Lối nửa canh một. Mặt trăng mọc lên, làm cho phía trời đông có một vừng sáng lòa rọi khắp đầu cây ngọn cỏ.
Hải Đường mặc y phục đàng hoàng, thủng thẳng đi trên lộ mà xuống nhà ông Bình, vừa đi vừa ngó mặt trăng, trong lòng khấp khởi, bồi hồi, bởi vì cái việc mà chàng phải đi đây là việc quan hệ về cuộc trăm năm của chàng mà cũng quan hệ với cái đời của một vị phụ nữ mà chàng đã thương yêu kính trọng.
Chàng bước vô cửa ngõ, thì thấy cửa mở sẵn một cánh. Chàng qua khỏi cửa, liền thấy dạng cô Túy Nga đương ngồi cái băng trước hòn non, cô đứng dậy, rồi lần lần đi ra mà tiếp chàng. Tuy đi xuống đây thì trong trí chàng đã quả quyết cứu một vị phụ nữ cho khỏi ưu sầu, mà cũng làm cho mình được phỉ lòng ước nguyện, nhưng mà chừng thấy cô Túy Nga thì chàng lại hồi hộp, dường như người toan làm một việc quấy nào đó vậy, bởi thế cho nên chừng cô Túy Nga chào chàng thì chàng hỏi nhỏ nhỏ rằng:
- Ông bà còn thức, hay là ngủ rồi?
- Thầy và má em nghỉ rồi, vì đêm hôm qua thức khuya, nên bữa nay nghỉ sớm. Còn anh Hai em còn thức ở phía sau. Mời anh bước lại cái băng đây mà ngồi nói chuyện chơi cho mát.
Hải Đường đi theo Túy Nga lại cái băng trước hòn non, rồi chàng ngồi một đầu, cô ngồi một đầu. Yến trăng rọi cái băng sáng quắc, nên hai người thấy mặt nhau tỏ rõ. Ngọn gió hiu hiu mát mẻ, mùi bông phưởng phất thơm tho.
Hải Đường ngồi yên rồi chàng hỏi rằng: „Cô suy nghĩ rồi hay chưa, cô Ba?”
Túy Nga dụ dự một chút, rồi ngó chàng mà đáp chẫm rãi rằng:
- Thưa, em suy nghĩ rồi.
- Cám ơn cô. Cô nhứt định mau như vậy, thì lòng lo ngại của tôi khỏi dây dưa khó chịu.
Túy Nga day qua ngó chàng nữa, mà trong lòng cô ảo não không xiết kể. Cô lặng thinh một lát rồi mới nói rằng:
- Hôm qua em xin anh để cho em suy nghĩ rồi bữa nay em sẽ trả lời. Vì có lời hứa như vậy, nên em ra đây. Em nói suy nghĩ rồi, chớ em có nói nhứt định rồi đâu mà anh vội cám ơn.
- Vậy chớ cô chưa nhứt định hay sao?
- Thưa, em suy nghĩ rất kỹ lưỡng nên em cũng nhứt định rồi nữa.
- Cô nhứt định thế nào? Phải cô bằng lòng nhận lời tôi nói với cô hôm qua đó hay không?
Túy Nga lặng thinh nữa. Hải Đường hồi hộp, nên ngó cô mà đợi cô trả lời.
Túy Nga vùng cười và đáp rằng: „Em nghĩ không nên tính như vậy. Em không lẽ làm vợ anh được”.
Hải Đuờng chưng hửng, nên đứng dậy hỏi rằng:
- Cô nói thiệt hay là nói chơi?
- Thưa, việc quan hệ như vậy, có lẽ nào em dám nói chơi.
- Cô muốn giết tôi!… Bây giờ tôi mới hay tôi lầm. Cô không có tình với tôi một chút nào hết. Té ra cái đời của tôi không có nghĩa gì.
- Xin anh đừng nóng giận. Anh ngồi xuống đặng em nói chuyện cho anh nghe.
Hải Đường ngồi lại, chàng khoanh tay, cúi đầu, không ngó Túy Nga, mà cũng không nói một tiếng chi nữa hết.
Tuý Nga cười mơn mà nói rằng:
- Xin anh đừng phiền em. Từ hôm qua cho tới bây giờ em thấy rõ bụng anh rồi. Anh thương em, thì em kính anh, em trọng anh lung lắm. Đối với em, anh có cái tình u ám mà nồng nàn, cang cường, cao thượng dường ấy, em không phải là cây hay là đá, thì có lẽ nào em lại không có chút tình gì với anh.
