Dấu binh lửa

NGHĨ VỀ MỘT KẺ THÙ KIỆT LỰC

Xe chạy, bỏ Sài Gòn về An Phú Đông lòng không chút hứng thú. Sài Gòn thành phố nóng bức bụi bặm không xứng đáng gợi nên một chỗ xuất quân. Xe lính đi vào trận đánh ngang qua đường phố, đám đông hững hờ xa lạ, chẳng ai lưu ý đến đoàn người gươm đao. Những cau mày bực dọc... Xe nhà binh bụi quá! Mới Mậu Thân đây, máu của chúng tôi đã đổ ra  cho Thủ đô bạc bẽo này. Về phần tôi vì một chuyện lầm lẫn, phải đổi về đơn vị mới không thích hợp, tôi muốn trở về tiểu đoàn 7 Nhẩy dù, đơn vị đầu tiên, nhưng bây giờ phải ở với tiểu đoàn 2, lòng thật khó chịu. Không phải tôi chê gì tiểu đoàn này, đây là tiểu đoàn đánh giặc hách nhất của sư đoàn Dù, đánh ác liệt như tiểu đoàn 5 trong năm 1965, nhưng vì ở đây tôi không có bạn thân, yếu đuối là điểm nầy, luôn luôn phải có người thân sống cùng bên cạnh tôi mới linh hoạt được. Hơn nữa tiểu đoàn này đóng ởSài Gòn, thành phố tôi ghê sợ đến đến xương cốt. Xe chạy trên đường lồi lõm đá, hai bên hàng dừa xanh, đến xã Thạnh Lộc vòng xuống để vào An Phú Đông. Bộ chỉ huy tiểu đoàn đóng quân bên cạnh đường liên tỉnh lên Lái Thiêu, các đại đội chia nhau rải đều khu vực. Tuần lễ đầu qua, các đại đội tuần tiễu lục soát, sáng đi chiều về chỗ đóng quân, tối lập hội, hội nhậu rượu. Từ bao lâu nay tôi đã luyện được biệt tài về tổ chức ăn nhậu, dù thiếu thốn cực khổ đến thế nào, rảnh rỗi tôi vẫn tổ chức được những cuộc ăn nhậu nổi đình đám bằng tất cả khôn khéo và thông minh - Nghề của chàng!!! Trong đời về mục ăn uống, tôi nghĩ chỉ thua mỗi mình ông Tản Đà, vì ngay những ngày tang thương rách rưới ở Bồng Sơn, bữa tiệc cũng có đủ tiết canh vịt, vịt trời hầm đu đủ, cá chép hấp. Quảng Điền, với những màn heo sữa quay, sườn chó nướng được thực thi đến mức tối đa cùng chục lít rượu nếp cẩm. Trong thống khoái hơi men với sự nhốn nháo một đám bạn bè, người cởi trần ngồi dưới một hàng mướp xanh, tôi thỏa thuê như con cá trong giòng nước. Những lần say rượu dưới chân núi Ngũ Tây, hòn núi đằng trước ngọn Ngự Bình Huế, gió thổi tiếng thông reo... Cơn say của mùa đông ở quận Phong Điền, trèo lên mái nhà cởi áo đứng hát trong đêm, hát thật to nhưng nghe buồn buồn những câu... Đại bác ru đêm... Trong khi Hiến “Chó xù” ngồi gảy đàn buồn chảy ra nước, gió miền Trung cuối năm lạnh giá và đại bác từ quận bắn đi xa... A! Những cơn say tuyệt đỉnh trên dòng sông Hương, đêm trung thu mờ mịt mưa giăng, ánh đèn dưới cầu Gia Hội chênh vênh vàng vọt, nằm trong khoang thuyền bồng bềnh tưởng người như tan biến vào cơn mưa. Này cơn say thần tiên ở Darkto, đêm mù mù sương muối, căn phòng đầy những tiếng hát buồn phiền khê nặc vang lên như một tiếng kêu thê thảm. Những ngày ở An Phú Đông này tôi lập lại những cơn say. "Đời là cơn say dài" — Từ khi tôi phán ra câu này, chúng “anh hùng” lấy làm một sự cảm phục. An Phú Đông, chiều trong hàng dừa, hàng chục chai bia ướp lạnh được uống vào với tận cùng thoả thuê, cá lóc nướng, tôm luộc, những cọng ngò gai thơm phức, những lá mùi xanh mát. Tôi đẩy mạnh cơn say lên tột đỉnh thênh thang.

