Luu bút của ông Tư Cang trong sổ tang của ông Ẩn, tháng 9 năm 2006
GIỮA NĂM 1966, Thiếu tá Tư Cang, 38 tuổi, người đứng đầu lưới tình báo H.63, tới Sài Gòn.(1) Vài tháng trước đó, Bộ Chính trị tại Hà Nội đã ra nghị quyết về việc tổ chức thực hiện một cuộc tổng tấn công và nổi dậy nhằm vào “đầu não của chính quyền bù nhìn miền Nam”.(2) Mục tiêu chính là Sài Gòn! Nghị quyết được các giao liên chuyển theo Đường mòn Hồ Chí Minh tới Trung ương cục miền Nam vào tháng 11 năm 1967. Ngày D được ấn định là ngày Tết Mậu Thân, ngày đầu năm mới âm lịch, nhằm ngày 31 tháng 1 năm 1968. Chỉ còn chưa đầy ba tháng để thu thập tin tức tình báo và hoạch định chiến lược cho cuộc tổng tấn công vào thủ đô của miền Nam.
Trần Văn Trà, Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam từ năm 1963, chịu trách nhiệm cả về chiến thuật lẫn chiến lược cho cuộc tổng tấn công. Ông Trà tin chắc rằng một khi kế hoạch này thành công, chính quyền do Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đứng đầu sẽ sụp đổ. “Phương pháp cơ bản theo chi đạo là kết hợp giữa các cuộc tấn công của quân đội với nổi dậy của quần chúng tại đô thị, kết hợp tấn công từ bên trong với bên ngoài các thành phố lớn, giữa hoạt động quân sự vùng nông thôn và hoạt động quân sự vùng thành thị. Cuộc tổng tấn công được tiến hành liên hoàn, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, để tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn.(3)
Ông Trà dựa rất nhiều vào các mạng lưới tình báo ở Sài Gòn. Nhiệm vụ của Tư Cang là thăm dò thực lực của Sư đoàn 1 Quân lực Việt Nam Cộng hòa, báo cáo về tình hình an ninh xung quanh quân cảng Sài Gòn, xác định tuyến tiến công thuận lợi nhất vào thành phố và những tòa nhà cùng các cơ sở dễ bị tấn công nhất. Tư Cang biết rằng ông cần tiếp xúc với điệp viên hàng đầu của mình, Phạm Xuân Ẩn, càng nhiều càng tốt.
Ẩn tạo dựng một câu chuyện làm vỏ bọc cho Tư Cang, ông ta là một thầy giáo coi sóc đồn điền ở Dầu Tiếng, là một người chơi chim và đam mê chó.(4) Bằng cách này họ có thể cùng nhau xuất hiện tại tiệm Givral và bất cứ nơi nào ở Sài Gòn mà không gây nghi ngờ. Là một nhà báo đầy uy tín đang làm việc cho Time, Ẩn dễ dàng đi lại khắp Sài Gòn và trong đầu lúc này đang ngập tràn ý tưởng về những địa điểm có thể tấn công cũng như những phương cách vượt qua hệ thống an ninh.(5)
TỚI NĂM 1968, ẨN ĐƯỢC NHIỀU NGƯỜI COI LÀ ANH CẢ của các phóng viên người Việt ở Sài Gòn. “ông ấy là một trong những nguồn thạo tin nhất tại Sài Gòn và rất nhiều phóng viên dựa dẫm vào sự thông thái của ông ấy”, Laura Palmer, một phóng viên tự do cộng tác với Time và là bạn thân của Ẩn, viết. (6) Khi David Lamb của tờ Los Angeles Times tới Sài Gòn, anh được hướng dẫn, “Tới gặp ông Ẩn ở tờ Time”.(7) Henry Kamm của New York Times biết Ẩn là “một đồng nghiệp hào phóng, thạo tin, và hóm hỉnh một cách lịch thiệp, là người Việt duy nhất làm trong các cơ quan báo chí Mỹ mà được tổ chức của mình, tạp chí Time, cho hưởng quy chế phóng viên chính thức, chứ không đơn thuần là trợ lý địa phương cho các đồng nghiệp Mỹ đến từ New York để đưa tin về cuộc chiến”. (8)
Nhiều năm trước khi David Halberstam biết được hoạt động tình báo của Ẩn, ông đã nói với Neil Sheehan rằng Ẩn là một nhân vật lớn ở Sài Gòn “bởi mức độ ảnh hưởng của ông ta tới các nhà báo Mỹ”. (9) Khi tôi đưa văn bản lưu trữ những tài liệu của Sheehan cho Ẩn xem, ông cười và bảo, “David. Halberstam nói đúng đấy, bởi vì tôi đã gây ảnh hưởng đối với các nhà báo bằng cách giúp họ hiểu về Việt Nam. Nhiều người khi tới đây là những phóng viên tự do trẻ tuổi và lúc nào cũng kiếm tìm đề tài để viết. Tôi không muốn họ bị hướng dẫn sai bởi ở đây có rất nhiều người cung cấp các thông tin tệ hại. Tôi ở vào vị trí có thể dạy họ bởi vì tôi không muốn để bất cứ ai nghi ngờ mình. Đó là lý do tại sao tôi không bao giờ dây vào chuyện tung tin thất thiệt, chỉ có những người ác lâm mới làm thế. Tôi cần phải công bằng và khách quan hoặc là chết. Đơn giản là vậy”.
Câu hỏi về việc Ẩn có phải là một điệp viên với nhiệm vụ gây nhiễu thông tin hay không, tức là thận trọng tung tin thất thiệt để đánh lạc hướng kẻ thù của đất nước, chưa bao giờ được chứng thực dù đã có nhiều nỗ lực điều tra và lời cáo buộc.(10) Đến nay thì đây vẫn là một vấn đề nhạy cảm nhất, nếu không muốn nói là vấn đề trung tâm nhất liên quan tới vỏ bọc của Ẩn - liệu ông ta khi đưa tin về cuộc chiến có nghiêng theo hướng có lợi cho Cộng sản? Cáo buộc này ban đầu do Arnaud de Borchgrave đưa ra trong cuộc điều trần trước tiểu ban Thượng viện do Thượng nghị sĩ Jeremiah Denton, một cựu tù binh trong chiến tranh Việt Nam, làm chủ tịch. Theo Borchgrave, “ông ta [Ẩn] có nhiệm vụ tung tin thất thiệt để đánh lạc hướng Đại sứ quán Mỹ và các đồng nghiệp nhà báo”.(11)
Các cựu đồng nghiệp làm việc gần gũi với Ẩn nói rằng ông chưa bao giờ cung cấp thông tin thất thiệt. “Với uy tín của ông ta”, Roy Rowan, cựu trưởng chi nhánh Time, nhấn mạnh rằng ông chưa bao giờ “lừa đối các phóng viên của chúng tôi về diễn tiến của cuộc chiến”. (12) Time sau đó đã thực hiện một cuộc kiểm tra nội bộ và không phát hiện ra chứng cứ nào cho thấy Ẩn đã viết bài bóp méo sự thật. Tôi đã tiến hành phân tích kỹ lưỡng các ghi chép tỉ mỉ của Robert Shaplen về những cuộc nói chuyện với Ẩn và không phát hiện ra điều gì củng cố cho cáo buộc rằng Ẩn từng nỗ lực tung tin thất thiệt hoặc thậm chí là một diễn dịch sai để có thể quy kết là thân Cộng. “Báo chí là một nghề mà tôi đã làm việc rất nghiêm túc”, ông Ẩn khẳng định cho tới ngày cuối cuộc đời. “Đó là lý do giải thích tại sao không ai nghi ngờ tôi và tại sao tới nay tôi có rất nhiều bạn bè. Tất cả những gì tôi làm là phục vụ nghề nghiệp của tôi và phụng sự đất nước tôi, và những người công tâm đều biết điều đó”. (13)
Mối quan hệ trong nghề gần gũi nhất của Ẩn là với Bob Shaplen, người từ năm 1962 đến 1978 đóng tại Hồng Kông trong vai trò phóng viên thường trú vùng Viễn Đông của tờ New Yorker, đưa tin về Chiến tranh Việt Nam và các nước khác ở châu Á. Những lúc ở Sài Gòn, ông thường xuyên trú tại phòng 307 khách sạn Continental. Từ cửa sổ và ban công phòng khách sạn, ông có thể nhìn thẳng sang tòa nhà Quốc hội; bên phải ông và nằm phía bên kia đường là tiệm Givral. Nhà nhân chủng học Gerald Hickey nhớ lại, “Khi Bob Shaplen ở Sài Gòn, tôi và Ẩn thường tới phòng ông ta ở khách sạn Continental, nơi có nhiều người tụ tập. Họ gồm ký giả, trong đó có Ịean-Claude Pomonti của tờ Le Monde, George McArthur của Los Angeles Times, Keyes Beech của Chicago Daily News, và những người ăn dầm ở dề tại Việt Nam như Lou Conein. Rồi sau đó, các quan chức Việt Nam, có cả Tướng Trần Văn Đôn, cũng tới”. (14)
Lou Conein qua lại thường xuyên với Ẩn và Shaplen. Ông luôn khẳng định rằng Ẩn định hình phong cách viết của Shaplen. Conein nhớ có lần đưa Shaplen tới thăm Thượng tọa Thích Trí Quang, nhưng khi bài phỏng vấn của Shaplen xuất hiện trên tờ New Yorker, nó không còn giống với những gì mà Conein đã nghe nhà sư Trí Quang đã nói với Shaplen. Khi Conein vặn vẹo Shaplen về tính xác thực của bài báo rằng,
“Bob, ông ta đâu có nói vậy,”
Shaplen đã đáp, “Nhưng đó là điều ông ta muốn nói, Lou, đó là điều ông ta thực sự muốn nói”.
Conein kết luận rằng chuyện này là do Shaplen “đã tốc ký rất nhiều đoạn mà Trí Quang đã nói và sau đó đi gặp Anh [nguyên văn, tức Ẩn] và Vượng tại tiệm Givral. Ông ta đưa cho họ xem bản ghi chép và rồi hai người kia nói, 'ông sư nói vậy, nhưng thực ra ý ông ta là thế này, ông ta thực sự muốn nói như vầy, như vầy’. Thế rồi Bob cứ thế mà viết”.
Conein tin rằng kiểu gây ảnh hưởng này cũng tác động tới sự phân tích của Shaplen đối với chính trị nội bộ Việt Nam và ý nghĩa của nó. Sau khi đọc các bài báo trên tờ New Yorker, Conein thường vặn Shaplen: “Bob, tôi có nguồn tin cho biết là chuyện không phải như thế đâu”. Theo ghi chú của Sheehan thì “Shaplen sẽ bảo rằng Conein sai, và thường viện dẫn lời của Anh [nguyên văn] và Vượng ra để làm chứng”(15)
Cả Conein lẫn Sheehan đều nghĩ rằng Ẩn “trở thành một Điệp viên hoàn hảo của Việt Cộng, bởi vì, cùng với các yếu tố khác, ông ta biết mọi thứ mà Shaplen có được từ Đại sứ quán và chi nhánh CIA, cũng như biết người Mỹ có ý định làm gì và họ đánh giá tình hình như thế nào, ít nhất là từ khi Shaplen nhận được những thông tin này, và Anh [nguyên văn] đã có một vỏ bọc hoàn hảo với tư cách là trợ lý chính thức của Shaplen khi Shaplen tới thành phố này và những năm sau đó là vỏ bọc trong vai trò là ký giả của tờ Time”. (16)
Giá trị của Ẩn trong tư cách là một nhà báo có lẽ được thể hiện rất rõ trong một đoạn văn từ cuốn sách Sự dối trá chói lọi. Sheehan kể lại chuyến đi bằng trực thăng của Thủy quân Lục chiến tới vùng Đồng Tháp Mười. Lúc bấy giờ phía dưới có quân địch hoạt động và xạ thủ ở cửa hông trực thăng đã khai hỏa. Sheehan thấy khoảng hơn chục người chạy qua khu đồng sậy. Họ ăn mặc giống như những du kích quân Việt Minh thuở trước mà Sheehan từng thấy trên những tấm hình thời chiến tranh chống Pháp - những bộ đồng phục màu xanh lá cây, mũ cối sẫm màu hình mai rùa, vác vũ khí và đeo ba lô trên lưng. Nhưng họ không phải là Việt Minh mà là những quân nhân chính quy Việt Cộng thuộc một tiểu đoàn chủ lực.
Tuy nhiên, khi một đại úy Quân lực Việt Nam Cộng hòa vào làng để hỏi người dân địa phương về hành tung của những du kích quân kia, ông này đã lặp đi lặp lại từ Việt Minh. “Tại sao ông ta lại gọi các du kích quân kia là Việt Minh?” Sheehan hỏi một phóng viên người Việt đang làm việc cho hãng thông tấn nước ngoài có mặt tại đó. “Tôi nghĩ là chúng ta đang truy lùng Việt Cộng chứ?' Người vô danh này (về sau tôi được xác nhận đó là Ẩn) giải thích, “người Mỹ và giới chức chính quyền tại Sài Gòn gọi họ là Việt Cộng nhưng ở ngoài này ai cũng gọi họ là Việt Minh”. Sheehan hỏi tại sao. “Họ trông giống Việt Minh, họ hành động giống Việt Minh, và đó là lý do tại sao dân chúng hay gọi họ như thế”. (17)
Ông Ẩn rời Reuters vào năm 1964 sau khi tranh cãi với Nick Turner. “Sự tiết lộ thân phận hoạt động ngầm của ông ta đã khiến nhiều đồng nghiệp của tôi ngạc nhiên và đã có nhiều người viết về điều đó, nhưng đối với tôi thì không có gì đáng ngạc nhiên cả”, Nick Turner viết. “Tôi luôn nghi ngờ và thường nói với ông ta điều đó, nhưng tôi bảo sẽ không có vấn đề gì nếu ông ta làm được việc. Tuy nhiên, tôi luôn cẩn trọng trong việc chia sẻ những thông tin nhạy cảm với ông ta, và rõ ràng ông ta phật ý về điều này nên cuối cùng chuyển qua văn phòng của Time. (18)
Khi tôi đề nghị Turner nói chi tiết về quan điểm, ông ta viết: “Tôi chưa bao giờ nói với ông ta rằng tôi nghĩ ông ta là sĩ quan tình báo Việt Cộng, chứ đừng nói là sĩ quan cấp cao, và thực tế thì tôi chưa bao giờ nghi ngờ như vậy. Nhưng cảm tình của ông ta là rất rõ ràng và đó là điều tôi đã trao đổi với ông ta, nhưng không hề làm ầm lên. Đối với tôi, thật là tự nhiên - và chẳng có gì đáng phê phán cả - khi một người với bản tính và bề ngoài có vẻ triết lý như ông ta có cảm tình với Việt Cộng, và tôi cũng ghi nhận những cuộc trò chuyện với ông ta đã giúp tôi hiểu phần nào sự phức tạp của khái niệm được nhiều người gọi là chủ nghĩa dân tộc Việt Nam. Mối nghi ngờ của tôi nằm ở chỗ, bởi Ẩn có cảm tình khá rõ ràng nên ông ta hầu như chắc chắn bơm thông tin cho Việt Cộng, nhưng có lẽ là ở cấp thấp, thông qua những gián điệp khác hoặc mạng lưới nào đó. Cũng có những lý ảo khác khiến tôi nghĩ đến khả năng này.
