Đò Dọc

Chương 4

Những lúc rỗi việc, Hoa và Quá thích đi thám hiểm vùng quanh nhà. Lập vườn mới ngoài việc kéo nước tưới cây, chưa có công việc nhiều. Heo gà cũng chỉ mới lưa thưa vài mươi con thôi nên họ có rất nhiều giờ rảnh rang.

Xóm trên đông được bốn nhà tranh và hai nhà ngói, trừ bác lò rèn ra còn là nông dân cả. Xóm dưới toàn nhà ngói không thôi, nhà chỉ nho nhỏ thôi, bên trong chưng dọn rất đơn sơ trống trải. Xóm trong rất sầm uất, đâu trên hai mươi nhà, tranh ngói lẫn lộn.

Họ đọc tiểu thuyết thì thấy tả nhà quê rất nên thơ nhưng có lẽ đây là vùng khô khan hay sao không biết mà hai chị em tìm mãi không gặp hồn thơ đâu cả.

Nhà phần đông không thèm rào lại, ranh giới vườn không có nên khó phân biệt đâu là đâu.

Các chủ nhà không thích hoa kiểng nên sân nào cũng trống trơn phơi bày một bãi cát trắng, vào lúc nắng trưa trông mệt mắt như đứng trong sa mạc.

Họ có trồng chút ít cây mà toàn là thứ cây buồn: mít, mãng cầu và ổi. Các loại cây ấy không buồn được một cách thơ mộng như liễu rủ bên hồ mà buồn một nỗi buồn cằn cỗi, nghèo nàn. Ba loại cây ấy ưa đất khô, nên hình dáng nó cũng khô khan.

Gà, heo không có chuồng. Chúng đào ao khắp nơi, bươi tung lên tất cả các đống rác, những vựa phân bò.

Người ta, trai thì thân thể không nở nang như lực sỹ điền kinh, gái thì cũng rất khác xa hình ảnh các cô thôn nữ yêu kiều trong tiểu thuyết.

Thật ra, tất cả những cái ấy đều mang thơ nhưng đó là những bài thơ vận trắc, khổ độc, những bài thơ tả thực không cần thi vị hoá cái gì hết.

Những bài thơ ấy có vẻ đẹp riêng của nó, cả đến những dơ bẩn, những cảnh xơ-rơ, héo xào cũng đẹp được.

Nhưng lạc hướng biết bao, tưởng tượng một đàng mà thực tế lại một ngả!

Bữa nào có Hương đi theo thì cô ta giảng giải:

- Đồng quê ở đây khác xa đồng quê Tiền Giang và Hậu Giang, hai nơi đó cũng khác nhau khá bộn.

Ở đây đồng bằng nhưng lại là đồng khô cỏ cháy nên không đẹp hùng mạnh, huyền bí và man rợ như núi rừng, cũng chẳng đẹp vẻ đẹp tối lạc sinh của đất phì nhiêu dưới kia.

Nhưng nếu biết tìm tòi, có mắt thẩm mỹ chắc cũng sẽ gặp nét thơ riêng của nó, người ở đây định cư trước dưới ta hàng trăm năm, phong tục và lòng người dễ thường đã thuần hơn, giàu truyền thống hơn.

Chị có vào ở vài ngày trong một làng dựa sông Đồng Nai trên Biên Hoà. Cảnh đẹp hơn dưới mình, người rất văn vật và nhứt là lòng người, chí người rất Việt Nam chớ không phải là tao loạn tâm hồn Cao Miên, Ấn Độ, Trung Hoa như ở vài làng dưới ta là cái ngã ba văn hoá Hoa-Ấn.

Không hưởng thơ mộng được, mấy chị em đành thưởng thức đỡ những cảnh tuy vậy cũng hay hay đối với mắt chợ của họ. Thí dụ cảnh mất gà ở nhà thím tư Phạn.

Chiều nào thím tư cũng đứng chận ở cửa ngõ sau nhà để đón gà về.

Thím ta trong lúc ấy trông giống như một ông tướng điễm binh, còn đàn gà là một đạo binh hùng mạnh điều động đi qua.

