Khí hậu tuy vào tiết mùa xuân, nhưng cảnh sắc không được đậm đà như miền Giang Nam, nhưng cũng không vì thế mà thiếu kém các hoa thơm cỏ lạ của địa phương, ong bướm dập dìu lo hái nhụy xuân.
Một ngôi trang viện được xây cất sừng sững trên ngọn núi hùng vĩ gần đường giao thông nhất, lúc này thỉnh thoảng truyền ra những tiếng hò hét và các tiếng binh đao chém gió vùn vụt, âm thanh rõ mồn một! Ngôi trang viện tuy không được lớn cho lắm, nhưng bề ngoài trông trang nhã vô cùng, nhất là bên ngoài trồng những cây thông và bách cao lớn, càng tăng thêm những nét thanh tịnh và trang nghiêm của ngôi trang viện không lớn không nhỏ này.
Phía trong trang viện, ngay bên trên chánh sảnh, một bức hoành khá lớn treo ngang chính giữa, trên những chữ lớn bằng đấu và được trạm trổ lồi lõm bốn chữ: Trúc Lâm tiểu xá, quả là một tên thanh nhã và khéo đặt chắc đây là nơi ẩn cư của một vị thế ngoại cao nhân nào đây! Nhưng ngay bên phía cửa dưới tấm hoành các Trúc Lâm tiểu xá ấy, ngay nơi sân của đình viện, có một thiếu niên toàn thân võ phục gọn gàng, với cây trường kiếm trong tay, thiếu niên đang tập trung hết tinh thần để luyện tập kiếm pháp. Chỉ thấy kiếm pháp của chàng càng lúc càng lanh, sau chót đã đi đến mức người kiếm hợp nhất, những làn kiếm quang trắng xóa bao quanh thân hình thiếu niên, không khác gì con bạch xà đang bay lượn đùa mồi của mình! Thiếu niên hình như luyện đến mức quá thích của mình, chàng buông tay thả luôn cây trường kiếm bay ra, một làn kiếm quang chói mắt vọt thẳng ra... phập một tiếng, ngọn trường kiếm cắm ngay vào thân cây to hai người ôm, đuôi kiếm rung rinh đẹp mắt lạ!
Thiếu niên mắt sáng như sao, mày hình lưỡi kiếm, tướng mạo anh tuấn bất phàm, tuổi ước 23, đang tuổi niên hoa cầm tú của cuộc đời, văn võ kiêm thông!
Sau khi luyện xong bài kiếm, trên khuôn mặt anh tuấn của thiếu niên hiện ra một màu ửng hồng, càng hiện rõ phong thái hấp dẫn bất phàm của chàng. Thiếu niên mĩm cười, rút kiếm rồi thuận tay uốn cong ngay ngọn trường kiếm như một ngọn tre non, xong thiếu niên lại thả ra bong một tiếng, cây kiếm lại thẳng băng với hình thế cũ của nó, thiếu niên bất giác buột miệng khen lên một tiếng:
- Quả là kiếm quí!
Bỗng nhiên thiếu niên để ý đến những chữ trên đuôi kiếm, chàng lẩm bẩm đọc: Lệ thủy tinh! .. Lệ thủy tinh! Thình lình, đôi má thiếu niên biến hẳn màu ửng hồng, đôi mắt chàng buồn hẳn xuống, hình như có một tâm tư quyến luyến gì đang gieo vào tâm hồn chàng, chỉ nghe thiếu niên khẽ tiếng ngân nga:
Xuân ơi? Xuân hỡi! Xuân chờ muốn ai?...
Thiếu niên chưa ngâm dứt, bỗng trên sảnh có một giọng ồ ồ quái dị bắt chước theo thiếu niên ngâm nga:
Rượu ơi! Rượu hởi! Rượu chờ muốn ta?...
- Thiếu niên nghe vậy, bất giác bật cười lên, và lớn tiếng nói vọng lên trên sảnh rằng:
- Thưa Túy Đầu Đà sư bá, sao ngài chóng thế.
Trên sảnh đường lững thững bước xuống một vị đầu đà một tay bình rượu, một tay đùi thịt chó quay, chưa tới gần nhưng mùi rượu đã nồng sặc lên mùi men.
Chỉ thấy đầu đà ngất ngưởng bước xuống sân sảnh, bình rượu bên tay trái đưa lên ngoạm luôn một miếng ngon lành, khi thấy thiếu niên ngao ngán nhìn mình, bất giác cất tiếng rằng:
- Này Thượng Quan Linh, sao cháu cứ kêu ta là Túy sư bá Túy sư bá hoài như vậy? Thiên hạ đều gọi ta Túy Đầu Đà, ai đâu lại đi kêu rắc rối như cháu vậy? Cứ việc gọi ta là Túy Đầu Đà cho yên chuyện, sư bá sư bốc gì cho thêm lôi thôi!
Thiếu niên được gọi Thượng Quan Linh bèn cười rằng:
- Thưa sư bá...
Túy Đầu Đà vừa giận vừa tức gắt ngay lên rằng:
- Ơ hay cái thằng này! Đã nói thế mà cũng còn to gan gọi ta là sư bá!
Thượng Quan Linh quýnh lên rằng:
- Không xưng hô với ngài thế thì gọi bằng cách gì?
Túy Đầu Đà thấy Thượng Quan Linh cuống lên, bèn vui vẻ nói:
- Này cháu Linh, cháu đã bị thằng tú tài nghèo ấy dạy trái hết phương pháp xử thế ở đời rồi, cần gì phải phép với tắc cho lắm chuyện, thiên hạ đều gọi thầy cháu là Nam Bút tiên sinh, theo ta nên gọi hắn là Loạn Bút tiên sinh mới đúng, suốt ngày chỉ nói chuyện phép với tắc! Đóng bộ mặt nghiêm trang đạo mạo của kẻ nho sĩ, khiến ai thấy cũng phát ghét!
