- Hôm nay là sinh nhật của tôi, được hai mươi ba tuổi rồi đó...
Thiếu tá tiểu đoàn trưởng hỏi đùa:
- Hai mươi ba tuổi, già quá hả?
Mọi người lao nhao theo để trêu chọc... Hai mươi ba tuổi, quan hai còn nhỏ lắm, không ăn thua gì đâu...
- Nhưng vẫn năm năm lính rồi chứ ít gì.- Tôi phản đối.
Đức nói nhỏ vào tai:
- Mới bằng thời gian người ta đi chơi bời thôi con trai!
Tôi cụt hứng ngồi im.
- Thế nào người anh hùng nhỏ tuổi, nhớ vợ phải không? - Châu “ghẻ” kể thêm một câu.
- Đ.m... Con giai tôi không dám không biết cái “ấy” của vợ ở đâu nữa, tôi cứ tưởng nó nhớn lắm, ai ngờ chỉ mới hai mươi ba tuổi.
Anh Ba "râu” tay ăn nói bạt mạng nhất ở Nhảy dù, phán thêm một câu làm tôi chết cứng. Tôi còn trẻ lắm, hai mươi ba tuổi chưa biết mẹ gì! Ai biết được thế nào là mười năm đã qua của tôi... Năm ngày hành quân vừa rồi, hai mươi lăm cây số đường rừng không thấy mặt trời, ngày di chuyển từ bảy giờ sáng đêm đóng quân thức giấc liên miên vì sợ Việt cộng đột kích. Người tôi đã ở tận cùng gian khổ. Hôm qua, tám giờ tối rút ra gần quận Lệ Thanh, đêm miền núi lạnh như cắt da nhưng cũng phải nhào xuống dòng suối lạnh buốt để kỳ cọ, năm trái bắp sống ăn không kịp nuốt vì đói! Cảnh khổ của ba năm liên tiếp không đủ cho tôi già sao? Cực khổ, tai ương, nhọc nhằn, cùng với những rối rắm, phiền hà của thời gian qua chưa đủ làm tôi trở nên người lớn? Và bao nhiêu thống khổ từ niên thiếu?! Tôi lầm lì cho đến hết bữa ăn. Ăn xong, mọi người kéo nhau vào phòng nhảy.
- Nhảy đi mày, có mấy em được lắm... - Trang đề nghị.
- Nhảy mẹ gì. Mày cứ kêu bia cho tao.
Phòng nhảy mờ mờ ảo ảo đến bực bội, ăn chơi tỉnh lẻ lỉnh kỉnh, quê mùa không chịu được. Lại thêm có anh thợ hát ở đâu lò dò lên ca một bài để tặng các anh chiến sĩ...
- Đ.m, tặng với chả tặng!
Ngày hôm kia trong rừng sâu, đại đội tôi đi đầu chưa kiếm ra được bãi tải thương, hai thương binh mang theo nặng như hai bao gạo, rừng dầy quá không cáng được phải dẫn tụi nó đi từng thước... Trên đầu, máy bay trực thăng lượn vòng đợi, dưới đất tiểu đoàn trưởng thúc giục, tôi như cơn lửa cháy trong đầu, thế mà anh này ở đâu trên L.19, bấm combiné của máy truyền tin Không - Lục để hát một bài tặng các anh “Thiên thần mũ đỏ”!
- Hát với chẳng hát, tiên sư anh, tôi lại tặng cho mấy quả bây giờ. - Tôi lẩm bẩm chửi thề đứng dậy...
- Can! Can! - Anh Ba “râu” cuống quýt...- Thôi, thôi, cho tôi xin bố, bố không muốn ngồi đây thì cút đi chỗ khác! Đi đi cho được việc... Trang dẫn nó đi hộ tao, để nó đánh lộn ở đây thì anh Tướng nhốt cả lũ bây giờ. Cút!!
Trang dẫn tôi ra cửa, có con hổ nhồi bông ở ngưỡng cửa ra vào, tôi sẵn chân đá luôn một cái. Mẹ kiếp! Cứ voi với hổ suốt cả đời...
- Bây giờ mày muốn đi đâu? - Trang hỏi.
- Tao đi lang thang.
- Đi lang thang làm quái gì, lên cái chỗ “dưỡng quân” cho biết.
- Ừ, đi thì đi.