 Những ngày bình yên đã hết. Tiểu đoàn nhận thêm khu vực trách nhiệm ở phía tây và bắc xã Thạnh Lộc, dọc theo rạch Bến Cát. Việt cộng một phần của chủ lực đã tấn công vào Sài Gòn trong dịp Mậu Thân cùng với lực lượng mới được tăng cường (xâm nhập từ vùng An Điền, Lái Thiêu tới) đang ẩn trốn ở vùng này, lực lượng này phải cố bám vùng ven đô để sau này dẫn đường cho những đơn vị khác tấn công vào dịp công kích đợt hai. Tiểu đoàn bắt đầu đụng địch. Sáng đi vào phía tây, cách con rạch khoảng năm trăm thước chạm ngay, súng nổ, lực lượng địch không đông nhưng vì không thể rút đi họ phải đóng chốt, trụ lại. Sau lưng là rạch Bến Cát, rạch Sơ Rô bên trái, dọc phải, một chiếc rạch lớn khác, Việt cộng như con thú bị kìm chân, phải đào hầm thật sâu, phòng thủ kiên cố và cố gắng tránh né chúng tôi tối đa. Nhưng các đại đội chúng tôi đã đến quá gần... Năm thước, bảy thước, họ bắt buộc phải nổ súng. Lính đứng lên xung phong, không được, sình ngập đến háng không thể rút chân để bước thêm một bước, người bị thương nằm cách gang tấc không thể rút về. Ta với địch cách nhau chiếc mương ba thước! Lùi ra xa dội bom. Bom đánh không trúng. Vào lại, anh Khiêm chết. Khiêm, người sĩ quan khóa 17, gã đàn anh tôi chịu nhất trong đám huynh trưởng, thông minh, phóng khoáng và khôi hài hóa tất cả mọi chuyện. Điểm này hợp với tôi quá, tưởng tượng một cảnh tranh luận nào đó, chỉ cần Khiêm với tôi cũng dư sức quạt ngã bất cứ một loại mồm loa mép giải nào.

 Nhưng anh Khiêm đã chết, chết như thể một câu khôi hài của thường ngày, chết như một cơn đùa trong buổi nhậu. Tôi nghe qua máy truyền tin tiếng của Khiêm:

 - Trình đích thân (Tiểu đoàn trưởng), tụi nó bắn tùm lum chưa lên được, đích thân để tôi “nhẩn nha” thì tôi mới tóm được... Súng tụi nó bằng sắt cơ mà!

 Thế rồi im bặt, người hiệu thính viên run run báo cáo:

 - Đại đội trưởng tôi bị... thương... Chết rồi!

 Tôi đem xác Khiêm về sau, mắt anh đã nhắm... Những chiếc râu xanh lởm chởm ở cằm người chết linh động như của đời sống đang còn thở. Nhưng anh chết thật. Rút quân ra ngày mai vào lại.

 Quân vượt qua chiếc rạch nhỏ, dàn hàng ngang lội thật nhanh, hết chiếc rạch đến bên kia là vườn cau, gắng lên! Ba người lính lên bờ trước đứng dậy. Một loạt đạn nỗ dòn... Hai bị thương. Tôi đang ở trong rạch lúng túng băn khoăn, cả đại đội nằm trong nước bùn im lặng, một cây nhỏ lung linh, người lính đeo máy nằm bên cạnh tôi trở mình, loạt đạn bay đến, những nhánh dừa nước rơi tung tóe. Bực mình quá tôi nổi liều, cầm trái M.72 đứng lên... Chiếc hoả tiễn công phá được phóng đi, một tràng đạn đáp lễ lại xé rách chiếc quần... Đ.m... Hầm tụi nó phá không nổi! Hỏi ý kiến Đại uý Liên, tiểu đoàn phó. Cho rút lui vòng tay phải đánh lên? Đồng ý. Tôi cho đại đội lui từng người một. Lẩm bẩm chửi thề.. Mẹ cha chúng mày còn một tí người cũng đòi dở chuyện. Vòng phía phải thật nhanh qua khu vườn mía, bao quanh đánh vào, Việt cộng bỏ chạy để lại ba xác chết nằm thẳng cẳng.