Thượng Quan Linh nghe Đông Tăng nói như vậy bèn cười rằng:
- Chắc ngài lại say rồi đây, để cháu đưa ngài về Tùng Thọ Cư nghỉ nhá!
Đông tăng Túy Đầu Đà quả nhiên đã ngà ngà say, giao ngay bầu rượu và đùi thịt chó dở dang cho Thượng Quan Linh, chân cao chân thấp bước theo chàng thiếu niên về tuốt phía sau viện, vì ngôi nhà ấy nằm phía sau ngôi Trúc Lâm tiểu xá.
Tùng Thọ Cư cũng là một nơi u nhã thanh tịnh, ngoài trừ những vật dụng cần thiết trong một căn nhà ra, trong phòng toàn thấy những bầu rượu lớn bé nằm ngổn ngang khắp trong phòng, những món thịt khô treo lủng lẳng khắp vách. Trông nơi Tùng Thọ Cư không khác nào một quán rượu nho nhỏ!
Thượng Quan Linh tuy là học trò Nam bút Gia Cát Dật, nhưng đối với Tùng Thọ Cư này, không có ngày nào mà chàng tiểu hiệp không ghé chân vào, chỉ vì vị sư bá Túy Đầu Đà này quá thích mê sư điệt của mình, và càng len lén truyền dạy hết những võ nghệ tuyệt kỹ trong đời mình cho chàng, nhất là ngọn Điên Đảo Càn Khôn do chính mình sáng tạo ra, bao nhiêu những bí quyết đều dốc hết truyền dạy cẩn thận cho Thượng Quan Linh.
Túy Đầu Đà sau khi bước vào phòng, lại quay lại lấy bầu rượu và đùi thịt của mình lo nhậu tiếp.
Tu xong một hơi rượu, Túy Đầu Đà lại cười rằng:
- Này cháu, vừa rồi mình cháu đang luyện tập kiếm pháp hào hứng như thế sao bỗng dưng lại như muốn khóc vậy, hay là thầy cháu đã rầy la gì oan ức sao?
Thượng Quan Linh xưa nay biết rõ tính vị sư bá này của mình hơn ai hết, nhất là tính háo rượu, tuy nhiều lúc hào phóng đến tột độ, nhưng lại chưa bao giờ bị say khướt hẳn, nhất là những trường hợp ấy lại tỉnh táo vô cùng. Hơn nữa mến thương mình vô cùng, nay nghe sư bá hỏi vậy, trong lòng càng cảm thấy nao nao, cúi đầu không nói năng gì!
Túy Đầu Đà lại rằng:
- Phải thầy cháu đã mắng ức cháu không? Hãy mách cho sư bá hay! Thế nào sư bá cũng can thiệp cho, ngày mai đây ta sẽ mắng cho hắn biết mặt là đừng có hòng ức hiếp sư điệt ta hoài!... Cháu vui lòng chứ?...
Thượng Quan Linh rằng:
- Thưa sư bá! Sao ngài lại nói... sư phụ đâu có thể vô cớ mắng cháu! Chẳng qua cháu sau khi luyện xong bài kiếm pháp, bỗng nhiên sực nhớ vị ân sư trước kia và cả Chung Ly Triết, và chị Thường Bích Vân...
Túy Đầu Đà cũng ngẩn ngơ rầu rầu, nhưng lại gắt ngay rằng:
- Còn đứng ì ra đấy làm gì? Bộ cháu quên hết những bài học hàng ngày rồi hả? Hãy mau tập luyện ngay ngọn Điên Đảo Càn Khôn cho ta xem!
Thượng Quan Linh bèn vâng lời, và chàng ra nhanh ngay ngoài sân viện nhỏ của Tùng Thọ Cư luyện ngay ngọn võ công bí truyền của Đông tăng Túy Đầu Đà. Những chưởng phong của chàng vung ra, chẳng thấy có gì lạ lùng hay ghê gớm, chỉ thấy thân hình chàng hết nghiêng bên đông lại ngả sang hướng tây, hai chân loạng choạng không khác gì anh chàng say rượu gượng đi, hai tay khi vung ra lúc thu vào, trông lả lướt như bệnh mỏi vươn chân tay cho làn gân cốt, hết chụp bên trái lại bốc sang bên phải, người ngoài trông vào thật chẳng có tí gì gọi là căn bản của võ học cả!
Nhưng chỉ thấy sắc mặt Túy Đầu Đà có vẻ trịnh trọng quan sát cẩn thận từng cử chỉ nhỏ của sư điệt mình, thỉnh thoảng lại gật gù như vừa ý miệng lẩm bẩm rằng:
- Cháu luyện khá lắm! Khá lắm! Như thế mới không uổng công khó nhọc của sư bá truyền dạy, nhưng sau này cháu càng phải chăm luyện gắt thêm nữa, vì sư bá sắp phải xa cháu rồi!
Thượng Quan Linh nghe nói vậy, vội thu ngay thế lại hấp tấp hỏi:
- Thưa sư bá, ngài mới nói gì? Ngài sắp rời khỏi đây sao?
Đông tăng Túy Đầu Đà buồn buồn gật đầu, hình như chính Túy Đầu Đà cũng không muốn rời khỏi sư điệt của mình, lúc này thấy hòa thượng nghiêm nghị, khiến cho Thượng Quan Linh cảm thấy sự thể bất thường, chàng không thể nào chờ đợi, vội hỏi ngay:
- Thưa sư bá, thế ngài tính đi đâu? Liệu còn về đây không?
