Đoàn Vũ Khỏa Thân

Chương 4

Docsach24.com

êm ấy, Sàigòn mưa như trầm như trút.

Lệ thường Sàigòn chỉ mưa từng cơn. Có khi lất phất vài ba giọt đe dọa khách bộ hành rồi trời lại tạnh ráo như cũ. Có khi hàng vạn tấn nước mưa thi đua đổ xuống nhưng cơn tàn phá ác liệt chỉ kéo dài độ nửa giờ.

Tuy nhiên đêm ấy, thông lệ đã bị phá bỏ: trận mưa dữ dội từ khi mặt trời lặn tiếp tục cho đến khuya. Các khu xóm lao động biến thành sông lạch trong chớp mắt. Từng đoàn xe hơi tối tân, động cơ bị ngập nước, nằm vạ la liệt trên những con đường sang trọng ở trung tâm thành phố. Đâu đâu cũng thấy nước. Đâu đâu cũng thấy quang cảnh buồn tênh.

Từ lầu 6 một bin-đinh đồ sộ nhìn xuống đường, Nguyên Hương cũng cảm thấy buồn tênh. Lầu này là một trong nhiêu nhà của sở Mật Vụ. Rời sân bay, ông Hoàng không về trụ sở công ty Điện Tử ở đại lộ Nguyễn Huệ mà là về một tòa chung cư mới xây cất ở đường Ngô Đức Kế, trong đó ông Hoàng thuê trọn một tầng lầu.

Cuốn phim ký ức hồi sáng tại phi trường Tân Sơn Nhứt đột nhiên quay lại trong trí Nguyên Hương.

Từ phòng vệ sinh ở đuôi phi cơ Mystère hai động cơ bước ra, ông Hoàng hoàn toàn đổi khác.

Trong quá khứ, ông đã đổi khác nhiều lần, đặc biệt là những lần bí mật xuất ngoại với mục đích bịt mắt kẻ thù. Song trong những lần cải trang đã qua, ông chỉ dùng hóa chất biến đổi màu tóc, cách chải tóc, gọng kiếng, sống mũi, bộ răng và y phục.

Chứ chưa khi nào ông đổi khác hoàn toàn.

Khuôn mặt bằng cao su của ông Hoàng trông hệt như mặt thật. Nguyên Hương có luồn nhỡn tuyến tinh tế và chuyên nghiệp mà cũng không nhận ra khuôn mặt giả. Khuôn mặt này được chế tạo bằng nhựa dẻo porotherme, thứ cao su nhân tạo được một công ty Tây Đức dùng để sản xuất vỏ bao vô-lăng xe hơi (1). Kỹ nghệ làm khuôn mặt giả bằng cao su chặn lên mặt thật đã tiến bộ vượt bực trong những năm gần đâỵ. Các cơ quan điệp báo quan trọng như C.I.A. Hoa Kỳ, và KGB-GRU Liên Sô đều thiết lập phòng thí nghiệm sản xuất khuôn mặt giả cho nhân viên thay hình đổi dạng.

Mớ tóc bạc phơ và thưa thớt của ông Hoàng đã biến đâu mất. Thay vào đó là mái tóc đen tuyền, mềm mại của thanh niên, được chải phồng theo đường rẽ nghiêng, thoang thoảng mùi thơm của bi-ăn-tin đắt tiền.

Chỉ riêng mái tóc này đã đủ kéo số tuổi của ông già tổng giám đốc lại một phần ba thế kỷ. Nguyên Hương đã được nghe nói về cách thức làm mái tóc trong phòng thí nghiệm khuôn mặt giả: từ đầu đến cuối đều bằng tay, một nữ công nhân khéo tay và thành thạo dùng kim xâu từng sợi tóc một vào da đầu.

Đặc điểm trên mặt ông Hoàng là cặp mắt kiếng dày cộm. Rút kiếng ra, ông chẳng còn nhìn thấy gì hết. Xòe bàn tay trước mắt, ông cũng chỉ có thể nhận ra những đường nét lờ mờ. Vậy mà khuôn mặt cao su diêm dúa lại không đeo kiếng. Để thay kiếng trắng, ông Hoàng đeo kiếng sát tròng nhỏ xíu, nằm gọn trong mắt. Mắt là bộ phận dễ lộ đồ giả nhất nên ông Hoàng đã thận trọng phủ kín bằng một đôi kiếng mát kiểu ốp-a to chềnh ềnh, tuy nhiên để Nguyên Hương ngạc nhiên, ông đã lấy kiếng mát ra cầm tay.

Sống mũi ông được thu nhỏ lại và nâng cao hơn. Hàm răng cũng được tô sửa lại toàn diện. Nguyên Hương không còn nhận thấy những mảng ni-cô-tin vàng ệch và đen sì như trước nữa. Điều này làm nàng bối rối nhiều nhất. Vì nàng biết rằng khuôn mặt cao su chỉ biến đổi được tóc, tai, mắt, mũi, má, miệng, môi, cằm, chứ không biến đổi được hàm răng. Muốn biến đổi nhờ đến nghệ thuật của nha sĩ, nghĩa là mất khá nhiều thời giờ sau khi đeo mặt nạ.

Đằng này, ông Hoàng chỉ mất vỏn vẹn mấy phút đồng hồ để thay đổi màu sắc của hàm răng ám chất thuốc lá. Nếu nàng hỏi ông tổng giám đốc thì nàng sẽ biết là ông có trong túi một ống thuốc riêng, trông như hộp đựng xà bông cạo râu do hãng Gilette chế tạo - ấn vào cái nút ở đầu thì bọt xà bông trắng xóa từ trong hộp phun ra. Nhưng nhỏ chỉ bằng một phần trăm. Cũng như loại xà bông Gilette trắng xóa được xì ra, ông Hoàng hứng vào lòng bàn tay rồi đem thoa vào răng, thoa đến đâu răng trắng ra đến đấy. Màu trắng này dính chặt vào men răng, phải xúc miệng bằng một nước hóa học khác thì nó mới tan biến.

Sự biến đổi về khuôn mặt được phối hợp mật thiết với sự biến đổi thân hình, ông tổng giám đốc vốn là người vai vuông, từ ngữ bình dân châm biếm thường gọi là "vai long đình". Đàn ông vai vuông thường kém hấp dẫn đối với đàn bà, vai vuông mà người lại gầy như ông Hoàng thì góc vuông càng vuông thêm, thân hình càng kém hấp dẫn thêm. Nhưng, kỳ lạ thay, sau bộ vét-tông bằng hàng terilin ca-rô đôi vai long đình đã trở nên xuôi tròn một cách khả ái.

Hiệu may nào cắt bộ com-lê này cho ông Hoàng phải là viên ngọc quý trong giới chuyên môn thời trang. Vì không những vai ông Hoàng vuông mà còn lệch một bên nữa. Quan sát lối cắt và đường chỉ, Nguyên Hương biết rằng xuất xứ của bộ com-lê phải là Luân-Đôn, thủ đô quốc tế của nghệ thuật may cắt.

Trước kia, nàng phụ trách việc sắm sửa y phục cho ông tổng giám đốc. Nói cho đúng, ông chẳng cần gì để sắm sửa thường xuyên. Xuân, hạ, thu, đông, năm này qua năm khác, ông luôn luôn mặc một bộ đồ duy nhất, mặc đến khi rách khuỷu tay thì mạng lại, chứ không thay bộ mới. Sau này, vì công việc văn phòng quá bộn bề, và cũng vì ông Hoàng bắt buộc phải cải trang hằng ngày để tránh bị đối phương ám sát nên Nguyên Hương giao trách nhiệm lo liệu quần áo cho ban Chuyên Môn.

Ông Hoàng mỉm cười khi thấy Nguyên Hương ngó mình trân trối. Rồi ông dịu dàng lên tiếng:

 Thế nào, có nhận ra tôi không?

Nguyên Hương lúng túng:

 Thưa, ông cải trang khéo quá. Nếu tôi không ngồi chung với ông hồi nãy trong phi cơ thì bây giờ không tài nào đoán nổi.

 Nghệ thuật cải trang điệp báo đã tiến bộ nhanh như thế đấy! Bên Tây Đức vừa gởi cho tôi 10 khuôn mặt khác nhau, chỉ cần 3 phút đồng hồ là ráp vào được, về Sàigòn, tôi sẽ yêu cầu ban Chuyên Môn còm-măng cho cô 10 khuôn mặt cao su. Có lẽ từ nay trở đi, mọi nhân viên cao cấp văn phòng đều phải mang mặt nạ giả mỗi khi ra ngoài. Bởi vì tình hình càng ngày càng tế nhị và khó khăn.

Trong khi ông Hoàng trò chuyện với Nguyên Hương, phi cơ đã hạ cánh an toàn xuống phi đạo bê-tông.

Tuy đã luống tuổi lại mang nhiều bệnh trong người, ông Hoàng không hề cảm thấy mệt mỏi. Bên dưới, nhân viên sở Mật Vụ mặc đồng phục nhân viên hàng không Việt Nam đã đẩy xe thang lại sát cửa phi cơ. ông Hoàng xách cái va-li nhỏ từ từ bước xuống. Ánh nắng mặt trời ban mai chiếu thẳng vào làm ông chói mắt.

Nguyên Hương đi sau ông một quãng ngắn, ông rẽ vào ghi-sê kiểm soát công an và quan thuế.

