Đế thiên đế thích

Chương năm

ĐỀN TAKEO (Ông tổ kèn)

Khỏi cửa Khải hoàn độ một cây số, vẫn trên vòng nhỏ, chúng tôi dừng lại trước cửa đền Ta Keo. Kiến trúc đền này khác hẳn đền Bapoun và Phiméanakas. Giản dị hơn vì năm ngôi tháp ở trên ngọn gom lại gần nhau, hợp thành một khối. Có hai từng, không cao lắm nhưng bệ vệ, oai nghiêm.

Chú thích:

(°) Chúng ta có thể tìm hiểu thêm đền này qua bài “Takeo, ngôi đền bị nguyền rủa” tại http://blog.360.yahoo.com/blog-z31WN...eec-?cq=1&p=81

ĐỀN TA PROHM (Ông tổ Brahma)

Ở đền Ta Keo ra, đi thẳng xuống phía nam độ hơn một cây số đến cửa tây đền Ta Prohm.(°) Một lối đi dài khoảng 500 thước đầy lá rụng, thẳng tấp ở giữa rừng cây cao vút. Không một tiếng động. Đền bằng đá, thấp, có nhiều dãy phòng, nhưng nay đã đổ cả. Kiến trúc không có gì đặc sắc, tựa như một ngôi chùa cổ của ta, không có nhiều bực, không có tháp cao. Đá nằm ngổn ngang, lấp cả lối đi. Ánh sáng lờ mờ. Không khí hôi hám. Từng đàn dơi ôm chặt lấy đá, trông rợn người.

Du khách nhận thấy điều này là tất cả các đền Đế Thiên Đế Thích chỉ có đền này còn giữ cái vẻ hoang vu ở giữa rừng. Trường Viễn đông bác cổ đã có sáng kiến lựa nơi đây mà bảo tồn cảnh thiên nhiên để ta hưởng chút cảm giác rùng rợn của các nhà thám hiểm hồi trước. Sáng kiến đó đáng khen và đền Ta Prohm là nơi mà chúng tôi thích nấn ná lại lâu nhất.

Ở đây mới thực là cảnh hoang tàn. Ở đây ta mới thấy sự chiến đấu giữa cây và đá, giữa loài người và hoá công. Có những rễ cây lớn mấy tấc, dài hàng chục thước, uốn khúc ôm lấy bệ của toà đền và nổi gân lên như muốn vặn cho nó đổ mới chịu thôi. Có cây lại kiêu căng ngồi xếp bằng trên một toà khác, ung dung thả hàng trăm rễ xuống, như hàng trăm tay của loài bạch tuộc, ghì chặt lấy mồi của mình, không cho nó cựa rồi hút dần tinh tuỷ của nó, cho thịt nó rã, xương nó tan mà hiện nay ngôi đền cũng đã gần tàn, gần rã. Có cây độc ác hơn, đâm một rễ lớn từ đỉnh đền xuống như cắm lưỡi gươm vào đầu quân thù.

Kỳ thuỷ, nó chỉ là một hạt nhỏ hơn hạt thóc, bay theo luồng gió nhẹ rồi dính vào lông con chim hay một con nai uống nước bên bờ suối. Rồi không hiểu sao, một ngày nọ nó tới đây. Đền miếu ở đây nguy nga mà đất cát ở đây mênh mông. Nó chỉ xin một chút khe đá để tránh gió ngàn và mưa nguồn. Đá không hẹp lòng, che chở cho nó. Và nó cũng không sống nhờ đá. Một hạt bụi, một giọt sương đủ nuôi nó hàng tuần.

Không ai để ý tới nó nữa. Nó hiền từ sống. Nhưng khi người ta nhớ tới nó thì nó đã diễm lệ, uyển chuyển, phất phới những khi trăng rằm lên. Nó đã có giọng hát du dương khi tới gió mai nổi và đỏm dáng làm sao, nó đã biết cài những đoá hoa mát như xuân, thơm như hạ trên mái tóc xanh của nó.

Người ta cho nó là vô hại, lại cảm ơn nó đã tô điểm cho cảnh cứng cỏi, buồn thảm của đá này. Người ta cầu cho nó sống.

Rồi bẳng đi khá lâu, người ta trở lại thì nó đã trở thành một hung thần không sao đuổi được. Nó đâm nanh mọc vuốt.

Mới đầu những nanh vuốt đó chỉ là những sợi tơ đầy nhựa, óng ánh, trắng nỏn thòng từ cành xuống, đong đưa dưới gió chiều. Một con chim chạm cánh vào nó, nó gãy, một con kiến cắn nó, nó cũng đứt. Nhưng nó đã tới mặt đất, đâm sâu xuống đó, hoặc len được vào một khe đá. Người ta tưởng nó sẽ chết bẹp ở chổ tối om om và chật hẹp của khe đá, nhưng không, nó vẫn sống, đẩy đá ra hai bên để sống. Và bây giờ không còn ai lay nổi nó nữa.

