Đàn Ông Đến Từ Sao Hoả - Đàn Bà Đến Từ Sao Kim

9. Làm thế nào để tránh những bất đồng

Một trong những thách thức khó nhất trong quan hệ tình cảm là việc phải giải quyết những khác biệt và bất đồng. Thường khi những cặp vợ chồng bất đồng, các cuộc tranh luận của họ cứ dần dần biết thành những cuộc tranh cãi và không biết chừng chúng sẽ trở thành những cuộc xung đột. Ngay lập tức, họ ngừng nói với nhau bằng một thái độ thương yêu và bắt đầu làm tổn thương nhau: khiến trách, phàn nàn, buộc tội, đòi hỏi, bực tức và nghi ngờ lẫn nhau.

Đàn ông và đàn bà cãi nhau theo cách này không chỉ làm tổn thương cảm xúc mà cả mối quan hệ của họ. Trong khi giao tiếp là yếu tố quan trọng nhất trong một mối quan hệ thì những cuộc tranh luận có thể là yếu tố gây tổn thương nghiêm trọng nhất bởi vì chúng ta càng ở gần nhau thì càng dễ bị tổn thương hay càng dễ dàng làm tổn thương nhau.

Trong khi giao tiếp là yếu tố quan trọng nhất trong một mối quan hệ thì những cuộc tranh luận có thể là yếu tố gây tổn thương nghiêm trọng nhất.

Trên thực tế, tôi cam đoan mạnh mẽ rằng những cặp vợ chồng không nên tranh luận. Khi hai người không dính líu đến vấn đề tình dục thì thật dễ dàng có được sự vô tư và khách quan khi tranh luận cũng như khi thảo luận. Nhưng những cặp vợ chồng có quan hệ về tình cảm và tình dục thì khi cãi nhau họ dễ cho rằng mọi điều đang chĩa vào mình.

Đây là một chỉ dẫn cơ bản: Đừng bao giờ cãi nhau. Thay vào đó, hãy bàn bạc nên tán thành hay phản đối điều gì. Hãy dàn xếp những gì bạn muốn mà không cần tranh cãi. Chúng ta có thể thành thật, cởi mở và thậm chí bày tỏ cả những cảm giác tiêu cực mà không cần phải cãi nhau hay đánh lộn với nhau.

Một cặp vợ chồng cãi nhau suốt cả ngày thì dần dần tình yêu của họ sẽ chết, trên một đối cực khác, có những cặp vợ chồng nén lại chuyện tình cảm thật để tránh không tranh cãi và xung đột với nhau. Kết quả của việc kìm nén tình cảm chân thật là họ không còn cảm nhận được tình cảm yêu thương. Có cặp vợ chồng xảy ra chiến tranh nóng, có những cặp vợ chồng xảy ra chiến tranh lạnh.

Điều tốt nhất cho một cặp vợ chồng là tìm thấy sự cân bằng giữa hai cực trên. Hãy nhớ rằng chúng ta đến từ những hành tinh khác nhau và theo đó phát triển những kỹ năng giao tiếp tốt khác nhau. Chúng ta có thể tránh được những tranh cãi mà không cần kìm nén những cảm giác tiêu cực, những mong mỏi và những ý tưởng trái ngược nhau.

ĐIỀU GÌ SẼ XẢY RA KHI CHÚNG TA TRANH LUẬN?

Việc không hiểu đàn ông và đàn bà khác nhau như thế nào sẽ dẫn đến những cuộc tranh luận làm tổn thương cho người bạn đời của chúng ta mà còn cho chúng chính ta. Điều bí mật để tránh những cuộc tranh cãi chính là tình yêu và cách giao tiếp đúng mực.

Những bất đồng và những khác biệt không gây tổn thương nhiều bằng cách chúng ta biểu đạt chúng. Nói một cách lý tưởng thì một cuộc tranh cãi không phải là có hại, thay vào đó nó có thể là một cuộc đàm thoại hấp dẫn có thể biểu đạt được những khác biệt cũng như những bất đồng của chúng ta (chắc chắn rằng tất cả các cặp vợ chồng đều đôi khi có bất đồng cũng như sự khác biệt). Trên thực tế mà nói, hầu hết những cặp vợ chồng bắt đầu tranh cãi về một điều gì đó và trong vòng 5 phút, họ sẽ tranh cãi về chính cái cách mà họ đang tranh cãi.

Họ không hay biết là đã bắt đầu tổn thương lẫn nhau. Những gì xảy ra có thể là một cuộc tranh cãi vô hại và sẽ dễ dàng giải quyết nếu có sự hiểu biết và chấp nhận những khác biệt của nhau, còn không thì nó sẽ leo thang thành một cuộc chiến. Họ không chấp nhận cũng như không thấu hiểu quan điểm của người bạn đời chính vì cách tiếp cận của họ.

Việc giải quyết một cuộc tranh cãi phụ thuộc vào việc kéo dài hay rộng mở quan điểm của chúng ta để đưa thêm vào và thống nhất với quan điểm của người khác. Để có được sự rộng lượng này, chúng ta cần cảm thấy mình được thông cảm cũng như tôn trọng. Nếu người bạn đời của chúng ta có thái độ không hay thì chính lòng tự trọng của chúng ta bị xúc phạm vì thái độ của họ.

