Đất Vỡ Hoang

Chương 19

Đêm…

Xa, rất xa về phía bắc Grêmiatsi Lốc, sau những dãy núi đồi thảo nguyên âm u, sau những khe lũng, sau những cánh rừng trùng điệp, là thủ đô của Liên bang Xôviết. Trùm lên thủ đô là một bể ánh điện. Ánh sáng xanh lung lịnh của nó, như ráng lửa một đám cháy âm thầm, lơ lửng bên trên những toà nhà nhiều tầng, át cả cái ánh sáng vô dụng của trăng sao lúc đêm khuya.

Ở cách Grêmiatsi Lốc một nghìn rưởi cây số, thành phố Mátxcơva được tạc bằng đá, ngay cả giữa đêm hôm vẫn rộn ràng sức sống: còi xe lửa hú lên những hồi dài lanh lảnh, còi ô tô vang lên như những nốt nhạc của cây đàn phong cầm khổng lồ, xe điện đi lại rầm rập, bánh xe nghiến ken két. Và phía sau lăng Lênin, sau bức tường điện Kremli, cao cao trong làn gió lạnh, trên nền trời rực sáng phần phật tung bay một lá cờ đỏ. Trong ánh điện trắng sáng quắc chiếu hắt từ dưới lên, lá cờ cháy rực, phùn phụt như một dòng máu đào. Gió trên cao cuồn cuộn thổi thốc lá cờ lên, và lá cờ đang rủ xuống nặng nề chốc lát rồi lại tung cánh, lúc hướng sang phương tây, lúc hướng sang phương đông, đỏ rực như ngọn lửa khởi nghĩa, kêu gọi vùng lên đấu tranh…

Cách đây hai năm, Kônđrát Maiđanhikốp, lúc ấy đang ở Mátxcơva dự Đại hội các Xôviết toàn Nga, đã đến Hồng trường vào một buổi đêm khuya. Anh nhìn lăng Lênin, nhìn lá cờ đỏ chói lọi tung bay trên bầu trời, và vội cất cái mũ kỵ binh Buđiônưi trên đầu xuống. Rồi đầu trần, áo dipun vải thô mở phanh, anh đã đứng hồi lâu, không nhúc nhích…

Ở Grêmiatsi Lốc đây thì ban đêm im lặng như tờ. Những gò đống hoang vắng quanh làng lấp lánh một lớp tuyết non, trắng như lông thiên nga. Bóng đêm xanh ngát trùm lên các khe lũng, nếp đồi, bụi rậm. Chòm sao Bắc đẩu gần như chạm sát chân trời. Cây thuỳ dương mọc bên trụ sở Xôviết vươn lên như một cây nến đen trên nền trời đen thăm thẳm. Dòng nước suối thì thầm bí hiểm, róc rách chảy ra sông. Nhìn dòng sông chảy, ta trông thấy sao lặn. Trong không khí tịch mịch bề ngoài của đêm trường, nếu lắng tai nghe bạn sẽ thấy con thỏ rừng đang gặm cành non bằng hàm răng vàng khè nhựa cây của nó. Trên thân cây anh đào mờ mờ ánh lên dưới ánh trăng một cục nhựa đông màu hổ phách. Bạn hãy bóc nó xuống mà xem: cục nhựa trông giống như một quả mận chín nục chưa ai đụng tới, được phủ một lớp phấn mịn. Thỉnh thoảng một cục băng trên cành rơi xuống, rồi tiếng động pha lê ấy chìm đi trong cái tịch mịch của đêm trường. Những nhành non của cành anh đào với những nụ xám vân vân - mà bọn trẻ gọi là “nước mắt chim cu” - im lìm như chết…

Bốn bề tịch mịch…

Mãi đến sớm tinh mơ, khi từ phương bắc, luồn qua dưới mây đen, ngọn gió Mátxcơva bay về, phe phẩy đôi cánh lạnh buốt trên mặt tuyết, thì ở Grêmiatsi Lốc mới cất lên những tiếng nói ban mai của cuộc sống: cành dương trụi lá rì rào trong các lùm cây, đàn chim đa đa về trú rét quanh làng, và đêm đêm đi kiếm ăn trong các nhà chứa thóc, ríu rít gọi nhau. Chúng bay đi nghỉ ngày trong các bụi cây, trên sườn cát thoải của các khe rãnh, để lại trên mặt tuyết quanh các nhà kho những cọng rơm, những dấu vết chân xoè nan quạt. Bê rống lên gọi mẹ; gà sống mới tập trung thi nhau gáy loạn; toả ra khắp làng mùi khói phân ngựa hăng hắc cay cay.