Dẫn đầu là một tướng quân trống tơ, mặt còn khờ khạo nhưng ra vẻ ta đây lắm. Trống tơ nịnh đầm số dách, gà mái nào cũng đầy ứ bầu diều rồi mà anh ta vẫn cứ đi vài bước, mổ vài cái rồi kêu mời đám phi tần cung nữ theo sau anh ta.

Đám phi tần gồm toàn gái tơ son trẻ, xem rất ỷ lại vào ông chúa dẫn đầu kia.

Kế đến là những mẹ gà bận bịu đàn con dại, bước từng bước một e dè nghe ngóng. Thỉnh thoảng các từ mẫu ấy báo động lên bằng một tiếng còi: có ót-ót. Thế là đám trẻ thơ lẹ như chớp chui vào những nơi trú ẩn thiên nhiên gần đó: bụi tre, chòm cỏ, gốc xương rồng.

Sau đàn hàng không…gà hạm ấy, đến những chú gà tơ mới mặc áo lá, chưa thoả mãn một ngày nô đùa nên chần chờ lọt lại đằng sau, vừa về ổ vừa rượt nhau đánh nhau túi bụi.

Đi hậu tập là một lão tướng trống già oai phong lẫm liệt, dũng khí đằng đằng, đuôi dài chấm đất, mồng đỏ như hoa bản hạ.

Y giáp lão tướng là một cuộc múa rối màu sắc, vì lão ta vỗ cánh thì thú vật trong cả sân nhà đều khiếp vía.

Lão đi chầm chậm, mỗi lần dở chân lên là y như Quan Vân Trường đá giáp bằng hia, cái cựa dài và bén của lão trông ghê rợn như thanh long đao của Quan Vũ.

Thím tư đếm từng con gà một, thím thuộc lòng hình dáng, chi tiết trong thân thể và đặc tánh của mỗi con.

Chiều hôm ấy, thím lo lắng mà thấy con gà trống tơ màu bắp chuối không về. Thím bền chí đứng đợi một hồi rất lâu, đến chạng vạng mới chịu đóng cửa sau lại.

Thím tư uống nước xong, ra sân tằng hắng vài tiếng rồi người ta nghe như là ai mở rađiô, thao thao bất tuyệt:

“ Xóm trên, xóm dưới, xóm ngoài, xóm trong mở lỗ tai mà nghe đây nè: gà của tao còn ràng ràng hồi trưa mà quân nào đã ăn tươi nuốt sống rồi…

…Mẹ! giường thờ chiếu trải tiên nhơn cha bây, bây có thèm thịt thèm cá thì nuôi lấy mà ăn chứ làm chi như vầy, ông bà ông vải bây ngồi trên giường thờ sao cho yên nè!

…Mẹ! Cao tằng cố tổ tiên nhơn cha bây, cả kiếng họ mẹ bây, ránmà ngoáy lỗ tai để nghe tao chửi…

…Quân tham lam bây ăn thịt gà mắc xương nghẹt họng bây, bây ăn rồi bây ngã ra giãy tê tê rồi chết toi, chết dịch…

Vân…vân… và…vân…vân…

Mấy chị em ngạc nhiên hết sức mà nhận ra tự vựng chửi rủa của ta rất giàu và âm nhạc chửi rất phong phú nhịp điệu.

Quả thế, thím tư chửi bằng giọng khi bổng khi trầm, khi bổng thì như diều lên, khi trầm thì như tiếng xe lửa Biên Hòa mà họ nghe xa xa về đêm. Thím chửi có nhịp có nhàng, có tiếng ngân dài, có tiếng dừng tức.

Sự can thiệp của chú tư mới ngộ nghĩnh hơn nữa:

- Thôi mà, rầy tai quá mà! Biểu nín cho nó mọc lông nó chết cho rồi.

- Nó nào mà mọc lông? Thím tư hỏi.

- Thì quân ăn cắp gà chớ ai. Hễ mình không chửi thì chúng nó ăn thịt gà xong là mọc lông lá cùng mình. Gặp trường hợp như vậy chúng nó sẽ tìm đến lạy xin mình chửi giùm cho một tiếng, chỉ có một tiếng nhỏ thôi cho lông nó rụng đi.

