ra, quả nhiên thu được hiệu quả ngay. Trong Phi Các ma cung trên Vô ảnh Phong, bốn tên cao đồ đệ của Độc Ma, và tăng thêm vị vương của Lãnh điện tỉ thủ, và một lão bà bịt mặt không biết tên, không ngờ những thanh danh này đã khiến cho kẻ kiêu ngạo như Bắc Kiếm và Bang chủ của Thanh Thông Hội kinh ngạc bất an. Thế là đôi bên xìu ngay hào khí, ai nấy ngồi ngay xuống vị trí của mình, không nói không rằng gì với nhau.
Vân Cư Sĩ lại lên tiếng:
- Ba ngài nên biết cho rằng: tại sao tôi phải mời ba ngài đến đây? Các ngài thử nghĩ, tôi biết rõ tung tích của người này ở đâu hẳn hoi, tại sao một mình tôi không ra tay, mà phải đi mời đến ba vị cùng ra tay chung sức như thế? Chẳng qua chỉ vì khi tôi lên đường đi Nhữ Nam, thì trên Vô ảnh Phong đã được tin tức, và họ không biết tung tích người kia ở đâu, nhưng lại biết người này liên quan đến việc trọng đại, chỉ có tôi là người tạm biết chút manh mối, và cũng biết chuyến đi Nhữ Nam này của tôi là vì chuyện này, và ngay sau đó Độc Ma phái người thông báo cho tôi biết, nói là sau khi tìm ra được người thiếu niên này, lập tức đưa ngay về Cửu Lãnh Sơn Vô ảnh Phong ngay, và Độc Ma sẽ có trọng tạ sau, còn nếu không, năm thầy trò của Phi Các tiên cung và kẻ nổi danh gần đây trong giang hồ là Lãnh Tỉ bang chủ, họ sẽ cấu kết với nhau để đối địch với tôi! Tôi nhận biết sức của mình không sao chống nổi họ, nên mới nghĩ đến mời ba phái các ngài để hợp tác! Vậy mong rằng chúng ta nên đoàn kết chung sức với nhau, tìm cho ra thiếu niên nọ, đồng thời còn phải lo sự phá rối của Độc Ma. Theo tôi nghĩ, sự săn tin của Độc Ma vô cùng bén nhọn, chưa biết chừng bây giờ y đã đến đây rồi cũng nên...
Sau câu nói này, khiến cho các người trong ba phái cảm thấy nơm nớp lo sợ, ai nấy đưa mắt ngó quanh quất!
Gia Cát Dật và Liễu Mi không dám động mạnh, nên may mắn không bị họ phát giác. Mọi người chỉ cảm thấy tứ bề u tịch, gió rờn rợn từng hồi, ánh đuốc chập chờn chiếu vào các thân cây càng tạo hẳn cảnh rùng rợn khắp xung quanh.
Liễu Khải quả không hổ danh là một phái tôn sư, chỉ thấy lão đột nhiên cười lên hào phóng rằng:
- Rõ thật Vân Cư Sĩ đa nghi quá, đâu có người nào đâu? Nếu quả họ đến, với sức lực của bốn phái chúng ta hợp nhau lại, lo gì không đánh cho chúng một trận tan tành không còn manh giáp dính thân?
Mọi người nghe xong lập tức khôi phục ngay lại tinh thần của mình, Hận thư sinh Hoàng Kha rằng:
- Chuyện này phải trách Vân Cư Sĩ hành sự không được cẩn mật, làm sao lại để đến nỗi tin tức lọt ra cho Độc Ma biết như thế?
Vân Cư Sĩ rằng:
- Chính thế! Vụ này quả thật do Cửu Thiên Tự chúng tôi đã làm lẫn lộn, trong lúc thiếu niên ấy từ miền Bắc xuôi Nam, chẳng bao lâu chúng tôi đã điều tra ra thân phận của hắn, bèn dùng kế lừa hắn vào tròng, đem nhốt tại Cửu Thiên Tự, và thông báo ngay cho Ma Cung trên Vô ảnh Phong, Độc Ma phái ngay Đinh Hãm và Đinh Phá đến, và một hôm, tôi không có mặt trong tự, thiếu niên ấy đã cùng một thiếu niên khác trốn đi khỏi Cửu Thiên Tự.
Liễu Mi cảm thấy câu chuyện này hình như đang ám chỉ đến việc Hầu Hạo.
Bỗng Bắc kiếm Phổ Côn lạnh lùng lên tiếng rằng:
- À ra ngài sợ địch không nổi đối phương, nên sau khi bắt được tên thiếu niên ấy đã lập tức báo ngay cho Độc Ma hay, như thế chứng tỏ ngươi đã hợp tác chặt chẽ với họ? Hèn gì người ta có quyền sai khiến ngươi phải giao con tin cho người ta! Hà! hà! Nhưng sao bây giờ ngươi lại bội phản người ta và quay lại hợp tác với chúng ta?
Vân Cư Sĩ ung dung giải thích rằng:
- Từ khi thiếu niên trốn thoát, phía Vô ảnh phong quả nhiên không bằng lòng, bắt Cửu Thiên Tự chúng tôi phải tìm nhanh cho ra, sau Xích Diệm đại sư đến cùng Pháp Không, Hải Không đuổi theo đến địa giới Tương Chương, thấy ngay thiếu niên cùng đi chung với hai thiếu nữ, hình như là đi Mặc Phụ Sơn, nếu hắn đến được Mặc Phụ Sơn thì khó lòng mà bắt được, nên đã ra tay bắt ngay giữa đường đem về, nhưng giữa dọc đường hắn lại tẩu thoát mất, và không biết tung tích hắn ở đâu, mà con chim ưng của Mặc Phụ Sơn bay đến cửu Thiên Tự tìm không ra thiếu niên nọ, nó đập phá tan tành chịu không nổi, may nhờ tôi đến kịp lúc, và lừa cho nó uống Bách hoa hương trà, nhờ vậy mới độc chết được nó. Tôi cũng thừa biết chim này bị chết, thế nào Mặc Phụ Sơn cũng không chịu cam lòng, và các tăng lữ ngay đêm đó lo rời Cửu Thiên Tự, và chia nhau ra các ngả đi tìm thiếu nữ. Sau tôi gặp lại người của Vô ảnh Phong là Đinh Hủy, Đinh Phá, và tả diện mạo của thiếu niên cho chúng tôi biết, mới hay xích Diệm đại sư bắt thiếu niên đó, thì ra tên thiếu niên nọ đã từng lên Cửu Lãnh Sơn và Vô ảnh Phong, nhưng vì anh em Đinh Hủy và Đinh Phá không biết nên mới để thiếu niên thoát. Sau thì tôi nói rô chuyện này, Đinh Hủy Và Đinh Phá vì cả tức lẫn thẹn, tính giết ngay tôi cho hả dạ, sau chúng lại hạ lệnh tho tôi đem tội chuộc công, phải mau mau tìm cho thiếu niên ấy rồi đưa ngay lên Vô ảnh Phong. Nên sau khi tôi biết rõ hành tung của thiếu niên, nghĩ hợp tác với chúng không ích lợi gì, nên mới quay sang hợp tác với quí vị...
