Geli Bauer chăm chú nghe Corelli báo cáo từ nhà Fielding.
"Chúng vào trong rồi. Tennant vào trước. Bác sĩ tâm thần còn đang lưỡng lự. Bây giờ cô ta cũng vào rồi. Khoan... Tôi nghĩ bác sĩ mang theo gì đó."
"Bác sĩ nào? "
"À, Tennant. Hắn có một khẩu súng trong túi. Phía trước, bên phải."
"Anh nhìn thấy báng súng không?"
"Không, nhưng trông nó giống súng lục."
Tennant nghĩ hắn định làm cái khỉ gì vậy? Tiếng điện thoại kết nối lách cách.
"Cô muốn tôi làm gì bây giờ?" Corelli hỏi.
"Ngồi yên đó và đảm bảo các mic phải hoạt động."
"Bà góa vừa ra mở cửa. Bà ta kéo họ vào nhà."
"Báo cáo thường xuyên cho tôi."
Geli cắt liên lạc với Corelli. Nếu Tennant mang theo súng, tức là hắn lo sợ cho tính mạng của mình. Chắc hẳn hắn tin rằng Fielding bị giết? Nhưng tại sao? Thứ thuốc độc giết chết Fielding đã gây chảy máu não nghiêm trọng - một cơn tai biến thật sự. Nếu không mổ xác, không thể chứng minh được vụ giết người. Và sẽ không có mổ xác. Tennant chắc hẳn biết nhiều hơn Godin tưởng. Nếu bức thư chuyển qua FedEx mà hắn nhận được là do Fielding gửi, có thể nó chứa một vài chứng cớ nào đó.
Ả chạm vào micro trên tai nghe và nói, "Skow. Nhà." Máy tính quay số nhà riêng của Skow ở Raleigh.
"Giờ thì lại chuyện gì đây?" Skow nghe máy sau hai hồi chuông.
"Tennant và Weiss hầu như không chuyện trò gì trên đường đến nhà Fielding."
"Vậy thì sao?"
"Điều này không tự nhiên. Bọn chúng tránh nói chuyện."
"Tennant biết hắn bị theo dõi. Cô luôn muốn chúng biết điều đó mà."
"Đúng, nhưng chưa bao giờ Tennant lẩn tránh như thế này. Hắn đang mưu mô gì đó."
"Tennant hơi lập dị. Chuyện đó tự nhiên thôi."
"Hắn có mang theo súng."
Một thoáng im lặng. "Thôi được. Hắn là một tên quá lập dị. Chúng ta biết hắn có một khẩu trong nhà."
"Việc đó với việc mang cái của khỉ ấy đi khác nhau đấy."
Skow tặc lưỡi. "Đó là kiểu phản ứng cô truyền cho người khác. Nói nghiêm túc, cô cần bình tĩnh lại. Phải xem xét tình hình chứ. Tôi biết Tennant nghi ngờ. Hôm nay bạn thân của hắn chết. Hắn bị hoang tưởng tự nhiên thôi. Điều chúng ta không mong muốn là để hắn nghi ngờ hơn nữa."
Ả muốn nói chuyện với Godin. Ả đã thử bấm số di động riêng của lão, nhưng lão không trả lời mà cũng chẳng gọi lại. Đây là lần đầu tiên có chuyện như vậy. "Coi này, tôi nghĩ..."
"Tôi biết cô nghĩ gì," Skow nói. "Tôi chưa cho phép thì đừng có manh động."
"Đồ khốn," Geli nói, nhưng Skow đã buông máy.
Ả bấm số liên lạc với trụ sở NSA ở Fort Meade. Sĩ quan liên lạc của ả ở đấy tên là Conklin.
"Chào cô Bauer," anh ta nói. "Cô lại hỏi về FedEx nữa sao?"
"Anh nghĩ thế nào?"
"Tôi đã có cái mà cô muốn. Gói đó được bỏ vào thùng thư ở bưu điện Durham, Bắc Carolina. Tên người gửi đăng ký trong danh sách là Lewis Carroll."
