- Đại nhi là ai?
Quái nhân bâng khuâng thở dài đáp:
- Ôi! Ta cũng không biết bây giờ Đại nhi ra sao?
Thượng Quan Kỳ nghĩ thầm:
- “Lão này ăn nói vẫn vơ tựa như người mơ ngủ thật khó mà lường được”
Quái nhân như đọc được ý nghĩ của Thượng Quan Kỳ mỉm cười lảng sang chuyện khác:
- Bây giờ luyện võ đi thôi! Trong ba ngày phải dùng đến rồi.
Thượng Quan Kỳ tuy không nói ra nhưng trong lòng rất băn khoăn. Chàng nghĩ thầm:
- “Thời gian ba ngày thoáng cái đã hết. Dù lão có truyền thụ theo phương pháp đặc biệt nào đi nữa thì cũng chẳng được là bao”.
Bỗng thấy quái nhân nghiêm nét mặt nói:
- Đáng lý ta phải luyện nội công cho ngươi trước để ngươi có căn bản rồi sau mới tập đến võ công, song vì thời giờ gấp rút quá. Sau ba ngày, họ bắt đầu cuộc tranh đấu, rất có thể họ sẽ vào lục soát căn gác này, khi họ thấy có ta ở đây tất khó lòng tránh khỏi một cuộc ác đấu. Hậu quả ra sao khó mà tiên liệu được.
Vậy trong ba ngày, ta phải đem hết bí quyết tất cả các môn truyền thụ cho ngươi, nếu cuộc tranh đấu xảy ra đến chúng ta thì nơi đây có thể là mồ chôn nắm xương tàn của lão phu, còn ngươi có thoát được hay không tùy thuộc vào số kiếp của ngươi.
Thượng Quan Kỳ thở dài nói:
- Lão tiền bối tuy đã mất hai chân nhưng võ công vẫn còn, chi bằng sớm rời khỏi căn gác này đi là hơn.
Quái nhân biến sắc lạnh lùng nói:
- Lão phu đã có ước hẹn với người: trong vòng hai mươi năm không ra khỏi nơi đây. Thôi ngươi nhắm mắt ngưng thần đi để ta truyền dạy võ công.
Thượng Quan Kỳ trông ra ngoài cửa sổ, thấy con đại bàng và con hổ kếch sù vẫn còn đứng đó, liền hỏi:
- Bây giờ có bảo hai con này đi không?
Quái nhân khẽ đưa mắt nhìn hai con vật rồi thở dài, từ từ vẫy tay.
Con đại bàng kêu lên một tiếng to rồi bay vụt lên không trung đi mất. Con hổ lượn quanh căn gác hai vòng rồi cũng rống lên một tiếng chạy đi nốt.
Quái nhân bâng khuâng nhìn đằng sau hai con vật hồi lâu rồi mới quay vào nói:
- Bây giờ bắt đầu luyện công!
Ba ngày trôi đi vun vút, Thượng Quan Kỳ tận tâm kiệt lực ngày đêm nghe quái nhân truyền thụ. Chàng đã thông minh hơn người lại chú ý lắng nghe luyện tập. Sáng ngày thứ ba, chàng mõi mệt rã rời quá, không còn cử động được nữa, bất giác nằm lăn ra ngủ li bì.
Thượng Quan Kỳ chưa ngủ được bao lâu, bỗng thấy người mình có ai lay đi lay lại hoài.
Thượng Quan Kỳ mở mắt ra nhìn thì thấy quái nhân đang thò hai tay nắn bóp các đốt xương cho mình. Tay lão đặt vào đâu là có một luồng khí nóng thấm vào thân thể mình tới đó.
Quái nhân thấy Thượng Quan Kỳ tỉnh giấc liền ngừng tay mỉm cười nói:
- Ngươi đã thấy bớt mệt chưa?
Thượng Quan Kỳ đứng thẳng người lên rồi lạy phục xuống đất:
- Tiền bối đem cả chân khí để thúc đẩy kinh mạch khắp người cho vãn bối...
Quái nhân nói:
- Chúng ta đã không có cái hư danh là thầy trò ngươi bất tất phải lạy lục làm chi! Trong ba giờ ngươi ngủ thiếp đi, ta đã lắng nghe động tĩnh và đã biết cả hai phái võ đã đến chùa này rồi. Nếu ngươi lại ngủ nữa thì không những đã bỏ qua không được xem một trường tranh đấu của những tay cao thủ, một cơ hội hiếm có này, mà giả tỷ chúng ta có bị xảy ra cuộc biến cũng trở tay không kịp. Vì vậy mà ta không tiếc chân khí bản thân hao mòn, phải đem thúc đẩy cho ngươi tỉnh lại...
Nói đến đây đột nhiên lão dừng lại nghiêng đầu để ý lắng nghe, rồi thấp giọng bảo Thượng Quan Kỳ:
- Họ đến rồi đó!
Thượng Quan Kỳ lẹ làng đứng dậy, bước ra bên cửa sổ mé tả để nhìn.
Quái nhân đã chuẩn bị từ trước, thò tay vào bọc móc ra một hộp phấn xoa lên mặt biến thành sắc vàng rực.