Cả mấy chị em đều cắm đầu chạy để giấu trận cười có thể mích lòng người ta, chó trong xóm sủa theo mấy chị em inh ỏi.

Bốn chị em đều vỏn vẹn chỉ có một người bạn. Đó là người bạn trai ở xóm trong tên là anh Xòn.

Xòn ở mướn cho một nhà trồng thuốc hút, anh ta tướng tá vạm vỡ, mình mẩy tay chơn đầy những u nần. Đó là những bắp thịt nở theo hướng của lao lực chớ không phải theo chiều của sự luyện tập có nghiên cứu.

Ban đầu, Hoa để ý đến Xòn trước nhứt. Hoa tinh nghịch nhứt nhà và luôn luôn tìm thấy ngay mọi khía cạnh hài hước của bất kỳ việc gì.

Bốn chị em vào xóm chơi, người lớn xem các cô như thường. Trẻ con thì chạy theo sau gót họ vì màu áo đẹp của họ và cũng vì kẹo mà thỉnh thoảng họ mang theo phát cho chúng.

Anh Xòn khác thường hơn cả, núp sau gốc me mà dòm.

Hoa làm bộ như không thấy, đi lần lại chỗ núp rồi hú một tiếng, cô chụp lấy đầu gian nhơn mà hô:

- Nó đây rồi! Nó đây rồi!

Thiên hạ nghe la, ngỡ anh Xòn đã ăn cắp gì đàng Thái Huyên trang, bu tới hỏi thăm.Xòn tái xanh mặt, chối leo lẻo:

- Tôi không có, tôi oan mà!

- Anh không có gì? Hoa hỏi.

- Tôi không làm gì hết.

- Không có, sao tôi lại chụp anh?

Lý luận kỳ cục của Hoa thế mà làm cho Xòn đưới lý. Cả người chung quanh cũng nghe là cô hỏi vặn hữu lý lắm.

Thấy mình không thể thoát, anh Xòn oà lên khóc như trẻ con.

- Thôi đi mầy, Hương mắng em, mày ác làm chi tội nghiệp người ta.

Quá bước lại kéo tay anh thợ tưới thuốc mà rằng:

- Thôi tha anh lần nầy đó.

Xòn đột ngột cười khan, nước mắt nước mũi còn chàm ngoàm.

Cả xóm không ai hiểu sao cả, đoán rằng Xòn quả có gian thật.

Từ đó ngày nào họ cũng đi thăm anh Xòn, đi thường nhứt là cô Hoa.

Hoa theo Xòn ra mấy đám thuốc xem anh ta kéo cần vọt. Vùng đó, cánh đồng sau xóm ở xa trông mường tượng như một hải cảng chi chít cột buồm. Cần vọt giống cột buồm mà chiếc buồm xếp xong, máng nghiêng trên đầu cột.

Xòn kéo nước giếng nhưng kéo xuống chớ không kéo lên. Cần vọt là một hệ thống đòn bẩy mà điểm tựa là đầu cột, sức mạnh là sợi dây treo thùng và đối lực là phiến đá treo ở sau đuôi đòn.

Sức mạnh trong cần vọt có được là nhờ sự trì sợi dây xuống cho thùng múc nước. Công việc chỉ có thế, rồi người kéo cứ để cho phiến đá làm công việc còn lại.

Hoa rắn mặt đeo vào phiến đá. Cỡ Xòn rán sức một chút là trì dây xuống được ngay và Hoa sẽ bị dỡ hỏng lên trời. Chính nàng muốn được như thế để nghe như là đi máy bay.

Nhưng Xòn không bao giờ dám cố sức mà trì cả, Hoa biểu thế nào anh cũng chẳng nghe.

Hoa hỏi:

- Anh Xòn tại sao anh sợ tôi dữ vậy?

Xòn chỉ cười hì hì như bao giờ, anh ta không hề cắt nghĩa được cái gì cả, phương chi cái đó lại là câu hỏi khó của một người con gái mà anh thấy đẹp như tiên.

Hương thường mắng em:

- Mầy nhiễm Trống mái (1) rồi hả? Con gái dầu sao cũng phải nết na một chút chớ!

