Quận An Túc nằm giữa đường Qui Nhơn-Pleiku, quận lỵ vắng vẻ vì quốc lộ 19 suốt cả năm nay không sử dụng được, Việt cộng áp dụng chiến thuật của chiến tranh năm xưa, chiếm giữ quốc lộ 19, cô lập cao nguyên, đe dọa các tỉnh miền Trung với ý định cắt miền Nam bằng một vùng an toàn chạy từ Pleiku xuống Bình Định. Tiểu đoàn chúng tôi đến đây cùng tiểu đoàn 8 Nhảy dù với nhiệm vụ tiếp cứu cho tiểu đoàn 22 Biệt động quân, giải tỏa áp lực địch đang đe dọa các trại Lực lượng Đặc biệt. Sau này chiến dịch biến thành cuộc hành quân dài hạn để khai thông quốc lộ 19. Đóng quân cạnh phi trường, trong rừng cây ngô đồng, không khí còn váng vất cái lạnh mùa đông, buổi sáng trời nhiều mù và tối rét co quắp, rét của đầu xuân cộng thêm rét núi làm mọi người xuýt xoa. Không có việc để làm, buổi sáng ra chợ uống cà phê, ngồi nhìn lính xếp hàng đi mua ái tình trước một ngôi nhà có chị em ta. Đầu tháng, lính có tiền, đồng thời biết rằng cuộc hành quân sẽ kéo dài thật lâu trong rừng tối, lính cố hửơng cho hết, dù là một phút phù du. Cuộc đời cẩm lẩm như thế, không nghĩa lý nhưng vô cùng thèm khát. Buổi trưa, đợi lúc trời thật nóng đi tắm suối, suối chảy dưới hàng cây xanh, nước mát lạnh như đá; nhìn lên chiếc cầu cao gần mười lăm thước kể từ mặt nước, thân cầu còn dính bùn và củi mục của trận lụt năm qua. Con suối này là một nhánh nhỏ của sông Đà-Rằng, con sông mênh mông nhất của miền Trung, thủơ xưa mỗi lần đi xe lửa qua sông Đà-Rằng trong đêm nghe lung linh một cảm giác lo sợ mơ hồ.Ở đây, cơn lụt của mùa đông năm trước đã dâng con nước lên đến mười lăm thước. Sông Đà-Rằng dưới hạ lưu đã dâng nước cao lên bao nhiêu? Tửơng tượng những làng mạc bị cuốn trôi trong giòng nước hung bạo đó, không ai có thể nghĩ thêm được một tai ương nào khác cho quê hương này nữa. Hình như Thượng Đế có căm thù gì với người Việt Nam. Tắm suối, lên nằm trên một cành cây sát mặt nước, uống hớp rượu đế, đọc một bài cuốn Pòeme của Eluard... Tôi nằm bềnh bồng trong xanh của lá, nắng nhảy múa trên da thịt và dưới lưng con suối lặng lờ chảy mãi...
Máng cuốn sách trên cành cây, xong buông mình xuống nước để trôi dật dờ một quãng xa. Những ngày thật êm đềm và dễ chịu, tôi nhớ những mùa hè ở biển Đà Nẵng, trần truồng đi trong trời, trong nước... Không hiểu phải chăng là một tật xấu bệnh hoạn? Nhưng khỏa thân đứng giữa một vùng thiên nhiên đối với tôi là một trò chơi quyến rũ... Nằm sấp trên ghè đá, nước chảy qua thân người, phần trên lưng hong khô dưới ánh nắng, thấy thân thể như nở ra, vỡ đôi, tan thành những mảnh nhỏ li ti trôi theo rì rào tiếng suối. Hết tắm suối, tôi đi dọc quốc lộ 19 hướng về Pleiku xa thị trấn chừng bốn cây số, nơi đây tuần trước có trận phục kích. Con đường núi buổi chiều uy nghi và cô đơn lạ thường, màu đen của mặt nhựa nổi hẳn lên trong màu xanh của rừng, mất trong nền trời tím đỏ ánh nắng.
