Không chỉ tất cả dân khu phố, mà cả họ hàng kênh kiệu, giàu có ở tận Long Island, cũng kéo nhau về dự. Ai lại bỏ qua một đám cưới như thế, lần đầu tiên được thấy một chú rể ngoại đạo trong gia đình người Ý.
Đám trẻ nhảy nhót thoải mái dưới ánh đèn màu và trong tiếng nhạc của cái máy hát, mượn của lão chủ hiệu cắt tóc dở hơi. Từ phòng ăn căn bếp tới cuối căn hộ, từng dãy ghế kê sát tường cho cánh già ngồi bù khú. Cô dâu Octavia giao cái túi đựng tiền mừng cho mẹ giữ. Lucia Santa trịnh trọng kéo sợi dây bạc mở túi cất tiền, mỗi khi có người mừng.
Với Lucia Santa, đó là một ngày huy hoàng trong đời bà. Tuy nhiên ngày vui nào cũng có điều phiền phức, không trọn vẹn.
Một con bạn học cũ của Octavia, con nhà giàu, có điện thoại đàng hoàng, tạt vào chúc mừng cô dâu với một món quà đắt tiền, tên con bé là Angelina Lambecora. Khổ nỗi cái con lẳng lơ này lại lúng liếng liếc mắt tuốt từ đám choai choai đến mấy lão già. Bộ mặt xinh đẹp của nó tô son đánh phấn như những mụ đàn bà lão luyện. Cặp môi dày, khêu gợi đỏ chót, mọng như nho chín, đưa ra mời mọc. Bộ áo nó mặc chẳng ra đồ vét, không ra váy đầm, làm bộ ngực như muốn nhay ra ngoài níu kéo cái nhìn của mọi người. Cánh đàn ông xúm vào tranh nhau nhảy với nó. Thằng Larry lờ tịt con vợ, làm Louisa phát khóc. Thằng khốn khổ trổ hết ngón nghề làm duyên dáng trước mắt con bé lẳng lơ, khoe hàm răng khoẻ mạnh trắng bóng, nở nụ cười đầy quyến rũ với Angelina. Cô ta lả lơi nhảy nhót với tất cả, từ lão Panattiere tới thằng Guido con trai lão, từ lão cắt tóc mắt hí tới cụ Angelo bảy mươi lăm tuổi đầu tóc bạc phơ, cả đời chỉ gắn bó vào tủ bánh kẹo. Chẳng còn vị mày râu nào ham uống rượu, tán gẫu suông nữa, mắt hau háu, lưỡi thè lè, như hớp từng ánh mắt nóng bỏng của con bé. Cho đến khi Angelina cảm thấy tất cả đôi tượng của nó phát sốt lên rồi, mới thỏ thẻ từ biệt để về cho kịp chuyến tàu Long Island. Octavia vội vàng hôn tạm biệt, để tống khứ con bạn quý đi càng sớm càng tốt. Vì đến cả chú rể, đôi mắt nhà thơ cũng đang thẫn thờ chiêm ngưỡng người đẹp sau cặp kính dày cộm.
Nhưng mọi chuyện rồi cũng ổn. Cuộc đời có bao giờ tránh được mấy vụ lộn xộn của mấy con bé lẳng lơ này. Một ngày kia, nó cũng lại con đàn cháu đống, già khụ, mập ú ra, lại ngồi trong bếp mà ca cẩm, nhường chỗ cho đám trẻ lớn lên thay thế. Con bé lạnh nhạt từ chối tuốt những ưu ái của mấy anh già, anh trẻ, vào bếp chào từ biệt chủ nhà, nhỏ nhẹ đúng điệu con gái Mỹ.
Lucia Santa nhìn vẻ điệu hạnh, ra điều nó vừa trẻ vừa đẹp, mà lộn ruột, nhưng miệng bà vẫn ngọt ngào cười nói, trong bụng rủa thầm, con bé Lena nhà tao mà được lớn lên trong ngôi nhà ở Long Island, nó còn tiểu thư, còn Mỹ hơn cả mày.
Chuyện không may xảy ra ngay khi Angelina bước ra về. Chợt thấy thằng Gino, mắt nó sáng lên. Thằng ranh mới mười sáu tuổi, nhưng cao lớn, da ngăm ngăm, khoẻ mạnh, rất bảnh trai trong bộ vét mẹ mới mua cho trong dịp này, mua từ những tay chôm chỉa dưới cảng.
