Thuận gió nên tàu chúng tôi đi nhanh về phía bắc. Chúng tôi có thể cho tàu thẳng đến bến tàu phía bắc, nhưng vì không nghĩ được cách làm thế nào bỏ neo và cho tàu đỗ trước lúc nước ròng, nên chúng tôi phải dừng lại đợi. Lão Han bày cho tôi cách làm cho tàu đứng lại. Tôi làm mãi mới được. Xong, tôi với lão ngồi đối mặt nhau ăn bánh, không ai nói với ai một lời. Sau cùng lão nói, trên môi vẫn giữ cái lối cười đáng ngờ ấy:
-Thưa thuyền trưởng, tôi muốn ông vứt giùm cái xác của tên kia xuống biển. Để thế, trông nó không tiện! Tôi bảo:
-Sức tôi không làm được việc ấy. Cứ để hắn nằm đấy cũng được, chẳng can hệ gì. Lão Han vừa nháy mắt vừa nói:
-Chiếc tàu này là một tai họa. Cậu Dim này! Từ lúc tôi với cậu bước xuống chiếc tàu này ở bến Brít-tôn, kể ra đã có bao người toi mạng! Tôi chưa bao giờ thấy cảnh bi đát như thế. Còn cái tên kia, nó chết thẳng cẳng rồi! Tôi thì không được học hành thông thái như cậu. Vậy cậu cho biết một người đã chết là chết hẳn, hay nó còn sống lại ở một nơi khác? Tôi đáp bâng quơ:
-Biết đâu đấy! Biết đâu cái hồn của tên kia nó chẳng đương nhìn ông đấy! Lão nói:
-Chao ôi! Nếu vậy thì giết người chỉ thêm nhọc xác, vì hồn nó vẫn sống mà! Nhưng tôi cho cái hồn cũng không đáng sợ... Tuy vậy, cậu nói rất phải. Bây giờ tôi nhờ cậu giúp cho một việc. Tôi nhờ cậu xuống dưới phòng, lấy cho tôi một thứ... một thứ... Chà! Rõ bực mình! Định nhờ một việc lại nhớ ra một việc khác. Cậu làm ơn lấy cho tôi ít rượu vang, chứ cái thứ rượu mạnh này đã làm tôi váng óc lên rồi! Lão nói ấp úng, không được tự nhiên lắm. Lão bảo lão thích rượu vang hơn rượu mạnh, lại càng không thể tin được. Chẳng qua lão chỉ kiếm cớ thôi! Rõ ràng lão muốn cho tôi đi nơi khác, đừng ở trên boong tàu. Nhưng để làm gì? Tôi cố đoán nhưng vẫn chưa hiểu được... Cặp mắt lão cứ tránh mắt tôi. Lúc nào lão cũng nhìn quanh nhìn quẩn, hết chỗ nọ đến chỗ kia. Khi thì lão nhìn lên trời, lúc lão lại nhìn xuống xác tên đồng bọn. Lúc nào lão cũng cố gượng cười như muốn che giấu một điều gì bối rối trong lòng. Dù cho là một đứa trẻ con khờ khạo đến đâu, tôi cũng biết được lão đương tính toán ngầm, tìm mưu kế để hại tôi. Tuy vậy, tôi vẫn cứ tảng lờ như không biết. Vì tôi ở vào cái thế mạnh của tôi lúc bấy giờ. Vả lại, với một kẻ ngờ nghệch như lão, tôi có thể che giấu dễ dàng không cho lão biết là tôi ngờ vực. Với thái độ thản nhiên, tôi hỏi lão ta:
-Rượu vang à? Cũng tốt đấy. Rượu trắng hay rượu đỏ? Thích thứ nào? Lão đáp:
-Thứ nào cũng được! Đỏ hay trắng, với tôi cũng chỉ là một. Miễn sao cứ cho thứ ngon và nhiều vào... Tôi nói:
-Thôi được, tôi sẽ mang lên cho ông một chai. Nhưng phải lâu lâu tí đấy. Tôi còn phải tìm. Nói xong tôi bước xuống cầu thang, nện mạnh gót giày thật ầm ĩ, rồi tôi cởi giày, cứ chân không chạy vào đường hầm, trèo lên cầu thang đằng mũi, rồi thò đầu lên chỗ lái. Tôi biết lão ta không ngờ tôi rình lão ở chỗ đó, nhưng tôi cũng hết sức thận trọng. Và rõ ràng những điều ngờ vực của tôi lúc nãy đối với lão thật quả là đúng...