Thật ra thì không phải vậy. Cô Hiền trong nước Việt Nam có lẽ chỉ có một, hay không bao giờ có cả. Hoa thấy anh Xòn lù khù, theo phá chơi vậy thôi, chưa bao giờ cô nghĩ đến cái đẹp về thân thể của Xòn.

Cái nghề con gái không chồng thì nó trẻ rất lâu và cũng trẻ con rất lâu.

 

°

 

Quá nhảy lên cỏ một cái thật lẹ, rồi day mặt ra đường sừng sộ hét:

- Người ta đã nhảy lên lề rồi mà còn muốn cán người ta à?

Người tài xế như nghe lời phản đối ấy, cúi đầu chào bốn chị em một cái, vừa chào vừa mỉm cười như nói:

- Biết rồi, các cô là gái Sài Gòn mà! Bảnh lắm mà, lỡ một chút cũng làm dữ.

Thỉnh thoảng chiều chiều bốn chị em lại dắt nhau đi trên đường nhựa, khi thì xuôi về hướng Thủ Đức, lúc lại ngược lên hướng Biên Hoà.

Trên đường xe qua lại ai cũng lấy làm kỳ, sao ở xó quê lại có gái xem ra người tỉnh thành. Họ mặc bà ba thì tức là người trong xóm chớ nào phải người Thủ Đức lên.

Họ đi dạo mát nhưng riêng Hoa, cô lại có mục đích thứ nhì nữa là gặp Quờn con của hương cả Quan.

Quờn là một công tử nhà quê, hạng người mẫu.

Vì ở gần thành phố quá, mặc dầu thành phố ấy chỉ là một quận lỵ, công tử Quờn lại mang thêm một cố tật dĩ nhiên là muốn thành người thành thị.

Thành không được, Quờn lai căn một cách dị hợm với những bộ pi-da-ma màu hường, màu xanh lá cây mà cậu mặc mãi từ sáng đến tối, từ trong buồng ra đến quận lỵ.

Nếu anh Xòn nhìn các cô Thái Huyên trang như một con trùng si tình một ngôi sao trên trời thì công tử Quờn có thái độ của một con gà lôi trống tò vè mấy con công mái trong sân nhà.

Từ ngày xóm tiếp nhận nữ khách mới thì cậu xức nước hoa chế tạo ở chợ lớn và nhét mù xoa nhỏ có thêu chéo xanh xanh đỏ đỏ trên miệng túi pi-da-ma.

Cậu diện thêm một cây đàn băng cầm, cứ chiều chiều xách nó ra đường, không khảy vì chưa biết chơi nhưng cắt nghĩa lu bù về nhạc cụ ấy với đám trẻ con bu quanh cậu.

Lần đầu chạm mặt, cô Hoa rắn mặt của chúng ta nghĩ ngay đến việc biến công tử thành nạn nhơn của tánh nghịch ngợm của cô.

Anh Xòn là người cô mến nên cô đùa anh ta, cô cũng chỉ đùa hiền hiền chơi vậy thôi. Đến như gã pi-da-ma hường này thì cô quyết không tha.

Trong cái lần đầu ấy, thấy Quờn liếc lén mấy chị em, Hoa tấn công ngay:

- Chào cậu hai, đi dạo mát với mấy chị em tôi chơi, cậu.

Họ thấy nhau lâu rồi, nhưng mới trao lời đây là lần thứ nhứt.

Được nói chuyện với các cô có lẽ là cái mộng to thứ nhì trong đời cậu Quờn (Cái mộng to thứ nhứt là được yêu một trong bốn cô) nhưng mộng ấy không bao giờ Quờn dám biến nó thành sự thật. Nay cô Hoa nổ súng thình lình, cậu chưa kịp chuẩn bị gì cả thì biết có thái độ và lời lẽ nào. Vả lại cậu xửng vửng vì lời mời mọc này mà cậu nghe ngược ngạo quá.

Quờn đứng chết sững và ngậm câm, còn hai cô Hoa và Quá thì rũ ra cười, cô Quá cười no rồi nói:

- Hay là cậu mặc áo hường rồi chê áo đen của chị em tôi mà không muốn đi chăng?