Ngày 1 tháng Ba bỏ quận, tiến về phía tây lấy con đường làm chuẩn tiểu đoàn đi hai bên, đến ấp chiến lược cách quận bẩy cây số, dừng lại. Các đại đội chia nhau giữ các cao độ để tiểu đoàn 22 Biệt động quân vào lấy xác của binh sĩ tử trận những ngày trước. Xác của Biệt kích, Biệt động quân được kéo lên xe, chương sình, hôi thối, có xác của Dương, chuẩn uý cùng học một khóa “rừng núi sình lầy” với tôi. Nguyễn Thái Dương, tướng người thật vững chãi, mắt sắc, mũi thẳng quắc thước, từ ngày mãn khóa ở Dục Mỹ đến nay hơn một năm, tôi không biết bạn đi đâu, giờ gặp lại bạn chỉ còn là khối thịt tanh tửơi. Đất nước này quả thật hẹp, có những người xa cách đã lâu bỗng nhiên gặp nhau lại trong một hốc núi, ngôi làng nhỏ hay trên đoạn đường đèo. Gặp lại nhau còn sống hay đã chết, xa xôi và cũng thật gần. Có người gọi tôi từ ngọn đồi đối diện... Thông, khóa 17, người hiền nhất trong đám niên trửơng, cùng trung đội ở quân trường. Trong đời sống tôi có nhiều người ghét hơn thương, trừ một số bạn gần gũi, những người lạ thường ghét bỏ thậm tệ ngay khi gặp mặt lần đầu. Tướng khó thương, thôi thì đành chịu vậy. Lúc ở trường tôi thường bị phạt đến độ khó chịu, ăn cơm trưa xong phải bắt súng chào ở phòng sinh viên đại đội trửơng cho đến giờ đi học buổi chiều. Bắt súng chào hơn tiếng đồng hồ quả thật rất nặng nề nhưng cơn buồn ngủ trưa Đà Lạt mới thật khủng khiếp. Trời lạnh, gió gây gây rét, nắng ấm không khí như đặc lại, cơn ngủ trưa đối với tôi thật cần thiết, thế mà tôi bị phạt trong suốt một tuần với cực hình khó chịu. Tôi có dáng “ba gai”, đúng như vậy, nhưng tôi biết lòng trung thực và hào hiệp hơn bình thường. Sáu năm trời Sói con đến Thiếu sinh trong tập thể Hướng Đạo, đời sống tuổi niên thiếu ở với bạn bè đã cho tôi biết rằng bản thân có nhiều tinh thần cộng đồng và trách nhiệm, nhưng nhà binh hình như không ưa loại người như tôi. Gặp anh Thông tôi mừng lắm, hai năm chinh chiến anh già trông thấy...
- Tiểu đoàn đụng nặng tuần rồi, suýt nữa chết.
- Nhưng anh không chết là tốt rồi...
Thông cười. Mình hiền quá. Có lệnh cho anh di chuyển. Chúng tôi bắt tay, anh đầu dẫn quân xuống đồi.
Tiếp tục đóng quân tại quốc lộ, mỗi ngày mở đường tuần tiễu lục soát theo hình cánh quạt xong trở về đóng quân. Trời bắt đầu nóng, cỏ tranh cao quá đầu người cắt da thành những vết sướt thật xót, di chuyển trên đồi như đi trong lò lửa, không một bóng mát, hơi nóng từ đất bốc lên gặp thành những luồng nhảy múa đến hoa mắt. Khát và đói, đồ ăn khô đã ăn đến ngày thứ mười. Mười ngày không có chất rau, cơm dọn ra nhìn hộp thịt heo loáng mỡ, cầm đũa ăn một chén lững dạ, nuốt thêm không được. Tiếp tục đi, mồ hôi vã ra và mệt ngất ngư. Thiếu chất rau tôi hóa thành lờ đờ ngái ngủ, không ăn được nhiều nên sức khoẻ xuống đến độ thấp nhất, chỉ linh động được vào buổi chiều sau lần tắm. Thèm đủ thứ, thèm rau, thèm đồ ngọt, cục nước đá... Tiền đầy túi nhưng không thể mua ở đâu ra thức cần dùng. Lính đánh bạc như điên, chia bốn anh ra gác ngọn đồi, họp thành sòng bạc trong nháy mắt. Tàn canh, tên lính đứng dậy đếm tiền, mười sáu ngàn đồng bạc, nó đã thu hết tiền của ba tên kia. Đến chiều, lại thua hết sạch trong sòng khác dưới chân cầu. La mắng, phạt cũng không ngăn chặn được, không có việc làm, dư tiền, lính không biết làm gì hơn là đánh bạc. Xé bộ bài này, họ lấy giấy bìa vẽ thành bộ khác để đánh... Chẵn lẻ, đố bạc, đố ruồi, một trăm cách để lấy tiền của nhau.