- Này Thượng Quan Linh, đêm nay ta phải rời khỏi đây, vì ta có chuyện cần giải quyết ở Lạc Thủy, lộ trình không xa, thời gian cũng không lâu, nhưng rất có thể tạm thời ta không thể về nhà, vậy cháu cần phải chịu khó chuyên tập luyện về môn Điên Đảo Càn Khôn!
- Cháu nguyện tuân lời dạy bảo của sư bá! Nhưng ngài nói trong thời gian ngắn không thể về nhà, vậy chừng nào ngài mới về đây?
Túy Đầu Đà trầm ngâm một chặp rằng:
- Ít thì một năm, nhiều thì mười năm, hai mươi năm, hay có thể suốt đời cũng không thể nào về được cũng nên.
Nghe lời nói của Đông tăng Túy hòa thượng như vậy Thượng Quan Linh càng cảm thấy sự việc nghiêm trọng thêm, thường ngày, chàng hay gần gũi với vị sư bá dễ tính này nhiều nhất, nay thình lình ra đi như thế và nghe ông ta còn có thể không bao giờ về đây, trong lòng Thượng Quan Linh bỗng dâng lên một nỗi buồn nao nan trong tâm hồn mình!
Nhìn vẻ mặt của sư bá, rõ ràng là ông ta đang có chuyện quan trọng trong mình, muốn hỏi rõ là vấn đề gì? Nhưng Túy Đầu Đà cứ. lắc đầu không chịu nói.
Trời đã đổ hoàng hôn, Túy Đầu Đà hối thúc chàng về Trúc Lâm tiểu xá, Thượng Quan Linh nghĩ bụng, sư bá đã giấu không cho biết, thì mình đi hỏi sư phụ cũng được. Nghĩ xong chàng cười mình sao lại đần thế! Chàng bèn hấp tấp về ngay tiểu xá.
Về đến nơi, chàng loay hoay đi một hơi hơn mười gian phòng, nhưng không hề thấy sư phụ Nam bút Gia Cát Dật đâu cả, chàng lớn tiếng gọi:
- Sư phụ!... Sư phụ!...
Nhưng, im lặng như tờ.
Nam bút Gia Cát Dật đã rời khỏi Trúc Lâm tiểu xá lâu rồi. Khi chàng về đến phòng mình thì phát giác một lá thư để trên bàn, trong thư viết vỏn vẹn có vài chữ:
Nay ta cùng với sư bá ngươi có chuyện đi Lạc Thủy một chuyến!
Đúng là thủ bút của thầy Gia Cát Dật.
Thượng Quan Linh vội quay nhanh mình chạy đến Tùng Thọ Cư, may Túy hòa thượng còn chưa khởi hành.
Túy Đầu Đà thấy Thượng Quan Linh bèn hỏi ngay:
- Bộ thầy cháu đã đi rồi hả?
Thượng Quan Linh ngạc nhiên gật đầu!
Túy Đầu Đà cuống cả chân tay lên rằng:
- Chết chửa?... Thằng thầy tú sĩ nghèo của cháu đi như thế, ta phải lập tức theo ngay hắn mới được, không thôi hắn lại kỳ kèo trách ta bê tha về rượu để hỏng việc!
Nói xong Túy Đầu Đà vội hấp tấp lo thu xếp, đeo ngay bầu hồ lô rượu bên mình, nhưng khi quay đầu thấy Thượng Quan Linh có vẻ lo lắng, hòa thượng bèn lên tiếng an ủi rằng:
- Cháu cứ việc yên trí, chuyện lớn tầy trời đến đâu có thằng tú sĩ nghèo của cháu và Túy quỉ ta đây đều yên ổn đâu vào đó hết, thế nào cũng đại sự hóa tiểu sự, tiểu sự hóa vô sự ngay. Còn chẳng may có hữu sự Túy quỉ ta gánh chịu một mình hết, thế nào cũng bảo đảm cho vị thầy tú sĩ nghèo của cháu về nhà bình an để cháu vui lòng!
Thượng Quan Linh bèn hỏi ngay rằng:
- Thưa sư bá, thật ra là có chuyện gì vậy? Nếu ngài không nói ra có lẽ cháu ở nhà lo đến chết mất!
Đông tăng Túy Đầu Đà thở dài rầu rầu:
- Chuyến đi này của ta và thầy cháu, có thể nói là vô cùng nguy hiểm, vì nghe đâu trên giang hồ lại bắt đầu xuất hiện tung tích Đoạt Hồn Kỳ!
Thượng Quan Linh nghe nói đến ba chữ Đoạt Hồn Kỳ, chàng hoảng ngẩn người luôn.
Thượng Quan Linh theo thầy là Nam bút Gia Cát Dật về miền Lạc Dương này cốt để ẩn cư học võ, được vài năm thì Đông tăng Túy Đầu Đà cũng đến, nhưng riêng về tin tức của Tây đạo Thiên Si và Bắc kiếm Phổ Côn không làm sao biết được hai người này ở đâu, vì tình nhớ bạn cố giao, Gia Cát Dật và Túy Đầu Đà đã mấy phen lặn lội đi tìm, nhưng đều bặt tăm tín.
Còn về Đoạt Hồn Kỳ vốn có cả thảy: chân, giả, thiện, ác bốn người, đều mặc áo bào đen và đeo mặt nạ da người, ai nấy cũng dùng Phong ma đồng kỳ làm ký hiệu; nhưng sau chiến dịch ở Cửu U Địa Khuyết xảy ra, ba: chân, giả, thiện Đoạt Hồn Kỳ là Chung Ly Triết, Diêm Nguyên Cảnh, Gia Minh, đều bị thiệt mạng tại Vạn Tính Công Phần; chỉ riêng Đoạt Hồn Kỳ ác là Cửu độc thư sinh Cơ Thiên Khuyết là người còn sống sót lại.