Nhưng tôi muốn nhấc lại, tôi chưa từng nghĩ rằng bản thân ông ta là một phần quan trọng trong chiến dịch tình báo của họ.(19)
Ẩn có cách giải thích khác về cuộc cự cãi ấy, ông mở đầu rằng. “Nick Turner chưa bao giờ nói với tôi một lời nào về việc nghi ngờ tôi là Việt Cộng. Tôi không cần ông ấy chia sẻ những thông tin nhạy cảm, bởi tôi có những nguồn tin riêng của mình, còn tốt hơn nguồn của ông ấy nhiều, tôi cam đoan với ông như vậy. Tôi rất lấy làm tiếc khi đọc được những điều mà ngày nay ông ấy nói ra, bởi ông ấy biết rõ tôi đã bảo vệ ông ấy và Reuters để không rơi vào tình huống bẽ bàng. Tôi là nguồn tin chính của ông ấy về tất cả mọi thứ và ông ấy biết rất rõ điều đó. Tồi rất tiếc phải nói ra điều này, nhưng những gì ông ấy nói là sai”. (20)
Ẩn giải thích với tôi rằng ông nghỉ việc ở Reuters vào ngày ông trở về sau khi đi tường thuật cuộc đảo chính vào tháng 8 năm 1964, sự kiện Thiếu tướng Khánh hất Thiếu tướng Dương Văn Minh để đứng đầu Việt Nam Cộng hòa. Turner cần phải nộp bài báo này, nhưng các sự kiện xảy ra trong dinh khiến Ẩn bị trễ nhiều giờ. “Cậu vừa từ nơi quái quỷ nào trở về vậy, Ẩn? Tôi đã đợi cậu quá lâu rồi”, Ẩn nhớ Turner đã hét lên như vậy. “Tôi đi lấy tin đảo chánh trong dinh”, Ẩn đáp.
Ẩn kể rằng khi cuộc tranh cãi trở nên gay cấn, Turner bảo ông đem con chim “ồn ào” mà ông để trên bàn đi chỗ khác. “Tôi bảo ông ta rằng nếu đem chim đi thì tôi đi luôn, và tôi thực sự đã làm vậy. Lúc ấy tôi giận đến phát điên lên được, cứ xua mọi thứ trên bàn xuống. Tôi thu dọn đồ đạc và không bao giờ quay lại Reuters nữa. Nick Turner đã để mất một nguồn tin quý giá và ông ta biết điều đó”.
“Về chuyện Ẩn chuồn khỏi Reuters, thực tế thì ông ta không chỉ đi 'vài giờ' mà là tới ba hay bốn ngày gì đó và tôi biết ông ta không rời khỏi thành phố”, Turner giải thích. “Lúc ông ta đường đột trở lại thì có lẽ tôi đã nói 'Cậu vừa từ chỗ quái quỷ nào trở về vậy, Ẩn?” Vì ông ta bảo vừa làm một phi vụ quan trọng gì đó cho Beverly Deepe. Nghe vậy tôi liền bảo rằng ông ta được trả lương để làm việc cho Reuters, thì ông ta nói lương ở đây quá thấp, ông ta nói đúng. Tôi đã đề nghị Reuters tăng lương cho ông ta bởi vì nhu cầu về trợ lý giỏi người Việt cho các phóng viên nước ngoài đang tăng cao, nhưng đề nghị của tôi đã bị từ chối. Tôi cũng được an ủi bằng chuyện một vài phóng viên nước ngoài thinh thoảng tạt qua văn phòng Reuters để khai thác chất xám của ông ta (mà tôi không phản đối), và một vài người trả công cho ông ta bằng nhiều cách khác nhau. Ông ta không chịu được sự quở trách của tôi nên đã cuốn gói ra đi”. (21)
Ẩn thất nghiệp không lâu. Ban đầu ông làm việc gần như toàn thời gian cho Beverly Deepe ở tờ New York Herald Tribune. Ẩn gặp Deepe vào tháng 2 năm 1962 khi bà này còn là một nữ phóng viên tự do hai mươi lăm tuổi đến Sài Gòn để săn tin. Phóng viên ảnh Francois Sully mới bị chính quyền Diệm trục xuất khỏi Sài Gòn vì họ cho là có quan điểm “thân Cộng”, và Deepe thay thế ông này trong vai trò là cộng tác viên thường xuyên của Newsweek. “Tôi đến Việt Nam vào năm 1962, chỉ năm năm sau khi tốt nghiệp ngành báo chí và khoa học chính trị tại Đại học Nebraska”, Deepe viết. “Dù từng mơ ước trở thành phóng viên thường trú ở nước ngoài, tôi vẫn rất bất ngờ khi điều này đã trở thành hiện thực chi sau một thời gian ngắn và tại một nơi rất xa mà phần lớn dân Mỹ, trong đó có tôi, chưa từng nghe tới. Không có cuốn sách giáo khoa nào của Mỹ - dù là sách sử, báo chí, khoa học chính trị hay quân sự - được viết để dạy người ta về cách thức tác nghiệp tại một cuộc chiến tranh như Việt Nam”. (22)
Ẩn thường nói với tôi về việc ông đã tự hào đến nhường nào về các phương cách mà ông đã giúp Deepe trở thành một phóng viên giỏi hơn. Như một giao kèo, Deepe giúp ông cải thiện cú pháp tiếng Anh, và đáp lại, ông dạy Deepe những cách thức mà ông đã sử dụng để “chế” tin tức cho Reuters. “Tôi chỉ cho cô ấy cách thức sử dụng các mẩu điện đàm và những thông tin khác, ném chúng vào một chỗ, khuấy đảo chúng trong vòng một giờ, và sau đó là có một bài viết cho ngày hôm đó”. Sinh ra nhằm cung xử nữ, Ẩn cảm thấy rằng mình cũng nên làm người bảo vệ cho Deepe. “Cô ấy quá trẻ, quá bạo dạn và quá mạo hiểm, cho nên luôn đối diện với hiểm nguy”, Ẩn cho biết. Ông dẫn ra các cuộc biểu tình của tín đồ Phật giáo trước Đại sứ quán Mỹ làm ví dụ. Lực lượng chống bạo động Nam Việt Nam lệnh cho mọi người giải tán, nhưng Deepe vẫn cố trèo lên hàng rào dây điện để chụp ảnh và xem diễn biến. Ẩn tiến tới chỗ Đại tá Bùi, một trong sáu tư lệnh lực lượng bộ binh nhẹ mà ông quen từ mấy năm về trước, hôm đó đang chỉ huy cảnh sát dẹp loạn, và “tôi hỏi trước thông tin về kế hoạch trấn áp người biểu tình để tôi có thể đưa sếp của mình thoát ra trước”.
Cách tác nghiệp bạt mạng của Deepe trong cuộc chiến đã khiến cô nhanh chóng bị cấm cửa tại các cuộc họp báo chính thức ở Đại sứ quán Mỹ theo mệnh lệnh trực tiếp của Đại sứ Maxwell Taylor. “Họ không thích tôi bởi tôi không bao giờ nói điều mà họ muốn tôi nói. Họ cáo buộc tôi đưa thông tin theo phía Việt Nam, trong khi trên thực tế tôi nghe họ nói rồi sau đó đi ra bên ngoài để tự mình tìm hiểu”. (23)
Một bài báo vào ngày 8 tháng 1 năm 1965 trên tờ Time tập trung vào bài phỏng vấn độc quyền của Deepe với Tướng Nguyễn Khánh, kết luận với lời đánh giá rằng Deepe “đã mở rộng mạng lưới nguồn tin và các đầu mối mà hầu hết không cần đến mối quan hệ với đại sứ quán, hay thậm chí với đội ngũ phóng viên báo chí mà ở chừng mực nào đó vốn có tính chất hội nhóm và nội quan của Sài Gòn. Điều mà cô ta không hề biết đó là cô ta thường nhận tin tức từ hai trợ lý người Việt của mình, mà cả hai người đều rất am tường về mớ bòng bong của chính trường đất nước này”. (24) Hai trợ lý đó là Ẩn và Nguyễn Hưng Vượng, cũng là hai người mà Lou Conein đã nói chuyện trước đây. “Cô ấy học hỏi được nhiều thứ từ tôi và Vượng”, Ẩn nói. “Cô ấy là một người sẵn sàng mở lòng để tìm hiểu về lịch sử và con người Việt Nam để có thể hiểu rõ cuộc chiến”.(25)
Deepe là một trong số ít người bạn thân cũ cảm thấy bị phản bội bởi sự lừa dối của Phạm Xuân Ẩn. Bà cắt đứt mọi quan hệ với Ẩn và gia đình ông khiến tất cả đều buồn khổ, bởi chính bà đã không những giúp thanh toán chi phí liên quan tới các ca sinh nở của vợ ông, mà còn cho gia đình Ẩn tá túc tại nhà bà ở Virginia sau khi họ chạy khỏi Sài Gòn năm 1975. “Cô ấy là một người thân máu mủ trong gia đình chúng tôi”, ông Ẩn nói. “Lần đầu tiên tôi được mừng sinh nhật là tại một bữa tiệc ảo Beverly Deepe và Charles Keever [chồng tương lai của cô] tổ chức vào năm 1968. Tôi rất cảm động trước sự chu đáo của họ”. Trong suốt rất nhiều lần tôi đến thăm Ẩn, ông luôn hỏi rằng liệu tôi có cơ may nào tiếp cận được với Deepe hay không. Tỏi đã nói với ông sự thật: Có, tôi đã liên hệ bằng thư điện tử với bà ấy tại Trường Truyền thông thuộc Đại học Hawaii, nơi bà đang giảng dạy, nhưng bà từ chối nói về Ẩn. “Tôi mến cô ấy nhiều lắm, vợ và các con tôi vẫn còn mến cô ấy nhiều lắm. Tôi hy vọng một ngày nào đó trước khi tôi nhắm mắt, chúng tôi có thể hàn gắn, như hai đất nước của chúng ta đã thực hiện”, Ẩn nói với một nỗi buồn nặng trĩu trong mắt.(26)
Ít lâu sau Ẩn được Bob Shaplen giới thiệu với Frank McCulloch của tờ Time. (27) McCulloch, một cựu lính thủy đánh bộ; tác nghiệp trong hầu hết các trận đánh lớn trong giai đoạn 1964-1965, phần lớn là đi cùng Trung đoàn 9 Thủy quân lục chiến, về sau, ông được tặng thẻ bài ghi nhận ông là một thành viên danh dự của đơn vị. Vào đầu năm 1964, quy mô nhân sự của Time và Life - tương tự cuộc chiến tranh - vẫn còn nhỏ. John Shaw là một cộng tác viên thường trú tại Sài Gòn, và ông ta thường cùng Frank làm việc tại căn hộ của Shaw trên đường Công Lý cũng như phòng của McCulloch tại khách sạn Caravelle. Sự hiện diện quân sự của Mỹ lúc đó vào khoảng mười sáu ngàn lính. Rồi chẳng bao lâu sau, Jim Wilde đến và họ chuyển tới phòng số 6 tại khách sạn Continental. Năm 1964, văn phòng tại Sài Gòn tuyển nhân viên người Việt làm việc toàn thời gian đầu tiên, Nguyễn Thụy Đăng, trong vai trò chánh văn phòng. Khi chiến tranh lan rộng, Frank bảo Đăng kiếm một văn phòng mới. Họ chuyển tới số 7 Hàn Thuyên, cách Continental bốn dãy nhà về phía tây, cạnh nhà thờ Đức Bà, văn phòng điện tín và bưu điện. Vào thời điểm McCulloch ra đi, Time-Life đã có biệt thự riêng, năm phòng trong khách sạn Continental, bao gồm cả phòng số 6 là văn phòng của Life. (28)
McCulloch ngay lập tức có ấn tượng về Ẩn. “Ẩn đáp ứng mọi điều mà tôi trông đợi. Ông ấy rất am tường về sự xoay chuyển tình hình. Sau khi đã nhìn lại mọi chuyện, tôi có thể nói rằng vai trò điệp viên đã không hề làm cong vênh nghề báo của ông ấy”. Tuy nhiên, làm việc cho Time tạo ra những lợi thế đặc biệt. “Bây giờ tôi thấy vai trò của Ẩn hồi đó là lắng nghe, chứ không phải viết bài”, McCulloch nói với tôi. “Vì thế, văn phòng đã tạo ra một vị trí nghe ngóng hoàn hảo cho công việc thứ hai của ông ấy bởi vì hồi đó các dữ liệu chính trị và quân sự được thảo luận công khai”. (29) Robert Sam Anson đánh giá một cách hài hước rằng “còn vỏ bọc nào tốt hơn cho ông ấy bằng việc thu thập thông tin khi đang làm cho một tổ chức báo chí vốn rất nhiệt tình với cuộc chiến đến mức cả MACV lẫn Đại sứ quán đều coi đây là một kênh ưa thích để xì thông tin. Và một điều trớ trêu rực rỡ và ngọt ngào ở đây là đế chế của Henry Luce, một nhân vật chống Cộng lớn ở châu Á, lại đang trả lương cho ông ấy”. (30)
Jon Larsen là trưởng văn phòng Time từ cuối năm 1970 tới thay thế Marsh Clark. Ông kể lại với tôi rằng “Ẩn là phóng viên, biên dịch viên, là nhân viên đảm trách mọi thứ của chúng tôi.