Nhưng khi xóm làng còn chìm trong đêm tối, trong cả Grêmiatsi Lốc có lẽ Kônđrát Maiđanhikốp là người duy nhất không ngủ. Miệng anh đắng hơi thuốc lá, đầu nặng như chì và bụng nôn nao…

Nửa đêm. Và thoáng hiện ra trước mắt Kônđrát vầng ánh điện huy hoàng phủ lên thành phố Mátxcơva. Anh trông thấy lá cờ đỏ rực đang tung bay, đầy đe doạ và giận dữ, bên trên nóc điện Kremli, bên trên cái thế giới bao la vô tận ở đó còn đổ biết bao nhiêu là nước mắt, nước mắt của những người cũng lam lũ như anh, sống ngoài biên giới Liên bang Xôviết. Anh nhớ lại những lời mẹ anh hồi còn sống đã nói với anh một hôm, khi anh còn bé, để dỗ anh nín:

- Nín đi, bé Kônđrát của bu đừng làm Chúa giận. Những người nghèo khổ trên khắp thế gian ngày nào cũng than khóc, kêu ca với Chúa cảnh mình túng đói, cảnh người giàu vơ vét hết của cải. Mà Chúa thì dạy người nghèo phải biết chịu đựng. Thế nên Chúa giận vì những người nghèo đói cứ khóc mãi, Chúa thu hết nước mắt của họ, biến thành mây mù rải xuống biển cả, làm cho trời đất mù mịt, không trông thấy gì nữa. Và thế là tàu bè bị lênh đênh trên mặt biển, lạc đường, va vào đá ngầm mà đắm. Hoặc là Chúa biến nước mắt thành sương. Rồi một đêm, sương muối sẽ đổ xuống đồng ruộng khắp thế gian, ở làng ta cũng như ở các nơi xa khác. Những giọt nước mắt đắng cay ấy sẽ làm cho lúa mới trổ đòng chết khô chết héo, nạn đói nạn dịch sẽ lan tràn khắp thế gian… Thành thử người nghèo không nên than thân trách phận, để khỏi chuốc vạ vào thân… Hiểu chưa hả con? - Và bà nghiêm nghị kết luận: - Cầu nguyện đi, Kônđrát ạ! Cầu nguyện thì dễ thấu đến tai Chúa hơn.

Chú bé Kônđrát hỏi lại bà mẹ ngoan đạo:

- Thế ta là người nghèo, hả bu? Thày cũng nghèo à?

- Phải.

Chú bé Kônđrát đã quỳ phục xuống trước tấm ảnh thánh của tín đồ cựu giáo, chắp tay cầu nguyện và lau mắt đến ráo hoảnh, để Chúa đang nổi giận khỏi trông thấy dù chỉ một giọt nước mắt của Kônđrát.

Kônđrát nằm, lần lại chuỗi kỷ niệm xa xưa như lần một mạng lưới. Anh xuất thân là dân kô-dắc sông Động, và bây giờ đã là một nông trang viên tập thể. Anh đã suy nghĩ nhiều trong nhiều đêm dài, những đêm dài như những con đường mòn thảo nguyên. Bố anh hồi sinh thời đi lính quân dịch, đã từng cùng với đồng đội vung roi quất, vung gươm chém giết những người thợ dệt thành phố Ivanôvô Vôdơnexenxcơ, bảo vệ quyền lợi của bọn chủ nhà máy. Ông cụ chết đi, Kônđrát lớn lên và đến năm 1920, anh đã vung gươm chém bọn Bạch quân Ba Lan và bọn quân Vranghen, bảo vệ Chính quyền Xôviết của anh, bảo vệ chính quyền của chính những người thợ dệt Ivanôvô Vôdơnexenxcơ, chống lại bọn chủ nhà máy và lính đánh thuê của chúng.

Từ lâu rồi Kônđrát không còn tin ở Chúa nữa, mà tin ở Đảng cộng sản đang dẫn dắt lao động toàn thế giới giành lấy giải phóng, giành lấy một tương lai tươi đẹp. Anh đã dắt đến chuồng nuôi tập thể toàn bộ gà vịt, không sót một cái lông. Anh tán thành rằng chỉ những ai có làm thì mới được ăn, mới được xéo chân lên cỏ. Anh gắn bó chặt chẽ với chính quyền Xôviết, không gì tách rời nổi. Ấy thế mà bao đêm nay anh trằn trọc không ngủ… Anh không ngủ được vì trong anh vẫn còn cái lòng luyến tiếc khốn kiếp đối với của cải tư hữu của anh mà chính anh đã tự nguyện từ bỏ… Lòng luyến tiếc ấy bó tim anh, làm anh tê tái buồn bực…