Quả nhiên lời giải thích khiến cho mọi người cũng cảm thấy hơi hài lòng, và cả hai người đang nghe lén là Gia Cát Dật và Liễu Mi bắt đầu thất kinh trong bụng, rõ ràng người thiếu niên mà họ đang nói ấy chính là Hầu Hạo, và cũng chính là người mà hai người đang mong tìm gặp, nhưng không biết Vân Cư Sĩ nói là biết tung tích của thiếu niên, nhưng không nghe nói là ở đâu, chỉ nghe nói là gần đâu đây! Mọi người trầm lặng một lúc, bỗng Hận thư sinh Hoàng Kha rằng:
- Vậy Vân Cư Sĩ lão huynh còn gì thắc mắc và khó khăn nữa? Không thì chúng ta nên ra tay sớm cho rồi, nghĩa là chúng mình nên đem ngay thiếu niên ấy rời ngay đi, miễn cho cảnh đêm dài thường gặp mộng ác!
Liễu Khải rằng:
- Theo lao phu cũng nên mau mau ra tay cho rồi, không thì những tên hôi hám trên Vô ảnh Phong xuống quấy phiền, hoặc chúng phỗng mất tay trên thì hỏng chuyện hết.
Bắc kiếm Phổ Côn cũng tán thành rằng:
- Chúng ta cứ hành động ngay cho chắc chắn đi! Bắt ngay thằng nhỏ đi và do Vân Cư Sĩ dẫn đường!
Vân Cư Sĩ rằng:
- Khoan! Khoan! Xin quí vị hãy nghe lời giải thích khó khăn của tôi, chuyện này còn nhiều lôi thôi khó khăn lắm!
Ba người cùng ngạc nhiên ngó Vân Cư Sĩ, Bắc kiếm Phổ Côn lạnh lùng lên tiếng ngay:
- Sao? Bộ lại muốn múa rối trò gì chăng?
Vân Cư Sĩ rằng:
- Thằng nhỏ đó nghe đâu thần lực của nó dũng mãnh vô cùng, vì nghe trong Tứ hung của Vô ảnh Phong là Tam hung Đinh Hủy, trời sinh thần lực, nhưng thằng nhỏ này cũng không kém gì Đinh Hủy. Còn một chuyện lạ nữa là trong những ngọn tóc của hắn, chính lại là nguồn gốc của thần lực, nếu cạo hết tóc của nó, tất cả công lực của nó đều bị mất hết. Nên kỳ Xích Diệm đại sư bắt nó, trong lúc vô tình gọt mất tóc hắn nên mới bắt được, nhưng thằng nhỏ này cũng lắm cơ mưu, tuy hắn đã mất công lực, nhưng dọc đường hắn vẫn tìm đủ mọi cơ hội và rút cục lại tẩu thoát. Mãi đến bây giờ, theo tôi đoán, hắn đang trốn loanh quanh đâu trong núi này, và hình như hắn đang đột nhập chung vào với bọn khổ lực (cu li làm công), vì ngọn núi này vốn là một mỏ đồng lớn, công nhân trên mỏ gồm có đến năm sáu trăm người, và những công nhân này suốt ngày đêm đều làm trong mỏ, tóc tai tên nào cũng cụt ngắn, quần áo lem luốc. Tất cả gần như na ná giống nhau, nếu muốn tìm được thằng nhỏ ấy trong đám người khổ lực năm sáu trăm người này, đâu phải là chuyện dễ dàng gì?
Mọi người nghe nói, quả nhiên công việc khó khăn, bỗng Bắc kiếm Phổ Côn thốt ra một tiếng giết! Nhưng lập tức nghĩ ngay là thiếu niên cần phải bắt sống, mà giết hết đám khổ lực trong mỏ cũng không phải cách và chẳng bổ ích gì!
Mọi người bóp óc suy nghĩ, chưởng môn của phái Điểm Thương là Hận thư sinh Hoàng Kha, lại hiện ngay nét mặt buồn rầu đặc sắc của mình, luôn luôn thở dài!
Vân Cư Sĩ lại thêm lời rằng:
- Bây giờ chúng ta chỉ có mỗi một cách là giữ ngay lối ra vào của cửa mỏ, vì mỏ đồng này chỉ có mỗi một cửa ra vào duy nhất này mà thôi, có được thế, người của Độc Ma mới khỏi lọt vào trong, nhưng cũng phải phái ngay người tìm kế gì, vào trong bắt ngay thiếu niên ra! Như thế mới là thượng sách!
Thanh Thông bang chủ Liễu Khải khẽ vuốt râu lắc đầu tỏ ra không có ý nghĩa gì. Bắc kiếm Phổ Côn ngước đầu nhìn trời suy nghĩ, Hận Thư Sinh thở dài liên miên. Còn vị nấp trên cây là Gia Cát Dật và Liễu Mi đang nghĩ làm cách gì để tránh mắt mấy người này để vào trong mỏ tìm Hầu Hạo, hai người đều đoán được rằng, Hầu Hạo nay đã trốn trong mỏ, chắc thế nào cũng chờ đợi cơ hội đến để đào tẩu, đồng thời cho tóc mình mọc dài để khôi phục thần lực. Nếu hai người vào được trong mỏ, Hầu Hạo thế nào cũng ra tiếp kiến ngay, trái lại người khác vào, thế nào Hầu Hạo cũng lẻn vào trong đám đông khiến không ai phân biệt được đâu là thật với giả.
Thời gian đã quá nửa đêm, nhưng bốn thủ lãnh của bốn phái vẫn chưa nghĩ ra được một mưu kế gì, đám thủ hạ lo ngồi ngủ gật dưới đất!
Liễu Mi lúc này nhẹ tiếng nói nhỏ với Gia Cát Dật rằng:
- Thưa sư thúc, tiểu nữ phải xuống dưới đây, vậy phiền ngài ngấm ngầm lo trợ giúp cho tiểu nữ.
Gia Cát Dật chưa kịp ngăn cản hành động của nàng, Liễu Mi đã bay vèo xuống nhẹ như một tàu lá, gót sen chạm mặt đất không một tiếng động. Mọi người trước cửa núi thất kinh! Tưởng đâu người của Vô ảnh Phong đã đến, hồn bay phách lạc, tuốt ngay khí giới ra, và hấp tấp vây quanh lại! Đến khi biết rõ kẻ đến chỉ có mỗi một người, khi đó mọi người mới yên tâm, thấy kẻ đến không có kiệu sàng cũng không có quái trượng, rõ ràng đâu phải là Độc Ma hay lão bà bịt mặt bí mật! Ai nấy lại trở về trạng thái bình tĩnh của mình!
Bắc kiếm Phổ Côn lên tiếng rằng:
- Kiên con! Lại xem coi là ai?
Phổ Kiên tuân lời cha, vù một tiếng tung mình ra, rút ngay cây kiếm, nhoáng lên một đường ánh quang! Lên tiếng quát hỏi rằng:
- Kẻ đến là ai?
