Dấu binh lửa

NHỮNG ĐƯỜNG BAY ĐẦU TIÊN

Tiểu Đoàn được chuyển vận từ Long An bằng tàu FOM theo sông Vàm Cỏ Tây, đến ngã ba nơi gặp sông Vàm Cỏ Đông, theo nhánh sông này đi ngược về phía Bến Lức. Tàu đi trong giòng sông đầy sương mù, trời chưa có nắng, nước sông mênh mông. Tôi ra đứng ở mũi tàu, gió thổi lộng, những buồn bực của tháng ngày hậu cứ như trôi đi, những tháng ngày dạy lính, quân phong, quân kỹ, mệt mỏi như cơn buồn ngủ trong trưa nắng.

Đến khoảng xã Long Sơn, quận Cần Đước tàu đổi hướng cập vào bờ, lính ùa lên... Bỏ bờ mẫu lội ngang ruộng mà lên, coi chừng mìn... Lấy đà từ sàn tàu tôi nhảy lên đám lau sậy, dừa nước ngổn ngang. Bám được vào một bờ đất leo lên. Giàn đội hình hàng ngang, trung đội tiến lên khoảng hai trăm thước, dừng lại bố trí đợi đại đội lên sau. Cởi nón sắt ngồi xuống trên một mô đất nhìn ra xa, ruộng miền Nam thật đẹp, màu xanh dài bất tận, lúa khỏe mạnh, thơm nồng nàn... Chẳng bù với miền Trung, quê hương tôi, không có đất, chỉ có cát, cát mệt mỏi và cằn cỗi, không phải những bờ cát vàng đẹp đẽ cuả bãi biển trưởng giả, cát của quê tôi xám xịt, loang lỗ đây đó dăm ba cụm xương rồng, về mùa hạ gió Nam thổi luồng như đốt lửa, con trốt lớn chạy dài lừng lững như bóng ma.

 Tiểu đoàn chia làm hai cánh quân đi song song với con lộ đất đỏ. Tuyệt đối không được đi trên bờ ruộng. Cứ nghe hoài hoài một lời dặn dò.

 - Du kích vùng này nổi tiếng gài mìn, thiếu uý thấy gì lạ thì đừng đụng vào.

 - Tao biết rồi, mày lo cái thân mày trước đi.

Đến giờ này tụi lính vẫn xem tôi như là một “mặt mới” đợi có dịp để lên mặt rành rẽ. Tôi kiểm soát lại hướng đi bằng địa bàn và bản đồ, kêu anh Trung sĩ trung đội phó:

 -Trước mặt khoảng năm cây số có cái đồn phải không?

 Tôi nói trống rỗng, vì nếu dùng tiếng mày tao thì tội nghiệp cho y, nhưng nếu gọi anh hay ông thì y lại coi thường. Nhà binh mệt nhọc thế đấy!

 - Vâng, có đồn Long Sơn.

 - Đồn còn người giữ không?

 - Nghe nói hình như còn và vừa bị đánh nên tiểu đoàn mình đi hành quân vùng này để truy kích.

 Đúng là một loại lính cũ, luôn luôn dóng tai lên để rình rập nghe ngóng tất cả, ẩn dấu sau một nét mặt lầm lì không nói. Tôi tưởng câu hỏi cốt để gây thêm tự tín, hóa thành một đòn phản. Viên trung sĩ đi ra xa, mặt thoáng vẻ hài lòng.

 - Anh ra coi lại thằng vác đại liên, phía trái mình không có quân bạn. - Tôi nói với.

 Khoảng bốn giờ chiều, đoàn quân đi ngang đồn Long Sơn, những người lính Nghĩa quân đứng trong hàng rào nhìn ra ngơ ngác. Họ nhìn toán quân chúng tôi như điều mới lạ đến từ nơi đầy ánh sáng. Bao nhiêu lâu sống trong chiếc đồn trơ trọi này, họ đã thành những kẻ thật xa với thế giới bình thường. Chiếc đồn chỉ cách quốc lộ hơn mười cây số đường chim bay còn thê thảm như thế, huống gì những tiền đồn ở cao nguyên, ở cuối cùng một cửa biển thì như thế nào? Tôi đâm ra hằn học với tự tin ngạo mạn của lính tôi.

