Đêm qua sân trước một cành mai

Tên tiểu đồng trên cây đào tiên

Ở cảnh giới nọ, có một tên tiểu đồng tử lai lịch không ai rõ. Dáng người y cục mịch. Hai bên trán, tóc để hình hai trái đào, ai nấy cũng thương mến, muốn xoa đầu.

Y suốt ngày rong chơi không chịu tu tập. Mỗi buổi sáng lúc chúng hội tụ tập nghe bồ tát giảng kinh, thuyết pháp, thì không ai thấy y đâu cả. Bồ tát dùng thiên nhãn sáng soi thường thấy y ngồi trên cây đào tiên hái trái.

Gần chốn vườn đào có một ngọn núi đá hoa cương. Núi cao lớn hùng vĩ, đá hoa cương bong ngời dưới ánh sáng, hòn núi toát ra một cương khí ngất trời. Cho dẫu là một tên đồng từ nghịch ngợm, không biết sợ là gì, y cũng chưa bao giờ dám leo lên núi.

Một ngày kia, bỗng có một lão trượng tới từ đâu không rõ, tay cầm một miếng vải nhung. Lão trượng thoăn thoắt leo lên núi, lấy khăn nhung chùi đỉnh núi một cái rồi leo xuống, điệu bộ dễ như trở bàn tay. Tên đồng tử ngây người đứng nhìn, lòng vô cùng khâm phục. Y chạy tới vái chào hỏi han lão trượng, người đáp:

- Ta leo lên chùi núi đá để hiểu thế nào là “thời gian”.

Lần đầu tiên nghe nói đến hai chữ “thời gian”, đồng tử không hiểu là gì, lại càng không hiểu tại sao phải chùi núi đá mới hiểu được thời gian. Y đoán thầm đây là một phép tu khổ hạnh đặc biệt. Thấy lão trượng hiền từ, y hỏi tiếp:

- Tại sao chùi núi đã mới hiểu được thời gian?

- Trong kinh, Thích-ca có nói về “thời gian, quá khứ, hiện tại, vị lai”. Ta không hiểu thời gian là gì, và chúng hội ở đây cũng không ai biết. Đọc kinh sách ta biết rằng muốn hiểu được thời gian là gì chỉ có một cách là mỗi lần hoa đào nở thì leo lên đỉnh, dùng miếng vải nhung này mà lau núi đá. Cứ như thế cho tới lúc núi đã mòn hết thì đó là một “tiểu kiếp”. Cứ năm trăm “tiểu kiếp” là một “đại kiếp”. Ta lau núi đá gần một đời mà xem ra chưa thấm vào đâu với một “tiểu kiếp”. Mới hay thời gian là tuyệt đối vô cùng, vô tận.

Tên đồng tử nghe xong lắc đầu le lưỡi, tưởng tượng ngẫm nghĩ; cố gắng tới mấy y vẫn nghĩ không ra bao giờ núi mới mòn, càng không hiểu thời gian là gì.

Một hôm tên đồng tử ngồi trên cây đào nghe chúng hội đi phía dưới tụng đọc:

Đức Thế Tôn cao cả

Ba cõi chẳng ai bằng

Không hiểu “ba cõi” là gì nhưng sợ bị la mắng không lo tu học, y không dám hỏi chúng hội cũng chẳng hỏi han bồ tát, y đành nắm áo hỏi lão trượng:

- Tiểu đồng tử xin hỏi “ba cõi” là gì?

- “Ba cõi” chính là không gian vô cùng vô tận.

Tên đồng tử vẫn chưa hiểu:

- “Không gian” đo đâu sinh?

- Đồng tử hỏi chuyện ngớ ngẩn, không gian có sẵn, không sinh không diệt.

Y vẫn không hiểu rõ lắm không gian là gì, chỉ biết đại khái không gian to lớn lắm.

Càng lớn, y càng ham chơi không chịu tu học.

 Ngồi tham thiền, y thấy đau lưng, kinh văn thì khó hiểu, tụng đọc càng mau chán.

Một ngày kia, y khám phá trên cây đào tiên một trái đào đỏ chín to lớn chưa từng thấy. Y vội hái trái đào, nhưng trước khi ăn, y cẩn thận bẻ trái đào ra. Trong ruột trái đào bỗng bò ra một đàn kiến. Y đang mứng suýt phải ăn nhằm kiến, bỗng nghe tiếng ai nói:

- Chư huynh đệ, đây là đâu?