Vậy Fielding đã gửi gói này cho Tennant. Ả biết ông ta không tự mình gửi thư, nhưng rất có thể vợ ông ta đã làm. Geli tắt máy và ngả người ra ghế, tái hiện tình huống.
Cách đây bảy giờ ả đã giết người theo lệnh của Godin, mà không biết chính xác tại sao. Ả cóc cần quan tâm đến điều này. Fielding gây nguy hiểm cho dự án, và theo điều kiện hợp đồng của ả, thế là đủ để ả ra tay. Nếu ả cần mấy lời biện minh đạo đức, thì đây, dự án Trinity cực kỳ quan trọng đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Xử lý Fielding thì cũng giống như giết một điệp viên bị bắt quả tang phản bội. Tuy thế, ả vẫn tò mò về động cơ. Godin nói với ả rằng Fielding đang ngầm phá hoại dự án và ăn cắp dữ liệu Trinity. Không ai có thể mó tay mó chân đưa dữ liệu ra vào tòa nhà này. Còn về vụ trộm cắp điện tử, bọn kỹ thuật viên NSA của Skow đảm bảo rằng không một hạt electron nào ra khỏi tòa nhà mà không qua kiểm soát của gã.
Vây tại sao Fielding phải chết? Cách đây sáu tuần, ông ta cùng Tennant đã làm treo dự án bằng cách đặt ra vấn đề đạo đức và y tế. Nếu đó là lý do, tại sao không giết Fielding ngay? Và tại sao chỉ giết có mình ông ta? Peter Godin có vẻ gần như thất vọng khi ghé thăm Geli đêm qua. Ả chưa từng thấy Godin thất vọng. Phải chăng lão lo lắng đến thế vì muốn đưa dự án trở lại trực tuyến. Ả không hiểu mấy về khía cạnh kỹ thuật của dự án Trinity, nhưng ả biết chắc thành công còn xa vời. Ả có thể đọc điều đó trên mặt các nhà khoa học và các kỹ sư, khi họ báo cáo công việc hằng ngày.
Dự án Trinity đang chế tạo - hoặc nỗ lực chế tạo - một siêu máy tính. Không phải siêu máy tính truyền thống như Clay hay Godin, mà là một máy tính chuyên về trí tuệ nhân tạo, một cái máy biết suy nghĩ thật sự. Ả không hiểu điều gì làm cho thứ máy tính lý thuyết này khó chế tạo đến thế, nhưng Godin đã nói với ả đôi chút về nguồn gốc dự án.
Năm 1994, một nhà khoa học của phòng thí nghiệm Bell đã đưa ra thuyết rằng, nếu dùng các nguyên lý của vật lý lượng tử, có thể chế tạo được một máy tính có sức mạnh gần như vô biên bẻ hết các mã khóa. Geli chẳng biết mấy về vật lý lượng tử nhưng ả hiểu tại sao một máy tính lượng tử có thể tạo nên đột phá. Mã hóa kỹ thuật số hiện đại - hệ thống mã được các ngân hàng, tập đoàn kinh tế, chính phủ quốc gia sử dụng - dựa trên sự phân tích thừa số các số nguyên tố lớn. Những siêu máy tính truyền thống như loại mà NSA đang sử dụng bẻ khóa mã bằng cách thử liên tiếp các chìa khóa khác nhau, giống như thử nhiều chìa để mở ổ khóa. Phá mã cách ấy phải mất hàng trăm giờ. Nhưng một máy tính lượng tử - về lý thuyết - có thể thử đồng thời tất cả các chìa khóa có thể có. Các chìa khóa sai sẽ loại trừ nhau, chỉ còn lại chìa khóa đúng duy nhất để mở khóa mã. Và quá trình đó không cần đến hàng giờ, thậm chí hàng phút. Một máy tính lượng tử có thể tức khắc bẻ khóa được mã hóa bằng kỹ thuật số. Một chiếc máy như thế sẽ làm cho việc mã hóa như hiện nay trở thành lạc hậu, và mang lại cho bất kỳ đất nước nào sở hữu nó ưu thế chiến lược khiến mọi nước khác trên thế giới phải choáng váng.
