Đò Dọc

Chương 9

Bà lang băm Hương nhờ tổ đãi hay sao không rõ mà qua ngày thứ nhì, con bịnh đã ngồi dậy được một mình.

Sáng hôm ấy Long giựt mình thức dậy khi nghe con gà trống tơ ở nhà gáy lên. Chàng buồn cười lắm vì cái giọng bể như giọng con trai mười bảy của nó, muốn cố gắng cho thanh, cho oai, nhưng càng cố càng nghe khàn khàn và vụng về. Vui vẻ trong lòng, Long quên rằng mình đau ốm. Chàng ngồi dậy như không bị trặc chơn bao giờ cả, và lạ quá, ngồi được như thường, không còn nghe đau đớn nữa.

Ngồi xong, người họa sĩ trẻ tuổi nầy sực nhớ lại mọi việc và mừng rỡ vô cùng. Có trặc chưn gãy giò mới biết đi đứng được là sướng. Suốt ngày hôm qua, Long nghe bực bội vô cùng. Chàng nghe quanh chàng người ta sống, và chàng thèm sống biết bao! Cái ánh nắng mà ngày thường chàng xem như không có, nay sao mà quyến rũ lạ thường. Ngoài kia có lá rụng, có chuồn chuồn bay, có chó chạy, thế mà chàng phải nằm ì ở đây, không cục cựa được mà cũng chẳng nhìn những con vật ấy cục cựa được thì có khổ hay không?

Bây giờ thì sướng rồi đấy nhé! Chàng thò chơn xuống đất để tìm guốc dép, nhưng chạm phải đất lạnh teo.

- À!

Long à một tiếng dài rồi nhớ thêm ra là đêm ấy mình đi giầy. Chắc chủ nhà cất giầy mình đâu đó, mà không cho mượn guốc dép gì cả, vì không ai tiên đoán được hôm nay mình khỏi bịnh.

Long chấm những ngón chơn của chàng lên nền đất nện láng, cho nó làm quen với cái lạnh.

Giây lâu, liệu chừng cỡ bước xuống hẳn chắc không nghe ghê chơn nữa, chàng hạ hết hai bàn chơn xuống. Chàng vừa chống chơn để cất mình lên khỏi mặt đi văng thì nghe đau như ai bẻ gãy xương chàng.

Long thả rơi mình trở xuống đi văng, cắn răng mà chịu, giây lát mới nghe bớt đau. Chàng lẩm bẩm:

- Chưa được!Chưa được! Nhưng cũng đỡ khổ, có thể ngồi mà ăn uống.

Long cử động thử hai chơn thì không nghe gì nữa cả. Chàng đập hai bàn chơn lại với nhau để phủi bụi rồi rút chơn lên đi văng, ngồi xếp bằng lại.

Phát động cử chỉ ấy, Long buồn cười hết sức nhớ lại từ ngữ “ Rửa chân cạn” của nông dân, và thấy lối nói của họ bóng bẩy một cách linh động.

Long ngồi nghe gà gáy rán những chập cuối cùng, nghe xe lửa hú đằng xa, và nghe tiếng xe bò lạch cạch, lụp cụp trên đường nhựa.

Một lát sau, những chuyến xe đò đầu tiên trong ngày chạy ngang qua, nhắc lại lần nữa tai nạn của chàng.

Long bắt đầu băn khoăn. Ngày hôm qua chàng phải nằm luôn, để cho người ta dâng cơm và nước thì còn coi được. Hôm nay đã ngồi dậy được nhưng vì chưa thể đi đứng nên phải ngồi mà ngó họ phục dịch mình như săn sóc đứa bé ba tháng, nó sẽ khó chịu cho mình biết bao!

Nghĩ tới đó, Long nằm xuống và quyết định giả đò chưa đỡ bớt để khỏi chịu cái ái ngại vừa thoáng thấy.

Ngày hôm đó những gì xảy ra hôm trước vẫn diễn lại y hệt: cà phê sáng, đánh dầu, thoa bóp, báo sáng, cơm trưa, nói chuyện với vài người nhà..v..v..