Thượng Quan Kỳ biết lão diễn lại kỹ thuật hóa trang làm lại tượng thần.
Chàng mỉm cười ngoảnh nhìn ra cửa sổ, thấy phía trước tòa nhà đối diện một lũ đông người đang nối đuôi nhau đi tới, rồi đến tám gã đại hán mình mặc võ trang, lưng đeo binh khí hộ vệ một người đứng tuổi để ria mép, đầu đội phương cân.
Trông lão này đầu hươu mắt chuột, mắt đầy vẻ giảo quyệt, Thượng Quan Kỳ chau mày rủa thầm:
- “Chẳng lẽ con người này mà võ công tuyệt thế? Cứ nhìn cái điệu bộ so vai rụt cổ của gã chẳng ra trò trống gì cả, còn nói chi đến võ công?”.
Thượng Quan Kỳ tuy chưa hiểu được nội tình hai bên, không có lòng yêu hay ghét bên nào nhưng thật ra trong thâm tâm chàng có thiên về phái Trung Nguyên. Song chàng trông thấy bề ngoài của lão này có vẻ hèn hạ không ra vẻ có ý hào hiệp nên không khỏi có ý khinh nhờn.
Bỗng thấy phía dưới “Tàng Kinh lâu” có tiếng ồn ào hỏi:
- Phải chăng đó là Vân trang chủ? Chưởng môn tệ phái đã đến chờ bên trong đại điện đã lâu rồi.
Người này nói tiếng Hán rất rõ, Thượng Quan Kỳ đảo mắt nhìn xem thì đó là một nhà sư Tây Tạng khoác áo cà sa bước ra.
Lão đầu hươu mắt chuột mình mặc áo dài, xung quanh có tám đại hán hộ vệ rảo bước tiến lên, chắp tay nói:
- Trang chủ tôi có việc bất ngờ đến chậm một chút, cảm phiền đại sư hãy chờ một chút.
Khi y đứng nói thì tám gã đại hán đứng hai bên tỏ vẻ cực kỳ cung kính, dường như y có một địa vị tối quan trọng.
Nhà sư Tây Tạng chắp tay nói:
- Nếu đại gia không phải là Vân trang chủ thì chắc là Ma Vân Thần Thủ Hùng Kiện Phi?
Lão kia đáp:
- Hùng huynh là tổng quản võ sư của Thiên hạ đệ nhất trang, còn tại hạ tổng quản văn án Thiên hạ đệ nhất trang tên gọi là Thường Côn. Trang chủ tôi tuy lần này ước hẹn đấu võ cùng quí phái nhưng kỳ thực là mượn cơ hội này để ra mắt Chưởng môn quí phái danh tiếng lẫy lừng miền Tây Vực từ lâu. Võ công tuy khác với đường lối Trung Nguyên nhưng thành quả cũng ghê gớm lắm.
Nói xong vái dài.
Nhà sư Tây Tạng vẻ mặt hết sức cao ngạo, cười lạt nói:
- Tệ phái có uy lực riêng biệt. Nếu tệ phái không có nhân vật đầu sỏ đến nghinh đón thì Chưởng môn phái tôi không chịu tiếp kiến ai và còn cho mười hai hộ pháp ra ngăn trở.
Thường Côn đưa tay lên vuốt râu mép nói:
- Tại hạ cũng không có ý đến ra mắt Chưởng môn quí phái...
Nhà sư Tây Tạng đột nhiên quay lại vẫy tay một cái, lập tức bốn vị hòa thượng mặc áo cà sa màu lam chạy ra dàn thành hàng chữ nhất đến ngồi xếp bằng trước mặt đối phương để chắn lối đi.
Thường Côn lắc đầu lùi lại hai bước. Tuy y không nói gì nhưng vẻ kiêu ngạo lộ ra ngoài mặt tựa hồ như rủa ngầm những quân man mọi không hiểu lễ nghĩa.
Tám gã đại hán thấy Thường Côn lùi lại thì ngồi quây quần bao quanh y.
Thượng Quan Kỳ ẩn mình vào cửa sổ căn gác để nghe những điều hai bên đối thoại cùng trông rõ mọi cử động của cả hai bên. Chàng nghĩ thầm:
- “Nếu họ đấu võ ngay ở dưới căn lầu này thì ngồi đây sẽ không nhìn rõ được, như vậy thật là đáng tiếc lắm”.
Chàng đang đắn đo bỗng nghe tiếng tù và từ phía xa đưa lại. Tám gã đại hán vội vàng đứng dậy xếp thành hàng đôi.
Thường Côn lại vuốt râu nói với mấy nhà sư ngồi chắn đường:
- Đại trang chủ chúng tôi đã đến, quí vị mau vào báo cho Chưởng môn quí phái biết để ra nghênh tiếp.
Vị hòa thượng mặc áo cà sa màu lam thủng thẳng đứng dậy nói:
- Chưởng môn tệ phái địa vị rất cao xa, có lý đâu phải ra nghênh tiếp ai.
Chờ quí Trang chủ tới đây, bảo ông ta lên đại điện ra mắt Chưởng môn tệ phái.
