Một chiếc xe cảnh sát màu xanh đỗ ở sau lưng chúng tôi, tiếp theo hai GMC chở đầy cảnh sát dã chiến. Chúng tôi lùi đàng sau, nhường chỗ cho cảnh sát, những chuyên viên chống biểu tình dàn đội hình mau lẹ, máy phóng thanh kêu gọi đám đông giải tán. Có tiếng la ó đả đảo từ đám đông, một vài người bắt đầu ném gạch đá. Lời kêu gọi chót không thành, cảnh sát dã chiến tấn công, gạch đá, khói lựu đạn cay bốc lên. Cảnh sát dã chiến tiến tới, đám biểu tình lui lại rút về Viện Hóa Đạo cố thủ. Trên đường vắng lăn lóc hỗn độn guốc, cặp, nón lá, dép, trơ trẽn và buồn cười. Toán CSDC lên xe rút đi, nhường lại khỏang đường cho chúng tôi, hàng rào kẽm gai mới được thành lập ngay trước cổng Viện Hóa Đạo. Chúng tôi dàn hàng ngang đứng trong nắng, gió và chuỗi giông bão chửi rủa phẫn nộ của bọn người đứng sau hàng rào kẽm gai. Một tên mặt choắt như mặt chuột chỉ tay vào tôi:
- Đ.m... mày ăn tiền của Mỹ bao nhiêu? Tụi mày nếu chết không có địa ngục nào trừng phạt cho hết, cha mẹ mày cho ăn học để mày đem đạn súng giết thầy!!
Máu nóng bốc lên muốn nổ tung trí não, tôi đưa tay vào túi nơi đựng băng đạn vừa tháo ra khỏi súng, ước gì tôi có được một liều lĩnh. Nó sẽ chết... Nhưng khi tay chạm phải thỏi kim khí mát lạnh đó, tôi thả ra, vì bây giờ, nếu phẫn nộ được bùng cháy, thì không phải riêng tôi mà một trung đội hai mươi bốn người cũng sẽ bùng lên như ngọn đuốc. Chúng tôi chưa kịp rửa đôi giày lấm bùn của chiến trận ngày hôm qua, áo quần mặt mũi còn nguyên dấu vết của bốn ngày hành quân. Vết cháy ở áo thằng Ty tải đạn trung liên, máu ở mặt thằng Thái và tôi, gã trai trẻ nuôi dưỡng thật nhiều hiền hòa trong lòng, ngày hôm qua vừa được chứng kiến những cái chết tức tưởi của một gia đình. Chỉ mới ngày hôm qua. Không thể được, tôi phải nén xuống, phải cất dấu hết giận dữ đang bùng lên như giông bão. Thôi, đi lính để còn lãnh chịu đựng. Nỗi chịu đựng không bờ bến.
Tụng kinh xong, ông tu sĩ đứng dậy đến sát bên tôi yêu cầu mở lối cho đám biểu tình. Tôi lắc đầu. Ông ta năn nỉ. Không được. Mấy bà già người Bắc van xin kêu la khóc lóc, chửi bới để phụ họa... Đàng sau chiếc mặt nạ chống hơi ngạt, tôi nghĩ thầm: Nếu được giết người trong một lần ở trong đời, tôi sẽ chọn lúc này. Đám đông chửi bới bằng những tiếng tục tằn thô lỗ nhất chen với tiếng niệm Phật... Danh hiệu của Đức Thích Ca chen lẫn với rác rưởi của trần gian. Ôi khốn khổ cho tôn giáo của tôi. Tôi nhớ cái chết tự thiêu của bà chị ở Ninh Hòa. Ai bóp nghẹt hơi thở tôi lúc này. Đám đông bắt đầu hỗn loạn muốn đè bẹp lên chúng tôi, một viên đá từ đám đông bay đến đánh mạnh vào ngực của Hạ sĩ Long, tên này la lên một tiếng đau đớn - bất ngờ - hắn đánh báng súng vào ngay mặt một gã thiếu niên đang nhảy choi choi trước mặt. Tôi ném liền trái lựu đạn khói, cơn phẫn nộ bị nén suốt ngày bùng lên như lửa đỏ, báng súng carbine đả ngang một vòng trước mặt, có tiếng rú đau đớn. Tôi la lớn... Đánh nữa, đánh cho chết. Một báng súng ngược lại... Xương người chạm vào chất gỗ cứng vỡ dòn trong một niềm thỏa thuê. Trung đội tôi như trong cơn điên của thù hận và phẫn nộ, những người lính lao vào trong đám đông... Tôi ném thêm một qủa lựu đạn khói. Chạy! Chúng tôi chạy ngược về phía ngã ba Cao Thắng, Trần Quốc Tỏan, khi về đến chỗ đại đội, cởi chiếc mặt nạ... Mắt tôi đỏ hoe, tôi khóc hay lựu đạn làm chảy nước mắt. Ai biết được, nhưng lòng tôi đang là một biển buồn phiền. Làm sao tôi biết được trong ngày mãn khóa, đời sống sẵn dành cho người lính ngần này tàn bạo và tủi hổ; nhìn lại những người lính chung quanh, bây giờ họ thật gần gũi, thân thiết. Sau chiến tranh, người lính thấy lạ với hết mọi người của đời sống bên ngoài, họ chỉ còn ngục tù tự nguyện của tập thể để làm thế giới cho tâm hồn phá sản. Tôi đã cột chặt vào thế giới hung bạo, phiền muộn này, tôi đã thành một người lính, nêm cứng với những người lính khác...
- Thiếu uý cho em chạy về nhà một lát - Một người lính trong trung đội đến gần tôi nói nhỏ.
- Lúc này biểu tình lộn xộn, đi đường có việc gì làm sao tìm ra được.
- Không có đâu thiếu uý, nghe radio “nhạc đảo chánh” là em biết liền.
- Ừ, khi nào có “nhạc đảo chánh” thì về.
Tháng 9-1964. Sài Gòn.