Long ngạc nhiên lắm mà không thấy bóng cô Hồng. Chàng nghe nói rằng hôm qua tới phiên cô ấy làm bếp. Nghĩa là hôm nay tới phiên người khác. Cớ sao cô ta không vào đây.

Hôm nay chỉ có hai người săn sóc chàng: bà lang băm, lẽ cố nhiên vì không ai đủ khả năng thay thế cho bà, và cô Quá bưng cơm bưng nước vào.

Cô Hoa có lẽ đã tới phiên làm bếp nên không thấy dạng.

Muốn gặp mặt lại người đã gây tiếng sét trong lòng chàng, Long định hỏi tin cô ấy mà không dám. Chàng sốt ruột lắm không phải vì ngỡ cô ấy đau ốm hay bị tai nạn gì, mà vì chàng cho rằng cô ta thờ ơ với chàng nên không buồn đến. Chàng sốt ruột muốn gặp mặt cô ta, nói qua nói lại vài lời để đoán ý nghĩ của cô.

Ngoài cái nôn nao, Long lại thấy thất vọng như một đứa bé được nuông chiều, cha me bận một tí, quên cậu một tí là cậu nũng nịu ngay. Hôm qua người ta ra vào tấp nập, chàng ngại lắm.Hôm nay người ta ra vào vừa phải chàng lại nghe tủi thân. Một con bịnh thì hai người săn sóc là đủ lắm rồi, còn đòi hỏi gì thêm? Thế mà...

Mãi cho đến xế chiều, Hương vào thoa thuốc lần thứ nhì, Long mới dám đánh bạo hỏi:

- Thưa cô hôm nay ai làm bếp?

- Em Hoa tôi.

- Hèn chi tôi ăn nghe khác.

- Khác làm sao được, Hương cười mà cãi lại như vậy. Hôm qua ông chỉ ăn cháo. Bữa cơm hôm nay, cho dẫu ai nấu, ông cũng không thể nghe khác.

Long giựt mình. Thì ra khi con người ta giả dối thì con người ta ló đuôi cùng khắp thân thể, không giấu được, mặc dầu khéo léo bao nhiêu. Nhưng chàng cũng cãi bướng.

- Nghe thấy được chớ. Bằng cớ là tôi đã nghe thấy.

Hương tánh thật thà, không nghi kỵ nên bỏ qua rồi hỏi:

- Thế em Hoa tôi nấu có khéo hay không ông?

- Khéo lắm, mỗi người một vẻ, nhưng ai cũng có đặc điểm riêng. Tôi chỉ ăn được món ăn của mẹ tôi nấu thôi, chị bếp ở nhà tôi chỉ được lặt rau, rửa chén là cùng. Quí cô là những người thứ nhứt, ngoài mẹ tôi, nấu ăn tôi ăn thấy ngon.

- Ông có khen quá lời hay không?

- Không, thật đó... à cô Hồng hôm nay chắc rảnh?

- Dạ nó rảnh... nghĩa là nó khỏi làm bếp một ngày, nhưng cũng phải làm công việc khác.

- Nhà nhiều công việc lắm sao cô?

- Không nhiều, cũng chẳng ít: cho heo, cho gà ăn, hái rau bán chợ, săn sóc cây trồng v. v..

- Nhưng cô Út vẫn vào đây được?

Ý Long muốn hỏi: " Bận thì ai cũng bận cả, sao người lại vào được, người thì không".

Nhưng chàng không dám nói rõ quá, thành ra Hương không hiểu, nên đáp không vừa ý chàng:

- Ấy nó vào để đem cơm, đem nước cho ông.

- Mai nầy chắc tới phiên cô Út làm bếp.

- Dạ mai tới phiên nó.

Long đoán ngày mai cô Hồng sẽ đảm nhiệm phận sự đem cơm nước vào, nên bỗng vui rộn lên. Chàng nói để che lấp nỗi vui quá trớn có thể lộ ra trên gương mặt chàng!

- Nhà nầy thật là trật tự. Làm việc gì cũng theo thứ tự từ trên xuống, hay từ dưới lên.

- Ấy, như vậy cho dễ nhớ là tới phiên ai, khỏi phải ghi ra giấy. Tránh được cải chối lôi thôi.

- Kỷ luật lắm!