Bạn sẽ luôn nhận được một bản tóm tắt tình hình tuyệt vời từ ông ấy. Ông ấy là người môi giới thông tin của chúng tôi. Ông ấy ít khi ngồi luẩn quẩn trong vãn phòng; trên thực tế, tốt nhất là hẹn gặp và ông ấy sẽ luôn có mặt, ngồi và trò chuyện với bạn. Tôi chưa bao giờ nghi ngờ. Tôi biết ông ấy là một người dân tộc chủ nghĩa hăng hái”. (31)
Có vẻ như về cơ bản, Ẩn đã dựa vào cuốn sách Nghề phóng viên được xuất bản năm 1958 của hai nhà báo uy tín ở Washington nổi tiếng về quan điểm chống Cộng bảo thủ, là Joseph và Stewart Alsop. Ẩn coi mình là một dạng phóng viên quốc phòng kiểu mới được mỏ tả trong cuốn sách. Ông thường lấy cuốn sách này từ trên kệ ở thư phòng nhà mình rồi bảo tôi, “Đọc đoạn này rồi ta trao đổi tiếp”. Đoạn ấy có nội dung: “Đưa tin quốc phòng nhìn chung khác với đưa tin chiến tranh vốn không mấy thay đổi kề từ khi những phóng viên đầu tiên ra chiến trường tại Sebastopol và Bull Run(*). Phóng viên quốc phòng thì theo sát các ấn phẩm khoa học thay vì đi theo các đội quân… Anh ta tìm cách đưa tin thời sự về những thay đổi to lớn trong tình hình chiến lược quốc gia mà đến nay vẫn còn diễn ra trong kỷ nguyên của công nghệ vượt trội. Sự linh hoạt về tình hình chiến lược của mỗi quốc gia, ngay cả tình hình ở các cường quốc, là điều hoàn toàn mới trên thế giới”. (32)
______________________
(*) Cuộc vây ráp Sebastopol (tức thánh Sevastopol thuộc Đế quốc Nga, ngày nay nằm ở vùng Crimea thuộc Ukraine) kéo dài từ tháng 9 năm 1854 tới tháng 9 năm 1855 giữa Nga với liên minh Anh, Pháp, Đế quốc Ottoman và Sardina (một vương quốc trong lịch sử, với lãnh thổ là một số vùng ngày nay thuộc Ý, Tây Ban Nha, Pháp và Hy Lạp); với chiến thắng thuộc về liên minh. Trận Bull Run diễn ra ngày 21 tháng 7 năm 1861 tại Hạt Prince William, Virginia; đây được coi là trận đánh lớn đầu tiên của Nội chiến Mỹ. Trong cả hai cuộc chiến trên, lần đầu tiên các phóng viên chiến trường đã có vai trò nổi bật.
______________________
Ẩn đặc biệt mê chương “Vài bí quyết nghề nghiệp”, trong đó nêu rõ rằng tác nghiệp báo chí là một nghề đòi hỏi phải có thể lực tốt, “có cảm giác tiếng Anh”, và có “kiến thức về lịch sử”. Ẩn nói với tôi rằng ông đã học được “quy luật của bàn chân” từ cuốn sách này, có nghĩa là một phóng viên giỏi phải rời bàn làm việc của mình để ra ngoài và gặp gỡ ít nhất bốn quan chức mỗi ngày. “Nếu bạn đi ra ngoài, tận mắt chứng kiến những gì đang diễn ra và trò chuyện với rất nhiều người có liên quan đến những diễn biến ấy, thì bạn hẳn nhiên sẽ trở nên xuất sắc trong công việc đưa tin của mình”, anh em nhà Alsop viết.(33)
Ẩn không hề nặc danh trong vỏ bọc của mình; thực ra, có vẻ như ông đã thi hành lại quy cách làm việc được áp dụng từ thời còn ở Trường Orange Coast, trong đó ông cho phép mình xuất hiện càng nhiều càng tốt với hy vọng điều đó sẽ khiến ông ít bị nghi ngờ là gián điệp. Bob Shaplen đã đưa Ẩn vào một bài viết về tác nghiệp tại Việt Nam trên tờ New Yorker vào năm 1972. Thách thức lớn nhất đối với một phóng viên Mỹ tại Việt Nam là việc thâm nhập vào các khu chợ hoặc quán cà phê nơi vốn là những cỗ máy tin đồn của Sài Gòn. Shaplen đã phải dựa vào người bạn thân
Phạm Xuân Ẩn: “[ông ấy] được một tạp chí Mỹ tuyển mộ và có lẽ là nhà báo người Việt siêng năng nhất và được kính nể nhất tại thành phố… Ẩn, dù làm cho người Mỹ nhưng vẫn được người Việt tín nhiệm, đặt chỉ tiêu mỗi buổi sáng phải tới ít nhất năm điểm như thế (nơi có nhiều tin đồn) trước khi trực chỉ tiệm Givral; và rồi sau bữa trưa, ông ấy đi tới các buổi họp báo chính thức của Mỹ và Việt Nam trước khi trở lại Givral”.
Shaplen sau đó trích dẫn lời của Ẩn nói về những phẩm chất cần có của một phóng viên làm việc hiệu quả ở Sài Gòn. “Mất nhiều thời gian để thiết lập các nguồn tin. Anh phải thẳng thắn và chân thành, và anh phải bảo vệ nguồn tin của mình”, Ẩn đúc kết. “Anh cũng phải giúp họ - nói cho họ những điều họ muốn biết, đãi họ ăn trưa và ăn tối, tặng quà Tết cho họ. Sài Gòn vận hành theo kiểu vòng xoay xã hội này. Nếu anh không đủ phẩm chất để tham gia trong nhóm đó, anh sẽ không được chào đón trong nhà hàng của họ. Mọi người ở đó sẽ lơ anh. Nhà báo - những người giỏi ấy - là những người bắn tin hữu dụng nhất, vì họ ở vào vị trí có thể tiếp nhận nhiều nguồn tin khác nhau”. (34)
Tới hơi thở cuối cùng, Ẩn vẫn khẳng định chắc chắn rằng công việc tình báo đã không bao giờ ảnh hưởng tới nghề nghiệp nhà báo của ông. “Để làm việc cho Time, anh phải khách quan. Học được điều đó đã giúp tôi rất nhiều trong việc thực hiện nghĩa vụ cho đất nước. Báo chí Mỹ khác với tất cả các nền báo chí mà tôi từng biết. Một phóng viên giỏi sẽ đưa tin chính xác theo những gì anh ta thấy và anh phải hiểu điều đó là đúng. Nhà báo không được tư biện. Vì thế khi viết cho Mặt trận, tôi luôn tự hỏi bản thân, 'Mình có khách quan về vấn đề này không?' Làm nhà báo tôi được học nhiều thứ. Và tôi cũng học được nhiều điều từ nước Mỹ. Nó giúp tôi mở ra hướng tư duy cho chính mình”. (35)
Như để chứng tỏ sự trung thành của mình với tờ Time, Ẩn thường xuyên khẳng định rằng ông đã nhiều lần “cứu” tạp chí này khỏi bị sập vào những cái bẫy được dựng lên để chơi khăm phóng viên. Cựu nhân viên CIA Frank Snepp, người từng phục vụ tại Việt Nam trong hai nhiệm kỳ trong vai trò sĩ quan phản gián và phân tích, nhận diện Shaplen như là một mục tiêu của trò dùng thông tin giả để đánh bẫy do CIA thực hiện với mục đích duy nhất là vạch mặt (bằng cách tạo ra) một trường hợp thiên vị Việt Cộng trong đưa tin.(36)
Ẩn kể với tôi rằng ông từng biết một câu chuyện bịa đặt về một nhóm phản bội gồm những thành viên Việt Cộng bất mãn lên kế hoạch lật đổ ban lãnh đạo Mặt trận Giải phóng Dân tộc. Một vài nhà báo dính bẫy đã đến vùng Long Khánh để gặp một đại diện Mặt trận, và người này kể cho họ về một âm mưu phản loạn tại tỉnh Sông Bé. Jean-Claude Pomonti viết một bài báo dài nhan đề “Đảo chính trong rừng rậm” đăng trên trang bìa tờ Le Monde.(37) Bài viết được nhiều hãng tin lấy lại. Rắc rối duy nhất trong vụ này: đây chỉ là một trò tung tin thất thiệt của CIA nhằm hạ uy tín các nhà báo. Ẩn kể với tôi rằng Pomonti đã một phen bẽ bàng còn danh tiếng nghề nghiệp của ông ta sụt giảm nghiêm trọng.
Trưởng văn phòng của Time Stanley Cloud từng muốn cử phóng viên đi đưa tin vụ này, nhưng Ẩn đã can ngăn ông ta không làm điều đó bởi biết rằng đây là tin thất thiệt, ông hỏi Cloud rằng làm sao có thể xảy ra một vụ lật đổ ở trong rừng mà không ai khác biết được? Khi bài viết của Pomonti được đăng tải, Cloud gọi Ẩn tới văn phòng và hét lên, “Tại sao, tại sao, tại sao chúng ta không đãng bài này; tại sao cậu không đi đưa tin?” Ẩn chỉ có thể nói với ông ta rằng, “Này, các nguồn tin của tôi cho biết đấy là tin giả, không hề có vụ đảo chính nào cả. Tin tôi đi, tôi đảm bảo nguồn tin của tôi đúng”. (38) Khi tôi đem chuyên này nói lại với Cloud và McCulloch, họ thừa nhận rằng đã có nhiều lần Ẩn khuyên can họ né tránh những vụ tung tin thất thiệt, có khi là tin giả được cố ý tạo ra và có khi là thông tin không chính xác.(39)
Ẩn cảm thấy rất tệ khi không thể ngăn bạn mình là Jean- Claude Pomonti vào rừng, và vài tháng sau đã giúp Pomonti liên lạc với phát ngôn viên thực sự của Mặt trận Dân tộc Giải phóng bằng cách hướng dẫn cho đồng nghiệp cách đi đến một khu vực giải phóng.(40) Theo Pomonti, sau khi ký Hiệp định Paris, rất nhiều phóng viên muốn tới các “vùng giải phóng” của Việt Cộng để viết bài về “phía bên kia”. Một buổi chiều nọ, Ẩn tới gặp ông tại phòng của ông ở khách sạn Continental. Hai người tán gẫu, và đến khi ra về, Ẩn bất chợt nói rằng nếu Pomonti muốn khám phá một khu vực của Việt Cộng, ông có thể đi theo đường xuống Mỹ Tho (cách Sài Gòn chừng sáu mươi cây số về phía nam), khi gần đến Mỹ Tho, rê qua đường về phà Mỹ Thuận, và trước khi tới bến phà, thì dừng chân ở một ngôi làng có tên gọi Mỹ Quý. Rồi Ẩn nói, “Người ta bảo rằng từ đó thì có thể vào [khu vực của Việt Cộng]”. Ngày hôm sau, Pomonti cho biết nhóm của ông đã tới được “vùng giải phóng của Việt Cộng”, nơi ông được chào đón với băng rôn mang dòng chữ, CHÀO MỪNG CÁC NHÀ BÁO QUỐC TẾ. Pomonti ở hai ngày trong “vùng giải phóng” và được xem một buổi diễn văn nghệ.
“Tôi giúp đỡ Pomonti trong lần thứ hai là để bù đắp cho việc đã không nói gì trong lần đầu”, Ẩn giải thích. “Tôi đã cứu tờ Time khỏi tình huống bẽ bàng, nhưng nếu tôi khuyến cáo Pomonti nữa thì sẽ không còn ai tới nghe câu chuyện ngụy tạo, thế là vỏ bọc của tôi sẽ bị lột ngay”.
Ẩn đã nói với bà Nguyễn Thị Ngọc Hải, người Việt Nam viết hồi ký cho ông, rằng: “Cuộc sống người ta một nghề, mình hai nghề, một nghề đi theo cách mạng, một nghề bám ở đây, để tự túc lâu dài, nghề báo không bao giờ rảnh. Hai nghề này rất mâu thuẫn nhau, nhưng lại giống nhau. Một đằng lấy được tin tức gì phân tích ra sao giấu đi như mèo giấu cứt là tình báo. Đằng khác thì lấy được tin gì, phân tích ra sao thì đăng toạc móng heo lên báo, phát thanh lên đài! Đó là làm nghề báo chí”. (41)
TẤT CẢ NHỮNG KỸ NĂNG VÀ TÀI NĂNG NÀY đã tự hiển lộ trong cuộc đời gần như là phản thân của Ẩn trong giai đoạn xảy ra cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968. “Chúng tôi dùng xuồng máy chạy lên chạy xuống dọc sông Sài Gòn để tìm vị trí các kho xăng dầu và trạm an ninh”, Tư Cang kể. Sau này, Ẩn đã mô tả rằng hành động đó “khá nguy hiểm, nguy hiểm không cần thiết”. (42) Họ còn lái chiếc Renault màu xanh của Ẩn chạy loanh quanh Sài Gòn để định vị các mục tiêu dễ tấn công nhất, và Ẩn hướng dẫn cách né các hệ thống bảo vệ an ninh. Trong thời gian ở cùng nhau, Tư Cang thông báo cho Ẩn biết ông đã được trao huân chương vì có công lao trong trận Ấp Bắc. “Tôi không bao giờ có thể đeo tấm huân chương đó cho đến khi vở kịch kết thúc”, Ẩn đáp. “Tôi chỉ hạnh phúc khi đeo nó vào ngày giải phóng”. (43)
Cuối cùng Trần Văn Trà chọn năm mục tiêu chính: Dinh Tổng thống, Phi trường Tân Sơn Nhứt, Tổng nha Cảnh sát Quốc gia, Sở chỉ huy Lực lượng Đặc biệt Đô thành và Văn phòng Bộ Tổng tham mưu ở Sài Gòn. Nhóm mục tiêu thứ hai bao gồm Đài phát thanh Sài Gòn, các bưu điện, Đại sứ quán Mỹ, Bộ chỉ huy Hải quân ở Sài Gòn, cũng như bến cảng, nhà xưởng, nhà máy điện và các cơ sở hậu cần cùng cơ quan chính quyền khác. Tư Cang, sau đó sẽ tham gia mủi tấn công vào Dinh Tổng thống, tán thành với hầu hết các mục tiêu này.