Thượng Quan Linh nghe nói Đoạt Hồn Kỳ tái xuất hiện trên giang hồ, vội hỏi ngay phải chăng là Cửu độc thư sinh Cơ Thiên Khuyết tái xuất hiện.
Túy Đầu Đà rằng:
- Xét ra thì hình như không phải! Nghe đâu hình thể của cây cờ đoạt Hồn Kỳ ấy nhỏ lắm, chắc chắn trong này có sự biến đổi bí mật gì đây! Chuyện này lớn lao và quan trọng vô cùng, nghe nói người giữ ngọn cờ này lại là một vị đạo sĩ có cây Trường vĩ phất không biết có phải Thiên Si đó không? Bởi ta với tu sĩ nghèo phải đi thăm thử một chuyến xem sao!
Nói xong, Túy Đầu Đà kiểm điểm lại những vật cần dùng bên người rồi căn dặn Thượng Quan Linh ở nhà nên cẩn thận trông coi trang viện, xong ra khỏi cửa Tùng Thọ Cư, chỉ nhoáng thân một cái đã biến dạng đi luôn. Thượng Quan Linh vội chạy đuổi theo ra, nhưng nào còn thấy sư bá đâu? Chàng thầm nghĩ: khinh công của Túy Đầu Đà tuyệt luân thật, chắc giờ đã xa ngoài mấy dặm rồi, như vậy mình làm sao theo kịp, chàng bèn khóa ngay cửa Tùng Thọ Cư lại, lững thững bước về Trúc Lâm tiểu xá. Khi gần tới Trúc Lâm tiểu xá, bỗng Thượng Quan Linh kinh ngạc phát giác một chuyện lạ, vì ngôi tịnh xá dưới chân núi, ngày thường tĩnh mịch yên lặng vô cùng, giờ đây Thượng Quan Linh đã phát giác có người mò đến Trúc Lâm tiểu xá mà trong lúc này thầy và sư bá đã vắng nhà hẳn!
Võ công của Thượng Quan Linh vốn đã cừ khôi, nhất là sau khi được Nam bút Gia Cát Dật cố công truyền dạy, phần lại được Đông tăng Túy Đầu Đà chỉ điểm từng ly từng tí, võ công quả đã tiến một trời một vực hơn xưa, tai mắt đã không phải loại tai mắt của hạng cao thủ thường, nhờ thính giác mà chàng đã phán đoán ngay có hai người mò vào trang viện cả thảy, và đang đi trong phòng của thầy mình là Nam bút Gia Cát Dật. Thượng Quan Linh rón rén bước tới cứa, tính lên tiếng quát hỏi. Bỗng chàng nghe có tiếng huýt sáo ngay bên cạnh mình, một bóng người dưới nách kẹp ngay một gói đồ, hấp tấp từ trong phòng vọt nhanh ra. Thượng Quan Linh quát lớn một tiếng hiện ngay bản thân ra ngăn chặn lại rằng:
- Kẻ đến là ai? Cớ sao chưa được sự đồng ý mà dám ngang nhiên vào phòng lấy đồ vật như thế!
Người đứng trước mặt trong bóng tối lạnh lùng cười mà không trả lời gì, Thượng Quan Linh nổi giận, tính bước lại xem rõ là nhân vật nào, bỗng cảm thấy phía sau có ngọn kình lực bắn nhanh tới lưng.
Chàng cảm thấy kình lực cổ vẻ hùng hậu, vì quá nhanh và không phòng hờ trước. Thượng Quan Linh đành bị trúng ngay một chưởng bay vọt lên!
Hai kẻ địch, một trước một sau và sẵn sàng phạt chường đón đánh đối thủ, thì toàn thân Thượng Quan Linh còn đang trên không, chàng đã phát ngay chưởng nhắm đánh kẻ vừa đánh lén mình. Tên nọ vội chuyển nhanh thân, dưới chân cũng vội đổi ngay phương vị; trong bóng tối chập chờn, Thượng Quan Linh cũng nhận ra người này đang đưa xéo hai tay lên bộ ngực, và thình lình hắn đẩy mạnh ra! Tiến ngay thẳng về phía chàng. Thượng Quan Linh không dám chểnh mảng, vội tăng thêm ngầm lực, bùng một tiếng, chưởng lực đôi bên gặp nhau, cả hai bên đều bị choáng váng sơ và ai nấy vội nhảy nhanh về sau. Sau khi đụng độ một chưởng, Thượng Quan Linh biết ngay địch thủ không yếu gì, trong lòng chàng bất giác kinh hãi phần nào. Ngay khi ấy, thì tên từ trong phòng vọt ra đứng trong bóng tối lên tiếng rằng:
- Kìa Ngụy Lục? Sao vậy? Bộ không thắng nổi thằng oách này hả?
Tên vừa đụng độ một chưởng với chàng là Ngụy Lục bèn lên tiếng:
- Thằng oách này được theo trong vòng có vài năm với hai lão quỉ sứ ấy, quả thật nó cũng đã học mót được chút đỉnh? Mà này, ngươi còn đứng chờ gì! Hãy mau vác đồ ấy về cho yên?
Tên phát tiếng cười lạnh lùng vừa rồi ấy, lúc này nghe vậy vội tung mình nhảy vọt lên; Thượng Quan Linh thấy dưới nách người này hình như đang kẹp cây đàn cổ Bát long ngân của thầy mình, cây đàn này vốn là vật báu vô giá, được Nam bút Gia Cát quí vô cùng, đâu có thể để họ lấy được! Nghĩ xong bèn tung vèo thân ra chận ngay hai người lại rằng:
- Hãy để nguyên đồ vật lại! Nếu không đừng hòng thoát khỏi đây!
