Đạo Mộ Bút Ký - Trọn Bộ

Quyển 6 - Chương 1-1: Bút ký trộm mộ

Đạo mộ bút ký – Quyển 6



Tác giả:Nam Phái Tam Thúc – 南派三叔

Chuyển ngữ:Thủy Đạm Nguyệt group

Thể loại:Bí ẩn, phiêu lưu mạo hiểm, kinh dị.

Nhà xuất bản:Hữu nghị Trung Quốc, Văn nghệ thời đại, Văn hóa Thượng Hải.

Tình trạng sáng tác:Đã hoàn thành.

Tình trạng bản edit:Phần 6 chạy song song với phần 5.

Phần 6 – Âm sơn cổ lâu

Khúc dạo đầu

Editor: Yoo Chan

Beta: Thanh Du

*****

Tiết trời Hàng Châu vào tháng tám rất dễ chịu, tuy mùa hè mấy năm gần đây ngày càng nóng bức, nhưng ở cạnh Tây Hồ, bạn vẫn có thể cảm nhận được cái gọi là “Trời trong xanh nước long lanh”.

(*) Nguyên văn là “Thủy quang liễm diễm tình phương hảo”, một câu trong bài “Hồ thượng sơ tình hậu vũ” của Tô Thức.

Tôi ngả lưng trên chiếc ghế dựa trong cửa hàng, xem xét lại những việc mình thu xếp trong mấy tháng qua. Trở về từ Cách Nhĩ Mộc đã hơn ba tháng, nhưng dường như tôi vẫn chưa lấy lại được nhịp sống bình thường. Chuyện xảy ra vào phút cuối quả thực vượt quá giới hạn chịu đựng của tôi, thật không sao tưởng tượng nổi mọi việc lại kết thúc theo cái cách ấy.

Trong suốt ba tháng, tôi vẫn không tài nào thoát khỏi cơn ác mộng đó. Gần như đêm nào tôi cũng mơ, mơ thấy vô số hình ảnh mình từng trải qua.

Nhưng tôi thực sự có thể thoát ra được không? Tôi ngờ rằng những khúc mắc đọng lại trong lòng mình sẽ không hề bớt đi dù cho bí mật này đã có lời giải.

Những chuyện người ta đã liều mạng che giấu, hiển nhiên bạn đừng hòng nhìn ra được, cho nên muốn lần ra bí mật của người khác tất phải gánh vác hậu quả khi nắm nó trong tay.

Đây là những điều cuối cùng tôi ngộ ra được, thế nhưng ngay đến Muộn Du Bình còn không thoát khỏi vận mệnh này, thì tôi biết phải làm sao? Liệu có mấy người sống được cả đời với cõi lòng chất chứa hoài nghi cơ chứ?

Sau khi trở về, tôi bắt đầu ghi chép lại tất cả những chuyện đã xảy ra trong suốt một năm, bắt đầu từ cuốn bút ký của ông nội tôi cho đến hiện tại. Tôi biết rồi đến một ngày nào đó mình sẽ quên đi, giống như mặt nạ của chú Ba, mang quá lâu sẽ không gỡ xuống nổi. Thời gian có thể khiến một vài thứ đổi thay. Bây giờ, tôi chỉ mong ngày này có thể đến sớm một chút.

Trong tổng thể câu chuyện, vẫn còn rất nhiều phần tôi chưa hiểu rõ. Ví dụ như, chú Ba thật của tôi đang ở đâu? Thân phận đích thực của Muộn Du Bình? Văn Cẩm thuở nhỏ đã đến nơi nào? Chung cực rốt cuộc là gì? Di tích ngầm đồ sộ kia do ai xây nên? Nhóm người Văn Cẩm có thân phận ra sao, bọn họ rốt cuộc đang tiến hành kế hoạch gì?

Những câu hỏi này vẫn là bí ẩn trùng trùng, ban đầu luôn khiến tôi để tâm, nhưng cho đến bây giờ, xem ra cũng không còn quá quan trọng nữa.

Sau khi Muộn Du Bình trở về, chúng tôi đã đưa hắn đến bệnh viện số một của Đại học Bắc Kinh để khám toàn thân. Thân thể hắn cơ bản là vẫn bình thường, chỉ có thần trí không được tỉnh táo. Chúng tôi để hắn lại bệnh viện, tìm chuyên gia chăm sóc, nhưng đây cũng không phải kế lâu dài. Tôi đã hỏi vài người ở Trường Sa, mong hiểu được chút ít về lai lịch của Muộn Du Bình, nhờ bọn họ đi nghe ngóng giùm tôi, nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa thấy ai nhắn lại.

Bàn Tử nói mình có cách, thế mà cũng cóc thấy hồi âm, xem ra tìm hiểu câu chuyện đằng sau Muộn Du Bình là việc khó khăn hơn tôi tưởng rất nhiều. Giờ tôi chỉ biết hi vọng hắn sớm bình phục mà khai ra thông tin gì đó có ích, bằng không chúng tôi cũng chỉ còn cách nuôi hắn cả đời. Đối với hắn mà nói, đây có lẽ không phải là chuyện xấu.

Rất ít người có cơ hội quên đi mọi thứ, mà những người may mắn quên đi lại bất chấp tất cả để nhớ lại, cái vòng luẩn quẩn này thật đúng là một nghịch lý thất thường. Đứng trên góc độ cá nhân, thật ra tôi không lo hắn vĩnh viễn mất trí, mà trái lại chỉ sợ hắn nhớ ra điều gì đó nhưng mơ hồ không rõ.