Ẩn biết rằng ông sẽ được trông đợi trong việc đưa tin về cuộc tấn công “bất ngờ” cho tờ Time và giúp các phóng viên hiểu điều gì đang xảy ra. “Đây là một thời kỳ rất khó khăn cho tôi”, Ẩn nhớ lại. “Tôi đã biết quá nhiều thứ nên rất lo lắng cho sự an nguy của gia đình, một khi cuộc nổi dậy của quần chúng thành công. Tôi thậm chí còn sắp xếp để khi cần thì gia đình sẽ tới tá túc tại nhà Marcus Huss”. Huss là quan chức liên lạc chính của Mỹ với chính quyền Nam Việt Nam chuyên trách về bình định hóa.(44) “Tỏi biết rằng mình phải có mặt để giúp đồng nghiệp, những người cần biết chuyện gì đang xảy xa, nhưng tôi cũng đồng thời cần phải viết một báo cáo về chiến dịch để gửi vào rừng”. (45)
Rạng sáng 31 tháng 1, khoảng gần tám mươi ngàn lính chính quy và du kích quân Bắc Việt tấn công vào hơn một trăm thành phố khắp miền Nam Việt Nam. Chiến dịch Tết Mậu Thân bao gồm các đợt tiến công vào ba mươi lăm trên tổng số bốn mươi tư tỉnh lỵ, ba mươi sáu huyện lỵ và nhiều làng ấp. Vãi tuần trước cuộc tổng tấn công, lực lượng Cộng sản với trang phục dân sự đã được chuyển vào Sài Gòn để chuẩn bị cho một chiến dịch kinh khiếp được lên kế hoạch kỹ lưỡng. Mục tiêu của chiến dịch là nhằm khẳng định rằng không những vùng nông thôn không bị bình định hóa mà giờ đây các vùng đô thị, bao gồm Sài Gòn, cũng không được bảo vệ chắc chắn. William Tuohy, người nhận giải Pulitzer vào năm 1968 cho các bài báo viết từ Việt Nam, tả về cuộc chiến mà mình tận mắt chứng kiến: “Một chiếc xe chở đầy quân cảnh Mỹ bị bắn cháy bên ngoài phi trường Tân Sơn Nhứt và chiến sự nổ ra khắp thành phố. Một nhóm Việt Cộng đang quần nhau với lực lượng cảnh sát quốc gia tại một tòa nhà chỉ cách Dinh Độc Lập một tầm ném lựu đạn”. (46) Bên trong Sài Gòn, các đơn vị đột kích đã chiếm đài phát thanh trong nhiều giờ, và chiếm cả Đại sứ quán Mỹ, một phần dinh, cùng cổng số 4 và số 5 của trụ sở Bộ Tổng tham mưu.
Trang nhất số ra ngày 1 tháng 2 của tờ New York Times đăng bức ảnh Đại sứ quán Mỹ đang bị tấn công. Du kích quân mở được lối vào tòa sứ quán và chiếm giữ một phần khu nhà trong suốt sáu giờ. Tất cả mười chín du kích quân, bốn quân cảnh, một bảo vệ thuộc thủy quân lục chiến và một nhân viên người miền Nam Việt Nam làm việc cho tòa đại sứ thiệt mạng. Lúc này, Tư Cang có nhiệm vụ theo dõi cuộc tấn công của bộ đội đặc công vào Dinh Tổng thống nơi có hệ thống phòng thủ kiên cố. “Quân Việt Cộng vào núp tại một tòa chung cư xây dở và cố thủ ở đấy trong suốt mười lăm giờ trong một trận đọ súng liên hồi cho đến khi gần như cả đơn vị nhỏ này bị tiêu diệt”, cựu phóng viên ngoại giao Don Oberdorfer của tờ Washington Post viết.(47)
Tư Cang là một xạ thủ cừ khôi.
“Ông ấy có thể bắn K-54 bằng cả hai tay, mỗi giây một phát và không bao giờ trượt mục tiêu”, Ẩn cho biết. Ông thường để dành một viên đạn trong túi, một viên đạn dành cho chính mình trong trường hợp cần thiết.(48) Khi cuộc tấn công vào Dinh Tổng thống bị đẩy lùi, Tư Cang chợt thấy mình bị kẹt lại trong một ngôi nhà đối diện với dinh qua một con đường: “Từ nơi ẩn nấp, tôi có thể thấy phía bên kia đường, đối diện với ngôi nhà mà các chiến sĩ đặc công của tôi đang cố thủ, có một toán sĩ quan Mỹ, ngụy đang la hét chỉ đạo đám lính tấn công ngôi nhà. Tôi tự nhủ chỉ có cách làm gì đó để cản phá kẻ địch triền khai quân thì các chiến sĩ đặc công của tôi mới thoát được. Nhưng tôi cũng biết rằng nổ súng là hành động mà một tình báo viên phải cân nhắc cực kỳ kỹ càng, bởi nếu một điệp viên bị lộ thì cả mạng lưới tình báo mà chúng ta đã mất nhiều năm để xây dựng bỗng nhiên trở nên vô hiệu. Sau khi cẩn thận phân tích tình hình, tôi rút súng ra, nhằm thẳng vào hai sĩ quan Mỹ, bắn hai phát thật nhanh và lập tức thụp vào chỗ ẩn nấp”.(49) Tư Cang được xác nhận là đã bắn chết hai viên sĩ quan người Mỹ kia.
Ngày 1 tháng 2, Walter Cronkite(*) thực hiện chương trình dài một phút về cuộc đọ súng ở Dinh Tổng thống. Những khẩu súng ngắn do Tư Cang sử dụng trong dịp Tết Mậu Thân hiện được trưng bày kề bên chiếc Renault của Ẩn ở Bảo tàng Quân đội tại Hà Nội nhằm ghi nhận công lao của hai người trong giai đoạn đó.(50)
______________________
(*) Walter Cronkite (1916-2009) là một nhà báo nổi tiếng của Mỹ. Ông phụ trách chương trình Tin buổi tối của truyền hình CBS từ năm 1962 đến 1981.
______________________
Nhận được chỉ đạo chung là “Tiến lên phía trước để giành thắng lợi cuối cùng”, nhưng Cộng quân đã chịu thương vong lớn trong dịp Tết Mậu Thân, mà ông Trần Văn Trà đã phải nhận trách nhiệm. “Điểm yếu và thiếu sót của chúng ta là ở chỗ chúng ta không có khả năng tiêu diệt được nhiều lực lượng và các lãnh đạo chóp bu của đối phương”, ông Trà viết. “Chiến dịch đã không đủ hiệu quả để làm đòn bẩy kích thích cuộc nổi đậy của nhân dân… Tuy nhiên, các cuộc tấn công của chúng ta đã làm chấn động các huyệt đạo quan trọng của địch, làm mất ổn định các cơ sở kinh tế, chính trị và quân sự của địch trên toàn miền Nam”. (51) Việt Cộng mất hơn một nửa lực lượng tham chiến, tương đương với một phần tư quân thường trực; phải mất nhiều năm mới khôi phục được. Don Oberdorfer giải thích, “Việt Cộng mất một thế hệ quân kháng chiến, và sau Tết Mậu Thân, người ta phải gửỉ thêm rất nhiều người từ Bắc Việt vào để trám chỗ trống. Cuộc chiến đã chuyển dần sang chiến tranh chính quy và bót dần chất du kích”. (52)
Dù thế, Tết Mậu Thân đã trở thành một trận chiến quyết định của cuộc chiến tranh nhờ vào tác động của nó lên chính trường và thái độ của công chúng Mỹ về cuộc chiến tranh.(53) Cuộc tổng tấn công còn mở ra một chuỗi những sự kiện đáng kể, như việc thảo luận về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Khe Sanh, nơi vẫn còn diễn ra một cuộc chiến vu hồi khốc liệt. Tướng Westmoreland lúc bấy giờ đang đề nghị tăng thêm 206.000 quân để đáp ứng đòi hỏi mới, nâng cam kết về quân số tham chiến của Mỹ lên gần 750.000, nhưng Sài Gòn vẫn chưa an toàn. Nhịp độ cuộc chiến và khả năng kiểm soát cuộc chiến không được quyết định bởi sự vượt trội về kỹ thuật của Mỹ, mà bởi chính kẻ thù của họ. Không hề có một điểm dao động, một sự đổ vỡ nào trong ý chí tiếp tục cuộc chiến tới cùng của đối phương. Tối 27 tháng 2, người dẫn chương trình Walter Cronkite của đài CBS nói với toàn thể nước Mỹ rằng cuộc chiến sẽ kết thúc trong bế tắc. “Chúng ta đã quá thường xuyên thất vọng bởi sự lạc quan của giới lãnh đạo nước Mỹ, kể cả ở Việt Nam và tại Mỹ, nên không thể tiếp tục trông chờ vào một điểm lóe sáng nào đó trên những đám mây đen kịt này… Bây giờ có thể thấy rõ ràng hơn bao giờ hết rằng trải nghiệm đẫm máu tại Việt Nam sẽ kết thúc trong bế tắc. Nói rằng chúng ta sẽ sa lầy trong bế tắc có lẽ là kết luận thực tế duy nhất, dù kết luận đó chẳng dễ chịu chút nào”.(54)
Sau sự kiện Tết Mậu Thân, công việc phóng viên của Ẩn rất bận rộn. Ông dẫn Bob Shaplen đi khắp Sài Gòn, giải thích chi tiết về việc bằng cách nào Việt Cộng có thể tuồn rất nhiều quân vào thành phố mà không bị phát hiện. Bài viết vào ngày 2 tháng 3 năm 1968 của Shaplen trên tờ New Yorker thực chất là sự chắt lọc những hiểu biết của Ẩn. Nếu có một người nào đó có thể giải tỏa được những băn khoăn của Shaplen về cách thức đột nhập của Việt Cộng, thì đó chính là người đã giúp điều phối kế hoạch đột nhập.
Shaplen viết về đội đặc công mười hai người đã tấn công sở chỉ huy hải quân bên sông Sài Gòn, nơi mà Tư Cang và Ẩn đã thăm dò tình hình chỉ vài ngày trước đó. Mô tả đây là “cuộc tấn công táo bạo nhất từng được biết đến”, Shaplen viết rằng cuộc tấn công là nhằm chiếm tòa nhà sở chỉ huy, rồi đặt ba khẩu súng máy ở trên nóc để vô hiệu hóa các tàu hải quân ở dưới sông, và sau đó “sẽ chiếm các tầu này và sử dụng chúng để chuyên chở các tiểu đoàn Việt Cộng từ bờ bên kia đột nhập vào thành phố. Nếu thành công, kế hoạch này sẽ ảnh hưởng khá lớn đến toàn cục ở Sài Gòn”. (55)
Khi cuộc tấn công nổ ra, đặc công Việt Cộng đã diệt được ba lính bảo vệ của hải quân và cho nổ thông một lỗ bên hông tòa nhà sở chỉ huy, nhưng cuối cùng tất cả mười hai lính đặc công đều bị giết hoặc bị bắt. “Đúng, vụ đó là một phần trong nhiệm vụ của chúng tôi”, Tư Cang nhớ lại. “Chúng tôi kiểm tra dọc sông, làm báo cáo về các loại tầu khác nhau cũng như quan sát của chúng tôi về tình hình bố phòng ở đấy”.
Tiểu đoàn C.10 chịu trách nhiệm đối với phần lớn công việc lên kế hoạch cho các cuộc tấn công vào Dinh Tổng thống và sở chỉ huy hải quân.(56) Khi tôi hỏi Ẩn làm thế nào ông và Tư Cang có thể đi lại trên sông Sài Gòn mà không bị nghi ngờ, ông đáp, “Ai cũng biết tôi, và lúc đó là giữa ban ngày, nếu có ai để ý tới chuyện này thì họ cũng sẽ nghĩ là tôi đi tìm tư liệu để viết bài. Nhưng có rất nhiều tình báo viên làm công việc báo cáo vào lúc đó, chứ đâu chỉ có mình tôi. Lúc bấy giờ tình hình rất nguy hiểm đối với chúng tôi”.
Ẩn và Tư Cang đều nhấn mạnh vào bản phân tích hậu chiến dịch Mậu Thân của Ẩn. “Sau giai đoạn một của chiến dịch tổng tấn công, tôi gửi một báo cáo từ đô thành ra cho các lãnh đạo cấp cao, trong đó nói rằng tình hình khá bất lợi. Tuy nhiên, khi Hai Trung đẫn tôi đi vài vòng, tôi đã thay đổi ý kiến”. (57) Ẩn tham dự hầu như tất cả các cuộc họp báo của quân đội về tình hình an ninh tại Sài Gòn, về mệnh lệnh chiến trường, và về phản ứng của Mỹ sau cuộc tổng tấn công. “Tôi là người duy nhất viết rằng chúng tôi đã thắng trong cuộc chiến tâm lý, rằng chúng tôi đã thất bại để rồi chiến thắng. Tôi cần phải giải thích tại sao. Báo cáo của tôi bi quan ở chỗ tôi giải thích rằng quân chính phủ đã không bị tiêu diệt và rằng chúng tôi đã chịu tổn thất về sinh lực quá lớn. Tôi cũng báo cáo rằng các tư lệnh của chính quyền ở đây đã làm tốt nhiệm vụ, nhưng dù thất bại về chiến thuật, chúng tôi đã chiến thắng về chính trị. Khi Tư Cang nghe tất cả những điều này, ông đã thay đổi ý kiến và đồng thời cũng đưa nhận định này vào bản báo cáo của ông”.
Suy nghĩ của Ẩn bị ảnh hưởng bởi người bạn của ông là Tướng Trần Văn Đôn của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, cùng nhiều người khác.
“Tôi muốn nói rằng tinh thần lúc ấy đang xuống thấp và vấn đề người Mỹ sẽ rời Việt Nam hay không bắt đầu được khơi lên. Cũng rất buồn cười là tôi vẫn còn nhớ rằng Trần Vãn Đôn lúc bấy giờ rất lo ngại khả năng sau Tết Mậu Thân người Mỹ sẽ rút quân do không chịu được sức ép dư luận tại Mỹ. Ông ấy ghé chỗ tôi, và tôi đã trấn an ông bằng chính những thông tin mà tôi đã gửi vào rừng, 'Đừng lo, ông đã giành thắng lợi quân sự lớn trong cuộc tổng tấn công này, bên kia tổn thất nhiều sinh mạng và tổng khởi nghĩa đã không nổ ra. Người Mỹ sẽ không đi đâu cả. Tôi đảm bảo họ sẽ ở đây nhiều năm nữa’. Tôi cũng nói với cấp trên của mình như thế, nhưng tôi còn bổ sung yếu tố tâm lý rằng tôi tin dư luận tại Mỹ sẽ có lợi cho chúng tôi về lâu về dài”.