Phổ Kiên chưa dám lỗ mãng vội, chỉ thấy hắn đứng cách Liễu Mi có gần trượng, và đưa mắt nhìn đối phương!
Liễu Mi đã có kế trong bụng, nàng đưa tay lên giở ngay chiếc khăn vuông trên đầu xuống, đồng thời bật tiếng cười lên, một mái tóc óng mượt xõa ngay vai.
Nàng bước lên vài bước, ánh đuốc chiếu rõ khuôn mặt của họ, lúc này chàng Phổ Kiên gần như không tin nổi đôi mắt của mình đây lại là vị thiên kim tiểu thư tuyệt sắc gái giả trai như thế! Khi nhìn kỹ xong, cây kiếm từ từ buông ngay xuống đất, đổi giọng ôn hòa rằng:
- Dám hỏi cô nương... cô là ai vậy? Và đến đây có việc gì?
Liễu Mi lanh lảnh rằng:
- Tôi đến tìm phụ thân tôi!
Phổ Kiên lại hỏi:
- Lệnh tôn của cô nương là ai?
Liễu Mi bực mình:
- Mắc mớ gì đến nhà ngươi?
Phổ Kiên nghĩ bụng, rõ vô lý thật, con gái nhà ai đêm hôm lại đây đi tìm cha, hỏi còn không chịu nói, rõ kỳ dị thật. Chàng tính lên tiếng chất vấn thêm, nhưng thấy thiếu nữ bỗng lại bước gần lên vài bước, sắc mặt tuyệt đẹp của thiếu nữ khiến cho Phổ Kiên không dám nhìn thẳng vào nhãn tuyến của nàng.
Nhưng phổ Kiên cũng rạo rực trong tâm hồn không ít, nghĩ thầm trong bụng dưới vòm trời này sao có người đẹp đến thế kìa. Nhưng tiếc cái hơi đanh đá một tí, nhưng chàng chợt lạnh người khi nghĩ rằng không biết nàng là loài yêu tinh gì tu luyện lâu năm thành đạo, biết hóa thành gái đẹp đến chọc ghẹo người đây chăng? Nhưng chàng lơ là không lý, và lập tức sinh ngay hảo cảm với người đẹp, lúc này chàng chỉ chăm chăm nhìn đối phương, cây kiếm trên tay không làm sao nhấc lên nổi, thậm chí cả đến lớn tiếng quát hỏi cũng không nỡ. Lúc đó bốn thủ lãnh của bốn nhóm thấy con trai của Bắc Kiếm chưa về báo lệnh, ai nấy giương cổ ra nhìn.
Liễu Mi bỗng nhiên lớn tiếng gọi rằng:
- Cha ơi! Cha!... Cha ơi!...
Bên kia Liễu Khải, chủ bang Thanh Thông Hội nghe tiếng quen tai vội lên tiếng rằng:
- Liễu Mi! con cưng của cha đó ư? Sao con tới đây làm gì vậy? - Vừa nói vừa hấp tấp bước lại.
Liễu Mi thấy cha già bước lại, càng chạy lại ôm chầm vào người cha, liến thoắng nói rối rít rằng:
- Thưa cha, con vừa tính về nhà, nhưng khi tạt ngang đây, nghe có tiếng người lao nhao, mà trong này có tiếng nói của cha, nên con mới tìm đến - Nói tới đây nàng trở ngay giọng nũng nịu rằng: - Cha!... Cha đến đây làm gì vậy, sao không ở nhà với má con mà đến nơi rừng rú hoang vu này làm gì? . . .
Phổ Kiên đứng ngoài, chuyện này mới lạ lùng làm sao con gái đêm khuya chạy ra đây thế này, gặp cha mà lại còn hung hăng trách cha như thế, xem cô bé này vừa đẹp lại vừa làm nũng một cách đáng yêu thật! Trên giang hồ ai cũng nghe nói hai chị em sinh đôi của nhà họ Liễu cô chị lẳng lơ dâm tà, cô em đứng đắn chanh chua, nhưng chắc cô này là cô em đanh đá nổi tiếng trên giang hồ đây. Rõ đúng là nghe danh không bằng thấy mặt!
Phổ Kiên lúc này đã điên đảo vì sắc đẹp của Liễu Mi, chàng chỉ cảm thấy cô bé này không một chỗ nào là không đáng yêu, và chỗ nào cũng đáng thích cả...
Phải biết rằng bang chủ của Thanh Thông Hội vốn không có con trai, bình sinh nuông chiều hai cô con gái như hai viên ngọc quí trên tay, dù cho cô lớn tiếng xấu vang khắp trên giang hồ, chỉ dám nói thầm nói lén xấu sau lưng lão, đâu có ai dám nói trước mặt Liễu bang chủ là con gái lớn của lão tà dâm đâu! Lão mà nghe được lại không đuổi đến chân trời góc biển để giết cho bằng được mới thôi ấy à? Vì được cha nuông chiều quá, cô gái lớn càng được thể phóng túng tính tà dâm của mình!
Lúc này Liễu Khải thấy con gái út mình, không khác nào như đi trong đêm tối vừa bắt được hột dạ minh châu, lão ôm lấy con gái vào lòng cười ha hả, đối với những lời trách của con gái Liễu bang chủ chẳng để tâm làm gì, trái lại nghe càng khoái tai lắm!
Liễu Khải bảo:
- Thôi con gái hãy qua đây nghỉ ngơi với cha, trời lạnh coi chừng bị cảm đấy! - Nói xong bèn cởi luôn áo bào bên ngoài choàng lên thân Liễu Mi rồi đưa nàng đến cửa núi.
Thanh Thông bang chủ bèn giới thiệu con gái mình cho mọi người biết, và Liễu bang chủ không quên nhấn mạnh vào điểm: Đây là tiểu nữ thứ!, hình như lão cũng ngầm biết là hạnh kiểm của đứa con gái lớn mình không được đẹp cho lắm, nên sợ thiên hạ coi rẻ con gái út Liễu Mi của mình!
Đại danh của Liễu Mi đã vang khắp trên chốn giang hồ, nay được thấy sắc đẹp của nàng, dưới ánh đuốc như thế, một vẻ đẹp nghiêm trang, khiến ai ngó cũng phải mến thích ngay, và tất cả những người có mặt tại đây không ai lại không mến thích nàng!
Thuộc hạ của Bắc Kiếm là Tư Đồ Cống, từng nếm qua lợi hại của nàng Liễu Mi, uất hận vẫn còn trong lòng, nhưng trường hợp đây không tiện làm ngơ, đành cúi mình làm lễ ra mắt. Liễu Mi thấy vậy bật cười rằng:
- Ha ha! Vị sơn vương mất râu hôm nay cũng có mặt tại đây cơ à?
Khiến cho mặt Tư Đồ Cống đỏ bừng lên vì thẹn.
