Cấp trên nhận quà tặng của cấp dưới, cho rằng mình chẳng có gì đáng ngại. Họ hoàn toàn biết rằng, quan cấp dưới ai dám dốc tiền túi cho mình, chẳng qua họ bóp nặn dân mà dâng hiến. Chính việc đó, họ ngầm bảo cấp dưới tham ô, làm hại dân. Vậy thì họ làm sao hy vọng cấp dưới liêm khiết? Hãy trông gương Viện X. lấy quỹ của huyện, đấy chính là vết xe đổ ngay trước mắt.
Quan tham ô chưa kịp hưởng đã bị tai họa. Bọn cướp của chưa kịp hưởng đã bị chém đầu. Tầng tầng lớp lớp chịu quả báo, nhìn thấy mà kinh sợ.
Việc này không nói đến tên tuổi của viên quan tham ô, vì ông ta là người thân trong họ, ta cũng không muốn đem sự xấu xa của ông ta ra. Xin các bạn đừng nghi ngờ đây là câu chuyện bịa đặt.
Vào thời Thuận Trị, ở Giang Đô có một vị quan huyện, sáu mươi tuổi, song ông ta chỉ khai mới năm mươi mốt tuổi. Râu đã bạc trắng nhưng ông ta dùng thuốc nhuộm cho đen lại. Viên quan huyện này không cần danh vọng, cũng chẳng muốn thăng quan, ông ta làm quan là chỉ mong sao kiếm được nhiều tiền của, sau này dưỡng già và để lại cho con cháu. Bởi thế mọi việc, dù lớn hay nhỏ, không cần xét đến đúng sai, nếu tiền đến tay thì sai cũng thành đúng, không đút tiền thì đúng cũng thành sai. Tay thước và cùm kẹp là dụng cụ kiếm tiền, thượng vàng, hạ cám ông ta đều vơ vét sạch. Nhân dân cả huyện ai nấy đều căm giận viên quan tham lam, tàn ác, chỉ có điều không lột được da ông ta mà thôi. Người trong huyện gọi ông ta là 'Lão Lột Da". Gặp nhau họ hỏi: "Lão Lột Da có đánh không?”. "Lão Lột Da đã về huyện đường chưa?" Chưa đầy nửa năm, số bạc phi pháp mà hắn tích cóp được lên tới bảy tám ngàn lạng, và cũng không biết bao nhiêu người đã bị xử oan, tiếng kêu ai oán vang trời dậy đất.
Một hôm cấp trên gửi về một bức công văn, đó là một tờ trát mật của Phủ Viện gửi cho quan huyện. Ông ta vội mở ra xem, trong đó có viết:
"Bản viện thấy ông, vì nhậm chức quan huyện mới được nửa năm, khắp nơi ta thán, dân chúng oán hận. Lại nghe nói bọn tay chân bắt người vô tội, quyền hành rơi vào tay sai nha, nên nhiều việc bê trễ, công khai đòi hối lộ, phép quan bại hoại. Độc ác như thế khiến dân sống trong tình cảnh dầu sôi lửa bỏng: Lẽ ra phải bắt tức thời, song ta khoan thứ, từ nay phải làm lại từ đầu, nhanh chóng gột rửa tội lỗi. Nếu vẫn còn u mê như cũ, tuổi già muốn trở về quê liệu có được không? Đừng bảo bản viện không nói trước? Hãy thận trọng đừng xem thường".
Xem xong quan huyện vô cùng kinh sợ, không còn cách nào bèn gọi đứa con cả lên bàn:
- Quan trên nghiêm khắc, ta phải thu gom tiền bạc, nhân tháng tư này là dịp tấu trình, ta sẽ đích thân tới Tô Châu đút lót cho Viện đài, xin ông ta che chở. Nếu ông nhận lễ vật thì yên tâm, còn không, e rằng chức quan huyện khó mà giữ được.
Ý đã quyết ông ta thu xếp mang đi hơn hai ngàn lạng bạc. Tới phủ ông ta nộp giấy xin được gặp Phủ Viện. Song đợi đến ba ngày vẫn không được lệnh cho vào. Lão Lột Da rất lo sợ lại chuẩn bị thêm lễ vật. Nhờ người chức trách ở làng nọ thuộc huyện Ngô dâng lên Phủ Viện một ngàn lạng bạc, sau lại tăng lên tới ba ngàn lạng. Bạc mang theo không đủ, ông ta lại vay thêm ở Tô Châu với lãi suất cao, đủ số tiền dâng lên. Phủ Viện mới chịu nhận, sau đó mới lệnh cho vào gặp. Phủ Viện dặn:
- Về huyện, phải cố gắng sửa chửa lỗi lầm. Ngươi phải biết ơn, con mắt ta rất sáng suốt.
Lão Lột Da vô cùng sung sướng, vâng dạ rồi xin cáo từ, yên tâm trở về nhà trọ. Đang lúc tới nhà một người chức trách ở làng nọ tạ ơn, bỗng thấy hai người nhà từ Dương Châu đi suốt đêm tới báo tin khẩn cấp.