Phi cơ chở ông Hoàng được ngụy trang là phi cơ của công ty hàng không Việt Nam từ Nha Trang tới. Hành khách đi lại trong nội địa không phải xuất trình thông hành và khám xét hành lý nên ông Hoàng được tự do tiến ra cửa lớn.

Trên hàng ghế dài kê sát tường, các ký giả đang ngồi ngổn ngang, máy ảnh, máy quay phim, máy ghi âm để la liệt. Họ dán mắt vào đám hành khách vừa xuống chuyến bay "Nha Trang", ông Hoàng không đi thẳng ra sân phi cảng mà lại dừng bước, ông cho tay vào túi để tìm quẹt máy.

Không hiểu ông bỏ quên quẹt máy trên phi cơ, hay là ông cố tình làm như vậy. Đi sau, Nguyên Hương có cảm nghỉ là ông Hoàng cố tình dừng lại để xin lửa. Nàng sợ toát mồ hôi. Nếu các ký giả khám phá ra người khách trung niên tóc chải bóng, đeo kiếng mát ốp-a, thắt cà-vạt hợp thời trang, và dận giày da cá sấu mũi vuông là ông tổng giám đốc Mật Vụ, họ sẽ bủa vây kín mít để "làm thịt".

Ông Hoàng hơi nghiêng về phía trước trong khi một ký giả trẻ tuổi châm que diêm cháy đỏ vào điếu thuốc xì-gà trên miệng ông Hoàng Quả ông Hoàng là Ba Giai, Tú Xuất tái sinh! Trước mắt đạo quân báo chí, mắt sáng như điện có thể nhìn xuyên qua lớp vải nỉ dày cộm, mũi thính kinh khủng, chỉ thoáng ngửi qua là biết được tên hiệu điếu thuốc mà ông Hoàng ngang nhiên hút xì-gà đặc biệt. Loại xì-gà được làm riêng cho ông. Loại xì-gà chỉ riêng ông có trên toàn cõi Việt Nam. Loại xì-gà có mùi vị và hơi khói độc nhất vô nhị. Hút xì-gà ấy là một cách gián tiếp bảo đám ký giả:

 Tôi là ông Hoàng, tổng giám đốc Mật Vụ mà các bạn đang tìm kiếm đây. Thân chào các bạn!

Ông Hoàng rít một hơi dài, nhả khói lên không trung, cúi đầu chào rồi mới rời khỏi phòng đợi.

Hú vía!

Ông Hoàng đã thắng cuộc. Không ai đã có thể nhận ra ông Hoàng với khuôn mặt cao su giả và bộ com-lê độn vai tròn.

Già đi xe già, trẻ đi xe trẻ, nếu từ trước đến nay ông già tổng giám đốc chuyên dùng chiếc xe hòm đen Citroën cà rịch cà tang (dĩ nhiên động cơ của nó không cà rịch cà tang chút nào) trông như xe đòn đám ma, thì sáng nay ông tổng giám đốc cải lão hoàn đồng lại ngự trên một báu vật cơ khí do một công ty Hoa Kỳ chế tạo.

Theo lệnh ông, Thu Thu đã lái chiếc Camaro đến chờ ngoài phi cảng.

Camaro là loại xe 2 cửa của hãng Chevrolet, nổi tiếng có mã ngoài sang trọng, động cơ lại ngốn đường như vũ bão. Sở Mật Vụ có đủ kiểu xe trên thế giới, những thứ đắt tiền nhất là Rolls Royce của Anh Cát Lợi, Mercédès 600 Pullman 6 cửa của Đức quốc cũng có, nên lẽ ra khi thấy chiếc Camaro Nguyên Hương không thể tỏ vẻ ngạc nhiên.

Vậy mà nàng lại xúc động mãnh liệt.

Trống ngực nàng đập thình thịch như nàng vừa chạy đua 100 thước thế vận, mặt nàng đang hồng hào bỗng tái mét.

Nàng xúc động mãnh liệt vì chiếc xe hơi sơn trắng mới toanh đậu dài dưới nằng trùng tên với người đàn ông nàng yêu tha thiết.

z.28.

Tên chiếc Camaro này là z.28.

Không hiểu vì tình cờ hay hữu ý, công ty Chevrolet đã lấy số hiệu của Văn Bình để đặt tên cho một kiểu xe đua Camaro vào mùa thu năm 1967. Sau đó, ban giám đốc đã gửi chiếc z.28 thứ nhất vừa ra khỏi xưởng ráp qua Sàigòn để tặng Văn Bình (2).

Được tin hãng Chevrolet biếu xe, Văn Bình hứa sẽ lái Nguyên Hương lên cao nguyên đổi gió, nhân tiện để rà máy. Nàng hối hả vào thương xá Nguyễn Huệ mua một va-li đầy ứ đồ lạnh. Chuyến đi Đà Lạt được dự định bắt đầu sau khi Văn Bình từ Vọng Các về. Chàng đã về đúng hẹn, nhưng là trở về để vào bệnh viện. Chiếc z.28 vẫn nằm yên từ bấy đến nay trong gă-ra của sở (3).

Dọc đường từ thành phố về trung tâm thành phố, Nguyên Hương không nói nửa lời. Thu Thu cất tiếng hỏi, nàng chỉ trả lời nhát gừng, về đến bin-đinh Ngô Đức Kế, nàng đáp "vâng" một tiếng gọn lỏn, và khô khan khi ông Hoàng dặn:

 Cô nên ngủ cho lại sức. Đêm nay chắc chắn cô phải thức vì ta phải bắt tay vào việc ngay mới kịp.

Đêm ấy, Sàigòn mưa như trầm như trút.

Từ lầu 6 một bin-đinh đồ sộ nhìn xuống đường Ngô Đức Kế, Nguyên Hương cảm thấy buồn tênh. Nàng nhớ thương Văn Bình tưởng như có thể chết được. Nếu chàng đứng một bên, nàng sẽ ôm ghì lấy, cấu xé da thịt cho tóe máu. Nhưng giờ này chàng đang nằm trong dưỡng đường vắng lặng, một mình với chiếc giường sắt lạnh lùng, nửa mê nửa tỉnh dưới áp lực của mọt-phin. Chàng đã bình phục song mỗi đêm y sĩ vẫn chích ma túy để an thần. Tuần trước đến thăm chàng, Nguyên Hương suýt òa lên khóc. Chàng gầy hơn 15 kí-lô, đôi mắt trũng sâu, cặp mắt ngày nào sáng như đèn điện đã trở nên lờ đờ.

Nguyên Hương ngồi phịch xuống ghế. Nàng cố tập trung tư tưởng để nghĩ đến công việc quan trọng sắp tiến hành. Tập hồ sơ "Luân vũ" liên quan đến các vụ mất tích động trời mở rộng trước mắt. Đúng 25 trang đánh máy chữ nhỏ chi chít được dành riêng cho Phạm Thiên.

Nàng đọc lại lý lịch của nhà bác học mất tích.

Lý lịch của tiến sĩ Phạm Thiên.

"Phạm Thiên sanh ngày 16-7-1915 tại thị xã Long Xuyên. Từ nhỏ đến khi đậu cử nhân Toán, y học ở Sàigòn. Từ lớp II đến Tú Tài, ở trường Chasseloup Laubat, nay là trung tâm giáo dục Lê Quí Đôn, tọa lạc ở đại lộ Hồng Thập Tự.

Phạm Thiên luôn luôn chiếm giải nhất về toán. Năm 1935, y đậu thủ khoa cử nhân Toán. Có lẽ y là cử nhân Toán trẻ tuổi nhất (20 tuổi). Năm 1936, y được học bổng, xuất ngoại sang Pháp, và năm 1939 tốt nghiệp Tiến Sĩ Toán tại đại học đường Sọt-bon. Năm 1942, y đậu Thạc Sĩ Toán, cũng tại Ba Lê.

Cùng năm ấy, Phạm Thiên lấy vợ. Vợ y là một nữ sinh viên Viện Cao Đẳng Âm Nhạc Pháp, tên là Túy Ngọc. Hôn lễ được cử hành tại Ba Lê theo nghi thức công giáo, cả hai vợ chồng đều là tín đồ công giáo. Phạm Thiên chưa kịp hưởng tuần trăng mật với tân nhân thì phải hối hả về nước vì phụ thân đau nặng.

"Hai vợ chồng về đến Sàigòn thì phụ thân của Phạm Thiên đã qua đời. Song thân Phạm Thiên là nghiệp chủ ở Long Xuyên. Tuy Phạm Thiên là con trai duy nhất, y còn 3 người chị gái. Phạm Thanh - người mà y hạ sát vì ghen tuông lầm lạc - là em cùng cha khác mẹ, đúng hơn là con của bà vợ thứ.

Phần vì Âu Châu đang sống trong cảnh chiến tranh, phần vì nghe theo lời trối trăn của phụ thân, Phạm Thiên đã ở lại quê nhà. Y dạy toán tại trường đại học, đồng thời lập phòng thí nghiệm toán học.

Năm 1945, Phạm Thiên bắn chết em trai Phạn Thanh rồi trốn qua Cao Miên, từ Miên, y nhập cảnh vào Mỹ và được chính phủ Hoa Kỳ trọng dụng. Từ 1946 đến 1955, Phạm Thiên giữ nhiều chức vụ quan trọng trong cơ quan N.A.S.A. (Quốc An xã), đặc trách về toán học không gian, và gần đây là siêu tình báo không gian.