 Đúng như tôi ước đoán, Việt cộng ở đây chỉ còn khoảng một đại đội, nhưng một đại đội rải rác khắp một vùng rộng lớn được phân tán thành những tổ nhỏ, có nhiệm vụ phải bám thật chặt các bờ kinh, bờ rạch.Họ có đủ súng trang bị cho cả tiểu đoàn, cối 82 ly, 60 ly, đại liên 12 ly 7 vũ khí của lực lượng lớn nhưng quân số chỉ còn lại khoảng một đại đội, phân tán chui rúc vào những chiếc hầm kín đáo ngập đầy nước, trên có nắp, ngụy trang thật kỹ, ba lỗ nhỏ nhìn ra ba phía, lối vào hầm phủ đầy lá cây, thân dừa nước. Việt cộng chỉ còn có thế, nhưng họ không được lùi, không được thoát, phải bám thân chặt chiếc rạch để chết, cái chết chắc chắn sẽ xẩy đến theo thời gian! Tại sao? Có gì đâu... Họ kiệt lực, trăm phần trăm kiệt lực. Trung đoàn 101 đánh vào tiểu đoàn 5 Nhảy dù ở Tân Thới Hiệp, Hóc Môn suốt ba ngày không nuốt trôi được tiểu đoàn này, nhả ra và chạy về đây. Thành phần tấn công Gò Vấp, Xóm Mới hôm Tết, thất trận cũng chạy về đây... Tan nát, thiếu thốn, suy sụp nhưng họ biết rút về đâu nữa? Đường giao liên phải vượt sông Sài Gòn, một mục tiêu lộ liễu dưới phi cơ và tàu hải quân quan sát tuần tiễu thường trực. Cán bộ nằm vùng, dân chúng có cảm tình đã bị lùa ra khỏi vùng. Họ bơ vơ, lang thang, lếch thếch như một đám ma đói khát tuyệt vọng. Nhưng lệnh trên đã bắt buộc:phải bám sát địch, bảo toàn lực lượng để chuẩn bị tổng công kích đợt II! Tham vọng và nhu cầu chính trị đã quên mất con người trong hoàn cảnh nghiệt ngã. Súng cối, đại liên được moi lên từ vườn dừa, đám ruộng, tiểu đoàn phó, y sĩ trưởng, đại đội trưởng súng nặng bị bắt, hồi chánh hay bị tử thương. Việt cộng bị chúng tôi ép vào một thế đường cùng.

 Nhưng tháng Năm, Việt cộng cũng mở tổng công kích đợt hai, và kết quả như đã xẩy ra. Các anh bên kia, tôi muốn nói thật với hết cả chân tình trong lòng: Các anh đã hết sức. Sức mạnh huyền hoặc củaa Điện Biên thuở xưa không còn giá trị lúc này nữa. Các anh ôm mộng giải phóng, nhưng giải phóng cho ai? Các anh lao đầu vào cái chết với mục đích gì? Để chiến thắng? Ôi cái aỏ tưởng đó, giờ này các anh vẫn coi là sự thật sao? Các anh lấy gì để chiến thắng? Vũ khí, nhân mạng bị thiệt hại đến độ vô chừng. Nhưng các anh vẫn chiến đấu, điều đó đã xảy ra và đang xảy ra thật đau xót. Vì những người chỉ huy củaa các anh, những Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh vẫn nghĩ rằng các anh đang thắng, những người đó muốn chứng tỏ mình là một thứ ngoại hạng, tay kiệt liệt, tinh hoa của dân tộc, kết tụ của thông minh và thiên bẩm, loại “thiên tài chỉ huy” của cả dòng dân tộc un đúc. Ôi chính vì những người chỉ huy “thần thánh” đó tin rằng có chiến thắng và các anh đã phải chiến đấu. Các anh còn phải chiến đấu để cho đám phù thủy chính trị đặt những lá bài tháu cáy lên canh bạc hòa đàm - Những món tiền giấy trả bằng xương và máu của các anh. Lá bài tráo trở bảo chứng bởi quả tim hồng mơ ngày dân tộc được giải phóng. Các anh giải phóng hay làm điêu linh tổ quốc và hủy hoại cuộc sống? Các anh thật đáng tội nghiệp.