Tám gã đại hán nghe nhà sư Tây Tạng phách lối ra chiều khinh miệt Trang chủ mình thì ai nấy đều biến sắc, trừng mắt nhìn nhà sư Tây Tạng.
Tiếng hiệu tù và mỗi lúc nghe một gần, tựa hồ như phát ra ngay ở trong chùa.
Thượng Quan Kỳ thay đổi vị trí nhìn ra ngoài xa, chàng thấy mấy chục tên đại hán đang tiền hô hậu ủng khiêng một cổ kiệu nhỏ che rèm xanh đang đi tới, không nhìn rõ người ngồi ở trong kiệu. Theo sau là bốn người võ sư đi hộ vệ, mặc bốn màu áo khác nhau và cùng đeo binh khí.
Thượng Quan Kỳ nghĩ thầm:
- “Ông này hành trang oai vệ chắc là Vân trang chủ”.
Chàng đang suy nghĩ thì phía sau chiếc kiệu rèm xanh lại hiện ra một chiếc kiệu rèm đó, hai kiệu cách nhau chừng tám chín thước. Sau cổ kiệu rèm đỏ lại xuất hiện một chiếc kiệu rèm vàng, rồi sau cùng là chiếc kiệu rèm biếc.
Bốn cổ kiệu đi thong dong và cách nhau đều đặn, trông khoảng tám chín thước.
Phu kiệu toàn là những tay giỏi khinh công, lên cao xuống dốc như bay, chớp mắt đã đến dưới thềm đối diện “Tàng Kinh lâu”.
Mấy chục gã đại hán chia ra bốn phía bốn cổ kiệu bày hàng chữ nhất tề chỉnh. Bỗng thấy bốn gã đại hán sắc phục khác nhau chia ra chầu chực các cửa kiệu.
Thượng Quan Kỳ nhận ra thì đại hán nào sắc phục đồng với sắc kiệu ấy, chia ra xanh, đỏ, vàng, biếc.
Nhà sư Tây Tạng mặc áo cà sa đỏ tuyên Phật hiệu, rảo bước đi đến chấp tay trước ngực và hỏi:
- Vị nào là Vân trạng chúa? Xin lên đại điện để yết giá vị Phương trượng Chưởng môn tệ phái. Người chờ tại đó đã lâu rồi.
Một người to béo bèn khoanh tay đáp lời nhà sư Tây Tạng:
- Trang chủ tôi hẹn cùng Chưởng môn quí phái tương kiến ở dưới Tàng Kinh lầu. Vậy mời Chưởng môn quí phái đến đó hội diện.
Nhà sư Tây Tạng nghiêm nét mặt nói:
- Chưởng môn tệ phái đã y lời ước hẹn đến đây đã nửa canh giờ. Những nhân vật Trung Nguyên các ông thường nói rằng: lời hứa đáng giá ngàn vàng. Nay xét ra cũng chẳng có ý nghĩa gì?
Đại hán chau mày đáp:
- Trang chủ tôi tuy đến trễ nửa giờ nhưng đã cho Thường tổng quản đến đây báo trước. Nếu các ông không phải ở tận biên cương xa xôi ngàn dặm, không hiểu lễ nghĩa thì chỉ một câu này cũng đáng xử tử rồi.
Nhà sư Tây Tạng cười lạt nói:
- Người tệ phái tuy sinh trưởng tại miền Tây Vực nhưng kém cóc gì nhân vật Trung Nguyên các ông, đã đến đây tỷ võ thì ai sống ai chết lát nữa sẽ biết.
Nói xong, tiến lên mấy bước, rồi đột nhiên như sực ra điều gì quan trọng, vội quay lại hỏi:
- Tôi nghe giọng lưỡi ông có vẻ là võ sư Tổng quản trong “Thiên Hạ Đệ Nhất Trang” tên gọi Mã Vân Thần Thủ Hùng Kiện Phi thì phải?
Đại hán ngang nhiên cười đáp:
- Chính thị! Còn đại sư pháp hiệu là gì?
Nhà sư Tây Tạng cũng cười nói:
- Tôi là Cáp Khắc, từng được nghe danh Hùng võ sư đã lâu.
Nhà sư chắp tay trước ngực khẽ hất ra một cái, lập tức một luồng kình lực phóng tới.
Hùng Kiện Phi chân bước chữ “Đinh”, tay trái để ngang ngực đáp lễ, tay phải vận nội lực phóng trả lại, vừa đánh nhà sư áo đỏ vừa nói:
- Không dám! Không dám! Hùng Kiện Phi này chẳng qua núp bóng Vân trang chủ để kiếm miếng ăn mà thôi.
Hai luồng kình lực chạm nhau, phát ra luồng gió mãnh liệt, cát bụi bay mù mịt. Hùng Kiện Phi nẩy chân lên, hai vai rung chuyển đến ba lần.
Nhà sư Tây Tạng áo cà sa cũng bay tung lên, tấm thân cao lớn bị đẩy lui về phía sau nửa bước. Hai bên thử nội lực một chút trong lòng kinh hãi, liếc mắt nhìn nhau rồi chắp tay thi lễ.
Cáp Khắc mỉm cười nói:
- Cái tên Ma Vân Thần Thủ quả nhiên danh bất hư truyền. Thế là bần tăng đã được thỉnh giáo rồi.