Số là trước kia anh bận rộn suốt ngày: bảnh mắt ra cho bò đực, bò cái, cừu và ngựa ăn uống; đến trưa lại lôi trong kho ra những bao lưới rơm rạ và cỏ khô, chú ý không để vương vãi một cọng, để đến tối lại thu dọn cất vào kho. Rồi lại ban đêm nữa, mấy lần ra thăm chuồng thú, thu nhặt cỏ vãi, bỏ vào máng ăn. Nhọc thì có nhọc nhưng lòng người chủ vẫn vui. Nhưng bây giờ chuồng súc vật nhà Kônđrát vắng tanh vắng ngắt. Chả còn con gì để thăm nom. Máng ăn bỏ không, cánh cửa bằng cành ghép mở toang, và suốt đêm cũng chẳng nghe thấy cả đến tiếng gà gáy, chẳng còn biết giờ giấc và đêm hôm sớm muộn ra sao.

Chỉ những hôm nào trực nhật ở chuồng ngựa nông trang, Kônđrát mới nguôi đi nỗi buồn. Còn thường ngày, anh kiếm đủ cớ bỏ nhà đấy chuồn đi đâu cho mau, để khỏi nhìn thấy gian chuồng trống tuềnh trống toàng, khỏi nhìn thấy đôi mắt âu sầu của vợ.

Lúc này đây chị đang nằm bên anh, hơi thở đều đều. Con bé Khrixtina nằm trên trốc lò sưởi đang trở mình, chem chép đôi môi, nói líu ríu trong mơ: “Khẽ chứ, thày ơi!... Khẽ khẽ chứ…”. Chắc hẳn nó đang mơ những giấc mơ con trẻ, trong sáng, những giấc mơ của riêng loại tuổi nó; nó thì sống thoải mái quá, hít thở thoải mái. Chỉ một bao diêm không cũng làm nó vui thích. Nó lấy bao diêm làm thành cỗ xe trượt tuyết cho con búp bê vải. Với chiếc xe trượt tuyết ấy nó chơi được đến tối, và hôm sau một trò chơi khác sẽ lại làm nó tủm tỉm cười.

Còn Kônđrát thì nằm nghĩ liên miên. Anh giẫy giụa trong những ý nghĩ ấy như con cá mắc lưới… “Bao giờ mày mới chịu buông tha tao, hả cái lòng tiếc rẻ khốn kiếp kia? Bao giờ mày mới chịu chết khô, chết héo, hả cái giống sâu bọ độc hại kia?... Mà không biết nó ở đâu chui ra thế nhỉ? Mình đi qua tàu ngựa, thấy ngựa người ta, mình thản nhiên như không, nhưng cứ động đến chỗ con ngựa nhà mình, trông thấy cái lưng vằn đen đến khấu đuôi của nó, thấy cái tai trái có vết của nó là y như lòng mình se lại, tưởng đâu như lúc ấy mình quý nó hơn vợ. Và mình cứ tìm đủ mọi cách ném cho nó thứ cỏ nào thơm ngon nhất, mịn nhất. Và anh nào cũng thế cả: ai cũng xoắn xuýt con ngựa của mình, còn ngựa người khác thì phớt lờ, ấy là bây giờ không còn chuyện của anh của tôi nữa, tất cả là của chúng ta rồi vậy mà vẫn thế đấy… Nhiều người bây giờ thờ ơ, chẳng buồn quan tâm săn sóc gì súc vật… Hôm qua là phiên Kugienkốp trực nhật. Cậu ta không tự mình dẫn ngựa đi uống nước mà sai thằng bé đưa đi. Thằng nhãi nhảy phốc lên lưng một con, xua cả đàn ra sông. Con nào uống rồi, con nào chưa uống, mặc xác, nó lại vớ lấy gậy, xua về chuồng. Và đừng có dại mà nói, nói thì họ sẽ khịa lại: “Vâng, ngựa ông thì phải ưu tiên rồi!” Tất cả là do mình kiếm được đâu phải dễ. Nhà nào mà lắm của thì có lẽ cũng chẳng tiếc lắm đâu… Mai thế nào cũng phải nói cho Đavưđốp biết chuyện Kugienkốp cho ngựa đi uống nước. Với kiểu chăm sóc ngựa như thế, sang xuân nó kéo cái bừa cũng chẳng nổi. Sáng mai phải đi xem xem họ chăn đàn gà ra sao: các mẹ ấy kháo nhau đã mất toi bảy con rồi, vì chuồng chật. Chà, gay thật! Nhưng lúc này tập trung gà qué lại làm quái gì nhỉ? Chí ít thì cũng phải để lại cho mỗi nhà một con gà sống để làm đồng hồ chứ… Cửa hàng hợp tác chẳng có hàng họ gì bán cả, và con Khrixtina cứ chân đất hoài. Đến muốn làm toáng lên: phải có giày cho nó đi chứ! Hỏi xin Đavưđốp thì ngượng chết.. Thôi đành thế vậy, mùa đông này cứ để nó ngồi tịt trên trốc lò sưởi, còn sang hè thì giày lại không cần nữa”. Kônđrát nghĩ đến những gian khổ đất nước phải chịu đựng trong khi thực hiện kế hoạch năm năm và xiết chặt nắm đấm lại dưới mền chăn thô, anh thầm mắng nhiếc thậm tệ những anh công nhân phương Tây nào không chịu theo cộng sản: “Các anh đã bán đứng chúng tôi lấy đồng lương cao bọn chủ thí cho! Các anh đã đem đổi chúng tôi, các ông anh ơi, lấy cuộc sống phè phỡn!... Chẳng hiểu tại sao mà đến bây giờ các anh vẫn chưa có chính quyền Xôviết? Làm sao mà các anh muộn màng thế nhỉ? Nếu cuộc sống các anh trước đây chẳng ra chó gì thì chắc là bây giờ các anh đã làm cách mạng xong rồi đấy, nhưng xem ra các anh chưa bị lửa đốt đít (°): các anh cứ gãi đầu gãi tai hoài, lay chẳng chuyển, lại thiếu đoàn kết; dao động ngả nghiêng… Nhưng rồi lửa sẽ đốt đít các anh đó! (°°)… Hay vì biên giới ngăn cách nên các anh không thấy chúng tôi đang khôi phục kinh tế gian khổ như thế nào? Chúng tôi đang chịu thiếu thốn như thế nào, giày dép chẳng có mà đi, quần áo chẳng có mà mặc, nhưng chúng tôi cắn răng lại, làm việc. Các ông anh ơi, các ông chơi lối chờ ăn cỗ sẵn thì xấu hổ cho các ông anh lắm đấy! Giả sử như có một cái cột cao, cao đến nỗi tất cả các anh đều trông thấy thì thế nào tôi cũng leo lên ngọn cột mà xỉ vả cho các anh một trận thậm tệ!...”.