Xét đến giá trị tiềm tàng của một loại máy như thế, NSA đã khởi động một nỗ lực bí mật khổng lồ để thiết kế và chế tạo máy tính lượng tử. Được mệnh danh là Dự án Ma quỷ, do trước đây Albert Einstein từng miêu tả hoạt động của một số hạt lượng tử là "giống như có ma quỷ điều khiển từ xa", dự án này được đặt dưới sự điều hành của John Skow, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Siêu máy tính của NSA. Sau bảy năm và tiêu hết 600 triệu đô la trong ngân sách đen của NSA, đội ngũ của Skow vẫn không chế tạo ra được một mẫu chuẩn có thể đọ được với tính năng của một chiếc PDA Palm Pilot.
Skow có lẽ đã sắp chịu thua thì nhận được cú điện thoại của Peter Godin, người đã chế tạo siêu máy tính truyền thống cho NSA nhiều năm nay. Godin đề xuất một kiểu máy có tính cách mạng như máy tính lượng tử, nhưng thuộc tính của nó chính phủ không thể phản đối: có thể chế tạo nó dựa trên tinh túy của công nghệ hiện tại. Hơn nữa, sau khi nói chuyện với Andrew Fielding, nhà vật lý lượng tử mà lão đã mời cộng tác cùng dự án, Godin tin rằng chiếc máy có cơ hội cực tốt để trang bị những tính năng lượng tử.
Bằng cách nhử miếng mồi béo bở ấy trước tổng thống, Godin gần như đạt được mọi nhượng bộ mà lão đòi hỏi. Một nhà máy chuyên biệt để chế tạo chiếc máy mới. Nguồn ngân sách gần như vô hạn của chính phủ tài trợ cho một nỗ lực đầy rủi ro theo kiểu Dự án Manhattan. Quyền thuê và sa thải các nhà khoa học riêng của lão. Về phần giám sát của chính phủ, lão chọn Skow, người mà lão lôi kéo được từ nhiều năm trước bằng cách hối lộ, để Skow chọn các máy tính của Godin chứ không phải của Cray cho Trung tâm Nghiên cứu Siêu máy tính. Tổng thống chỉ có một yêu cầu duy nhất là giám sát tại chỗ khía cạnh đạo đức của dự án, điều này được cụ thể hóa bằng David Tennant. Và ban đầu, Tennant dường như chỉ là nỗi phiền toái nhỏ. Mọi việc có vẻ thông đồng bén giọt.
Nhưng đã hai năm trôi qua. Gần một tỷ đô đã tiêu hết veo mà mẫu máy Trinity vẫn chưa hoạt động được. Trong các hành lang bí mật của Thành phố mật 1 thuộc NSA, người ta bắt đầu so sánh nó với Dự án Ma quỷ đã thất bại. Tất nhiên sự khác biệt nằm ở Peter Godin. Ngay cả kẻ thù của Godin cũng phải thừa nhận rằng lão chưa bao giờ hứa suông. Nhưng lần này, họ thì thầm với nhau, lão đã đảm nhận nhiều hơn khả năng xử lý của mình. Trí thông minh nhân tạo có thể không lý thuyết như máy tính lượng tử, ấy thế nhưng nhiều công ty đã phá sản vì không cung cấp được như đã hứa.
Thế nên Geli không hiểu tại sao Fielding nhất định phải chết. Cho đến tận hôm qua, Godin rõ ràng còn nhìn nhận nhà khoa học Anh lỗi lạc ấy như một nhân tố không thể thiếu cho thành công của Dự án Trinity. Rồi bỗng nhiên ông ta bị thanh toán. Điều gì đã thay đổi?
Bốc lên, ả gõ mạnh vào bàn phím, lôi ra một danh sách các vật dụng riêng của Fielding mà ả đã lập sau khi ông ta chết, theo yêu cầu của Godin. Phòng làm việc của Fielding đã biến thành một đống hằm bà lằng những đồ vật kỳ quái, những tập ghi nhớ, giống như của một giáo sư đại học hơn là của một nhà vật lý thực nghiệm.
