Như một sự bất ngờ, y làm được một chuyến tham quan – du lịch Trung Quốc. Cách nay chưa lâu, chẳng dễ mà làm một chuyến du lịch nước ngoài. Mười lăm ngày ngắn ngủi chẳng cho phép y ghi nhận gì nhiều. Cái “sàng khôn“ y nhặt được e rằng chẳng có ích gì cho ai, dẫu y hay lẩn thẩn liên tưởng với trong nước; có thời TQ còn "cố chấp" hơn VN.
Xây dựng, những ấn tượng.
Với Trung Quốc, từ “vĩ đại” là thừa. Cô phiên dịch kiêm hướng dẫn viên tự hào nói: “Người Trung Quốc đã làm là qui mô và quyết làm bằng đươc.Từ xa xưa là Trường thành. Gần hơn là Cố cung, Di hòa viên. Mới đây là Đại lễ đường.; công trình này làm sau ngày giải phóng Trung Hoa lục địa chưa lâu, lúc ấy dân tình còn đói khổ lắm, vẫn kiên quyết làm”(!)
Trong xây dựng, người Tàu có ý thức tiết kiệm hơn người Việt, dầu mật độ dân ở Việt Nam cao gần gấp đôi ở Trung Quốc. Cũng như ở nhiều nước phương Tây, họ tận dụng không gian trên cao đã đành mà dưới đất nữa. Siêu thị Hoàng-phủ-tỉnh, xây đã lâu, trên mặt đất có gần mười tầng, còn thêm tầng hầm khang trang có thang máy lên xuống. Ga Bắc Kinh tây đồ sộ, hiện đại; Có hai tầng dưới mặt đất, xe lửa vào thành phố này đingầm, không tốn đất, không ô nhiễm môitrường, không ảnh hưởng đến lưu thông bộ. Họ còn dành nhiều đất cho cây xanh. Những nhà cửa xây dựng từ thời mở cửa trở lại đây đều nhiều tầng, kể cả tại các thị tứ nhỏ, và hầu như không có những nhà riêng manh mún, lô xô, rất hiếm những biệt thự. Phổ biến là những nhà tập thể hàng vài chục tầng. Quan hay dân, không ai được phép tự xây nhà. Nhà nước xây bán từng căn hộ cho dân, có thể trả dần trong mười năm. Ba tầng dưới giá như nhau; càng lên cao càng đắt hơn vì được ở thoáng đãng, ít bị ảnh hưởng của môi trường ô nhiễm. Ở Trung Quốc, không có “cửa hàng vỉa hè”, rất ít các cửa hàng nhỏ, lại không được cơi nới, nên người ta không chuộng tầng trệt. Người mua nhà, bất kể quan hay dân, bắt thăm nhận căn hộ của mình, tất nhiên là ứng với giá tiền và được chọn loại căn hộ mình ưng. Mỗi căn hộ đều có đủ thang máy (những lô nhà xây từ rất lâu thì không có, như ở Quảng Châu). Các xí nghiệp điện, nước chịu trách nhiệm trực tiếp với các chủ căn hộ.
Riêng Quế Lâm, cảnh trí thành phố gắn với núi và sông, qui định nghiêm ngặt, nhà cửa chỉ năm sáu tầng hài hòa với cảnh sắc tự nhiên, niềm tự hào của thành phố. Khu nhà cao ngất (nhiều nhất là mười chín tầng) được bố trí ở nơi không lấn át mà trái lại làm tôn hình sông thế núi. Quế Lâm là điểm du lịch hấp dẫn. Y nghĩ tới hồ Gươm của thủ đô Hà Nội, sao mà “long đong” làm vậy! Người ta chỉ chực xây các tòa nhà cao tầng kề bên để biến nó thành cái ao!