Thuộc hạ của Vân Cư Sĩ là Hải Không đại sư, Liễu Mi vốn không lạ gì người này, nhưng vì trong lúc nàng ra tay giết Xích Diệm đại sư quá nhanh nên khiến Hải Không đại sư không làm sao nhận ra. Lúc này Hải Không nhận không ra nàng, giờ đây bước ra làm lễ tương kiến, Liễu Mi trong bụng cười thầm: Nếu nhà ngươi biết được tin sư đệ của ngươi bị chết về tay ta, lại không ra tay đánh liều mạng với ta trong lúc này ấy à!
Chưởng môn của Điểm Thương Phái là Hận thư sinh Hoàng Kha, quả là người tinh đời, chợt nhìn đã nhận ngay Liễu Mi chính là người thư sinh đẹp trai mà hồi trưa đã gặp tại quán ăn cao lâu, chỉ nghe y lúc này cười nói rằng:
- Ồ! Liễu cô nương! Chính ban ngày chúng mình đã từng gặp nhau rồi? Vậy thế còn ông già đi chung với cô đâu rồi?
Liễu Mi thất kinh, nàng vội nói vu vơ cho qua chuyện, vì sẵn thông minh, nàng đối đáp trôi chảy đâu vào đấy lắm. Không hề để lại một nghi ngờ vu vơ gì cả.
Tính tình Bắc Kiếm tuy là người cổ quái khó lường, nhưng sau khi thấy Liễu Mi, cũng thích con bé tinh ranh này lắm. Tư Đồ Cống ghé tai nói nhỏ vụ phá đám ở Hắc Thần Miếu chính là con bé Liễu Mi đây, nhưng Bắc kiếm Phổ Côn chẳng để ý làm gì, bỏ hết những nét mặt lạnh lùng, miệng cười vui vẻ chăm nhìn Liễu Mi.
Dần dà, trời bắt đầu sáng tỏ, sức lạnh càng tăng dần, mọi người nổi lửa ngay cửa núi để sưởi ấm, Liễu Mi nằm co ro cạnh cha già sưởi ấm một chập, bỗng nàng lên tiếng rằng:
- Thưa cha, con muốn đi chơi xung quanh nơi đây một chút!
Thanh Thông bang chủ Liễu Khải e ngại lúc này đám người của Độc Ma đến, nếu con gái mình có chuyện gì bất trắc, đâu phải là chuyện chơi, nghĩ vậy vội ngăn cản rằng:
- Con ngoan của cha chớ có đi đâu lúc này! Hãy ngồi đây với cha, mai đây cha sẽ đưa con về nhà ngay!
Liễu Mi nằng nặc không chịu, đưa mắt nhìn mọi người như muốn nhờ họ xin phép cho mình!
Bắc kiếm Phổ Côn không biết tại sao lại đâm ra tội nghiệp cho Liễu Mi, cười rằng:
- Liễu cô nương có muốn chơi gần đây cũng không sao, nhưng chớ nên đi xa làm gì, Kiên con, con hãy lo bảo vệ Liễu cô nương đi chơi chút!
Chính lòng Phổ Kiên cũng chỉ chờ có câu nói này, nay nghe cha mình cho lệnh vậy, chàng mừng quýnh suýt nhảy cỡn lên, vội hấp tấp rằng:
- Thưa cha và Liễu bang chủ cứ yên tâm, con biết lo tròn phận sự!
Chàng nghĩ chuyến này cùng đi với người đẹp như thế mình càng phải tỏ lòng ân cần với nàng mới được! Phần thì Liễu Khải không nỡ làm phẫn ý Bắc Kiếm, nên cười rằng:
Thôi cũng được, con gái cưng của cha cứ đi chơi cho thảnh thơi, nhưng nhớ là chớ đi đâu xa, để ta cho thêm Sở Canh đi chung nữa cho yên dạ cha.
Phần Sở Canh thì không có ý nghĩ như Phổ Kiên, y vốn là người thô kệch nhưng rất trung trực, đầu óc chỉ nghĩ đến những quân địch trên Vô ảnh Phong đến thì nên ứng phó ra làm sao cho chắc ăn để bảo vệ thiếu bang chủ của mình cho được an toàn!
Phổ Kiên lẽ dĩ nhiên là trăm phần trăm không thích Sở Canh đi chung như thế, nhưng ác nỗi không có lý do gì để từ khước. Thế là Liễu Mi đi trước, hai chàng theo sau, dần dà họ đi hết con đường hẹp của khu núi, chẳng mấy chốc họ đã tiến gần đến khu mỏ đồng.
Liễu Mi cau mày, bước thêm vài bước, đưa tay ngoắc Sở Canh rằng:
- Sở đại ca. Anh qua đây, tôi có chuyện riêng muốn nói vôi anh!
Sở Canh lật đật chạy tới, Phổ Kiên đâm nghi trong lòng nhưng không tiện đến gần.
Liễu Mi ghé sát vào tai Sở Canh rằng:
- Này Sở đại ca, tên Phổ Kiên này mất dạy lắm!
Tôi muốn anh giết nó hộ tôi, xong rồi lôi xác nó vào trong đường hầm mỏ đồng nhé! Tôi sẽ chờ anh trong đó!
Sở Canh xưa nay không một việc gì là không chiều theo ý của vị thiếu bang chủ nhan sắc tuyệt vời này, huống hồ nay chàng ta lại ghét sẵn Phổ Kiên trong lòng, nghe xong liền gật đầu lia lịa. Phổ Kiên trong bụng áy náy, nhất là khi nghe nàng gọi Sở đại ca! một cách vô cùng thân mật như thế, càng không vui chút nào. Mắt nhìn hai người thì thầm với nhau, không hiểu họ đang nói chuyện gì, cơn ghen vu vơ nổi lên ngấm ngầm trong bụng.
Bỗng thấy phích lịch nhị lang Sở Canh đứng sang một bên, Liễu Mi lại giơ tay ra ngoắc gọi:
- Này phổ đại ca! Mời anh lại đây, tôi có chuyện muốn bàn riêng với anh!
Tiếng phổ đại ca! thân mật như thế khiến cho Phổ Kiên mừng quýnh lên, chàng u mê chạy nhanh ngay lại, và cơn ghen ngấm ngầm đã tiêu tan như mây khói!
Liễu Mi bỗng khẽ tiếng rằng:
- Đứng sát lại đây cho người ta nói nhỏ nào!
Phổ Kiên y theo lời đứng sát lại người đẹp! Trống ngực chàng đã gần như muốn bể vì sự hồi hộp sung sướng!
Liễu Mi khẽ tiếng rằng:
- Anh có chịu giúp tôi một việc không?
Phổ Kiên vừa gật đầu vừa nói:
- Đừng nói một việc, dẫu là mười việc hay trăm việc tôi cũng sẵn sàng nghe theo lời cô nương, và tôi càng tin chắc là sẽ làm vừa lòng cô nương là khác!