Trông nó thoăn thoắt mở những chai nước ngọt, những bình rượu nho, hấp dẫn lạ lùng. Nó có vẻ trầm tĩnh nhưng xa cách. Tuy nhiên, cánh già nể nó ra mặt. Một thằng con trai sốt sắng phục vụ người lớn như vậy, mới đúng truyền thống quê nhà. Chỉ bà mẹ biết khách khứa hoàn toàn không hiểu thằng con trai bà. Nó đâu thèm quan tâm đến ai, nói cười, nghĩ tốt hay xấu về nó, thậm chí họ có lăn đùng ra chết nó cũng không cần biết. Đêm nay bắt buộc phải ở nhà, nó phục vụ để giết thì giờ, cho đỡ chán.
Bà con, quan khách đâu biết vậy, nên hết lời khen. Nhất là ông chú họ xa, đến từ Tuckahoe, với bộ râu quai nón rậm rì, ốm tong teo vì làm việc quá nhiều. Lão có tới bốn xe tải. Bà vợ vừa béo, vừa đần, đeo đầy nữ trang giả, đang ngốn ngấu hàng tấn bánh kẹo. Đứa con gái mười bảy tuổi của lão, e thẹn ngồi giữa ba mẹ nhưng mắt không rời anh Gino.
Lúc đầu, lão Piero Santini rất khó chịu vì cái nhìn nóng hổi của con gái. Lão nuôi dạy con rất nghiêm khắc, theo phong tục, tập quán cổ xưa của Ý. Chưa bao giờ cho con hẹn hò, nhảy nhót mà không có ba mẹ đi kèm. Lão nhồi nhét vào đầu con gái "Đừng ngu dại mà hẹn hò nhảy nhót với lũ con trai. Những thằng đểu đó, chỉ mong chộp thời cơ, tặng con một cái bầu rồi quất ngựa truy phong ngay lập tức. Nhục lắm, con ạ. Ba mẹ chỉ có nước tự tử thôi".
Nhưng lão còn giữ gìn được bao lâu nữa? Con bé tới tuổi cập kê rồi. Mẹ nó thì ngớ ngẩn, mà lão lại sắp mua thêm hai xe tải nữa. Lão sẽ phải vừa bù đầu đếm tiền, vừa để mắt canh chừng mấy thằng giúp việc.
Piero Santini, con người nhanh nhạy thức thời, từ vận chuyển hàng hoá đổi qua nghề chở rác, khi giá cả hợp lý, lão lãnh luôn chuyên chở rượu lậu, lúc này đang ngó Gino mà tính toán trong đầu: thằng bé này thật trầm tĩnh, chăm chỉ. Nhìn thân hình cường tráng của nó xoay trở thật là nhanh nhẹn. Sức thằng này bốc dỡ một xe tải chỉ bằng nửa thời gian của cả hai thằng làm công lười biếng và thằng tài xế của lão. Sức lực của Gino phải đáng giá bằng vàng.
Khi mụ vợ mập lù của lão bắt đầu tấn công sang đống kẹo bánh mới và Gino tiến đến rót rượu thêm cho lão, lão vỗ xuống cái ghế kế bên bảo:
Ngồi xuống, nói chuyện với chú một chút nào.
Dấu hiệu đầy ưu ái này làm mọi người đều đổ dồn mắt hau háu nhìn. Ông chú họ xa lắc, ở tận Tukahoe sao lại chằm bặp thằng cháu con nhà nghèo đến vậy? Mụ Teresina Coccalitti nanh nọc huých cùi chỏ vào Lucia Santa, mụ đã hiểu ngay sự tình.
Ai cũng biết con bé Caterina nhà Santini là bông hoa Ý nở trên cái vùng đất đầy tội lỗi Mỹ này, như bông sen chẳng hôi tanh mùi bùn. Con bé là tài sản quý giá của ba mẹ nó, đảm đang nội trợ, đến sợi mì cũng tự tay làm, để nấu nướng cho ông bố những ngày chủ nhật. Nó chẳng hề phấn son, không bao giờ đụng đến đôi giày cao gót.
Lúc này mặt con bé đang đỏ hồng lên, ngực phập phồng, cúi nhìn xuống đùi nhưng không giấu nổi ai đôi mắt đầy lửa nhiệt tình của nó.
Chính Lucia Santa cũng ngạc nhiên, quý hóa gì thằng con trai mặt mũi nhọ nhem, chuyên trốn việc nhà, đi học về là lang thang phơi nắng. Bà nhoài mình cố lắng nghe xem Santini nói gì nó tiếng nhạc xập xình từ phòng ngoài vọng vào, làm bà nghe tiếng được tiếng mất.