- Nguy to, nguy to rồi! Sau khi ngài tới Tô Châu, thì vào nửa đêm hôm sau, bỗng thấy người ta khiêng tới một cỗ kiệu lớn theo sau là sáu người đàn ông lục lưỡng, mặc áo the Quảng, đai mũ chỉnh tề, tự xưng là ngài X ở Bộ X từ Bắc Kinh về hội kiến. Lúc đó người nhà bảo: "Ngài đi Tô Châu công cán". Họ vội vàng nói: "Đây là việc khẩn. Tri huyện đi công cán thì xin mời công tử ra hội kiến”. Nghe thấy thế, công tử ra đón tiếp tại sảnh đường. Một người từ trong kiệu bước ra, giữ chặt lấy công tử. Sáu người đàn ông lực lượng kia, cùng với phu khiêng kiệu tất cả là mười người, rút dao sáng loáng kề vào cổ công tử nói: "Chúng tao là hảo hán, từ lâu biết cha ngươi đã tham ô rất nhiều tiền bạc, hãy mau đem tiền bạc ra đây, chúng tao sẽ tha chết, chậm một phút sẽ toi mạng". Công tử sợ quá, hồn xiêu phách lạc, run cầm cập nói: "Chỉ có hơn sáu ngàn lạng bạc chính hạng, hiện đang để tại chỗ X, trong dinh thự". Bọn đàn ông lực lượng kia cứ giữ chặt công tử nói: "Dù bạc nhà nước hay bạc tư nhân cũng phải mang ra ngay". Công tử muốn sống, đành phải sai người nhà mang ra. Tất cả số bạc đều bỏ lên kiệu, bốn người vẫn khiêng như cũ. Sáu người lực lưỡng theo sau, cùng với người ngồi trên kiệu lôi công tử tới huyện đường, lấy một tờ lệnh nói là có việc khẩn cấp phải mở cửa thành, ép công tử lên thuyền, được hai dặm mới thả ra. Bây giờ chỉ mong ngài về gấp bàn cách đi bắt.
Lão Lột Da nghe xong giãy đành đạch, máu tươi ộc ta đằng mồm, nằm ngất xỉu. Người nhà vội đi mời thầy thuốc cứu chữa, song vẫn bất tỉnh nhân sự. Thuốc thang không uống được, chưa đầy nửa tháng thì chết tại quán trọ. Người nhà trình báo lên huyện Ngô, xin Phủ Viện cho chôn. Người nhà không mang nhiều tiền, trời lại nóng nực, vội vàng mua chiếc quan tài mỏng, khâm liệm ngay tại quán trọ. Bọn sai dịch nghe thấy quan chết, đang đêm chúng tản mát bỏ về huyện.
Quan phủ thấy vậy, ngay đêm ấy truyền lệnh cho sai dịch, lính lệ, nhanh chóng tới huyện đường. Trước hết bắt công tử tống ngục, rồi sai người đến lục soát, kiểm kê đồ vật, ghi hết vào sổ rồi lại cho người kiểm tra kho tàng thì thấy hơn tám ngàn lạng bạc và hơn hai ngàn thạch thóc đã hết nhẵn. Quan phủ hoảng hốt, báo cáo tỉ mỉ lên cấp trên để xem xét truy cứu. Cấp trên sức giấy xuống, bắt công tử và gia thuộc phải bồi thường đầy đủ. Song đã mất hết chẳng còn gì để nộp. Người oán hận rất đông, bẩm lên quan huyện mới. Quan lập tức ra lệnh đánh rất đau, rồi lại giam vào ngục nửa năm trời. Công tử không sao gỡ nổi, nghĩ rằng Phủ Viện từng lấy không mấy ngàn lạng, rồi bảo người tới Tô Châu cầu cứu. Người nhà trở về báo: "Phủ Viện mắc tội tham ô, quan đạo đã bắt giải về Bắc Kinh trị tội". Công tử lo sợ khóc lóc thảm thương.
Quan huyện truy hoàn không được, vì là người Thiệu Hưng nên đã giải công tử về quê quán, để quan huyện Thiệu Hưng tiếp tục truy hoàn.
Trên đường qua huyện Đan Đồ, đúng vào lúc mùa đông hành quyết tử tù, công tử chen vào xem, kẻ bị chém đầu đều là những tên đã vào huyện cướp trước đây. Vốn là bọn cướp này bị Bổ dịch bắt được, xét hỏi thấy đúng sự thực, khép vào tội chém đầu, giam vào ngục chờ xử trảm. Số bạc đã sung vào kho lương. Sợ liên lụy, công tử không dám nhận, về tới quê lại bị tống ngục truy cứu. Gặp những cụ già ở Giang Đông, công tử vô cùng xấu hổ, lo lắng quá rồi chết trong ngục. Nhìn thấy bọn tham quan và con cái họ chết thê thảm như vậy, quả là một bài học cho mỗi chúng ta.