Kônđrát ngủ thiếp đi. Điếu thuốc lá anh ngậm trên môi rơi xuống, làm chiếc áo sơmi độc nhất của anh cháy thủng một lỗ to tướng. Bị bỏng, anh giật mình thức giấc, nhổm dậy; mồm lầm bầm chửi rủa, anh sờ soạng trong bóng tối tìm cái kim để díu lỗ thủng trên áo, kẻo đến sáng chị Ana trông thấy sẽ lại làm rầy rà anh hai tiếng đồng hồ vì cái lỗ thủng ấy… Tìm mãi chẳng thấy kim đâu, anh lại nằm xuống ngủ tiếp.

Rạng sáng anh thức giấc, bước ra sân đi tiểu tiện, và bỗng nghe thấy một thứ tiếng ồn thật là kỳ dị: đàn gà sống đưa vào tập thể, nhốt chung một chuồng đang đồng thanh gân cổ lên gáy thành một bản đồng ca trăm giọng, hào hùng. Kônđrát kinh ngạc trố đôi mắt húp híp lắng nghe trong một hai phút tiếng gà gáy liên chi hồ điệp ấy, và khi tiếng “ò ó o” tụt lại cuối cùng tắt đi một cách vội vã, anh mỉm một nụ cười còn ngái ngủ: “Chà, khiếp quá, lũ quỷ sứ! Đúng là một đội kèn đồng. Anh nào sống cạnh chuồng chúng nó thì ngủ không yên với chúng nó chứ chẳng chơi đâu. Trước kia thì đầu xóm một tiếng, rồi cuối xóm một tiếng, chẳng ra cái trật tự gì… Chà, đời nghĩ cũng hay!”.

Rồi anh vào nằm ngủ rốn.

--------------------------

(°) Nguyên văn: “Xem ra con gà quay chưa mổ vào đít các anh”, lấy từ một thành ngữ Nga là: “con gà quay rồi mà nó còn mổ vào đít”, ý nói “khổ quá”. Câu của tác giả có nghĩa: Các anh chưa biết mùi khổ”. – ND.

(°°) Nguyên văn: “Nhưng rồi nó sẽ mổ các anh đó, và mổ đau!”. – ND.

*

Ngủ dậy, ăn sáng xong, anh đi đến sân gà tập thể. Ông lão Akim Bexkhlépnốp tiếp anh bằng một câu gắt gỏng:

- Làm gì mà bảnh mắt đã đi lượn thế hả?

- Đến thăm bác và thăm gà đây. Ổn không bác?

- Trước thì ổn đấy, nhưng bây giờ thì sống dở chết dở.