Giọng Ý trơn tru như bôi dầu của lão Piero rỉ rả bên tai Gino:
Nào, chàng trai, cháu đang làm gì? Có dự định gì cho tương lai chưa? À, cháu vẫn còn đang đi học nhỉ?
Nhưng thằng Gino cứ trố mắt ra nhìn lão, như nó không hiểu tiếng Ý lắm. Nó chỉ mủm mỉm cười. À, lão hiểu rồi. Cu cậu được ông chú giàu có ưu ái hỏi han, đâm ra ngượng, không dám trả lời. Để làm cho nó thoải mái và tiến gần mục tiêu hơn, lão vỗ vai Gino bảo:
Con gái chú sắp chết khát rồi kìa. Lấy cho nó chai nước ngọt đi chớ. Con khát muốn chết luôn, phải không Caterina?
Con bé sợ quá, không dám cả ngước mắt lên, chỉ gật đầu.
Gino chỉ nghe loáng thoáng "nước ngọt" và thấy con bé gật đầu. Nó đứng dậy lấy nước cho Caterina. Nó coi như mọi người không hiện diện, nên chẳng quan tâm tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra. Rồi nó quay vội đi, đến nỗi không thấy ông chú lại vỗ ghế bảo nó ngồi xuống. Lão Piero ngượng chín người, nhăn mặt, nhún vai với chung quanh, như hỏi "Cái thằng ranh nghèo mạt này giở trò gì vậy? Không biết lễ phép là gì sao?"
Mọi người đều tội nghiệp ông chú giàu có và con bé đang dí cái mũi đỏ lòm vào chai nước ngọt.
Lucia hầm hầm tức giận vì thái độ mất dạy của thằng con. Ai chẳng biết nó hâm hâm giống bố. Đây có phải là một triệu chứng nó cũng sẽ điên điên khùng khùng như ba nó không?
Chấm dứt màn hài kịch này là khi người đẹp Angelina xuất hiện chào tạm biệt và một lần nữa gây sốc bằng màn chinh phục thứ hai. Từ lúc bước chân vào nhà, thằng Gino hầu như không thèm nhìn, không thèm quan tâm tới nó. Và để thách thức những ánh mắt tỏ vẻ khó chịu vì màn trình diễn của nó, Angelina ôm cánh tay Gino, quay lại bà chủ nhà:
Ôi! Các con bác đẹp trai quá!
Thằng Gino bàng hoàng cả người, con bạn của chị nó thơm phưng phức, thịt da ấm áp, cặp môi mọng đỏ như mời gọi. Nó đờ đẫn đứng thộn mặt ra. Khi Angelina hỏi đến cái áo choàng của nó, các chàng nháo nhào vào vai hiệp sĩ, tranh nhau đi lấy áo và tình nguyện đưa nàng về. Nhưng con bé nhỏ nhẹ nói:
Thôi, để Gino đưa em ra ga được rồi…cậu ấy còn nhỏ…đỡ rách việc.
Vì tất cả các phòng, giường, bàn đều đã bày la liệt bánh kẹo, nên phải nhờ căn hộ tầng dưới của vợ chồng Larry làm nơi giữ mũ áo cho khách, Angelina khoác tay Gino đi xuống. Lucia định sai Vincenzo đi cùng hai đứa, nhưng bà nghĩ Gino cũng đã lớn rồi, cho nó biết mùi con gái một tí, chẳng mất mát gì.
Bác sĩ Barbato cũng đến chung vui, ăn miếng bánh, uống chút rượu và nhảy với cô dâu. Thấy bà chủ nhà đang được vây quanh, trông cứ như bà hoàng, hắn tiến lại chào hỏi và bỏ bao thư mừng vào cái túi lụa. Hắn bực mình vì được tiếp đón, chào hỏi chẳng đậm đà tí nào. Đúng như bố hắn thường bảo "Đừng bao giờ mong chờ lòng biết ơn của đám nhà quê chân đất".
Tuy vậy sau vài ly rượu, lòng dạ bác sĩ có vẻ độ lượng hơn. Chẳng chút cảm tình, cũng không muốn tìm hiểu thì hắn cũng quá rõ những con người này. Làm sao một người như Lucia Santa đáp đền ân nghĩa vbtc những người đã thi ân cho mụ? Quỳ tạ gãy gối cũng không hết ơn. Với mụ, ân oán đều do số phận. Mụ chẳng trách ai khi gặp bất hạnh, cũng chẳng quan tâm nhiều đến những việc làm từ thiện của bác sĩ Barbato.