(Hỏi ra, vì người ở các nơi dồn về nhiều. Nhất là người Hồ Nam, nghèo, chịu làm việc nặng, độ ba nguyên-gần bốn nghìn đồng tiền Việt-đã tranh nhau làm, mà còn phải qua đầu nậu). Do quản lí chặt chẽ việc xây dựng nhà, tự nhiên không có tình trạng bán đất vô tội vạ. Y lẩm cẩm nghĩ: Cứ kiểu như ở ta hiện nay thì rồi đây đất ở cũng hiếm chứ đừng nói đến đất cho sản xuất. Giá có phương án gom các nhà riêng định xây lại trong các nhà cao tầng được thiết kế theo yêu cầu của những người sử dụng! Mới nghĩ y đã tự thấy buồn cười, khó ai đồng tình. Ông giám đốc một Công ti xây dựng đi trong đoàn với y cho rằng việc huy động tiền của những người muốn làm nhà như vậy là phi lí. “Ở ta-ông ta nhấn mạnh-, ngay vốn xây dựng cơ bản chúng tôi cũng phải ứng trước, lĩnh sau. Ứng trước thì phải chịu lãi ngân hàng. Lĩnh sau thì trầy trật, lắm khi phải “có gì” họ mới trả sớm và trả đủ. Đấy!- ông ta nhếch môi nói thêm- bên A là chùm khế ngọt cho chúng tôi trèo hái như vậy đấy”(!). Nghe nói thế, y đâm ra mủi lòng ái ngại thay. (Y được ghép với đoàn du lịch của một tập đoàn công ti xây dựng quốc doanh. Phụ trách đoàn này bảo y rằng họ phải bỏ tiền túi ra (!). Y thấy đáng nể quá! Bởi y được biết nhiều công ti xây dựng hàng năm vẫn tổ chức các đoàn tham quan du lịch, thường là dưới danh nghĩa “du lịch khảo sát thị trường”, cho các cán bộ chủ chốt từ đội trưởng trở lên và một số nhân viên “cần thiết” như kế toán… Có người, chỉ riêng kể từ năm ngoái đến lúc này, đã bốn lần đi, hai lần trong nước, từ bắc đến tận miền Tây Nam bộ; và hai lần ra nước ngoài, trong đó có lần đến Bắc Kinh này. Một kĩ sư có cha là phó giám đốc ở công ti được “mời đi”, năm trước đã đi Hồng Kông, năm nay đi Trung Quốc. Cha anh ta, năm rồi đi Mĩ, sắp tới sẽ cùng vợ đi Trung Quốc trong một đoàn tương tự đoàn của y. Tiền “chùa” ra sao, không phải phận sự y được biết. Chỉ biết họ đã có kế hoạch đi du lịch bằng máy bay đến Bắc Kinh - Xơ un - Đài bắc - Hồng Kông, nhưng vì muốn cho mấy đợt người đi nữa, e không đủ tiền, tập đoàn mới chủ trương đi đường bộ. Năm sau sẽ tính. Trong khi đó thì công nhân xây dựng "được" nhận đồng lương còm, hoặc ăn lương "chờ việc" để cho công ti nhận nhân công hợp đồng từ nông thôn ra thành thị tìm việc, như vậy sẽ "tiện" nhiều bề cho các vị "đầy tớ dân" đang điều hành công ti! ).
Tản mạn đôi điều trông thấy
Y còn giữ ấn tượng về các khu phố Tàu xưa ở Hải Phòng, Chợ Lớn, xô bồ, nhếch nhác, tuy sầm uất. Ngay ở Paris, có khá hơn, nhưng cũng vẫn gợi lên cái gì rối rắm. Các thành phố Trung Quốc mà y tới đều có vẻ phong quang, bề thế. Sầm uất, nhộn nhịp nhưng không lộn xộn. Và đúng là “hè thoáng”. Không có những “quán cóc”, những "nhà hàng vỉa hè" đã đành, mà cũng không thấy những sạp hàng trong các cửa hiệu “phè” ra hoặc chường ra “dí” vào mắt người đi đường. Nhưng “đường thông” thì… ở Nam Ninh, ở Quảng Châu, và ngay tại Bắc Kinh, nơi đã có xe điện ngầm, lắm khi xe phải dừng lâu nối đuôi nhau. Và tại các ngã tư có đèn xanh đèn đỏ vào các giờ cao điểm cũng khá lôn xộn, gần bằng...Việt Nam. Cái khác bên ta là ở những con đường có sự phân cách xe cơ giới với xe thô sơ, chưa thấy trường hợp nào xe đạp thản nhiên “đường ta, ta cứ đi” trên phần đường dành cho ô tô. Cũng khác ở Việt Nam, xe ô tô tại các thành phố Trung Quốc mà y tới, không mấy sang trọng, không nhiều những xe Nhật, Mĩ, Tây Âu “đời mới”. Còn gặp rất nhiều xe Vôn-ga, xe La-đa, những thứ xe ở ta hình như đã cho vào “nhà bảo tàng”, nếu quả có một nhà bảo tàng xe. Ở đây xe đạp nhiều như ở Hà Nội vào thời hoàng kim của phương tiện này. Mà không sang bằng. Chủ yếu là các loại Phượng hoàng, Vĩnh cửu, trước đây một thời hay thấy tại nước ta. Y chưa gặp chiếc mi-ni nào, loại xe người Trung Quốc xuất ê hề sang ta. Thành phố nào cũng nhiều xe buýt và được ưa chuộng. Xe taxi cũng lắm. Ở Quảng Châu, thấy có những người đứng bên xe máy đầu đội mũ bảo hiểm, lại còn một chiếc mũ thứ hai nơi tay lái đằng trước, thì ra đó là những người lái xe “ôm”, - chiếc mũ thứ hai là dành cho khách, một qui định bắt buộc.