Anh em chúng rất đông, kín cả khi đất mênh mông này. Chúng ôm, ghì, đè, đẩy, vặn, đục, làm đủ mọi cách cho đá lần lần rã ra, nghiêng đi, đổ sụp ở chân chúng. Lâu đài nguy nga không còn nữa, nay chỉ còn những hang cho chồn ở, những khe cho kiến bò và một nguồn cảm hứng vô tận cho khách hoài cổ.

Theo tấm bia trong đền thì hồi xưa đền chứa tới 12.640 người, trong số đó có 18 hoà thượng, 2.740 thầy tư tế, 2.232 người giúp việc và 615 vũ nữ. Vua Jayavarman VII đã cho xây đền này để thờ tổ tiên, sai đục 260 bức tượng, dựng 39 ngọn tháp, 566 khóm nhà bằng đá, 286 ngôi nhà bằng gạch.

3.140 làng và 79.365 người phải hầu hạ và cung cấp cho đền. Đền có tới năm tấn đĩa chén bằng vàng, 512 giường, 524 cái lọng; ngọc trai đếm được bốn vạn viên, kim cương 35 hạt, ngọc thạch 4.540 viên. Không hiểu dân Miên hồi đó dược nữa triệu người không mà phải chịu cái gánh nặng dường ấy!

Chú thích:

(°) Đền này còn gọi là Ta Phrom. Mời các bạn đọc thêm các bài “Ta Phrom, thần rắn hiến thân” (http://blog.360.yahoo.com/blog-z31WN...ec-?cq=1&p=76), “Angkor, ngôi nhà của thần linh” (http://www.nhavui.com.vn/index.php?o...242&idtype=392) và “Ấn Độ trùng tu đền Ta Phrom ở Campuchia” (http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/In...5&ChannelID=10)

ĐỀN BANTEAI-KDEI (Thành trì các phòng nhỏ) HỒ SRAH SRANG

Ở đền Ta Prohm ra, chúng tôi lại đền Banteai-Kdei (°), kiến trúc như hệt đền trên. Trước mặt cửa đông là một bệ đá rộng chừng vài chục thước, hai bên có tay vịn chạm hình sư tử và rắn thần.

Bệ đưa xuống một cái hồ một chiều 300 thước, một chiều 700 thước, bốn bề làng xóm đông đúc. Hồ tên là SRAH SRANG (chỗ tắm của nhà vua).

Tới đó thì đã thấy hai anh Th. và T. ngồi đợi.

Bốn anh em đang nằm dài trên bệ đá, gối đầu vào cánh tay, nghe gió thổi trong lá thì bỗng có tiếng gọi:

- Lục, lục (ông, ông).

Nhỏm cả dậy. Một người Miên đứng dưới bệ nhìn lên, gọi chúng tôi. Anh Th. hơi biết tiếng Miên, nói chuyện với người đó trên một phút. Khi anh vừa ngừng, chúng tôi đồng thanh hỏi:

- Cái gì vậy, anh?

Vì nhớ tới những vụ cướp xảy ra mấy tháng trước.

- Có lẽ nguy hiểm. (Câu này anh Th. nói bằng tiếng Pháp)

- Tại sao?

Anh không đáp, quay đi, nói chuyện với người Miên. Một lát anh lại ngừng, chúng tôi lại hỏi:

- Có gì không?

Anh suy nghĩ, không đáp, lại tiếp tục hỏi người Miên. Chúng tôi nhìn chăm chăm người này: mặt y hiền lành thản nhiên, nhưng chúng tôi vẫn phập phồng, giận mình là không biết tiếng Miên.

Một lát sau, tôi nghe y nói:

- Bạt, bạt... (phải, phải)

luôn bốn, năm tiếng, vừa nói vừa gật đầu.

Rồi anh Th. Quay lại, cười vang lên:

- Có gì đâu, nó tưởng mình là ông thú y Đ., muốn mời về nhà chơi. Tôi giảng, nó hiểu rồi. Mới đầu nó nói những tiếng gì, mình chỉ hiểu được là “về nhà, về nhà” tưởng là cướp mà hoảng.

Sau câu chuyện đó, chúng tôi mở thức ăn. Nước vỗ nhẹ dưới chân, gió vi vu trên đầu, lại thêm những câu chuyện vui bên Lào của ông Th. Đã lâu mới được ăn một bữa cơm giữa trời thú như vậy.