Hắn từng nhiều lần chữa bệnh cho đám Ý già này, một số họ từng qua thời thơ ấu với bố hắn ở quê nhà, vậy mà họ đối xử với hắn lạnh lùng, xa cách. Dường như chúng coi hắn như một tên cho vay cắt cổ hay một thằng cha làm nghề mai táng. Ồ, hắn quá rõ đàng sau những lời ngọt ngào, kính trọng "Dạ thưa bác sĩ thế này, thưa bác sĩ thế kia", họ đã nghĩ gì về hắn. Họ cho rằng hắn kiếm ăn trên nỗi bất hạnh, đau đớn của họ. Hắn xuất hiện chỉ khi họ khiếp đảm về cái chết và hắn thì đòi tiền mới ra tay cứu giúp. Họ ngô nghê cho rằng nghề lương y cứu nhân độ thế chẳng thể là chuyện bán mua. Nhưng ai trả tiền cho những năm dài học hết trung học rồi đại học. Trong khi hắn căng thẳng thần kinh vì sách vở suốt đêm ngày thì cái đám thô lỗ ngu đần này vùi đầu vào bài bạc. Được, các người cứ việc căm ghét ta, cứ đến nhà thương thí đi, cứ chầu chực suốt ngày như đám trâu bò, rồi chết dấm dúi trong cái nhà thương khốn khổ đó. Còn hắn, hắn sẽ mở phòng mạch ở Long Island, nơi những bệnh nhân giàu có, biết chân giá trị của hắn để họ tranh nhau mà đổ tiền vào két bác sĩ Barbato. Để chứng tỏ hắn không thèm chấp thái độ cư xử của đám dân nghèo, Barbato mỉm cười nói lời từ biệt bằng một thứ tiếng Ý đầy trí thức. Và tất cả đều cảm thấy nhẹ người khi ông bác sĩ ra về.
Trong khi tiệc tùng tiếp tục, Angelina và Gino lục tung đống áo trong phòng Larry để tìm áo choàng của Angelina. Lucia Santa quá lo xa, thật ra con bé không đến nỗi táo tợn như vẻ ngoài của nó. Còn Gino thì lại quá ngây thơ. Trước khi đi, Angelina ghé cặp môi thoa son đỏ chót, ban cho thằng bé một cái hôn dài và chỉ khẽ ép thân thể vào mình nó, đủ để Gino đêm về mơ mộng.
Quả thật đám cưới của Octavia là một đám cưới tốt đẹp nhất trong khu phố, làm vẻ vang cho gia đình Angeluzzi-Corbo, Lucia Santa rất hãnh diện. Thừa thắng xông lên, bà quyết định mời gia đình Piero Santini đến ăn trưa chủ nhật. Như vậy, Gino mới có thể đưa con bé Caterina đi tham quan thành phố, vì gia đình Santini ở tận vùng rừng xa xôi, Tuckahoe.
Một con người như lão Piero Santini, có tới bốn xe hợp đồng chuyển rác cho thành phố, lẽ nào giận hờn chuyện trẻ con nên đã nhận lời đến ăn nhà Lucia Santa ngay chủ nhật sau đám cưới.
Sáng chủ nhật, Lucia đánh phủ đầu thằng Gino làm vỡ cả một cái thìa gỗ và dặn nó khôn hồn thì hôm nay phải ở nhà, không được đi đánh bóng. Rồi bà tự tay trộn bột làm mì. Dầu trộn rau là thứ dầu ô liu nguyên chất của bà chị từ quê nhà gửi cho.
Gino trong bộ vét màu xám, Caterina áo váy đỏ. Hai đứa ngồi sát bên nhau. Vincenzo lấy lòng thím Santini bằng cách bói bài. Trong khi Sal và Lena dọn bàn, rửa bát, lăng xăng như mấy chú lùn. Sau cùng, theo đúng bài bản mẹ đã cố vấn, Gino hỏi Caterina có muốn đi xem phim không. Con bé khép nép nhìn ông bố chờ lệnh.
Vụ này làm lão Santini cảm thấy khiếp đảm, như những khi mấy cái xe tải của lão vận chuyển rượu lậu mãi chẳng thấy về. Nhưng biết sao bây giờ đây là nước Mỹ mà. Lão cố gắng gật đầu nhưng vẫn phải dặn đi dặn lại:
không được về muốn quá đấy nhé. Mai phải làm việc rồi, hiểu chưa?