Năm 1955, sau ngày Việt Nam chia đôi, Phạm Thiên hồi hương. Y không sợ bị bắt vì tội giết em vì gia đình y giấu nhẹm chuyện này, khiến dư luận đinh ninh Phạm Thanh chết vì bệnh. Vả lại, khi ấy Phạm Thiên đã nhập quốc tịch Mỹ, mang tên Henry.

Y xuống Thủ Đức để tìm con vì được tin sau ngày y bỏ đi Túy Ngọc sinh hạ được một đứa con gái, đặt tên là Túy Vân.

Hồi hai người lấy nhau, họ đi du lịch vòng quanh thế giới để hưởng tuần trăng mật, nhưng khi đang ở Nam-Mỹ thì phải về nước để thọ tang.

Trong thời gian thăm viếng Nam-Mỹ, hai vợ chồng son đến núi Kilimanjaro. Chiều hôm ấy, đỉnh núi trắng xóa màu tuyết, mây bay vờn bên trên lảo đảo trông như những hình nhân say rượu. Phạm Thiên vô cùng xúc động Phạm Thiên nói với vợ là nếu say này để con gái thì đặt tên nó là Túy Vân để nhớ những đám mây sau rượu trên núi Kilimanjaro.

Phạm Thiên đã khám phá ra nỗi oan khiên của vợ và em trai, và được biết tên con gái đầu lòng là Túy Vân nên đã dành nhiều thế giới tìm kiếm.

Nhưng y đã cố gắng vô ích. Túy Ngọc đã đi đâu mất. Y đành lên đường trở về Hoa Kỳ và bỏ tiền thuê một số thám tử tư tiếp tục công việc tìm kiếm.

Chi tiết về vụ Phạm Thiên mất tích:  

"Tháng 9-1967, Phạm Thiên rời Hoa Kỳ, trên đường qua Vọng Các, tham dự một hội nghị quốc tế về thám hiểm không gian được triệu tập dưới sự bảo trở của Liên Hiệp Quốc.

Phi cơ Pan American Aimays bay qua Thái Bình Dương, và như thường lệ ghé lại Sàigòn trước khi tiếp tục bay tới Vọng Các. Theo chương trình, hành khách chỉ lưu lại phi trường Tân Sơn Nhứt hai tiếng đồng hồ, nhưng vì một động cơ bị trục trặc nên chuyến bay được hoãn từ trưa đến chập choạng tối.

Hôm ấy trùng vào rằm tháng tám âm lịch, phố  xá Sàigòn rộn rịp như mắc cửi nên phái đoàn bác học Hoa Kỳ được mời dạo xe một vòng trong thành phổ. Đúng ra, một số nhà bác học, trong đó có Phạm Thiên, ngỏ ý muốn xuống phố thăm bằng phương tiện riêng nên vì điều kiện bảo vệ an ninh tòa đại sứ Hoa Kỳ phải cung cấp cho một cái xe buýt lớn, có một đơn vị an ninh hộ tổng.

Vào phút chót, phi cơ vẫn còn bị trục trặc, chuyến bay đã phải hoãn đến nửa đêm. Do đón phái đoàn bác học dùng cơm tối tại nhà hành nổi Mỹ Cảnh ở bến tàu.

Xong xuôi, phái đoàn trở lên Tân Sơn Nhứt và máy bay P.A.A. đã cất cánh an toàn đúng 12 giờ đêm.

Khi đến sân bay Don Muong (Vọng Các), phái đoàn bác học vẫn đầy đủ, không thiếu một ai. Nhưng khi ra ngoài cửa phi cảng thì Phạm Thiên mất tích.

Sự mất tích này rất lạ lùng. Phái đoàn bác học đều đi chung, luôn luôn có nhân viên an ninh theo bên. Tại ghi-sê công an, quan thuế, Phạm Thiên còn cúi xuống cột dây giày. Nghĩa là y đã mất tích trên một hành lang dài hai trăm thước. Từ đó đến nay, không ai tìm ra dấu vết về Phạm Thiên nữa.

"Trên đây là những chi tiết rút ra trong các bản phúc trình điều tra của trung ương tình báo Mỹ C.I.A. và tình báo quốc phòng Mỹ D.I.A. Phái đoàn điều tra Mỹ đến tận phi trường Don Muong và đồng thanh kết luận là Phạm Thiên không thể nào mất tích được dọc theo hành lang phi cảng. Tuy nhiên, phái đoàn không đưa ra suy dẫn nào khác.

"Tuân lệnh văn phòng bí thư, chúng tôi đã cử nhân viên sang Vọng Các chụp hình lối đi từ chỗ máy bay đậu đến ngoài phi cảng. Chúng tôi lại đích thân đến nhà hàng Mỹ Cảnh dọ hỏi trong đám bồi bếp và chiêu đãi viên.

"Cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa thu hoạch được kết quả khả quan.

Nguyên Hương thở dài nhè nhẹ, và đóng hồ sơ "Luân Vũ" lại. Bên trong còn một xấp giấy dầy cộm nữa song nàng nhận thấy đọc vô ích. Bất giác nàng nhìn sang phòng bên. ông Hoàng cũng vừa xô ghế đứng dậy. Với những tin tức nửa nạc nửa mỡ này ông Hoàng làm cách nào để có thể hoàn tất công cuộc điều tra trong vòng một tuần, như ông đã long trọng cam kết tại phiên nhóm bất thường của Hội Đồng cảnh Giác Quốc Tế?

Nàng đã nghe ông Hoàng nhắc đến vai trò của Uyên-sơn, cựu tham vụ sứ quán Anh, nhân viên MI-6, nhưng Uyên- sơn làm gì trong vụ Phạm Thiên thì nàng chưa biết.

Ông Hoàng rút mục kỉnh ra lau, giọng hiền từ:

 Theo cô thì Phạm Thiên mất tích ở đâu?

Nguyên Hương đáp ngượng ngập như học sinh không thuộc bài bị thầy giáo gọi trúng tên:

 Thưa... chắc không phải ở Vọng Các.

 Dĩ nhiên. Cô đã đến Don Muong nhiều lần, hẳn không lạ gì lối đi từ ghi-sê quan thuế ra ngoài phi cảng. Trừ phi biến thành con muỗi Phạm Thiên mới thoát khỏi tầm mắt bảo vệ an ninh. Tuy nhiên, nếu có bàn tay của một cơ quan điệp báo quan trọng xía vào thì Phạm Thiên vẫn thoát khỏi dễ dàng....

 Thưa, bằng lối nào? Tôi nghĩ mãi không ra.

 Hừ.... đám nhà báo ăn chực nằm chờ tại phòng đợi sân bay Tân Sơn Nhứt cũng nghĩ mãi không ra như cô.

Nguyên Hương giật mình như bị điện giật, ừ, giản dị như thế mà nàng không hiểu! Vụ mất tích không tối đen như đêm củ mật mà là sáng quắc như trên sàn quay xi-nê, dưới hàng chục ngọn đèn cực mạnh. Không nhà báo nào là không biết mặt ông Hoàng qua nhiều tấm hình được chụp lén trong quá khứ. Họ đã in rửa hàng trăm tấm, phóng đại thật lớn, đặt ngay trước mặt để thuộc lòng từng nếp nhăn, từng vị trí của sợi tóc. Vậy mà ông tổng giám đốc vẫn khơi khơi bước qua mặt họ, và hơn thế nữa, ông còn đứng lại rút cái quẹt quen thuộc ra, bật lửa bằng cử chỉ quen thuộc và rít một hơi dài xì-gà quen thuộc, thứ xì-gà Ha-van độc nhất vô nhị ở Sàigòn vì bề dài quá khổ của nó, cũng như hương thơm đậm đà của nó....

Sở dĩ ông Hoàng thành công trong màn ảo thuật này là do nghệ thuật cải trang... là do cái mặt nạ bằng cao su mềm.

Nàng vội cất tiếng:

 Thưa, chắc Phạm Thiên đeo mặt nạ...

Ông Hoàng cười tủm tỉm:

 Tại sao hắn lại đeo mặt nạ?

Nguyên Hương nín lặng. Câu hỏi của ông già tổng giám đốc kỳ dị vượt khỏi tầm suy luận của nàng, ông Hoàng gạt tàn xì-gà rồi nói tiếp:

 Chỉ có hai giả thuyết. Hắn tự ý đeo mặt nạ để thoát khỏi màn lưới bảo vệ an ninh nghĩa là hắn tự ý hợp tác với một cơ quan tình báo địch. Hoặc Phạm Thiên ở phi trường Vọng Các hôm ấy là Phạm Thiên giả, một nhân viên địch đeo mặt nạ ngồi trên phi cơ từ Tân Sơn Nhứt đến Don Muong, rồi trong khi phái đoàn bác học tíu tít với thủ tục ở phi trường thì hắn lẻn vào phòng vệ sinh, gỡ bỏ mặt nạ, thản nhiên trở ra ngoài.