Về cuối cuộc phỏng vấn của tôi với Tư Cang, ông nói với tôi, “Ông Ẩn thực sự đã đóng góp vào những thay đổi rất lớn về kết cục của cuộc tổng tiến công. Chẳng bao lâu sau, Westmoreland bị thay, Johnson mãn nhiệm và nước Mỹ bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình, mọi thứ thay đổi theo chiều hướng có lợi cho chúng tôi. Ông Ẩn đóng góp vào việc làm sáng tỏ toàn bộ kế hoạch chiến tranh của Mỹ. Các báo cáo của ông ấy là chìa khóa mở ra việc Johnson đến Paris để tỉm kiếm giải pháp hòa bĩnh”. (58)
Làn sóng các đợt tấn công thứ hai liên quan tới cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân khởi đầu vào ngày 4 tháng 5 năm 1968, nhằm vào 119 căn cứ, thị xã và thành phố của miền Nam. Các đơn vị công kích đặc biệt và hỏa lực pháo binh đánh vào Dinh Tổng thống, dinh thự của Đại sứ Mỹ cũng như khu nhà của Đại sứ quán Mỹ. “Chính phủ đã gặp khó khăn trong việc nhổ tận gốc Việt Cộng vào tháng 5”, William Tuohy viết. “Quân Việt Cộng đã cắm được một lá cờ trên cầu chữ Y, chiếc cầu có tên gọi như vậy bởi ở đoạn giữa nó tách ra làm đôi, bắc qua con kênh trấn giữ phía nam Chợ Lớn”(59). Đợt tấn công được gọi là Tết Mậu Thân lần hai cũng mang dấu ấn của chiến dịch đột nhập thành công vào khu vực Chợ Lớn, nơi vào ngày đầu tiên của chiến trận, có bốn nhà báo của Time và Reuters bị Việt Cộng giết.(60) Một người bạn của Ẩn, phóng viên John Cantwell của tờ Time, thiệt mạng cùng với Michael Birch của hãng thông tấn AAP(*), Ronald Laramy của Reuters và Bruce Pigott, trợ lý trưởng phân xã Reuters tại Sài Gòn.
______________________
(*) Australian Associated Press (AAP) là một hãng thông tấn của Úc, ra đời vào năm 1935
______________________
Nhóm này đang di chuyển bằng xe Jeep thì phát hiện một cột khói ở Chợ Lớn. Tiến về phía khói bốc lên, họ nhanh chóng bắt gặp một dòng người chạy trốn Việt Cộng. Các phóng viên tiếp tục đi, bỏ ngoài tai các lời cảnh báo cho đến khi họ tới một giao lộ vắng thì bắt gặp một toán Việt Cộng. Cantwell, lúc ấy làm tài xế, cố tìm cách quay xe lại nhưng đã quá chậm. Khi viên chỉ huy Việt Cộng tiến lại gần chiếc xe Jeep, Birch hét lẽn, “Báo chí”, sử dụng một từ tiếng Việt để chỉ các nhà báo. Tay súng Việt Cộng đáp lại một cách đầy nhạo báng “Báo chí”, rồi nhả ba viên đạn từ khẩu 45 ly vào phóng viên.(61)
Khi tôi hỏi Ẩn về những cái chết này, cũng như vụ Tư Cang giết những người Mỹ và Nam Việt Nam trong đợt Tổng tấn công Tết Mậu Thân, cũng như những lời khoe khoang từ đơn vị tình báo H.63 của ông rằng họ đã giết rất nhiều người Mỹ, Ẩn đã quả quyết rằng chưa bao giờ người ta nhìn thấy ông làm đau bất kỳ người nào. Khi tôi nói với Ẩn rằng dù điều đó là sự thật, thì vần có người đã phải chết, ông trả lời rằng những người này là “thương vong của chiến tranh”. Khi tôi dồn ông hơn nữa, ông đã chọn cách gạt bỏ và bảo câu hỏi của tôi bị lạc đề, và hơn một lần nói rằng “những người kia là bạn của tôi, tôi không bao giờ làm đau họ, nhưng trong chiến tranh thì làm sao tránh được người vô tội gặp thảm họa. Tôi chỉ bảo vệ đất nước của tôi”.
Sau đó, ông Ẩn bảo tôi nên đến hỏi Rufus Phillips về cái ngày mà họ tới thăm hiện trường vụ thảm sát dân thường trong thời gian diễn ra Chiến dịch Vành đai sắt thuộc chương trình Hợp tác của Westmoreland, một chiến dịch do viên tướng này đề xuất vào năm 1964 nằm trong các nỗ lực bình định hóa của MACV.(62) “Chương trình này được thiết kế để tăng cường an ninh cũng như mở rộng sự kiểm soát và dịch vụ của chính phủ - gọi là bình định hóa - từ Sài Gòn rồi dần mở rộng ra sáu tỉnh tạo nên một dạng đai yên ngựa xung quanh thành phố”, Westmoreland viết trong hồi ký Báo cáo của một người lính. “Khi các đơn vị lớn của quân địch bị đẩy xa hơn khỏi thành phố, các cuộc tuần tra và phục kích thường xuyên sẽ giúp tăng cường an ninh rồi sau đó các nhiệm vụ này được trao lại cho nhân dân tự vệ và lực lượng mở rộng của cảnh sát. Khi các vùng này được bảo đảm an toàn, các cơ quan dân sự sẽ được chuyển vào nhằm thiết lập sự kiểm soát và các dịch vụ của chính phủ, cung cấp cho mọi người thẻ căn cước, công tác bảo an của cảnh sát, và các tiện nghi như trường học, giếng nước, phòng khám bệnh và dịch vụ y tế. Ý tưởng này là nhằm cung cấp một mức sống cao hơn rõ rệt so với khả năng mà Việt Cộng có thể cung cấp. Trên thực tế, đây chính là khái niệm 'vết dầu loang’”.
Ồng Ẩn gặp may khi Westmoreland lập ra Hội đồng Hợp tác nhằm hỗ trợ cho sự phối hợp toàn diện giữa quân đội và các cơ quan dân sự. Nhiều tổ chức đã cử đại diện tham gia Hội đồng, trong đó có các đầu mối của Ẩn ở trong Bộ Nội vụ, Cảnh sát Quốc gia, và Phủ Đặc uỷ Trung ương tình báo. Nhờ đó mà ông có thể giúp Hà Nội cập nhật được thông tin về các nỗ lực bình định hóa, có lẽ vì thế mà ông Mai Chí Thọ coi đây là đóng góp lớn nhất của Ẩn.
Ẩn đưa Phillips ra vùng ngoại ô Chợ Lớn nơi vào đêm hôm trước Việt Cộng đã phục kích tiêu diệt toàn bộ một đơn vị tự vệ. “Khi chúng tôi tới nơi, những người sống sót vẫn còn trốn trong pháo đài nhỏ bé này”, Phillips nhớ lại. Cuộc tấn công diễn ra trong chiến dịch Vành đai sắt thuộc chương trình Hợp tác, cho thấy không có gì gọi là an ninh ở khu vực ấy. Đấy là khu vực không người. Ngày hôm sau, Chuẩn tướng Fritz Freund cùng với Ẩn và Phillips trở lại nơi ấy, và nhận ra một sự thiếu vắng đáng buồn về hợp tác quân sự. Ẩn kể với tôi rằng khu vực ấy về sau được Việt Cộng dùng làm bàn đạp cho cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968 và chính ông là người đề xuất chọn nơi đây.(64) “Có rất nhiều nơi khác tôi có thể đưa Rufus tới, nhưng sự kiện này rất buồn bởi cả dân lành cũng bị giết. Tôi chỉ cho ông ấy thấy bởi ông ấy cần tận mắt chứng kiến thực tế là dân lành ở cả hai phía đều bị giết và rằng không hề có cái gọi là an ninh trong chương trình này”.
Tôi cố gắng quay lại điểm mấu chốt của mình. Đó là Ẩn đã giúp Tư Cang lên kế hoạch tấn công Dinh Tổng thống và Tư Cang, chỉ huy của đơn vị H.63 Anh hùng, được công nhận là đã giết những người Mỹ hôm đó. Ẩn có cảm thấy mình phải chịu trách nhiệm chút nào không?
“Không, không phải như ý ông nói đâu”, ông trả lời. “Tôi chỉ cho ông Tư Cang những nơi dễ tấn công nhất. Đó là nhiệm vụ của tôi. Tôi không có vũ khí, và mọi người đều biết tôi không hề giết một ai cả”.
Tôi không bao giờ có thể cùng Ẩn đi xa hơn trong vấn đề này, và tôi biết rằng ông đang cảm thấy nhói đau bởi lá thư của cựu đồng nghiệp Zalin Grant ở tạp chí Time gửi cho tờ New Yorker vào năm 2005, trong đó buộc tội, “khỉ làm gián điệp cho Bắc Việt, Ẩn đã biến các phóng viên tờ Time thành một mạng lưới tình bảo vô tình của Hà Nội. Time có các nguồn tin cấp cao vốn thường cung cấp các thông tin mật với điều kiện là những thông tin này phải được giữ bí màt và chỉ được dùng để phục vụ cho nền tảng hiểu biết để dễ nắm bắt tình hình. Nội dung của những tin tức bí mật được lưu truyền nội bộ theo 'bản ghi chú hằng tuần của Time’, vốn luôn được coi là nhạy cảm đến mức các bản sao được đánh số và các biên tập viên sau khi đọc thì phải trả lại. Bản ghi chú có rất nhiều chuyện tầm phào vô dụng, nhưng cũng chứa các báo cáo Quý như vàng của người trong cuộc từ Nhà Trăng, Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc. Bản ghi chú cũng được lưu hành tới các văn phòng của Time trên toàn thế giới, và tại các nơi này người ta giữ cùng quy tắc bảo mật; Ẩn, với tư cách là một phóng viên của Time, có thể tiếp cận nó. Tôi thường thấy ông ta ghi chú các báo cáo mật của trưởng văn phòng ở Sài Gòn. Những báo cáo này có thể bao gồm cả thông báo của các tướng Westmoreland và Creighton Abrams cũng như các đại sứ Henry Cabot Lodge và Ellsworth Bunker, vốn thường có thông tin về các chiến dịch và chiến lược của nhiều tuấn trong tương lai. Sau đó Ẩn có thể biến mất mà không nói một lời nào, có lẽ là đi báo cáo với các đồng chí của ông ta dưới địa đạo Củ Chi. Tôi luôn cật vấn những nhà báo Mỹ hay tìm cách thi vị hóa Ẩn. Chống chiến tranh Việt Nam là một chuyện - nhiều người trong chúng ta đều như thế - nhưng sẽ là một chuyện khác khi bày tỏ sự khâm phục vô điều kiện đối với một người từng dành phần lớn cuộc đời mình giả vờ làm nhầ báo để đi giúp cho việc giết người Mỹ”.
Frank McCulloch rất sốc trước những lời cáo buộc này tới mức ông đã gửi thư phản ứng tới tờ New Yorker. Lá thư không được đăng, nhưng McCulloch chuyển cho tôi một bản sao: “Sự kính trọng của tôi dành cho Ẩn trong quá khứ và hiện tại không liên quan gì tới công việc ông ta làm cho Cộng sản mà liên quan tới mọi thứ thuộc về tính chính trực, sự thông tuệ và tình yêu đất nước mãnh liệt của ông ta… Tất nhiên là tôi đã không có lý do gì để nghi ngờ ông ta và không hề biết về cái vai Cộng sản của ông ta cho đến sau khi chiến tranh kết thúc. Lúc đó và bây giờ tôi đã tha thứ bởi hai lý do: Thứ nhất, bài viết của Ẩn không bao giờ phản ánh điều gì tương đồng với phe Cộng sản - và tôi tha thiết mong muốn những tài liệu cũ sẽ được kiểm tra lại để làm rõ điều đó. Thứ hai, nếu tình hình đảo ngược và hơn nửa triệu quân Việt Nam tràn vào một khu vực tương đương California, tức là khoảng bằng diện tích của Việt Nam, và chúng ta không tin vào những lý do của sự có mặt của họ ở đấy, vậy thì chúng ta sẽ phản ứng như thế nào? Đấy là đất nước của ông ta, không phải của chúng ta - một sai lầm luôn khiến chúng ta trả giá đắt. Tôi đã không, và bây giờ vẫn vậy, tán thành ý thức hệ của Ẩn, nhưng tôi không thay đổi quan điểm của mình rằng ông ta có mọi quyền để giữ điều đó”. (65)
Về chuyện bản ghi chú “bí ẩn” của Time, thì “đó là ấn thư hàng tuần của Washington do văn phòng ở đấy thực hiện để cung cấp thông tin, sự hướng dẫn cũng như làm trò vui cho các biên tập viên của Time. Tôi không hề nhớ tới chuyện các bản sao được đánh số mà chúng tôi nhận được ở Sài Gòn, nhưng nếu quả thực là vậy, thì lý do của chuyện này chỉ đơn giản là chúng tôi không có đủ bản sao để phân phát cho tất cả. Khoảng 90% nội dung các 'thư' này cuối cùng được in lên mặt báo, thế nên nếu như có thông tin nào đó đáng giá cho Cộng sản, thì họ chỉ đơn giản đi đặt mua báo là có. Thật sự thẳng thắn mà nói thì việc chúng tôi cẩn trọng với việc lưu hành ấn thư là bởi chúng tôi không muốn bên Newsweek đọc được”. (66)
Sau cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân, Ẩn cho biết CIA đã tiếp cận ông và đề nghị ông tới điều hành một trại bò sữa ở Tây Ninh, nằm giữa vùng B và C, được biết là nơi Việt Cộng hay thâm nhập. Ẩn sẽ đóng vai là một chủ trại quý phái, nhiệm vụ thực sự của ông chỉ là nuôi bò và quan sát các công nhân rồi báo cáo. Ẩn rất lo lắng trước đề nghị này bởi vì ông sẽ phải rời tờ Time và trở thành một điệp viên hai mang, điều mà ông chẳng hề muốn chút nào. Lời đề nghị có câu “hãy đến gặp chúng tôi sau”, nghĩa là ông có thể từ chối. “Tôi quyết định không xin ý kiến cấp trên rằng tôi có nên nhận lời hay không bởi lẽ tôi không hề muốn làm điệp viên hai mang chút nào”.
