Thảo vừa ngồi nhìn Loan vừa ngẫm nghĩ cho lời Loan nói là đúng. Sự hy sinh của Loan vì muốn cho cha mẹ vui lòng, bây giờ không có nghĩa là gì nữa. Ông Hai mới mất gần một tháng nay, trong nhà chỉ còn trơ trọi có mình bà Hai. Bà Hai bây giờ lại mong cho con về ở nhà để cho mình vui và con mình đỡ khổ, nhưng không được nữa. Một lần, Loan đã bị đẩy vào cuộc đời đó thì càng ngày càng đi sâu không thể bỗng chốc quay về được.
Loan ngồi dựa vào thành ghế, có dáng mỏi mệt, hai con mắt lờ đờ nhìn lên ảnh Dũng treo trên lò sưởi. Trông nàng còn đâu là vẻ tươi thắm hồng hào buổi đầu xuân mấy tháng trước đây; tóc rối bời và chiếc áo vải thâm cũ kỹ càng làm tăng vẻ điêu linh của bộ mặt đã dãi dầu vì lo lắng, phiền muộn.
Thảo nhìn Loan bùi ngùi thương hại và lại càng thương khi thấy đôi mắt Loan cứ chăm chăm nhìn lên hình ảnh Dũng. Thảo vội hỏi một câu bâng quơ để cho Loan quay mặt đi. Loan giật mình tỉnh mộng thở dài, hỏi bạn:
- Thế là đã nửa năm nay, chị không nhận được thư của anh Dũng?
- Vâng.
- Chị cũng không nhận được tin tức gì về anh ấy cả?
Không đợi Thảo trả lời, Loan thẫn thờ sẽ nói tiếp:
- Biết đâu, hay là anh ấy không còn sống...
Hai người yên lặng một lúc, rồi Thảo chép miệng bảo Loan:
- Nghĩ cũng thương hại cho anh Dũng. Bỗng không đem thân đi đày đọa gió mưa sống chết lúc nào không biết.
Loan đáp:
- Nếu có phải gặp cái chết chăng nữa, cái chết ấy cũng không đáng thương bằng cái chết dần, chết mòn.
Thảo nói:
- Sao chị chán đời thế?
- Không! Em không chán đời. Chán đời là không thiết sống nữa. Em, em còn muốn sống, muốn sống lắm...
Rồi nàng chua chát nói tiếp:
- Nhưng không phải sống thế nào cũng là sống!
Thảo nhớ lại những lời Loan nói trước mặt Dũng mùa đông năm ngoái về cô Minh Nguyệt tự tử, bảo Loan:
- Đấy chị xem không phải mỗi chốc ruồng bỏ được một cách dễ dãi, như trước kia chị vẫn tưởng.
- Vâng, bây giờ em cũng nhận thấy như thế. Em tưởng không thể nào chung sống với những người ấy được mà em thấy trước rằng em phải chung sống vơi họ mãi mãi, suốt đời.
Loan nói câu ấy là vì nghĩ đến đứa con trong bụng. Nàng bảo bạn:
- Nhưng dẫu sao, em sẽ cố can đảm như lời chị dặn em, tuy em đã hỏng cả một đời, em hết cả tuổi xanh chứa chan hy vọng của em giam hãm vào một đời cằn cỗi. Chị nghĩ xem, vợ chồng ở đời với nhau, để cùng nhau chung gánh công việc, để khuyến khích nhau, nhưng chồng em thì chị bảo em khuyến khích cái gì, mà dẫu có muốn nữa cũng không được, vì đối với mọi người trong nhà, em chỉ việc ngậm miệng mà nghe lệnh trên.
- Nhưng sao chị không tìm cách ra ngoài buôn bán?
- Có, đã mấy lần em xin phép, nhưng không được. Chính vì đó mà bà Phán bắt đầu có ác cảm với em. Họ không thể hiểu được rằng em có quyền tự lập thân em, vì họ vẫn đinh ninh rằng họ bỏ tiền ra mua em về để giúp đỡ công việc nhà họ và hầu hạ mẹ chồng. Bổn phận chính của em là thế. Cái quyền làm người của em, người ta không kể đến.
Loan cau mày nói tiếp:
- Lúc nào người ta cũng luôn luôn nhắc để cho em khỏi quên rằng người ta mất bao nhiêu tiền mới mua được em về. Đã mua em về thì đời nào người ta để cho em chạy thoát. Người ta lại tưởng có thể mua được cả tâm tính em nữa. Đến ngay như em để đường ngôi lệch thế này mà cả nhà cũng nói đi nói lại mãi chưa thôi. Cái đường ngôi nó ở giữa hay nó sang cạnh một tí, thì hỏi có hại đến ai không?