Nhìn hai đứa ra khỏi nhà, mặt Lucia tươi roi rói. Bà luôn tay tách hạt dẻ cho Sal và Lena, rót rượu cho lão Santini và đặt đĩa kem đầy có ngọn trước mặt vợ lão. Vợ chồng Larry-Louisa cũng lên tham dự chầu cà phê bốc khói, thơm lừng mùi rượu hồi. Ông khách và bà chủ nhà đều trao đổi những cái nhìn hài lòng ra mặt. Bây giờ mới là họ xa, chẳng bao lâu nữa hai nhà càng thêm gần gũi. Câu chuyện trở nên sôi nổi thân mật hẳn lên. Nhưng chưa đầy một tiếng đồng hồ, đã nghe tiếng giày Caterina lách cách lên thang. Mặt mũi con bé lem nhem nước mắt, nó ngồi phịch xuống ghế, chẳng nói năng gì. Tất cả đều ngỡ ngàng, sửng sốt. Lão Santini lẩm bẩm rủa. Bà chủ nhà chắp tay kêu trời. Chuyện gì đây? Thằng súc sinh hãm hiếp con bé ngoài đường hay trong rạp? hay nó đưa con bé lên mái nhà? Chúa ôi! Chuyện gì xảy ra đây? Hỏi mãi con bé mới thì thầm, nhỏ nhẻ là nó thây kệ thằng Gino ngồi một mình mà chăm chăm xem cái phim chán phèo, nó không thích, chớ chẳng có chuyện gì hết.
Nhưng chẳng ai tin chuyện chỉ có vậy. Tuổi trẻ bây giờ bướng bỉnh, ghê gớm thật. Nhưng vì sao Caterina phải che giấu sự thật chớ? Cuối cùng thì nhà Santini cũng đành phải chưng hửng ra về.
Từ bà mẹ, vợ chồng Larry, đến Sal và Lena, mặt hầm hầm ngồi quanh bàn như những quan toà, chờ tên tội phạm. Sau bốn giờ ngồi trong rạp, bụng cồn cào vì đói, thằng Gino nhảy lên cầu thang và nhào vào nhà. Nhưng nó suýt trượt ngã, vì khựng lại khi bắt gặp bấy nhiêu đôi mắt đổ dồn vào nó.
Bà mẹ đứng vụt dậy, nhưng lại lưỡng lự. Giận thật, nhưng biết nó có tội gì không?
Súc sinh, mày đã làm gì con bé trong rạp thế?
Gino mở to mắt ngạc nhiên:
Có gì đâu.
Nó hồn nhiên tới nỗi bà tin rằng thằng này điên thật rồi, chẳng biết phải trái là gì nữa.
Cố bình tĩnh, bà kiên nhẫn hỏi:
Vậy tại sao nó lại bỏ về?
Nó bảo đi toa lét. Xách theo cả áo khoác rồi mất tăm luôn. Con đoán nó không ưa con. Mặc xác, con cứ việc xem phim. Mẹ, nếu nó không ưa gì con, mẹ và ba nó bày trò ra làm gì vậy? Cứ như con dở hơi, nó chẳng chuyện trò gì với con cả.
Larry nói đùa với mẹ:
Mẹ thấy chưa? Gặp tay con thì nhà mình có một cái xe tải rồi.
Vợ nó nhăn mũi kinh tởm. Thằng Vincent bảo Gino:
Mày ngốc thật. Con bé mê mày tít thò lò.
Mọi người cười nói, câu chuyện trở thành khôi hài. Chỉ mình Lucia Santa cảm thấy tức giận. Rõ ràng thằng Gino này điên như ba nó rồi, không đập cho nó vỡ sọ ra thì không mở mắt nó ra được.
Tự ái của thằng con trai để đâu mà nhơn nhơn thản nhiên bảo một đứa con gái không thích nó. Đối với thằng con ương ngạnh này của bà, Caterina là gì? cục cứt à? Con gái của người giàu có như thế, con người thừa sức bảo đảm tương lai, cơm áo cho nó, con bé lại dễ thương, chân dài, ngực nở như vậy mà nó chê à? Nó là cái gì? Con vua cháu chúa gì cho cam. Có là đồ ngu mới không thấy mắt con bé đắm đuối nhìn nó. Ôi, hết hy vọng gì ở thằng này rồi, nó lại khốn khổ, khốn nạn cả đời như ba nó thôi. Bà vớ cây Tackeril để đánh nó cho hả giận, nhưng thằng con bà, đúng là giống bất lương, dù vô tội cũng tung xa chạy như bay xuống cầu thang.
Vậy là lại thêm một ước mơ tan vỡ, dù nhuốm màu ngốc nghếch, khôi hài, lần đầu tiên bà cảm thấy ghét bỏ đứa con này.