Loan cúi mặt không dám nhìn cái cảnh Tuất cúi rạp trên chiếu lễ tổ tiên và lễ ông Phán, bà Phán; vì cảnh đó làm Loan nhớ đến mấy năm trước hồi nàng mới bước chân về nhà chồng. Nàng thấy nàng hồi đó cũng như Tuất bây giờ; địa vị nàng với Tuất tuy có khác, nhưng cũng là những người bị người ta mua về hì hục lạy người ta để nhận làm cái máy đẻ, làm con sen hầu hạ không công. Trước khi Loan được người ta cưới về làm vợ một cách chính thức, những lễ nghi đó không có vẻ giả dối bằng bây giờ khi người ta đem nó ra che đậy và hơn nữa để công nhận một sự hoang dâm.
Bỗng có tiếng bà Phán nói:
- Mợ cả đâu? Mợ ngồi lên cho chị ấy làm lễ.
Loan đưa mắt nhìn mọi người không hiểu. Nàng ngạc nhiên tự hỏi:
- Tuất lạy mình? Tuất lạy Thân?
Bấy giờ Tuất đã tiến đến trước mặt nàng, cúi nhìn xuống đất hai má ửng đỏ, có vẻ tủi thân xấu hổ nhưng rất ngoan ngoãn hình như chỉ đợi nàng truyền cho một câu là sụp xuống lạy như lạy một ông thần tác phúc tác họa. Nàng nghĩ thầm:
- Hai người cùng chung một phận như nhau còn lạy nhau làm gì cho thêm tủi nhục.
Trong lúc luống cuống, nàng vô tình đưa mắt nhìn Đức, Đức cũng đương đăm đăm nhìn nàng. Loan và Đức cùng nhận ra rằng trong bọn hai chục người đứng đó chỉ có Loan và Đức là hiểu nhau. Thân thì ngồi yên ở ghế, vẻ mặt trịnh trọng như sắp sửa vào dự một cuộc lễ trang nghiêm.
Loan giơ tay ra hiệu từ chối vừa nói:
- Thôi thế là đủ, tôi không dám nhận đâu.
Bỗng có tiếng bà Đạo:
- Thế không được! Cô cứ ngồi lên cho chị ấy lễ. Cô không muốn, cái đó tùy cô, nhưng lễ nghi thì phải cho ra lễ nghi, phải trên ra trên, dưới ra dưới. Người ta còn ăn ở với mình lâu dài, không nhận để cho người ta người ta nghĩ ngợi, thêm phiền ra.
Bấy giờ Loan mới hiểu vì cớ gì bà Đạo đến. Bà là người thay mặt họ nhà vợ cả và công việc của bà đến đây là chỉ để hạch sách thôi. Loan toan đứng dậy đi ra chỗ khác thì Tuất đã ngồi bệt xuống chiếu cúi đầu lễ. Loan đành ngồi lại vì sự đã như thế rồi, nàng không muốn tỏ ý bất bình, sợ người khác lại nghi cho nàng không bằng lòng về việc lấy vợ lẽ cho chồng. Loan thấy nóng bừng cả mặt và ngượng thay cho Tuất. Nàng nhíu đôi lông mày nhìn Tuất cúi rạp dưới chân nghĩ thầm:
- Người hay vật?
Rồi nàng quay lại nhìn Thân tự hỏi không biết trong óc Thân, lúc đó có những cảm tưởng ra sao? Nàng tự hỏi không biết ái tình của Thân đối với một người lạy mình nó sẽ là thứ ái tình gì?
Có một điều chắc chắn là lúc đó Loan không thấy mảy may ghen tuông, vì nàng ghen làm gì một người hầu như không có cái phẩm giá của con người.
Nhưng đến chiều, Loan thấy trong lòng khó chịu. Nàng lánh mặt Thân, vì nàng nhìn thấy mặt, nàng lại tưởng đến Tuất và lẩn thẩn nghĩ rằng nàng và Tuất tuy khác nhau về trí thức, nhưng về đường tình ái thì chỉ là hai người xếp ngang hàng, hai người cùng thuộc quyền sở hữu của một người chồng chung.
Ăn cơm chiều xong, Loan lẳng lặng không nói cho ai nghe, thuê xe lên phố Mới và định tâm ở đó một vài ngày.