Ngay sau khi nắm hồ sơ Phạm Thiên, tôi đã nghiên cứu hai giả thuyết nêu trên. Muốn biết Phạm Thiên tự ý hay không, tôi phải tìm giải đáp ở Sàigòn. Và tôi đã nhờ bà Thu Thu tiếp xúc với những người hầu bàn tại nhà hàng Mỹ Cảnh, đêm rằm tháng tám, đêm Phạm Thiên và phái đoàn bác học ăn cơm tại đó.

Nói đoạn, ông Hoàng lấy trong túi áo ra một hộp băng cát-sét, loại thường bán trên thị trường, lớn bằng gói thuốc lá, rồi bỏ vào máy hát cát-sét sách tay Sanyo.

Giọng nói quen thuộc của Thu Thu vẳng ra:

"Đêm ấy, phái đoàn bác học dùng cơm trong phòng máy lạnh. Nhân viên an ninh Việt-Mỹ canh gác bên ngoài, không cho ai vào, ngoại trừ 4 cô hầu bàn người Tàu.

"Ăn cơm xong, đến món tráng miệng, Phạm Thiên gọi tăm xỉa răng. Mộr nữ chiêu đãi viên thuật lại cho tôi nghe chính chị ta mang ống tăm lại, đặt trên bàn, trước mặt Phạm Thiên sau khi nghe y nhắc đi nhắc lại hai tiếng ngà xím. Trong tiếng Quảng Đông, ngà xím là tăm.

"Trong khi uống cà-phê, nhà bác học ngồi đối diện Phạm Thiên đánh rơi muỗng xuống đất, Phạm Thiên vẫy bồi bàn tới và nói bằng tiếng Việt:

- Lấy cho cái thìa.

"Tôi hỏi bồi bàn là Phạm Thiên nói giọng Bắc hay giọng Nam thì y không nhớ...."

Ông Hoàng vặn tắt cát-sét, rồi chắp tay sau lưng, đi đi lại lại quanh phòng. Ngoại trừ tiếng máy điều hòa khí hậu chạy rè rè, trong phòng không còn âm thanh nào hết. Bỗng ông quay phắt lại, hỏi nữ bí thư Nguyên Hương:

 Cô nghĩ sao về bữa cơm tại Mỹ cảnh?

Nguyên Hương đáp, giọng tin tưởng:

 Thưa, tôi có cảm tưởng rằng Phạm Thiện ngồi ăn tại nhà hàng Mỹ cảnh không phải là Phạm Thiên thật. Hắn sinh trưởng tại Long Xuyên, không lẽ lại nói tiếng Bắc. Người Nam gọi thìa là muỗng.

Ông Hoàng gật gù:

 Đúng. Điều thứ hai, hắn quen với nếp sống Tây phương, ăn cơm xong không dùng tăm xĩa răng. Bà Thu Thu hỏi người chiêu đãi về giọng nói của Phạm Thiên thì được biết là y chỉ lơ lơ tiếng Quảng Đông. Trên thực tế, hắn thạo tiếng Quảng Đông như người Tàu.

 Thưa ông, đến Sàigòn là Phạm Thiên giả?

 Không. Kẻ đến Sàigòn là Phạm Thiện bằng xương bằng thịt. Sự đánh tráo chỉ xảy ra trong bữa ăn. Phạm Thiên vào phòng tắm, hoặc bị lừa vào phòng tắm, bên trong có người đợi sẵn. Người lạ đeo mặt nạ, thay Phạm Thiên trở ra bàn ăn, còn Phạm Thiên thật thì trèo qua cửa sổ và nhảy xuống nước.

 Vậy hắn đi đâu, thưa ông?

 Hội Đồng cảnh Giác Quốc Tế đã thuê ta cả chục triệu đô-la để tìm ra câu trả lời. Hiện nay tôi chưa biết hắn đi đâu. Nhà hàng Mỹ cảnh mới trang hoàng lại sơn bên ngoài chưa khô, bà Thu Thu nhận thấy dưới cửa sổ có dấu tay vịn để trèo xuống. Lấy đèn quang tuyến X và hồng ngoại tuyến chiếu vào thì chụp được vân ngón tay. Đem đối chiếu với hồ sơ thì đúng là vân ngón tay của Phạm Thiên. Có lẽ người nào đó đã lái xuồng đến dưới cửa sổ chờ hắn. Hắn khó thể đi đâu ngoại trừ đi đến chỗ hẹn với con gái.

 Túy Vân?

 Phải. Túy Vân vẫn sinh sống ở Sàigòn. Nàng là vũ công nổi tiếng chuyên múa thoát y trong các hộp đêm thượng lưu. Đặc biệt là ở Maxim's và Eden Roc.

 Vậy thì....

 Cô đề nghị đến gặp Túy Vân phải không? Nếu công việc giản dị như vậy thì đêm nay cô và tôi không cần thức.

 Nghĩa là Túy Vân cũng biệt tích?

 Phải. Sau khi Phạm Thiên biến dạng thì nàng bỏ đi đâu, không ai biết. Muốn tìm kiếm nàng, thì ta phải mượn tay Uyên-sơn. Vì hắn là một trong những người đàn ông được Túy Vân tỏ cảm tình mật thiết. Nói cách khác, hắn là nhân tình của nàng. Trước khi nàng mất tích một ngày, người ta gặp nàng cặp kè với Uyên-sơn.

 Thảo nào ông muốn Uyên-sơn trở lại Sàigòn!

 Tôi hy vọng là địch trở tay không kịp. Vì nếu biết Uyên-sơn trở lại, địch sẽ không để yên. Hắn thường trọ tại đại lữ quán Continental. Cô điện thoại viên ban đêm ở Continental là nhân viên của sở. Giờ này có lẽ Uyên-sơn sắp đến Tân Sơn Nhứt. Cô gọi dây nói cho Continental xem Uyên-sơn có đánh điện báo tin chưa?

Nguyên Hương chưa kịp đáp thì chuông điện thoại đã reo lanh lãnh. Mặt ông Hoàng bỗng sáng lên. Ông áp ống nghe vào tai. Đầu kia là một giọng đàn bà:

 Thưa hắn sắp tới bằng đường Hồng Kông.

Ông tổng giám đốc chỉ cần biết có thế. Nếu là chuyến bay từ cảng Thơm tới thì còn 45 phút nữa. ông Hoàng ra lệnh cho nữ bí thư Nguyên Hương:

-Đi.

Chuyến bay của hãng hàng không Air-France đáp xuống Tân Sơn Nhứt.

Mỗi lần dùng phi cơ, Uyên-sơn đều chọn Air-France. Chẳng phải vì y có cảm tình với nước Pháp Máy bay Air-France êm ái, sang trọng, an toàn thật đấy, nhưng từ nhiều năm nay, máy bay thương mãi của bất cứ công ty nào trên thế giới cũng êm ái, sang trọng và an toàn như nhau.

Y khoái Air-France vì thức ăn ngon. Y là người Anh, từ nhỏ chỉ biết nấu hai món: luộc hoặc chiên. Cá thịt không luộc thì chiên, không chiên thì luộc, người Anh chỉ biết đổ nước lạnh vào đun sôi sùng sục hoặc đổ mỡ vào chiên vàng rộm, thế thôi. Tuy chỉ cách nước Pháp một eo biển ngắn ngủi, Anh cát lợi khác nước Pháp về phương diện ẩm thực, và đứng bét về nghệ thuật phụng dưỡng thần khẩu.

Thế gian có ba sự khó chừa thì Uyên-sơn mê cả ba. Tửu, y không uống huýt-ky, dầu là huýt-ky hạng nhất của miền Bắc Anh quốc, mà là uống cỏ nhát và sâm-banh. "Dê béo" thì phải là món ăn nấu theo lối Pháp hoặc lối Tàu, còn "gái vừa đang tơ" thì phải là gái Á-đông hiền lành phục tòng, và đặc biệt là phải nhỏ nhắn và rắn chắc.

Trong thời gian phục vụ tại Sàigòn, y đã lưu lại khá nhiều kỷ niệm xác thịt. Lệnh thuyên chuyển đến quá đột ngột, y chỉ kịp xếp hành trang vào va-li rồi lên phi trường. Y đang nghĩ tại Hồng Kông thì nhận được lệnh trở lại Sàigòn.

Uyên-sơn mừng rơn như người trúng số độc đắc. Nói cho cùng, trúng số độc đắc, y cũng chưa sướng bằng. Vì y có cơ hội gặp lại người đẹp.

Không có gì buồn bằng trời mưa. Nhất là mưa đêm. Và nhất là mưa đêm ở một thành phố có lệnh giới nghiêm. Từ tối, người ta đã đóng cửa im ỉm. Trời mưa, người ta còn đóng cửa im ỉm hơn nữa.

Vậy mà tư trên phi cơ bước xuống, Uyên-sơn không nhìn thấy trời mưa. Cũng may là mưa đã thưa hột. Chứ còn nếu mưa tầm tã như hồi tối thì gã đàn ông đa tình đã ướt sũng như chuột lột.

Mãi đến khi nước mưa thấm vào cổ áo và chảy từng giọt trên da thịt Uyên-sơn mới dừng lại, lấy bàn tay vuốt mặt.

Hành khách đã tề tựu đông đủ trước ghi-sê quan thuế. Uyên-sơn là nhân viên trung cấp ngoại giao nên không được qua khu VIP dành cho các yếu nhân. Y từ Hồng Kông đến một cách vội vàng, tòa đại sứ Anh chưa kịp biết tin để tiếp đón, song dầu họ biết tin y tới, họ cũng chỉ phái một xe hơi có tài xế lên phi trường là cùng.