- Ba tôi bày ra những kỷ luật đó đa. Mới xem thì thấy quá nề nếp, quá khô khan nhưng hay lắm.

- Phải, hay lắm.

°

Hôm sau, cô Quá đi chợ chưa về, heo vừa thôi hét vì vừa được cho ăn, thì nhà có khách.

Người khách lạ hoắc thế mà cả Thái huyên trang đều biết là ai ngay từ khi người ấy mới bước qua cửa ngõ.

Ông Nam Thành đã giao thơ cho một anh lơ xe lô ca xông nhờ đem tận nhà, nên bà ấy mới hay tin sớm thế.

Bà khách vào trạc tuổi bà Nam Thành, không mập quá như bà, ăn mặc sang hơn, dáng điệu cũng rất sang.

Bà dòm bảng, thấy ba chữ Thái huyên trang rồi mới vào sân.

Trong khi bà Nam Thành chạy ra đón khách, thì ông giữ con chó lại, cô Hồng thì bước ra sau ngăn con trích kẻo nó làm xằng.

Hai bà nhìn nhau, chào nhau rồi bà Nam Thành tươi cười hỏi:

- Có phải bà là bà phủ...

Không để chủ nhà phải hỏi hết câu, bà Phủ Ngãi đáp:

- Thưa phải. Còn bà là bà chủ Thái huyên trang?

- Thưa phải. Mời bà vô nhà.

Khách tướng mạo oai vệ nhưng hơi bối rối trong lời nói, vì bà ta muốn nói hết nhiều thứ một lượt:

- Trời ơi, được tin, tôi điếng hồn ra. Tôi đội ơn ông bà hết sức đã cứu con tôi.

- Hề gì chuyện nhỏ ấy, thưa bà...

-... rồi lại chịu cực khổ mà săn sóc nó...

- Không nhọc lắm đâu, thưa bà!

-... nó đã đỡ chưa, thưa bà?

- Đỡ nhiều lắm.

- Thương tích làm sao, bà?

- Không bị thương tích nào hết, chỉ trặc chơn thôi.

- Hú vía, đó là nhờ hồng phước ông bà để lại cho xe lật như vậy mà chỉ trặc chơn thôi thì thế gian hi hữu rồi.

Họ đã tới trong nhà. Ông Nam Thành bước ra thềm chào khách rồi mời khách vào. Cô Hoa rút xuống bếp để lo trà nước.

Bà khách vừa ngồi, đã nói lại những gì vừa nói với bà chủ nhà khi nãy. Ông Nam Thành cũng cãi là không có gì, chuyện nhỏ mọn ấy. Thấy bà khách hơi sốt ruột, chủ nhơn Thái huyên trang hiểu ý, nên nói:

- Chắc bà nóng biết bịnh tình thầy ấy lắm. Xin mời bà bước sang bên nầy.

Bà phủ mừng quýnh lên nhưng cô Hoa đã bưng trà ra, và bà Nam Thành mời nước. Để được đúng phép lịch sự, bà phủ nén lòng ngồi nán lại mà dùng trà. Bà hỏi:

- Thưa ông bà, cô em đây là con của ông bà?

- Thưa phải, nó là đứa thứ tư. Còn ba đứa nữa.

Bà phủ hớp nước nóng vội vàng khiến ông Nam Thành cũng sốt ruột đứng lên nói với vợ:

- Tôi với bà đưa bà phủ qua bên ấy nào!

Cả ba cùng đứng lên. Ông Nam Thành đi trước dẫn đường.

- Bà cụ đã lên đây, thầy!

Ông chủ nhà mới bước qua cửa là đã nói to lên như vậy.

- Thưa ông, tôi nghe biết rõ rồi, tôi mừng quá.

Bấy giờ cô Hương săn sóc người bịnh cũng vừa xong, Bà phủ bước đến và được nghe giới thiệu: con thứ hai của tôi đó, bà Nam Thành nói rồi nhìn con mà rằng: " Bà phủ, thân mẫu của thầy đây".

Hương chào bà phủ rồi rút lui. Bà nầy chạy lại con, ôm đầu nó như nó còn bé lắm, rồi hai mẹ con khóc với nhau một hơi. Đoạn bà hỏi:

- Bây giờ con nghe trong mình làm sao?