- Sao vậy?

- Đến chết tử chết tiệt với cái chuồng gà này mất!

- Thế là thế nào?

- Anh cứ ngồi đây một ngày, khắc biết: lũ gà sống quỷ sứ nhà trời này suốt ngày chọi nhau, đuổi theo chúng mà rời cả cẳng. Rồi lại lũ gà mái kia nữa, tưởng chúng là giống đàn bà con gái, ấy thế mà cũng túm lấy bờm nhau, lôi nhau xềnh xệch khắp sân! Xin vái cái công tác khỉ gió này thôi! Lão sẽ đến anh Đavưđốp ngay hôm nay, đề nghị cho lão rút lui, đi nuôi ong.

- Bác ơi, rồi chúng nó sẽ quen mà.

- Chờ đến lúc chúng quen thì lão Akim này cũng toi rồi. Mà đây đâu phải việc đàn ông đàn ang? Chẳng gì lão cũng là một anh kô-dắc, lão đã từng tham gia cuộc chiến tranh Thổ Nhĩ Kỳ. Thế mà bây giờ được cử làm tổng tư lệnh gà, rõ sướng chưa! Mới nhận nhiệm vụ có hai ngày, lão đã không còn đi đâu được với lũ trẻ ranh nữa. Cứ động ra đường về nhà là lũ ôn vật ấy chắn ngang đường, réo lên: “Lão mò gà! Lão Akim mò gà!” Trước đây lão vẫn được mọi người kính trọng để bây giờ về già lại mang theo xuống lỗ cái tên là lão mò gà hay sao? Không ạ, lão không dại!

- Thôi đi, bác Akim ơi! Chấp trẻ mỏ làm gì?

- Đâu phải chỉ có bọn trẻ ranh nói láo, mà cả các mẹ chúng nó cũng về hùa với chúng nó nữa chứ. Hôm qua lão đi về nhà nghỉ trưa. Con mụ Naxchia, con gái của Đônhétxkốp đang đứng múc nước giếng, thấy lão, hỏi: “Thế nào, gà qué có trị được không, cụ?” Lão nói: “Có đấy, nhưng ít ít thôi”. Ấy thế là con mụ trời đánh thánh vật ấy làm ngay một câu: “Này, cụ ơi, cụ phải cố làm sao cho đến vụ cày có được một rổ trứng, nếu không người ta sẽ bắt cụ phải đạp mái đấy!” Già nua như lão thế này mà còn phải nghe những câu nói đùa kiểu ấy! Công tác này nhục nhã quá lắm!

Ông lão định nói nữa, nhưng vừa lúc ấy bên hàng rào có hai chú gà trống giương cổ lên chọi nhau. Một chú thì máu ở mào chảy xuống ròng ròng, một chú thì cổ trụi từng mảng lông. Bác Akim te te chạy tới chỗ chúng, vừa chạy vừa giật lấy cái sào.

Mới sáng sớm mà trụ sở nông trang đã đầy những người. Một chiếc xe trượt tuyết đóng hai ngựa đậu ngoài sân, cạnh thềm, chờ đưa Đavưđốp lên huyện. Con ngựa của Lápsinốp đóng đủ yên cương đang lấy chân cào cào tuyết, còn Liubiskin thì đang loanh quanh bên nó, rút căng lại dây yên. Anh cũng chuẩn bị để đi Tubianxki, gặp ban quản trị nông trang bên ấy để thương lượng về máy chọn giống.

Kônđrát bước vào phòng đầu. Bác kế toán trên xã mới về mấy hôm nay đang ngồi bên bàn lục tìm trong đống sổ sách. Iakốp Lukits, thời gian qua gầy tọp đi và nom lầm lì, đang ngồi đối diện hí hoáy viết cái gì. Liền bên đấy, một tốp nông trang viên được đội trưởng cử đi chở cỏ khô, đứng túm tụm. Anh chàng Agaphôn Đúpxốp rỗ hoa, đội trưởng đội ba, và Akaska Mênốc thì đứng trong góc tranh luận gì với bác thợ rèn độc nhất trong làng, bác Ipôlít Salưi. Từ phòng bên vang sang giọng nói vui vẻ của Radơmiốtnốp.

