Radơmiốtnốp đưa ra ý kiến:
- Ta ghé qua chuồng ngựa, thăm ngựa nông trang tí.
- Ừ, đi.
Họ rẽ vào con ngõ ngang. Đi một quãng đã thấy hiện ra một ánh lửa: đó là ánh lửa cây đèn treo bên gian nhà chứa cỏ của Lápsinốp nay dùng làm chuồng ngựa. Họ bước vào sân. Dưới hàng hiên bên cửa chuồng ngựa, có bảy tám anh chàng kô-dắc đang đứng. Radơmiốtnốp hỏi:
- Hôm nay ai trực?
Một trong những người đứng đó dụi tắt điếu thuốc rồi đáp:
- Kônđrát Maiđanhikốp.
Đavưđốp hỏi:
- Sao đứng đây đông thế này? Anh em làm gì ở đây vậy?
- Có gì đâu, đồng chí Đavưđốp… Anh em đứng làm điếu thuốc với nhau…
- Tối hôm nay chúng tôi chở cỏ khô về.
- Anh em đứng hút thuốc, tán gẫu, đợi ngớt bão tuyết.
Trong các ngăn chuồng, tiếng ngựa nhai cỏ nghe đều đều. Mùi mồ hôi, phân và nước đái ngựa hoà lẫn với mùi phảng phất nhè nhẹ của cỏ khô thảo nguyên. Trước mỗi ngăn chuồng có treo trên mắc gỗ một chiếc vòng cổ ngựa, một dây đai hoặc dây cương. Lối đi được quét dọn sạch sẽ và rải một lớp mỏng cát vàng bờ sông. Anđrây réo gọi:
- Maiđanhikốp!
Một tiếng hú đáp lại từ phía cuối tàu ngựa:
- Hú!
Maiđanhikốp bê một bó rơm xọc vào đầu chàng nạng. Anh đi tới ngăn chuồng thứ tư kể từ cửa vào, lấy chân ẩy một con ngựa ô đang nằm cho nó đứng dậy, rồi rũ rơm trải xuống. Anh giơ chàng nạng doạ con ngựa giải ngũ, cau có quát:
- Quay lại! Tiên nhân mày!
Con ngựa sợ hãi gõ móng lộp cộp xuống sàn gỗ và xem chừng đã thay đổi ý kiến, không muốn nằm xuống nữa, nó khịt mũi, bước tới máng ăn. Người sặc mùi ngựa, mùi rơm rạ, Kônđrát đi tới chỗ Đavưđốp, chìa cho anh bàn tay cứng ráp lạnh giá:
- Thế nào, đồng chí Maiđanhikốp?
- Báo cáo đồng chí chủ tịch nông trang, cũng tàm tạm.
Đavưđốp mỉm cười:
- Làm gì mà trịnh trọng khiếp thế: “đồng chí chủ tịch nông trang”..
- Tôi đang làm chức trách.
- Anh em tụ tập quanh chuồng ngựa làm gì vậy?
- Đồng chí hỏi họ ấy! - Giọng Kônđrát nghe có vẻ bực dọc. - Cứ đến giờ rải ổ đêm cho ngựa là họ lù lù dẫn xác đến. Cái dân ấy không sao từ bỏ được đầu óc tư hữu. Toàn những ông chủ ngựa cả đấy! Họ đến hỏi căn hỏi vặn: “Này, đổ cỏ cho con ngựa tía của tớ chưa?”, “Này, rải ổ cho con vàng phai chưa?”, “Con ngựa cái nhà mình còn nguyên đấy chứ?” Thế thì thử hỏi con ngựa cái của anh ta chẳng vẫn đó thì đi đâu? Dễ chừng tôi nuốt chửng nó rồi sao? Ai cũng sấn vào, đề nghị: “Để mình rải ổ ngựa cho!” Và anh nào cũng chỉ lăm le ném đẫy thêm rơm cho con ngựa của mình… Khổ thật cơ! Phải ra quyết nghị cấm những ai không có nhiệm vụ không được phất phơ ở đây.