Trung tâm dưỡng quân nồng nặc khói thuốc, ta với tây hỗn độn, chen chúc, bia, được uống không phải từng chai nhưng từng két, uống để đè xuống cái mùi gái, mùi lính, mùi nước hoa đĩ thõa, mùi của thân thể không được tắm rửa, mùi của “chất” đàn ông và đàn bà sau ngàn lần ân ái, bao nhiêu lâu đọng trên giường, trên gối, trong kẽ ngách, dưới sàn nhà. Sàn nhà, một địa ngục thô bỉ được dọi sáng bằng ngọn đèn lù mù yếu ớt, dầy đặc đất đỏ của muôn ngàn đôi giày lính dẫm lên, hàng trăm cái “áo mưa” nằm lềnh kềnh, tung tóe... Đế giày nhà binh dẫm lên nhừa nhựa, như bước trên thây thân người chết!!! Chưa có chỗ nào ghê tởm và nhầy nhụa hơn. Con gái điếm đứng trước mặt, ánh sáng không soi rõ, chỉ thấy một phần bụng nhăn nheo, vết thâm tím thẫm.
- Anh cởi quần áo ra đi chứ? - Im lặng. Nó vẫn tiếp tục cởi phần y phục còn lại. Đến ngồi bên mép giường, xong đưa tay ngoắc tôi...
- Em cởi quần áo cho anh nghe? - Nó đưa tay lên nút áo của tôi.
- Không cần, để thế này, “chơi đứng”!!!
- Đâu có được?
- Sao không?
- Em không quen, khó “chơi” lắm, với lại em thấp thua anh.
- Ăn thua mẹ gì! Mày đứng trên giường.
- Mày say rồi hả?
- Ừ.- Tôi nhường lái cho nó. Người mệt lả như sau cuộc đua quá sức...
- Bây giờ làm gì? Trang hỏi.
- Cứ đi vào cái bar nào đó chẳng được.
Pleiku, thành phố của snack-bar, người tử tế không có ai ra đường sau tám giờ tối, tôi nghĩ vậy. Thành phố của đĩ điếm công khai, của đổi chác dâm dật lộ liễu, thành phố hết tình người, giữ gìn làm gì? Phải, giữ gìn làm gì? Phá cho thả cửa...
Còn gì nữa đâu... Thành phố này chỉ trước hai năm thôi, tháng tám năm một ngàn chín trăm sáu tư, tôi đến đây chạy như giông bão để tìm em. Tôi đến đây vào buổi tối trời mù sương, thành phố kín cửa, tôi chạy như kẻ điên, như người mất trí, tôi đập cửa từng nhà, hỏi gặn từng người qua mặt... Em ở đâu? Em ở đâu?... Đây là nhà em, con đường Hoàng Diệu nối dài hoang vắng, lầy lội không ánh sáng, không bóng người... Tôi chạy vào nhà em tưởng chừng như có giọng nói, nụ cười, và em sẽ có, có thật đầy đủ, có như những lần đã có trong tay tôi... Nhưng tất cả không còn gì? Chiếc dốc hoang vắng đưa tôi về chỗ trọ, buồn thảm như đường về cõi chết... Hơn hai năm đi qua, hôm nay trở lại thành phố, còn gì đâu những ngày xưa nữa... Đĩ điếm, xanh đỏ, lòe loẹt xuất hiện trong đường phố, tiếng cười, giọng nói đâu còn vóc dáng Việt Nam và em... Và em cũng đang tan biến đâu rồi trong tận cùng đổ vỡ quê hương...
Tối hôm đó, tôi không biết đã đi vào bao quán rượu. Không biết phải chứng kiến bao khuôn mặt nham nhở, ngu ngơ, bao nhiêu chiếc mồm thoa son đỏ loét mở ra, khép vào như những vết thương ghẻ lở. Tôi chỉ biết say, say thật nhiều. Say đi, quê hương, ta còn không giữ kể gì thân ta... Say đến nỗi không nhấc nổi bước chân. Và vào lúc mười hai giờ đêm, thành phố đẫm sương mù bao phủ, le lói ánh đèn đường nhạt nhạt mênh mông, tôi ngồi ngay hè đường run rẩy ăn tô phở, ánh hồng từ bếp lửa chiếu lên chập chờn soi rõ mặt...
- Mấy ông đi chơi gì mà khuya vậy? - Người bán phở hỏi vu vơ. Giọng nói người Huế khàn khàn. Lại một kẻ tha phương đi kiếm sống như tôi đi đánh giặc! Trang hát nhỏ thì thầm... Một đắng cay, xót xa nào đọng trên mi mắt... Ngày này tôi được hai mươi ba tuổi.
Tháng 9 năm 1966, Pleiku.