- Không có sao hết má à?

- Thật hay không, con đừng có dại mà giấu. Ấy thưa ông bà, thuở bé nó đi học, bị đòn lằn ngang, lằn dọc mà nó giấu tôi. Ngày nào tôi cũng phải khám xét cả.

Ông bà Nam Thành bật cười khi thấy bà phủ xem con cứ còn bé như trẻ lên mười. Long cũng cười ngất.

Có tiếng người xôn xao ngoài trước rồi cô Hoa bước vào thưa rằng người nhà bà phủ đã đem đồ từ ngoài xe vào. Bà phủ như sực nhớ nói:

- Xin phép ông bà, cho nó bước vào đây một lát, tôi có đem lên vài thứ cần dùng.

- Được, xin bà cứ bảo người nhà tự tiện.

Bà phủ đứng nơi cửa, ra dấu cho chị người nhà mang vào nào va ly, nào mền gối, nào giỏ đựng những ve hũ gì lu bù thứ và một gói sách thật bự.

- Để cho mẹ con nói chuyện với nhau tự do, ông bà Nam Thành kín đáo bước trở ra buồng khách. Nhưng bà phủ cũng lót tót theo họ.

Trên bàn giữa nhà đã đặt nhiều gói đồ khiến ông bà Nam Thành chưng hửng. Bà phủ lại bàn, nhìn vợ chồng chủ nhơn Thái huyên trang rồi trịnh trọng nói:

- Thưa ông bà, cái ơn của ông bà, chúng tôi chỉ biết ghi vào lòng chớ không dám tính đến chuyện đền đáp bằng thứ gì được hết.

Nhưng hôm nay tôi đến thăm ông bà lần đầu, xin có chút quà mọn ra mắt, gọi là làm quen, mong ông bà không từ chối để ông bà với tôi kết nghĩa quen thuộc lâu dài.

Bà phủ nói văn hoa, và dài dòng, nhưng bà nói trôi chảy như đã quen nói như thế thường rồi.

Bà Nam Thành lau qua mép trầu rồi đáp:

- Theo phép lịch sự thì vợ chồng tôi phải nhận quà quí báu của bà, không thể từ được. Nhưng phải chi bà mang lên ít thôi, gọi là tượng trưng thôi, thì vợ chồng tôi đỡ ngại biết bao.

- Thì ít đó chớ, thưa bà: chỉ có vài hộp bánh thôi với lại vài chai rượu.

Ông Nam Thành xin mở các gói ra liền. Gói đầu là sáu hộp bánh Pháp hiệu L.U, gói thứ nhì là bốn chai sâm banh hiệu MUM, gói thứ ba là khô gộc, toàn là xa xỉ phẩm mắc tiền không mà thôi.

- Nhiều quá! Ông Nam Thành nói và cười hiền lành.

- Chỉ có chút đỉnh thôi, để ông bà dùng lấy thảo đó mà.

Bà Phủ tặng quà xong, xin phép vào trong.

Vì không dè khách lên sớm như vậy nên bà Nam Thành không có chuẩn bị cơm khách. Cô Quá đi chợ về, bà soát giỏ lại thì chẳng có gì để dọn lên coi được. Bà hối các cô lập thế ví gà, bắt vịt để làm một bữa cơm thịnh soạn đãi khách.

Nãy giờ Long mừng quá, đã ngồi dậy, không giả đò nữa. Chàng bước xuống đất đi thử, vẫn còn nghe đau, nhưng rán chịu được.

Chàng lần vách mà ra ngoài, nhưng mới chập chững ra tới cửa thì bà phủ cũng vừa bước vô.

Bà mẹ nầy la hoảng lên khiến cả nhà sợ hãi, chạy tới đó cả. Cả Thái huyên trang đều mừng rỡ, mạnh ai nấy nói.

Các cô con gái trở nên e dè từ khi có mặt bà phủ, cũng quên khép nép, nói tía lia, cô Quá tay đầy vảy cà, chạy đi rút cây chữ T còn mới, cất ở góc phòng, rồi trao cho Long mà rằng:

- Ông trở đầu chữ T lên, để dưới nách mà đi thì khỏi vịn vách nữa.