Đồng tử ngơ ngẩn nhìn quanh, không thấy ai cả. Y nhìn lại thì mới phát hiện kiến biết nói. Y khoái chí nhìn đàn kiến, lắng nghe chúng nói chuyện. Mấy tên kiến nhìn quanh quẩn, bỗng một tên cất tiếng nói:

- Chưa biết đây là đâu nhưng rõ ràng chúng ta đã tự giải thoát khỏi cảnh giới loài kiến chúng ta.

Tên đồng tử cười thầm “Ruột trái đào mà cũng gọi là cảnh giới, nghe đúng giọng các tên mọt sách”. Một tên kiến khác lên tiếng:

- Chúng ta tu dưỡng đã lâu, nay vừa tới ngày đắc đạo.

Đồng tử muốn cười thành tiếng “Nếu ta không bẻ trái đào ra thì chúng bay đã nằm trong bụng ta rồi, liệu còn đắc đạo nữa ư?”.

Một tên kiến khác trầm ngâm chưa nói, bây giờ mới lên tiếng:

- Chúng ta tu học biết bao nhiêu kiếp, kể ra cũng vài trăm năm chứ không vừa.

Nghe tới đây tiểu đồng tử nhớ lão trượng và “tiểu kiếp” của lão vô cùng. Y không hiểu “vài trăm năm” là gì, nhưng nghe có vẻ lâu dài lắm. Nhưng đào này cũng mới kết trái đây thôi thì có gì là lâu?

Bỗng một tên kiến quy đầu nhìn một tên khác, hỏi:

- Đại sư huynh, phong cảnh thế giới này hình như có gì hơi khác.

Tên kiến này được gọi là “đại sư huynh” nhưng thân hình y lại nhỏ con nhất trong bọn, trước giờ chưa nói tiếng nào, râu ngo ngoe mấy cái rồi phán:

- Ta ngờ rằng chúng ta đã qua một không gian khác, khác với không gian loài kiến của chúng ta.

Đồng tử lại cười thầm “Từ ruột trái đào chui ra thì tất nhiên là khác rồi, có gì mà ngờ với không ngờ”.

Tên kiến sư huynh nói tiếp:

- Không gian tùy theo nghiệp của chúng sinh mà sinh diệt. Loài kiến chúng ta là một loài sống trên mặt phẳng, nên không gian của chúng ta là mặt phẳng, không gian chúng ta chỉ có hai chiều, bề ngang và bề dọc.

Nghe tới đây, tên đồng tử tự nhủ “Ruột trái đào thì tròn, nhưng các tên kiến bé nhỏ nên chúng cứ tưởng sống trên mặt phẳng, ha ha”. Đàn kiến yêu lặng nghe sư huynh của chúng giảng tiếp:

- Vì vậy, chúng ta không thể tưởng tượng ra và cảm nhận được các loại không gian khác nhiều chiều hơn. Trong kinh sách có nói về không gian của một loài tên gọi là “loài người”. Không gian của các vị ấy có tới ba chiều. Ngoài chiều ngang và chiều dọc như chúng ta, họ còn có một chiều nữa gọi là “chiều cao”. Thời gian và không gian của loài ngươi khác hẳn thời gian và không gian của chúng ta. Thân thể họ lớn gấp muôn lần thân thể chúng ta, thọ mạng họ cũng dài gấp muôn lần đời sống chúng ta.

Lần đầu tiên nghe nói đến hai từ “loài người”, nên tên đồng tử chú ý lắm.

Đàn kiến ngơ ngẩn không tưởng tượng ra nổi làm sao có ai lớn gấp muôn lần thân thể chúng và sống được lâu dài như vậy, nhất là chúng không sao nghĩ ra được chiều thứ ba. Có tên có vẻ không tin lắm những gì sư huynh chúng nói, cất tiếng:

- Thật ra tiểu đệ cố gắng hết sức rồi mà không nghĩ ra chiều thứ ba chạy hướng nào. Chiều hướng nào rồi cũng qui lại trên hai chiều ngang dọc cả. Theo ngu ý của tiểu đệ thì không gian không thể có chiều thứ ba.

