Ngay đêm ấy, người ta giải Tam Bát và gánh đồ nghề lên huyện. Trình lên quan rằng đã bắt được tên Sa Nhĩ Trừng (Sương Tam Bát) giết người. Còn hai nhà Thái Bình Tuyền và Mục Kính Huyên thì trốn biệt tăm. Sa Nhĩ Trừng chạy như bay về chùa mới hoàn hồn. Anh thấy việc kì lạ ấy như một giấc mộng. Anh nhớ rõ hình ảnh người thợ giày cầm dao, nhưng mình thì chạy thoát. Không biết sau đó người ta nhặt được bức thư, tìm thấy thịt trâu, và khai tên là Sương Tam Bát, không chịu nhận là Sa Nhĩ trừng. Anh tự nghĩ rằng: "Giết người là trọng tội. Mình lại là người giết người. Hơn nữa nhà họ Thái lại biết mình họ Sa, nhân lúc mọi người đang hỗn loạn, thì chạy trốn là tốt nhất". Rồi anh nói với nhà chùa rằng:
- Tôi đã gặp nhà họ Thái rồi, xin cảm ơn nhà chùa, tôi về.
Nhà chùa rất buồn. Sa Nhĩ Trừng lủi ra bến đò, lên thuyền. Sợ liên lụy đến Tưởng Kỳ Tu, nên không về Nam Kinh. Anh lo lắng, cuối cùng đổi thành họ Hải, tự là X.X. trốn tới Trường An. Thật là:
Cá thoát khỏi lưỡi câu
Vẫy đuôi không trở lại
Lại nói về đoàn người Hạ Chung Minh, tới huyện thì trời đã tối nhưng vẫn đánh trống bẩm quan. Quan huyện nghe thấy, không hỏi han gì, tống giam tất cả, chờ xét xử sau. Ngay đêm ấy ra lệnh cho làng chôn cất thi thể. Hôm sau cho Sương Tam Bát và những người địa phương lên công đường hầu tòa. Mọi người khai rõ đầu đuôi.
Quan tòa là Sầm Đài, tên khắc trên dấu là Đức Thanh. Xuất thân tư cống sinh, người huyện Tự Phố, phủ Thần Châu, Hồ Quảng. Vì yêu mến sông núi Tây Hồ, nên đã dốc tiền của học hành. Ông gần bốn mươi tuổi, thông thạo việc quan. Ông là người xét xử vụ án. Nghe người cung khai sự việc xảy ra, ông lạnh lùng nhìn Sương Tam Bát. Thấy Sương Tam Bát khi thì mỉm cười đắc ý, khi thì phẫn nộ bất bình. Tri huyện Sầm nghĩ rằng đây là một người thế tội cho hiệp khách. Nhưng vì sao lại giết một diễn viên, thật là khó hiểu. Lại càng không hiểu được vì thù hận Ngụy Giám mà đi giết người đóng giả Ngụy Giám. Đến khi gọi tên Sa Nhĩ Trừng thì Tam Bát lại chẳng nói chẳng rằng. Quan huyện hỏi mọi người:
- Có phải hung thủ này câm không?
Chỉ thấy mọi người nhao nhao nói, huyện đường ồn ào như vỡ chợ, không nghe rõ họ nói gì. Tri huyện Sầm thét lên:
- Án giết người phải tôn trọng sự thật, lấy cung xong sẽ xử theo luật pháp, không thể thiếu đối phương, chỉ cần một người địa phương có hiểu biết lên khai.
Mọi người thấy vậy co vòi lại, phủ đường phút chốc im phăng phắc. Sau đó Sương Tam Bát bình thản đáp:
- Tên con là Sương Tam Bát.
