Đế thiên đế thích

PHỤ LỤC

Lạ thay! Chính người Miên cũng quên lịch sử của một triều đại rực rỡ nhất của họ, triều đại vua Jayavarman VII và trường Viễn đông bác cổ phải mất 40 năm sưu tầm, khảo cứu các di tích ở đền Ta Prohm, Park Khan, Bantéai Chmai, Phiméanakas, cả Lào (gần Vieng Chan) ở Mi Sơn (Trung Việt) rồi mới lần lần về chép lại được đời của vị vua anh dũng nhất đó của Miên, vị vua đã mở mang đất Miên tới Lào, Chiêm Thành, có lẽ tới cả Miến Điện nữa, làm cho đế quốc Miên chưa bao giờ rộng như hồi đó.

Tên của ông có nghĩa là được thần chiến thắng che chở. Ông là dòng dõi của vua Suejavarman II, người đã cho xây cất Angkor Vat.

Ông sinh vào khoảng 1120-1125, cưới nàng công chúa Jayarajadevi; sau một thời gian, ông để vợ ở nhà, cầm đầu một đạo quân xâm chiếm Chiêm Thành ở Vijaya (Bình Định ngày nay). Bà vợ ở nhà nhớ ông, khóc lóc, theo đạo Phật, suốt ngày cầu nguyện cho ông.

Trong khi ông ở Chiêm Thành thì vua cha băng, Yacovarman lên nối ngôi, triều thần nổi loạn, tranh giành ngôi báu. Ông hay tin vội trở về nước, thì đã quá trễ, kẻ phản nghịch đã lên ngôi. Ông phải nhẫn nhục chờ đợi thời cơ.

Năm 1177 vua Chiêm Thành là Jaya Indravaiman đem chiến thuyền ngược sông Cửu Long, lên tới Biển Hồ, đánh úp Angkor, vua Miên thua, bỏ chạy, Jayavarman lúc đó mới lên ngôi ra tay cứu nước, đuổi người Chiêm ra khỏi cõi sau một trận thuỷ chiến mà hiện nay tường đền Bayon và đền Bantéai Chmai còn ghi lại cảnh tượng.

Bốn năm sau, ông bình định được toàn cõi, xây dựng lại kinh đô. Một tấm bia ở tường thành Angkor Thom ghi lại rằng: “Kinh đô Yaco dharapura (1) như một thiếu nữ quý phái, vừa đôi phải lứa với ý trung nhân, lòng dục phơi phới, nữ trang là một cung điện đầy ngọc thạch, y phục là những thành luỹ, làm lễ thành hôn với nhà vua để tạo hạnh phúc cho trăm họ…”

Lên ngôi rồi ông luyện tập binh mã chờ dịp phục thù Chiêm Thành. Năm 1190, ông sai sứ sang Việt Nam, lấy lòng vua Lý Cao Tôn để vua Lý trung lập, rồi ông xua quân qua Chiêm Thành, có một hoàng thân Chiêm là Vidyanandana giúp sức. Hoàng thân này qua ở Miên từ nhỏ, ông thấy thông minh, tỏ lòng yêu mến và dạy cho cách cầm quân.

Jayavarman VII chiếm được kinh đô Vijaya (Bình Định), cầm tù vua Chiêm, chia Chiêm làm hai miền, một miền giao cho một người em vợ ông cai trị, một miền nữa (ở Phan Rang ngày nay) giao cho Vidyanandana.

Sự đô hộ đó không được lâu. Người Chiêm nổi lên giết em vợ ông mà Vidyanandana thống nhất được tổ quốc, không phục tùng ông nữa. Tới năm 1203, Vidyanandana bị người chú hay bác giết, Chiêm Thành mới lại thành thuộc địa của Miên 17 năm nữa.

Đồng thời Jayavarman VII cũng xâm chiếm Lào tới Vieng Chan, theo sử Trung Hoa ông tiến tới cả Miến Điện và bán đảo Mã Lai.

Thời đó là thời cường thịnh nhất của Miên, được các lân bang (như Việt Nam, Java) trọng.

Hoàng hậu mất, ông cưới người chị ruột của bà. Bà này học giỏi, văn hay, thảo nhiều bài bi ký lời rất trong trẻo.