Tên kiến này nói “ngu ý” nhưng giọng điệu y nghe rất tự tin, y vốn là nhà toán học trong đàn kiến. Tên sư huynh vẫn kiên nhẫn:

- Tâm sanh ra thân nhưng rồi tâm lại bị thân trói buộc. Thân kiến của chúng ta là loài chỉ bò trên mặt phẳng nên tâm cũng chỉ cảm nhận được hai chiều. Thì cũng tương tự như thế, loài người họ cũng không thể tưởng tượng ra được không gian có thể có bốn chiều hoặc nhiều hơn vì thân họ thuộc loại sống trong không gian ba chiều.

Bỗng một tên kiến cất tiếng hỏi:

- Sư huynh nói chúng ta “cảm nhận” không gian hai chiều thôi chứ thực sự không phải thế, thì tiểu đệ xin hỏi không gian tự nó như thế nào?

- Tên kiến này nhấn mạnh hai chữ “tự nó”. Tên đồng tử cười thầm. Y nhớ rắng đã hỏi lão trượng, không gian do đâu sinh và thầm nhủ “Tên kiến này hỏi một câu có vẻ được đây!”. Kiến sư huynh ngo ngoe râu mấy cái rồi đáp:

- Không gian do “không” sinh ra. “Không” này là “không” bát nhã, trong “không tức thị sắc, sắc tức thị không” mà chư huynh đệ hay tụng đọc đó.

Tên đồng tử nghe nói lắc đầu “Thì ra loài kiến nhãi nhép này cũng tụng đọc một thứ kinh sách như chúng hội thường đọc”.

Thấy các tên sư đệ chưa hiểu, kiến sư huynh tiếp:

- Trong “không” chứa sắc, chứa cả tâm lẫn vật. Tâm tùy nghiệp lực mà sinh ra thân vật chất rồi thân cảm nhận ra một không gian xung quanh mình. Không gian đó phù hợp với tính chất của thân vật chất.

Đồng tử nhớ lão trượng nói không gian “có sẵn”, bây giờ lại nghe tên kiến sư huynh này nói không gian do tâm thân dựa lên nhau mà có, y cảm thấy phân vân. Tất nhiên y tin lão trượng hơn tin loài ong kiến, nhưng nghe tên kiến sư huynh này lý giải, văn phong khảu khí có vẻ giống giọng bồ tát, y cũng có phần nể nang, không biết làm sao.

Một tên kiến khác cất tiếng hỏi:

- Như thế khi chư Phật không còn thân vật chất nữa thì không gian cũng diệt theo luôn hay sao? Niết bàn như thế chỉ là một cảnh giới hư vô đâu còn gì thú vị!

Đồng tử nghe nói câu này lấy làm hợp ý vô cùng.

Tên kiến sư huynh bác ngay:

- Danh tự của loài kiến chúng ta cũng như của mọi loài vốn là phương tiện của thân bày ra nên danh tự không thể diễn đạt những gì nằm ngoài phạm vị của thân. Như loài tôm cá sống dưới nước, chúng không thể hiểu được đời sống trên đất liền như chúng ta. Bởi vậy không thể dùng danh tự thông thường để mô tả niết bàn. Ở đây nói sao cũng mê cả, không phải là ngộ.

Đàn kiến nghe tới đây có vẻ hoang mang cực độ, tên kiến sư huynh nói tiếp, giọng ân cần an ủi:

- Loài kiến chúng ta bị trói buộc trong thế giới hai chiều nên không hiểu các cảnh giới khác. Không gian và thời gian mỗi cảnh giới khác nhau vô cùng vô tận, nhưng tâm lại đồng nhất một thể. Như nước có khi ở dạng lỏng, có khi ở dạng băng tuyết, khi thành hơi sương, nhưng chỉ là một chất nước. Cũng thế, các loài trong thế giới khác nhau vì hạnh nghiệp của chúng, nhưng cùng một thể. Cho nên tâm phật và tâm kiến chúng ta cũng đều là một.

Nghe tới đây đàn kiến cực kỳ phấn khởi.

Tên đồng tử bỗng thấy một mùi thơm hết sức quyến rũ. Y quay lại, thì ra một trái đào đỏ mọng, thơm ngon chưa từng thấy. Y liền vươn tay bẻ trái đào. Vừa cầm trái đào trong tay, bỗng nghe “rắc” một tiếng, cành đào dưới chân y gãy đôi, y ngã lộn nhào xuống gốc cây, mê man bất tỉnh.