Quan huyện giật mình. Trước tiên Sương Tam Bát nói quê quán lai lịch, sau đó bẩm:
- Quê con mất mùa, đến Hàng Châu, rồi lại tới Hồ Châu kiếm sống. Hôm ấy con ngồi khâu giày bên sân khấu, người khác giết, con đi lấy lại dao. Nếu như đổ cho con giết người, thì con cũng là người căm ghét Ngụy Giám, anh ta giết cũng như con giết. Nếu đổ cho con là người Hồi Sa Nhĩ Trừng thì con có chết cũng không nhận. Con sao có thể xứng đáng chịu tội và con cũng không thể mang danh một người để nhận lấy một việc làm tốt đẹp, chỉ vì bất bình mà giết gian tặc. Tri huyện nghe xong trợn mắt nhìn Tam Bát, ông nghĩ: "Thiên hạ xưa nay chưa có người nào thật thà, rành mạch như thế". Rồi ông gọi người đứng đầu đội kịch lên khai báo. Tỉ Luật Lũng khai:
- Xét thấy Sa Nhĩ Trừng tức là Sương Tam Bát đã có mối thù với diễn viên Thu Tam từ trước. Đúng lúc Thu Tam biểu diễn, hắn đã giả làm người khâu giày, rồi dùng dao giết Thu Tam. Thật đau đớn thay! Bị bất ngờ Thu Tam không chống cự nổi nên chỉ phân trần, đến nỗi những người xung quanh không cứu được Còn vì sao hai bên thù nhau thì không ai biết được. Trước huyện đường thẩm vấn, thì Sa Bát nói rằng, đã có mối thù từ lâu với Ngụy Yêm, do phẫn nộ mà giết thì quả là vụ án có thể có(1). Hắn khai quanh co, lẩn trốn đến cùng, đúng là đùa giỡn với mạng người. Bản huyện nên căn cứ vào năm chứng cứ mà địa phương nhìn thấy sau đây: hung khí giết người là con dao đóng giày; tờ giấy rơi bên cạnh thi thể là kích thước giày; tên người nhận thư là Sa Nhĩ Trừng, họ Sa không phải là họ của người Hoa mà là họ của người Hồi. Hơn nữa lúc ấy hắn đang cầm con dao còn dính máu! Cho nên Sương Tam Bát đích xác là tên lúc nhỏ của Sa Nhĩ Trừng, là điều không còn nghi ngờ gì nữa.
(1) Triều Tống chống Kim, danh tướng Nhạc Phi bị hạ ngục do Tần Cối vu cáo. Hàn Thế Trung phẫn uất vặn hỏi, Tần Cối nói: việc Nhạc Phi làm phản e rằng có thể có. Xem Từ điển điển cố Trung Hoa, NXB Văn hóa - Thông tin, H, 2002.
Tam Bát cung khai từng ở trong quân ngũ, theo luật Vệ quân phải tử hình, theo lệ của quân lính hãy tống giam chờ quyết định sau.
Ngay tại công đường, quan huyện xem xét lại hồ sơ thẩm vấn. Sau đó gọi các làng lại dặn dò, cấm từ nay về sau không được diễn kịch, làm phiền nhiễu dân chúng. Mọi người ra về.