- Như ăn mày xách bị ấy à? Long cười và cả nhà cùng cười hoạ theo.

Long cảm động nâng dụng cụ kỳ lạ ấy lên mà xem. Có lẽ đây là một cái cân dùng để đẩy chiếc bao bố lau nhà, mà gia đình vừa mua xong thì phải dọn lên đây.

Ở đây nền nhà không có lót gạch, thành ra món ấy chưa được dùng lần nào, lại hoá vô dụng.

Chàng kẹp đầu chữ T vào nách và lần lần bước ra ngoài, cả nhà hồi hộp bước theo như để theo dõi những bước đầu của một đứa con trong gia đình.

Hồi hộp hơn hết là bà phủ. Bà lo sợ nhìn con chập chững bước, cảm động hồi tưởng lại ngày xa xưa kia mà bà đã sung sướng kèm sát một bên cậu bé mới tập đi.

Họ đã ra tới ngoài. Ôi, đời đẹp làm sao! Long nghe như mình vừa sống lại, đứng nhìn hết căn phòng đến sân vườn, rồi con lộ trước nhà, rồi cánh đồng bên kia lộ.

Cả nhà như kính nể nỗi vui thầm lặng của con bịnh vừa hơi khỏi, nên cũng đứng sau đó mà làm thinh.

Long thấy chiếc xe của mình nằm ngửa thì buồn cười lắm, day qua nói với ông Nam Thành:

- Xe lật như vậy, mà tôi không chết thì chẳng hiểu tại sao.

- Đừng có nói dại không nên, bà phủ rầy con.

Ngoài đường, ngay cửa ngõ, đang đậu một chiếc xe trắc xông giống hệt chiếc đang nằm ụ trong sân.

- Nhà sắm tới hai chiếc xe lận sao bà? Bà Nam Thành hỏi.

- Dạ không, xe tôi dùng lên đây bữa nay là xe của chú nó. Tôi không đi đâu cả, nên không sắm xe làm gì. Chiếc xe lật là xe riêng của nó.

Họ vừa nói tới đó thì xe hãng bảo kê lên tới. Long đã viết hai bức thơ, một cho mẹ và một cho hãng bảo hiểm.

Nhân viên hãng vào nhà chào mọi người rồi hỏi thăm Long mọi trường hợp xảy ra tai nạn. Xong đâu đấy, họ ra để lật xe lại mà kéo về.

Các cô con gái đã tập hợp hết ở nhà dưới để làm cơm. Long xin phép ngồi trên chiếc ghế ở góc phòng.

Bà Nam Thành nói với bà phủ:

- Không mấy thuở bà lên, vợ chồng tôi mời quyết bà ở lại dùng với vợ chồng tôi một bữa cơm trưa lấy thảo với lại để mừng cho thầy đây qua khỏi được cơn nguy.

- Phải, hôm nay là ngày vui mừng, xin bà đừng bỏ qua, ông Nam Thành nài nỉ thêm.

Bà phủ cười nói:

- Đã chịu ơn nặng của ông bà, mà bây giờ còn làm rộn ông bà thêm thì là không biết điều lắm. Nhưng bà thật tình quá, tôi từ chối càng lỗi thêm. Vậy xin làm phiền ông bà bữa cơm khách nầy nữa.

- Không phiền rộn gì đâu, bà đừng ngại. Bà dùng cơm ở đây là làm vinh dự cho vợ chồng tôi đó.

Họ làm thinh giây lát vì chủ nhà không biết nói gì thêm để nuôi nấng câu chuyện. Bà phủ nhìn con rồi day qua vợ chồng ông Nam Thành mà rằng:

- Tôi xin ông bà một điều là đừng kêu thằng nhỏ bằng thầy nữa. Cháu nó chỉ đáng con cháu ông bà thôi. Huống chi nay nó đã mang ơn cứu sống của ông bà thì ông bà càng có quyền xem nó như con cháu.

Tôi thì nghĩ như vậy, mà không biết sự xưng hô thân mật có làm ông bà khó chịu hay không. Cái đó xin tuỳ ở ông bà. Nhưng nếu ông bà dễ dãi cho thì cũng nên cho phép nó xưng hô khác đi cho ra vẻ thân hơn.