Khu y trọ chẳng thuộc Bắc Kinh hiện đại, mà cũng chẳng phải là Bắc Kinh cổ. Một lần, y thử đi vào mấy ngõ xem. Thẳng, trải nhựa, xe con vào được. Nhà cửa không nhiều, nhỏ và hẹp, không chen chúc, không lấn đường. Có chỗ vẫn có lề đường. Một chỗ lề đường trồng cây và hoa. Phần lớn là hồi nhà, có nơi là cửa sổ mở trông ra. Không thấy cửa ngách đầu hồi, hoặc cạnh nhà kiểu “tranh thủ” như bên nước ta. Không thấy trẻ em chơi đùa, đá bóng,… Cần mở một dấu ngoặc: Trong chuyến đi, y rất ít gặp trẻ con, càng rất ít thấy trẻ con sàn sàn tuổi nhau. Qui định “một cặp vợ chồng-một con” được thực hiện nghêm ngặt. Đứa con ngoài tiêu chuẩn dứt khoát không được có hộ khẩu. Mà không có hộ khẩu ở nước này thì “rất” phiền trong đời sống, học hành, tìm việc làm. Cô hướng dẫn viên nói: “Dân “làm ăn” bảo có ba thứ khó lọt: "hộ khẩu Trung cộng, cảnh sát Hồng Kông, ma-phi-a Mĩ”(?).
Tối cuối cùng ngủ tại Bắc Kinh, y đi loanh quanh mấy phố quanh khách sạn y ngụ. Trên đường, nhiều ô tô, một ít xe đạp, hầu như không có người đi bộ dạo phố. Đường và hè đường khá sạch; lâu lâu mới gặp một mẩu giấy hoặc một mẩu đầu thuốc lá. Y sực nhớ đêm đầu tiên ở Bắc Kinh trên quảng trường Thiên An Môn. Khá đông người, mặt đất đầy giấy gói kẹo bánh, đầu thuốc lá… Y đã nghĩ: “Bên mình, đường phố nhiều rác hơn nhưng ở quảng trường Ba Đình không thế này”. Đêm hôm đó, trời mưa. Hôm sau, dưới trời mưa rét, y và đoàn du lịch ra quảng trường ấy đã thấy sạch bong. Vậy là khuya hôm qua người ta đã làm vệ sinh cẩn thận.
dùng chung mà y biết từ khi đến nước này. Mà lại thu lệ phí hẳn hoi! Trở ra, y nói bằng tiếng Anh (“giả cầy” thôi) với ba nhân viên đang ngồi ở bàn thu tiền: “Bẩn quá!”. Nhưng họ chỉ giương mắt nhìn. Tại mấy cửa hàng ăn ở các nơi nườm nượp khách, vệ sinh lại khá sạch, thường xuyên có người quét dọn. Tất nhiên, khách xài miễn phí.
Phát huy tối đa “công suất“ của các điểm du lịch
Khỏi phải khen các di tích lịch sử và các thắng cảnh của Trung Quốc. Điều đáng nói trước tiên là họ bảo vệ rất kĩ. Nếu như ở Huế của ta chẳng hạn, du khách có thể tự do sờ hiện vật trong Thế miếu, thậm chí có ai lấy đi vật gì có khi cũng chẳng ai hay, thì ở Cố cung, ở Thiên đàn,... phòng nào mà các hiện vật không được bày trong tủ kính, du khách chỉ có thể đứng ngoài nhìn vào, bị ngăn cách bởi dây xích sắt hoặc thanh ngăn. Một cậu kĩ sư định thó một viên gạch ở Vạn-lí-trường-thành mà đành chịu vì du khách không được mang túi theo. Một số nơi cấm quay phím, chắc để bảo vệ các nước sơn, màu vẽ. Có một ngôi chùa, chẳng phải là điểm du lịch, được rào dây thép gai trên các đầu tường chu đáo. Hỏi, được biết để bảo về cho những pho tượng gỗ quí trong chùa. Ai đó chắc chạnh lòng cho chùa của ta.
Cảnh quan và môi trường các điểm du lịch cũng rất được giữ gìn. Sạch sẽ, ngăn nắp, trật tự. Các cửa hàng bán đồ lưu niệm, bán các nhu yếu phẩm cho vãng khách đều ở vòng ngoài và không ảnh hưởng đến sự chiêm ngưỡng cảnh trí. Các cửa hàng ăn, giải khát càng được xếp đặt cẩn trọng hơn. Không có các cửa hàng mọc vô tội vạ. Không có chuyện chèo kéo du khách mua hàng. Không thấy có người ăn xin. Các hang động có bàn thờ Phật, thờ thần thánh, với các pho tượng uy nghi, nhưng không thấy dập dìu người lễ bái. Một bát hương nhỏ trên mỗi bàn thờ không nhiều những chân hương lạnh. Không như du khách trong nước mà y đã nhiều lần chứng kiến hễ thấy đâu có bàn thờ, bát hương, chẳng cần biết thờ gì, thờ ai, là xúm đến khấn vái, du khách nước họ chỉ có tham quan, vãng cảnh. Trong các động có nhiều chỗ khá rộng. Nếu như..., y liên tưởng đến động Hương Tích – “Nam thiên đệ nhất động”- ngày hội đầy phè hàng quán chỉ dành cho du khách một lối đi hẹp, đằng sau các hàng quán là hố rác. Mùi nhang cố át mùi mồ hôi và các mùi uế tạp do các quán hàng, nghẹt thở. Người chen nhau vái lưng nhau. Nhưng ngày thường lại vắng teo. Lẽ ra có thể tạo thành điểm du lịch thường xuyên,-có thừa điều kiện để làm việc đó-, người ta chỉ chăm lo được điểm lễ hội. (Như vậy lợi hơn chăng?). Y nghĩ buồn: nhiều nghi lễ cúng tế người Việt học của người Tàu mà xem ra lúc này bên mình lại vượt xa họ.