Lại nói Thái Bình Tuyền đến nhà họ Tưởng, Kỳ Tu mới biết Nhĩ Trừng không gặp Thái Bình Tuyền: Kỳ Tu bực tức tới huyện Thượng Nguyên xin được chuyển đổi lương thực thành bạc và chỉ cần một người giúp việc áp tải bao bạc đến Thiên Tân giao nộp. Kỳ Tu đuổi Bình Tuyền đi, ở nhà chờ Nhĩ Trừng. Ai ngờ qua tết Đoan Ngọ mà vẫn không nhận được thư. Không thể kiên nhẫn chờ đợi được nữa, Kỳ Tu thấy cô đơn buồn tẻ, nên đã cùng bạn bè mang hơn năm trăm tấm lụa tới kinh đô bán, lại mang thêm hai ngàn lạng bạc, vàng và hạt châu khâu vào chiếc mũ da cũ đựng trong chiếc hộp để đi lại thuận tiện. Kỳ Tu ăn mặc theo kiểu một viên quan thông phán rời khỏi kinh đô. Suốt dọc đường bình yên vô sự, nhung đến vùng Túc Thiên, đột nhiên gặp người của Đại Vương cướp hết của cải. Cộng tất cả số tiền của người cùng đi lên tới hàng vạn đồng. Chán nản và buồn bã nên mỗi người bỏ đi một ngả. Song chỉ có Kỳ Tu liều lĩnh đòi gặp kẻ cầm đầu xin lại chiếc hộp mũ cũ. Bọn cướp thấy Kỳ Tu cứ nằng nặc bám theo, nói rằng thằng ngốc này muốn nộp mạng đây. Trên đường đi Kỳ Tu chẳng thấy một bóng người, chỉ thấy núi cao chập chùng, cây cối ngút ngàn, âm u. Đi được ba bốn dặm thì chúng dừng lại, nhìn về phía Tây thấy một chiếc đầm lớn, đó là sào huyệt của chúng. Đinh Dực là tên cầm đầu toán cướp, người Tứ Châu, hiệu là Đinh Trương phi. Hắn là một tên liều lĩnh, chỉ vì đói quá mà trở thành cướp:
Lông mày dựng ngược, khắp mình bắp thịt nổi cục như nắm tay.
Mắt cú râu tôm, gân nổi cuồn cuộn
Không phải La Sát(1) ba đầu mà quỷ nhìn mất vía
Chẳng là Na Tra(2) tám tay, mà thần cũng kinh hồn.
(1) La Sát (tiếng Phạn): La Sát Bà, tên một loại quỷ.
(2) Na Tra: tên một nhân vật trong thần thoại.
Gã Đại Vương ngồi chễm chệ, của cải chúng mới cướp được bày ra la liệt trên mặt đất. Chiếc hộp da còn khóa, vẫn nằm đó. Mồm hắn quát tháo, nhưng tay hắn lại thu dọn tất cả những thứ vừa bày ra. Hắn thấy Tưởng Kỳ Tu là người lạ; khăn áo lại chỉnh tề, liền hỏi bọn tay chân:
- Anh này cần gì?
- Tôi vốn là học trò, - Kỳ Tu nói, - không ham của cải danh lợi. Vì có người thân tại kinh thành, nên đáp thuyền đi thăm. Tất cả gấm đoạn đều xin hiến dâng hết tho các ông. Song cái hộp da đựng khăn, trong đó có thư từ, khẩn thiết xin ông hoàn lại.
- Chúng tôi đều có gia đình. - Tên tướng cướp nói. - Vùng Sơn Đông bị Bạch Liên giáo quấy nhiễu, bọn tham quan ô lại vơ vét của cải, khiến cho người dân no đủ bị vạ lây. Vả lại mất mùa đói kém, cha con li tán mỗi người một ngả, buộc chúng tôi phải đi vào con đường này. Tôi thấy anh dáng vẻ yếu đuối, nhút nhát, hẳn là đến kinh thành mưu tính việc làm quan. Song làm quan thì phải ác độc, không có âm đức phù trợ. Tôi khuyên anh đừng đi nữa, ở đây ta có lương thực mà không quân, có quân lại không có tướng. Muốn làm những việc ra trò mà không được. Chúng tôi cung kính mời đấng hiền giả ở lại đây làm chủ hội.
Nói xong gã tướng cướp cúi đầu vái lạy, Tưởng Kỳ Tu cuống lên, rối rít đáp lễ. Kỳ Tu nghĩ: "Tuy là kẻ lục lâm, song ăn nói nhã nhặn, đứng đắn. Nếu ta bỏ đi thì chiếc hộp da sẽ mất, chi bằng cứ ở lại tìm cơ hội khác". Thế rồi anh khai rõ họ tên. Kỳ Tu nói:
- Đã nhận nhau, thì phải làm lễ ăn thề.
Sau đó họ thắp hương nến, bẻ tên bái lạy, thề trước mọi người rằng:
“Đàn bà không được lên núi, trẻ mồ côi phải thả, thuế thương nghiệp tăng ba lần. Khi chiêu hàng thì giải tán".