Nói xong trở gót rảo bước đi vào.
Bỗng thấy một chuỗi cười sang sảng từ trong cổ xanh vọng ra, rồi có tiếng cười nói:
- Ta phiền đại hòa thượng thông báo cho quí Chưởng môn rằng Vân mỗ cùng Mao Sơn Nhất Chân cùng Thanh Thành nhị lão đã có ước hẹn hội diện ngoài không trường dưới Tàng Kinh lầu.
Tiếng nói không rõ nhưng sang sảng như tiếng chuông đồng, khiến người nghe phải kinh hãi.
Nhà sư áo đỏ vừa đi vừa đáp:
- Lời Vân trang chủ muốn vậy tiểu tăng không dám tự chuyên, xin vào bạch lại để Chưởng môn tệ phái định đoạt.
Nhà sư vừa nói vừa bước mau đi vào đại điện.
Trong cổ kiệu che rèm xanh một người mặc áo dài xanh bước ra, tuổi độ tam tuần, trông bộ dạng như một nhà văn.
Thượng Quan Kỳ thấy vậy rất lấy làm kỳ là vì Trang chủ “Thiên Hạ Đệ Nhất Trang” tiếng tăm lừng lẩy mà còn ít tuổi như thế?
Các đại hán đứng tản mác chung quanh đều chắp tay cúi đầu, coi bộ cực kỳ cung kính.
Văn sĩ áo xanh lên tiếng cười ròn nã nhìn ra ba cổ kiệu kia chắp tay nói:
- Đạo huynh! Vương huynh! Hoàng huynh! Xin mời ba vị xuống kiệu.
Từ trong ba cỗ kiệu rèm đỏ, vàng, và rèm biếc bước ra một lão đạo sĩ búi tóc tay cầm phất trần, mình mặc áo lông, râu bạc phơ chùng đến rốn và hai lão già thấp lùn bé nhỏ, y phục giống nhau, mỗi người đều cầm một cây gậy trúc.
Lão già áo lông nhìn văn sĩ vẫy tay hỏi:
- Vân huynh! Bọn ta đấu võ cùng các nhà sư Tây Tạng tại đây phải không?
Văn sĩ mỉm cười đáp:
- Tại không trường dưới chân Tàng Kinh lầu này.
Tuy ông ngoài mặt tươi cười mà vẫn không che dấu được nỗi lo buồn hiện ra trên mí mắt.
Hai lão cầm gậy trúc ra khỏi kiệu rồi mặt lạnh như tiền, chẳng nói năng gì.
Văn sĩ áo xanh quay lại tươi cười nói với hai lão thấp lùn:
- Vương huynh! Hoàng huynh! Chuyến này nhọc lòng hai vị tiểu đệ rất áy náy, song vì cuộc thắng bại này có quan hệ rất lớn, tiểu đệ không thể không nhờ hai vị giúp cho một tay.
Lão già đúng mé bên tả lạnh lùng nói:
- Hiện nay trong võ lâm thiếu gì bậc kỳ tài mà Văn huynh lại đi mời lão sĩ mũi trâu kia cùng hai cái quái vật già này xuống núi viện trợn, thì chỉ trừ mình Vân trang chủ ra, chúng tôi e rằng mình không phải là hạng mặt mũi to lớn. Nay chúng tôi đã nhận lời đến đây, Trang chủ bất tất phải khách sáo.
Giọng nói cứng nhắc mà âm thanh lạnh lẽo khiến người nghe chẳng lọt tai chút nào.
Văn sĩ áo xanh ngẩng đầu lên nhìn trời tự nói một mình, dường như có vẻ sốt ruột:
- Sao mãi không thấy y đến?
Lão áo lông vuốt chòm râu dài hỏi:
- Vân huynh! Ngoài ba chúng tôi, Vân huỳnh còn mời ai đến giúp nữa không?
Văn sĩ áo xanh đáp:
- Mười năm trước vì tiểu đệ nói một câu vô tình, không ngờ nhà sư Tây Tạng tưởng thật, sai người đưa thơ đến giục tiểu đệ mời cắc tay cao thủ ở Trung Nguyên đúng kỳ phó hội. Vì việc này quan hệ trọng đại không phải chỉ một mình tiểu đệ sống chết mà xong nên làm việc cần phải thận trọng. Tiểu đệ muốn gởi thiếp đi mời các vị anh hùng thiên hạ cùng nghĩ kế đối địch, nhưng sau nghĩ lại việc này chẳng nên công bố trước võ lâm. Hơn nữa việc thỉnh các vị anh hùng trong thiên hạ chưa chắc đã giúp cho mình được việc gì, bất đắc dĩ tiểu đệ phải mời đến các vị đây...
Bỗng nghe tiếng trống, tiếng đồng la, tiếng lão bạt nổi lên từ xa vọng lại.
Vân trang chủ ngẩng đầu lên coi, thấy mười mấy vị hòa thượng mặc áo cà sa vàng, vị nào cũng cầm pháp khí, từ phía Tàng Kinh lầu thong thả đi ra.
Sau đám sư đánh pháp khí đến bốn vị hỏ thượng mặc áo đỏ khiêng một cái đỉnh đá, trong đỉnh khói trầm bốc lên nghi nhút.