Hương véo em rồi kéo cả bọn đi thẳng, qua khỏi đó một đỗi, người chị cả nói:

- Mình tới xứ lạ không nên mích lòng người địa phương.

- Đáo xứ tùy dân, nếu có ba ở đây ba sẽ đọc câu chữ nho đó.

- Không nên mích lòng bất kỳ ai, huống chi người ta là QUAN QUỜN chớ phải dân dã chi đâu. Quá lại tiếp lời răn của người chị cả…nhưng lại chơi chữ ở đoạn sau.

Hồng nói:

- Làng Linh Chiểu này ngày xưa chắc có một vị hương chức hay một ông cai tổng gì đó tên là Quyền.

- Sao chị biết?

- Nếu không, ông cả quan ổng đâu có kiêng cữ chữ Quyền mà đặt tên cậu ấy trại ra là Quờn.

Bốn chị em đã đi gần tới nhà ông cả quan.

Mọi khi sau lần sượng trân lần đầu, Quờn bỏ chạy khi thoáng thấy mấy chị em đàng xa. Lần này cậu ta bận gỡ chiếc gai dính vào dép Nhựt Bổn mới mua nên không thấy bọn Thái Huyên trang đến.

Chừng nghe động, đay lại đã trễ quá rồi không cút kịp nữa.

Quờn mặc pi-da-ma bằng vải ú màu xanh lá cây, đầu chải brillantine chợ lớn sực nức mùi chanh, cổ đeo dây chuyền vàng khè, tay nặng trĩu nào lắc vàng, cà rá vàng và đồng hồ cũng bằng vàng.

Anh công tử vườn chào bốn cô theo lối kẻ dốt, nghĩa là hất hàm lên như muốn hỏi:

- Ê, đi đâu đó?

Cô Hoa nói:

- Lạ quá, cậu hai! Cũng thời một nước một non mà chúng tôi thì cúi đầu xuống để chào, còn cậu thì lại hất đầu lên. Không biết lối chào nào trúng cách đó cậu?

Quờn không thấy là bị hỏi vặn, tự nhiên đáp:

- Dân chào quan, nữ chào nam thì cúi đầu là phải, còn ngoài ra…

- Vậy chị em tôi phải cúi đầu đến hai lần vì cậu vừa là nam vừa là quan, hay con quan cũng thế.

- Tía tôi đã từ chức rồi.

- Từ thì từ, cái gốc quan vẫn còn chớ.

Cậu Quớn sung sướng quá khi nghe cô gái còn nhận mình là con …quan, mặc dầu cha cậu chỉ là quan trong xóm thôi.

- Độ rày cậu làm gì, cậu hai? Hoa lại hỏi.

- Cũng hổng cần làm gì. À, tôi có tự túc một bầy gà Huê Kỳ, coi bộ tương lai quá khứ.

Cả bốn chị em đều ngạc nhiên, không hiểu cậu ta nói cái gì mà lại tự túc gà và có tương lai quá khứ?

- Tự túc là gì cậu? Hương hỏi thật tình.

- Tự túc là nuôi chớ là gì.

- Vậy hả, còn tương lai quá khứ?

- Tương lai là tương lai còn quá khứ là quá sá, tiếng mới mà. Tôi nghe họ nói hay quá nên tôi bắt chước dùng theo. Đời bây giờ họ bầy ra nhiều tiếng mới hay lắm. Thí dụ phạm tội họ nói phạm vi, thù vặt họ nói cá nhân, nghe hay quá khứ.

Hoa và Quá núp sau lưng hai chị mà cười đến chảy nước mắt. Cô Quá, mặt mày còn đỏ rần bước ra khỏi chỗ núp nói:

- Hôm nay cậu mặc đồ xanh, trông đẹp trai quá khứ nhưng cậu lại phạm vi về đôi dép. Dép phải quai đỏ nó mới ăn với màu xanh nầy. Tôi tình thiệt nói ngay, cậu đừng có cá nhân tôi nhé.

- Tôi người quân tử mà, ai lại cá nhân cô.

Cả bọn Thái Huyên trang thấy trò đùa đã kéo dài quá rồi nên chào cậu công tử để đi nữa.

- Hôm nào rảnh mời cậu lại nhà chơi, nếu cậu không cá nhân thì cậu sẽ lại.