Chẳng phải dễ mà hút được du khách trong và ngoài nước, cho dù cảnh trí tự nó đã có sức hấp dẫn. Động Phong Nha ở Quảng Bình của ta chẳng đã được các nhà khoa học Anh cho là vào loại nhất thế giới đó sao! Vậy mà... Người Trung Quốc đổ nhiều công của vào các thắng cảnh và di tích. Và làm rất nhanh. Động Y Linh ở Nam Ninh được phát hiện năm 1973, tu bổ năm 1974, và đưa vào sử dụng năm 1975. Ngoài các cơ sở hạ tầng tạo thuận lợi cho du khách tới tham quan, họ đã gia công rất nhiều để tôn tạo và “biến hóa” động thành một “kho” cổ tích, thần thoại,..., chủ yếu là sử dụng ánh sáng màu đúng chỗ và đúng lúc, và tận dụng các hình thù, đường nét, các cảnh sắc trong hang làm phong phú cái nhìn và óc tưởng tượng. Họ “hóa” các cảnh thiên đình, cảnh thủy cung, cảnh nông thôn (nông thôn đang ngủ, nông thôn vừa thức dậy, nông thôn đang làm việc). Một vệt thạch nhũ vắt qua vòm hang thành cảnh “ả Chức, chàng Ngưu và cầu Ô Thước”. Một góc hang xù xì thành một cảnh khá nhộn: ba ông cháu đang gặt lúa, đống lúa đầy bị vẹt một bên là do con voi quơ trộm, nên nó bị ông lão cắt mất vòi. Họ tận dụng nước trong hang, đắp ngăn lại, tùy lúc thích hợp cho phản ánh cảnh sắc bầu trời (trần hang). Thậm chí, một vũng nước nhỏ cũng cho hình rồng lượn. Trong gần hai giờ, du khách bị hút theo ánh sáng điện mở, tắt dẫn đường và soi rọi cảnh gần, cảnh xa, biến đổi sắc màu, hình thù; ánh đèn pin trong tay người hướngdẫn và thuyếtminh, -đóng vai trò chiếc gậy trong tay người thuyết trình triển lãm; và lời thuyết minh,–nhất là lời thuyết minh. Y chỉ hiểu lời qua người phiên dịch mà vẫn cảm nhận được những âm sắc, hoặc trang trọng, hoặc trữ tình, hoặc hài hước vui nhộn, trước hết là vui nhộn:
- Đây là đường chạy thi giữa thỏ và rùa. Thỏ đang nằm khểnh ngủ (cảnh hiện ra, có thể hình dung đúng như thế thật). Vậy rùa đâu rồi? Chúng ta sẽ tìm. (Thỉnh thoảng lại được nhắc lại ở vài chặng. Cuối hành trình xem hang mới lại gặp rùa “đã đến đích trước thỏ”).
- Đây là cảnh Tây du thỉnh kinh. Đây là ĐườngTăng. Đây là Tôn Ngộ Không. Đây là Trư Bát Giới. Còn Sa Tăng à? Sa Tăng đang ngủ trong vườn không thấy được đâu. Đường Tăng cưỡi ngựa. (Có tiếng nói to trong đám du khách). Không phải ngựa thì là gì? Là cừu à. Ờ, cách đây hơn nghìn năm thì ngựa có thể giống cừu được chứ.
Đại loại như vậy, rất nhiều cảnh, rất nhiều chuyện. Công của các người thiết kế, của các người thi công, của cả người hướng dẫn và thuyết minh rất có “tay nghề”. Thiếu nhi vào đây chắc là thích, bởi sống động hơn đọc sách, xem tranh. Phiền một chút, y nghĩ, có chỗ hơi lạm dụng sự gia công, đắp hoặc gắn, không chỉ ở một nơi.
Các di tích, các thắng cảnh ở Trung Quốc không thấy có dấu hiệu xuống cấp, không gây cảm tưởng bị bỏ bê. Thấy rất rõ người ta biết tận dụng khai thác cho “công nghiệp không khói”, nhưng người ta cũng biết chăm chút giữ gìn, tu sửa.
Các bạn đồng hành trầm trồ: Thành Huế mô phỏng thành cổ Bắc Kinh; cung điện y hệt Cố cung, chỉ nhỏ hơn. Y dè dặt phân giải: Thành Huế xây theo kiểu Vô-băng (Vauban) của Pháp; còn cung điện ở Huế có chịu ảnh hưởng kiến trúc Trung Hoa nhưng có những điểm khác, cứ nhìn mái nhà chẳng hạn cũng thấy được. Nhưng xem ra chẳng thuyết phục được ai.
Một chút liên tưởng của y: Cố cung Bắc Kinh thâm nghiêm trong một không gian khép kín, kể cả vườn ngự uyển. Còn cung điện Vecxay -Pari lại ngự nơi một cảnh trí mở ra bao la vườn cây, hồ nước,... Phải chăng đó cũng là khía cạnh khác nhau, hướng nội, hướng ngoại, giữa Đông và Tây?