Bà Hai thấy nàng về, nói một cách rất tự nhiên:
- Con không nên đi, vì người ta sẽ cho là không được quân tử. Vả lại mình là bực trên, làm như thế, vợ lẽ tưởng lầm rằng mình sợ nó, rồi quen dần đi, nó lần quyền, sau có uốn nắn lại cũng không kịp nữa.
Loan đáp:
- Con thì có quyền gì mà sợ người ta cướp nữa. Vả lại quyền hành mà làm gì?
Rồi Loan hỏi sang chuyện khác, vì nàng biết rằng bà Hai không thể nào hiểu nàng được. Nàng buồn rầu nhớ lại hôm hỏi ý kiến mẹ về việc chồng lấy vợ bé. Bà Hai không những không có lời an ủi nàng, lại còn cho việc làm của Thân là đúng lý. Bà khuyên Loan không nên ngăn cản, vì nàng đã không sinh đẻ được nữa, thì nên để chồng lấy vợ lẽ kiếm đứa con nối dõi. Nghĩa là mẹ nàng cũng cho rằng nàng không đẻ nữa thì cái chức làm vợ không có nữa, nàng là người vô dụng rồi.
Sáng hôm sau, bà Hai vừa giục nàng về xong thì có người nhà ở dưới ấp lên mời nàng về ngay. Loan lẩm bẩm:
- Mẹ đẻ đuổi về, mẹ chồng cũng bắt về, muốn thoát thân một lúc không xong.
Loan vừa ra cửa thì gặp ngay Thảo đến. Thảo chào bà Hai rồi bảo Loan:
- Chị đi với tôi vào nhà thương. Chị cả Đạm ốm sắp chết muốn gặp chị.
Loan sửng sốt hỏi:
- Chị ấy ốm từ bao giờ thế?
- Đã mấy tháng nay rồi. Chị đi ngay thôi.
Loan nhìn bác người nhà nói:
- Rầy rà quá. Em lại phải về gấp ngay giờ. Mẹ em cho gọi về.
Thảo hỏi:
- Có việc gì cần không?
Loan đáp lại rất khẽ cho bác người nhà không nghe rõ:
- Chắc là không... Nhưng về thì em cần phải về.
Ngẫm nghĩ một lát, rồi Loan gọi bác người nhà lại bảo:
- Anh về nói với bà rằng đến trưa tôi mới về được. Sáng hôm nay tôi phải đi thăm một người chị em đang hấp hối.
Lúc bác người nhà đi rồi, Loan bảo bạn:
- Mẹ chồng cho gọi mà không về ngay thì thế nào cũng bị mắng. Ấy thế, người ta tưởng người ta có quyền sai khiến từ cái đi cái đứng của mình.
Lúc lên xe, Thảo nói với Loan:
- Trước tôi cũng tưởng chị Đạm ốm qua loa, vả lại thấy chị bận việc nhà luôn, nên tôi không nói chuyện.
- Thế chị ấy ốm về bịnh gì?
- Ốm ho lao. Bà Chánh ho phải lên Hà Nội chữa thuốc, chị Đạm phải lên theo trông nom, hầu hạ rồi không biết giữ mình, nên mắc lây. Bà Chánh vừa mới chết được vài tháng nay. Chị ấy thì cũng chỉ nay mai...
Loan hỏi:
- Chị ấy đã đi học mà không biết giữ vệ sinh.
- Ấy ngay khi lên đây, tôi đã bảo cẩn thận. Nhưng chị ấy đã đổi khác trước. Chị ấy rụt rè không dám cẩn thận, sợ người nhà cho là vẽ vời, không hết lòng, mất cả tiếng dâu thảo bấy nay.
Loan thở dài:
- Thế chồng làm gì?
- Chồng ở Hà Nội mở một hiệu cho thuê xe đạp đã hơn năm nay. Chị ấy xin phép mãi mà bà Chánh không bằng lòng cho theo chồng lên.
- Phải, ai người ta thả lỏng cho. Còn phải ở nhà hầu hạ chứ.
- Nhưng đến khi bà mẹ chồng mắc bệnh lên đây thì tự nhiên người ta nghĩ đến chị ấy và bắt chị ấy lên để trông nom thuốc thang, cơm nước, vì tính bà Chánh rất kiệt, không muốn nuôi đầy tớ.