- Nếu cô có một chút tình với tôi, sao tôi xin cưới cô, mà cô lại không ưng?
- Xin anh đừng có giận nữa, hãy bình tĩnh trí lại, rồi em sẽ phân phải quấy cho anh nghe.
- Cô Ba ôi! Tôi xin tỏ thiệt với cô: Nếu cô không nhậm lời tôi, thì tôi buồn lắm. Tôi buồn là vì trong trí tôi sẽ nghĩ cô chê tôi là con của kẻ bộ hạ của ông, nên không xứng sánh đôi kết tóc với cô.
- Em vẫn trọng anh là bực cao thượng, xin anh đừng ngụ ý thấp thỏi như vậy chớ. Đó là thói của bọn thất phu, tục nữ, cái óc của mình có phải như vậy đâu.
- Vậy chớ tại cớ nào mà cô không ưng làm vợ tôi?
- Để em nói anh nghe. Lúc đôi ta còn nhỏ, một là vì gia phong, hai là vì thế thái, nên tuy đôi ta có tình với nhau, song không phối hiệp được, phải mỗi người một ngả. Ấy cũng tại đôi ta không có căn duyên, nên trời đất mới khiến như vậy. Em xin anh chẳng nên cương cầu việc tóc tơ mà trái mạng trời.
- Tại một cớ đó mà cô không ưng làm vợ tôi phải hôn? Cô nghĩ như vậy thì sai lắm. Theo tôi tưởng thì chắc là đôi ta có căn duyên với nhau, song trời định căn duyên ấy phải trắc trở lúc ban đầu, rồi sau mới sum vầy được. Có lẽ tại như vậy, nên ngày trước tôi đã thương cô, mà trời khiến cho tôi ái ngại không dám nói ra, để cho cô lấy chồng, rồi trời lại khiến vợ chồng cô rời rã cho tôi có thể phối hiệp với cô. Thuở nay có nhiều căn duyên như vậy, chớ nào phải một mình đôi ta đây mà thôi sao.
- Ấy là anh muốn cưỡng từ đoạt lý, chớ chánh đạo có phải như vậy đâu. Em không thể làm vợ anh được, còn một cớ nầy nữa: Em đã có chồng rồi, có lẽ nào em lại lấy chồng một lần nữa.
- Chồng cô đã để bỏ cô rồi, cô còn nói có chồng nữa sao được.
- Anh quên câu: ”Liệt nữ vô nhị giá” hay sao?
- Tôi nhớ chớ. Song câu ấy có can hệ gì đến phận của cô đâu. Nếu cô có chồng, mà vợ chồng thương yêu nhau, rủi chồng cô chết, cô vì đạo cang thường nên thủ tiết với chồng, không nỡ lấy chồng khác, cô làm như vậy thì phải lắm. Chớ chồng của cô hồi trước là đứa vô đạo, nó thấy ông bà suy sụp nó để bỏ cô, dường ấy thì có tình nghĩa gì mà cô phải thủ tiết với nó.
- Dầu chồng có quấy cho mấy đi nữa, vợ cũng cứ ở phải, được như vậy thì mới cao.
- Hôn thú đã phá rồi, còn gì nữa mà xưng hô vợ chồng.
- Hôn thú là luật của con người, tiết trinh là đạo của trời đất; luật con người sao bằng luật trời đất.
- Cô Ba, tôi tính việc trăm năm với cô, một vì tình, hai vì nghĩa, chớ tôi không thèm kể việc gì khác nữa hết. Vậy tôi xin cô vui lòng xuôi thuận, để trước cho tôi phỉ tình hoài vọng, sau cho tôi chuộc cái tội tôi giấu cô ngày xưa. Xin cô đừng chấp từ nan, mà làm cho hỏng cái đời của tôi tội nghiệp.
- Anh thương em nên anh gắn bó, thì em cảm tình anh lắm. Nhưng vì em nghĩ kỹ rồi, không nên tính việc tóc tơ. Bây giờ anh học đã có danh lớn, anh lại làm quan địa vị cao sang, chẳng thiếu chi con nhà giàu sang cầu mà tề gia nội trợ cho anh. Em khuyên anh lựa người có sắc, có tài, có hạnh, có đức mà cưới. Còn phận em thì em xin để kiếp khác em sẽ làm vợ anh mà đền đáp cái tình của anh trong kiếp nầy.