Ngày thứ mười hai, chúng tôi thay đổi hoạt động, không tuần tiễu vào sâu hai bên đường nữa, nhưng đi dọc con đường để giữ an ninh lộ trình cho công-voa từ Qui Nhơn đi Pleiku. Tiểu đoàn có nhiệm vụ giữ an ninh đoạn đường từ An Túc đến phía nam đèo Mang. Trung đoàn địch đang lẫn trốn ở vùng này có nhiệm vụ phá vỡ trục giao thông, phục kích các đoàn xe và các đơn vị đi mở đường. Nằm trong ngôi nhà của đồng bào Thượng nhìn vài chiếc xe hàng đi qua không chán mắt. Mới xa thành phố nửa tháng tưởng thấy như lâu lắm. Con gái ngồi trên xe trông quyến rũ kỳ lạ như dấu tích của thành phố có điện, có nước đá, của đời sống không đe dọa. Những chiếc xe hàng đi qua gây một hãnh diện ấm áp trong lòng. Những ngày cơ cực của chúng tôi đã có kết quả, tạo một bình yên cho người khác. Chiếc xe xộc xệch, mệt mỏi lăn trên đường như phần thưởng cho những ngày sống trong vùng núi đồi heo hút. Con đường nhựa, chiếc xe như dấu vết của thành phố được gần lại. Bao nhiêu lần hành quân, mỗi khi nhìn vào bản đồ thấy những mục tiêu ở sát một con đường, dù là đường đất, lòng vẫn thấy dễ chịu. Lội bao nhiêu ngày trong rừng hay những vùng sình lầy hoang vu, rút quân ra đường nhựa, bước chân lên khoảng đất bằng phẳng của mặt đường, lòng sung sướng như một thuở về nhà. Con đường, vạch đỏ trên bản đồ - Dấu hiệu của một đêm một ngày thấy được mặt trời, ăn được bữa cơm nóng. Ký hiệu một vạch đỏ trong vùng rừng xanh ngắt đối với lính thật quí giá và thân thiết.
Tháng Chín năm 1964 hành quân mười ngày trong mật khu Hố Bò rút ra bị phục kích gần Bến Mương, băng qua bãi Nhảy dù - Củ Chi - trung đội tôi chạy muốn tắt thở, đến quốc lộ mừng rỡ như thấy cứu tinh, muốn cúi xuống hôn trên mặt nhựa đường. Thằng Ngọ, thằng bé làm cho tôi đi đến, cười toe toét:
- Em kiếm được cái bắp cải.
- Đâu?
Ngọ rút trong bụng ra một bắp cải nhỏ bằng hai nắm tay, lớp lá ngoài thối ủng chỉ còn lại phần lõi bên trong.
- Lấy chai xì dầu, kiếm tí ớt...
Xì dầu được đổ ra, ớt dầm thật cay, hai thầy trò bẻ từng cuộn lá chấm vào chất nước đen sì. Cay đến chảy nước mắt. Không biết vì nước mắt chảy ra hay chất rau đã làm mắt tôi sáng lên. Trong bóng nắng miền núi, tôi và thằng bé ăn bữa rau ngon nhất trong đời. Ngọ cười hả hê.
- Em có xin được miếng thịt heo.
- Heo của ai?
- Heo của đồng bào bỏ lại, tụi đại đội 70 làm thịt, em xin.
- Tốt, gắng kiếm tí rau nữa thì hơn.- Tôi cho nó hai trăm đồng, thầy trò rủ nhau xuống chân cầu tắm, vui sướng và dễ chịu được sống qua một ngày đầy đủ.
Ngày thứ mười lăm của cuộc hành quân, bỏ quốc lộ tiến sâu vào bên phải, dọc theo con đường đá dẫn về phía Bắc. Bản đồ quá nhỏ không biết con đường dẫn đi đâu, Việt cộng sử dụng con đường này để giao liên và chuyển quân. Ngàyhôm kia Việt cộng đánh trại Lực lượng Đặc biệt K’nack, bộ chỉ huy chiến đoàn ước tính địch sẽ rút về án quân ở những thung lũng phía đông quốc lộ, nơi cuối con đường chúng tôi đi đến. Chiến đoàn sử dụng tiểu đoàn 8 Nhảy dù trực thăng vận từ phía bắc xuống, tiểu đoàn tôi lấy con đường đá làm chuẩn di chuyển từ phía nam lên. Hai bên sẽ giao tiếp nhau trong ngày thứ hai của cuộc hành quân. Tiểu đoàn di chuyển thật chậm, không phải lối đi khó nhưng địa thế quá bất lợi nếu Việt cộng phục kích. Con đường đá nằm lọt trong thung lũng không thể đi trên đường vì sợ chông và mìn, chông lớn bằng cột nhà được trồng nghiêng nghiêng đầy hết con đường để chống trực thăng vận, mặt đất la liệt chông nhỏ để chống người. Việt cộng thật cẩn thận, bất kỳ một trảng to hay nhỏ nào chúng đều đặt chông tua tủa. Tiểu đoàn lấy mé đồi bên phải đường làm hướng đi, cỏ lau dày đặc nóng bức đến nghẹt thở. Cơm trưa, nghỉ được mười lăm phút lấy nước xong tiếp tục đi. Hai giờ chiều, trung đội đi đầu của đại đội 73 đụng địch. Địch khai hỏa trước, thượng liên và AK nổ ầm ĩ át hẳn tiếng súng Carbine M.2 bên ta. Tiểu đoàn được lệnh rời sườn đồi xuống hết trên con đường.