Anđrây nháy mắt với Đavưđốp, ngán ngẩm lắc đầu:
- Thấy chưa?
Đavưđốp nghiêm giọng ra lênh:
- Đuổi tất cả ra ngoài! Không ai được ở đây, trừ người trực nhật và người phụ việc. Cậu cho ngựa ăn bao nhiêu cỏ? Khẩu phần có cân không?
- Không, tôi không cân. Áng chừng thôi, mỗi con khoảng nửa pút.
- Rải ổ đủ cả chứ?
- Chứ sao! - Kônđrát lắc mạnh chiếc mũ kị binh Buđiônưi, làm cho mấy ngọn rơm mềm mềm rơi xuống cái gáy đen xạm và cái cổ áo dipun đã sờn của anh. - Lão quản lý Ôxtơrốpnốp nhà ta, lão Iakốp Lukits ấy, xẩm chiều hôm nay có đến đây, bảo: “Cỏ ngựa ăn còn thừa, lấy ra mà rải”. Thế mà cũng đòi ra lệnh! Lạ thật, lão ấy tự cho mình là làm ăn sành sỏi nhất, thế mà lại ăn nói hàm hồ như vậy.
- Sao?
- Còn sao nữa, hả đồng chí Đavưđốp! Đó toàn là cỏ ngon: dê cừu mà vớ được thì cứ gọi là chén hết nhẵn, không sót một ngọn, thế mà lão ấy bảo rải ổ cho ngựa nằm! Tôi vừa mở miệng cãi lại thì lão ấy đã chặn họng: “Anh chưa đủ thớ dạy tôi”.
- Đúng, không ai lại lấy cỏ ăn thừa ra rải ổ! Mai tôi sẽ cạo cho lão ấy một trận! - Đavưđốp hứa.
- Còn việc này nữa: người ta đến chuyển đi chỗ cỏ khô đánh đống để dành bên giếng. Để làm gì vậy thế không biết?
- Iakốp Lukits bảo tôi chỗ cỏ ấy xấu. Lão ấy muốn cho ăn hết cỏ xấu trong mùa đông đi, giữ lại cỏ tốt cho vụ cày.
Kônđrát đồng ý:
- Nếu như vậy thì phải rồi. Còn chuyện cỏ ăn thừa thì đồng chí bảo cho lão biết.
- Tôi sẽ bảo. Này, hút điếu thuốc Lêningrát… - Đavưđốp khẽ ho một tiếng. - Anh em ở nhà máy gửi cho mình đấy… Ngựa khoẻ cả chứ?
- Cảm ơn. Xin đồng chí tí lửa… Ngựa khoẻ cả. Đêm qua một con bị đổ, con ngựa của lão Lápsinốp trước, chúng tôi phát hiện ngay. Còn thì yên ổn cả. À, có một con bị ma ám làm sao mà nhất định không chịu nằm. Nghe nói nó cứ đứng suốt đêm. Mai chúng tôi sẽ đóng lại móng trước cho tất cả. Có sương muối nên đanh móng bị ăn mòn hết. Thôi, chào các đồng chí. Tôi đi rải ổ.
Radơmiốtnốp đưa chân Đavưđốp về. Họ vừa chuyện trò vừa đi tới cuối xóm, nhưng đến quãng rẽ về xóm Đavưđốp ở thì Radơmiốtnốp dừng lại trước cửa nhà anh nông dân cá thể Luka Tsêbakốp, nắm lấy vai Đavưđốp, thì thầm:
- Cẩn thận!
Bên cổng hàng rào, cách họ ba bước có một bóng đen. Radơmiốtnốp thình lình nhảy xổ tới, tay trái túm lấy người nấp bên hàng rào, tay phải nắm chặt báng súng lục:
- Mày à, Luka?
- Tưởng ai, hoá ra là anh Anđrây Xtêpanôvits!
- Tay phải cầm cái gì kia? Đưa đây, mau lên!