Tên gọi Ngụy Lục bỗng cười lạnh lùng rằng:
- Này? Ranh kia! Bộ muốn giữ hai lão gia này sao?
Thượng Quan Linh nghiễm nhiên rằng:
- Trời vừa đổ tối hai người đã xâm phạm trang viện thì thôi, lại còn cả gan dám vào phòng gia sư để trộm đồ, ta đã phụng mạng thầy là trông giữ nhà cửa, đâu có thể nào để các ngươi lấy đồ một cách ngang ngược như thế được? Vậy hãy ngoan ngoãn để đồ lại và kể rõ căn nguyên ta nghe?
Ngụy Lục khinh khỉnh rằng:
- Thằng ranh con! Chẳng qua ta thấy bộ mặt non choẹt, nên không nỡ đang tay đoạt mạng ngươi, đã không biết phận mà còn ăn nói ngang ngược, liệu có thể ngăn cản hai lão gia này không?
Thượng Quan Linh giận quát rằng:
- Nếu muốn rời khỏi đây, hãy ráng mà thắng nổi tại hạ đây cái đã!
Hai người cười nhạt xong, thình lình một trước một sau ra tay công hãm ngay Thượng Quan Linh.
Chưởng phong ào ào mãnh liệt, kình lực cũng kinh người vô cùng! Hai người âm thầm không nói năng gì, dốc hết toàn lực ra công hãm Thượng Quan Linh.
Chàng bị hai ngọn kình đánh tới tấp liên miên, trong lòng cũng hơi hoảng, nhưng trong bóng tối chập chờn, thấy chàng vèo vèo phạt ra hai luồng kình phong chia đánh hai địch. Hai tên nọ dùng ngay tiếng lóng giang hồ, càng lúc càng ép sát vào gần thân Thượng Quan Linh để cố choảng liều.
Nhưng chỉ thấy Thượng Quan Linh quyền và chường đánh ra ào ào, thì ra chàng đã dùng đến ngọn quyền chường của Nam Bút đã truyền là ngọn Đinh Giáp Khai Sơn, toàn là những kình lực thuộc cương dương, khi sử dụng oai lực quả nhiên bất phàm. Sau hồi công đánh như vũ bão, phía hai người nọ cảm thấy lần lần đuối sức, đến lúc chống đỡ cũng cảm thấy lúng túng, và cảnh hiểm nghèo đã diễn ra xung quanh!
Trong số hai người lúng túng ấy, bấn người nhất có lẽ là tên đang ôm đàn Bát long ngân. Thế là hắn nhảy nhanh ra ngoài vòng chiến, bỏ ngay chiếc đàn cổ xuống đất, khẽ hừ một tiếng rồi lại vung bừa chưởng đánh thốc vào trận.
Tên Ngụy Lục thình lình nhanh tay, soạt một tiếng rút ngay cây trường kiếm bên mình ra, vì lúc này không dám coi thường Thượng Quan Linh, vung nhanh kiếm đâm tới, tên phía trước cũng đồng ra đòn đánh áp liều vào trong cảnh chập chờn nhoang nhoáng, ánh kiếm và chưởng phong dồn dập áp tới!
Thượng Quan Linh thấy binh đao đối phương đã lộ nhưng chàng không kịp rút binh khí, vẫn phải dùng chưởng Đinh Giáp Khai Sơn đánh bạt mạng, thình lình ào một tiếng đánh bật ngay tên địch trước mặt. Tên nọ bị trúng một chưởng, không làm sao đứng vững lập tức bị tạt vèo, ngay trên bốn bước. Ngay trong lúc đó luồng kiếm của Ngụy Lục đã đưa sát vào, chỉ thấy Thượng Quan Linh lúc này đang bị trống trải, không còn cách gì né tránh, Ngụy Lục mừng thầm trong bụng, nhưng chợt Thượng Quan Linh biến đổi thình lình, thoát khỏi ngay luồng kiếm của đối phương. Thấy địch thủ ngẩn người ngạc nhiên, Thượng Quan Linh thích ý trong bụng, nghĩ rằng tên này làm sao bì nổi võ công của sư bá mình là ngọn Điên Đảo Càn Khôn! Dù cho nguy đến mười mươi đi nữa, vẫn có thể né tránh ung dung như thường?
Nhưng hai tên địch nọ không vì vậy chịu thua, chỉ nghe tên Ngụy Lục rằng:
- Này Phổ Kiên! Tên này cao tay lắm! Theo tôi anh nên ra tay ngay cho rồi!
Thượng Quan Linh nghe vậy, giật mình thất kinh. Vì Phổ Kiên là con trai duy nhất của Bắc kiếm Phổ Côn, bởi Phổ Côn tự xưng Thiên Hạ Đệ Nhất Kiếm còn người con Phổ Kiên thì xưng Thiên Hạ Đệ Nhị Kiếm, tuy nhiên danh không phù hợp với thực tí nào, kiêu căng khí phách! Nhưng về kiếm pháp cũng quả có chút thực tài chân học. Thượng Quan Linh cũng từng gặp mặt qua vài lần, nhất là vụ Trường Sinh Đảo xưa kia, nay vì trong cơn tối tăm chập chờn, nên nhận không rõ diện mạo của đối thủ, nào ngờ y chính là con trai của Bắc Kiếm.