- Tuyệt, tuyệt lắm, - Đinh Dực cười nói, - câu cuối cùng rất hợp ý ta. Những tang vật trước đây đều phải ghi chép lại hết.
Mọi người cười rộ lên. Chỉ có Kỳ Tu ngồi im một chỗ, bởi anh không thể quên được người thân.
Sa Nhĩ Trừng tới Bắc Kinh, tìm chỗ ở. Vừa đặt hành lí xuống, anh lập tức đi khắc một chiếc bài vị thờ, trên đó ghi:
"Người thợ giày nghĩa sĩ", đặt lên bàn thờ, rót rượu thắp hương thề rằng, suốt đời không quên ơn người đã chết thay mình. Sau khi làm việc động trời ấy, trên đường bỏ chạy Nhĩ Trừng kết thân với một số người, tới Bắc Kinh nghe thấy Trương Công . giữ chức Phượng tư Bộ Binh đang tuyển người, Nhĩ Trừng mua sắm lễ vật nhờ Vãn Sinh đưa danh thiếp, được Trương Công gọi vào gặp. Trương Công nói:
- Ông hạ cố tới đây, tôi cũng quên mất quan huyện thân thiết thế nào, ông từ xa tới chắc có điều gì chỉ bảo?
Thấy Trương Công bao dung, Sa Như Trừng mới nhẹ nhàng thưa:
- Tôi là bạn học của Tưởng Kỳ Tu, là anh em đằng cô của Vãn Sinh. Nghe thấy đại nhân nạp nhân tài, ngay cả những người tài hèn đức mọn cũng không bỏ sót. Tôi rất may mắn được anh họ là Vãn Sinh dẫn tới gặp ngài, thành thực hiến dâng chút tài nhỏ mọn, xin ngài rộng lượng.
Trương Công thấy anh nói năng nhã nhặn, mặt mũi sáng sủa tươi tỉnh, bèn nói:
- Ông tài cao lại còn trẻ khỏe, nếu muốn làm quan, tôi xin sẵn sàng tiếp nhận.
Rồi Trương Công vui vẻ mời Nhĩ Trừng dùng trà. Sau đó lại tiễn chân ra tận cửa. Nhĩ Trừng vội vàng biếu ông túi lễ vật, gồm hai đôi giày thêu, hai tấm the Hồ.
Đến ngày mồng một tháng chín, Trương Công tuyển Sa Nhĩ Trừng (lúc này đổi họ tên thành Hải Nguyên) làm Đồn bô tổng ti trấn Kế Châu, trị sở tại Kế Môn. Đây là vùng có quân lính tinh nhuệ, lương thực đầy đủ, bảo vệ cho kinh sư, tương đương với chức Tư đạo. Chuyên xét xử những đơn từ của dân chúng, có súng và cờ, trông rất oai vệ. Vì cách kinh thành không xa, nên ngay hôm ấy Nhĩ rùng trở về kinh thành lĩnh giấy tờ đích thân tạ ơn. Trương Công nói:
- Nếu có cơ hội, sẽ thăng chức.
Nhĩ Trừng vô cùng biết ơn Trương Công, trở về nhiệm sở. Thật là:
Trượng phu, thời vận nay đã gặp
Thương người khổ sở chốn Tần Quan.