Theo người miền Bắc, đâu ra đó, thì nó phải kêu ông, bà bằng cụ mới đúng cho. Ta không quen dùng tiếng cụ, kêu ông bà thì kém lễ độ. Thôi thì kêu như người thân nghĩ có hơn không?

Ông Nam Thành cười ra tiếng:

- Hổm này tôi cũng nghĩ như vậy. Nhưng chưa có dịp nói ra, vả lại không biết tánh ý của... của...

- Ông cứ kêu nó bằng cháu đi.

-... của cháu đây ra làm sao. Nay bà dạy như vậy, vợ chồng tôi thấy rất hợp lý.

Long đứng lên thưa:

- Thưa hai bác, nếu hai bác cho phép cháu xưng hô thân mật, cháu đội ơn hai bác lắm.

- Ừ thân mật thì tốt hơn.

°

Hai mâm cơm dọn ra trên chiếc bàn dài, mỗi mâm bốn người ăn.

Anh tài xế và chị người nhà nài nỉ xin phần đem ra xe ăn, nói là để giữ xe. Thật ra họ tinh khôn, biết nhà không khá giả, ăn trong nầy báo người nhà phải dọn một chiếu dưới nữa thì khổ cho người ta.

Vợ chồng ông chủ Thái huyên trang, bà Phủ và Long ngồi mâm đầu ngoài. Bốn cô con gái ngồi mâm đầu trong.

Bà phủ có dịp quan sát từng cô gái một. Bà có cảm tình ngay đối với các cô vì bà thấy đó là những cô gái hiền lương con nhà có giáo dục. Chỉ có thế thôi, bà không nghe gì khác hơn nữa.

Bà hỏi bà Nam Thành:

- Thưa bà, các cô đây, đã cô nào có đôi bạn chưa bà?

- Xin bà cứ kêu chúng bằng cháu. Có qua có lại mà! Thưa chưa, đứa nào cũng còn ở với tôi hết.

Không hỏi, ra lẽ vô tình mà hỏi lỡ rồi, biết được sự thật, bà phủ ngại quá. Bà lo chủ nhà khó chịu vì sự muộn chồng của họ.

Nhưng ông bà Nam Thành vẫn tự nhiên như thường. Các cô gái Thái huyên trang cũng vẫn bình thản ngồi ăn. Họ không hề bị tự ti mặc cảm vì tình trạng của họ.

- Món gà xào măng mạnh tông nầy khéo quá, bà phủ khen.

Rồi bà thêm:

- Hễ khéo thì làm gì cũng khéo. Mà không cần làm gi rắc rối, nội cái món nước mắm tương ớt đủ tỏ tài các cháu rồi đó.

- Thưa má, Long nói, từ thuở giờ con chỉ ăn được các món ăn do má làm. Nay con lại ăn thấy ngon món ăn của bốn cô đây.

- Tài chúng nó xoàng thôi.( Bà Nam Thành đỡ cho con gái khỏi bối rối trước mấy lời khen tặng trên đây mà bà nhận ra rằng thật ra không phải là quá đáng). Chẳng qua là bà và cháu đây lạ miệng nên ăn nghe ngon đó thôi. Tôi cũng thế, ở nhà sao mà ăn khó khăn quá, mà hễ tới đâu là ăn quên thôi. Còn cậu Long đây thì ăn lại sức đó mà!

Trong khi người lớn nói chuyện khách sáo với nhau Long duyệt lại bốn người bạn gái mới, so sánh dung nhan của họ và nhận ra rằng những cảm giác buổi đầu của chàng không sai. Hồng đẹp nhứt, kế đến Hoa, Hương thì già rồi còn Quá thì lại trẻ con quá.

- Nếu hôm nay tôi không ngồi dậy được thì cô nào cho tôi ăn cơm? Chàng cười hỏi một cách cố thờ ơ nhưng rất nóng đợi câu trả lời, vì chàng muốn thử xem sự đoán của chàng có đúng hay không.

- Tôi đó, ông à, cô Hồng đáp.