Tôi thấy lão gắng gượng bò bê, cố cắn răng nhịn đau. Cứ mỗi một cử động là mặt lão nhăn như bị. Nhưng lão vẫn cứ cố bò nhanh qua boong tàu. Chưa đầy một phút lão đã bò đến gần những lỗ thông nước trên sàn. Lão thò tay vào một cuộn dây, móc ra một con dao nhọn, máu dính bê bết tận chuôi. Lão ngắm con dao một lúc, nghiến răng mím lợi, gại mũi dao vào tay xem có còn sắc nhọn không, rồi vội vàng thủ vào trong áo; xong lão vội bò về ngồi chỗ cũ. Như vậy là lão Han đã có thể bò đi nơi này nơi nọ; bây giờ lão lại có khí giới trong tay. Lão phải bỏ công lừa tôi đi khỏi để lão làm việc này. Không nói thì cũng biết lão âm mưu định khử tôi. Nhưng giết tôi xong thì lão sẽ làm những gì? Lão có ý định cố bò lê từ bến phía bắc qua cả vũng lầy để về chỗ trại của bọn chúng không? Hay là lão sẽ bắn đại bác để báo tin cho đồng bọn đến cứu? Dù có đoán giỏi đến đâu cũng đành chịu. Tuy vậy, tôi có thể còn tin cậy ở lão được một điểm, vì điểm này có lợi chung cho cả hai người: ấy là phải bẻ lái cho tàu chạy. Lão và tôi đều muốn cho tàu đỗ vào một nơi kín gió và chắc chắn, để rồi khi cần, có thể đưa tàu ra cho chạy mà không phải khó khăn nguy hiểm. Từ đây cho đến lúc ấy, tính mạng tôi còn có thể an toàn được. Tôi vừa đi vừa suy nghĩ. Tôi chạy về phòng, đi giày vào, sờ vào chỗ để rượu, vớ đại lấy một chai rượu vang. Xong đâu đấy tôi xách rượu lên boong. Tôi thấy lão Han vẫn ngồi gục đầu như cũ, mắt nhắm nghiền, làm như lão yếu quá, không đủ sức chịu nổi ánh sáng mặt trời. Lão mở choàng mắt ra nhìn rồi rút cuộn thuốc lá trong túi ra, nhờ tôi cắt cho lão một mẩu. Lão bảo:
-Nhờ cậu làm ơn cắt hộ cho tôi một mẩu thuốc, tôi không có dao. Mà dù cho có dao, tôi cũng không còn đủ sức mà cắt... Chà! Cậu Dim ơi! Không khéo tôi sẽ không thấy lại được mặt biển đây! Cậu cắt hộ cho tôi mẩu thuốc. Không dám phiền cậu nhiều đâu. Chỉ một lần này nữa thôi. Rồi tôi sẽ về với ông bà ông vải tôi. Tôi đã thấy mình sắp gần đất xa trời rồi, không sai đâu! Tôi bảo lão:
-Được! Để đấy tôi cắt cho. Nhưng nếu tôi mà như ông, nếu đã thấy mình khó sống, thì tôi sẽ ăn năn sám hối. Lão hỏi:
-Tại sao thế? Cậu hãy bảo tôi xem tại sao đã nào! Tôi nói to:
-Tại sao à? Thì ông đã tự lừa dối lương tâm ông, ông đã gây ra bao tội ác, ông đã bội phản, ông đã giết người. ông còn hỏi tại sao nữa à? ông hãy ăn năn sám hối đi để mà chuộc tội với Thượng đế. Tôi vừa nói với một giọng hào hứng đầy nhiệt tình, vừa nghĩ đến con dao vấy máu hắn đang giấu trong áo để định chọc tiết tôi. Còn lão, lão vẫn điềm nhiên tợp từng ngụm rượu, rồi nói với một vẻ trịnh trọng khác thường:
-Đời tôi đã trải qua nhiều năm trời lênh đênh trên mặt biển, tai đã từng nghe bao điều thiện, ác, hay, dở..., mắt đã từng trông thấy lúc trời quang mây tạnh, bão táp mưa sa... Vậy tôi xin nói thật với cậu: làm điều thiện chẳng được chút lợi lộc gì! Theo ý tôi, cứ nhanh tay giết trước chúng đi là tốt: những kẻ đã chết không làm hại ai được nữa! Đến đây lão đổi giọng:
-Thôi! Đừng nói nhảm với nhau mãi nữa. Con nước đã lên kia. Vậy ông thuyền trưởng, ông hãy theo lệnh tôi đây. Chúng ta cứ cho tàu đi thẳng một mạch cho xong việc. Thực ra thì chỉ còn hai dặm nữa là đến bến. Nhưng quãng đường này rất khó đi. Đường vào bến vừa hẹp vừa cạn. Gió xoay đủ chiều. Phải khéo tay lái lắm mới vào được.