Chúng hội đang nghe giảng kinh, bỗng thấy bồ tát mĩm cười khó hiểu.

Lúc tên đồng tử ngã xuống gốc cây, tại thế giới mà tên kiến sư huynh gọi là “thế giới loài người” đang trải qua những ngày hè nóng nực của năm 1878.

Mùa xuân năm sau, một đứa bé mở mắt chào đời, mặt mày bầu bĩnh. Cậu bé càng lớn càng không thích học hành, suốt ngày rong chơi. Đến khoảng 15 tuổi, y bị nhà trường đuổi học vì lý do “sự hiện diện của y chỉ làm phiền nhà trường và làm cho học sinh mất hết sự kính trọng đối với thầy cô”.

Hơn mười một năm sau, cậu học trò ngỗ nghịch đó được cả thế giới biết tới tên tuổi. Lúc đó tuổi mới 27, tên y là Albert Einstein (1).

Lúc mở mắt tỉnh dậy thì đồng tử vẫn còn thấy mình nằm dưới gốc đào tiên. Y ngơ ngác nhìn quanh thì thấy lão trượng, lão mừng rỡ lên tiếng:

- Ngươi đã tỉnh dậy rồi ư? Ngươi bị ngã trên cây xuống mê man bất tỉnh đã hơn ba ngày làm ta rất lo lắng!

 

---

(1) Eistein (1879 – 1955), giải Nobel 1921, được xem là thiên tài của ngành Vật lý trong thế kỷ này. Với “thuyết tương đối đặc biệt”, ông đã chứng minh rằng thời gian và không gian phụ thuộc vào trạng thái di chuyển của vật chất. “Thuyết tương đối tổng quát” đã chứng minh sự hiện hữu của vật chất đã làm “co giãn” thời gian, “méo mó” không gian. Nhờ Einstein, ngày nay người ta biết rằng chính vật chất và sự vận động của nó đã phát sinh ra thời gian và không gian. Thời gian và không gian là “thuộc tính”, là “phát biểu” của vật chất. Không có một sân khấu bất di bất dịch mà chính là diễn viên ở đâu thì ở đó có sân khấu. Không có diễn viên thì không có sân khấu.

---

 

Tên đồng tử nhớ lại điều gì, đáp:

- Thưa lão trượng, tiểu đồng tử thì ra đã rời cảnh giới này đi sống một thế giới khác. Ở đây ba ngày mà ở đó gần trăm năm.

Lão trượng ngạc nhiên hỏi:

- Thế ư, ngươi còn nhớ đã đi đến đâu không?

- Tiểu đồng tử lần đầu tiên mới biết thế giới loài người.

Lão trượng kinh ngạc, lẩm bẩm:

- Thế ư, thì ra ngươi cũng đã đến đó rồi ư?

Nghe thế, đồng tử ngạc nhiên:

- Lão trượng cũng đã từng làm người hay sao?

- Haha, dòng dõi cũng như sự nghiệp của ta trong giới loài người phải kể vào hàng danh gia vọng tộc. Tên ta, loài người gọi là Issac Newton (1).

 

---

(1) Newton (1643 – 1727) được xem là người mở đường cho nền cơ học của loài người. Là một bá tước người Anh, ông đã thống nhất công trình của Kepler, Galilei, Guericke trong một hệ thống cơ học vững chắc và hoàn chỉnh. Ông cũng là người phát biểu nguyên lý của động lực học và nguyên lý hấp dẫn của trường trọng lực. Trong hệ thống cơ học này, Newton xem không gian và thời gian là tuyệt đối, cố định, liên tục. Vật chất vận động trong không gian cũng như diễn viên trình diễn trên một sân khấu có sẵn. Sân khấu lúc nào cũng tồn tại, độc lập với diễn viên.

---

Tên đồng tử nhớ ra điều gì, y nhìn lão trượng đang cầm chiếc khăn nhung trong tay, ôm bụng cười ha hả.

Chúng hội đang nghe giảng kinh, nhíu mày thầm trách tên tiểu đồng làm ồn. Bồ tát lại mĩm cười khó hiểu.

Dưới tòa sen, một đàn kiến vừa bò ngang, râu ngo ngoe.