Loan ngửng mặt chăm chú nhìn qua rặng cây và rất lấy làm lạ khi thấy hai cô học trò nhỏ đi qua lại ngoài cổng mấy lượt, thập thò không dám vào. Khi đã nhận thấy mặt, Loan cất tiếng gọi:
- Phương, Hảo vào đây?
Hai chị em đi tắt qua bãi vào, vẫn có dáng rụt rè, e sợ. Loan hỏi:
- Việc gì thế, hai em?
Phương sợ hãi nói:
- Thưa cô không.
Lúc đó Loan mới sực nhớ ra hai chị em trò này sáng nay không đến học.
- Sao sáng nay hai chị em nghỉ học?
Phương đáp ngập ngừng:
- Thưa cô... Thưa cô...
Loan hiểu ngay; Phương và Hảo đến xin phép nàng thôi học, cũng như những học trò khác. Loan dạy học được hai tháng, thầy trò đã bắt đầu mến nhau thì bỗng nàng thấy số học trò một ngày một kém, hết trò nọ xin thôi lại đến trò kia. Loan không cần nghĩ ngợi cũng biết được rằng không phải là nàng dạy kém, vì học trò nào thôi cũng có ý mến tiếc nàng. Loan chắc có người mưu hại nàng bằng cách nói xấu nàng với bố mẹ học trò. Mà không cần nói xấu nữa, cứ việc kể lại chuyện cũ của nàng cũng đủ cho bố mẹ học trò sợ không dám cho con đi học. Loan biết vậy từ trước nên đã phải hết sức giấu giếm quãng đời quá khứ của mình, nàng phải thuê nhà ở chỗ hẻo lánh này cho khỏi gặp người quen thuộc và nàng đã phải cẩn thận đổi tên và bảo học trò gọi mình là cô giáo Hồng. Nghĩ đến bà phán Lợi, Loan cau mày lẩm bẩm:
- Mình muốn quên, nhưng người ta lại không muốn quên.
Rồi nàng dịu dàng bảo Phương:
- Em không sợ, cô không phạt về tội nghỉ học sáng nay đâu. Phạt làm gì nữa, vì hai em đến xin phép cô thôi học, có phải thế không?
Phương và Hảo đưa mắt nhìn nhau như lấy làm lạ rằng sao cô giáo đoán trúng. Phương lúc đó mới dám nói thật:
- Thưa cô vâng, chúng con đến xin phép cô cho chúng con nghỉ học... ít lâu.
Loan hỏi gặng:
- Cô biết hai em không bao giờ nói dối, vậy hai em cứ nói rõ cho cô biết vì lẽ gì hai em nghỉ học?
- Thưa cô chúng con sắp phải về quê.
Loan không nghe câu trả lời của học trò, tắc lưỡi, nói một mình:
- Mình cũng lẩn thẩn lắm. Chúng nó biết thế nào được.
Rồi nàng nói to:
- Thôi hai em về. Còn tiền học tháng này chưa trả, hai em nói với thầy mẹ rằng cô giáo không lấy nữa đâu.
Phương và Hảo vừa ra khỏi một lúc thì một cô bé, vẻ mặt sáng sủa cắp sách vào chào Loan. Loan âu yếm hỏi:
- Có gì lạ không, em Bảo?
Bảo đáp:
- Cô giáo sáng này có cho con một bài tính khó quá, con nghĩ mãi không hiểu.
- Vào đây cô giảng cho.
Bảo mấy tuần lễ trước còn là học trò của Loan và cũng bị cha mẹ bắt thôi để đi học trường khác. Bảo thông minh học giỏi nhất lớp cho nên khi Bảo thôi, Loan lấy làm buồn hơn cả. Nhưng vì thầy trò mến nhau, nên Bảo lẻn nhà sang trường Loan để hỏi han Loan và học thêm.
Hai thầy trò vừa mới ngồi vào bàn, thì ở ngoài có tiếng người đàn bà hỏi con sen:
- Tôi muốn hỏi cô giáo Hồng.
Loan chưa oán được tiếng ai cả, thì một người đàn bà to béo đã đứng ở bậc cửa nhìn vào, Loan vội hỏi:
- Bà muốn gì?
Người đàn bà, nét mặt hầm hầm sẽ gật đầu chào Loan, rồi cất tiếng giận dữ gọi:
- Bảo ra ngay đây.
Loan thấy Bảo mặt tái mét, run sợ vội vàng ôm sách vào lòng, rụt rè ra cửa. Người đàn bà không nói một lời, tay trái níu lấy vai Bảo, rồi giơ tay phải tát hết sức vào má. Loan vừa sửng sốt, vừa giận đứng lên nói:
- Bà không được làm thế.
- Nó là con tôi.