Một bất ngờ mà chẳng gây ngạc nhiên. Đến thăm “Uyển văn vật dân tộc” ở Nam Ninh – một công viên qui tụ những đặc điểm văn hóa các dân tộc trong khu tự trị- vừa qua cổng gác, một mô hình mặt trống đồng khổng lồ đường kính hàng chục mét đập ngay vào mắt. Thế giới đều coi Việt Nam là cái nôi của trống đồng, nơi trống đồng được phát hiện nhiều nhất và điểm di chỉ trống đồng dày đặc nhất. Song y biết, ở Hoa Nam, cũng như ở nhiều nước Đông nam Á khác, cũng tìm được trống đồng. Đến công viên này, người ta có thể tưởng đâu rằng “đại bản doanh” của trống đồng là đất Quảng Tây; bởi ở Việt Nam trống đồng chỉ náu mình (hay lại ngủ yên?) trong các phòng bảo tàng và trên các trang sử.
Du lịch và tiêu tiền
Nghe nói, ngày trước người ta đi du lịch là rắc con và rắc tiền. Trong chuyến đi của y, chuyện “rắc” thứ nhất là không có, còn chuyện ”rắc” thứ hai hẳn đã khác xưa.
Vừa qua biên giới, đã thấy đông người như là xếp hàng đón. Họ mến khách quá xá! Hóa ra “Có gì bán không?”. Câu hỏi thật không đúng đối tượng. Chuyện hàng họ, mua bán, y rất mơ hồ, y là một thứ “xã Quých ra tỉnh”. Đoàn mà y đi cùng thì không thế. Họ mang theo bộn tiền để đổi ra tiền sở tại, có người đến ba bốn chục triệu đồng tiền Việt. Họ biết hàng Trung Quốc lậu thuế bán ở Việt Nam vẫn là đắt hơn ở gốc. Huống chi hầu hết hàng kém, hàng ế đều đánh sang Việt Nam, những hàng này ở Trung Quốc “bán một, biếu một cũng chẳng xong”, theo chính lời cô hướng dẫn người Tàu. Chàng kĩ sư nói trên chưa đến ba mươi tuổi “gì cũng biết” như lời ông giám đốc cùng đi. Ông này, tuy vẫn tỏ ra bề trên, nói: “Tương lai thuộc về những người như nó”. Anh ta rất được tán thưởng trong đoàn, kể cả những câu đùa kiểu như: “Cháu cũng định mua cái dải rút như của chú phó đoàn, à quên, cái cà-vạt, nhưng không thích nữa”, kể cả những câu phán kì quặc (“Văn Cao là “gián điệp” làm hỏng hình ảnh văn nghệ sĩ”-anh bạn cho rằng việc trừ gian của nhạc sĩ Văn Cao là làm “gián điệp”). Cậu mua rất nhiều thứ, từ chiếc quạt giấy có vẽ tranh lọại “bờ hồ” bên ta mà giá chẳng rẻ, đến đồ ngọc và bình hoa cao cấp, và lôi cuốn nhiều người mua theo. “Thích thì đắt mấy tôi cũng chơi”.
Các vị hào phóng xài tiền, tất nhiên là cho mình. Một lần, người lái xe, qua cô phiên dịch, tỏ ra tiếc tiền hộ, một phó giám đốc tổ chức đáp: “Chẳng can gì. Đã đi du lịch thì không tiếc tiền”. Khi có người tỏ ý khó mang hàng qua biên giới, cũng vị này nói: “Hồi trước, tôi buôn lậu bằng xe máy, lưới công an và thuế vụ mấy cũng lọt nữa là, bây giờ thấm vào đâu, chẳng phải là buôn”.