Liễu Mi thấy phổ Kiên nói hiên ngang dũng mãnh như vậy, bèn đưa ngón tay ngọc của mình lên miệng khẽ suỵt như bảo chàng hãy nhẹ tiếng chút, và nàng ghé sát vào tai Phổ Kiên rằng:
- Sở Canh là người tôi ghét nhất, ở trong Thanh Thông Hội, hắn ta vẫn thường theo đuổi tôi hoài, với bộ mặt ngu đần ấy trông đã phát ghét ngay rồi.
Phổ Kiên bất giác mắng thành tiếng rằng:
- Quân ngu đần như thế mà cũng tính chiếm tim người ngọc? Hừ! Để nó cho tôi xử...
Liễu Mi lại rằng:
- Chính thế! Vừa rồi hắn nói với tôi là trông thấy chúng mình có vẻ thân mật với nhau, hắn trông gai mắt quá, nên có ý muốn rủ anh quyết đấu một phen cho bõ ghét cơ đấy?
Phổ Kiên lập tức nắm chặt ngay tay lại hầm hầm rằng:
- Thằng chết toi! Nó dám ngông cuồng thế sao?
Liễu Mi bật cười rằng:
- Theo tôi xem, thế nào nó cũng không thắng nổi anh đâu, trông tướng anh hùng, hiên ngang của anh, chỉ cần anh ra tay, tin chắc phần thắng sẽ thuộc về anh ngay!
Thực ra thì công lực của Phổ Kiên còn thua Sở Canh nhưng trước mặt người đẹp, đâu có lý do gì tỏ ra mình hèn yếu, trong bụng tuy không nắm chắc phần thắng, nhưng cũng đành tỏ ra mình là kẻ anh hùng trượng phu, nghe xong gật đầu lia lịa!
Liễu Mi cố hạ giọng cho thật thấp rồi thêm rằng:
- Em sẽ chờ anh nơi cửa mỏ trong kia, vậy anh cứ yên trí mà thắng hắn, nhớ là đừng nên kinh động đến cha em hay bất cứ ai bên ngoài, tốt nhất là kết liễu hắn càng sớm càng hay, và nhớ kéo xác hắn vào trong gặp em nhé! Anh đừng có ngại, chuyện này có em lo liệu với cha em, sẽ ổn thỏa hết!
Phổ Kiên ngẩn người, Liễu Mi bật cười, rồi nàng giơ tay vẫy với Sở Canh như chào tạm biệt, bỗng nàng tung mình vèo nhanh vào trong hầm mỏ đồng.
Phổ Kiên lúc này mê mẩn tinh thần, chàng không nghĩ đến ý nghĩ khác của Liễu Mi, chàng chỉ cho rằng nàng quả đang thích và mến mình, nên mới có ý bảo mình ra tay giết chết tình địch, rồi vào trong hầm mỏ gặp nàng. Chàng cũng thừa biết rằng tí nữa đây cha mình sẽ họp tất cả ba phái lại để tuyển người vào mỏ tìm người thiếu niên tóc ngắn, nếu mình muốn được việc, cần phải ra tay cho thật nhanh mới khỏi bị trở ngại! Chàng lại nghĩ đến một người đẹp quốc sắc thiên hương như thế, nhất là họ lại có tình ý với mình, còn gì mà phải do dự nữa, tuy công lực của Sở Canh lợi hại, nhưng mình có thể dùng những mánh khoé nhẹ nhàng thắng hắn cơ mà! Cuộc đấu này thế nào mình cũng hy vọng lắm! Chàng nghĩ đến sau khi mình thắng trận, sẽ được những phần thưởng quá xứng đáng.... Phổ Kiên lúc này đâm phấn khởi tinh thần, khi chàng ngửng mặt lên nhìn, Phích lịch nhị lang Sở Canh đã ngang nhiên đứng trước mặt mình.
Sở Canh lên tiếng hỏi rằng:
- Này Phổ Kiên! Hai chúng mình thử quần với nhau một trận xem ai hơn ai cho biết.
- Thằng ngốc! Chờ gì không ra tay cho rồi! Nhưng nhớ là khẽ tiếng chứ, vả phải đánh cho thật mau, cần nhất là đừng cho ngoài kia nghe tiếng ấu đả trong nảy, và nếu ngươi bị chết chớ có oán trách ta!
Sở Canh gật đầu lia lịa! Chính những câu nói này lại hợp ý với hắn, hắn không ngờ tên Phổ Kiên lại biết điều và chu đáo đến thế.
Trời lúc này đã sáng bạch hẳn, Phổ Kiên nhảy lùi một bước, soạt một tiếng, rút phắt ngay ngọn kiếm của mình ra, chẳng cần nói ất giáp gì nhắm ngay tim đối phương đâm nhanh tới, thế đánh vừa nhanh vừa ác và chàng đã phá qui lệ giang hồ trong lúc giao tranh, không lên tiếng cho đối phương biết trước.
Sở Canh kinh hãi hừ một tiếng, né tránh không kịp càng không thể nào rút kiếm ra nghênh địch, đành phải dùng chưởng ra nghênh tiếp, ào một tiếng chưởng phong đánh ra, nhưng ác nỗi vì quá gần, không đúng tầm sức của chưởng, ngọn kiếm của Phổ Kiên đã sát đến, chỉ nhoáng lên một ánh bạch quang, trong năm ngón tay của Sở Canh, ngón trỏ và ngón giữa đã rụng xuống mặt đất, máu chảy lênh láng.
Sở Canh cắn răng chịu đau, không hề kêu lên một tiếng nào, và ngay trong lúc đó, Phích Lịch Nhị Lang đã rút được kiếm ra và hét lên một tiếng, vung kiếm bửa mạnh tới, Phổ Kiên đâu chịu nổi thần lực này, chàng chỉ cảm thấy hổ khẩu tê liệt hẳn, kiếm suýt bị văng tung khỏi tay, Phổ Kiên vội nhảy lùi, lạnh lùng cười để lấy oai!
Sở Canh nắm chặt tay trái, tay phải cầm kiếm đánh ra các thế ác liệt: chém, bửa, phạt, đâm, nghĩa là hắn dốc hết toàn lực ra đánh túi bụi, thế đánh chẳng khác nào như tức nước vỡ bờ. Miệng luôn luôn lẩm bẩm chửi rủa:
- Mẹ kiếp thằng gian! Chuyến này bố sẽ phanh thây mày ra thành hai mảnh mới hả dạ, nếu không ta quyết không phải người!...
Lúc này chỉ thấy mắt Sở Canh trợn ngược lên, tay trái máu me lênh láng, thế kiếm nhoang nhoáng như những tia chớp của cơn giông tố, tiếng gió vùn vụt, oai thế tuyệt luân, khiến cho Phổ Kiên kinh hãi trong lòng không ít, chàng không ngờ rằng sau khi Sở Canh bị thương như thế mà vẫn còn sức hung hăng như vậy. Vội thu ngay những ý nghĩ khinh địch của mình lại lo đối phó, nhưng vẫn không sao chịu nổi những đòn đánh như bài sơn đảo hải của đối thủ, chàng phải rời bước thối lui hoài!