Anh vừa mới tới, và kể luôn cho Đavưđốp nghe, vừa kể vừa cười:

- Sớm tinh mơ bốn cụ bà đã lò dò đến chỗ mình. Dẫn đầu là bà cụ Uliana, mẹ cậu Mikhain Igơnachênốc. Cậu biết bà cụ không? Không biết à? Một bà lão nặng trên dưới bảy pút, mũi có mẩu thịt thừa. Các mẹ kéo nhau đến. Mẹ Uliana nổi cơn tam bành lên, giận thở không ra hơi, mẩu thịt thừa trên mũi cứ nhảy tưng tưng. Và vừa đặt chân tới, xỉa xói luôn: anh là cái đồ nọ, anh là cái đồ kia! Trụ sở Xôviết đang đông, bà cụ càng làm già. Tất nhiên mình phải nghiêm sắc mặt, bảo: “Bà có câm mồm bà đi không, không tôi cho giải lên xã vì tội thoá mạ chính quyền bây giờ. Cớ làm sao mà bà lồng lộn lên thế?” Bà lão đáp: “Các anh định giở trò ma mãnh gì với các lão bà chúng tôi? Sao các anh dám đem tuổi già chúng tôi ra làm trò cười?” Mình gặng hỏi mãi xem đầu đuôi câu chuyện ra sao. Té ra là các cụ nghe phong phanh ban quản trị nông trang đã quyết định sang xuân này, giao cho các cụ bà ngoài sáu mươi đã hết khả năng lao động phải làm cái việc… - Radơmiốtnốp phồng má lên, cố nhịn cười, và nói tiếp: - phải làm cái việc ấp trứng thay cho máy ấp trứng bằng hơi nước hiện chưa có. Thế là các cụ nổi điên lên. Bà cụ Uliana tru tréo như bị chọc tiết: “Thế nào? Bắt tôi ấp trứng gà à? Cái loại trứng để tôi ấp thì chưa ai đẻ nổi đâu! Bọn các anh thì tôi cứ lấy que cời than vụt cho một trận, rồi tôi nhảy xuống sông chết đi cho rảnh!” Mình phải giải thích mãi cho các cụ. Mình bảo: “Tôi can bà, bà Uliana ơi, đừng nhảy xuống sông làm gì, sông ta cạn nước bà có nhảy xuống cũng chẳng chết được đâu. Đó toàn là những chuyện láo toét do bọn kulắc bịa đặt ra đấy thôi”. Đầu đuôi là thế đấy, đồng chí Đavưđốp ạ. Kẻ địch tung ra đủ các thứ chuyện bịa đặt, hòng chọc gậy bánh xe chúng ta. Mình mới căn vặn các cụ nghe đâu ra chuyện ấy, thì được biết: hôm kia có một con mụ nhà dòng ở Vôxkôvôi sang, nghỉ đêm tại nhà Chimôphây Bôrsép. Con mụ ấy đã kể lể với các cụ rằng ta tập trung gà là để gửi ráo lên tỉnh mổ thịt nấu mì và ta sẽ làm một kiểu ghế đặc biệt, có lót rơm cho các cụ bà, bắt các cụ ấp trứng thay gà, cụ nào chống lại sẽ bị trói chặt vào ghế.

Nagunốp nghe chuyện liền hỏi:

- Bây giờ con mụ ấy đâu rồi?

- Chuồn rồi. Nó khôn chán: phao tin, rồi cút ngay.

- Giống quạ đen ấy là phải tóm cổ, tống đi cái nơi cần tống. Phúc tổ nó không rơi vào tay tôi! Tôi thì cứ lộn ngược váy nó lên đầu, đét đít một trận… Còn cậu, cậu là chủ tịch Xôviết, thế mà kẻ nào đến ngủ trong làng cậu cũng không biết. Hay thật!

- Ma kiểm soát được chúng nó!

Đavưđốp, mình mặc áo lông khoác ra ngoài áo măngtô, ngồi bên bàn xem xét lại lần chót bản kế hoạch sản xuất vụ xuân đã được hội nghị nông trang viên thông qua; anh nói, mắt vẫn nhìn xuống giấy:

- Vu khống xuyên tạc là mánh lới cũ rích của kẻ địch. Chúng là bọn ngồi không ăn bám, chuyên môn bôi nhọ công cuộc xây dựng của ta. Nhưng chúng ta đôi khi cũng lại tiếp tay cho chúng, như trong việc gà qué này chẳng hạn…

Nagunốp phổng mũi lên, hỏi:

- Tiếp tay là thế nào?

- Ta đưa vào tập thể cả gà vịt nữa là tiếp tay cho chúng chứ sao.

- Đâu phải!

- Đúng thế đấy! Đáng lẽ ta không nên phân tán sức lực vào những việc vụn vặt. Đây nhá, hạt giống gieo chúng ta chưa chuẩn bị xong, thế mà đã vội lao vào chuyện gà vịt… vớ vẩn thật! Ăn làm sao, nói làm sao bây giờ?.. Lên huyện thế nào họ cũng vò đầu cho mình một trận về chuyện hạt giống, thực tế thế đấy! Chán ghê cơ…

- Anh bảo tại sao không nên tập thể gà vịt? Hội nghị đồng ý rồi cơ mà?