 Sau này tôi còn chứng kiến thêm nhiều lần các anh “thừa thắng xông lên”, những cao điểm, những chiến dịch Đông - Xuân, Hè - Thu mà thực ra chỉ là một loại lịch trình đã soạn thảo do một thứ chỉ huy u tối mê muội ảo tưởng của quá khứ và sách lược chính trị bỏ quên con người. Làm sao để có thể gọi là cuộc tấn công lớn của một cao điểm khi một đại đội của các anh chỉ còn trên dưới bốn chục người, mặc dù đủ vũ khí, bốn mươi người của các anh phải bố trí trên một trận tuyến dài hơn cây số, ba người một chiếc hầm, chui rúc ẩn trốn, gạo rang nước lã, bị thương cắn răng xuống chịu đựng, tự buộc vết thương bằng miếng vải rách và dòng máu tươi chảy ra, mặt xanh tái nhợt, nhạt sức sống từ từ tắt lịm khi bàn tay mở dần, mở dần phơi dưới ánh mặt trời những đường chỉ tay bất hạnh.

 Các anh chiến thắng ở đâu? Khi xác chết của các anh nằm lêu bêu vất vửơng suốt một vùng từ An Phú Đông lên đến Thạnh Lộc qua Tân Thới Hiệp, những xác chết trần truồng, co quắp, tênh hênh, chương sình thối tha đầy dòi bọ bên gốc dừa, sau liếp cửa, trong đụn rơm... Các anh chết ở đâu nhiều quá, lũ chó hoang tha hồ thỏa thuê với những phần đùi còn tím máu, chiếc đầu bị cấu xé dành giựt, từng tảng tóc xanh kéo lê lết trên khắp một vùng. Các anh đã chết trên một địa danh thật mỉa mai: An Phú Đông... An phú Đông nơi rừng dừa xanh vang tiếng súng... An Phú Đông nơi sử Việt viết trên máu hồng. Địa danh này các anh đã một lần thần thánh hóa, địa danh các anh đã xếp vào huyền thoại như sông Lô, Điện Biên. Các anh ở bên kia ơi, dòng đời đã thay đổi, những chiến thắng người Pháp thuở xưa đâu phải là yếu tố làm nên thắng lợi hôm nay. Bây giờ các anh đối diện với chúng tôi, một lũ “ngụy” nô lệ đánh giặc mướn, tay sai ngoại bang... A! Nhưng các anh có tự do nào? Đầu óc đầy thù hận cuồng tín được dẫn dắt vào một mục tiêu không tưởng, vô vọng. Mục tiêu được thiết kế, hoạch định từ trí não những lãnh tụ bị bao cứng bởi hào quang quá khứ, những người có lòng tin tưởng què quặt rằng, chính mình, một loại siêu nhân mà lịch sử dân tộc cần đến... Chúng tôi chiến đấu trong bi đát nhưng vẫn còn tự do nơi trái tim, trong khi các anh chỉ là một lũ người máy mê muội sâu vực đen của ảo tưởng. Tệ hơn nữa - Một lũ người máy bất lực.

 

 

Tháng 3/1968. An Phú Đông - Gia Định.