Hải Đường lắc đầu thở ra. Chàng suy nghĩ một hồi rồi nói rằng: „Cô Ba, tôi chắc cô không biết cái tình của tôi sâu sắc là thế nào. Cái đêm cô ngồi thêu, cô luận đạo vợ chồng cho tôi nghe, thì mối tình nặng nề gây ra từ lúc ấy. Trót một tháng trường tôi như người không hồn, đau đớn là tại tình sâu mà vô hy vọng. Chừng tôi hay ông bà định ngày cho chồng cưới cô, thì tôi như dại như ngây, không còn kể việc gì ở thế gian nầy nữa hết. Tôi liền xin qua Pháp quốc mà học, ấy là tôi quyết lấy sự học mà vùi lấp khối tình. Trót sáu năm nay, cái tình của tôi đã chết rồi, tôi nhờ sự học hành làm vui mà ở đời. Thiệt tôi chẳng tính bao giờ tôi thèm cưới vợ. Chẳng dè đến đây, tôi nghe phận cô, tôi thấy mặt cô, thì ngọn lửa tình đã tắt thình lình nó ngún lại. Đêm qua tôi nghe cô ngâm bài thi “Hoa tàn” thì tôi cảm xúc trong lòng, chịu không được, nên tôi phát biểu cái ý muốn kết tóc trăm năm với cô. Tôi về nhà từ hồi hôm tới giờ, tôi suy nghĩ lại, thì cái ý tôi muốn đó phải lắm, chớ không có quấy chỗ nào hết. Trước phải chia lìa, rồi sau mới sum hiệp, tuy cái hạnh phúc của đôi ta trễ hết mấy năm, song đôi ta cũng hưởng được lâu dài; chớ nếu cô cố chấp thì cái đời của chúng ta phải hỏng hết, cô thì ưu sầu, tôi thì phiền não đêm ngày, đường ấy có vui gì mà sống. Xin cô phải suy nghĩ lại ”.
Túy Nga cười mà đáp rằng:
- Những lời anh nói nghe phải lắm. Theo thế thường thì vậy đó, hễ có tình với nhau thì phối hiệp tóc tơ, chẳng kể đến việc chi khác. Đôi ta chẳng phải như thiên hạ, thì bắt chước thiên hạ mà làm chi. Em tưởng nếu mình có tình với nhau, thì phải trọng cái tình ấy, phải giữ cho nó trong sạch, đừng để nó lem luốc uổng lắm.
- Mình có tình mà mình phối hiệp cùng nhau thì cái tình ấy trong sạch lắm, có chi lem luốc đâu mà cô ái ngại.
- Theo phận anh thì phải, còn theo phận em thì em hổ lắm. Em xin anh đừng tính việc tóc tơ với em. Anh hãy lựa người khác có tài, có đức mà tính cuộc trăm năm, để cho em cầu trời khấn phật rồi kiếp sau đôi ta sẽ sum hiệp.
- Nếu cô không ưng tôi, thì chắc trọn đời tôi không thèm cưới vợ.
- Xin anh đừng có nói như vậy. Sá gì thân hèn hạ nhơ nhuốc nầy mà anh phải khổ tâm thất chí.
- Việc không gấp chi lắm. Cô phải định tâm suy nghĩ lại cho kỹ; trong năm mười ngày hoặc một hai tháng rồi sẽ trả lời cũng được. Tôi sẽ chờ cô.
- Em đã suy nghĩ kỹ rồi.
- Thiệt cô nhứt định như vậy hay sao?
- Thưa, phải. Em đã nhứt định rồi.
Hải Đường đứng dậy ngó Túy Nga trân trân, rồi chàng thở dài một cái và nói rằng: „Cô ác lắm!” Và nói và xây lưng bỏ đi ra cửa ngõ.
Túy Nga ngồi ngó theo, hai hàng nước mắt tuôn không dứt. Cô khóc một hồi lâu, rồi cô đi thơ thẩn trong vườn hoa, nhìn trăng đau lòng, thấy hoa thẹn mặt, đi rồi ngồi, ngồi rồi đi, bi lụy một mình cho đến gà gáy sáng cô mới vô nhà.
Sáng bữa sau Túy Nga nghe nói Hải Đuờng bỏ hết nhà cửa đã dắt mẹ đi lên Sài Gòn từ hồi sớm mai rồi.