- Ô hay, sao thế, đồng chí Radơmiốtnốp?
- Bảo đưa đây! Không tao bắn chết!...
Đavưđốp bước tới, hấp háy đôi mắt cận thị:
- Tước cái gì của hắn thế?
- Đưa đây, Luka! Không tao bắn!
- Thì đây, làm gì mà anh hung thế?
- Này, nó cầm cái này đứng rình bên cổng đây! Cái đồ mày! Đêm tối mày cầm dao đứng đây làm gì? Mày đợi ai? Đavưđốp hẳn? Tao hỏi: mày cầm dao mác đứng đây làm gì? Phản động hả? Định giết người hả?
Chỉ có đôi mắt sắc như người đi săn của Anđrây mới có thể phát hiện được lưỡi dao sáng loáng trong tay người đứng nấp bên cổng hàng rào. Thế là anh xông tới tước vũ khí. Và đã tước được. Nhưng khi anh đang thở hổn hà hổn hển truy hỏi cái anh chàng Luka đang ngây tán tàn thì anh chàng này đổi giọng, mở cổng ra nói:
- Đã đến nước này thì cũng đành phải nói các anh rõ. Lạy Chúa, các anh nghi oan cho em rồi, anh Anđrây Xtêpanôvits ạ! Em mời các anh vào.
- Vào đâu?
- Vào chuồng lợn.
- Vào đấy làm gì?
- Vào xem, rồi các anh khắc rõ em vác dao ra ngõ làm gì…
- Ta vào xem sao. - Đavưđốp đề nghị, bước đi trước vào sân nhà Luka. - Đi lối nào?
- Các anh theo em.
Trong chuồng lợn bừa bộn phân khô, có một ngọn đèn dầu đặt trên chiếc ghế đẩu. Cô vợ Luka, một chị đàn bà xinh xắn, khuôn mặt đầy đặn với đôi lông mày kẻ chỉ, đang ngồi xổm cạnh đó. Thấy người lạ vào, chị ta hoảng hốt đứng dậy, lấy người che hai thùng nước và cái chậu đặt cạnh tường. Sau lưng chị ta, tận trong góc chuồng, một chú lợn đực giống no căng đang đứng trên lớp ổ rơm xem ra mới rải, rúc đầu vào chậu nước vo to tướng, ăn sùng sục.
Luka bối rối trỏ con lợn, ấp a ấp úng kể:
- Đấy, khốn khổ thật… Vợ chồng em định mổ vụng con lợn… Mụ nhà em đang cho nó ăn, còn em vừa định vật nó ra chọc tiết thì thấy ngoài ngõ có tiếng người. Em nghĩ bụng: nào, ta ra ngó một cái xem, đêm hôm thế này, sợ có ai nghe thấy. Thế là cánh tay áo vẫn để xắn nguyên, vẫn nguyên tạp dề, và vẫn nguyên con dao trong tay em ra cổng. Và thế là gặp các anh. Thế mà các anh lại nghĩ về em thế à? Có ai đi cắt cổ người ta mà lại đeo tạp dề, xắn tay áo bao giờ không? - Luka cười gượng, cởi tạp dề ra và quát vợ, giọng bực dọc cố nén lại: - Đứng làm gì đấy, con khỉ? Đuổi lợn ra!
- Đừng thịt nó nữa. - Anđrây nói, hơi ngượng lây. - Vừa mới có cuộc họp, cấm giết gia súc đấy.
- Vâng, em cũng xin thôi thôi. Các anh đã làm em cụt cả hứng rồi…
Đavưđốp đi ra, và dọc đường về tới tận nhà cứ nói kháy Anđrây:
- Cậu đúng là đã ngăn chặn được một vụ mưu sát chủ tịch nông trang! Đã tước được vũ khí một tên phản cách mạng! Một chiến công, thực tế thế! Hà - hà - hà!
Radơmiốtnốp trả miếng:
- Chẳng gì thì mình cũng đã cứu được tính mạng một con lợn.