Tôi dám nói tôi là một tay giúp việc đắc lực, và lão Han là một tay thủy thủ thạo nghề. Qua khỏi cửa sông là đất liền bọc ba bên bốn bề. Lão Han nhìn ra chung quanh, bảo:
-Nơi này xinh đẹp, lại vắng lặng, nên cho tàu vào. Tôi hỏi:
-Khi vào có thể bình yên, nhưng khi ra thì làm thế nào? Lão giảng giải:
-Cậu cứ mang dây cột vào gốc thông kia, một đầu dây khác thì cho vào trục. Đợi nước lên, ta xô vào kéo, tàu sẽ từ từ lùi ra. Thôi! Bây giờ coi chừng đấy! Đã gần đến rồi! Đừng đi nhanh quá! Về bên phải một tí! Thế, được rồi! Về bên phải! Nhè nhẹ chứ! Bây giờ lượn về bên trái, khe khẽ chứ!
Tôi đang chú ý lái tàu nên không lưu tâm đến lão Han như trước. Tôi sung sướng nhìn tàu rẽ nước tiến vào bến nên quên hẳn sự nguy hiểm đang rình ở bên mình. Có lẽ vì tôi nghe thấy tiếng động hay tôi thấy thấp thoáng bóng người; hay có lẽ vì bản năng tự vệ, tự nhiên tôi quay đầu lại: lão Han đang bò lại gần tôi, tay phải cầm lăm lăm con dao nhọn. Khi hai luồng mắt giao nhau, cả hai đều rú lên một tiếng. Tôi rú lên vì sợ hãi, còn lão rú lên vì sắp vồ được mồi. Tôi vội né sang một bên, tràn tới trước. Tôi bỏ tay lái ra, thanh gỗ bật mạnh lại, đánh vào giữa ngực lão làm lão dừng hẳn lại. Khi lão định trí lại thì tôi đã thoát ra khỏi chỗ lão dồn tôi. Và bây giờ, tôi có thể chạy khắp boong tàu để tránh lão. Tôi dừng lại ở trước cột cái, lấy khẩu súng lục trong túi ra. Tuy lão đương tiến lại gần, tôi vẫn bình tĩnh thong thả ngắm, rồi bóp cò. Cò mổ xuống nhưng không có tiếng nổ, nước biển đã làm ướt mất bùi nhùi! Tôi tự mắng tôi về sự cẩu thả ấy. Tại sao tôi không lo lắp đạn từ trước? Nếu tôi biết lo trước thì có đâu đến nỗi bây giờ phải để cho lão Han đuổi tôi như mèo đuổi chuột! Tuy đã bị thương nhưng lão còn nhanh nhẹn, tóc lão màu tro rơi lòa xòa trên mặt, mặt lão đỏ tía lên vì vội vì tức. Tôi không kịp thử khẩu súng thứ hai của tôi, nhưng biết trước là vô ích. Có một điều là tôi không nên để cho lão đuổi mãi rồi bị dồn vào chỗ bí như lúc nãy. Đến lúc lão tóm được thì chỉ vài nhát dao là xong chuyện!