Thượng Quan Linh nghĩ thầm: Đông Tăng, Tây Đạo Nam Bút, Bắc Kiếm, Đoạt Hồn Kỳ, năm vị xưng Càn Khôn Ngũ Tuyệt này, xưa kia tuy có so tài tương tranh ngôi thứ nhưng sau này liên kết hẳn thành một nhóm, cộng đồng để đối phó với các cao thủ của tà phái trong võ lâm. Trong mấy năm trời gần đây, Thiên Si đạo trưởng và Bắc kiếm Phổ Côn không biết ẩn dạt vào phương nào, khiến nỗi Gia Cát Dật và Túy hòa thượng luôn luôn nhớ bạn cố tri, nay bỗng Phổ Kiên thình lình xuất hiện, vậy có thể hỏi ngay đến tung tích của Bắc kiếm Phổ Côn. Nghĩ vậy chàng bèn lên tiếng rằng:
- Phổ huynh? Tiểu đệ là Thượng Quan Linh đây!..
Phổ Kiên quát rằng:
- Thượng Quan Linh thì sao?
Thượng Quan Linh kinh ngạc thêm: không lý hắn biết rõ đây là nơi cư ngụ của ân sư Nam Bút mà vẫn ngang nhiên đến mưu đồ chuyện gì chăng?
Ngay trong lúc Thượng Quan Linh còn đang mãi suy nghĩ thì Phổ Kiên đã rút phắt kiếm và cùng nhau phối hợp với tên Ngụy Lục, sự phối hợp của hai người quả nhiên vừa khéo và nhanh!
Chớp mắt Thượng Quan Linh cảm ngay hai luồng kiếm đang phong tỏa hết hai mặt trước sau mình, chỉ nhoáng mắt đường kiếm đã kín mít!
Thượng Quan Linh biết ngay nếu mình hoang mang mất bình tĩnh trong lúc này, không mất mạng thì cũng bị thương, và không thể nào thoát khỏi hai luồng kiếm đang vây kín mít ấy, chàng vội thu hết tâm thần của mình, hai tay lia lịa phát chưởng, dưới chân đổi bộ như mây bay, chớp mắt chàng đã biến đổi thân hình, trông không khác nào như bẻ liễu tung hoa, từ trong hai luồng kiếm mạnh ác của Phổ Kiên và Ngụy Lục vọt bung người ra, rồi nhẹ nhàng lướt xuống một bên cạnh.
Tên Ngụy Lục thấy Thượng Quan Linh thoát khỏi nhẹ nhàng như thế, hắn khẽ hét một tiếng lại ào ngay vào vung kiếm đánh thốc? Thượng Quan Linh buông tiếng cười, chàng đẩy ngay ra một chưởng, nhưng thấy Phổ Kiên bỗng đã tiến sát gần, mũi kiếm đã tiến sát gần, mũi kiếm đang tỏa ra những tia ánh chớp nhoáng.
Soạt! Soạt! Soạt liên tiếp đánh ra ba ngọn vừa nhanh vừa lợi hại? Thượng Quan Linh bỗng trở nên lúng túng.
Ngụy Lục đứng cạnh khen tuyệt, thình lình Phổ Kiên lại biến nhanh thế đánh, chỉ thấy đường kiếm của Phổ Kiên càng lúc như sấm sét, cuồn cuộn vang ra những tiếng phong lôi thanh của nó!
Thượng Quan Linh vẫn đang tay không chống trả, chàng biết nếu mình cứ dùng tay sử dụng Đinh Giáp Khai Sơn tiếp đòn, thế nào cũng không bằng lối đánh nhanh của đối thủ, chàng bèn đổi sang ngọn Điên Đảo Càn Khôn của Đông Tăng đã truyền ra né tránh và lo tự vệ lấy thân.
Nhưng Phổ Kiên đâu chịu để yên, thình lình vọt bổng mình lên, cây trường kiếm vẽ lên một đường kiếm hoa, và lại từ trên nhắm ngay thiên linh cái của Thượng Quan Linh phạt nhanh xuống! Chỉ thấy kiếm quang tua tủa, trông như có mấy chục ngọn kiếm đang bửa xuống!
Kiếm pháp của con trai Bắc kiếm Phổ Côn quả cũng lợi hại thật!
Thượng Quan Linh thất kinh, chàng sực nhớ đến cây kiếm bên người mình, vọt tung mình nhảy vọt và soạt một tiếng, rút ngay cây cổ kiếm lâu đời Lệ thủy tinh kiếm!
Lúc đó thế kiếm của Phổ Kiên đang như cây quay tít tỏa xuống, Thượng Quan Linh không còn do dự, sau khi rút được trường kiếm của mình ra, vung ngược ngay lên chống đỡ! Nhưng chỉ nghe đến cách một tiếng dòn gọn, mũi kiếm của Phổ Kiên đã bị gãy làm hai, thế là luồng kiếm quang trên không bỗng biến mất hẳn!
Từ trên lưng chừng, Phổ Kiên vội vèo nhanh ra hơn trượng đứng xuống đất.
Thượng Quan Linh tay xách kiếm, trong lòng kinh mừng vô cùng, chàng ngẩn người ra tại trận!
Ngụy Lục vội chạy sang phía Phổ Kiên lên tiếng:
- Phổ Kiên? Sao có bị thương gì không?
Phổ Kiên trả lời với giọng ức thẹn rằng:
- Không sao? Nhưng thằng ranh này có cây bảo kiếm trong tay, nên đã phạt gãy binh khí của ta!... Thôi Ngụy Lục, chúng ta rời khỏi đây về ngay đi... còn chuyện kia để nói với Bát Bối Na Tra đến lấy vậy!
Ngụy Lục hậm hực rằng:
- Thôi thì làm phúc cho thằng ranh một chuyến vậy!
Nhưng hắn không dám lên thử với Thượng Quan Linh, trong cảnh chập chờn vừa tối vừa sáng ấy, Thượng Quan Linh chỉ nhìn thấy hai đôi mắt giận hờn của đối phương ngó mình một chập, rồi lập tức tung mình vọt đi trong bóng tối của đêm trường luôn.