Uyên-sơn đặt cái va-li nhỏ xuống đất, rút khăn tay lau nước mưa. Y mới giã từ Sàigòn mà có cảm tưởng đã ra đi từ lâu lắm. Dưới mắt y, phi trường Tân Sơn Nhứt đã đổi khác. Nhân viên phi trường có vẻ ít nói hơn, đèn điện ban đêm có vẻ sáng hơn, âm thanh máy bay lên xuống có vẻ ồn hơn.

Đột nhiên, y đau nhói ở cuống tim. Dung mạo phi trường Tân Sơn Nhứt mờ dần, mờ dần, nhường chỗ cho dung mạo một người đàn bà, đúng hơn một cô gái Việt kiều diễm.

Nàng có cặp mắt, sống mũi, làn môi rất Tây phương, thoạt nhìn ai cũng tưởng nàng mang hai dòng máu trong người. Thân hình nàng còn Tây phương hơn nữa, vương tôn công tử của Sàigòn văn vật đều cho nàng là gái lai, vì phải lai ngoại quốc mới có được bờ vai thuôn tròn, nước da trắng như trứng gà bóc, suối tóc đen vàng óng ánh, cái mông tròn trịa, vòng eo nhỏ xíu và nhất là vòng ngực.... vòng ngực vĩ đại không dưới một trăm phân, thừa bản lãnh cạnh tranh với núi của các giai nhân quốc tế....

Đàn bà đẹp có bộ ngực một trăm phần không phải là vật dễ thấy, theo bản thống kê chính thức thì trong số một chục ngàn phụ nữ may ra mới tìm được là hội đủ điều kiện. Trong cơn lốc tiến bộ của những năm hậu chiến, con số giai nhân có bộ ngực một trăm phân ngày một gia tăng, tuy nhiên, họ không thể nào so sánh với nàng được, vì vật của nàng không bắt nguồn từ phòng giải phẩu thẩm mỹ, không dựa trên chất si-li-côn và lát-tích, mà hoàn toàn thiên nhiên, khiến nàng không phải cần đến các dụng cụ nhân tạo bằng cao su mút.

Từ khi bước chân vào đời, Uyên-sơn đã nhiều lần gặp gỡ. Song chưa thấy ai bằng nàng. Y cũng chưa thấy ai khó bằng nàng. Y là thanh niên khá khôi ngô, ăn diện đúng thời trang Ba Lê, cơ thể cân đối, bót phơi lại luôn luôn đầy ắp. Vậy mà nàng chỉ có cảm tình tha thiết chứ chưa hoàn toàn gắn bó với y....

Cho đến khi Uyên-sơn bị triệu hồi đột ngột về nước....

Xa y, nàng mới nhận thấy cuộc đời trống trải. Y cũng nhận thấy không thể sống xa nàng. Lần này, y sẽ trở lại Sàigòn. Y sẽ lấy nàng làm vợ. Nếu MI-6 không cho phép, y sẽ đệ đơn từ chức. Đối với tài xoay xở của y giữa một thị trấn quốc tế như Sàigòn, thì Uyên-sơn kiếm tiền không khó.

Nàng là Túy Vân, hoa khôi của Sàigòn hoa lệ... Uyên-sơn nhắc thầm trong miệng:

 Túy Vân.... Túy Vân....

Y là môn đệ trung thành của ánh đèn màu và sàn gỗ bóng loáng, nên không đêm nào là không có mặt tại những vũ trường danh tiếng. Kể ra, nhân viên sứ quán không được quyền rong chơi bừa bãi, nhưng y lại được quyền vì chức vụ ngoại giao chỉ là cái vỏ bề ngoài. Tấm thẻ nhân viên MI-6 như ngọn đĩa thần cho phép y được thụ hưởng theo sở thích.

Nhưng tình trạng khẩn trương đã dẫn đến lệnh đóng cửa vũ trường. Trong nhiều đêm liên tiệp, Uyên-sơn mất ngủ. Thường lệ, ba bốn giờ sáng y mới lên giường được. Các thú vui ban đêm bị ngăn chặn, phố xá đóng cửa từ trước giờ giới nghiêm, bắt buộc Uyên-sơn phải về phòng từ 10 giờ tối. Y mua hàng đống sách trinh thám để đọc hầu trám bít những giây, những phút buồn tênh, song những màn đấu võ kinh hồn trong tiểu thuyết vẫn không làm y quên được không khí ngạt mùi thuốc lá thơm của tiệm nhảy, những giai nhân hỏa diệm sơn được tác giả miêu tả chỉ là sản phẩm tưởng tượng càng khiến y nhớ đến người đẹp bắng xương bằng thịt quay cuồng trên sàn gỗ hơn bao giờ hết.

May thay, y đã tìm được một chân trời mới.

Vũ trường đóng cửa, một kỹ nghệ son phấn khác đã âm thầm xuất hiện. Và một đêm kia, Uyên-sơn được giới thiệu đến một câu lạc bộ đặc biệt dành riêng cho khách chơi ngoại quốc.

Uyên-sơn không thuộc hết đường phố Sàigòn, tuy nhiên nếu phải nhắm nghiền hai mắt ban đêm, y vẫn tìm ra tòa nhà ban phát lạc thú kia ở gần ngã tư Kỳ Đồng - Trương Minh Giảng, trong một khu vực phẳng lặng, gồm toàn biệt thự đồ sộ, sang trọng.

Bề ngoài, nó cũng giống như hàng chục, hàng trăm biệt thự thượng lưu khác, được xây cất theo kiến trúc tân tiến, với ba tầng lầu và nhiều phòng gắn máy điều hòa khí hậu, nhìn xuống cái sân rộng trồng toàn hoa lạ, có cả hòn giả sơn nước phun tung tóe theo điệu nhạc vui tai, lại có cả hầm rượu đắt tiền, và ở trên sân thượng một bể bơi nước luôn luôn trong xanh, phảng phất hương thảo mộc nữa...

Bên trong nó là một ổ thanh lâu quý phái. Mọi thú vui cầy kỳ trên trái đất đều có sẵn: nếu muốn, khách có thể bỏ tiền ra để trở thành "nhất dạ đế vương" bên cạnh những cung tần mỹ nữ phục sức bằng hàng mỏng nhất thế giới, hoặc ít ra khách cũng được thưởng thức những cuốn phim màu đặc biệt.

Và đặc biệt nhất là môn thoát y vũ.

Có được một vũ nữ thoát y đẹp và có chân dài đã là khó khăn ở một thị trấn luật lệ nghiêm khắc, vậy mà tòa nhà này lại cung cấp được cả một đoàn vũ nữ thoát y, phần đông là gái ngoại quốc du nhập hợp lệ hoặc lén lút vào Nam Việt.

Động đào này được tổ chức theo nguyên tắc bí mật tình báo. Muốn vào phải qua nhiều trạm kiểm soát. Tòa nhà rộng thênh thang trên thửa đất ba ngàn mét vuông được xây tường gạch cao hơn đầu người, bên trên được che kín bằng tôn lá, và bên trên tôn lá còn có kẽm gai nữa. Từ ngày Sàigòn có nhiều ngoại kiều ưa sống kín đáo và an ninh, những hàng rào bằng tôn uốn đã trở thành vật quen thuộc, cho nên dân chúng ở kế cận không lấy làm ngạc nhiên.

Vả lại, họ muốn tò mò cũng chẳng nhìn thấy hoặc nghe thấy được gì. Hàng rào tôn uốn không có một kẽ hở cỏn con nào để con mắt hiếu kỳ của người lạ có thể quan sát bên trong. Nếu ai đánh bạo lại gần thì đàn chó bẹt-giê thính hơi kinh khủng sẽ sủa vang. Một người gác sẽ ra ngoài, mời kẻ hiếu kỳ đi nơi khác. Còn nếu có ai có tài phi thân qua lớp kẽm gai tua tủa vào trong vườn thì phải đối phó với chó săn được huấn luyện để cắn nát cổ, tuy nhiên, bọn bẹt-giê nguy hiểm này còn chưa nguy hiểm bắng bọn đà điểu cao lêu nghêu có thể đè bẹp những khối thịt nặng trăm cân.

Mọi bức tường trong biệt thự đều được lót cao su hãm thanh nên tiếng động - kể cả tiếng đàn hát ồn ào - không thể lọt ra ngoài.

Hội viên "câu lạc bộ" có thẻ riêng, đánh số hẳn hoi, và thẻ mỗi tháng, đôi khi mỗi tuần, mỗi đồi. Khách vượt qua vọng gác cửa được dẫn vào phòng đợi, tại đó, người ta kiểm soát thẻ hội viên xong xuôi khách mới được tự do đột nhập động đào.

Uyên-sơn trở thành hội viên trung thành, và y đã tìm thấy trong câu lạc bộ này những thú vui tân kỳ mà cả những khu dạ lạc hữu danh trên thế giới như xóm Sôhô, Luân Đôn, xóm Mông-mác, Ba Lê, bến tàu Hăm-bua, Đức quốc, Peitou, Đài Loan, Đồng pha lan, Vạn Tượng.

Tuy nhiên, sự trung thành của Uyên-sơn còn bắt nguồn từ một nguyên nhân tình cảm khác.