Phan Tử được đưa tới bệnh viện, anh có thể sống sót quả là một kỳ tích, làm tôi cứ cảm thấy khó tin sao đó. Thật ra anh ấy bị thương cũng không nặng, chẳng mấy chốc mà bình phục.

Phía Trường Sa bây giờ đang rối tinh rối mù. Phan Tử cho tôi biết, trước kia khi lão gia nhân thân tín còn sống, những lúc ông Ba đi vắng cục diện bên kia vẫn được kiểm soát tốt. Nhưng giờ thì nguy rồi, tổ vỡ ong tan, tin đồn nhan nhản khắp nơi, anh cũng không biết phải làm sao. May mà sản nghiệp nhà chú Ba đã hao hụt khá nhiều vì đấu đá với Trần Bì A Tứ, bằng không còn khó xử lý nữa. Giờ anh chỉ còn nước đi đến đâu tính đến đó, nếu vẫn không trụ được thì đành giải tán thôi. Những năm qua anh cũng tích cóp được chút tiền, từ lâu đã không phải lo kế sinh nhai, giờ có lẽ cũng đến lúc nghỉ ngơi rồi.

Tôi bảo anh mau mau tìm một cô mà lập gia đình đi thôi, đừng bận tâm đến sản nghiệp nhà chú Ba làm gì. Chú Ba cũng đã lớn tuổi, lại không có con cái, chuyện này chẳng chóng thì chầy sẽ đến. Căn cơ tích tụ đã lâu, chỉ dựa vào chúng tôi cũng chẳng thể nào xoay chuyển được tình thế.

Phan Tử không hề phản ứng. Chú Ba sống chết còn chưa rõ, tôi nghĩ anh ấy sẽ vĩnh viễn không yên tâm, có khi còn tiếp tục tìm kiếm ấy chứ, tôi cũng đành chúc anh may mắn.

Bàn Tử tạm biệt xong lại quay về Bắc Kinh. Hắn là tên vô cảm nhất, về đến nơi vẫn mở cửa hàng buôn bán như thường. Theo như lời Phan Tử thì người này chẳng những không hề nông cạn, mà lòng dạ còn vô cùng thâm sâu, nhưng tôi thật sự không nhìn ra hắn thâm sâu chỗ nào. Trước khi đi, Bàn Tử còn nói một câu rất khuôn sáo: Non xanh còn đó nước biếc vẫn đây, hẹn ngày gặp lại. Nói nghe rất chi là xúc động, nếu tôi không đi cùng hắn bấy lâu, lại đã từng vào sinh ra tử thì thật khó mà cảm nhận được câu nói này thê lương sầu thảm đến chừng nào.

Trát Tây tạm biệt chúng tôi ở Cách Nhĩ Mộc. Nếu không nhờ anh ta, chúng tôi chắc chắn không thể thoát ra khỏi Tháp Lý Mộc, vậy nên lúc ấy chúng tôi đã tính đưa cho anh ta ít tiền. Trát Tây nói chuyện lần này coi như một trải nghiệm cho mình, có thể đưa chúng tôi sống sót trở ra cũng nhờ Bồ Tát phù hộ, anh không thể lấy tiền của chúng tôi nữa. Sau đó tôi tặng chiếc đồng hồ đeo tay của mình cho anh ấy, coi như kỷ niệm.

A Ninh đã chết, tôi tạm thời không liên lạc gì với công ty của Cầu Đức Khảo. Mấy e-mail viết cho người quen đều bị gửi trả về, chẳng biết bọn họ có còn muốn tiếp tục nữa không. Nhưng dù sao đi chăng nữa, sau lần thất bại này, lão quỷ kia chắc cũng hết dám mơ hão rồi. Còn nếu lão cứ tiếp tục chấp nhất thì cũng chỉ còn biết tự cầu phúc cho mình.

Cát bụi lại về với cát bụi, cuộc sống của mọi người dường như đều quay về quỹ đạo bình thường. Khi đó tôi mới trở lại Hàng Châu, tiếp tục cuộc sống cậu ấm an nhàn sáng chín giờ mở cửa chiều năm giờ tan ca của mình, ngồi vào ghế mây đánh một giấc, tỉnh rồi lại chán ngán giở cuốn bút ký của ông nội ra, chợt cảm thấy thời gian chảy ngược, chớp mắt đã qua mấy đời.

Trang Chu mơ hóa bướm, tỉnh giấc rồi lại không biết mình là người mơ hóa bướm hay bướm mơ hóa người. Trước nghe kể cứ thấy mơ hồ, mà giờ đây tôi bỗng dưng hiểu được cảm giác của ông ấy. Chỉ cảm thấy mọi chuyện xảy ra trong suốt một năm ròng giống như mộng ảo, xẹt qua rất nhanh, lại cảm thấy dường như mình vẫn còn trong ao rắn. Sự bình thản lúc này, không chừng chính là dự cảm của tôi trước cái chết.

Dù sao đi chăng nữa, tôi đều muốn vui vẻ chấp nhận. Có đôi khi, dấu chấm hết của một sự kiện còn khiến người ta mong chờ hơn kết quả của nó.

Nhưng sâu tận đáy lòng tôi hiểu rất rõ, chuyện này nếu nói đã chấm dứt thì e là quá sớm.