Khác với y, thấy người Tàu có những cái để học, các vị cho là họ “chỉ thích ăn, không thích mua sắm, không cần ở nên thịnh hành nhà ở tập thể (!)”. Họ cũng “không biết mặc (!)” (nghe nói dân Thượng Hải ăn diện ngất trời, nhưng y chỉ im lặng). Ở Bắc Kinh, thấy một xe lôi chở hàng đậu bên đường, ông giám đốc công ti bảo: “Chứng tỏ họ nghèo, thô sơ”!. Bữa nọ, đoàn theo chân cô hướng dẫn viên vào nhà một người bà con của cô ở Quảng Châu. Hai vợ chồng còn trẻ. Vợ ở nhà chờ sinh đứa con đầu lòng. Chồng làm ở bộ phận xuất cảnh, lương tháng bốn nghìn nguyên (hơn năm triệu VNĐ), ngoài ra còn làm thêm cho tư nhân. Họ mua một căn hộ trong một chung cư mười hai tầng của nhà nước hết khoảng ba trăm triệu tiền Việt, gồm ba buồng và một tiền sảnh nhỏ, tất cả rộng sáu mươi mét vuông, chưa kể các công trình phụ khá hiện đại. Trong phòng khách có một bộ salon loại sang, một máy thu hình màu Sony 29 inchs giá hơn mười triệu đồng tiền Việt (ở VN hồi này máy thu hình màu còn hiếm và thường chỉ 14 inchs). Hiên nhà, có cây cảnh, bể cá vàng. Cô hướng dẫn viên nói tám mươi phần trăm dân đô thị Trung Quốc có mức sống như vậy trở lên. Y nghĩ có thể đó là phát ngôn của “lòng tự hào dân tộc”, nhưng chắc không xa sự thực nhiều. Các vị trong đoàn bảo: “Thế cũng chưa là mùi gì”. Các vị đều có nhà lầu riêng, và “trong nhà chẳng thiếu thứ gì” như lời một người khoe. Ngoài ra, chẳng hạn, thấy cái lọ sứ cao khoảng hai mét giá chừng hai chục triệu đồng tiền Việt, mấy người tiếc rẻ vì không có cách gì chở đi”. Như vậy thì những cảm nghĩ kia chẳng lạ. Ông giám đốc “12 năm, 9 đời xe con”, cái sau “đời mới” hơn cái trước, thì thấy xe cộ trên đường phố T.Q. “ít hiện đại hoá” cũng phải. “Chủ nghĩa xã hội là gì? -ông giám đốc giảng giải- là thu nhập cao bằng bất cứ giá nào”. Vậy thì các vị có chủ nghĩa xã hội đứt đuôi rồi. Ông này lắm khi hùng biện rất ngộ. Một lần tranh luận về thực hiện luật lệ giao thông, ông ta nói: “Vấn đề là theo luật. Ở các ngã tư không có đèn đỏ, đèn xanh, ai tranh thủ đi thế nào thì cứ đi (!)”. Áp dụng qui tắc “theo luật” kiểu này vào chuyện “thu nhập” thì không chỉ có “tai nạn giao thông”!
Kinh tế thị trường chẳng vô can
Mỗi lần vào cửa một điểm du lịch, y lại nghe hướng dẫn viên dặn: “Chớ có nói gì cả!”. Vỡ nhẽ ra là để khỏi lộ người ngoại quốc, cứ mua vé theo tiêu chuẩn người “trong nước”. Bọn y khoán trọn gói cho phía Trung Quốc. Phía bạn cử người hướng dẫn và phiên dịch chịu trách nhiệm toàn bộ nên họ có những “mánh” dè sẻn chi. Có những điểm du lịch, mua vé vào cửa rồi còn phải mua vé vào những điểm riêng. Thường thì chẳng đừng được hướng dẫn viên mới mua vé loại này, còn thì lờ đi như trường hợp Tản-vân-cung ở Di hoà viên, hoặc kêu mệt để mặc du khách tự đi như ở công viên Việt Tú -Quảng Châu. Được cái cô hướng dẫn kiêm phiên dịch này rất tận tình phục vụ các vị cần mua sắm. Cô đã có kinh nghiệm với các đoàn trước: đi “du” bằng tiền “chùa” rồi, phải có chỗ để tiêu tiền riêng chứ! Do vậy, chuyện tham quan chẳng phải lúc nào cũng hàng đầu! Dựa vào tâm lí ấy của khách, một số điểm du lịch trong chương trình đã bị “quên” đi. Ở Quảng Châu, hướng dẫn viên khuyên nên ghé thăm một viện nghiên cứu Trung y dược, ở đó sẽ có hướng dẫn và biểu diễn chữa bệnh bằng xoa bóp, bấm huyệt không lấy tiền. Thoạt tiên, một chàng trẻ tuổi nói tiếng Việt chưa sõi lắm (học tiếng Việt ở đại học Quảng Châu) lên giới thiệu các loại thuốc và trình diễn hai màn minh hoạ công dụng của thuốc:
- Màn một: Một xích sắt nung đỏ được đưa ra. Chàng giới thiệu xoa vào tay thứ gì đó rồi chạm nhanh bàn tay vào dây xích, sau đó bôi một thứ kem màu trắng vào. Kem này được giới thiệu là để chữa ngứa, chữa thấp khớp và nhiều bệnh nữa. Sau vài phút, anh ta chìa tay cho xem: “không rộp, không sẹo”.
- Màn hai: Người ta đưa ra một cốc nước màu đỏ bảo là máu. Xé một đầu mẩu thuốc lá đã hút dở vào khuấy lên. Cốc nước lập tức đen kịt. “Đấy! ni-cô-tin làm cho máu đen như vậy đấy!”. Xong đổ một thứ thuốc nước vào lắc lắc. Nước trong cốc nhanh chóng đỏ trở lại. “Đấy! máu đã được lọc sạch!”. Thuốc này được giới thiệu là để chữa ngộ độc, chữa bệnh thận.v.v... Y không nhớ hết.
- Tiếp theo, coi như màn ba: Bốn bác sĩ ra xin chữa bệnh bằng xoa bóp, bấm huyệt, chỉ để biểu diễn thôi.
