Dị Giới Dược Sư

Quyển 5 - Chương 77: Trục xuất

- Cái gọi là ma pháp, chính là dùng ma lực của bản thân để làm mẫu thể, đồng thời thông qua sự cảm ứng của tinh thần lực để tụ tập nguyên tố trong không khí, khiến cho chúng quy tụ lại ở xung quanh ma lực mẫu thể, khi đạt đến một mức độ nhất định thì sẽ có thể tạo thành kỹ năng....

Đây chính là tiết thứ nhất "Tri thức ma pháp cơ bản", giảng sư là một vị tên là An Đức Lỵ Á. Nàng là một mỹ nhân đứng tuổi, là một nữ ma pháp sư có phong vận tuyệt vời. Ngay cả lúc giảng dạy mà nàng cũng vẫn muốn làm điệu một chút, nhẹ nhàng chuyển động vóc người duyên dáng làm cho tinh thần của đám nam chiến sĩ còn chưa hiểu chuyện đời ở phía dưới kia đều bị nhộn nhạo, không để ý đến bài giảng mà đa phần đều tập trung vào điệu bộ phong tao của nàng.

Khiết Tây Tạp vốn là nữ nhân nên đương nhiên là không có cảm giác gì, nàng rất chăm chú phân tích xem những điều giảng dạy của An Đức Lỵ Á nữ sĩ có hoàn toàn chính xác hay không. Ngoài thiên phú ra, một trong những nguyên nhân khiến trình độ ma pháp của Khiết Tây Tạp tiến bộ nhanh chóng chính là vì nàng không tiếp thu bài giảng một cách máy móc, mà còn thường tự đặt ra nghi vấn. Chức nghiệp này đòi hỏi phải có một bộ óc linh hoạt thì mới có thể thao túng được các nguyên tố đầy phức tạp.

Tuy An Đức Lỵ Á nữ sĩ giảng không sai sót gì, nhưng Khiết Tây Tạp lại cảm thấy như chưa thấu triệt hẳn. Mà chuyện đó cũng là tất nhiên thôi, bởi vì Đặc Mạn gia tộc của nàng vốn là một gia tộc giỏi về ma pháp. Hơn nữa, các vị trưởng bối đều dốc túi truyền hết cho nàng, tuyệt đối không giữ lại cái gì làm của riêng, do đó mà nàng phải biết nhiều hơn một vị giảng sư của ma võ ban cấp thấp rồi. Thế nhưng, Khiết Tây Tạp chưa hề tiếp xúc nhiều với thế giới bên ngoài nên không hiểu được cái đạo lý này, mà nàng chỉ cảm thấy An Đức Lỵ Á giảng chưa được tốt lắm. Vì vậy nên nàng muốn đi hỏi ý kiến của người khác để xem thế nào.

Lẽ tất nhiên, từ lúc vào học viện cho đến giờ, nàng chỉ mới quen biết có một người và e rằng cũng chỉ có thể nhờ vả vào gã bạn cùng phòng, cũng tức là Mộ Dung Thiên đang ngồi bên cạnh say sưa lắng nghe đây, hoặc giả cũng có thể nói là đang say sưa ngắm nhìn thì đúng hơn, bởi vì ánh mắt của hắn giờ đây là chủ yếu tập trung vào những bộ vị cao cao thấp thấp trên thân thể An Đức Lỵ Á nữ sĩ cũng như đa số các nam chiến sĩ khác.

Khiết Tây Tạp lấy ngón tay đâm đâm vào thắt lưng của Mộ Dung Thiên, gã sắc lang bị làm phiền liền quay đầu lại thấp giọng hỏi:

- Tạp Hy, có chuyện gì vậy? Chúng ta nên chuyên tâm nghe giảng thôi, không lẽ ngươi lại muốn nghe kể chuyện cười sao? Bây giờ không được đâu.

Khiết Tây Tạp thầm nghĩ: "Ngươi mà đang nghe giảng bài sao, rõ ràng là đang nổi ý bậy bạ với giảng sư đây mà." Nhưng nàng vẫn nói:

- La Địch, trong lúc nghe giảng thì thỉnh thoảng cũng cần phải thảo luận về vấn đề đang học chứ, có như vậy thì mới làm cho không khí của lớp thêm phần sôi nổi, đúng không? À, ngươi thấy An Đức Lỵ Á nữ sĩ thế nào?