Thình lình Phổ Kiên tung mình vọt bổng lên không, lưng chừng chàng vung đường kiếm biến thành như một cây dù trắng xóa, đánh thắng xuống đầu Sở Canh. Đây chính là ngọn tuyệt kỹ trong Càn Khôn Ngũ Tuyệt mà Bắc kiếm Phổ Côn đã xưng là Thiên Hạ Đệ Nhất Kiếm và được mệnh danh là Hoa cái kiếm, quỉ dị vô ngần, oai lực không thể nào tưởng nổi. Công lực của Phổ Kiên chỉ bằng hai ba phần mười của cha là Bắc Kiếm, nhưng chàng sử dụng đến thế đánh này cũng không phải là thường phàm gì. Sở Canh chỉ có một tay sử dụng kiếm, may nhờ có thần lực trong người, ngay lúc đó vội đổi ngay tấn đứng vững chắc hơn, dồn hết nội lực của mình lên cánh tay, chuyển vận thanh kiếm như bay và dùng ngay đến thế Tuyết hoa bàn đỉnh (tuyết bám đỉnh đầu) để tự bảo vệ lấy thân mình. Từ trên không, Phổ Kiên liên tiếp phạt ra ba đòn, ánh kiếm tua tủa, nhưng Sở Canh đã giữ kín mít, nên không việc gì. Công lực của Phổ Kiên chẳng qua chỉ có thế, phần thì lơ lửng trên không đã lâu, nội lực không thể nào kéo dài thêm được, đành phái vèo thân xuống đất. Sở Canh cảm thấy sức uy hiếp trên đầu đã không còn, tinh thần phấn khởi ngay, quên cả vết thương hai ngón tay bị cụt của mình, chàng nổi thùng lên, thế nào cũng phải bửa chết Phổ Kiên mới chịu! Chỉ nghe hắn hự lên một tiếng âm thầm, lại mở ra những đường chém bửa túi bụi để truy sát địch thủ.
Phổ Kiên càng lúc càng hoảng người, lập tức thấy yếu thế hẳn! Phổ Kiên đành ỷ hết vào thân pháp lanh lẹ của mình để đối phó, chàng cố liều tiến sát vào thân Sở Canh, thình lình giơ chỉ ra, để tính điểm vào Kỳ môn huyệt của Sở Canh.
Nhưng phổ Kiên đã tính lầm nước cờ, Phích lịch nhị lang Sở Canh là người tuy thô kệch ngốc nghếch, nhưng trong lúc giao đấu với thiên hạ, tâm tư của hắn lại vô cùng lanh lẹ, động tác cũng mau vô cùng, mới thấy đối phương nhích thân mình, Sở Canh đã nhận ngay ra. Sở Canh vung ngay kiếm đỡ ngay thượng bàn, tay trái giơ ngay lại phía sau Phổ Kiên, chàng tính hét lên một tiếng lấy oai, nhưng bỗng sực nhớ đến nhị cô nương đã dặn là chớ làm ồn để kinh động mọi người, nên Sở Canh chỉ khẽ hừ lên một tiếng, và tay trái sẵn thần lực của Sở Canh, đã nhoáng lên một cái quắp chặt ngay Phổ Kiên. Chàng Phổ Kiên chỉ cảm thấy toàn thân của mình như bị con trăn khổng lồ siết chặt, lồng phổi lập tức cảm thấy ngộp thở, và cây kiếm của Sở Canh đã từ trên ngực của Phổ Kiên rút ra! Máu tươi bắn vọt ra thành vòi!
Phổ Kiên chỉ cảm thấy mắt mình tối sầm hết lại! Trong lúc hấp hối chết, phổ Kiên vẫn không giữ lời tín dụng của mình, hắn cố há miệng cắn và gào la. Sở Canh sợ gây nên tiếng kinh động mọi người biết thì rầy rà, hắn lật đật đưa ngay nắm tay hộ pháp của mình bịt ngay miệng Phổ Kiên lại, nhưng phổ Kiên đã cố dồn hết tàn lực của mình cắn mạnh vào nắm tay của Sở Canh trước khi nhắn mắt lìa trần, lẽ đương nhiên cái đau này gấp trăm lần cái đau bị đứt hai ngón tay vừa rồi. Nhưng Sở Canh quả không hổ là anh hùng gan dạ, cố cắn răng chịu đựng, và thình lình giơ luôn quả đấm của mình, nhắm ngay đầu Phổ Kiên thoi mạnh xuống, thế là đời Phổ Kiên bị kết liễu một cách rất ngớ ngẩn. Sở Canh quăng ngay cái thây ma xuống đất, nhìn lại bàn tay trái của mình máu me bê bết và đau nhức khó chịu, nhưng vẫn không hề lên tiếng than van chút gì!
Nhìn kỹ thân mình, máu của Phổ Kiên đã loang cùng người, thậm chí cả trên mặt cũng có. Và Sở Canh đã tuân theo lời của nàng Liễu Mi dặn, kéo ngay thây ma của Phổ Kiên lôi sềnh sệch vào lối hầm mỏ, đến nơi chàng không thấy Liễu Mi đâu, chắc là nàng đã vào trong mỏ, và nàng đã dặn mình chờ nàng tại đây!
Sở Canh ngoài trừ nghe lệnh của Thanh Thông Bang, Liễu bang chủ ra, người thứ hai có thể để cho hắn phục lệnh chỉ có riêng mình Liễu Mi mà thôi, vì Sở Canh đem so sánh hai chị em nhà họ Liễu, cô chị tà dâm đáng ghét bao nhiêu thì cô em đoan trang đứng đắn dễ thương bấy nhiêu, đối với nàng Liễu Mi, Sở Canh chiều ý nàng triệt để, chưa bao giờ cưỡng lại ý nàng! Hoàn toàn vì mến thích tính tình của nhị cô nương mà ra! Sở Canh bèn giấu ngay cỗ thây ma của Phổ Kiên vào một xó tối, nhìn những máu me dính trên người mình, thế nào tí nữa nhị cô nương thấy cũng trách mắng. Nghĩ lui nghĩ tới, Sở Canh quả nhiên nghĩ ra được một cách là lộn trái quần áo lại mặc, quả nhiên dấu máu bớt đi nhiều! Vậy là Sở Canh yên trí ngồi canh tại cửa đường hầm vào mỏ.