Năm 1201 ông còn ở ngôi, không rõ mất năm nào (có lẽ là năm 1219). Có người ngờ rằng về già ông bị bệnh hủi và ông vua hủi tức là ông. Điều đó chưa có gì chắc chắn.

Ông rất sùng mộ đạo Phật, phái đại thừa, cho xây cất rất nhiều đền: Angkor Thom với 12 cây số thành luỹ, và đền Bayon (tượng Phật đền này có lẽ là tượng ông, ông tự coi như một vị Phật giáng sanh); rồi tới các từng phiến đá một, những đám người đông như kiến cỏ đó (…) bị bắt làm xâu để dựng lên những cung điện mà họ không được đặt chân vào (…). Toàn dân đều phải xây cất cho nhà vua! Năm 1191, mới lên ngôi được mười năm, chương trình chưa thực hiện hết, mà theo lời chép trên bia ở Prak Khan, đã có tới 20.000 tượng thần bằng vàng, bạc, đồng đen, đá ở rãi rác các tỉnh. Công việc thờ phụng dùng tới 306.372 người lao động ở trong 13.500 làng, mỗi năm ăn hết 38 tấn gạo. Rồi bao nhiêu của cải gom lại trong các đền: hàng ngàn ký vàng bạc; hàng chục ngàn viên ngọc…”

Về già ông hấp tấp thực hiện cho xong chương trình, nên ta thấy nhiều ngôi đền xây cất cẩu thả, đá cứ chồng phứa lên nhau, không cần xen kẻ cho vững, thiếu sa thạch thì thay bằng đá ong, chạm trổ vội vàng cho thành hình chứ không cần đẹp.

Vì vậy mà khi ông mất đi, người Xiêm qua đánh, dân chúng mệt mõi, chán nản, không muốn giao chiến nữa, mặc dầu bị triều đình bắt buộc cầm khí giới; và người Xiêm thắng một cách dễ dàng. Họ đem giáo lý tiểu thừa ra truyền bá thì người Miên hấp thụ ngay, vì giáo lý đó không bắt họ thờ nhiều thần, họ tránh được cái nạn đục tượng và đúc tượng, và dạy họ tìm sự yên ổn trong xã hội, sự bình tĩnh của tâm hồn, những điều mà họ khát khao trong suốt đời vua Jayavarman VII. Có lẽ chính giáo lý tiểu thừa đó làm cho họ dễ suy, hết tinh thần chiến đấu, nên trải sáu thế kỷ sau, không lúc nào họ thịnh lại được như trong thời đại Angkor.

Không hiểu ngày nay họ cho Đế Thiên Đế Thích là một vinh dự hay một chương sử bi thảm của họ.

Chú thích:

(1) Tức Angkor Thom

HẾT

 

 

Trích Hồi Ký của Nguyễn Hiến Lê

Để hiểu thêm về cuốn Đế Thích Đế Thích, Goldfish tôi mời các bạn đọc thêm mục Viết du kí trong chương XIII – Tôi tập viết. Xin trích:

“…Nhưng thích nhất là cuộc du lịch Đế Thiên Đế Thích. Năm 1943 viên kỷ sư thấy tôi làm việc đắc lực, tạo cơ hội cho tôi đi kinh lý ở ngay trong vùng có những cổ tích hoang tàn của Cao Miên đó mà có người gọi là “kỳ quan thứ tám của thế giới”.

Tôi mang theo cuốn Guide Groslier (°) rồi lên xe đò đi Nam Vang. Ở Nam Vang một ngày coi chùa Vàng, chùa Bạc, làm vài việc cỏn con cho sở rồi năm giờ chiều lên xe đi Siemreap, khoảng hai giờ khuya tới Siemreap. Hồi đó vào hạ tuần tháng giêng dương lịch 1943, mùa tốt nhất để đi coi cảnh Đế Thiên vì trời rất trong, không mưa mà hơi có gió bấc, không khí không nóng lắm, đêm hơi lạnh.

Ở Siemreap tôi ghé nhà anh Hách – anh đã đổi lên trên đó để xây một cái đập cho công cuộc thuỷ nông – và anh với hai anh bạn công chánh nữa đưa tôi đi thăm các di tích hoang tàn.