Mộ Dung Thiên vuốt cằm, suy nghĩ một lát rồi nói:

- Vóc dáng rất phong tao lẳng lơ, không biết có phải thường ra ngoài làm chuyện xấu ở sau lưng trượng phu hay không.

Khiết Tây Tạp nghe xong lời đó thì gần như muốn xỉu luôn, nàng bực mình nói:

- Ý của ta muốn hỏi là bài giảng thế nào? Ngươi nghĩ đi đâu thế? La Địch, chúng ta không thể bất kính với giảng sư như thế được.

Nàng cảm thấy suy nghĩ của gã bạn cùng phòng này thật sự rất quái dị, cứ như là thiên mã hành không vậy, ngay cả chuyện lúc nãy mà cũng có thể liên tưởng như vậy được. Dù Khiết Tây Tạp tự cho rằng mình là một nữ hài rất cổ quái, bởi thế nên nàng mới thích học những môn quái lạ như là dịch dung thuật, Nghĩ Âm thuật...vv....Nhưng so với mộ Dung Thiên thì nàng cảm thấy nếu mình tự xưng danh hiệu “Thanh thiếu niên có tư tưởng truyền thống nhất đế quốc” thì cũng rất ư xứng đáng ấy chứ.

- A, ngươi đang nói chuyện đó à? Phải nói rõ ràng một chút chứ.

Mộ Dung Thiên chẳng những không ý thức được chỗ sai trái của mình mà hắn còn phản công lại, khiến cho Khiết Tây Tạp suýt chút nữa là không thở được luôn. Lão huynh, trừ ngươi ra, còn người nào có thể có lý giải khác thường đến như vậy, mà lại còn đi xa chủ đề quá mức như thế đâu chứ?

Mộ Dung Thiên thuận miệng nói:

- Ngựa ngựa cọp cọp, cũng đều là một loại cả thôi. Lại nói, thân thể và da dẻ của nàng ta cũng được bảo dưỡng không tệ đó chứ. Người đã đứng tuổi mà còn giữ được như vậy thì quả không dễ chút nào.

Thấy hắn cứ nói được hai, ba câu thì đã trở về câu chuyện lúc nãy, Khiết Tây Tạp chỉ đành ngậm miệng luôn. Không khéo khi nói chuyện với một kẻ ngoài hành tinh thì cũng không khó khăn đến vậy. Thế nhưng, nàng quả là bất hạnh, bởi vì Mộ Dung Thiên đúng là người ngoài hành tinh, nhưng chỉ có điều là hắn ở tinh cầu kia cũng là người có tư tưởng quái dị như vậy.

oooOooo

Mấy ngày sau, Mộ Dung Thiên cũng hiểu sơ sơ về An Cách La Hy học viện. Hầu hết tại đây đều có các chuyên nghiệp liên quan tới những chức nghiệp chính trên đại lục, như là: chiến sĩ, ma pháp sư, cung tiễn thủ, ma võ sĩ, kỵ sĩ, đạo tặc, thợ săn, thần quan, mục sư, triệu hoán sư, tu hồn giả, thích khách, thôi miên sư, kết giới sư....thậm chí còn có cả không ít chức nghiệp chiến đấu đặc biệt, chỉ tiếc là không có Nghĩ Linh sứ. Bởi lẽ các chức nghiệp đặc biệt trong các loại chiến đấu chức nghiệp chiếm số lượng rất ít, bằng không thì Lộ Thiến đã có thể học chung với Mộ Dung Thiên tại An Cách La Hy rồi. Kỳ thật thì ma võ ban ở Tát Á Da Lộ học viện cũng giống hệt ở đây, chỉ là Mộ Dung Thiên muốn tránh xa Lăng Đế Tư, không muốn học chung trường với nàng mà thôi.

Các ngành chuyên nghiệp lớn thì có độ mấy chục ban, mỗi ban cũng trên dưới trăm người, còn những chuyên ngành thuộc cỡ vừa và nhỏ thì ít hơn một chút, chỉ có khoảng mười mấy ban, mà nhân số của mỗi ban cũng độ trăm người. Còn riêng về các chuyên ngành đặc biệt thì chỉ có một, hai ban; có khi lại chỉ có một ban, mà nhân số gom hết lại cũng chưa chắc đã được một trăm. Tính tổng cộng lại, thì số lượng học viên của An Cách La Hy học viện thật đông đến kinh người: gần mười vạn! Hàng năm học viện đào tạo rất nhiều nhân tài cho đế quốc, do đó mà địa vị của nó ở trong xã hội cũng rất cao. Người trong hoàng thất tất nhiên cũng có vài phần kính nể với các giảng sư của học viện và không dám tỏ ra kiêu ngạo với họ, mà các công tử tiểu thư con nhà thế gia đến học viện này tu học cũng không phải là ít.