Nhắc về nàng Liễu Mi vào trong hầm mỏ, càng đi vào càng thấy rộng, và trong mỏ dùng toàn những trụ gỗ lớn để chống đỡ, đi được một chập, nàng phát giác trên tường có treo những những ngọn đèn lồng, nhờ ánh sáng đó, Liễu Mi phát giác một nơi tập trung dụng cụ khai mỏ, nhưng số năm sáu trăm người khai mỏ mà theo như lời kể của Vân Cư Sĩ thì chẳng thấy có mống nào cả, nàng cảm thấy rối loạn trong lòng mình. Nghĩ thời gian kéo dài, thế nào bốn phái bên ngoài sẽ tuyển người vào hầm mỏ để bắt người, nếu không nhân cơ hội tìm ngay Hầu Hạo trong lúc này, bỏ lỡ dịp may, hậu quả khó mà lường được sự tai hại của nó! Nàng càng căng thẳng trong tâm trí lại càng sáng suốt bình tĩnh, rời ngay hầm mỏ, tìm sang phía khác. Chắc thế nào đám người khổ lực ấy nghỉ ngơi một nơi nào. Nàng đổi ngay hướng khác, bỗng nàng nghe có tiếng ngáy, trong bụng mừng rỡ, nàng lần theo tiếng ngáy mò đến, tiếng ngáy càng lúc càng rõ, thình lình nàng thấy có một cửa lớn, dưới ánh đèn le lói của những ngọn đèn lồng, nàng thấy một cảnh địa ngục của trần gian hiện ngay trước mắt mình, chỉ thấy đây là một thạch thất lớn lao. Bốn vách đều treo đèn lồng dưới ánh sáng yếu ớt Liễu Mi thấy hai hàng người nằm chỉnh tề đôi bên trên mặt đất, tiếng ngáy vang khắp trong đại thạch thất này. Năm sáu trăm mạng người chen nhau chung một ngôi thạch thất thế này, vô tình đã gây nên một mùi không khí khó chịu của hơi người, nhất là trên thân các người này lại lem luốc bẩn thỉu, quần áo rách tươm, chắc là sau khi làm việc mệt nhọc, họ đã vùi đầu ngủ ngay, nên các mùi hôi thối trong mình đã tiết ra một mùi hỗn hợp kinh khủng... nàng Liễu Mi đã suýt bị oẹ nôn mấy lần...
Nhưng rút cuộc nàng cũng cố gắng bước vào để rồi nhìn từng khuôn mặt một hầu tìm ra Hầu Hạo, nàng cố gắng đè nén nỗi lòng kinh tởm của mình đối với cảnh địa ngục trần gian trước mắt này, nàng nghĩ đến chuyện Mục Liêu cứu mẹ trải qua biết bao nhiêu gian khổ dưới địa ngục, nay mình nửa chừng bỏ cuộc, chẳng phí hết bao nhiêu công trình sao? Thế là nàng cố dồn hết nghị lực của mình để duy trì, và chẳng mấy lúc nàng đã thấy tội nghiệp cho những người khổ lực tại mỏ đồng đây, một lòng trắc ẩn nổi lên trong lòng nàng nữ hiệp, dần dần nàng quên hẳn cảnh rùng rợn và mùi hôi khó chịu!
Chỉ thấy tà áo nàng phất phơ nhảy lướt trong đám người ngủ say này, nàng chăm chú nhìn kỹ từng bộ mặt một, trong lòng cố nhớ những nét mặt độc đáo của Hầu Hạo!
Thình lình, một tên khổ lực giật mình như bị lạnh. Liễu Mi bất giác động lòng thương, nghĩ đến những người này đều có bố mẹ hẳn hoi, tại sao lại bất công đến thế, khiến cho họ phải sống trong quằn quại đau khổ vậy?
Nàng cởi ngay chiếc áo bào của mình xuống đắp cho tên khổ lực nằm co ro ấy! Nào ngờ tên này thình lình mở mắt ngó thấy Liễu Mi.
Liễu Mi phát giác người tuổi độ 15, 16, mũi tẹt miệng rộng mặt mày lem luốc, hèn gì hắn co ro tựa như con tôm càng lớn, thì ra tuổi hắn còn nhỏ. Thấy vậy Liễu Mi càng đâm thương hại, nàng mỉm cười như để an ủi hắn, nào ngờ cậu bé này suốt ngày chỉ chung sống với những người thô bạo, nay thình lình tỉnh giấc trong cơn mộng, bỗng lại thấy một thiếu nữ nhan sắc đẹp như thế hắn đã tường mình thấy ma, phát hoảng hồn kêu rú lên!
Liễu Mi thất kinh người, nàng cảm thấy phía sau và khắp xung quanh đã có người lao nhao đứng hết dậy, và mấy trăm đôi mắt ấy bị đánh thức bằng tiếng kêu hoảng của thằng nhỏ đã chăm chú dồn hết vào toàn thân của Liễu Mi!
Liễu Mi cảm thấy nguy cơ đã phủ khắp xung quanh mình! Nàng đã nhận ra những đôi mắt thèm khát của tình dục trong đám người khổ lực bị giam hãm lâu ngày, nếu một khi phát ra, thật không thể nào tưởng nổi cảnh hãi hùng của nó! Liễu Mi vốn thông minh, nàng đã phát giác ngay điều đó, tuy võ công nàng tuyệt đỉnh, nhưng đối với năm sáu trăm đàn ông khát tình như lang sói này, nàng không khỏi nơm nớp trong lòng, nàng không dám ngoảnh đầu nhìn lại phía sau, từ từ di chuyển ra phía cửa thất!
Nhưng trong lúc đó nàng vẫn không quên sứ mạng của mình, vừa đi vừa đưa mắt quan sát trong đám người để tìm xem có Hầu Hạo trong này không?
Nhưng nàng cảm thấy tuyệt vọng, nàng nghĩ ngay đến nguy cơ trước mắt, nếu đám người này liều chết ập tới thì nguy, mình dùng ngay khinh công đào tẩu cho yên!
Nàng khẽ thở dài vì thất vọng, và đang sửa soạn tung nhanh mình ra.
Bỗng có tiếng người nổi lên rằng:
- Hãy bắt ngay con bé con lại! Nó sắp trốn đấy!...
Liễu Mi thất kinh, nàng vội hấp tấp vọt ngay lên trên, thế là đám người khắp xung quanh thi nhau chạy tới mấy trăm bàn tay tính bấu nắm thân nàng. Liễu Mi hoảng hồn, từ trên không chuyển nhanh người, chuẩn bị hạ thân xuống, nhưng thấy lô nhô toàn những đầu người đang ùa hết cả về mình, trong lòng trống ngực đánh thình thịch, nếu bây giờ mình hạ thân xuống, chắc chắn là sẽ bị họ xé xác thành muôn mảnh mất! Nghĩ vậy nàng lại vận khí cố vọt thêm lên, phía dưới đã có người nhảy lên, giơ tay lên, soạt một tiếng, tà áo trắng của nàng đã bị xé mất một mảnh, suýt nữa thì người cũng bị kéo xuống, may lúc lâm nguy, nàng vẫn cố trấn tĩnh tinh thần, đề khí vọt lên thêm, và nàng đã ôm chặt trụ gỗ lớn, và cố leo cao lên trên, chuyển nguy thành thế an, liếc nhìn phía dưới, nàng gần như muốn ngất xỉu luôn! Chỉ thấy đám người lô nhô như điên cuồng nhảy múa tưng bừng bên dưới, những kẻ yếu đuối bị chen ngã nằm dưới đất kêu la oai oái thật là một cảnh kinh hãi rùng rợn như lạc vào một thế giới toàn người điên tột độ!