Lại nói về vụ án Sương Tam Bát. Sau khi đã định tội xong, anh không hề bị đánh đập, mà lại được khâu giày trong nhà tù. Trong tù mọi người gọi anh là nghĩa sĩ oan khuất, và lại còn được mọi nơi mời cơm rượu, được ăn uống thỏa thích. Sầm Công định tội xong tường trình lên cấp trên, được trên phê y án. Song ông lại đề phòng một quan huyện khác đến thay sẽ bác bỏ quyết án này. Bởi thế ông điều tới đồn quân ở trấn Bảo Định. Do tai bay vạ gió, lại khảng khái nhận tội, nên Sa Bát được Sầm Công cảm mến. Ông dặn dò hai người lính áp giải cẩn thận, và thưởng cho mỗi người mười lạng bạc lộ phí, ngay cả Sương Tam Bát cũng được thưởng năm lạng. Sương Tam Bát tới huyện đường khóc lóc thảm thiết, thề rằng nhất định anh sẽ đền đáp công ơn trời biển của Sầm Công. Do quen biết nhau nên hai người áp giải đã tháo cùm chân tay cho Sương Tam Bát, cất văn thư sai anh đi làm lính vào túi. Rồi mỗi người mang một túi hành lí, đáp thuyền tới Tô Châu. Thuyền chở khách buôn về Bắc Kinh đầy ắp, ba người thương lượng với chủ thuyền, cuối cùng họ phải ngồi vào khoang bếp. Đi mất nhiều ngày, thuyền vừa tới vùng Túc Thiên, thì từ xa thấy có người giơ tay ra hiệu. Khách hàng hiểu ngay, nói là hàng miền Nam . về Bắc Kinh, theo lệ chỉ nộp một đồng. Thuyền áp sát, một bọn người, mặt mũi hung ác dữ tợn, đội mũ nhọn đi ủng nhảy lên thuyền, xét nét lục soát từng khoang. Sau đó đến khoang lái, thấy ba người nói tiếng miền Nam, chúng hỏi đây là hàng gì. Chủ thuyền không rõ, nên chỉ nói lơ mơ rằng: "Tôi tưởng là không có hàng". Cho rằng đây là hàng lậu đưa về Bắc Kinh, nên chúng nhắc thử những bao hành lý. Thấy có một bao rất nặng. Họ đâu biết rằng, trong đó là đồ nghề và chiếc cùm của anh thợ giày Tam Bát, rồi kêu toáng lên: "Bọn này lậu thuế”. Mặc cho ba người phân trần, họ cứ lôi xềnh xệch lên bờ.
Ba người bị bắt đưa tới trại. Đinh Dực và Tưởng Kỳ Tu quát thét đưa ra xét xử. Tám tên đàn em mở hành lí ra xem, thấy một phong thư, đệ lên Tưởng Kỳ Tu. Tưởng Kỳ Tu bóc ra xem, vô cùng kinh ngạc nói:
- Sa Nhĩ Trừng đâu, xin mời lên gặp ngay!
Sương Tam Bát nghe thấy thế, phủi quần áo đứng dậy nói:
- Thưa ngài, phạm nhân đây ạ.
- Nói láo. - Tưởng Kỳ Tu nói. - Sa Nhĩ Trừng là bạn học của ta, anh ấy mang tiền đến Hồ, nay không thấy tin tức gì, hóa ra là tên này giết người rồi mạo danh.
Hai người áp giải cuống lên, song Sương Tam Bát bỗng vỡ lẽ, lần lượt thưa lại tỉ mỉ sự việc xảy ra. Sương Tam Bát nói:
- Chỉ vì thế mà con bị khép tội, bắt sung vào lính. Giấy tờ phán xét có thể xác minh những điều con nói là sự thật.
Tưởng Kỳ Tu xem đi xem lại, nói:
- Người ấy rõ ràng bị Sa Nhĩ Trừng giết, nhưng lại giết người đóng giả Ngụy Giám.
Đinh Dực thấy thế rất thương Sương Tam Bát, bèn khuyên Tưởng Kỳ Tu giết hai người áp giải, rồi thả Sương Tam Bát. Tam Bát nghe xong khấu đầu xin tha chết cho hai người này. Tưởng Kỳ Tu nói:
- Lẽ nào lại làm như thế?
Sau đó gọi Tam Bát ra sau nhà dặn rằng:
- Ta hiểu ra rồi, nếu ta tha anh, thì cũng thật là khó xử, thấy anh là người nghĩa khí, không muốn hại người áp giải. Thôi thì anh hãy tới đó, tìm cơ hội khác. Tên tôi là Tưởng Kỳ Tu, giám sinh Nam Kinh, quê ở Thượng Nguyên.