 

°

 

Con gái xóm thuốc làng Linh Chiểu là những chị phụ nữ an phận. Họ không dám muốn được như những cô Thái Hyên trang nên không cô nào đua đòi bắt chước ăn mặc từ ngày các cô lên đây.

Họ cũng chẳng lân la để học ăn học nói, học những điệu bộ thị thành. Đó là những người bằng lòng số mạng và không mơ một cuộc đời khác hơn là cuộc đời họ thấy từ lúc lọt lòng.

Phụ nữ ở những làng khô cháy, nghèo khổ vẫn thế đấy. Họ cằn cỗi cả ngoài mặt lẫn trong lòng và sống co lại trong gia đình, ít dám giao thiệp.

Thành thử bốn cô Thái Huyên trang không thể có bạn gái được. Các cô tìm đến họ, họ vẫn vui vẻ đón tiếp các cô nhưng rồi thôi, cảm tình của họ đối với các cô không dài hơn cuộc gặp gỡ ngoài mương thuốc, trên bờ tre.

Cảnh đồng khô cỏ cháy nầy lại bị tiết cuối mùa nực cộng với lòng người hàng xóm thờ ơ làm cho nó trở nên buồn một cách tuyệt vọng.

Trò vui độc nhứt của các cô là xem lũ kên kên vào lúc chạng vạng.

Thỉnh thoảng trong làng có một con trâu chết và chủ nó len lén vứt xác nó ra đồng. Kên kên đáp xuống xơi thịt thúi ấy rồi say mồi, không buồn bay lên nữa.

Vài anh dân làng rắn mặt đợi quá chiều, lấy nùi giẻ cột vào chơn của mấy chú ăn thây ma nầy, rồi tẩm dầu hôi mấy nùi giẻ ấy. Xong đâu đấy họ đánh diêm lên mà đốt giẻ.

Kên kên bị lửa đốt kinh hoảng bay cuồng loạn, mang theo mỗi chú một cục lửa đỏ lòm trong bầu trời đen của đêm vừa xuống.

 

°

 

Dân làng Linh Chiểu cứ lặng lẽ làm nghề thuốc, xe hơi cứ lướt qua trên đường Thiên lý mà không bao giờ ghé lại và bốn cô gái Thái Huyên trang cứ lặng lẽ đợi chờ một việc gì nó không bao giờ xảy ra cả.

Hôm ấy là chúa nhựt thứ ba từ ngày dọn nhà lên đây.

Cũng như hai chúa nhựt trước, Hương, Hồng, Hoa, Quá nhìn mãi đám xe đạp, xe gắnmáy, xe xi-cut-tơ của những thanh niên thiếu nữ trốn thị thành đi tìm mát, lũ lượt nối đuôi nhau qua trước nhà. Họ như mang theo hương vị Sài Gòn mà các cô vẫn nhớ chưa nguôi. Tuổi trẻ lại gợi nhớ tình yêu mà các cô thấy mình đang thiếu thốn. Nhìn xe, các cô bồn chồn mong ngóng một người, một người có thể đưa đến vài tia nắng ấm trong cảnh lạnh lẽo này, người đó là Bằng.

Sao đã ba tuần rồi mà không thấy Bằng lên chơi? Thì ra, người ta quên kẻ đi vắng mau lẹ quá. Nếu kẻ ấy qua thế giới bên kia, không mong trở lại nữa thì người ta sẽ quên họ chóng đến bực nào?

Bốn cô tủi thân quá, nghe như mình bị cả thế gian bỏ quên. Thế gian cứ vui chơi, thương yêu không biết rằng nơi một xó quê kia có những người còn trẻ, còn ham vui đang vào tuổi thương yêu bỗng vì gia thế phải lùi về ở ẩn như một công chức mãn kỳ phục vụ và không biết bao giờ ra khỏi chốn nầy.

Bằng đi mô-bi-let nên hễ mỗi lần nghe tiếng động cơ nhỏ nào nổ là bốn cô ngóng cổ lên mà dòm ra đường.

Họ mừng hụt đến sáu lần và có một bận họ suýt chạy ra cửa ngõ vì người cưỡi mô-bi-let ấy sao mà giống Bằng quá.