- Báo cáo có hai chết, khinh binh chưa lấy xác được.
Bao nhiêu lần đều như vậy cả, đại đội 73 đi đầu với anh trung đội trưởng Toàn, tức là Toàn “nhọ” thì thế nào cũng đụng trận. Mặt nó có “cô hồn”. Quả thật vậy, Toàn đen kịt, đen ròn, mặt xương dáng cao gầy, người của nó là một cái gì khô đét, ẩn kín vào trong.
Đại đội 73 đưa thêm một trung đội nữa lên phía tay mặt, kẹt luôn. Địch bố trí thẳng góc với hướng quân chúng tôi, rừng quá dầy không xung phong được. Toàn báo cáo đã lấy được một thượng liên và bốn AK. Trận đánh vẫn tiếp tục bằng pháo kích, đạn súng cối của Việt cộng nổ dọc con đường đúng với hướng tiến vừa rồi của tiểu đoàn chúng tôi. Đúng là địch đã theo dõi chúng tôi từ trước. Đạn nổ cách khoảng mươi thước một từ đầu đến cuối đoàn quân và ngược lại. Súng cối của Việt cộng cứ bắn đều đều, tiểu đoàn không dám dùng súng cối để phản pháo vì sợ lộ vị trí, đồng thời biết chắc rằng cũng không có hiệu quả, súng cối địch đã được che dấu kỹ ở dưới các hầm sâu. Phía đầu của hàng quân, đại đội 73 xử dụng hết cả ba trung đội tác chiến nhưng vẫn không thanh toán được mục tiêu. Địch cố thủ trong những giao thông hào, bên ta không tiến sát được. Việt cộng bắt đầu đổi hướng tác xạ, thay vì bắn dọc bên phải con đường, bây giờ chúng bắn rơi ngay trên đường nơi toàn bộ tiểu đoàn đang bố trí hàng dọc. Một quả đạn rơi đằng trước mặt chúng tôi. Tôi báo cáo đại đội trưởng:
- Xin cho rút lên bên phải con đường lại.
Không có tiếng trả lời. Bộ chỉ huy tiểu đoàn từ phía trước chạy dạt về sau, địch đã pháo kích trúng, hai binh sĩ bị thương, tiểu đoàn rút lên bên phải con đường. Trong máy truyền tin nghe những tiếng la, Việt cộng gọi đích danh tên tiểu đoàn trưởng và đại đội trưởng ra để trêu chọc. Một màn xỉ vả nhau trong máy diễn ra giữa ta và địch. Đổi qua tần số giải toả, chúng nó biết tần số mình rồi... Mấy anh hiệu thính viên (lính truyền tin) bảo nhau ơi ới. Bây giờ Việt cộng pháo kích một chỗ, phần cuối của đại đội 73 và đầu đại đội tôi.
- Rút lên đồi đi.
Tôi ra lệnh cho anh xạ thủ đại liên lên trước. Một tiếng nổ thật gần, ánh sáng lòe lên trước khi nghe được. Người tôi bị nhấc bổng lên một khoảng xong rơi xuống, áo quần rách toang như vừa bị xé bởi lưỡi dao thật bén, chung quanh trung đội nằm la liệt.
- Gọi Tăng Màn Tài đến!
Anh trung đội phó người Tàu chạy đến mặt mày hớt hải:
- Chết rồi! Chết rồi...
- Chết thế nào được, nhặt súng mấy thằng bị thương bó gọn lại... Tôi nghẹt thở nói tiếp không được,cởi dây đeo đạn trao khẩu súng cho viên trung sĩ xong bò lên đồi nơi bác sĩ Đạm đang băng bó.
- Có sao không bác sĩ?
- Không sao, ông chỉ bị nhẹ thôi...
- Có gì bác sĩ cứ nói cho tôi biết. Tôi năn nỉ thảm thiết tựa như mình sắp chết, một đoạn ruột lòi ra trắng phếu trông đến sợ...
- Không sao, tôi bảo đảm với ông như vậy.