Thấy bà kia toan tát Bảo cái nữa, Loan sấn lại cản:
- Tôi vẫn biết nó là con bà... Nhưng đây là nhà tôi, bà không có quyền đánh con bà ở nhà tôi.
- Tôi dạy con tôi.
Loan chỉ tay ra cửa:
- Bà về nhà bà dạy con bà.
Người đàn bà đẩy con ra ngoài, nhìn thẳng vào mặt Loan:
- Tôi không cho con tôi học cô. Nếu cô còn cứ để nó đi lại đây thì tôi sẽ trình cẩm cho cô biết.
Loan giận lắm, nhưng vẫn mỉm cười:
- Bà cứ việc giữ con bà, còn tôi, tôi không muốn nói chuyện với một người vô lễ. Bà ra ngay khỏi nhà tôi tức khắc, bà biết điều đừng để đến nỗi tôi đuổi bà ra.
Thấy Loan nói giọng quả quyết, người đàn bà hơi chột dạ lùi dần ra cửa, rồi cầm tay con kéo đi, vừa kéo vừa lẩm bẩm chửi mắng. Loan đứng nhìn theo:
- Cô nào tốt số về làm dâu bà này thì phải biết. Đấy là đối với mình, một người không thuộc quyền họ, mà còn thế ấy.
Loan cau mày:
- Bây giờ mình không thuộc quyền ai nữa, nhưng còn dính dáng với bọn này thì chưa yên thân.
Đưa mắt nhìn sang lớp học thấy học trò đã tới đông đủ, Loan thong thả vào lớp, rồi đứng cạnh bàn đưa mắt thầm đếm số học trò. Loan ngồi xuống, một tay uể oải mở cửa sổ, một tay ôm trán, nghĩ ngợi. Học trò vẫn yên lặng đợi mãi không thấy cô giáo gọi đọc bài. Một lúc Loan mới ngửng lên, nhìn khắp một loạt rồi ôn tồn nói:
- Thôi cho các chị nghỉ học...
Học trò ngơ ngác nhìn cô giáo không hiểu.
- Cho các chị nghỉ học hẳn. Bắt đầu từ nay, tôi không dạy học nữa.
Thấy học trò nhao nhao muốn hỏi, Loan giơ tay:
- Các chị thu xếp sách vở rồi về ngay, nói với thầy mẹ ở nhà rằng cô giáo phải đi xa, nên không dạy học nữa. Tôi khuyên các chị có đi học trường khác vẫn được chăm chỉ và ngoan ngoãn như ở đây. Thôi, các chị về, cô còn phải xếp dọn.
Học trò đứng cả lên xúm quanh bàn Loan hỏi chuyện, nhưng Loan gạt đi và bảo ra ngay.
Lúc học trò về cả rồi, ở lại một mình trong lớp học vắng tanh, Loan ngồi gục đầu xuống bàn yên lặng như pho tượng.
Tiếng con sen làm Loan giật mình ngửng lên:
- Cô cho học trò nghỉ học?
- U(`, cho nghỉ hẳn, từ nay tôi không dạy học nữa.
Rồi Loan bảo con sen:
- Chị liệu xem đâu có việc thì đi tìm việc mà làm. Cô không thể mướn chị được nữa.
- Thưa cô, cô định đi đâu bây giờ?
- Cô không đi đâu được cả, nhưng cô hết tiền thì thầy trò phải liệu đi tìm việc làm riêng kiếm ăn.
Con sen đứng cúi đầu ngẫm nghĩ một lát, rồi nói giọng chân thật:
- Thưa cô, miễn ở với cô có đủ cơm ăn là con xin ở mãi. Tiền công cô cho con mấy tháng nay, con chỉ ăn quà tiêu nhảm.
- Thế còn chồng con chị?
- Thưa cô, con chưa có cháu nào. Còn chồng con nó đi làm thợ mộc cũng đủ tiêu, con không phải lo.
Rồi con sen cười để che cảm động:
- Ở với cô chẳng bao giờ sợ đói. Thế là đủ. Mà dẫu có đói nữa thì hai cô cháu cùng đói. Xin cô đừng ngại.
Loan cũng cười theo, nói:
- Bây giờ phải lo việc nhà cửa. Cái nhà này thuê đắt quá, phải đi tìm cái rẻ hơn.
Con sen đáp:
- Con nghe phong phanh hình như bà Đồng đến cuối tháng này muốn đòi lại nhà.
- Tôi đã biết trước. Bà Đồng thế nào chẳng quen bà phán Lợi. Lạ gì!
Rồi Loan dặn con sen:
- Cốt nhất là đừng nói cho bà giáo Thảo biết. Cứ nói là cô tìm được việc làm ở nhà báo nhiều tiền hơn, nên thôi dạy học.