Nghỉ ở Srah Srang một giờ rưỡi. Một giờ chiều chúng tôi bắt đầu đi vì chương trình buổi chiều còn nặng. Rừng vắng tanh. Đường thăm thẳm dưới hai hàng cây cao. Thỉnh thoảng một con khỉ đánh đu trên cành tò mò nhìn chúng tôi qua.

----------

(°) Có thể xem thêm bài viết và hình ảnh tại http://blog.360.yahoo.com/blog-z31WN...eec-?cq=1&p=78

ĐỀN PREY-RUP (Lật xác lại) (°)

Một lát sau chúng tôi thấy hai chiếc xe lôi đậu ở dưới chân đền Prey Rup (tiếng Miên nghĩa là lật xác người chết lại, một lễ nghi trong lúc hoả thiêu).

Tương truyền ngày xưa có một ông vua Miên rất thích trồng được một thứ dưa rất ngon, muốn ngăn kẻ trộm, ra lệnh cho người làm vườn giết những kẻ đêm tối lởn vởn chung quanh vườn. Một đêm nhà vua thèm dưa, vi hành tới vườn, người làm vườn tưởng lầm là kẻ gian phi, hạ sát ông. Đền Prey Rup này để kỷ niệm ông vua đó.

Trèo lên đền, chúng tôi thấy bốn người Bắc đang ngắm cảnh. Chúng tôi chào nhau.

Kiến trúc đều phản phất như đền Ta-Keo. Có ba từng, từng dưới sáu tháp, từng giữa ba tháp, từng trên một tháp. Các tháp đều gom lại ở trên một bệ cao nên có vẻ hùng vĩ mà vẫn xinh.

Đặc sắc của đền là xây toàn bằng gạch, dầy hơn gạch ta, màu đỏ tươi, nung rất kỹ, cạnh góc chưa hề sức sở. Ông Groslier bảo hồ để xây tường là một chất nhựa lấy ở cây, tốt như xi-măng.

Tháp tựa như tháp Chàm. Ngọn trên cũng lộ thiên, có hai vị thần, một cao một thấp. Trước tháp, ở một sân gạch, có một cột đá tròn, cao độ thước rưỡi, tượng trưng khí dương.

Từ Prey Rup đi Ta Som, đường băng qua hồ Ba-rai đông (hiện đã cạn, thành ruộng) và ngang đền Mé-bon đông, tựa như đền Prey Rup, nhưng nhỏ hơn. Chúng tôi rẽ vào coi qua đền Ta Som. Đền cũng hoang vu như đền Ta Prohm, không có gì đặc sắc.

----------

(°) Đền này còn gọi là Pre Rup. Mời các bạn một tìm đến trang http://www.diendandulich.net/dulich/...?showtopic=230

NEAK PEAN (Rắn cuốn mình) (°)

Chúng tôi nghỉ hơi lâu ở Neak Pean. Đây không phải là một đền mà là năm cái hồ, cái lớn nhất ở giữa, - mỗi chiều chừng tám chục thước- bốn cái nhỏ - mỗi chiều bốn chục thước - ở chung quanh. Hồ xây bằng đá, sâu độ bốn thước, nay cạn.

Giữa hồ lớn nổi lên một tháp nhỏ, chạm hình súc vật. Một cây nhỏ rủ cành trên ngọn, cho ta cảm giác đứng trước một núi non bộ.

Người ta nói hồi xưa hồ hứng nước nhiều ôn tuyền ở chung quanh, nên dùng để tắm những người mắc những chứng bệnh nào đó. Theo Delaporto thì hồ xây để thờ Phật khi Ngài đã nhập niết bàn và để các nhà tu hành gội hết bụi trần mà tiến lên đường đạo. Nước ở hồ giữa khi nào nhiều quá sẽ chảy qua bốn hồ chung quanh do một lỗ đục trong bụng một con voi đá, đuôi ở hồ lớn, vòi ở hồ nhỏ.

Tôi tưởng tượng hồi xưa, mây ngũ sắc chiếu lên, cây chung quanh rủ xuống, mặt hồ đẹp biết bao, nhất là những ngày lễ, thiếu nữ Miên, xiêm y sặc sỡ lại đây cúng Phật, cảnh càng thêm linh động, diễm lệ. Ý nghĩ xây năm cái hồ nầy cũng tân kỳ.

ĐỀN PRAK HAN (Gươm thần)

Bỏ đền Krol Kô ở trước mặt Neak Pean, bỏ đền Banteai Prei cách Neak Pean độ hai cây số, chúng tôi ngừng lại ở đền Prak-khan. Đền này phản phất như đền voi phục ở Hà Nội. Cũng có một lối ra vào, dài 300 thước, thăm thẳm giữa hai hàng cây cành lá xum xuê và lè tè, mọc bên bờ nước. Nhưng chu vi rộng hơn nhiểu: mỗi chiều khoảng 800 thước, bề mặt 56 mẫu tây. Đền cũng do vua Jayavarman VII xây cất để thờ cha mẹ. Xưa đền có 515 pho tượng, một dưỡng đường, một trạm nghỉ. Số người phục vụ non mười vạn, trong đó có 1000 vũ nữ.