Cho rằng có lẽ lý do khiến Ẩn từ chối là bởi ông không thích làm chủ trang trại, nên nhân viên CIA đã tiếp cận ông lần trước lại gợi ý ông đến điều hành một nhà máy đồ hộp ở Nha Trang và Vũng Tàu, cũng với mục đích là theo dõi hoạt động của Việt Cộng. Công việc duy nhất của Ẩn sẽ là quan sát hoạt động của các ngư dân đến bán cá, bởi vì CIA muốn tìm ra những chiếc thuyền được sử dụng để tuồn vũ khí vào miền Nam. Ẩn cũng đã nhanh chóng từ chối lời đề nghị.
Một đề nghị gây tò mò khác đến từ CIO, ngay sau khi ký Hiệp định Paris vào năm 1973. Biết rằng phái đoàn của Chính phủ Cách mạng Lâm thời đang trú tại một khách sạn gần đấy, CIO lên kế hoạch cài thiết bị nghe lén điện tử tại tiệm Givral nhằm mục đích thu được thông tin có giá trị từ các cuộc trao đổi của họ liên quan đến kế hoạch lập “chính phủ liên hiệp”.
Givral do tư nhân sở hữu, vì thế CIO muốn vợ của Ẩn dùng tiền của CIO để mua lại quán này. Ông Ẩn không thích vụ này chút nào, nhưng việc cài máy nghe lén vẫn được tiến hành và một phần của tiệm đã được tân trang thành một quầy cà phê sữa và kem để che giấu mục đích thực sự của việc sửa quán, tức là lắp thiết bị nghe lén. “Đó là cách rất dễ để bị bắt. Không ai có thể bảo vệ anh ngoại trừ chính bản thân anh”, Ẩn nói.(67)
Phần lớn các đồng nghiệp vào lúc này hay lúc khác cho rằng Ẩn đang cộng tác ở một cấp độ nào đó với CIA. Richard Pyle, trưởng văn phòng hãng AP tại Sài Gòn từ năm 1970 đến 1973, nhớ lại rằng vào mỗi ngày, từ chiếc bàn quen thuộc của mình tại quán Givral, “Ẩn chia sẻ các mẩu tin thú vị về chính trường rối rắm của Sài Gòn cũng như những mưu đồ bên trong Dinh Tổng thống cho một đám đông thính giả chăm chú lắng nghe như những đồ đệ - đó là các phóng viên Việt Nam làm việc cho báo đài nước ngoài. Những phóng viên này sau đó trở về các văn phòng với thông tin nội tình mới nhất mà họ nhận được từ ‘các nguồn tin' của mình. Không có gì bí ẩn với xuất xứ của các thông tin ấy, và một câu đùa thường trực của cánh nhà báo đó là bất cứ ai có mối liên hệ với Ẩn đều chắc chắn là người của CIA”. (68)
Rất có lý khi CIA tìm cách tuyển mộ Ẩn. Ai cũng biết trong các công đoàn lao động thân chính phủ đều có đầy người của Cộng sản và các hội đoàn này đang trở thành thùng chứa những người thâm nhập. Một đầu mối ở CIA đã đề nghị Ẩn ngụy trang làm phóng viên mảng tin tức công đoàn để có thể theo dõi các hoạt động bị tình nghi là của Việt Cộng. Đáp lại, CIA sẽ cung cấp cho Ẩn vài tin độc quyền rất giá trị, nhờ đó có thể nâng cao vị thế của ông tại tờ tạp chí. Ẩn kể với tôi rằng ông đã từ chối lời đề nghị, với lý do rằng ông đã có đủ các nguồn tin tốt rồi, bởi lẽ ông biết rằng công việc theo đề nghị là rất nguy hiểm cho vỏ bọc của ông.
Ẩn quay trở lại thời kỳ trước đó rất lâu với các đầu mối trong CIA, bắt đầu với Lansdale, Conein và Phillips. Sau cuộc đảo chính chống Ngô Đình Diệm bất thành năm 1960, chỉ huy trưởng chi nhánh Sài Gòn của CIA là William Colby đề nghị bác sĩ Trần Kim Tuyến thành lập Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo (CIO). Tuyến tập hợp vào nhóm lên kế hoạch toàn những người mà ông ta biết rõ là có thể tin cậy được, và tất nhiên Ẩn là một trong số đó.(69) “Ai ở CIO cũng coi tôi là người nhà”, Ẩn nói. “Họ là nguồn tin quý giá nhất đối với tôi trong cuộc chiến tranh”. Nhóm này hợp tác chặt chẽ với CIA để tạo ra một tổ chức tương đương cho Việt Nam Cộng hòa.
Khi chiến tranh kết thúc, Ẩn đối mặt với câu hỏi là liệu có phải ông từng làm điệp viên hai mang hay không. “Tôi may mắn bởi vì nếu trước kia từng nhận lời làm việc cho CIA thì nay sẽ gặp rắc rối lớn với bên an ninh. Tôi bị theo dõi rất chặt bởi tôi là người duy nhất không bị bắt trong suốt hai mươi ba năm và họ muốn biết làm sao lại có chuyện như vậy. Họ không thể kiểm tra các mối liên lạc của tôi bởi tôi tự làm việc cho mình. Tôi là một ca đặc biệt bởi không ai ra lệnh cho tôi. Không có một người điều khiển tôi thực sự. Tôi gửi báo cáo đi và trước khi chiến tranh kết thúc thì họ không nói với tôi điều gì ngoại trừ vụ Ấp Bắc. Sau chiến tranh, họ bảo tôi viết ra mọi thứ để chuẩn bị nhận danh hiệu. Tôi đã làm như vậy nhưng rồi họ muốn thêm nữa. Họ muốn biết tất cả các đầu mối của tôi, họ muốn tôi báo cáo tên, của tất cả bạn bè, tất cả những người mà tôi đã làm chung trong chừng ấy năm. Tôi từ chối. Tôi có quá nhiều bạn bè rất tin tưởng vào tôi. Tôi cũng không bao giờ tiết lộ nguồn tin. Rồi thì họ cho rằng tôi có người bảo trợ, có thể là trong mạng lưới Tưởng Giới Thạch như bạn tôi là Francis Cau, đứng đầu mạng lưới tình báo ở Đông Nam Á, người thường đến nhà tôi. Nhiệm vụ của ông ta là nhổ cỏ Cộng sản ở Chợ Lớn, ông ta thường chia sẻ thông tin với tôi và muốn tôi làm việc cho ông ta”.
HAI VỤ VIỆC CÓ THỂ CHỨNG MINH rõ ràng nhất cho sự khách quan rạch ròi của Ẩn đối với nghề kép của mình và đánh tan lời buộc tội về hoạt động tung tin thất thiệt xảy ra trong Chiến dịch Lam Sơn 719 và Chiến dịch Xuân - Hè 1972.
Ngày 8 tháng 2 năm 1971, hai mươi ngàn lính Việt Nam Cộng hòa tiến qua vùng cán chảo của Lào để cắt đứt Đường mòn Hồ Chí Minh trong một chiến dịch có tên gọi “Lam Sơn 719”, một danh từ nhằm tôn vinh Hoàng đế Lê Lợi, người chào đời tại làng Lam Sơn và sau đó đã đánh bại cuộc xâm lược của Trung Hoa vào thế kỷ 15.(70) Mục tiêu trực tiếp đầu tiên là thị trấn Tchepone, cách biên giới Việt Nam chừng bốn mươi cây số. Thị trấn này nằm kề bên Đường 9 và trên thực tế tất cả các tuyến nhánh của Đường mòn Hồ Chí Minh đều đi xuyên qua khu vực này.
Chuyện Ẩn gửi trước bản phân tích của mình dự báo về chiến dịch ở Lào là hiển nhiên. “Ai cũng biết trước rất rõ về nước Lào, trừ những người lãnh đạo”, ông Ẩn nói với tỏi. “Trong số các đầu mối tiếp xúc đầu tiên của tôi có một đại tá Quân lực Việt Nam Cộng hòa, các lính dù và lực lượng đặc biệt. Tôi nhớ cái hôm gặp viên đại tá, người vừa vắng mặt tại Sài Gòn trong vài ngày. Da ông ta rám nắng, và tôi biết ông ta vừa đi đâu đó về, vì thế tôi hỏi, 'ông vừa đi câu cá ở Nam Lào về hả?' Ông ta cười và ngay lúc đó tôi biết câu trả lời là gì. Tôi rất lo lắng bởi tôi biết điều gì đang chờ đợi tất cả họ ở đấy. Tôi bảo ông ta nên cẩn thận và nhìn vào các tấm bản đồ về hoạt động của quân Cộng sản. Tôi không thể phá hỏng kế hoạch của phía bên kia, nhưng tôi muốn những người bạn của tôi cẩn trọng”.
Một trong những điều mà tôi cảm thấy tiếc là đã không đề nghị Ẩn nói kỹ càng về cuộc xung đột hay căng thẳng nội tâm giữa việc biết bạn bè mình đang bước vào một cái bẫy kinh khủng mà ông và những người khác đã góp sức để giăng ra, và việc chẳng thể làm gì khác ngoài câu nói, “Hãy cẩn trọng”. Tôi phần vân không biết trong cuộc đời của ông, ông có trải qua những đêm mất ngủ hay cảm thấy băn khoăn về mặt đạo đức hay không.
Chiến dịch Lam Sơn 719 được lên kế hoạch từ tháng 11 năm 1970; tới tháng 1 năm 1971, quân đội đẩy mạnh công tác chuẩn bị cho một số phương thức hành động. Ẩn nhận được thông tin từ một trong những đầu mối của mình bên trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa về kế hoạch tấn công xuyên biên giới đang được chuẩn bị và có thể diễn ra trước mùa mưa để qua đó làm gián đoạn hoạt động của Đường mòn Hồ Chí Minh trong một thời gian dài hơn. Richard Pyle và Horst Faas của hãng AP sau này viết rằng “tình báo miền Bắc có mặt khắp nơi tại miền Nam, từ những cô gái làm công việc lau dọn bàn nhậu cho binh sĩ Mỹ, tới nhiều cấp bậc trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa, tới đội ngũ báo chí Sài Gòn - và, như sau này đã được báo cáo, thậm chí ngay cả trong tổng hành dinh của Quân đoàn I tại Đà Nẩng nơi Chiến dịch Lam Son 719 được lên kế hoạch”. (71)
Khi Ẩn đã sẵn sàng gửi báo cáo lên trên, ông đi bộ dọc một đường phố theo kế hoạch đã định, trong khi bà Nguyễn Thị Ba bê khay đồ trang sức giả rồi giả bộ làm đổ xuống đường. Ông Ẩn dừng lại để giúp bà nhặt đồ lên đồng thời chuyển bản báo cáo cho bà. Cuối cùng, bản báo cáo đã tới Trung ương cục miền Nam và công tác chuẩn bị phòng thủ đối phó với Chiến dịch Lam Sơn 719 được tiến hành.
Phân tích riêng của Ẩn cho Shaplen về Chiến dịch Lam Sơn đi thẳng vào vấn đề, “cuộc tiến quân vào Lào được hoạch định từ trước… Có lẽ Cộng sản biết điều đó cách đây sáu tháng”, dẫn “ba cuộc hành quân thăm dò, trong đó cuộc cuối cùng diễn ra vào ngày 8 tháng 12, tổn thất 200 người, đúng như đã điện báo trước”.(72) Ông Ẩn đã nói cho Shaplen biết được sự thực về thông tin tình báo mà Cộng sản có được từ trước. Trong bản đánh giá của mình, Đại tướng Quân lực Việt Nam Cộng hòa Cao Văn Viên và Trung tướng Đồng Văn Khuyên viết rằng “kẻ địch đã không bị bất ngờ trước Chiến dịch Lam Sơn 719 và họ đã chuẩn bị sẵn sàng từ trước để đối đầu với quân ta”. (73)
Bắc Việt tổn thất hơn hai mươi ngàn quân, nhưng Quân lực Việt Nam Cộng hòa, trong cơ hội lớn đầu tiên lâm trận mà không có cố vấn và bộ binh Mỹ, đã mất đến một nửa lực lượng và Mỹ bị mất tới 108 trực thăng cùng với 618 chiếc khác bị hư hại. Ông Ẩn tiếp tục cung cấp cho Shaplen một bản phân tích hậu Chiến dịch Lam Sơn đáng chú ý khác, bắt đầu bằng việc đánh giá chiến thuật của Quân lực Việt Nam Cộng hòa và thất bại của họ trong việc khai thông Đường 9. “Họ gút lại bằng chiến thuật nửa Mỹ nửa Pháp, nhưng giống Pháp hơn. Lúc khởi đầu, họ di chuyển chậm chạp bằng đường bộ. Lẽ ra họ phải sử dụng đội xe tăng Abrams cho chiến thuật của mình. Chiến thuật nửa này nửa kia chả giống ai cả”. Ẩn đặc biệt chỉ trích công tác tình báo: “G-2 không ổn, phát hiện ra xe tãng chỉ có một giờ trước khi chúng xuất hiện rất gần”. Shaplen cũng thêm vào một ghi chú cho riêng mình, rằng “Ẩn tiếp tục cho răng chúng ta sẽ sống sót - bởi vì Cộng sản không dám làm tới cùng”. Lam Sơn là một chiến dịch hoàn toàn thuộc Quân lực Việt Nam Cộng hòa, không có các cố vấn quân sự Mỹ ở bên cạnh để quan sát hoạt động của quân miền Nam Việt Nam. Ông Ẩn dường như cũng không kiềm chế được nên đã tiết lộ cho Shaplen một sự thật khác: “Nếu có cố vấn quân sự Mỹ bên cạnh thì khó mà lừa được. Nhưng bây giờ thì rất dễ” (74)
Ông Ẩn cũng có sự khách quan tương tự khi giải thích cuộc tổng tấn công mùa xuân năm 1972(*) của Cộng sản, vốn khởi đầu vào lễ Phục sinh ngày Chủ nhật, 30 tháng 3 năm 1972, vài tháng sau Chiến dịch Lam Sơn. Đây là cuộc tấn công lớn nhất do Bắc Việt thực hiện trong toàn bộ chiến tranh Việt Nam. Kéo dài trong sáu tháng, cuộc tổng tấn công được thiết kế như là một cuộc tấn công quân sự chính quy do lực lượng quân đội thường trực của Bắc Việt thực hiện nhằm giáng một đòn trí mạng vào Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Đại tướng Võ Nguyên Giáp hy vọng sử dụng các đợt tấn công tổng lực của quân đội để chiếm giữ các vùng lãnh thổ, bao gồm các thành phố lớn của miền Nam Việt Nam như Huế và Đà Nâng. Điều này có thể tạo điều kiện cho quân đội Bắc Việt tấn công vào Sài Gòn.