Vì Túy Vân....

Vì trong những đêm miệt mài truy hoan y đã lọt được vào mắt xanh của đệ nhất vũ nữ thoát y Túy Vân....

Đêm nay, trở lại Sàigòn, Uyên-sơn hồi hộp như kẻ ly hương nhiều năm vừa được nhìn thấy đất mẹ.

Y đang nhẫn nha xách va-li ra ngoài hành lang phòng đợi thì đụng đầu một cô gái tuyệt đẹp.

Y khựng người trong giây phút, vốn là kẻ đắm say nữ sắc, Uyên-sơn không thể không bắt chuyện với nàng. Khuôn mặt trái soan, miệng cười hoa nở, cặp mắt đen láy, hàng mi cong vút của nàng chứng tỏ nàng là phụ nữ Việt, nhưng ngực nàng, eo nàng, mông nàng, và nhất là cặp giò thuôn dài trong bộ din bó chặt lại phản phất bản sắc nẩy nở và rắn chắc của giai nhân Tây phương.

Y còn bối rối, chưa tìm ra cách nhập đề thì người đẹp đã lên tiếng trước. Nếu y biết tên người đẹp là Nguyên Hương, bí thư trưởng của ông Hoàng, tổng giám đốc sở Mật Vụ Nam Việt thì y sẽ không mừng rỡ như trở cờ trong dạ nữa.

Tội nghiệp cho điệp viên MI-6 Uyên-sơn! Y đã quen mặt các yếu nhân Mật Vụ song Nguyên Hương lại đeo mặt nạ bằng porotherme nên y tưởng nàng là người lạ.

Nguyên Hương chặn Uyên-sơn lại, giọng sỗ sàng:

 Ông là Uyên-sơn, nhân viên tòa đại sứ Anh quốc?

Uyên-sơn giật mình:

 Vâng, tôi là phụ tá tùy viên thương mãi.

Nguyên Hương chỉ cánh cửa bên trái:

 Mời ông vào đây có chút vệc.

Giá Nguyên Hương là đàn ông, Uyên-sơn đã trố mắt hỏi lý do của sự triệu mời khó hiểu này. Song Nguyên Hương lại là đàn bà, và là đàn bà có khả năng hớp hồn đàn ông. Nên y tuân lệnh răm rắp.

Uyên-sơn ngoan ngoãn theo Nguyên Hương vào căn phòng, bên ngoài có tấm bảng nhỏ, viết chữ đỏ "quan thuế". sáu khi y bước vào, cửa phòng đóng lại thì bên ngoài, một thiếu nữ khác mặc đồng phục áo dài xanh đính con rồng vàng bằng chỉ thêu đã nhanh nhẹn gỡ tấm biển, cất vào cặp da xách nơi tay.

Uyên-sơn nhìn người đàn ông trung niên phục sức chải chuốt ngồi sau bàn buy-rô bằng cặp mắt khinh khỉnh. Đây là lần thứ nhất quan thuế chặn y lại ở phi trường. Y không vi phạm luật lệ quan thuế, vả lại, dầu y vi phạm nữa thì y cũng không ngại. Truyền thống ngoại giao quốc tế cho phép y mang ngoại tệ vào Sàigòn.

Người đàn ông trung niên ngẩng đầu lên bắt gặp tia mắt miệt thị của Uyên-sơn, rồi nói:

 Mời ông ngồi xuống.

Uyên-sơn cau mặt:

 Cám ơn, tôi đứng quen rồi. Đêm đã khuya, tôi cần về thành phố trước giờ giới nghiêm để kịp hẹn. ông cần gặp tôi có việc gì?

 Việc riêng.

 Ông là nhân viên quan thuế?

 Cũng gần như vậy. Phiền ông cho coi giấy tờ.

 Nhân viên quan thuế không có quyền xét chứng minh thư của nhân viên ngoại giao. Tôi sẽ....

 Vô ích, ông Uyên-sơn ạ. Thứ nhất, ông không phải là nhân viên được hưởng quy chế ngoại giao. Thứ hai, trong phòng này chỉ có ông và tôi. Nếu ông phản đối, bắt buộc tôi phải dùng biện pháp mạnh.

 Vậy ông cứ áp dụng biện pháp mạnh đi, tôi sẵn sàng thù tiếp, ông đừng quên là tôi có thể phản đối mạnh mẽ với chính phủ ông. Và ông sẽ mất chức và ra tòa.

 Đó là việc sau, ông muốn phản đối với ai tùy ý. Yêu cầu ông xuất trình giấy tờ... vì chúng tôi được mật báo ông là Uyên-sơn giả hiệu. Uyên-sơn thật sự đang ở Luân Đôn.

 Tưởng gì.... chứ nếu ông ngờ tôi là Uyên-sơn đội lốt thì tôi xin sẵn sàng xuất trình thông hành. Xin báo ông biết, ông là nhân viên an ninh hạng bét, trước khi tới đây, nếu ông liên lạc với sứ quán Anh quốc thì đã rõ tôi là Uyên-sơn thật sự trăm phần trăm, từ Hồng Kông đến.

Vừa nói, Uyên-sơn vừa ngồi xuống ghế. Y rút bót phơi đưa thông hành cho người đàn ông trung niên. Nguyên Hương đứng bên giật luôn cái bót phơi đầy ắp giấy tờ. Uyên-sơn phản đối:

 Ô kìa....

Nguyên Hương mỉm cười:

 Ông cũng phản đối cả tôi nữa sao?

Uyên-sơn nín thinh. Nguyên Hương đưa cái bót phơi cho người đàn ông trung niên. Người ấy đứng dậy, mở cửa sang phòng bên. Nguyên Hương lại gần Uyên-sơn, nhìn vào giữa mắt y, giọng ôn tồn nhưng chứa đựng đe dọa:

 Phiền ông đợi một lát. Chỉ một lát thôi.

Uyên-sơn chắt lưỡi:

 Vì cô nên tôi chịu ép một bề. Cô đừng tưởng tôi sợ.

Nguyên Hương cười:

 Tôi biết lắm.

Hơi thở thơm tho của nàng phà vào mũi Uyên-sơn. Y há miệng toan nói song lại ngậm tăm. Hơi thở giai nhân như có thuốc mê. Tim y đập thình thịch, y mọc vẩy ốc khắp người. Y muốn rướn lên, chạm bàn tay vào hai trái tuyết lê khiêu gợi của nàng song thân thể y bị dán chặt vào ghế. Nàng đủng đỉnh hỏi:

 Ông có lấy làm phật ý không?

 Không.

Nàng nhún vai:

 Ông nghĩ rất đúng. Vào địa vị ông, tôi không những không phật ý mà còn giữ kín chuyện này nữa. Vì nói ra, ông sẽ gặp bất lợi... khá nhiều bất lợi.

 Hừ, cô hăm dọa tôi. Tôi đã nói hồi nãy rằng tôi không sợ. Lẽ ra tôi làm thinh, nhưng giờ đây tôi sẽ không làm thinh nữa. về đến khách sạn, tôi sẽ điện thoại cho bộ ngoại giao.

 Để làm gì, thưa ông Uyên-sơn?

 Làm gì thì cô biết lấy.

Nguyên Hương nghiêm sắc mặt:

 Xin ông nhớ lại những việc ông đã làm tại Sàigòn. Nếu ông há miệng phản đối, chúng tôi sẽ tìm cách tống khứ ông về Luân Đôn. ông sẽ không được đoàn tụ với người yêu của ông ở đây nữa.

 Trời ơi, té ra...

 Chuyện riêng của ông, ai chẳng biết. Chúng tôi có đủ phương tiện để ngăn ông gặp lại Túy Vân.

Sau mấy phút đồng hồ bàng hoàng. Uyên-sơn đã lấy lại sự bình tĩnh của người nhân viên tình báo chuyên nghiệp. Y thách thức Nguyên Hương bằng cặp mắt tóe lửa:

 Vâng. Tôi xin bái phục cô đã khám phá ra mối tình thầm kín của tôi. Nhưng Sàigòn là đất tự do, người ngoại quốc yêu phụ nữ bản xứ không phải là một tội. Túy Vân là vũ nữ, nàng muốn yêu ai mà không được. Nàng lại chưa chồng, nàng có quyền lựa chọn bạn trăm năm. Còn tôi, tôi là trai chưa vợ....

 Ông chóng quên quá... ông quên người đàn bà chung sống với ông tại Luân Đôn rồi sao

?

Uyên-sơn lịm người như vừa nghe sét đánh ngang tai. Phải, trước ngày sang Sàigòn, y đã chung sống với một thiếu phụ trên căn bản "già nhân ngãi, non vợ chồng". Nàng là con hổ cái, khi ghen có thể xé xác y làm trăm mảnh. Y hứa hẹn trời biển với nàng nên nàng đinh ninh khi y trở về sẽ cưới nàng làm vợ. Nếu nàng phăng ra sự thật...

Tuy nhiên, ở Sàigòn xa Luân Đôn hàng vạn cây số. Y sẽ ở lì ở Sàigòn, không về nữa. Trên pháp lý, nàng chưa phải là vợ y. Nghĩ đoạn, Uyên-sơn cười nhạt:

 Cô định săng-ta tôi phải không? Sự liên hệ của tôi với người đàn bà ở Luân Đôn chưa đủ để tôi phải nghe theo mệnh lệnh của cô. Bây giờ tôi đã biết cô là ai. Cô là nhân viên của ông Hoàng. Phiền cô về trình với ông Hoàng là Uyên-sơn không còn là điệp viên tập sự nữa, vả lại, trên nguyên tắc, MI-6 là đồng minh của sở Mật Vụ....