Kỳ Tu nói lại nhiều lần, Tam Bát nhớ như in. Rồi sai người dọn cơm rượu cho ba người ăn, thu xếp hành lý, cử người đi theo hộ tống một đoạn đường.
Ba người được tha, đi suốt đêm tới Bảo Định. Vệ quan ở Bảo Định tiếp nhận văn thư, thấy văn thư đã bóc, sợ rằng bị đánh tráo, kiên quyết không nhận. Ba người thưa rằng:
- Giữa đường gặp bọn cướp, chúng đã bóc ra kiểm tra.
Vệ quan biết đây là bọn Đinh Trương Phi, thế rồi họ mới nhận.
Ở quân doanh, Tam Bát chịu khó làm tròn phận sự. Khi rỗi rãi lại khâu giày, nên cũng có miếng ăn. Một hôm, Cục ti đồn Bảo Định gửi văn thư xuống đồn ti Ký Châu về việc khai khẩn đất để đảm bảo lương thực cho quân lính. Tam Bát lĩnh văn thư ra đi, ba ngày ba đêm tới Ký Môn, đó là dinh thự của Sa Nhĩ Trừng. Trước hết anh báo tên, sau đó chờ dinh thự bắn ba phát súng thị uy, rồi quát tay chân mở cửa mới vào. Lúc sắp kết thúc, Sa Nhĩ Trừng mới gọi đến Tam Bát. Sa Nhĩ Trừng bảo anh quỳ xuống, chờ lĩnh văn thư mang về. Sa Nhĩ Trừng đăm đăm nhìn anh một lúc lâu, nghĩ bụng: "Làm sao mà anh ta lại đến đây?”. Rồi hỏi rằng:
- Anh tên gì?
- Sa Nhĩ Trừng. - Tam Bát trả lời.
Thấy lạ, Sa Nhĩ Trừng toát hết mồ hôi, gật đầu lia lịa, rồi lập tức sai đóng cửa.
Hai người ra nhà sau, Nhĩ Trừng hỏi:
- Anh không phải là Sa Nhĩ Trừng, làm sao anh lại đến đây?
Tam Bát thuật lại tỉ mỉ việc người khác giết người, song anh lại phải chịu tội cho Sa Nhĩ Trừng nghe, rồi lấy từ trong túi ra một tờ giấy quan huyện luận tội đã nhầu nát. Sa Nhĩ Trừng xem xong, bước tới quỳ xuống lạy rồi thốt lên:
- Nghĩa sĩ! Nghĩa sĩ!
Tam Bát hết sức kinh ngạc, không hiểu vì sao. Nhĩ Trừng lệnh tay chân dọn rượu cho hai người ngồi uống. Tam Bát không dám ngồi. Nhĩ Trừng nói:
- Nghĩa sĩ cứ ngồi xuống, tôi sẽ kể rõ cho nghĩa sĩ nghe.
Thế rồi anh kể lại chuyện Tưởng Kỳ Tu ở Nam Kinh nhờ tới Hạ Chung Minh, Thanh Đức, Hồ Châu mua sắm lễ vật. Hôm ấy khi xem kịch, tôi bỗng nổi giận giết Ngụy Yêm, rồi chạy trốn về Bắc Kinh, đổi họ là Hải. Ngài là người nghĩa sĩ, lúc nào tôi cũng nghĩ tới việc đền ơn. Trong nhà vẫn đặt bài vị cúng ngài, đề Nghĩa sĩ thợ giày, để ghi nhớ ơn ngài.
Tam Bát bỗng nhiên nghe nói tới Tưởng Kỳ Tu, rất lấy làm lạ hỏi:
- Có phải Tưởng công là giám sinh ở Thượng Nguyên không?
- Đúng đấy, - Nhĩ Trừng đáp, - sao ngài biết?