Thượng Quan Linh thấy chúng đi cũng chẳng buồn đuổi theo, vội nhặt ngay gói dài thon dưới đất về ngay Trúc Lâm tiểu xá, cẩn thận xem xét cửa ngõ đâu vào đấy chàng vội ăn uống qua loa! Xong về ngay phòng thầy mình là Nam Bút để canh giữ, chàng mở ngay khăn gói thon dài ấy, quả nhiên là cây đàn quí Bát long ngân của thầy, may mà chưa bị Ngụy Lục trộm đi?
Thượng Quan Linh lúc này ngồi suy nghĩ: môn Đinh Giáp Khai Sơn của thầy và môn Điên Đảo Càn Khôn của sư bá truyền cho, đêm nay mình đã sử dụng hết ra, nhưng sau cùng vẫn nhờ công cây kiếm Lệ thủy tinh cứu mạng, nếu không làm gì dọa nổi tên Phổ Kiên ấy bỏ chạy! Nghe thầy từng nói: Bắc kiếm Phổ Côn từng sáng lập ra một bộ kiếm pháp được mệnh danh là Hoa cái kiếm pháp, xét ra thì chính Bắc kiếm Phổ Côn đã trực tiếp trong vụ này? Tại sao đêm hôm nay lại trộm cổ cầm Bát long ngân? May mà vật chưa bị mất và trong tiểu xá cũng chưa bị suy suyển gì, trong lòng cũng đỡ lo, dần dà Thượng Quan Linh cảm thấy mệt mỏi vì trong trận đấu vừa rồi đã khiến hao tâm thần không ít!
Chàng đang tính đi ngủ, bỗng chợt nhớ lời của Phổ Kiên nói với Ngụy Lục trong lúc vừa rồi là sẽ sai tên Bát Bối Na Tra nào để lấy chiếc đàn cổ này, vậy chắc chắn thế nào tên Bát Bối Na Tra ấy công lực phải cao cường hơn Phổ Kiên và Ngụy Lục. Thượng Quan Linh không dám lơ đãng, chàng cẩn thận dắt cây Lệ thủy tinh kiếm bên người, còn Bát long ngân để ngay trên bàn, mắt thao láo ngồi ngay đó canh chừng địch thủ lại?
Đêm cứ thế khuya dần, Thượng Quan Linh cảm thấy mình hơi buồn ngủ, bụng nghĩ sao mình không gảy thử cây đàn cổ này cho vui tai đỡ buồn ngủ!
Thường ngày chàng cũng thấy lối đánh đàn của thầy Nam bút Gia Cát Dật, giờ chàng cũng bắt chước theo phương pháp của sư phụ, rửa sạch tay thắp nhang xong ngồi tĩnh dưỡng tân thần một lúc, rồi mới từ từ bấm vào phím gảy đàn. Cây đàn Bát long ngân trông rất cổ và nhã, được chia làm tám huyền, trên mặt đàn khắc toàn chữ cổ xưa, không rõ là thuộc về thời đại nào.
Nam bút Gia Cát Dật cũng từng dạy Thượng Quan Linh đánh đàn, nhưng chỉ dạy lối đánh thông thường trong vài huyền cầm mà thôi; và cây đàn này luôn luôn được treo trong phòng của Nam bút Gia Cát Dật thường quí trọng cổ vật này lắm.
Thượng Quan Linh nhớ: khi nào thầy cao hứng vui vẻ trong mình, người trịnh trọng rửa tay thắp nhang xong mới chơi, và những âm thanh phát ra tuyệt diệu vô ngần, tiếng đàn có lúc như kim quan thiết mã sát phạt nhau trong trận mạc, có khi lại tựa như những tiếng u oán liên miên bất tuyệt, và những lúc ấy thường khiến cho Thượng Quan Linh trong lòng rạo rực bồi hồi vô cùng, thật quả là những tiếng đàn tuyệt diệu khiến kẻ nghe phải đê mê ngây ngất như lạc vào một thế giới âm thanh kỳ diệu ngoài trần gian!
Nhưng lúc này Thượng Quan Linh gảy đàn thì hình như chàng đã quên mất sự có mặt của mình trong lúc này, chàng đưa tâm hồn mình hòa chung các dây huyền của cây đàn cổ Bát long ngân, những âm điệu như cảnh cao sơn lưu thủy đã thánh thót như đưa tâm thần chàng thiếu niên vào một cảnh giới thần kỳ tuyệt độ
Thượng Quan Linh không ngờ mình cũng đàn ra những tiếng đàn thánh thót như thế, trong lòng mừng vô kể, những huyền trên đàn cổ, chàng động đến hết bảy dây, ngoài bảy dây đàn này ra, còn có một dây thứ tám nằm phía trên đàn, riêng sợi này thì vừa lớn vừa nặng. Bỗng chàng sực nhớ, cây đàn sở dĩ được mệnh danh là Bát long ngân, chắc có lẽ khác với các loại đàn thường là có thêm dây thứ tám này đây, xưa nay chính Thượng Quan Linh cũng chưa thấy thầy mình đàn đến chiếc dây thứ tám này này bao giờ, chàng lại nổi tính háo kỳ của mình, thuận tay kéo ngay sợi dây đàn thứ tám ấy.
Sau tiếng “Bung” vang lên, đồng thời một tiếng hét thất thanh từ ngay cửa sổ truyền ngay vào phòng Thượng Quan Linh, chàng thất kinh vội vàng đứng dậy, nhảy bung ra ngoài, thấy bên ngoài cửa sổ có một người nằm lăn ra mặt đất, và đang quằn quại, chàng vội chạy lại bồi cho một đá, tóm cổ đưa vào trong phòng.