Có nhiều sách, tất nhiên. Một bản Upanishad 2 bằng nguyên bản chữ Phạn. Một tập thơ của W. B. Yeats. Ba cuốn tiểu thuyết của Raymond Chandler đã đọc mòn nhẵn. Một bản Alice qua tấm gương soi. Nhiều sách giáo khoa khoa học và luận án. Những món khác lạc lõng hơn. Bốn cặp xúc xắc, một đôi tạ. Một răng nọc của rắn mang bành. Một bản mới của tạp chí Penthouse. Một lưỡi gà saxophone. Một chiếc bát cầu nguyện Tây Tạng. Một tờ lịch treo tường in tranh của M.C. Escher. Một áp phích rách quảng cáo cho Club-à-Go-Go ở Newcastle, Anh quốc, nơi Jimi Hendrix chơi vào năm 1967, có thủ bút của tay ghi ta này. Một bức thư lồng khung của Stephen Hawking thừa nhận hai người đã đánh cuộc về bản chất của vật chất tối gì đó. Đĩa compact của Morrison, John Contrane, Miles Davis mua ngoài tiệm. Danh sách các đồ vật còn kéo dài, nhưng tất cả đều thuộc loại vô thưởng vô phạt. Geli đọc lướt qua các cuốn sách, một kỹ thuật viên thì nghe kỹ từng bản nhạc trên đĩa CD nhằm bảo đảm chúng không bị giả mạo để ghi dữ liệu ăn trộm. Bên cạnh đống đồ văn phòng lặt vặt của Fielding còn có ví tiền, quần áo và mấy món kim hoàn. Đồ kim hoàn chỉ có chiếc nhẫn cưới vàng và chiếc đồng hồ quả quýt bằng vàng nối với sợi dây chuyền, một đầu là móc pha lê.
Đang nghĩ về danh sách đồ vật, Geli bỗng giật mình tự hỏi liệu tất cả có còn nguyên trong kho sau khi ả khóa cửa phòng chiều hôm qua? Ả băn khoăn vì John Skow đã vào phòng ấy. Biết đâu Fielding bị giết vì vật mà ông ta có thì sao? Có thể đó là lý do họ muốn ông ta phải chết trong phòng làm việc. Để chắc chắn lấy được thứ họ muốn. Nếu đúng vậy, đó phải là thứ đồ vật mà ông ta luôn mang theo người. Nếu không họ chỉ việc lấy trộm từ phòng làm việc của ông ta. Geli sắp đi kiểm tra lại kho thì lại có tiếng bíp trong ống nghe của ả.
"Tôi nghĩ chúng ta không ổn rồi," Corelli thông báo.
"Gì vậy?"
"Giống như ở nhà Tennant. Bọn chúng ở trong, nhưng tôi không nghe thấy chuyện trò gì cả. Chỉ có tiếng vọng mơ hồ từ mấy cái mic xa tít, như tràn tín hiệu vậy."
"********** thật." Geli chuyển tín hiệu từ nhà Fielding vào tai nghe của mình. Nhưng chỉ thấy im lặng. "Có chuyện rồi," ả lầm bầm. "Các anh mang theo gì?"
"Chúng tôi mang đến một ăng ten parabol, nhưng nó bắt qua tường rất kém, còn qua cửa sổ thì hầu như vô dụng. Chúng tôi cần thiết bị laser."
"Có đây." Ả nhẩm trong óc danh mục các thiết bị hiện có. "Tôi sẽ gửi nó đến cho anh trong vòng mười hai phút."
"Mười hai phút sợ họ về mất."
"Nhìn ban đêm thế nào?"
"Tôi không chờ đợi cái gì mang tính chiến thuật."
Chết tiệt. "Thiết bị đang trên đường đến. Kiểm tra xe Tennant, tìm phong bì FedEx. Và báo cho tôi địa chỉ con đường anh đang đậu xe."
Geli ghi lại, rồi nhấn một nút làm khuấy động căn phòng ở cuối khu liên hợp tầng hầm. Ở đó có giường nghỉ cho đội của ả khi cần trực 24/24. Ba mươi giây sau, một thanh niên cao ráo, tóc vàng hoe dài thượt, ngái ngủ lê chân vào trung tâm điều khiển.
"Gì dzậy?" hắn hỏi.
"Đang có báo động." Ả chỉ vào chiếc máy pha cà phê sát tường. "Uống đi!"