Yêu cầu của học viện rất nghiêm khắc, mỗi sáng sớm đúng bảy giờ phải đi học, đến giữa trưa thì được nghỉ ngơi một giờ, sau đó lại học tiếp cho đến sáu giờ chiều, so với một ngày học bốn, năm tiết ở trường Y Khoa lúc trước còn mệt hơn nhiều. Hai tuần đầu đều là những khóa học về lý thuyết, Mộ Dung Thiên vừa mới học được vài hôm thì bệnh cũ lại tái phát, mỗi khi vào lớp thì lại ngủ gục suốt. Lúc đầu hắn còn tưởng khi đến học viện thì sẽ được luyện tập ma pháp cả ngày, hoặc là cầm đao thương kiếm côn đủ các loại võ khí để luyện kỹ năng, nếu được như vậy thì hiển nhiên hắn sẽ có hứng thú, còn nếu chỉ giảng bằng lý thuyết thì thật là buồn chán. Vậy là hắn phải chịu đựng suốt hai tuần cho đến khi những khóa học về lý thuyết hoàn toàn kết thúc.

- Có rất nhiều người cho rằng một người chiến sĩ hầu như chỉ dừng lại ở việc khiến cho cơ thể tráng kiện và tăng cường lực lượng, nhưng trên thực tế, chiến sĩ không chỉ biết có mỗi việc tấn công như trâu điên. Cho dù cơ thể của chúng ta có rắn chắc đến đâu đi nữa thì cũng không thể chống lại răng nhọn và móng vuốt sắc bén của bọn ma thú. Và bất kể đấu khí hộ thân của chúng ta có đạt được đến cấp cao và bản thân chúng ta cố gắng liều mạng đánh bừa thế nào đi nữa, suy cho cùng thì đó cũng chỉ là một việc làm đầy thiệt thòi và đương nhiên là sẽ tốn hao rất nhiều linh lực. Bởi vậy, chúng ta phải học các loại kỹ xảo như tránh né, đón đỡ và phòng ngự. Sau đây, ta sẽ nói đến nội dung cụ thể liên quan tới việc phòng ngự...

Đây là khoa lý thuyết “Thuật phòng ngự trong chiến đấu” của giảng sư Tạp Bội La, tuy lão là một ma chiến sĩ có thực lực không tầm thường và cũng là một trong những giảng sư có tư cách của học viện, nhưng phong cách giảng bài của lão lại không hề sinh động và thú vị chút nào. Hầu như đại đa số các giảng sư của An Cách La Hy học viện đều bị viện trưởng Bố Luân Đặc lây nhiễm, phần lớn ai nấy cũng đều rất cứng nhắc. Nhưng lão quả thực là một giảng sư rất vô tư, điều đó thật chẳng còn gì để nghi ngờ cả, nếu không thì lão đã không cam tâm tự hạ thấp thân phận để đi dạy mấy khóa thấp của ma võ ban. Do đó mà đám học viên không muốn bỏ qua cơ hội tốt này, khi vào lớp, ai nấy cũng đều rất chăm chú nghe giảng.

Chỉ tiếc là Mộ Dung Thiên đối với bài học "nghệ thuật gạt đỡ" này vẫn thấy buồn ngủ như thường, vì nó cũng chưa phải là chính đề; hơn nữa đây lại là tiết học cuối, mà cả ngày hắn cứ phải nghe giảng liên miên bất tuyệt rồi, vì thế nên mới hết sức mệt mỏi. Không lâu sau thì hắn úp mặt xuống bàn và bắt đầu "đi gặp Chu Công"....[1]

Trong lúc mơ màng, Mộ Dung Thiên thấy mình đang ở địa cầu say mê xem hình nóng bỏng, đột nhiên, hắn cảm thấy một luồng khí lạnh buốt ở trên đầu, khiến cho hắn bừng tỉnh. Đang lúc tức giận, hắn vừa định vỗ bàn mắng to thì chợt nhớ tới việc mình đang ở trong lớp học của An Cách học viện tại Thần Phong đại lục.