- Hay là anh Bằng tìm nhà không được, rồi chạy luôn lên Biên Hoà hoặc lên Lồ Ồ, Châu Thới. Cô Quá đặt nghi vấn như vậy

- Ừ, Hoa họa theo, có thể lắm.

- Không đâu, cái anh đó thì xó nào ảnh tìm cũng ra hết, Hương cãi thế vì cô bình tĩnh được hơn ba em của cô. Chắc ảnh bận việc gì.

- Anh đó mà bận việc gì! Ảnh bận với các cô em của ảnh. Nhưng nếu thế ảnh lại phải đưa họ đi ra đồng ngày chúa nhựt, mà đi đâu cho hơn lên đây?

Bỗng Hoa kêu rú lên rồi nhảy xuống đất một cái đụi, bỏ chơn không mà chạy ra sân.

Họ mải bàn cãi mà quên để ý lắng nghe tiếng xe, quên dòm khách ra đồng quê ngày chúa nhựt nên Bằng lên tới cửa mà chỉ có một cô thấy thôi.

Ba cô kia cũng chạy theo cô Hoa, kêu la như em nhỏ.

- Anh Bằng lên ê, anh Bằng lên!

- Hoan hô anh Bằng!

- Đả đảo anh Bằng lên trễ!

Bằng đẩy xe vào sân và ứng khẩu hai câu thơ lục bát:

Nghìn trùng Thiên lý bên đường

Thái Huyên trang ấy dễ thương quá trời

- Hay!

- Để em chép.

- Đọc tiếp đi anh.

- Muốn có thơ ra thì phải có rượu vào. Có nước dừa không?

- Nhà không có trồng dừa nhưng chị Hồng có mua trữ sẵn buổi đi chợ hôm qua.

- Vậy có nước dừa vào, thơ mới ra tiếp được.

Quá giựt xe người anh rồi thót lên cho chạy vòng vòng trong sân, len lỏi qua mấy cây bưởi, mấy cây vú sữa mới đặt xuống đất vài tuần.

Con trích đang đi thơ thẩn thấy khách lạ, làm thinh chạy bay tới mổ vào ống quyển khách. Bằng không để ý dưới chơn, bị mổ đau la oái oái rồi nhảy tréo một bên. Ba chị em cười ngất. Bằng phản đối:

- Sao không để bảng “ Attention trich méchant” ngoài cửa.

Ba chị em lại cười lấy làm ngộ nghĩnh vì ý nghĩ của họ hôm trước, nay được Bằng lập lại y hệt.

Bằng vào nhà chào dì dượng rồi thoát ra ngoài ngay để xem cảnh nhà. Cả bốn chị em đều theo chàng như một đoàn hộ tống đắc lực.

Thấy cảnh khô cháy, không có lấy một bóng cây nhỏ cho con mắt nghỉ ngơi, người con trai đi tìm mát nầy hơi thất vọng than rằng:

- Còn lâu lắm ở đây mới được. Hiện giờ chỉ có đá banh hoặc rượt bắt nhau mới hợp. À, còn trái cây đâu các cô?

- Khách chỉ có một người thì trái cây mua ở chợ ăn cũng đủ no nê rồi, cần gì trái vườn.

Hoa biết Bằng hỏi mỉa mấy chị em, ám chỉ lời hứa đãi trái cây của các cô hôm tháng trước nên đáp thế. Lối đáp của cô lại sẽ giúp cô biết được vì sao Bằng chỉ đi chơi có một mình thôi, trái với thói quen của anh ta là hay tùng tam tụ ngũ.

Quả thế, Bằng cắt nghĩa:

- Cũng may là hai thằng ấy gãy giò hết, không thôi phải trơ mặt ra mà ngó bọn đó. Chúng tôi đi ba mạng, qua khỏi cầu Băng Ky xuống dốc, lại đường quanh mà thằng Kỳ với lại thằng Hưng nó cho chạy thả máy. Chúng nó văng vô một cái trại cưa ở giữa dốc, chắc phải hai tháng nhà thương mới lành xương được. Tôi gởi chúng nó theo xe quen về nhà thương Bà Chiểu rồi lên đây một mình. Bị vậy mà tới hơi trễ.