Ritter Bock là người Đức. Trong đội của Geli, hắn là người duy nhất do Godin tuyển chọn. Vốn là cựu lính đặc công GSG-9, Ritter trước đây làm việc cho một cơ quan an ninh riêng của giới chóp bu, thường cung cấp vệ sĩ cho Godin khi lão sang châu Âu hoặc Viễn Đông. Godin đã thuê Ritter lâu dài sau khi tay cựu đặc công này ngăn chặn được một vụ bắt cóc nhà tỷ phú. Tàn nhẫn, thần kinh thép và điêu luyện trong nhiều lĩnh vực vượt ra ngoài chuyên môn chống khủng bố của mình, gã trai 29 tuổi này hóa ra lại trở thành thủ hạ đắc lực nhất của Geli. Và bởi vì trước đây ả đã trải qua nhiều mùa hè ở Đức nên giữa họ không có khó khăn gì về ngôn ngữ.
Ritter uống từng ngụm từ chiếc cốc bốc hơi nghi ngút và nhìn Geli qua miệng cốc. Hắn có đôi mắt pháo thủ màu xám của những cậu trai từng hút hồn ả thuở dậy thì hồi bố ả đóng quân bên Đức.
"Tôi cần anh đưa chiếc ăng ten laser cho Corelli," ả nói. "Anh ta đậu xe ở lối vào gần khu trường Đại học Bắc Carolina."
Ả xé trang đầu trong cuốn sổ ghi chép và ném lên mặt bàn bên cạnh mình.
Ritter khụt khịt gật đầu. Hắn ghét những việc lặt vặt kiểu này, nhưng hắn không bao giờ phàn nàn. Hắn vẫn làm những việc không tên và kiên nhẫn chờ đợi việc mà hắn sinh ra để làm.
"Phải cái laser trong phòng hậu cần không?" hắn hỏi.
"Đúng. Mang theo bốn máy ngắm ban đêm."
Hắn uống nốt cà phê, nhặt mảnh giấy trên bàn rồi đi ra không nói một lời. Geli thích thế. Người Mỹ luôn thấy cần lấp khoảng trống im lặng, như thể im lặng là cái gì đáng sợ. Ritter không phí sức, trong lời nói cũng như trong hành động. Điều đó làm hắn trở nên có giá. Đôi khi hai người cùng làm việc, những lúc khác ả ngủ với hắn. Chuyện đó chẳng thành vấn đề. Ả thường làm thế khi ở trong quân đội, kiếm được chỗ nào vui vẻ là mần liền. Cũng như thời ả là học sinh nội trú ở Thụy Sĩ. Nguy cơ luôn rập rình. Cần phải có khả năng chế ngự được những gã đàn ông - hay phụ nữ - hung hăng, và xử lý được hậu quả sau khi mọi chuyện đã xong. Ả luôn luôn làm được cả hai chuyện đó.
"Corelli?" ả hỏi. "Giờ anh nghe thấy gì?"
"Vẫn không có gì. Nghe như tràn tín hiệu. Khó hiểu."
"Tôi đã báo động. Ritter đang đến."
Chỉ có tiếng nhiễu sóng và im lặng đáp lại. Geli mỉm cười. Ritter làm mọi người khó chịu. "Anh có nghe tôi nói không?"
"Rõ. Tôi đang ở trong xe Tennant."
"Thấy gì không?"
"Không thấy phong bì FedEx. Chắc hắn mang vào trong đó."
"OK."
"Cô muốn tôi làm gì bây giờ"
"Về xe của anh và chờ Ritter."
"Rõ."
Geli tắt máy và tiếp tục nghĩ về đồ dùng cá nhân của Fielding trong phòng lưu trữ. Ả có cảm giác đã bỏ sót một thứ, và bản năng của ả luôn luôn chính xác. Nhưng ả không muốn rời trung tâm điều khiển lúc này. Một khi Ritter đến hiện trường, mọi việc sẽ tiến triển nhanh.
--------------------------------
1 Biệt danh trụ sở của NSA.
2 Áo nghĩa thư, một loại thánh điển của Ấn Độ giáo.