 Đóng quân đêm. Tôi nghĩ mênh mang. Chiến tranh là vô ích như thế, từ một nơi xa xăm đến để chết, ăn, ngủ trên một vùng đất lạ. Nhớ đến tấm ảnh trong cuốn Guerre Morte... Một anh lính Pháp ngồi đun nước với lời chú: “Jean ne fait rien dans la guerre, subitement, il mort”. Tôi chỉ ở qua một ngày trong chiến tranh, và như vậy còn rất lâu mới có kết thúc. Những ngày sau tiếp tục. Long Sơn rẽ phải, lên đông bắc là Rạch Kiến, phố chợ hoang vắng, chiếc cầu bắc qua con kinh bị đốt cháy sáu ngày trước còn loang lỗ vết than. Có một tiệm bán nước ngọt với đá, tôi uống một hơi ba ly, không biết là chanh muối, sirop hay cái gì... Chỉ biết đây là nước đá.

 - Làm sao người ta mua nước đá được?

 - Người ta mua từ Cần Giuộc, Cần Giuộc đi Chợ Lớn rất dễ dàng.

 Người lính đứng bên cạnh tôi trả lời. Cần Giuộc, một địa danh nghe lạ hoắc. Miền Nam này thật lạ lùng, một nơi chốn đầy dẫy chết chóc vẫn có những quán cóc bán đồ nhậu, sạp bán báo, khốn nỗi chỉ bán toàn loại báo hạng bét, trang trong nói chuyện đào kép cải lương. Tuy vậy, tôi cũng mua một tờ xếp vào túi quần, chút thành phố có ở trong đây.

Một tuần đi qua không có gì, biến cố duy nhất mỗi ngày là binh sĩ đi Khinh binh thường vướng phải mìn. Việt Cộng thật tinh quái, họ gài mìn vô cùng khôn khéo, dò biết lính đơn vị tôi không đi trên bờ ruộng nên mìn được gài ngay trong bụi rậm ở bìa làng rồi giăng dây thật dài. Lính vào làng phải dàn hàng ngang để dễ dàng khi xung phong tất nhiên phải vướng dây bẫy. Được an uỉ, mìn là loại nội hóa do du kích chế tạo chẳng làm chết được ai. Số thương binh được di tản không có người nào bị nặng. Mỗi lần có tiếng nổ ở đầu hàng quân, binh sĩ ở đàng sau tỉnh bơ, la lối ầm ĩ...

 - Rồi một con đã đi!

 - Đ..m..Lại một thằng được ăn Tết ở nhà.

 

 Người thương binh được di tản lui về đàng sau, ngang qua đồng bạn khi bị trêu chọc còn há mồm để chưỉ lại.

 - Bị vào chân mà về “chọi” là rút gân nghe con, ráng baœo bà xã nhịn đi.

 - Mẹ mày... - Lời nói buồn cười xóa tan vẻ bi thảm của dòng máu đang chảy. Đôi khi tôi cũng muốn bị nhẹ một phát vào chân. Nhảy dù gì đi ngang dọc hoài, chán bỏ mẹ!