Tam Bát thuật lại tỉ mỉ chuyện ở Túc Thiên cho Nhĩ Trừng nghe, và bảo rằng trước khi ra đi, Tưởng Kỳ Tu nói rằng: "Tôi là Tưởng Kỳ Tu, giám sinh Nam Kinh, người Thượng Nguyên" và nói đi nói lại rằng: “Hình như ông ngẫu nhiên vào rừng làm cướp”. Nhĩ Trừng thở dài nói:
- Phải lập tức đi cứu ngay.
Sau đó Nhĩ Trừng giao văn thư cho Tam Bát mang về, anh còn viết một bức thư riêng cho Vệ quan. Trong đó gói mười hai lạng bạc, cho Vệ quan thuê quân canh giữ thay cho Tam Bát để trở về Ký Môn. Vệ quan xem thư, lập tức mang bạc đi thuê người trực thay, để Tam Bát lên đường đến trị sở Ký Môn. Nhĩ Trừng lại viết một bức thư, sai người đến Trương Công. Trong thư có ghi: Tưởng Kỳ Tu mang tiền tới kinh đô, bị bức làm cướp, hơn nữa Túc Thiên là bến đò hiểm yếu, phải lập tức gọi bọn cướp ra đầu hàng, để tránh tai họa, chấm dứt việc ách tắc giao thông Nam - Bắc. Trương Công biết được, lập tức cấp giấy cất nhắc Nhĩ Trừng làm Thao Bổ ti Dương Châu, lại viết thư riêng cho Nhĩ Trừng, tiện đường về nhiệm sở cứu Kỳ Tu khỏi tay bọn cướp. Nếu gọi họ ra hàng, không nên viết Kỳ Tu là tướng cướp vào tờ chiêu dụ, vì rằng như thế sẽ làm cho ông và con cháu chịu nhục suốt đời. Nhận được thư, Nhĩ Trừng than rằng:
- Quân Tử thương người, tấm lòng của văn nhân sao mà chu đáo đến như thế.
Thế rồi ông vội vã thu xếp lên đường. Gần tới địa phận Túc Thiên, thấy những tên cướp đứng đợi. Đinh Trương Phi dặn dò tay chân rằng, nếu có thuyền quan qua lại, không theo lệ cũ, mà hô là "Xin thuyền quan ép vào bờ để thưa chuyện". Tam Bát cuống lên, vội vàng nói:
- Đúng, chúng tôi đang muốn gặp ngài Đinh Dực, các ông không cần phải vất vả.
Sa Nhĩ Trừng thấy thế, mặc thường phục ra khỏi khoang thuyền nói:
- Thủy thủ hãy ép thuyền vào bờ, tôi đi thăm một người rồi sẽ trở lại.
Những tên cướp thấy trong lời nói của ông đã hé mở ra một điều gì đó, chúng không dương oai giễu võ nữa. Vào tới sơn trại, Kỳ Tu và Đinh Dực bước ra. Thấy Kỳ Tu, Nhĩ Trừng ôm đầu khóc rống lên. Trước đây hai người đã được Tam Bát kể lại, nên ít nhiều biết được chuyện của nhau. Thế rồi, lúc đó Tưởng Kỳ Tu mới kể lại tỉ mỉ chuyện mình vì sao phải sa vào sơn trại cho Nhĩ Trường nghe.
Đinh Dực biết, hiện nay Sa Nhĩ Trừng đang nhậm chúc ở phủ quan, lại đối xử chu đáo với mình, tự nhiên nước mắt trào ra, rồi nói:
- Tuy núi non cách trở, nhưng hai ông đã được gặp lại nhau, còn tôi thì không có một người thân đến.
Mọi người an ủi Đinh Dực, rồi mở tiệc ăn mừng. Nhĩ Trừng còn khuyên Đinh Dực tốt hơn hết nên nghe theo lời dụ hàng của triều đình. Thấy ý của Nhĩ Trừng như thế, Đinh Dực nói:
- Tôi xin nghe theo triều đình, và nguyện sẽ đi nấu cơm cho các quan. Vả lại, ra trình diện tuy nói là tự sửa đổi mình, song đã mang tiếng là một tướng cướp, thì cuối cùng vẫn bị khinh thường.