 Ông biện hộ giỏi lắm. Nhưng ông Uyên-sơn ơi, ông còn quên nhiều việc khác nữa. ông có quyền phụ bạc người yêu của ông ở Luân Đôn, song ông không có quyền vi phạm luật lệ nước tôi.

 Vi phạm luật lệ? Tôi có cảm tưởng là cô đang mê ngủ.

 Thưa ông, trong cơn mê ngủ, tôi đã nhìn thấy một thiếu nữ Việt làm thư ký đánh máy đang viết đơn khiếu nại về vụ một ông phụ tá tùy viên thương mãi xâm phạm tiết hạnh....

 Gớm thật... cái gì ông Hoàng cũng biết. Vâng, tôi thú nhận là có đi lại với nàng. Tuy nhiên... tôi đã điều đình và nàng đã chấp thuận điều kiện do tôi đưa ra. Trước ngày tôi về nước, nàng đã rút đơn thưa kiện...

 Ông lầm rồi. Nàng đang nhờ luật sư đưa nội vụ ra tòa.

Uyên-sơn toát mồ hôi. Chung quy cũng vì bệnh hảo ngọt mà ra... Cô gái trong cuộc là thư ký đánh máy trong sứ quán. Y dại dột dính chùm với nàng, và rốt cuộc nàng bắt y phải gánh chịu hậu quả. Một hậu quả mỗi ngày một lớn.... Cái bào thai trong bụng nàng....

Uyên-sơn ngước nhìn Nguyên Hương, vẻ mặt lo lắng. Y biết là sở Mật Vụ Nam Việt vừa xô y vào "ổ phục kích". Tự điển điệp báo có một danh từ bóng bẩy, "ổ phục kích", mô tả tình trạng điệp viên bị một cơ quan thù hay bạn xập bẫy để săng-ta.

Là nhân viên MI-6, tổ chức điệp báo nổi tiếng trên thế giới về nghệ thuật "phản phục kích", Uyên-sơn đã học một khóa huấn luyện đặc biệt. Trong thời gian ba tuần lễ, các giảng viên đã dạy Uyên-sơn mọi cách để chống lại các cám dỗ và thủ đoạn. Phó tổng giám đốc MI-6 từng dặn dò Uyên-sơn trước ngày y xuất ngoại:

 Các bạn phải tuyệt đối thận trọng để khỏi rơi vào ổ phục kích. Smerch, GRU và Quốc Tế Tình Báo sở có một đạo binh phụ nữ kiều diễm và dễ dãi chuyên mồi chài nhân viên ngoại giao tây phương. Vì vậy, nhất cử nhất động mà các bạn nghi ngờ phải được báo cho thượng cấp biết kịp thời, hầu để chuẩn bị đối phó. Các bạn cũng nên nhớ là không riêng gì địch phục kích ta. Ngay cả các cơ quan điệp báo của thế giới tự do đã có sự hợp tác khá mật thiết cũng chưa có ai hoàn toàn thành thật với ai. về phương diện quyền lợi, mỗi quốc gia có quyền lợi riêng, chẳng hạn Anh quốc công nhận ngoại giao các chế độ cộng sản như Trung Hoa thì Hoa Kỳ chống lại, do đó, MI-6 hợp tác với C.I.A. nhưng không cho C.I.A. biết hết những bí mật ở Hoa Lục.

Nếu chẳng may các bạn đề phòng mà vẫn rơi vào ổ phục kích - đặc biệt là ổ phục kích của đồng minh - thì thượng sách là giả vờ nghe theo rồi liệu thời cơ phúc trình về trung ương. Trong quá khứ, một phái viên MI-6 hoạt động tại Hông Kông bị rơi vào ổ phục kích của C.I.A. và C.I.A. lợi dụng kế mỹ nhân buộc phái viên này cung cấp cho họ một số tài liệu liên quan đến chính thể cộng sản Bắc Kinh. Phái viên MI-6 giả vờ thỏa thuận rồi bí mật báo về Luân Đôn. Trung ương MI-6 bố trí "phản phục kích" nhân viên C.I.Ạ. tại Hồng Kông bằng cách lén lút chụp hình và ghi âm buổi trao tài liệu, rồi thông báo cho trung ương C.I.A. biết, rốt cuộc, C.I.A. phải triệu hồi nhân viên của họ về để cảnh cáo mặc dầu nhân viên này phục vụ hoàn toàn theo lệnh trên, đồng thời C.I.A. phải hủy bỏ kế hoạch săng-ta đã định.

Lời nói của viên phó giám đốc MI-6 kêu vang trong óc Uyên-sơn như âm thanh của cuộn băng nhựa. Y bèn tương kế tựu kế, giả vờ gật đầu.

Song Nguyên Hương đã nhếch mép cười:

 Tôi cần nói rõ là chiến thuật giả vờ của ông chỉ làm hại cho ông thôi, ông nên thành thật, đừng mong phúc trình về Luân Đôn.

 Cô đã hiểu lầm....

 Vâng, tôi hy vọng là đã hiểu lầm.... Nhưng ông Uyên-sơn ơi, tôi đọc thấy ý nghĩ của ông trong cặp mắt. Chúng tôi đã bố trí chặt chẽ: trong trường hợp ông giở thủ đoạn hàng hai, chúng tôi sẽ tóm ông và lôi ông ra tòa án quân sự về tội ăn cắp tài liệu quốc phòng.

 Bịa đặt.... láo khoét....

Nguyên Hương nghiêm mặt:

 Chúng tôi đã chụp hình và ghi âm đầy đủ. Cô thư ký trong sứ quán mà ông yêu thương tha thiết lại là nhân viên của ông Hoàng. Theo lệnh ông Hoàng, nàng đã xô ông vào "ổ phục kích". Nàng cung cấp những tấm hình chụp yếu nhân của sở Mật Vụ để ông bán cho bảo tàng viện Tút-sô. Một số tài liệu ông mang về cho MI-6 cũng do chúng tôi đưa cho nàng.... ông thua sát ván rồi... ông Uyên-sơn ơi, ở vào hoàn cảnh ông, tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với sở Mật Vụ. Ông sẽ được ở lại Sàigòn, du hí với người yêu, ông sẽ lãnh lương tháng nhiều gấp đôi lương MI-6. Thế nào, ông đã suy nghĩ xong chưa?

Uyên-sơn thở dài, tiếng thở dài não nùng như gã viên chức máu mê cờ bạc vừa nướng hết tiền quỹ trong sòng ru- lét:

 Vâng, tôi cũng chẳng còn con đường nào khác nữa. Tuy nhiên, tôi chỉ có thể nhận lời dứt khoát, sau khi....

Nguyên Hương cắt ngang:

 Điều kiện chấp thuận.

Giọng nói của nàng có vẻ đàn chị, dõng dạc và sang sảng. Dường như nàng cố ý cắt ngang lời nói của gã đàn ông với mục đích gieo vào đầu y mặc cảm tự ti. Uyên-sơn há miệng toan tiếp lời thì một lần nữa, Nguyên Hương lại cúp:

 Yêu cầu ông đứng dậy.

Vẻ mặt Uyên-sơn ngơ ngác:

 Đứng dậy... đứng dậy để làm gì hả cô?

Nguyên Hương gắt:

 Từ phút này trở đi, ông không được phép đặt câu hỏi nữa. Mà chỉ được phép tuân lệnh. Từ phút này trở đi, ông là nhân viên của sở Mật Vụ Nam Việt, và là thuộc cấp của tôi.

Uyên-sơn nhìn nàng bằng cặp mắt chăm chú:

 Nhưng... cô là ai?

Nguyên Hương đáp:

 Là ai, ông không cần biết. Nào, tôi đã ra lệnh cho ông đứng dậy, tại sao ông lại ngồi xuống?

Uyên-sơn lại thở dài:

 Vâng, tôi xin ngồi xuống. Nhưng cô bắt tôi ngồi xuống để làm gì?

 Ông Uyên-sơn, ông dễ mất tinh thần quá. Tôi không hề yêu cầu ông ngồi xuống...

 À, vâng.... xin lỗi cô, tôi quên. Cô yêu cầu tôi đứng dậy. Tôi thường lẩm cẩm như vậy.

 Làm việc dưới quyền ông Hoàng, ông còn lẩm cẩm nữa thì có ngày mất mạng. Bây giờ ông đứng lên. Đứng lên để nghênh tiếp ông tổng giám đốc.

 Ông Hoàng?

 Phải, ông Hoàng, thượng cấp trực tiếp của ông kể từ phút này.

Có tiếng giầy da đế cao su kêu lẹt xẹt ở phòng bên, tiến lại gần cửa.

Rồi một người đàn ông nhỏ thó, già nua hiện ra giữa khung gỗ. Người đàn ông này là ông Hoàng. Khuôn mặt cao su porotherme đã được tháo gỡ, ông tổng giám đốc trầm ngâm nhìn Uyên-sơn qua cặp kiếng cận thị dày cộm. Trên tay ông có cái bót phơi đựng giấy tờ của Uyên-sơn. Y giơ bàn tay trước ngực như sợ ông Hoàng biến thành mũi dao nhọn đậm vào tim y, giọng lo sợ:

 Thưa... người đàn ông trung niên hồi nãy.