Phía sau đỉnh đá là tám sư áo đỏ. Trong đám này một vị gầy nhom, cao nghệu cổ đeo tràng hạt, chắp ta trước ngực, hai mắt tựa hồ như nhắm lại.
Sau vị này là một gã đại hán chùng ba mươi tuổi khí độ hiên ngang và một vị nữ lang tuyệt sắc, mình mặc áo đỏ.
Sau cùng mười mấy nhà sư mặc áo đỏ, xanh, vàng đi theo hộ vệ.
Hai bên còn cách nhau chùng hơn mười mấy trượng.
Các nhà sư dừng bước, các tiếng pháp khí cũng im bặt.
Văn sĩ áo xanh chắp tay nói:
- Vân Cử Long có chút ít việc gấp thành ra đến chậm, để đại sự phải chờ lâu, thật là áy náy.
Các nhà sư cầm pháp khí tản ra hai bên, buông thẳng tay đứng trực. Bên nhà sư áo đỏ khiêng đỉnh cũng đặt đỉnh xuống lùi về phía sau hai bước.
Vị hào thượng gầy và cao mặc áo gấm hoa, chợt mở to mắt, hia đạo hào quang sáng như điện phóng ra nhìn Vân Cửu Long nói:
- Vân trang chủ vì mắc việc đến chậm, đó là chuyện vô tình, bần tăng đâu dám phiền trách. Ba năm trước đây lão tăng có phái người tới quý trang nhắc lại điều ước mười năm về trước đến hội diện trong ngôi chùa cổ này. Hẳn Vân trang chủ còn nhớ?
Vân Cửu Long đáp:
- Đại trượng phu đã nói một lời không bao giờ dám quên.
Nhà sư mặc áo gấm hoa cười lạt nói:
- Vậy là hay lắm! Trang chủ đã chuẩn bị xong cả rồi chưa?
Vân Cửu Long từ từ rút trong bọc ra một cái túi vải trắng niêm phong rất kỹ nói:
- Tại hạ đã chuẩn bị rồi, không hiểu đại sư xong chưa?
Nhà sư cũng thò tay vào trong áo cà sa lấy ra một cái túi vàng bọc kín, nói:
- Trong bọc này, ngoài các bảo vật của Mật Tông phái lài còn có thanh kim đao từ bao đời truyền lại, Vân trang chủ lấy được đao này thì các đệ tử tệ phái nhất nhất phải tuân theo mệnh lệnh Trang chủ dù có bảo nhảy vào đống lửa họ cũng không dám chối từ.
Vân Cửu Long mỉm cười nói:
- Trong cái túi này ngoài lệnh bài của Vân gia trang tôi, còn có một danh sách các cao thủ trong võ lâm ở Trung Nguyên và ba bức bản đồ. Nếu đại sư lấy được lệnh bài của Vân gia trang thì các nhân vật hai đạo hắc, bạch trong bảy tỉnh miệt Giang Nam đều thần phục và mười vạn giang sơn gấm vóc sẽ tùy thuộc đại sư, việc xưng bá võ lâm của đại sư dễ như trở bàn tay.
Bỗng thấy Mao Sơn Nhất Chân cười lạt nói:
- Vân trang chủ! Trang chủ định đem bán đứng bọn chúng tôi đó chăng?
Vân Cửu Long nổi lên một trận cười ha hả nói:
- Hôm nay Vân Cửu Long cùng các vị mà bị loại khỏi chùa cổ này thì các phái võ ở Trung Nguyên còn ai dám kháng cự? Nếu chúng ta bị sát hại thì thà rằng chịu thần phục là hơn.
Mao Sơn Nhất Chân từ từ nhắm đôi mắt lại nói:
- Vân trang chủ nói đúng đó!
Bỗng thấy có thanh âm lạnh như băng nói:
- Vân trang chủ đã ước hẹn tỉ võ thì đánh cho xong việc đi, tôi còn bận việc khác. Nếu không động thủ thì chúng tôi về đây.
Vân Cửu Long quay đầu nhìn lại xem ai thì ra là Đồi Tẩu Vương Cát, một vị trong Thanh Thành nhị lão.
Nên biết rằng Mao Sơn Nhất Chân cùng Thanh Thành nhị lão vào ở ẩn đã lâu, ngoài ba mươi năm nay không lê gót tới chốn giang hồ nữa. Bọn thanh niên võ lâm ít người biết đến tên tuổi, Thượng Quan Kỳ chưa hiểu ba vị này, nhưng lại đặc biệt lưu tâm đến Vân Cửu Long vì chàng thường nghe sư phụ đề cập đến Trang chủ “Thiên Hạ Đệ Nhất Trang” là Vân Cửu Long có nhiều thành tích đặc biệt.
Với tấm Phi Long lệnh bài, Vân Cửu Long có thể điều động tất cả các nhân vật bạch đạo cũng như hắc đạo trong bảy tỉnh miệt Giang Nam.