Đavưđốp cau mày:

- Vấn đề không phải là hội nghị! Cậu làm gì mà không hiẻu rằng gà vịt là chuyện vặt, mà chúng ta thì đang phải giải quyết việc chủ yếu này: củng cố nông trang, đạt tới tỷ lệ gia nhập trăm phần trăm, và cuối cùng là gieo hạt. Cho nên, Maka ạ, mình nghiêm chỉnh đề nghị với cậu như thế này: chúng ta đã phạm một sai lầm về chính trị với cái chuyện gà qué chết tiệt này, thực tế thế, ta sai rồi! Đêm qua mình có đọc một số tài liệu về vấn đề tổ chức nông trang, và mình hiểu ra sai ở chỗ nào: ta có một nông trang, nghĩa là một ácten, nhưng ta có xu hướng coi nó là một công xã. Đúng vậy không? Đó đích thị là tả khuynh. Cậu nghĩ lại mà xem. Mình mà ở địa vị cậu (vì cậu là người đưa ra chủ trương ấy và thuyết phục chúng mình) thì mình sẽ nhận sai lầm với một thái độ dũng cảm bônsêvích và ra lênh cho trả gà qué của ai về nhà nấy. Thế nào? Còn như nếu cậu không làm thì mình sẽ làm, mình nhận trách nhiệm, đi về mình sẽ làm luôn. Thôi, mình đi đây. Chào các cậu.

Đavưđốp chụp mũ cátkét lên đầu, lật đứng cái ve cao còn sặc mùi băng phiến của tấm áo da lông tịch thu của một tên kulắc, và vừa buộc cặp giấy vừa nói:

- Bây giờ đủ các loại nhà dòng lọt lưới đi lang thang phao tin đồn nhảm, kích chị em phụ nữ, các bà già chống lại chúng ta. Mà việc xây dựng nông trang lại là một công việc mới mẻ quá, và cấp thiết ghê lắm. Ta cần phải được mọi người ủng hộ! Cả phụ nữ, cả bà già. Trong nông trang phụ nữ cũng có vai trò của họ, thực tế thế!

Rồi anh đi ra, chân bước dài và nặng.

- Thôi, Maka ạ, ta giải tán gà, trả lại cho các nhà thôi. Đavưđốp nói đúng đấy.

Radơmiốtnốp nhìn Nagunốp hồi lâu, đợi câu trả lời… Nagunốp ngồi bên bệ cửa sổ, áo varơi mở phanh, quay quay cái mũ trên tay và môi mấp máy không thành tiếng. Vài ba phút trôi qua như vậy. Rồi Maka ngẩng phắt đầu lên, và Radơmiốtnốp bắt gặp ánh mắt cởi mở của anh.

- Ờ, trả lại thôi. Ta sai toét rồi. Đúng thế! Chà, cái cậu Đavưđốp ấy, thằng sứt ấy nói thế mà đúng…

Và anh mỉm cười, có đôi chút ngượng nghịu.

Đavưđốp ngồi vào xe trượt tuyết. Kônđrát Maiđanhikốp đứng bên anh. Hai người đang chuyện trò gì với nhau sôi nổi. Kônđrát hoa tay lên nói có vẻ hăng hái lắm; bác đánh xe sốt ruột, mân mê dây cương, cài lại cái roi ngựa giắt dưới ghế ngồi. Đavưđốp cắn môi, nghe.

Trên bậc tam cấp bước xuống, Radơmiốtnốp nghe thấy Đavưđốp nói:

- Cứ bình tĩnh, đừng lo.. Tất cả đã ở trong tay chúng ta, đâu sẽ vào đó, thực tế thế! Ta sẽ quy định một chế độ phạt tiền, sẽ bắt các đội trưởng sản xuất phải chịu trách nhiệm theo dõi kiểm tra. Thôi, đi nhá!

Chiếc roi vung lên đen đét trên lưng đôi ngựa. Cỗ xe trượt tuyết vạch lên mặt tuyết hai vòng tròn xanh xanh, rồi khuất sau cổng.

Hàng trăm con gà rải ra trên sân nuôi gà vịt, nom như một lớp đá cuội đủ màu sắc. Bác Akim, tay cầm một cành cây, đi đi lại lại trong sân. Ngọn gió nhẹ thổi lơ thơ chòm râu xám của bác, làm khô mồ hôi lấm tấm trên trán bác: “Lão mò gà” vừa bước đi vừa lấy chân đi ủng dạ xua gà; bác đeo một cái bị lưng lửng thóc lép. Bác rải thóc thành một vệt dài từ chuồng đến kho, và dưới chân bác lũ gà cứ sôi lên sùng sục, không ngớt tiếng “cục-cục-cục-cục” tíu tít bận rộn.