Ngày thứ tám của cuộc hành quân, khi tiểu đoàn tiến qua rạch Long Sơn, chiếc cầu bằng sắt đã bị giựt sập. Đại đội 72 đi đầu chỉ định một trung đội tiến sát bờ sông để tìm phương tiện vượt sông. Ầm, một tiếng nổ thật lớn, cột nước bắn cao lên hơn mười thước, có tiếng súng bờ bên kia bắn qua, súng Việt Cộng. Lần đầu tiên tôi nghe tiếng súng của đối phương... Cắc... cù... Tiếng đạn rít trong gió. Tôi thoáng một giây sợ hãi cứ tưởng chừng như viên đạn như vô tình đang bay về hướng mình. Và phản ứng thật tự nhiên: Thấp hẳn người xuống. Lẽ tất nhiên tôi không đến độ nằm bẹp xuống nhưng rõ ràng có một phản ứng không báo trước kéo thân thế thấp xuống, nhỏ lại. Nhỏ hơn nữa... Súng của Việt Cộng tiếp tục nỗ dọc theo con đường chúng tôi đang di chuyển.

Toàn thể trung đội nhào xuống một chiếc rạch nhỏ trông sang cánh đồng. Tôi yên tâm vì đã đứng được trong lòng đất. Đất vật che chở cho con người trong những giờ phút nguy nan. Chạm phải bờ cỏ ướt, tôi có cảm giác như ôm một vật thân yêu. Cảm giác này sau này trong những giờ phút ngặt nghèo nhất, tôi được thấy lại. Mỗi lần vào được trong một chiếc hầm, tôi cảm thấy tự tin hẳn lên, tin tưởng mình có thể sống sót được trong hết mọi hoàn cảnh. Một nhân vật của Georghiu trong “ La second chance ” khi biết mình sắp chết trước họng súng của bọn sát nhân đã có lực sống mãnh liệt: Tự dùng tay để đào cho mình một chỗ trú ẩn, chết khi tay còn giữ nắm đất! Đất cao cả và nhiệm màu bao nhiêu.

 Trận đụng độ kéo dài chừng nửa giờ, du kích tháo chạy, chúng tôi vẫn chưa qua sông, tôi đi về phía đại đội chỉ huy. Bác sĩ Đạm đang băng bó cho thương binh, một xác chết được gói vào poncho, cột chặt bởi hai vòng băng cứu thương, gọn gàng và im lìm. Lần đầu tiên tôi đứng gần thây ma... Người chết trong chiến tranh đấy. Trở về chỗ bố trí của trung đội, thấy cần thiết một điếu thuốc hơn bao giờ hết.

 Đêm xuống, hào hứng của những ngày đầu hành quân không còn nữa. Tôi chưa quen với đời sống hung bạo và nhàm chán này. Những người lính xung quanh sau khi căng võng nằm phì phèo điếu thuốc mãn nguyện trong im lặng. Tôi chưa quen với điếu thuốc và niềm lặng lẽ cô đơn đó, tôi còn là thanh niên đang lớn, cần có bè bạn, cần người để tâm sự, những tâm sự tầm thường, những vụn vặt tình cảm... Ở đây không có bạn, trong không khí lặng lẽ đầy đe dọa, tôi cô đơn như cây nhỏ trong chiều mưa.

 Mười lăm ngày qua, nhận được lệnh đi học lớp Rừng Núi Sình Lầy ở Dục Mỹ, một lớp học hành hạ thể xác và đầy đọa tinh thần con người. Lúc ở trong trường tôi đã qua trung tâm này trong ba tuần lễ, đã biết thế nào là một lớp học kéo dài trong cực nhọc với thời gian hai mươi giờ trong một ngày. Nhưng đối với hoàn cảnh bây giờ, tôi không đủ kiên nhẫn để kéo dài sức chịu đựng trong loại hành quân này. Sao cũng được, miễn là đi khỏi vùng đồng ruộng đã bắt đầu quen thuộc. Khi chiếc xe qua cầu Gò Đen thấy Sài Gòn hiện ở xa, đột nhiên tôi muốn đập phá một cái gì...

Về đến hậu cứ, đúng cung cách của một tên lính, tôi đi đến khu gái điếm ở cuối phố, âu đó cũng là một thói quen. Tôi cần tập nhiều thói quen của đời sống này. Trên chiếc xe đi về Sài Gòn, tự nhiên thấy già - già hẳn đi...

 

Tháng 1-1964. Long An