- Trương Công cũng có ý cho sai quan đến chiêu hàng. - Sa Nhĩ Trừng nói. - Tôi cũng thấy được nguyện vọng của ông rất hợp với ý kiến của Trương Công. Hiện nay Bộ Binh đang cần sai quan, nếu ông đảm nhận được việc này thì tôi sẽ giúp.
Đinh Dực rất mừng, nói với Tưởng Kỳ Tu:
- Được rồi, ta nghe theo sự sắp đặt của ngài Sa Nhĩ Trừng, thật khó có được một người tri kỉ đến thế. Cuối cùng nhất định chúng ta sẽ được dùng.
Nhĩ Trừng lại nói ngay:
- Hiện nay chỗ ông có bao nhiêu người ngựa và của cải phải khai thật rõ.
Ngày hôm sau, Nhĩ Trừng cùng với Đinh Dực và Tưởng Kỳ Tu thương lượng. Tưởng Kỳ Tu nói:
- Hiện có hai ngàn người, của cải còn rất nhiều. Có thể phân phát cho các hào kiệt.
Rồi lập tức cho gọi mọi người đến nghe mệnh lệnh:
“Chúng ta là anh em kết nghĩa. Tuy khác họ, nhưng còn thân thiết hơn tình ruột thịt. Lúc đầu vì Bạch Liên giáo ác độc, phủ quan tham ô, đã bức bách chúng ta phải đến đây. Nay được phủ quan thương xót, song không thể nào khác được, triều đình cho phép chúng ta tự sửa mình, chúng ta không nên theo con đường này nữa, tất cả hãy trở về quê làm ăn lương thiện. Của cải mà bấy lâu nay tích lũy được, ta chia hết cho mọi người. Ai bảo ta là một tướng cướp tham lam, vô liêm sỉ, tất phải chết trước gươm giáo".
Tất cả đều rơi nước mắt, nguyện sẽ theo đúng lời thề ước. Rồi giết trâu mổ lợn, cùng nhau ăn uống. Hôm sau mọi người gói hành lí hợp nhau thành từng tốp, đi về các ngả tìm đường sống.
Mấy người thân thiết của Đinh Dực thu dọn của riêng, thiêu hủy đồn trại, rồi lên thuyền cùng Sa Nhĩ Trừng trở về nhiệm sở. Về tới Dương Châu thì chưa đầy một ngày, đã thấy thuộc quan ra đón tiếp. Tam Bát, tên chính là Cát Kiệm được bổ làm Trung quân. Đinh Dực đổi tên thành Can Dực làm Bả Tổng. Còn Kỳ Tu từ biệt Sa Nhĩ Trừng và mọi người lên thuyền trở về gia đình. Cả nhà thấy Kỳ Tu trở về vô cùng mừng rỡ, rồi anh kể cho mọi người nghe chuyện đã xảy ra như thế nào. Nghĩ Nhĩ Trừng và Tam Bát là ân nhân cứu mạng mình, không quên được ơn này, Kỳ Tu đã viết ngày sinh của Sa Nhĩ Trừng, Tam Bát đặt ở một nơi trang trọng và cứ những ngày đó cả nhà thắp nến hương bái tạ.
Các bạn thân mến, Cát Kiệm là một người thợ giày, chỉ vì coi trọng nghĩa khí mà phải vất vả gian truân, để rồi mang vạ vào thân. Dám chết thay cho Sa Nhĩ Trừng, bảo toàn tính mạng cho Tưởng Kỳ Tu, lại cứu Đinh Dực ra khỏi cuộc đời tướng cướp, khai thông con đường giao thông huyết mạch. Đó là một con người kì lạ xưa nay, làm nên những chuyện kì lạ mà cổ kim hiếm thấy. Tôi chỉ xấu hổ, ngòi bút của mình vụng về không ghi hết được sự kì lạ trong cuộc đời của ông. Thơ rằng:
Khí phách sáng rục tựa cầu vồng,
Kì tích lẫy lừng lưu vạn cổ.