Y định nói thêm "là ông..." song cuống họng bị chặn nghẹt vì cảm xúc quá độ. Y sực nhớ đến bộ âu phục chải chuốt: vai thuôn, rờ-ve nhỏ xíu, cổ sơ-mi nhọn, cà-vạt màu vàng nhạt - màu thời trang trong năm của thủ đô Ba Lê - gốc mù-soa trắng nhô khỏi túi áo vét-tông, giày mũi vuông.... lối trưng diện ấy, khuôn mặt ấy, giọng nói ấy, dáng điệu ấy chỉ có thể là của người 45, 50 tuổi là cùng. Y không biết tuổi thật của ông tổng giám đốc sở Mật Vụ Nam Việt, nhưng theo lời ông tổng giám đốc MI-6 thì ông Hoàng khó thể dưới 65 hoặc 60 tuổi....

Vậy mà kỹ thuật cải trang với nhựa dẽo porotherme đã hoàn toàn biến đổi ông thành người trẻ, với ba bốn chục tuổi lùi về quá khứ... Uyên-sơn bất giác rùng mình. Y đã nghe nói nhiều về tài ba xuất quỷ nhập thần của ông Hoàng. Giờ đây y mới thấy đúng, ông Hoàng chỉ cần 5 phút đồng hồ để cải đồng hoàn lão hoặc cải lão hoàn đồng.

Thói thường, những người có bộ mã đồ sộ, bắp thịt nồi cuồn cuộn, cổ to như cột nhà, mới làm cho thiên hạ ngán sợ. Nhưng với ông Hoàng, tình trạng trái ngược đã xảy ra. Thân hình ông ốm nhom, ông lại thấp lùn, tay chân ngắn ngủn, ngực lép như đồng hồ Oméga, đôi mắt kèm nhèm vì cận thị quá nặng, cử chỉ chậm chạp lừng khừng, vậy mà ai gặp ông, đối thoại với ông đều phải rụt rè, kính nể.

Vì đôi mắt đeo kiếng cận thị dày cộm ấy lại ngầm chứa một mãnh lực dị thường. Khi ông nhìn ai, một luồng nhỡn tuyến vô hình tỏa ra bao trùm lấy, như thể mẹ ấp con. Nhiều khi luồng nhỡn tuyến vô hình ấy lại lóe sáng như có chất thép. Giọng nói của ông thường ngày rời rạc, buồn tẻ, có thể trở nên rắn rỏi, sang sảng như giọng nói của viên tướng trẻ điều binh ngoài mặt trận.

Uyên-sơn rùng mình như lên cơn sốt rét. Y khép nép lên tiếng:

 Kính chào ông.

Ông Hoàng trả lại cái bót phơi cho Uyên-sơn:

 Ông đừng phiền nhé. Trước khi gia nhập ngành điệp báo, ai cũng phài trải qua những phút bực mình như vậy. Vì ông có liên hệ gia đình với ông tổng giám đốc M1-6 nên được nhận thẳng vào tổ chức. Ngày xưa, khi tôi đầu quân cho o.s.s. người ta còn lục vấn tôi từ sáng đến tối nữa kia. Từ nay, chúng ta là bạn. Nếu ông thành thật, và luôn luôn cố gắng, tôi sẽ đặc biệt nâng đỡ ông.

 Thưa ông... tôi sẽ làm những gì?

Ông Hoàng nhún vai:

 Ô, chẳng có gì là khó khăn cả. Tôi sẽ cho ông biết sau. Bây giờ ông cần nghỉ ngơi một vài ngày cho lại sức. Tôi cũng không gấp đâu. À, ông nên bỏ cái này vào túi....

Ông Hoàng ấn vào tay Uyên-sơn một cái gói giấy báo to bằng nửa hộp bích quy. Y biết ngay là giấy bạc. Bạc 500 đồng xếp cao như vậy có thể là một triệu trở lên. Với một triệu bạc, Uyên-sơn tha hồ phè phởn. Y rụt tay lại, giọng tần ngần:

 Thưa ông, tôi không dám nhận.

Ông Hoàng vỗ vai y:

 Ông cứ nhận đi. Đây mới là một triệu rưởi. Khi nào tiêu hết, ông cứ điện thoại cho tôi biết.

Trọng khi đưa gói bạc cho Uyên-sơn, ông Hoàng hất nhằm cái bót phơi đang nằm trên bàn,. Cái ví da căng phồng rớt xuống đất, giấy tờ và tiền bạc bắn tung tóe.

Uyên-sơn cúi xuống nhặt, ông Hoàng cũng cúi xuống nhặt giùm. Gã nhân viên MI-6 quay lưng lại nên không thể nhìn thấy nụ cười bí hiểm trên môi ông tổng giám đốc sở Mật Vụ Nam Việt. Y tưởng cái bót phơi bị rớt vì ông Hoàng có cử chỉ vụng về. ông đã có ý vụng về để một tờ đô-la xanh 5 đồng - đúng hơn phân nửa tờ đô-la - rơi ra ngoài.

Và ông cúi xuống chỉ để lượm mảnh giấy bạc cắt đôi ấy. Tờ đô-la được cắt bằng kéo bén thành một đường tréo ngoẳn ngoèo. Trong thế chiến thứ hai, các điệp viên tây phương nghĩ ra kỹ thuật tiếp xúc với nhau bằng cách cắt đôi tờ giấy bạc theo một kiểu riêng, mỗi người giữ một nửa, gặp nhau rập hai mảnh lại, nếu khít là đúng. Kỹ thuật giản dị này đã được giới ma-cô quốc tế bắt chước, nhất là ở các xóm đĩ điếm Đông Kinh, Ba Lê, Hăm Bua khi họ dẫn khách xộp vào những ồ nhện kín đáo đắt tiền....

Ông Hoàng cầm mảnh giấy bạc lên quan sát. Mặt Uyên-sơn bỗng ửng đỏ. ông Hoàng không hỏi y nhưng y cảm thấy có bổn phận phải trả lời. Dầu sao y cũng đã nhận tiền của sở Mật Vụ Nam Việt. Y bèn cất tiếng:

 Thưa ông... đây là mật hiệu liên lạc để vào câu lạc bộ Ngũ Nhật Hội ở đường Yên Đỗ...

Ông Hoàng giả vờ lãng tai, khiến Uyên-sơn phải lập lại lần nữa, mặt y đỏ lại thêm đỏ. Cái được y gọi là câu lạc bộ Ngũ Nhật Hội thật ra là một trong những tổ quỷ quốc tế. Y là khách chơi nhẵn mặt, vậy mà không hiểu sao trước mặt Nguyên Hương y lại cảm thấy xấu hỗ.

Ông tổng giám đốc sở Mật Vụ cũng không lạ gì câu lạc bộ Ngũ Nhật Hội. Tại nước Hy-lạp cổ xưa, phụ nữ thường tổ chức một cuộc lễ hàng năm kéo dài trong 5 ngày (tức là ngũ nhật), mệnh danh là liên hoan Thesmophoria để tưởng nhớ hai nữ thần ân ái, Persephone và Demeler. Tập tục kỳ lạ này lan rộng ra ngoài biên giới Hy-lạp với vùng Hắc Hải và cả tới Trung và Cận Đông nữa.

Trước hội lễ 9 ngày, phụ nữ phải hoàn toàn chay tịnh về ân ái. Mục đích của sự chay tịnh này là để sửa soạn cho những cuộc ái ân cuồng loạn trong Ngũ Nhật Hội.

Ông Hoàng bỏ nửa tờ đô-la vào túi trên của Uyên-sơn rồi chắc lưỡi:

 Có, tôi biết. Tôi đã nghe báo cáo về câu lạc bộ Ngũ Nhật Hội. Tuy nhiên, việc đối phó không thuộc thẩm quyền của Sở tôi. Vả lại, tổ chức những cuộc vui kín đáo cho một số người được lựa chọn đâu phải là phi pháp, phải không ông? Chúng ta là con người, và con người phải sống, phải yêu, cho nên tôi rất thông cảm đối với sự du hí của các cộng sự viên. Ông đừng ngại... Thôi, đêm đã khuya, ông phải ra xe ngay mới kịp.

Như người mất hồn, Uyên-sơn cúi xuống xách va-li. ông Hoàng ung dung hút xì-gà, nhìn gã nhân viên MI-6 mất hút trong bóng đêm của phi cảng Tân Sơn Nhứt.

Chú thích:

 Tác giả đã đề cập đến khuôn mặt giả này trong tác phẩm "Mèo Xiêm Cọp Thái" đã xuất bản, vô-lăng bằng chất POROTHERME hiện được bán tại Sàigòn. Bạn đọc cũng có thể thấy khuôn mặt giả trong phim truyền hình Mission impossible ở Sàigòn.

 Kiểu xe z.28 được triển lãm tại Nữu Ước mùa thu năm 1967, và bắt đầu được sản xuất năm 1968. Hình xe Camaro z.28, được in trong cuốn sách này.

 Xin đọc Mèo Xiêm Cọp Thái đã phát hành.