Sau khi nghe Đồi Tẩu Vương Cát nói thế, bất giác chàng quay đầu nhìn lại thấy lão có tướng mạo ngũ đoản, người gầy như que củi song hai mắt sáng như điện. Mắt lão nhìn chằm chặp vào nhà sư Tây Tạng mặc áo gấm hoa, dường như muốn nhảy ra động thủ tỉ thí luôn.
Vân Cửu Long tựa hồ chưa kịp chuẩn bị khởi sư ngay, ông trầm ngâm một lát rồi nói:
- Cuộc đấu này quan hệ vô cùng, một khi đã động thủ tất một còn một mất.
Có khi chỉ trong khoảnh khắc đã rõ được thua, có khi đánh đến mấy ngày mấy đêm chưa phân thắng bại. Tiểu đệ còn hẹn một người đến giúp mà chưa tới nơi.
Hãy chờ y đến rồi hãy động thủ cũng chưa muộn.
Đồi Tẩu Vương Cát nhìn lão già cùng phái Thanh Thành với mình nói:
- Vân trang chủ vẫn còn do dự, hai ta đã không sợ chết thì ra động thủ trước quách đi.
Nhà sư Tây Tạng mắc áo gấm hoa cười lạt nói:
- Hai vị đã muốn ra tay, bần tăng xin bồi tiếp.
Đồi Tẩu Vương Cát cầm gậy trúc đi ra, đảo mắt lạnh lùng nhìn nhà sư nói:
- Các ông định nhất tề ra trận một lúc, hay cho đấu từng người một?
Nhà sư cao nghệu quay lại vẫy tay một cái, lập tức ba nhà sư mặc áo đỏ, xanh và vàng tiến ra.
Đồi Tẩu Vương Cát cười lạt cầm cây gậy trúc nhảy lên trên không lướt tới.
Chân chưa chấm đất, tay vụt phóng chưởng ra đánh tới ba nhà sư.
Thân pháp ba nhà sư cực kỳ mau lẹ, chỉ thấy bóng người thấp thoáng đều đã lui ra phía sau tới năm thước. Nhưng lùi rồi lại tiến lên ngay, nhất tề phóng chưởng ra nhằm Vương Cát đánh tới.
Võ công phe Mật Tông theo một đường lối đặc biệt. Ba người thân pháp mau lẹ, song chưởng lực lại hời hợt không có sức mạnh.
Đồi Tẩu Vương Cát biết rằng thế chưởng của ba nhà sư này có luồng khí âm hàn và là một nội công cực kỳ hiểm độc. Song lão ỷ mình võ công cao cường, muốn đem thân ra để thử đọ với võ công phái Mật Tông là một phái võ lừng lẫy tiếng tăm miền Tây Vực. Lão vận động chân khí, toàn thân rắn như sắt để chống lại chưởng lực ba nhà sư.
Ba nhà sư không ngờ đối phương lại dùng sức cứng rắn để chống lại chưởng lực, bất giác run lên rồi thu chưởng về. Đồi Tẩu Vương Cát cười lạt một tiếng thủng thẳng tiến lên, vẻ mặt lạnh lùng, mặt đầy sát khí. Nhà sư mặc áo gấm hoa đột nhiên đứng dậy lạnh lùng nói:
- Ngươi đã bị “Trừ Phong chưởng” đánh bị thương rồi. Nếu không vận chân hí trục xuất kịp thời để khí lạnh nhiễm vào cơ thể thì chỉ trong mười hai giờ gân cốt sẽ cứng đờ và trong vòng ba tháng khí độc thấm vào đến trái tim là bỏ đời...
Tiếng lão nói âm trầm, lạnh lẽo khiến người nghe có cảm giác khó chịu.
Đồi Tẩu Vương Cát nghe lão nói cũng hơi rung, ngẩng mặt nhìn lên. Nhà sư cao nghệu đang ở phía sau đỉnh đá, khói trầm vẫn bốc lên thành những vòng tròng xung quanh lão, trông trang nghiêm như pho tượng đá đang nhìn mình. Tia mắt hai người chạm nhau, Vương Cát run lên dường như khí lạnh ở trong tâm mình thoát ra.
Vương Cát có biết đâu là mình bị đánh một đòn lãnh chưởng.
Thanh âm lạnh như băng tuyết lại nói vang lên:
- Ngươi bị thương nặng lắm rồi, phải ngồi xuống ngay, vận nội khí, điều hòa hơi thở, không thì trong hai giờ nữa khí âm hàn sẽ thấm vào gân cốt, khó chịu lắm đấy!
Nhà sư tuy nói tiếng Hán nhưng thanh âm choang choảng như tiếng kim thạch cọ xát nghe rất chói tai.
Đồi Tẩu Vương Cát bất giác ngước mắt nhìn nhà sư, lại chạm phải luồng nhãn tuyến của lão, run bắn người lên. Nhà sư mỉm cười hai tay chắp lại trước ngực từ từ ngồi xuống.
Hương khói trong đỉnh đá mỗi lúc một thêm dày đặc làm cho nét mặt nhà sư tươi hẳn, lão vừa mơ màng vừa nhìn lên hít lấy những luồng khỏi tỏa.
Vân Cửu Long cùng Mao Sơn Nhất Chân nhận thấy sắc mặt Vương Cát mỗi lúc một khác lạ, mắt lão như ngây như dại mở thao láo, nét mặt ra chiều mệt mõi.