Hai cô gái nhỏ thất vọng ngay khi thấy Bằng đến một mình. Giờ nghe Bằng kể câu chuyện tai nạn xe, họ càng tủi thân thêm.

Lùi về xó quên này, họ chỉ mong có khách đến chơi, bất kỳ ai để không khí đỡ phẳng lỳ. Nhưng mỗi một lần khách đến, họ lại bị gãy cẳng dọc đường.

- Sài Gòn có gì lạ, anh? Quá hỏi.

- Thì cũng đại nhạc hội, đại siêu phẩm xanh xanh đỏ đỏ chớ có gì đâu. Còn ở đây có lạ hơn không?

- Có cậu hai Quờn mặc bi-da-ma hường, ôm đờn băng cầm suốt ngày và có anh Xòn lần nào thấy em là cố chui trốn bất kỳ ở kẽ rào nào.

- Thành ra không ở đâu có gì giựt gân cả. Thế này thì còn biết chạy đi đâu cho đỡ buồn nè?

- Anh buồn lắm hả? Anh bạn gái nhiều lắm mà.

- Bạn gái chán bỏ mẹ, mà bạn trai lại càng chán hơn.

Đó là luận điệu của kẻ giàu sang đâm chán tiền bạc. Riêng các cô, các cô thấy bạn gái rất dễ thương, mà bạn trai lại càng thích hơn.

Cô Hồng bỗng nhớ sực ra rằng mình chưa kéo nước tưới cây nên hốt hoảng nói: “ý chết!” rồi bỏ chạy mất.

Cô Hương cũng đứng lên nói là đi lo cơm nước.

Bằng và hai cô còn lại thấy hơi buồn nên đi lần ra giếng là nơi họ thấy Hồng xách thùng tới đó.

Bằng hỏi:

- Các cô làm lụng túi bụi như vầy sao còn kêu buồn?

- Ấy, nhờ có công việc suốt ngày nên chỉ buồn vừa thôi. Nếu bị ở không, chắc tụi em trốn mà trở về dưới hết.

- Sao hồi ở dưới, cũng ở không mà không buồn?

- Dưới ấy ồn quá còn buồn sao được. Cảnh vật chung quanh ta thật là ảnh hưởng mạnh đến tâm trí ta anh à. Ở đây dầu mỗi ngày mỗi có án mạng, mỗi đêm mỗi có xi-nê cũng vẫn buồn như thường.

- Lạ quá!

- Lạ gì mà lạ. Chính anh, anh cũng kêu buồn kia mà.

- Tôi thì khác, tôi buồn vì tôi sầu tình.

Quá cười dòn như nhạc ngựa.

- Còn em, em buồn vì không có tình để mà sầu.

Quá nói nửa đùa nửa thật nhưng nếu ai biết tâm sự của mấy chị em của cô thì đó là một thú nhận chua chát.

Bằng cũng cười rồi kết luận:

- Thành ra mối sầu của tôi là niềm vui…

- Không phải vậy. Nhưng thà là sầu như chị Hồng chứ còn trống không như chị Hương thì chết được chớ không phải chơi đâu.

- Nhưng sao tôi thấy cô Hương rất bình thản. Chỉ có hai cô là kêu buồn liền miệng.

- Bình thản à? Có lẽ buồn quá hóa chai chăng? Còn em kêu là kêu giùm chị ấy,không biết chị Hoa thì kêu dùm ai.

- Tao kêu dùm mầy đó, con bé nhiều chuyện.

Bằng lên chơi không mang theo gì mới lạ cả. Nhưng chiều lại anh ra về, cả nhà buồn hiu. Cả đến thức ăn trong trã tiên liệu cho ba bốn người khách ăn bữa cơm trưa, cũng buồn vì chỉ được có mỗi một ông khách rờ đến.

Sáu người tiễn Bằng một đỗi xa trên đường nhựa rồi bốn cô gái nhìn mãi theo chiếc mô-bi-let nó đem người anh họ của các cô về một nơi mà các cô nhớ đến nỗi héo hon gan ruột.

Chú thích.

(1) Tiểu thuyết của Khái Hưng