Bảng đen đổi thành cảnh tượng ma pháp, giáo viên của Trung Dược học biến thành ma chiến sĩ giảng sư, cả viên phấn cũng đổi thành quả băng cầu...vv...tất cả mọi diễn biến đều giống nhau như đúc. Điểm giống nhất chính là ở chỗ cả hai vị giảng sư trước và sau dạy hắn, đều trừng mắt tức giận đến râu mép dựng ngược. Lúc này, bàn tay của Tạp Bội La đang mở rộng và hướng về phía Mộ Dung Thiên, hiển nhiên là trái băng cầu vừa rồi đã được lão ném ra.

Khuôn mặt của Khiết Tây Tạp thì lộ vẻ bất đắc dĩ, bởi vì lúc nãy khi nàng thấy tình hình không ổn, nên đã dùng ngón tay chọt chọt vào thắt lưng của hắn vài lần rồi. Chỗ thắt lưng đó chính là điểm yếu hại của nàng thiếu nữ thiên tài ma pháp sư này, chỉ cần chọt nhẹ vào đó là nàng sẽ phải cười nắc nẻ mà không dừng lại được; song, thọt lét Mộ Dung Thiên lại chẳng có tác dụng gì, vì dường như hắn không có dây thần kinh hay sao ấy, vẫn ngáy khò khò như thường.

Sắc mặt của Tạp Bội La âm trầm như một đám mây đen, tức giận hỏi:

- Vị học viên này, lẽ nào ta giảng bài buồn chán lắm hay sao?

Mộ Dung Thiên vội đáp:

- Cái này.....è, Tạp Bội La giảng sư, người giảng bài thật là sinh động hoạt bát, vừa thú vị vừa hài hước dí dỏm. Ta đối với người quả thật rất kính ngưỡng giống như nước sông dào dạt, liên miên không dứt, lại giống như....

Tạp Bội La ngắt lời hắn:

- Vậy tốt, bây giờ ngươi hãy lập tức đi đến sân luyện tập của các chiến sĩ ở phía hậu sơn, đứng chém thí luyện thạch (đá dùng để tập luyện) năm nghìn cái, lúc nào đủ thì mới được trở về.

Giữa tiếng cười vang của mọi người, Mộ Dung Thiên ngượng ngùng bước ra khỏi phòng học, trong lòng chán nản bực tức không thôi. Con bà nó, học viện quả là một địa phương xúi quẩy nhất của lão tử nha, ở không gian nào mình cũng không thoát được số phận bị đuổi ra khỏi lớp là sao?!

Hết

===========================

Chú thích

[1] đi gặp Chu Công (nguyên văn là kiến Chu Công khứ liễu 见周 公去了) – câu này có ý nói là ngủ mơ để gặp Chu Công, mà nói đơn giản hơn thì tức là “ngủ”.

Trong thời cổ đại, Chu Công là một tước vị của nhà Chu, người được tước này thường là người phụ tá cho Chu vương trị lý thiên hạ. Vị Chu Công đầu tiên trong lịch sử họ Cơ, tên Đán (khoảng 1100 trước Công Nguyên), cũng còn gọi là Thúc Đán, là con thứ tư của Chu Văn Vương Cơ Xương. Nhân việc ông được phong đất Chu (nay là phía bắc huyện Kỳ Sơn, tỉnh Thiểm Tây), nên được gọi là Chu Công hay Chu Công Đán. Ông chính là một nhà chính trị gia, quân sự gia và tư tưởng gia kiệt xuất của giai đoạn đầu thời Tây Chu, được tôn là người đã đặt nền móng cho Nho học sau này. Ông cũng là một trong những bậc thánh nhân thời cổ đại mà Khổng Tử sùng kính nhất đời.

Trong lịch sử có rất nhiều truyền thuyết về Chu Công, mà nổi danh nhất là việc Chu Công giải mộng được nhắc tới trong Dịch Kinh. Ông có địa vị rất cao ở trong văn hóa Nho gia. Khổng Tử vẫn thường dùng câu "ta không còn mơ thấy Chu Công nữa rồi" để ví von việc thất lạc lễ nghi và văn hóa của thời Chu.

Chu Công là một nhân vật đã xuất hiện thường xuyên trong mộng của Khổng Tử, với nền văn hóa Nho giáo là chính (chủ đạo) trong suốt một thời gian dài, Chu Công không tránh khỏi được sự liên hệ trực tiếp với “mộng”. Khi nhắc tới mộng, người ta thường gọi là “mộng Chu Công” hay là “mơ thấy Chu Công”.

Theo nguồn: http://baike.baidu.com/view/2766.htm