Trông thấy hai mục trên, y bị bất ngờ vì không nghĩ rằng lại gặp nơi đây các trò diễn bán thuốc ở các chợ mà thuở bé y hay xem. Nhưng vì tò mò, y cũng “nhảy” vào để được chữa (“Chẳng mất gì”, y tự nhủ. Nhưng y nhầm!). Y được xoa nắn khá kỹ. Xong, bác sĩ bắt mạch y, bảo, qua phiên dịch: “Ông bị thấp khớp và thận kém”, và đưa ra hai loại thuốc, những thứ vừa trình diễn, bảo mua. Y nói, y không hề bị thấp khớp, nhưng bác sĩ rồi thêm một cô gái nữa đến thuyết phục y. Vì ngôn ngữ bất đồng nên cứ nhùng nhằng. Chàng thanh niên trọ trẹ tiếng Việt đến bảo: ”Người Việt Nam đi du lịch mà thiếu tiền ư?”. Xem ra họ hiểu các đoàn du lịch Việt Nam lắm lắm). Y thật khó nghĩ, đã trót “được khám bệnh không mất tiền” rồi. Giá không chứng kiến, nhất là màn hai, thì đã nhắm mắt mua một lọ cho xong (Lọ thuốc rẻ nhất cũng tới gần hai trăm nghìn đồng tiền Việt. Mà liều dùng tối thiểu là ba lọ). Khi ấy có mấy vị trong đoàn mua thuốc, lẽ ra khuyên ngăn thì y lại thở phào, điều mà mỗi lần nhớ lại, y thấy mình thật tệ. Trên đường về, y nói cảm nghĩ của mình: “Thuốc có thể là thuốc thật, tuy có công hiệu hay không chưa biết. Có điều, chẳng biết họ coi trình độ chúng ta ra sao, mấy màn trình diễn không “hay” lắm”. Một vị đáng kính nói ngay: “Cho xem trình diễn tận mắt như thế là ‘hay’ quá đi chứ!”. Lần này thì vị ta được ít người hưởng ứng. Y nhớ tới lời một cán bộ sứ quán Việt Nam mà đoàn gặp trong chuyến tàu Nam Ninh - Quế Lâm: “Hãy cẩn thận! Bọn hướng dẫn kiêm phiên dịch dẫn khách đi mua hàng đều ăn hoa hồng của nơi bán cả đấy”. Nhưng ông ta không được những người trong đoàn coi trọng. “Không có dáng một nhà ngoại giao như ông ta tự xưng”. Chàng kĩ sư “gì cũng biết” phán, và được phụ hoạ: “Ừ, xách cặp cho L. chưa đáng” (L. là tên cậu kĩ sư kia).
Điều tâm niệm khi đến Quảng Châu
Y loanh quanh mãi trên Hoàng Hoa Cương. Trước khi đến Quảng Châu, y đinh ninh sẽ dễ dàng tìm thấy mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái. Hỏi hướng dẫn viên, không biết. Hỏi mấy người già gặp quanh đài kỉ niệm cũng chẳng ai biết. Trong đoàn, chẳng người nào biết Phạm Hồng Thái là ai, dẫu nhiều người có bằng đại học, dẫu hầu hết là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, kể cả ông giám đốc đã bước vào tuổi sáu mươi. Cậu kĩ sư “gì cũng biết” lên tiếng: “Phạm Hồng Thái là chồng của Nguyễh thị Minh Khai chứ gì?”. “Không, chồng Minh Khai là Lê Hồng Phong?”. Anh ta buông một câu xanh lè: “Thôi, cứ để ông ta là chồng Nguyễn thị Minh Khai cũng được”. Có mấy tiếng cười đồng lõa, và thêm một tiếng đế: “Vì đều là Hồng cả mà ”. ( Chao ôi, nếu không tự mình tai nghe mắt thấy thì y khó lòng mà tin có những lời như thế ở những người như thế! Không nói chuyện ý thức chính trị và hiểu biết lịch sử). Y bèn kể sự tích Phạm Hồng Thái cùng tiếng bom Sa Điện, tiếng nổ trong vụ giết hụt viên toàn quyền Pháp cai trị Đông Dương từng gây chấn động dư luận lúc bấy giờ, và phàn nàn: “đã đến đây không viếng mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái thì dở quá”. Trưởng đoàn, một người còn trẻ, dễ mến, và hai người nữa cùng đi tìm với y. Giờ lâu, đang thất vọng thì một người bỗng tách ra đi vào phía sau một con đường thẳng tắp hơi uốn võng ở giữa, như là có hồn người liệt sĩ xui khiến vậy. Lát sau, anh ta quay lại báo tin:”Tìm thấy rồi!”. Đúng vậy, một lăng mộ xây trang trọng, bao quanh nửa là tường thấp nửa là lan can, có nhiều bậc đi lên cái bệ hình chữ nhật đắp nổi ở giữa, trên đó dựng cao một tấm bia chừng hai mét đắp nổi những hàng chữ Việt và chữ Hán tên liệt sĩ cùng ngày sinh, ngày mất. Bảng khắc ghi công tích liệt sĩ bằng chữ Hán đặt trên một cái cột phía trước chếch mé trái. Quanh bệ có các chậu cây và chậu hoa; một bát hương đặt dưới chân bia. Phía trước hai hàng chậu hoa nhỏ xếp thẳng hàng hai bên lối đi. Màu đỏ, màu vàng của hoa ấm lên trong chiều muộn ngày thu. Có lẽ là hoa của Việt kiều. Xế phía sau, có nấm mộ tròn của một người quê ở Ninh Thuận mất năm 1957, chắc là một cán bộ Việt Nam công tác nước ngoài. Vậy là, y nhủ lòng, liệt sĩ không quạnh quẽ nơi đất khách. Cõi u minh hẳn không phân biệt quốc tịch, giống nòi, nhưng có người đồng hương vẫn hơn. Chẳng hiểu công ti du lịch phía Việt Nam đưa “thăm Hoàng Hoa Cương ở Quảng Châu”, một địa điểm ít nổi về mặt du lịch, vào chương trình là có dụng ý không. Xem ra, có thể thấy, qua cô hướng dẫn viên, không mấy du khách Việt Nam đến đây quan tâm đến mộ Phạm liệt sĩ.