______________________
(*) Chiến cục năm 1972, bao gồm chiến dịch Xuân - Hè 1972, là chuỗi các đợt tấn công của Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân Giải phóng miền Nam kéo dài từ ngáy 30 tháng 3 năm 1972 tới ngáy 31 tháng 1 năm 1973.Trong đó, Chiên dịch Xuân - Hè 1972 được phía Việt Nam Cộng hòa gọi lá Mùa hè đỏ lửa, còn Mỹ gọi là Easter Offensive (Tổng tấn công lễ Phục sinh).
______________________
Ẩn cung cấp cho Shaplen một sự phân tích chính xác chiến lược của Cộng sản. “Việc lúc này không còn lính Mỹ nữa là một sự thay đổi tốì quan trọng. Năm 1965, họ buộc phải chuẩn bị để đánh nhau với 200.000 quân và họ hoạch định chiến lược dựa trên con số đó, nhưng bây giờ thì khác… Tháng 5 và tháng 8 năm 1968 được chọn làm thời điểm tiến hành các phương cách buộc chúng ta phải ngừng đánh bom để đàm phán, ngay cả vì lý do ngoại giao họ cũng phải tổn thất nhiều người. Buộc chúng ta phải xuống thang. Thắng lợi về chiến lược, thất bại về chiến thuật, nhưng là thất bại đáng giá… Mặt trận Tổ quốc (lúc bấy giờ có tên goi là Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam) phải tổ chức đánh giá lại. Cộng sản nhận ra rất nhanh. Mỹ đã câu giờ cho Chính phủ Việt Nam Cộng hòa nhưng yếu kém trong lãnh đạo đã khiến Việt Nam Cộng hòa không thể tận dụng khoảng thời gian này. Công tác lãnh đạo chính trị vẫn là chìa khóa của vấn đề, chứ không phải bản thân nhà lãnh đạo”. (75)
Nixon tin rằng Bắc Việt đã quyết thực hiện chiến dịch “được ăn cả, ngã về không” trong năm 1972.
Ngày 1 tháng 4, Nixon ra lệnh ném bom miền Bắc trong phạm vi cách vùng giới tuyến phi quân sự bốn mươi cây số. Tới ngày 14 tháng 4, ông ra lệnh không kích lên tận vĩ tuyến 20.
Hòa đàm Paris ngưng trệ. “Đám con hoang kia sẽ phải hứng các trận bom khốc liệt chưa từng thấy”, Nixon nói với Hội đồng An ninh Quốc gia. Tiếp theo sau đó sẽ là việc sử dụng không lực hiệu quả nhất trong cuộc chiến tranh và là một trong những chiến dịch ném bom lớn nhất lịch sử thế giới, Chiến dịch Linebacker I. Nhằm vào đường sắp, cầu cống, đường sắt, căn cứ quân sự và kho bãi hậu cần, lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh không lực hiện đại, cuộc tấn công đã sử dụng bom laser điều khiển chính xác, sử dụng máy bay cường kích thay cho B-52, chiến dịch này cũng đồng thời cung cấp sự yểm trợ hiệu quả cho lực lượng mặt đất của Việt Nam Cộng hòa. Kết cục của nó là năm mươi ngàn lính Bắc Việt thiệt mạng, và ước chừng 225 xe tăng cùng pháo hạng nặng bị phá hủy.
Chiến dịch Xuân - Hè 1972 về ngắn hạn rõ ràng là một thất bại cho Bắc Việt. Bằng cách chia quân ra trên ba mặt trận khác hẳn nhau và thực hiện hàng loạt đợt tấn công tổng lực, quân Bắc Việt đã bị dàn ra quá mỏng và rõ ràng là đã không thể rót hỏa lực đủ mạnh vào bất cứ một điểm nào để từ đó có thể chiếm được một vùng lãnh thổ đáng kể. Do tính chất dàn trải của cuộc tấn công chính quy, nhiều đơn vị Bắc Việt đã bị tiêu diệt (một số tiểu đoàn chỉ còn năm mươi quân), khiến số này không thể chiến đấu hiệu quả trong vòng hai năm. Nhưng các căn cứ trọng yếu hơn phục vụ cho hoạt động chi viện của miền Bắc tại miền Nam vẫn chưa bị mất. Thương vong bên phía Hà Nội trong các cuộc tấn công chính quy là vô cùng nặng nề, mất tới hơn một nửa trong số hai trăm ngàn lính chiến. Các kết quả đáng thất vọng của đợt tấn công Xuân - Hè đã buộc Hà Nội tiến tới quyết định đàm phán. Họ đã đánh giá sai Nixon, và bây giờ có thể thấy Nixon đang tiến tới việc tái đắc cử vào tháng 11.
Ông Ẩn đã không cố gắng xoáy sâu vào vấn đề này với Shaplen. “Họ đã đánh giá thấp sức kháng cự của chính phủ cũng như sự hỗ trợ của Mỹ. Cộng sản bị tổn thương nhưng chưa đến mức tê liệt. Dù thất bại nặng nề trong hai tháng qua, quyết tâm của họ vẫn không bị lung lay. Chiến dịch này vì thế sẽ được tiếp nối bằng các chiến dịch khác… Cộng sản đang quay trở lại, cùng những đơn vị cũ của năm 1966 được bổ sung, tất cả đã trở lại. Trong khi đó, chúng ta - Mỹ - vẫn chưa trở lại và không thể… rút ra bài học ở Chiến dịch Lam Son - nhìn thấy 'cơ hội khách quan mới' để thực hiện cuộc tổng tấn công mới.(76) Quân lực Việt Nam Cộng hòa đang được Việt Nam hóa. Trùng vào cuộc bầu cử ở Mỹ, mà họ không thể dự báo trước được hoàn toàn. Họ phải mạo hiểm tấn công ngay bây giờ… Nixon rất cứng rắn và sẽ không thương lượng. Chúng ta lại thổi vấn đề lên quá mức khi nhấn mạnh đây là một sự xâm lược, kêu gọi dư luận thế giới chống lại nó, nhưng trên thục tế, tất cả những gì chúng ta làm chỉ khiến cho nhân dân Mỹ hoảng sợ và dồn Nixon đến bờ vực mà thôi”. (77)
Ông Ẩn đã nhận được ba Huân chương Chiến công vào thời điểm ông nói chuyện với Shaplen về Chiến dịch Lam Sơn và Chiến dịch Xuân - Hè. Danh tiếng của ông trong vai trò một nhà báo là không có gì phải bàn cãi. “Tôi gặp Phạm Xuân Ẩn lần đầu vào năm khi tôi mới là chàng trai 24 tuổi vừa đến Việt Nam với tư cách là một phóng viên của Time”, David DeVoss nhớ lại. “Lúc đó Ẩn đã là một huyền thoại, một gã thị dân phong lưu vui tính mang biệt danh 'Tướng Givral' đặt theo tên quán cà phê trên đường Tự Do mà ông thường xuyên ghé tới. Bất chấp không khí nghi kỵ bao trùm, mọi người đều tin tưởng Ẩn”. (78) Vỏ bọc của ông luôn vững chắc và trong hơn một thập kỷ, lưới tình báo H.63 đã bảo vệ ông và các tài liệu của ông. Nhưng vẫn còn một sứ mệnh cuối cùng nữa - đó là thất bại của cái quốc gia nằm ở miền Nam.
CHÚ THÍCH:
(1) Năm 2006, Tư Cang được phong tặng danh hiệu Anh hùng vì những công trạng của ông. Tôi phỏng vấn ông ngay sau khi ông nhận danh hiệu.
(2) Trần Văn Trà, Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm; Vietnam: History Of The Kết thúc cuộc chiến 30 năm, tập 5. (Viện Nghiên cứu chiến trận, Báo cáo Đông Nam Á số 1247, 2-2-1983), trang 5-335, http://cgsc.leavenworth.army.mil/carl/resources/csi/tra/csirp_vhbbt.html.
(3) Sách đã dẫn, trang 43.
(4) “Những huyền thoại để lại”.
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArtideID=164857&ChannelID=89.
(5) Chi tiết lấy từ các cuộc phỏng vấn với Tư Cang và Ẩn.
(6) “Mystery Is the Precinct Where I Found Peace”, trang 269.
(7) David Lamb, Vietnam Now: A Reporter Returns (New York: Nhà xuất bản Public Affairs, 2002), trang 81; và phỏng vấn riêng.
(8) Dragon Ascending, trang 35-42.
(9) “Nói chuyên với David Halberstam, tại nhà tôi”, 28-1-1975, Hộc 67 Tệp 4, Tài liệu của Sheehan.
(10) Xem “Testimony of Amaud de Borchgrave”, “Terrorism: Origins, Direction and Support”. Những cuộc điều trần trước Tiểu ban An ninh và Chống khủng bố, ủy ban Tư pháp, Thượng viện Mỹ, 24-4-1981. Số J-97-17.
(11) Sách đã dẫn, trang 85.
(12) Roy Rowan, “Saigon 25 Years After the Fall”, tạp chí Fortune, 1-5-2000.
(13) Phỏng vấn Ẩn.
(14) Gerald C. Hickey, Window on a War: An Anthropologist in the Vietnam Conflict (Lubbock, IX:, Nhà xuất bản Texas Tech University Press, 2002), trang 292.
(15) Neil Sheehan trò chuyện với Conein, 22-9-1976, Hộc 62, Tập 9, Tài liệu của Sheehan.
(16) Sheehan đã có một ghi chú về việc thẩm tra xem Ẩn có gây ảnh hưởng với tờ Time và Shaplen hay không vào cuối tháng 4-1975. “Anh [nguyên văn] cũng có thể đã biết mọi chuyển động của người Mỹ thông qua Shaplen”, Sheehan viết.
(17) A Bright Shining Lie, trang 187.
(18) “Media and War: Reflections on Vietnam”.
(19) Trao đổi thư từ với Nick Turner.
(20) Phỏng vấn Ẩn.
(21) Trao đổi thư từ với Nick Turner.
(22) Bev Keever, Adventures of a Young Journalist, phát biểu trước sinh viên và cựu sinh viên Đại học Nebraska. Bản sao của tác giả.
(23) “Self Reliance in Saigon,'' tạp chí Time, 8-1-1965; Michael O'Sullivan, “History in the Newsmaking”, báo Washington Post; 8-6-2001.
(24) “The Press: Self-Reliance in Saigon”, tạp chí Time, 8-1-1965. “Femininity at the Front”, tạp chí Time, 28-10-1966.
(25) Ron Steinman, cựu trưởng chi nhánh NBC News tại Sài Gòn, nhớ lại rằng Vượng là “phóng viên thú vị nhất và là nhân vật phức tạp nhất mà tôi từng làm việc chung tại Việt Nam”. Mỗi khi Shaplen trở về Hồng Kông, Vượng lại làm việc cho Steinman. “Vượng sẽ cung cấp cho tôi thông tin về các hoạt động chính trị của Việt Nam và Mỹ trong tuần qua. Rồi ông ta nói với tôi những điều mà ông ta nhìn thấu được trong những tuần và tháng tiếp theo. Thực tại không có chỗ trong cuộc sống của ông ta. Các câu chuyện của ông ta như mê cung và rất dễ thương, giống như giấc mơ vậy, đầy rẫy những ngôn từ phức hợp, đầy những ma mị và âm mưu… ông ta kể cho tôi nghe về những con người, những nơi chốn và sự kiện - thậm chí toàn bộ những giai đoạn lịch sử - không được ghi lại trong sử sách, phần lớn rất khó hiểu đối với tôi… Những câu chuyện của ông ta đôi lúc rất rối rắm, nhưng thật kỳ lạ, sau hàng tháng trời nghe ông ta kể, tôi bắt đầu thấm và hiểu ý nghĩa những câu chuyện ãy”. Steinman, Inside Television's First War: A Saigon Journal (Columbia, MO: Nhà xuất bản University of Missouri Press, 2002), trang 79-80.
(26) Tôi đã gửi nhiều e-mail nhưng Deepe không hồi đáp.
(27) “Unsung Hero”, http://www.ajr.org/Article.asp?id=3699; xem thêm http://www.muckraker.org/content/news_events/McCullochBio.pdf#search='Frank%20 McCulloch'; Wallace Terry, “Time's Frank McCulloch: In the Eye of the Hurricane”, http://www.wa.org/TheVeteran/2002_l 1 /mcculloch.htm.
(28) “Gửi tới: Tất cả các phóng viên; Nơi gửi: Don Bermingham 25-5-1966, mật, chỉ dành cho cán bộ Time-Life News..96-39 Hộc 1, Time Life 11/27/67 từ Moser gửi tới Lang…. 96-39 Hộc 10, Tài liệu của McCulloch.
(29) Phỏng vấn Frank McCulloch.
(30) War News, trang 310-312.
(31) Phỏng vấn John Larsen.
(32) Joseph and Stewart Alsop, The Reporter's Trade (New York: Nhà xuất bản Reynal, 1958).
(33) Sách đã dẫn, trang 6-7; trong lúc thảo luận về cuốn The Reporter's Trade, Ẩn khuyên tôi nên đọc một cuốn sách khác của anh em nhà Alsop, nhan đề We Accuse! The Story of the Miscarriage of American Justice in the Case of J. Robert oppenheimer (New York: Nhà xuất bản Simon & Schuster, 1954). Ông nói rằng cuốn sách này cho thấy anh em nhà Alsop là những phóng viên giỏi đến nhường nào bởi họ hiểu sự liên quan của Oppenheimer với Đảng Cộng sản chưa bao giờ có nghĩa ông này đã trở thành đảng viên, ông nói với tôi rằng Oppenheimer quen biết Lansdale.
(34) Robert Shaplen, “We Have Always Survived”, tạp chí New Yorker, 15-4-1972.
(35) Vietnam Now, trang 87.