Quả chàng đoán không sai. Bà Nam Thành nghe lối xưng hô của con, nói với vào bàn trong:

- Các con kêu anh bằng anh, và xưng làm em. Ba má đã thoả thuận với... với... bác đây rồi.

Long tiếc lắm. Chàng mong đợi phiên Hồng. Nhưng đến cái phiên ấy, chàng đã phải ngồi dậy. Từ đây đến ngày về, sẽ phải ăn cơm ở đây hoài, không còn nói chuyện tay đôi với Hồng được nữa.

Không tìm được gì thêm về vấn đề cho ăn cơm, Long bước đột ngột sang chuyện khác.

- Chắc các cô thích xi nê lắm? Trên bàn tôi có đến hai tuần báo về chiếu bóng và ba tập san về chuyện phim.

Tôi có máy chiếu phim 16 ly, để rồi tôi cho mang lên đây, cả phim nữa, để chiếu cho các cô xem đỡ buồn, ở đây chắc là đi xi nê bất tiện lắm.

- Nhưng lấy điện ở đâu ra, anh? Quá, cô gái nghiền xi nê, lo lắng hỏi điều đó.

- Tôi làm ra điện được.

- Được thật à, anh?

- Nghĩa là phải có máy móc, nhưng chỉ giản tiện thôi.

Cô Hương nghĩ ngay đến đám học trò của các cô nên nói:

- Trẻ xóm nầy sẽ mừng biết bao nhiêu. Phần đông chưa biết chiếu bóng là gì hết.

- Sẽ có phim tuồng tích cho các cô, phim diễu và phim tài liệu cho trẻ nhỏ.

Khi bữa ăn đã xong, bà phủ vừa uống trà vừa nói với con:

- Nay con đã rán dậy được, má tự hỏi con có nên tiếp tục lạm dụng lòng tốt của ông bà Thái huyên trang và các cháu đây không? Con nghĩ sao?

Long chưa kịp đáp thì ông Nam Thành đã phản đối:

- Xin bà chớ vội vàng quá. Anh Long coi vậy mà còn yếu, tuy biết về cũng chẳng sao, nhưng chuyện đi đứng mệt nhọc quá sớm nầy sẽ làm chậm trễ sự bình phục của anh ấy đi.

Ông Nam Thành dùng tiếng "anh" lịch sự của miền Bắc để gọi Long, vì chính ông cũng chưa quen gọi anh hoạ sĩ mắc nạn nầy bằng cháu.

Bà Nam Thành cũng thêm:

- Ai cũng nói xương không gãy. Không gãy mà nó lọi. Nay nó vừa đỡ bớt, bắt nó làm việc sớm quá, biết nó lọi nữa hay không, thưa bà?

Long nãy giờ có dáng suy nghĩ nhiều, thưa:

- Con nghĩ đã trót làm phiền hai bác và các cô đây, thì dẫu cho bây giờ có đi ngay thì cũng đã quấy rầy Thái huyên trang nhiều lắm rồi.

Thôi thì đã mang ơn, cứ mang ơn, nếu hai bác đây còn tiếp tục chịu phiền bực nữa được. Mà con tin hai bác và các cô sẵn lòng giúp con thêm. Thưa má, chơn con đã đỡ nhiều, nhưng con cần nghỉ ngơi. Về dưới, nghĩ không bằng ở đây, mà đi nơi khác trong lúc còn yếu thì bất tiện lắm.

Bà phủ nói với chủ nhà:

- Riêng tôi, tôi thật ngại lắm. Tiếp một người khách thường trong một vài hôm, đã nhọc lắm rồi, còn tiếp một con bịnh trong một thời gian không nhứt định thì sẽ khổ cho ông bà biết bao.

- Vợ chồng tôi đã thật tình mà nói là không hề gì. Xin bà cứ tin như thế đi.

- Tôi xin tin như vậy. Thôi tôi cũng chiều con mà để nó làm phiền ông bà thêm một lần nữa. Tôi không biết điều lắm đó. Nhưng...

- Bà dè dặt quá. Vợ chồng tôi không có bổn phận phải giữ anh ấy lại đây lâu thêm, mà chúng tôi vẫn giữ là vì thật tình muốn giữ đó, thưa bà.