Đám người điên chẳng mấy chốc đã tiến gần đến cột trụ, và những tên mạnh sức đã chen bung ngay lại, và chúng đã leo khắp nơi vai, nơi cổ của đám người lô nhô đến gần trụ, cuộc leo cột đã bắt đầu, nhưng nhờ cây trụ chỉ có thể dung nạp nổi một người nên Liễu Mi nằm trên thuận thế tiện lợi đối địch hơn, và những tên nào kề gần, nàng đều dùng chân đạp mạnh rớt xuống từ người một, nhưng hết tên này ngã, tên khác lại leo lên!
Đám người hầu như đã mất lý trí, chúng nhao nhao nói nhảm nhí khó nghe!
Liễu Mi càng lúc càng cảm thấy tình trạng nguy cấp! Bỗng một tiếng từ ngoài cửa vọng vào:
- Liễu cô nương! Mau! Mau trốn ngay!
Liễu Mi liếc mắt nhìn ngay ra phía cửa, thấy cửa mở lớn, một người ăn mặc theo lối khổ lực, nhìn kỹ thì chính là Hầu Hạo mà mình đang ra công tìm kiếm tử nãy giờ.
Sau khi Hầu Hạo lên tiếng gọi, lập tức bị nhóm người phát giác, chớp mắt đã có mười mấy tên nhào tới như ong vỡ tổ, đè ngay chàng xuống đất, và trận đòn đấm đá như mưa tới tấp xuống thân chàng. Hình như Hầu Hạo mất hết công lực trong mình, nên chàng không hề ra tay chống chọi lại được.
Bỗng một tiếng thét vang lên, Liễu Mi như con chim bay ụp xuống, song chưởng vung bừa ra, những tên xúm gần Hầu Hạo thình lình bị đánh mạnh, chúng chạy toán loạn như đàn chuột.
Liễu Mi vội đỡ ngay Hầu Hạo dậy, nhoáng một cái toàn thân đã vèo nhanh ra cửa ngõ. Phía sau có tiếng người đuổi quát:
- Chớ để cho con bé nảy thoát thân! Mau giữ ngay nó lại!
Liễu Mi nổi giận, ngầm vận ngay nội lực, tay trái lo quắp Hầu Hạo, tay phải vung ra một chưởng, năm sáu mạng tiến gần nhất bị đánh thốc hết ra phía sau!
Năm sáu tên vừa ngã xuống mặt đất, nhưng tên khác đã leo ngay lên thân xác đồng bạn tiến lên, la hét như điên đuổi tới.
Ngay trong lúc đó Liễu Mi đã quắp Hầu Hạo nhảy ra đến ngoài cánh cửa!
Ra khỏi cửa, nàng vội đóng ngay cửa sập lại, may cửa này vô cùng kiên cố, bên ngoài lại có then cài bằng sắt hình như đã đặc biệt chế ra để sử dụng với đám người điên này!
Bên trong, đám người cố sức đẩy cửa. Bên ngoài nàng Liễu Mi cố sức khép và khó nhọc lắm nàng mới hạ được then sắt xuống.
Sau khi nàng hạ được then sắt xuống, trong lòng hết lo, nàng thở dài khoan thai, nhưng tai nàng không khỏi nghe những tiếng chửi rủa ầm ầm bên trong, và thỉnh thoảng ngửi thấy những mùi hôi hám bên trong đưa ra!
Sau khi chấn tỉnh lại phong độ hồi hộp vừa rồi của mình, Liễu Mi mỉm cười nhìn Hầu Hạo, thấy chàng đang kinh ngạc ngó mình, Liễu Mi cười rằng:
- Chúng mình đi thôi!
Hầu Hạo miễn cưỡng bước đi, chàng gượng cười rằng:
- Đa tạ Liễu cô nương đã cứu tôi! Nhưng cô làm sao đến được đây vậy? Thế còn Thượng Quan Linh sư đệ đâu?
Liễu Mi nghe hỏi như dao cắt trong lòng, nàng lập tức cúi đầu nức nở xúc cảm! Hầu Hạo thất kinh vội hỏi:
- Kìa Liễu cô nương! Sao thế? Trong mình cô khó chịu sao?
Liễu Mi miễn cưỡng ngửng đầu lên rằng:
- Không có gì đâu! Thôi chúng ta đi vậy! Nếu bọn họ vô đây thì hỏng chuyện mất!
Hầu hạo vốn trốn thân trong hầm mỏ này nên không biết tin tức gì bên ngoài, nghe nàng nói họ, không biết là chỉ đám người nào? Lại càng không biết sư đệ Thượng Quan Linh ra sao? Hầu Hạo nghi hoặc trong lòng, nhưng thấy thần sắc khẩn trương của nàng Liễu Mi lại không tiện hỏi nhiều.
Hai người vội vàng rời ngay khỏi hầm mỏ, khi ra đến cửa hầm, Hầu Hạo thấy có một gã thiếu niên lực lưỡng, tay cầm kiếm đứng gác bên ngoài như đang chờ đợi ai.
Vừa thấy mặt nàng Liễu Mi, hắn mừng lên rằng:
- Kìa nhị cô nương đã ra đấy sao? Ý! Người này là ai kia?
Liễu Mi vắn tắt trả lời:
- Là bạn thân của ta, anh không cần phải hỏi nhiều, và chúng ta đều có trách nhiệm bảo vệ anh ấy!
Quả nhiên Phích lịch nhị lang Sở Canh không hỏi lôi thôi thêm gì nữa, nhưng gã đưa mắt nhìn về nơi cỗ xác của Phổ Kiên. Liễu Mi bèn bảo Hầu Hạo đi thay ngay quần áo của Phổ Kiên mặc vào!
Lúc này Liễu Mi thấy tay Sở Canh vẫn nhỏ từng giọt máu, tuy hắn đã xé vải cuốn tạm lại. Liễu Mi xé ngay một mảng vải rằng:
- Qua đây tôi băng bó lại cho nào!
Sở Canh ngoan ngoãn để cho nàng băng bó, lúc này Sở Canh mới thấy rõ áo sống trên người Liễu Mi bị rách tứ tung, và chiếc áo choàng của Liễu bang chủ đã khoác trên người nàng không biết đã biến đâu mất, thấy nhiều chỗ đã hở da trắng nõn ra!
Tuy thấy thân thể của nàng, Sở Canh vẫn không hề gợi một ý tà niệm gì, bất giác lên tiếng hỏi rằng:
- Nhị cô nương! Cô đánh nhau với người ta đấy à?
Liễu Mi gật đầu.
- Sao cô không gọi tôi?
Sở Canh khi nói câu này làm như mình chắc thắng lắm, còn có ý trách Liễu Mi không kêu gọi mình, để đến nỗi áo đẹp bị rách nát! Thấy nàng không nói gì, Sở Canh lại báo với nàng rằng:
- Vừa rồi có ba người đến cửa hầm đây dòm ngó, và toàn là người trong nhóm hòa thượng kỳ quái ngoài kia cả! Họ chưa hề phát giác ra tôi! Chúng nhìn lơ láo một chập rồi bỏ đi ngay!