Trong sân phơi có rào bao bọc đàn ngỗng nổi trắng lên nom như những đống đá vôi ngổn ngang. Từ đó vang ra tiếng cúc cục, quàng quạc, tiếng cánh vỗ, ồn ào nhộn nhạo như từ vùng ngập nước vào mùa xuân chim muông chuyển vùng. Cạnh kho thóc, một đám người chen chúc nhau xúm xít. Chìa ra ngoài chỉ có những cái lưng và mông chổng. Nnhững cái đầu cúi chúi xuống, còn những con mắt hau háu thì nhìn cái gì dưới đất, giữa vòng người.

Radơmiốtnốp bước tới, nhòm qua lưng họ, xem xem chuyện gì. Đám người thở phì phò, lời đi tiếng lại í ới.

- Con tía thắng!

- Thắng cái khỉ gió! Nom kìa, rũ xuống rồi còn gì.

- Chà, đá cú khiếp quá!

- Há mỏ rồi, cu cậu nhược…

Và tiếng bác Suka:

- Đùng thúc! Đùng thúc! Tự nó lao vào bây giờ đấy! Bảo đừng thúc mà, thằng ranh này!... Ông thì thúc cho mày một cái vào mạng mỡ bây giờ!…

Trong vòng người, hai chú gà sống đang xoè cánh vờn nhau, một con màu đỏ tía, một con lông đen biếc như lông quạ. Mào chúng rách toạc, thâm tím máu đọng, dưới chân chúng tơi tả những chiếc lông đỏ, lông đen. Hai đấu thủ đã thấm mệt. Chúng lảng nhau, làm ra vẻ mổ mổ kiếm ăn, chân cào bới tuyết, nhưng mắt vẫn cảnh giác theo dõi nhau. Cái giả vờ của chúng không được bao lâu; con đen bất thình lình bay vọt lên như mũi tên, con tía cũng nhảy cẫng. Chúng chọi nhau một phát ở trên không, rồi một phát nữa…

Bác Suka đứng xem, không còn biết trời đất gì nữa. Đầu mũi bác rung rinh một giọt nước mũi, nhưng bác cũng chẳng để ý. Tất cả sự quan tâm của bác tập trung vào con gà tía. Con tía phải thắng. Bác Suka đã đánh cuộc với Đêmít Miệng hến. Bỗng một bàn tay ai kéo bác ra khỏi trạng thái căng thẳng đến tột độ ấy: bàn tay ấy thô bạo túm lấy cổ áo varơi bác, lôi tuột ra ngoài vòng. Bác Suka quay phắt lại, mặt cau có một cơn giận dữ không thốt lên lời, sẵn sàng lao vào đối thủ với quyết tâm của một chú gà trống. Nhưng nét mặt bác đột nhiên thay đổi, biến thành tươi tỉnh hoà nhã: đó là bàn tay Nagunốp. Nagunốp mặt cau có giãn đám đông ra, xua đôi gà chạy, hầm hầm nói:

- Thế ra các người rỗi hơi, đứng chơi chọi gà hả!.. Giải tán đi, đi làm việc, đồ ăn hại cả nút! Không có việc gì làm thì đi vác rơm về chuồng ngựa, chở phân ra ruộng rau. Hai người đi quanh làng báo cho các nhà, nhà nào có gà thì đến mà bắt về.

Một anh nông dân cá thể đội mũ tai cáo, thuộc dân mê chọi gà và được mệnh danh là Banhích, hỏi:

- Giải tán nông trang gà à? Xem ra trình độ giác ngộ của chúng nó chưa đủ để vào nông trang. Này, thế lên chủ nghĩa xã hội thì gà có còn chọi nhau nữa không nhỉ?

Nagunốp tái mặt đi, trừng mắt nhìn anh chàng vừa hỏi một cái từ đầu đến chân:

- Này, có nói đùa thì cũng tuỳ cái nói đùa! Những con người tinh hoa nhất đã vì chủ nghĩa xã hội mà hy sinh, thế mà mày, đồ chó chết, mày lại nói láo hả? Cút ngay cho khuất mắt, đồ phản cách mạng, không tao lại cho một phát giữa ngực về chầu trời bây giờ. Xéo đi, đồ rắn độc trong khi tao còn để cho mày sống! Mày tưởng tao không biết đùa hả!

Anh bỏ đám kô-dắc đứng im thin thít đó, đưa mắt nhìn mảnh sân gà một lần cuối cùng, rồi lững thững bước ra cổng, vai hơi gù gù và nén một tiếng thở dài nặng trĩu.