Thảo nhắc lại câu nói lúc nãy:
- Tôi nghĩ chỉ còn có cách ra ngoài buôn bán là ổn hơn.
Loan ngắt lời bạn:
- Còn cách nữa, là cách đợi khi nào em đổi địa vị thành một bà mẹ chồng.
Nói đến đây, Loan nghĩ ngay đến cô cả Đạm, đến cái vòng lẩn quẩn, cái dây xúc xích dài những mẹ chồng nàng dâu nối tiếp nhau để hành hạ nhau.
Loan nói:
- Nếu đứa con em đẻ ra là con gái thì em cũng sẽ cho nó đi học, nhưng em sẽ hết sức làm thế nào cho nói khỏi gặp cảnh ngộ như em. Chớ nếu sự học đó chỉ là một cái tai ách thì thà đừng đi học còn hơn. Chị nghĩ mà xem nếu em không đi học thì có lẽ em không đến nỗi khổ sở.
Thảo cười nhạt hỏi:
- Thế ngộ chị đẻ con trai?
- Nếu em đẻ con trai thì điều thứ nhất là em làm thế nào cho nó không giống tính bố nó. Cái chí của nó phải ngược lại cái chí của bố nó, em mới cho nó là đứa con có hiếu... Bố nó có mỗi một cái chí là hết sức bênh vực đại gia đình, để bây giờ cha mẹ, mà sau này sống nhờ con.
Rồi Loan hăng hái nói tiếp:
- Nó có đời của nó, lớn lên nó phải hoàn toàn sống cái đời của đó. Theo lệ cũ thì con mình cả đời chỉ quanh quẩn với mình thôi, quanh quẩn với những bổn phận trong gia đình. Khi bố mẹ còn trẻ thì bố mẹ bắt con theo ý mình, đến khi bố mẹ già, nếu bố mẹ không lo liệu lấy thân, thì tất nhiên con nó phải bận mưu sự sống cho bố mẹ. Tôi muốn nó có lòng kính yêu tôi mà không bao giờ phải bận vì tôi.
Bỗng Loan ngừng lại vì thấy Thảo nhìn mình ngơ ngác. Nàng vội nói chữa:
- Em không bao giờ bỏ được tính hay nói lý. Nhưng chị nên biết cho em vì chịu khổ nhiều quá mới nảy ra những ý tưởng lạ lùng ấy. Em đã bị đau đớn, nên em muốn không ai phải đau đớn như em nữa.
Vừa lúc đó ông giáo Lâm bước vào phòng, giơ tờ nhật báo lên bảo Thảo và Loan:
- Bắt được một người ở Phú Thọ mà người ấy hình như...
Thảo hốt hoảng đứng lên giật lấy tờ báo, đưa mắt tìm chỗ đăng tin, đọc vội vàng rồi vứt xuống bàn, gắt chồng:
- Cậu chỉ làm cho người ta hết hồn vía.
Lâm cười nói:
- Thì tôi đã bảo gì đâu mà hết hồn vía.
Loan thản nhiên nói:
- Thà được tin anh ấy bị bắt, còn hơn là không biết anh ấy sống chết thế nào.
Loan đứng dậy toan xin phép về, Thảo giữ lại:
- Chị ở đây ăn cơm với vợ chồng tôi. Xong rồi ta lại Bảo Anh, hôm nay có phát quần áo cho trẻ con nghèo. Vả lại đã lâu chị cũng không gặp các bạn cũ, nhân tiện lại thăm họ một thể.
Loan vừa nói nhận lời thì thấy đứa người nhà vào. Nàng bảo bạn:
- Ở nhà lại cho tìm em.
Rồi nàng quay lại hỏi đứa người nhà:
- Có việc gì thế?
- Bẩm, bà con sai con đi mời me để đi với bà xuống Thường Tín mời thầy địa lý. Mợ về ngay cho, bà con chờ từ sáng đến giờ.
Loan bảo:
- Anh cứ về trước đi, nói với bà rằng tôi về ngay.
Lúc đưa người nhà ra khỏi, Loan nói với Thảo:
- Xin lỗi chị để cho khi khác. Em phải về có việc cần.
Rồi nàng lắc đầu, mỉm cười chua chát:
- Đấy, những việc cần của em đấy.