Mao Sơn Nhất Chân đứng thẳng người lên rút thanh bảo kiếm ở sau lưng ra, vận động chân khí vào huyệt Đan điền hô lên:
- Vô Lượng Thọ Phật! Từ Thiện Vô Song!
Hơi thở đạo nhân như xé bầu không khí, tiếng hô khác nào sấm dậy khiến cho mọi người đều chấn động, bên tai vang lên những dư âm vo vo. Thần trí Đồi Tẩu Vương Cát thốt nhiên tỉnh táo trở lại, hai mắt tròn xoe đã nhắm lại được, người tự nhiên lùi về phía sau mấy bước.
Bỗng nghe tiếng gậy trúc chống xuống đất cạch cạch, một bóng người nhanh như bóng chim hồng vụt nhảy vào trường đấu, chính là Khô Tẩu Hoàng Xương phái Thanh Thành. Lão vươn tay ra tấy mau lẹ, nâng Vương Cát lên, tay lão cắm gậy trúc xuống đất sâu đến nửa thước, rồi đưa tay nắm vào huyệt “Mệnh Môn” của Vương Cát.
Vân Cửu Long khẽ hỏi Mao Sơn Nhất Chân:
- Đạo huynh kiến thức bao la, hiểu nhiều biết rộng, có phải hòa thượng đó dùng phép “Di Hồn” trong “Du Già Phật” đó chăng?
Mao Sơn Nhất Chân gật đầu đáp:
- Xem ra thì tương tự như “Di Hồn đại pháp”, song bần đạo không dám quả quyết...
Vân Cửu Long nói:
- Môn phái Mật Tông rất nhiều tà đạo không biết đâu mà lường. Về môn phái “Du Già” tôi cũng có hiểu đôi chút, nhưng chưa ăn thua gì. Đối với hạng người này ta không thể theo qui củ võ lâm được.
Đoạn ông ta xoắn tay áo nhảy ra lớn tiếng nói:
- Vân Cửu Long này xin lãnh giáo “Di Hồn đại pháp” của đại sư.
Vừa dứt lời phóng luôn ra hai chưởng. Bỗng một luồng kình lực tuyệt luân ngấm ngầm phát ra chạm vào không khí bật lên tiếng kêu vù vù như gió thổi đánh sang.
Nhà sư kiêu ngạo cười lạt, hai tay phóng ra để đón lấy chưởng lực của Vân Cửu Long. Hai luồng chưởng lực một cương cường một âm nhu chạm nhau. Vân Cửu Long cảm thấy chưởng lực của mình bị luồng chưởng âm nhu của nhà sư phóng ra lấn át mất chưởng lực của mình, bất giác cả kinh nghĩ thầm:
- “Không biết nhà sư này dùng lối võ công nào để phản kích chưởng lực cương kình của mình tiêu tan mất hết?”.
Vân Cửu Long toan vận chân khí đánh ra chưởng thứ hai, thốt nhiên Mao Sơn Nhất Chân la lên:
- Vân huynh hãy thong thả, đừng ra tay vội.
Vân Cửu Long vội nhảy sang bên ba bước, quay lại hỏi đạo nhân:
- Đạo huynh có điều chi dạy bảo?
Mao Sơn Nhất Chân mỉm cười nói:
- Nếu động thủ thì phải có điều lệ phân minh trước khi chính thức mở cuộc đấu. Có thế mới phân rõ thắng bại.
Vân Cửu Long đang đợi một tay đến giúp sức, bấy giờ mới chính thức mở đầu cuộc đấu, nhưng thấy nhị lão phái Thanh Thành cùng Mao Sơn Nhất Chân đều dự bị động thủ mà bọn nhà sư Tây Tạng lại có những hành động quỷ quái khiến cho ông ta phập phồng lo sợ, nghĩ thầm:
- “Mình vẫn nghe giáo phái Lạt Ma võ công quái dị, nay xem ra quả đúng thế thật. Họ mới dùng tia mắt phóng ra mà đã khiến cho một vị võ công trác tuyệt bên mình không tự chủ được nữa mê man tâm thần, tựa hồ như bị yêu thuật, thất khó mà hiểu đọc. Nếu rủi ro mãi e rằng bất lợi cho mình, chi bằng cùng bọn họ quyết một trận sống mái có lẽ hay hơn”.
Vân Cửu Long nghĩ vậy liền nói to:
- Đạo huynh nói phải đó. Ta hãy định rõ thể lệ rồi mới chính thức mở đầu cuộc đầu, để tiện phân thắng bại.
Nhà sư cao nghệu lạnh lùng đáp:
- Càng hay! Bần tăng cũng nghĩ như thế.
- Vậy cuộc tỉ thí như thế nào tùy ý Vân trang chủ liệu định!