Tôi chống tay vào cột cái, đứng chờ lão đến. Thấy tôi định lẩn trốn, lão dừng lại, đứng rình tôi một lúc. Còn tôi, tôi vẫn thập thò định chạy. Thật không khác gì cái trò hú tim tôi vẫn chơi khi xưa, có điều chưa bao giờ ngực tôi phập phồng đến thế! Nhưng lúc này quả là một trò chơi trẻ con mà tôi nắm chắc phần thắng, vì lão Han đã bị thương nặng. Giữa lúc tôi đang nghĩ như vậy thì con tàu đâm sầm vào bãi cát, lật về một bên, làm mặt boong nghiêng hẳn, nước ùa cả về bên cạnh bao lơn. Tôi và lão Han xô vào nhau và cùng ngã lăn chiêng xuống cạnh những lỗ tháo nước trên tàu. Xác tên giặc mũ đỏ cũng lăn tuột vào chỗ đó. Tôi ngã lăn vào lão Han, đầu đập mạnh vào chân lão. Tuy đau điếng người, nhưng tôi đã nhanh chân đứng dậy trước, vì lão còn vướng cái thây ma. Rồi phải tìm ngay ra cách khác để tháo thân. Nhanh như chớp, tôi bám vào dây buồm phía sau, leo thoăn thoắt lên không kịp thở. Khi đã ngồi đàng hoàng trên cột ngang rồi, tôi mới thở dốc. Nhờ nhanh chân nên tôi đã thoát chết. Khi lão Han vừa vung dao lên, tôi đã leo vọt lên cao rồi. Con dao cắm phập ngay sát dưới chân tôi. Lão ở dưới trông lên, mồm há hốc, mặt ngây đờ như một pho tượng gỗ. Bây giờ có thì giờ, tôi liền thay luôn đạn trong súng lục. Muốn chắc chắn hơn, tôi thay cả đạn cho khẩu kia. Thấy tôi làm như vậy, lão Han cuống cuồng lên. Lão biết sắp sửa thất thế đến nơi; lão chần chừ một chút rồi cố gắng bám vào dây buồm. Mồm lão ngậm ngang con dao, tay lão lần lên chậm chạp, coi bộ rất khó nhọc. Thỉnh thoảng, vết thương bị đau nhói làm lão bật lên một tiếng rên. Khi lão leo lên được một phần ba đường dây thì tôi đã nạp đạn xong vào hai khẩu súng. Tôi cầm mỗi tay một khẩu súng rồi bảo lão:
-Này ông Han! Nếu ông còn nhích lên một bước nữa, tôi sẽ cho ông một phát vỡ sọ! Rồi tôi nói thêm, vừa nói vừa cười gằn:
-ông cũng biết đấy! Kẻ đã chết không làm hại được ai đâu! Lão dừng lại, không dám leo nữa. Trông mặt lão cũng biết rằng lão đương suy nghĩ lung lắm. Nhưng lão nghĩ ngợi lâu quá, đến nỗi tôi phải bật cười. Cuối cùng, lão bỏ con dao ngậm trong mồm ra, nuốt nước bọt nhiều lần, rồi bắt đầu nói. Trong lúc nói, nét mặt lão vẫn có cái gì như lưỡng lự băn khoăn:
-Cậu Dim! Tôi nghĩ rằng tôi với cậu, hai người đều gặp sự chẳng may! Tốt hơn hết là nên làm lành với nhau. Nếu tàu không nghiêng, tôi đã tóm được cậu. Nhưng rủi cho tôi quá! Bây giờ tôi đành phải chịu thua cậu vậy! Nhưng cậu hiểu cho. Một tay lão luyện già đời như tôi mà phải thua một đứa bé miệng còn hơi sữa như cậu, kể cũng nhục nhã! Nghe lão nói, tôi thấy khoái cả người. Tôi đang dương dương tự đắc như con gà chọi thì thốt nhiên, tôi thấy lão đưa tay về sau. Một vật gì lao vút đến như mũi tên xé gió. Tôi thấy đau nhói ở vai mình. Trong lúc thất thần ấy, và không định tâm một chút nào, hai khẩu súng trong tay tôi bỗng nổ cùng một lúc và đều rơi xuống cả! Không những chỉ có súng rơi mà tôi thấy cả lão Han cũng rú lên một tiếng, rồi buông tay, ngã lộn đầu xuống nước.