Nghẹt thở quá phải há mồm ra. Tôi thất sắc. Chết rồi, thường người sắp chết hay há mồm ra thở như thế này, đồng thời tôi cũng đã biết, khi bị thương nặng mà tỉnh táo thì thế nào cũng đi đoong. Chết, tôi nghĩ đến một cái gì thật lạ lùng nay sắp phải gặp. Niềm bí ẩn khiếp sợ của con người, tôi sắp đến với nó đây. Trong cuốn L’Idiot có đoạn nói người sắp chết lúc ở trên đài xử giảo, trong giây phút cuối cùng của đời sống hắn tay đâm ra sáng suốt và bình tĩnh... Tôi cho đó là nói quá, nhưng bây giờ thì quả thật vậy. Những giây phút đầu tiên tự nhiên lắng dừng lại, tôi bình thản một cách lạ lùng... Tuổi nhỏ, tuổi lớn, những ngày vui, bạn bè, các em và mẹ tôi, những phút giây sung sướng, những nghèo nàn cơ cực phải gặp, tình yêu đầu tiên, sự thương mến của những thằng bạn quý... Tôi nghĩ ngợi mông lung như đang ở trong lúc nhàn hạ. Trời đã tối, đại đội 73 ở trước vẫn còn đụng độ, nhưng địch hình như rút lui xa, tiếng súng cá nhân nghe rời rạc, nhưng thay vào đó súng cối địch bắn mạnh hơn, may mắn đạn chỉ rơi vào khoảng trống không gây thiệt hại nào, cũng có quả đạn nổ thật gần làm giật bắn người.
Không lẽ lại bị thương thêm một lần nữa? Nhìn lên trời cao, sao sáng rực, đêm mát mẻ, bây giờ tôi tỉnh táo hoàn toàn đâm ra nghĩ lẩn thẩn. Nếu địch tấn công trở lại và tràn ngập thì chỉ một cách là leo lên cây trốn. Tôi đưa mắt tìm một cây cao và rậm dễ trèo lên nhất... Phải có một sợi giây để cột mình vào thân cây cho khỏi bị té. A, còn đôi giây giầy đây. Tôi yên dạ.
Phi cơ bắt đầu oanh tạc bom napal, rừng bị đốt cháy sáng rực một góc trời. Mùi cỏ cây cháy khét bốc lên ngây ngất, ngọn lửa như một cứu viện bình yên. Tưởng đến cảnh địch phải bỏ chạy trong biển lửa tôi yên chí ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Chiến tranh làm nẩy nở toàn diện bản năng tranh sống nên không thể bảo do tàn bạo khi nhìn ngọn lửa nhảy múa trong bóng đêm, tưởng đang đốt cháy kẻ ở phía thù nghịch và lòng thoáng rộ hân hoan kỳ quái. Tôi không thù oán những người phía bên kia, nhưng một cuộc đấu chỉ kết thúc khi một bên bị tiêu diệt. Lẽ tất nhiên tôi không muốn bị tiêu diệt.
Chiếc xe Jeep đưa tôi từ Tân Sơn Nhất về bệnh viện Cộng Hòa chạy trong nóng bức ồn ào của thành phố Sài Gòn. Bây giờ thì tôi đã kiệt lực lắm rồi, hai mươi bốn giờ sau khi bị nạn, hai chuyến máy bay, bây giờ thêm một lần xe. Mỗi khi xe lắc lư người muốn gẫy đôi, tôi tưởng chừng như những mảnh đạn cứa vào ruột theo chuyển động của chiếc xe. Mồ hôi vã ra như tắm, tôi gắng gượng ngồi dậy để dễ thở. Chưa có một đoạn đường nào dài đến thế trong đời phải đi qua. Thấy được cổng bệnh viện Cộng Hòa, mừng rỡ muốn ứa nước mắt. Tin chắc rằng thế là thoát chết. Xong rồi, tôi có thể thở dài khoan khoái, thoát nợ.
Phòng mổ số Hai sơn màu xanh mát lạnh. Tôi tỉnh hẳn người khi nằm đợi trên bàn mổ. Chẳng có gì phải lo ngại. An Khê — Sài Gòn, chiến tranh, tất cả coi như giải quyết xong. Bác sĩ Thanh đi vào cùng với bác sĩ Các, mọi người chuẩn bị đồ nghề để “khui” tôi. Tôi nhìn các động tác của họ, dụng cụ phòng mổ, tò mò như kẻ ở ngoại cuộc. Khi người y tá rút cây kim ra khỏi mạch máu thì căn phòng hóa ra mờ dần, mờ dần... Tôi ngủ thiếp đi.
Tháng 3-1965. An Khê.