Dưới ánh đèn, chàng nhìn rõ người này lối tam tuần, một bộ mặt ngựa gầy tóp, hai mắt đầy ánh xảo quyệt. Trong lúc Thượng Quan Linh bắt đem vào nhà, chàng đã điểm ngay vào huyệt tê buốt của người này, hắn muốn nhân cơ hội này giả bộ bị thương nặng, không hề nhúc nhích gì, nhưng nào Thượng Quan Linh nào phải tay vừa, chàng nhận ngay ra đôi mắt trân tráo có vẻ đang quan sát hành động của mình. Chàng nghĩ: không chừng người này là Bát Bối Na Tra đây, Thượng Quan Linh nhận thấy tên này võ công hình như còn tệ hơn Ngụy Lục là khác, chàng bèn đi kiếm ngay hai sợi dây bằng gân trói luôn người này vào ghế, xong mới giải huyệt cho hắn để xét hỏi nguyên do.
Nhưng tên này vẫn vờ như bị hôn mê, Thượng Quan Linh thấy vậy chỉ cười thầm trong bụng, và chàng cố ý dọa cho tên này một mẻ, bèn từ từ rút cây trường kiếm Lệ thủy tinh ra khỏi vỏ, thủng thỉnh lên tiếng nói rằng:
- Tên gian này nửa đêm mò đến trang viện, chẳng cần xét cũng biết là quân gian rồi, nay tay cứ việc xẻo bớt hai tai của y để nhẹ trừng tội đột nhập trang viện vô duyên cớ của y!
Nói xong chàng dí gần cây Lệ thủy kiếm sát đến tai người này, tên nọ tái mặt cuống lên van xin:
- Xin công tử tha mạng? Xin công tử tha chết?...
Thượng Quan Linh cười thầm trong bụng, nhưng cây cổ kiếm của chàng cũng vụt một tiếng xoẹt ngang tai của đối phương, chỉ thấy một mớ tóc vụn đã bay lên, tên nọ da gà nổi cùng mình!
Thượng Quan Linh thấy hắn run như gà cắt tiết càng bực mình, chàng thu ngay kiếm và lên tiếng quát:
- Ngươi là ai? Tới đây tính việc gì? Mau khai thật hết! Nếu có câu nào man trá, thiếu gia sẽ đưa hồn ngươi xuống âm phủ để khai thật với vua Diêm vương!
Nói xong Thượng Quan Linh lại dùng kiếm nhoáng vù một cái qua mặt tên nọ.
Tên này như biết lợi hại của Thượng Quan Linh, hắn lập tức run giọng trả lời:
- Tôi khai! Tôi khai! Xin công tử chớ ra tay giết tôi vội!
Rồi như cố trấn tĩnh cơn khủng hoảng trước mắt, hắn lấy giọng lại nhìn Thượng Quan Linh chăm chú khai rằng:
- Tiểu nhân Hoàng Phúc, thiên hạ gọi là Bát Bối Na Tra...
Thượng Quan Linh lại quát ngay:
- Hừ!... Bát Bối Na Tra, có phải người muốn lại lấy trộm chiếc đàn Bát long ngân này không? Còn Đông Tăng Nam Bút bây giờ ở đâu?
Tiểu hiệp sĩ Thượng Quan Linh điên tiết, dùng roi quất tóe đom đóm, hắn càng không nói, chàng dùng kiếm dọa, hắn cũng chẳng sợ, và còn bô bô rằng:
- Công tử có giết tôi cũng không ích gì, chẳng ai đưa công tử đến nơi hai vị ấy bị nạn được!
Thượng Quan Linh lại rằng:
- Bắc kiếm Phổ Côn hiện nay ở đâu?
Hoàng Phúc ngước mặt cười rằng:
- Bắc kiếm Phổ Côn, Tây đạo Thiên Si và cả đến nhân gian dị bảo là chiếc Tiểu Đoạt Hồn Kỳ, hiện nay đều xuất hiện tại Lạc Thủy hết với nhau một lượt, và chính Đông Tăng Nam Bút lo đến đó cũng là chuyện này!
Thượng Quan Linh thay đổi ngay thái độ tươi tỉnh rằng:
- Ngươi nói gì lạ lùng vậy?
Hoàng Phúc lại giở ngay bộ mặt tai họa tùy thiên liệu ra câm miệng như hến.
Thượng Quan Linh suy nghĩ liên miên trong lòng, không chừng tên Hoàng Phúc này nói trúng thật vì thường ngày chàng nghe Đông Tăng nói chuyện với thầy mình, mỗi lần chuyện trò đều như ẩn hiện không hòa với Bắc kiếm Phổ Côn, hình như sự chia tay của bốn người đã có một ẩn tình bí mật gì, con của Bắc kiếm Phổ Côn đã tính lại trộm cây đàn cổ Bát long ngân trong này chắc phải có nguyên nhân gì, chưa chừng Bắc kiếm Phổ Côn đã trở mặt với sư bá và sư phụ mình cũng nên? Và sự xuất hiện trong giang hồ kỳ này lại dùng đến chiếc cờ Tiểu Đoạt Hồn Kỳ làm mồi nhử để cài sẵn cạm bẫy tại Lạc Thủy để bắt hai người?
Thượng Quan Linh càng nghĩ càng cho có lý, chàng bảo bụng: nếu chuyện này có thật, mình đâu có thể im khoanh tay mà không cứu? Dù cho là châu chấu đá xe đi nữa, nhưng cũng phải đi ngay đến Lạc Thủy, rồi tùy cơ ứng cứu sư bá và sư phụ.
Thượng Quan Linh còn đang mải do dự bất quyết trong lòng, Bát Bối Na Tra đã nhận ngay ra và lên tiếng rằng:
- Tiểu nhân biết hiện họ đang ở nơi đâu tại Lạc Thủy. Nếu công tử cần, tiểu nhân xin làm người hướng đạo!