Đến Quảng Châu, y còn muốn đến phố Văn Minh và khu Sa Điện cùng sông Châu-giang, nơi liệt sĩ Phạm hi sinh. Nhưng cả đoàn, trừ y, chẳng ai nhắc đến. Buổi cuối cùng ở Quảng Châu, họ dành để ra chợ trời quần áo. Cô hướng dẫn viên bảo hàng ở đây hiếm bán ở Việt Nam tất nhiên rẻ hơn nhiều, và có thể tìm đến nguồn lậu thuế.
Thấy và biết, chẳng dễ chút nào
Nghĩ về một đất nước có hơn một tỉ hai trăm triệu dân, cứ tưởng đặc người và đặc nhà. Song, có những vùng mà y ngồi xe lửa đi qua ngoài các đô thị, chỉ thưa thớt làng mạc, nhà cửa.
Ai cũng biết Trung Quốc đang tiến rất nhanh trên con đường hiện đại hoá, và có những mặt đã sánh được với những nước đã rất phá triển. Vậy mà trên đồng ruộng hai lần y chỉ gặp con trâu và cái cày của ngàn năm cũ. Y nhớ nhất một mẩu nông thôn thanh bình: bầy vịt như những miếng xốp trắng bồng bềnh trên mặt một cái ao.
Đúng như tiếng tăm về một xã hội có kỉ luật nghiêm, không thấy có “gái đứng đường”, nhưng tại một khách sạn ở Nam Ninh, nơi tầng giữa kề phòng ăn là chỗ “mat-xa” với một hành lang nhập động đầy những tượng đắp nổi những cô gái khoả thân đủ các kiểu khêu gợi
“Ăn Tàu” và “đãi khách của người Tàu” đã nổi tiếng từ xưa. Đi về, y không muốn kể với bạn bè, e người ta không tin. Thường xuyên bọn y được ăn tám món, nhưng chủ yếu là rau. Rau cải, bí,..., có hôm cả rau muống, thậm chí ngọn khoai lang. Rau xào, ở Việt Nam thường có đến một phần ba hoặc một nửa là thịt. Ở đây, chỉ mỡ hoặc dầu. Hoạ hoằn, xào với thịt thì chỉ là điểm xuyết. Các bạn đồng hành của y bảo nhau: “Xứ này thiếu thịt ăn”! Điểm tâm thường là bánh bao không nhân và cháo gạo, thứ cháo “rằm tháng Bảy” bên ta. Nói đến bát đĩa Tàu người ta nghĩ đến bát đĩa Giang Tây. Bát ăn, chén uống bọn y dùng thì dày, thô, và mẻ!-không do làm sứt mẻ, mà là khuyết tật tự trong lò (mới biết họ tận dụng thật!). Chẳng phải một lần. Chẳng phải một nơi. Người phục vụ thì như vô cảm. Bát đũa đưa ra cứ đặt huỵch toẹt xuống bàn, chẳng nhẹ nhàng chút nào. Thìa, giấy lau, tăm,... nhiều khi phải gọi. Riêng ở Quảng Châu, từ thái độ phục vụ, bàn ăn đến các món ăn đều hơn hẳn ở Bắc Kinh, Quế Lâm. Cô hướng dẫn viên bảo: “Ở đây là của tư nhân.Còn ở kia là quốc doanh ”. Cô nói thêm: “Bọn ở các cửa hiệu quốc doanh thờ ơ với chuyện bán hàng ”. Y thấy không hẳn vậy. Có mấy nơi y cũng được chào mời nhiệt tình khiến y cứ áy náy vì không mua được cho họ. Các người trong đoàn vào các cửa hàng quốc doanh giở ra tập dày nhân dân tệ chẳng đã được đón tiếp, phục dịch đúng như “thượng đế” đó sao!
Y nghĩ, chẳng qua bọn y là du khách hạng tầm tầm về tiêu chuẩn đi lại, ăn ở. Để “thấy” và “biết” một đất nước bí ẩn như Trung Quốc thì với kiểu “du” như thế, trong thời gian như thế, mang đầu óc như thế thì còn khuya mới nắm được muôn một.
11-1996