Loan nói:
- Phải, đầy tớ thì bao giờ bằng được nàng dâu.
Ngừng một lát rồi Loan mỉm cười chua chát tiếp theo:
- Em cũng sợ có ngày thành như chị Đạm. Bây giờ em đã thấy em đổi tính khác nhiều. Mỗi tuổi một già lại thêm nhiều mối lo buồn, hết cả nghị lực để chống cự lại, rồi sống uể sống oải thế nào xong thôi. Tiến chẳng mấy tiến, chỉ thấy lùi, lùi dần. Chị có nhận thấy bây giờ em khác trước nhiều không?
Không thấy bạn trả lời, Loan lại nói:
- Ấy thế mà trừ chị ra, ai cũng tưởng em gặp được cảnh yên vui trong gia đình. Không những thế, có người lại cho em là dâu thảo nữa ấy. Thảo vì mẹ chồng bảo gì, em cũng nghe theo ngay, em lại còn là người vợ tốt, vì người ta thấy em mới cưới vợ bé cho chồng, hẳn hoi lắm.
Thấy hai thiếu nữ suýt bị xe cán phải, quay lại nhìn, rồi vô cớ cất tiếng cười khúc khích với nhau, Loan buồn rầu nói với Thảo:
- Em bây giờ đã già rồi, mất hẳn cái vui tươi hồi trước.
Lúc xe đi qua phố hàng Ngang, Loan cố ý nhìn vào mấy cái gương ở cửa hiệu Khách để xem vẻ mặt mình lúc đó. Nàng rất vui lòng khi thấy mấy chàng tuổi trẻ đăm đăm nhìn nàng; lúc xe đi qua, họ còn quay cổ trông theo. Vô tình, Loan giơ tay sửa lại mái tóc, nhưng nàng lại chép miệng tự hỏi:
- Để làm gì nữa?
Khi tới nhà thương thì vừa đúng giờ mở cửa. Cô cả Đạm thấy Loan và Thảo vào, gượng ngồi dậy mỉm cười, muốn nói nhưng nói không ra tiếng. Nàng ôm lấy ngực rồi lại ngả lưng xuống, dương mắt nhìn hai bạn, lắc đầu.
Thấy con ở bước vào phòng, Thảo hỏi:
- Ông Cả đi đâu vắng?
- Bẩm, cậu con về nhà quê.
Loan, Thảo đưa mắt nhìn nhau, tỏ ý ngạc nhiên. Con sen nói tiếp:
- Hôm nay trăm ngày bà cụ Chánh con.
Loan gật đầu thốt ra một tiếng:
- À!
Đạm lấy tay ra hiệu bảo bạn ghé lại gần, rồi cố nói, giọng thều thào:
- Chị Thảo đến thăm em luôn nhé!
Rồi Đạm đăm đăm nhìn Loan như muốn hỏi Loan về việc gia đình, song sợ nói không ra tiếng. Loan đoán rằng bạn muốn hỏi:
- Chị Loan, chị thì chắc được sung sướng.
Nửa giờ sau, Loan và Thảo từ biệt ra về. Đạm đưa mắt nhìn theo một cách đáng thương. Hai con mắt Đạm đen nhánh trước kia, giờ đã mờ và sắp gần ngày nhắm hẳn, lộ ra một vẻ não nùng như trách móc, oán hờn ai.
Lúc qua sân, Loan thấy tâm hồn lạnh lẽo, đi sát vào người Thảo. Một chiếc lá vàng thong thả là là rơi qua mặt hai người. Loan nói:
- Gió hôm nay lạnh chị nhỉ?
Qua hàng rào sắt, thấp thoáng bóng mấy cô nữ học sinh tươi cười, vui vẻ. Loan nhớ lại cả một quãng đời thơ ấu mới ngày nào khi nàng với Đạm còn là hai cô học trò cắp sách đi học, thơ ngây mong ước một cuộc đời tốt đẹp.
Loan buồn rầu ngẫm nghĩ:
- Cái học kia chỉ làm cho mình biết và cảm thấy rõ những nỗi khổ phải gặp trên đường đời.