(36) “A Writer Denies CIA Influenced His War Reports”. Báo New York Times, 1-12-1977, B-15. Xem Hộc 15, Tệp 11, Tài liệu của Shaplen.
(37) Jean-Claude Pomonti, Un Vietnamien bien tranquille. (Paris: Nhà xuất bản Équateur, 2006).
(38) Thõng điệp ghi âm mà Phạm Xuân Ẩn gửi tới Frank McCulloch, 8-11-2005.
(39) Phỏng vấn Stanley Cloud và Frank McCulloch.
(40) “Un Vìetnamien bien tranquille”, chương 6.
(41) Tên người như cuộc đời, bản dịch của tác giả.
(42) Những huyền thoại để lại.
(43) Phỏng vấn Tư Cang và Ẩn.
(44) Phỏng vấn Rufus Phillips; được Ẩn xác nhận. Khi tôi gặp Ẩn vào năm 2002, Mark là một trong những người mà ông bảo phải ghi nhớ.
(45) Phỏng vấn Ẩn.
(46) Dangerous Company, trang 118.
(47) Don Oberdorfer, Tet! The Turning Point in the Vietnam War (Baltimore: Nhà xuất bản The Johns Hopkins University Press, 1971, 2001), trang 140.
(48) Những huyền thoại để lại.
(49) Hai phát súng mở đường thoát hiểm; Quân đội Nhàn dân, 22-10-2004. Mark Pribbenow dịch. Phỏng vấn Tư Cang.
(50) A General of the Secret Service, trang 132. Trong chiến dịch cuối cùng mang tên Hồ Chí Minh năm 1975, Tư Cang là chính ủy Lữ đoàn 316 đặc công biệt động Miền, A General of the Secret Service, trang 94.
(51) Kết thúc cuộc chiến 30 năm, tập 5, trang 48.
(52) Tet, trang 140.
(53) Xem James J. Wirtz, The Tet Offensive: Intelligence Failure in War (Ithaca: Nhà xuất bản Cornell University Press, 1991), trang 1.
(54) Shaplen và Ẩn tới Chợ Lớn, nơi có nhiều quân (Việt Cộng) xâm nhập nhất. “Ẩn - Có hai loại chỉ điểm cho cảnh sát. Điệp viên Việt Cộng hoạt động hai mang. Dân thường có quan hệ với Việt Cộng và chúng ta đối chiếu điều họ nói với độ khả tín của họ… Có bao nhiêu cán bộ hợp pháp? Không người nào, bởi chúng ta đang thực hiện chiến dịch tróc nã đặc biệt đối với điệp viên Việt Cộng, trong đó bao gồm cả việc xâm nhập vào các nhóm chính trị và nghiệp đoàn ở thành phố. Họ ở Quận B, tiểu khu B. Song song với Cảnh sát Đặc biệt là nhân sự của mạng lưới G-2, do các Cảnh sát trưởng lực lượng đặc biệt ở các tiểu khu điều hành… Khi được tuyển dụng, mỗi một người chí điểm sẽ trải qua kiểm tra kỹ lưỡng và báo cáo sẽ được chuyển tới cảnh sát đặc biệt ở cấp khu vực, vốn có hệ thống kiểm tra G-2 riêng. Nếu thông tin tốt, người đó sẽ được chuyển tới mạng lưới G-2 và hoạt động duới sự quản lý của ban cảnh sát đặc biệt. Với hệ thống đơn tuyến, mỗi một gián điệp biết rất ít về toàn bộ tổ chức của mình và giới hạn này được duy trì. Hồ sơ đầy đủ của mỗi một chỉ điểm viên, dấu vân tay, lý lịch gia đình và bạn bè, tiền án tiền sự và thông tin bằng chữ về người đó sẽ được kiểm tra chéo với những nguồn khác. Theo dõi sát mối liên hệ với Việt Cộng của họ. Và chính họ cũng sử dụng điệp viên hai mang. Nếu anh ta quá thiên về Việt Cộng, anh ta sẽ bị bắt (hoặc dẫn tới việc bắt giữ người khác có liên quan)”. Robert Shaplen, Letter from Vietnam, tạp chí New Yorker, 2-3-1968, in lại trong cuốn The Road from War, trang 188-205.
(55) Sách đã dẫn, trang 198-9; xem Michael A. Rovedo, “TheTet offensive of 1968”, http://www.geocities.com/militarypoliceofvietnam/Tet.html.
(56) Tet! trang 142: “Một đơn vị 12 người thuộc tiểu đoàn C-10 đi trên hai xe dân sự tiến tới cổng của Sở chỉ huy Hải quân vào lúc 3 giờ sáng. Theo một thành viên còn sống của đơn vị, những lính đặc công này được lệnh đánh chiếm sở chỉ huy và đợi hai tiểu đoàn quân Việt Cộng từ bên kia sông Sài Gòn sang. Những kẻ tấn công khai thông một lỗ trên tường chốt gác nhưng ngay lập tức bị chặn lại từ phía bên trong. Chỉ sau năm phút đầu tiên, tất cả đều bị giết ngoại trừ hai người. Các tiểu đoàn bên kia sông dường như là chuyên hoang đường. Không hề có dấu vết của họ”.
(57) A General of the Secret Service, trang 96.
(58) Phỏng vấn Tu Cang; câu chuyện này cũng xuất hiện trong cuốn A General of the Secret Service, trang 96-97.
(59) Dangerous Company, trang 138-139.
(60) “Reds Showed No Mercy in Slaying 4 Newsmen”. Tạp chí Time, 10-5-1968. Một phóng viên, là Frank Palmos, 28 tuổi, là nhà báo tự do người Úc, đã trốn thoát và kể lại câu chuyện.
(61) Sách đã dẫn.
(62) Phỏng vấn Ẩn và được Rufus Phillips chứng thực.
(63) William C. Westmoreland, A Soldier Reports (New York: Nhà xuất bản Doubleday, 1976), trang 103.
(64) Ẩn nói với Bob Shaplen vào tháng 3-1965: “Ẩn - trong số 260 ấp chiến lược ở Long An, chỉ có chừng 30 cái là còn tạm ổn. Stillwell cho rằng phải mất sáu tháng để làm sạch riêng vùng Long An và đó là một ước tính lạc quan”. Ghi chép trong chuyến đi tháng 2 và 3-1965, Hộc 91, Tài liệu của Shaplen.
(65) Zalin Grant, thư gửi biên tập viên, tạp chí New Yorker, 4-7-2005, trang 6. Các blogger bảo thủ cáo buộc Ẩn “ăn tiẻn người Mỹ rồi giúp giết người Mỹ”. Ông ta là “một kẻ phản bội và là một tên gián điệp với những nỗ lực tàn ác của mình đã giúp gây ra cái chết và tàn tật của hàng ngàn người”.
(66) “Với ông Grant, ông ấy cũng chia sẻ một điểm chung với ông Ẩn: Tôi cũng thuê ông ấy làm việc cho văn phòng Sài Gòn. Với việc ông Grant có kinh nghiệm trong vai trò là một sĩ quan tình báo của Lục quân tại Việt Nam, tôi cảm thấy khó hiểu khi ông ấy viết rằng 'Ẩn đã biến các phóng viên Time thành những điệp viên vô tình cho Hà Nội.'“ Thư của McCulloch, không được đăng.
(67) Trường hợp này cũng được bàn đến trong bài “Tầm vóc nhà tình báo cách mạng Phạm Xuân Ẩn”. “Người của Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo hằng ngày đến theo dõi, ghi âm những ai phát ngôn 'có lợi cho cộng sản’. Ông Ẩn có thể đoán được ai là 'thân Cộng' và thường âm thầm bảo vệ bằng cách nói to lên, lấn át tiếng nói của người đó. Kết quả là những cuốn băng ghi âm 'những chuyên quan trọng' đều không nghe thấy gì ngoài tiếng nói của Phạm Xuân Ẩn”. http://www.vnn.vn/psks/2005/04/412007.
(68) Lost Over Laos, trang 69.
(69) Những người khác được Tuyến chiêu mộ còn có Nguyễn Bá Vương, Lê Văn Tư và Nguyễn Văn.
(70) Đáp lại cuộc tiến quân vào Campuchia năm 1970 của Nixon, Quốc hội đã ra luật chống bất cứ cuộc tiến quân xuyên biên giới nào của lực lượng mặt đất Mỹ, điều đó có nghĩa là bất cứ cuộc tiến quân nào vào Lào về sau sẽ do Quân lực VNCH tiến hành với sự yếm trợ của không quân và pháo binh Mỹ đóng tại Nam Việt Nam. Với sự thành công của chiến dịch tấn công vào Campuchia và việc đóng cửa cảng Sihanoukville, Đường mòn Hồ Chí Minh ở Lào trở thành mục tiêu kế tiếp trong các kế hoạch chiến đấu của VNCH và Mỹ nhằm cắt đứt hoạt động chi viện vào miền Nam Việt Nam. Đường mòn Hồ Chí Minh là một mạng lưới đường sá có tổng chiều dài khoảng 2.500 km chạy dọc cán chảo Lào và song song với đường biên giới dài 1.000 km giữa hai nước. Bắc Việt thâm nhập và chi viện vào vùng Cao nguyên Trung phần theo Đường mòn này thông qua lãnh thổ Lào và Campuchia.
(71) Lost Over Laos, trang 99.
(72) “Ghi chép”, Hộc 91, Tệp 20, Tài liệu của Shaplen.
(73) Cao Văn Viên và Đồng Văn Khuyên, Reflections on the Vietnam War (Washington, DC: Trung tâm Lịch sử Lục quân Mỹ, 1980), trang 100-1.
(74) Hộc 93, Tài liệu của Shaplen.
(75) “Năm 1964, họ lại có quyết định tương tự. Khi Diệm bị phế truất, họ cho rằng người Mỹ sẽ thỏa hiệp để chấm dứt chiến tranh nhung chúng ta đã không làm vậy. Cuối năm 1964, ủy ban Trung ương họp bàn và đi đến quyết định mở cuộc tổng tấn công vào năm 1965, không cho rằng người Mỹ sẽ phản ứng; như cách chúng ta đã phản ứng thay vì thỏa hiệp. Họ nhìn thấy cơ hội tiến tới thương lượng vào lúc bấy giờ hoặc là đưa lính chiến của Mỹ vào, và chúng ta đã đưa vào. Rồi họ nhln thấy khả năng chiến tranh sẽ kéo dài, chiến tranh cục bộ hoặc mở rộng… Vì thế khi chúng ta đua lực lượng chiến đấu sang vào năm 1965, họ biết rằng cuộc chiến sẽ kéo dài…” Hộc 93, Tài liệu của Shaplen.
(76) “Trong chiến dịch Lam Sơn 719, họ được tin Nam Việt Nam sẽ triển khai 30.000 quân, 400 trực thăng, v.v, máy bay chiến thuật và B-52. Vì thế họ học cách thức chống lại tất cả những thứ này. Họ nhận thấy chúng ta đang sẵn sàng huy động tối đa không lực (vì thế lần này họ không bị bất ngờ, có lẽ ngoại trừ sự hiệu quả của hệ thống hỏa tiễn TOW và bom thông minh). Nhưng theo tài liệu của họ, thì họ cho rằng chúng ta có thể dùng vũ khí hạt nhân chiến thuật và sử dụng hai sư đoàn để tấn công vào Bắc Việt. Mục tiêu của họ là khiến Không quân Mỹ phải dàn mỏng ra để hỗ trợ nhiều chiến trường. Rồi họ tấn công nhiều đơn vị của Việt Nam Cộng hòa, tách nhỏ các đơn vị này, làm cho không quân ta phải dàn mỏng ra tới mức cao nhất. Mục tiêu khác là tấn công vào chương trình bình định hóa và đạt được các mục tiêu chính trị - 10 điểm… Sớm muộn gì người Mỹ cũng nhượng bộ để chấm dứt chiến tranh để họ có thể đưa cán bộ tới nằm vùng ở nông thôn… Đảng Cộng sản sẽ lấp đầy khoáng trống ở nông thôn và đó là chương trình của hè năm nay và sang năm. PT” (nghĩa là “point!”, tức là “điểm chính”). Hộc 93, Tai liệu của Shaplen.
(77) “Ẩn nói rằng họ sử dụng thêm nhiều vũ khí hiện đại, pháo, v.v, nhung vẫn không dồn hết lực lượng bất chấp những điều mà Abe nói”. PT “Chúng ta lại diễn dịch sai chiến lược của họ và họ đánh giá chúng ta chính xác hơn. (Nên họ không bị bắt ngờ)”. PT “Dân Việt để ngỏ mục tiêu của mình. Chúng ta gán cho họ những mục tiêu, thậm chí là rất cụ thể, như Huế chẳng hạn, và đó là sai lầm. Họ vẫn để ngỏ. Cộng sản không ngu ngốc đâm đầu vào Huế, không tiến vào. Họ quá thông minh trong hành động, họ phải chọn địa hình và chuẩn bị sẵn sàng. Và lúc đó cuộc chiến sẽ không chính quy cho lắm, như chúng ta nghĩ… Người dân giờ đây không nổi dậy bằng tay không. Đảng Cộng sản phải có quân đội sẵn sàng, đủ mạnh để bảo vệ các cuộc nổi dậy một khi chúng diễn ra, họ nhận ra điều này sau Tết Mậu Thân. PT” “Trong khi đó - phương pháp tiếp cận pháp lý, kết thúc chiến tranh, Mỹ rút, phát động phong trào, nhưng không xuống đường. Tại các đô thị, quận 4, 5, 6 và 7, những quận nghèo, vũ khí được tích trữ để chuẩn bị cho cuộc tấn công chính quy sau này”. PT “Một lần nữa, ông ấy nói, họ đã dự liệu mọi khả năng xảy đến, bao gồm cả bom hạt nhân và cuộc tiến quân ra Bắc Việt, vẫn chuẩn bị chiến đấu lâu dài. Năm nay - một năm đánh nhau có thể bằng mười năm”. “Họ biết rằng Việt Cộng đang yếu đi và họ phải tính toán điều này để giữ sự cân bằng về lực lượng mà họ muốn đạt được”. PT “Đấy là lý do để tấn công bây giờ”.
(78) David DeVoss, “The Quiet Vietnamese: Journalist and Spy Phạm Xuân Ẩn Led a Life of Ambiguity”, tạp chí Weekly Standard, 9-10-2006.