Ở cửa đông vào, thấy hai bên hai dãy chúc đài (trụ đèn) bằng đá cao hơn đầu người, rồi tới hai dãy thần đỡ con naga. Cảnh hùng vĩ, kỳ thú và chưa vào đền, ta đã có cảm tình với đền.

Kiến trúc cũng giống như đền Ta Prohm nhưng lớn hơn và đẹp hơn.

Ta đi giữa hai hàng cột đá, ngừng lại ở “hành lang mặc tưởng” mà trên tường chạm không biết bao nhiêu Phật tỉnh toạ trên toà sen. Ánh nắng xê xế lọc qua cành lá, toả trên rêu, phản chiếu lại, xanh dịu tưởng đâu như nhuộm một màu ngọc thạch huyền ảo.

Ta thấy nơi này khác xa thế giới ở ngoài và tưởng tượng cảnh những ông lục xưa thiền định ở đây, trong ánh sáng đó và trong hương trầm.

Qua “hành lang mặc tưởng” bước vào “hành lang ca vũ” chạm hàng trăm vũ nữ múa theo nhịp đờn. Nét chạm khắc tinh vi làm sao: dáng điệu rất mềm mại, thớ thịt rất rõ rệt, thân thể đẫy đà mà không thô, miệng tươi mà đa tình. Xưa những hình đó đều dát vàng dát ngọc, và dưới ánh lung linh của hàng trăm ngọn nến, những hình đá đó hoá ra linh động, cùng hoà một khúc với các nàng “mái” của nhà vua.

Ngoài hai hành lang đó ra, đền còn một đặc sắc nữa là có hai dẫy tò vò như trong một giáo đường La-mã.

Một vài cây, thân thẳng tắp, võ trắng bệch, mọc ngay ở bên, không làm cho nơi âm u đó thêm sáng, thêm vui mà chỉ làm cho thêm lạnh, thêm ghê. Màu trắng vỏ cây đó ở đây sao có vẻ nhợt nhạt như da người chết!

 

Chú thích:

(°) Gọi như thế vì có tượng con rắn cuốn mình dưới chân nền tháp giữa hồ lớn

MỘT CHỦ QUÁN BẮC

Ở cửa tây đền Prak Khan chúng tôi đi thẳng lại cửa bắc thành Angkor Thom. Gần tới thì gặp bốn người lính Miên đeo súng đi tuần.

Xe chạy thẳng xuống phía nam, qua bệ Voi và đền Bayon mà chúng tôi đi coi buổi sáng, lướt chân núi Ba khang [Bakheng?] rồi đậu lại trước cửa đền Angkor Vat.

Lúc ấy đã bốn giờ chiều. Hai anh Th. Và T. đã mệt vì đạp xe máy trên bốn chục cây số. Chúng tôi vào nghỉ trong một quán cơm gần đó.

Tôi gọi đồ giải khát. Chủ quán quen miệng đáp:

-Bạt, lục (Thưa ông, vâng).

Ông ta là người Hải Dương, lập nghiệp ở đây đã trên hai mươi năm: đầu lơ thơ vài sợi tóc, cặp mắt ti hí, để râu mép như Quan Công, mặt chảy ra, nhờn những mỡ. Hoàn toàn là một Huê kiều Quảng Đông. Có lẽ người ta chịu ảnh hưởng của đất nước không nhiều bằng chịu ảnh hưởng của nghề nghiệp.

Ăn vài chiếc cuốn bì rồi chúng tôi đi coi công trình tuyệt đỉnh của kiến trúc Cao Miên. (°)

Chú thích:

(°) Mời các bạn truy cập vào địa chỉ http://blog.360.yahoo.com/blog-z31WN...eec-?cq=1&p=37 để xem vị trí các nơi chúng ta đã “tham quan” như đền Bayon, đền Bapoun, bệ Voi, đền Phiméanakas, bệ Vua hủi, cửa Khải hoàn, đền Ta Keo, đền Ta Prohm, đền Banteai Kdei, hồ Srah Srang, đền Prey Rup, Neak Pean, đền Prak Han trên bản đồ tổng thể khu vực Đế Thiên Đế Thích và trên bản đồ khu trung tâm Angkor Thom. Trên bản đồ thứ nhất, các bạn cũng sẽ thấy vị trí Angkor Vat, “công trình tuyệt đỉnh của kiến trúc Cao Miên”, mà chúng ta sẽ ghé thăm.