Vân Cửu Long mắt như hai luồng điện, nhìn các nhà sư một lượt. Ông đắn đo bên mình chỉ có bốn người có võ công cao cường, trừ Đồi Tẩu Vương Cát bị thương rồi thì còn có ba. Chi bằng ước định đấu ba trận, bên nào thắng hai là được, bọn sư Tây Tạng chỉ một mình vị mặc áo gấm hoa là võ công có nhiều môn quái dị, còn ngoài ra đều là hàng môn hạ, đệ tử không đáng kể. Nếu hẹn đấu ba mà mình có thua thì hai vị kia thắng cũng được. Nghĩ vậy Vân Cửu Long liền nói:
- Lời đại sư chỉ giáo, tại hạ nghĩ rằng cung kính không gì bằng tuân lệnh. Theo ý kiến tại hạ thì chúng ta đấu ba trận để quyết định thắng bại. Bên đai sư lựa thêm lấy hai tay cao thủ, bên tại hạ cũng vậy, để họ tỉ thí với nhau trước, rồi sau cùng tại hạ sẽ xin lãnh giáo đại sư. Không rõ đại sư có tan đồng phương pháp này chăng?
Nhà sư mặc áo gấm hoa phúc đáp ngay lời Vân Cửu Long, quay lại nói lí lố với gã đại hán khí vũ hiên ngang. Họ nói tiếng Duy nên phe Vân Cửu Long chẳng hiểu câu nào.
Hồi lâu nhà sư mới quay lại lạnh lùng nói:
- Chúng tôi cũng biểu đồng tình với Vân trang chủ, đáu ba trận, bên nào thắng hai là được.
Vân Cửu Long quay lại bảo khẽ Tần Hoàng Xương:
- Phiền Hoàng huynh đánh trận đầu cho!
Hoàng Xương từ từ buông Vương Cát ra, rút cây gậy trúc cắm dưới đất lên cầm tay, rảo bước vào trường đấu.
Bên kia nhà sư cao nghệu mặc áo gấm hoa nói lí lố mấy câu Duy ngữ, rồi thấy nhà sư thấp lùn nhỏ bé mặc áo cà sa vàng bước ra. Nhà sư này người cũng loắt choắt như Khô Tẩu Hoàng Xương, lại hai mắt dấp dím như người mới ngủ dậy, uể oải bước ra.
Hoàng Xương cười lạt cầm ngang gậy trúc nói:
- Lấy khí giới ra mau lên! Lão phu cùng ai động thủ cũng thế, không ưa nói rườm lời.
Nhà sư loắt choắt không hiểu tiếng Hán, nhìn Hoàng Xương với con mắt ngạc nhiên, từ từ rút một đôi kim hoàn ở sau áo cà sa, mỗi tay cầm một chiếc, chắp để vào ngực một cái rồi lại dùng tay ra hiệu nói lí lố mấy câu.
Rút cuộc bên nào nói bên nấy nghe, chứ không hiểu đối phương nói gì.
Hoàng Xương tay cầm gậy trúc mở đường, tay trái đỡ lấy tay phải đưa lên phía trước. Theo quy củ của Trung Nguyên thì củ động này biểu hiệu cho đối phương ra tay trước. Không ngờ nhà sư không hiểu lệ giáo Trung Nguyên cũng theo đối phương tay trái nâng lấy tay phải đưa ra phía trước.
Hoàng Xương nghĩ thầm:
- “Cha này ù ù cạc cạc chẳng biết lễ nghĩa cóc gì. Mình cũng bất tất phải theo quy củ cho mất thì giờ”.
Nghĩ vậy vung tay phải ra cầm cây gậy trúc điểm vào bụng dưới nhà sư.
Nhà sư Tây Tạng cầm vòng bên tay trái chụp xuống để gạt cây gậy, chiếc kim hoàn bên tay phải vụt đánh ra.
Hoàng Xương giật mình vội thu gậy về, nhảy tránh ra xa năm thước.
Bỗng thấy nhà sư Tây Tạng đưa chân phải lên phóng kim hoàn ra rồi lại thụt tay về.
Hoàng Xương rủa ngầm:
- “Người ta thường nói phe Mật Tông có tà pháp, chắc là y đang dở trò gì đây”.
Hoàng Xương thấy Vương Cát đã bị thương vì tà thuật trong lòng vẫn nơm nớp lo sợ, không dám khinh địch. Giữ gìn khí giới đối phương chỉ thấy buộc bằng dây vàng mới vững tâm vung trượng phóng ra một đòn “Hoành Tảo Thiên Quân”, đánh vào sau lưng. Đòn này phóng mạnh ghê người, kình lực phát ra tiếng gió vù vù. Nhà sư Tây Tạng mắt đang hấp háy đột nhiên mở to ra để phóng kim hoàn, cái thân hình nhỏ bé nhảy vọt lên trên không đôi vòng đột nhiên rời khỏi tay bay ra tập kích đối phương.
Hoàng Xương cười lạt nói:
- Có làm gì cái trò vặt đó!
Đoạn thu gậy về ra đòn “Bạch Vân Xuất Trực” quét những sợi dây buộc kim hoàn. Hoàng Xương thu trượng về rồi lại phóng ra nhanh như chớp nhoáng, nhà sư loắt choắt tuy không hiểu đối nói gì nhưng nhìn vẻ mặt cũng biết đối phương buông lời khinh bỉ mình. Đột nhiên lão hít chân khí vào lại nhảy vọt lên cao bẩy tám thước, hai cái vòng cũng theo người phóng lên trên không tránh cây gậy của đối phương.