Trong hai ngày chúng tôi đi coi thành phố Siemreap và một khu rừng chu vi trên ba chục cây số chổ nào cũng có phế tích. Không thể coi hết được, chúng tôi chỉ thăm độ 15 ngôi đền lớn, nhỏ, kiến trúc đẹp nhất và ba cái hồ, mà lại coi vội vì không có đủ thì giờ.

Trong suốt cuộc du lịch đó, lòng tôi lúc nào cũng phơi phới, nhẹ nhàng, như nghe một bản nhạc êm đềm. Cảnh thật thanh tỉnh, nên thơ, gợi biết bao nỗi hoài cảm. Tôi thích cảnh Stung (sông) Siemreap dưới trăng với những chiếc cầu khom khom có tay vịn, như cầu Thê Húc ở cầu Hoàn Kiếm nhưng dài hơn. Trăng vằng vặc chiếu qua cành lá thưa, lấp lánh trên một dòng nước con con – mùa này nước Stung cạn – thỉnh thoảng có mùi hương dịu và tí tách có tiếng nước nhỏ giọt từ các guồng nước – thứ guồng dùng ở Quảng Nam – cứ đều đều, chầm chậm quay, như gạn từng giọt nước pha lê vào những máng nước dài đưa vào vườn hoa của các biệt thự trên bờ.

Tôi mê cảnh đền Bayon mà Doudart de Lagrée bảo là “thần tiên, lạ lùng”, với 50 chục ngọn tháp, 43 đầu Phật, mỗi đầu có bốn mặt, mặt nào cũng có nụ cười hiền từ, khoan hoà, bí mật.

Đền Angkor Wat dưới ánh tà dương làm cho tôi xúc động mạnh. Khi qua cái hào rộng trên 200 thước mà lục bình như muốn giữ mây chiều lại, vừa bước tới cửa Tây thì đền hiện lên đè nặng lên tâm hồn tôi. Tôi thấy ngộp gắp mấy lần khi thăm đền Hùng ở Phú Thọ. Ở đây kiến trúc Cao Miên đã đạt tới tuyệt đỉnh: hàng triệu phiến đá chỉ hợp thành một khối cân đối, hài hoà để diễn đạt một ý tưởng vừa hùng vừa diễm.

Nhưng hợp với tâm hồn tôi nhất là đền Ta Phrom. Kiến trúc khác hẳn các đền kia, không cao, không đồ sộ mà trải rộng ra trong một khu rừng, và ở sâu trong rừng, có một lối lát đá đi dài khoảng 500 thước đưa vào. Chỉ riêng đền này còn vẻ hoang vu. Trường Viễn Đông Bác cổ đã có sáng kiến lựa nơi đây mà bảo tồn cảnh thiên nhiên để ta được hưởng chút cảm giác rùng rợn của các nhà thám hiểm thời trước.

“Ở đây mới thực là cảnh hoang tàn. Ở đây ta mới thấy sự chiến đấu giữa cây và đá, giữa loài người và hoá công. Có những rễ cây lớn mấy tấc, dài hàng chục thước, uốn khúc ôm lấy bệ của toà đền và nổi gân lên như muốn vặn cho nó đổ mới chịu được. Có cây lại ngạo nghễ ngồi xếp bằng trên một toà khác, ung dung thả hàng trăm rễ xuống, như hàng trăm tay của loài bạch tuộc, ghì chặt lấy mồi của mình, không cho nó cựa rồi hút dần tinh tuý của nó, cho thịt rã, xương nó tan, mà hiện nay ngôi đền cũng gần tan gần rã. Có cây độc ác hơn, đâm một rễ lớn từ trên đỉnh xuống như cấm một lưỡi gươm vào đầu quân thù”

Mấy chục năm nay tôi ước ao chiến tranh trên bán đảo chữ S này chấm dứt, sẽ đi thăm lại Đế Thiên Đế Thích, cũng như tất cả cảnh đẹp ở Việt Nam, nhưng bây giờ thì không còn hy vọng gì nữa.

Về Sài Gòn, tôi chép lại ngay cảm tưởng khi du lịch, sợ để lâu quên mất, và trong khi viết tôi được sống lại những lúc vui đã qua, như được du lịch lần thứ hai. Khoảng giữa tháng hai năm 1943, tôi hoàn thành tập du ký Đế Thiên Đế Thích. Tập nầy viết cũng rất kỷ.”