Hầu hết những cặp vợ chồng bắt đầu tranh cãi về một điều gì đó thì trong vòng 5 phút, họ sẽ tranh cãi về chính cái cách mà họ đang tranh cãi.

Chúng ta càng thân thiết với ai bao nhiêu thì càng khó vô tư để nghe quan điểm của họ mà không phản ứng gì với những cảm giác tiêu cực của họ bấy nhiêu. Để bảo vệ bản thân chúng ta khỏi cảm giác thiếu tôn trọng hay không tán thành của họ, những lời biện hộ thiếu suy nghĩ được đưa ra để phản đối quan điểm của họ. Dù chúng ta đồng ý với quan điểm của họ, chúng ta vẫn có thể ương ngạnh khăng khăng tranh cãi với họ.

TẠI SAO NHỮNG TRANH LUẬN LẠI GÂY TỔN THƯƠNG

Đó không phải là việc chúng ta nói cái gì mà là chúng ta nói như thế nào. Khá phổ biến khi người đàn ông cảm thấy bị thách thức thì sự chú ý của anh ta tập trung vào lẽ phải và không nhớ tới cảm giác yêu thương. Như một cách tự nhiên, khả năng giao tiếp của anh ta bằng một giọng nói quan tâm, tôn trọng sẽ giảm. Anh ta không ý thức được cả về sự không quan tâm của mình cũng như không biết được điều này sẽ gây tổn thương cho người bạn đời như thế nào. Vào những lúc như thế, một sự bất đồng giản đơn có vẻ giống như một cuộc tấn công đối với người đàn bà, một lời yêu cầu trở thành một mệnh lệnh. Theo tự nhiên, người đàn bà cảm thấy không thể chịu đựng được cách tiếp cận không tình cảm đó ngay cả khi cô ấy tiếp thu nội dung anh ta nói.

Một người đàn ông không hay biết đã gây tổn thương cho người bạn đời bằng cách nói rất thờ ơ và sau đó lại giải thích tại sao cô ấy không nên cảm thấy khó chịu. Anh ta đã sai lầm khi cho rằng cô ấy đang phản đối quan điểm của mình trong khi thực tế chính cách nói không thiện cảm của anh ta là những gì gây khó chịu cho cô ấy. Bởi vì anh ta không hiểu được phản ứng của cô ta, anh ta tập trung vào việc giải thích giá trị của những gì anh ta nói thay cho việc sửa lại cái cách anh ta đang nói.

Người đàn ông không biết rằng mình đang khởi đầu một cuộc tranh luận, anh ta lại nghĩ người đàn bà đang tranh luận với anh. Anh ta bảo vệ quan điểm của mình trong khi đó người đàn bà bảo vệ chính bản thân mình chống lại những diễn đạt sắc bén của người đàn ông – chính điều đó mới gây ra tổn thương cho cô.

Khi một người đàn ông thờ ơ với tình cảm bị tổn thương của người đàn bà, anh ta làm cho chúng không còn giá trị và vì thế, càng làm tăng thêm sự tổn thương trong lòng cô ấy. Anh ta khó mà hiểu được sự tổn thương của cô ấy bởi vì anh ta không bị tổn thương bởi những giọng điệu cũng như những lời phê phán. Do đó, một người đàn ông thậm chí không thể nhận ra được mình đã gây ra cho người bạn đời bao nhiêu lần tổn thương và vì vậy đã tạo ra sự phản kháng của cô ấy.

Tương tự như vậy, đàn bà cũng không nhận ra được cái cách mà họ gây đau đớn cho người đàn ông, khi người đàn bà cảm thấy bị thách thức, giọng nói của cô ta sẽ tự động trở nên ít tin tưởng và đầy phản kháng. Loại phản ứng này gây tổn thương đối với người đàn ông, nhất là khi anh ta có liên quan chặt chẽ về mặt tình cảm.

Đàn bà bắt đầu phát triển những cuộc tranh luận bằng việc đầu tiên là chia sẽ những cảm giác tiêu cực về cách cư xử của người bạn đời, và sau đó là đưa ra lời khuyên không được mong đợi. Khi một người đàn bà thờ ơ về cách truyền đạt những cảm giác tiêu cực của mình qua sự tin tưởng và chấp nhận thì người đàn ông sẽ đáp trả lại một cách tiêu cực, để mặc cô ấy trong sự bối rối. Cô ấy không biết sự hoài nghi của mình đã làm tổn thương cho anh ấy như thế nào.

Để tránh tranh cãi, chúng ta cần nhớ rằng người bạn đời của chúng ta phản đối không phải những gì chúng ta đang nói mà phản đối cách chúng ta nói về nó. Cần hai người để tranh luận nhưng chỉ cần một người để ngừng một cuộc tranh luận là ngăn chặn nó ngay từ khi bắt đầu. Hãy chịu trách nhiệm về ý thức khi một sự bất đồng dần trở thành một cuộc tranh cãi. Hãy ngừng nói chuyện và có chút thời gian thư giãn. Hãy suy nghĩ về cách bạn tiếp cận với người bạn đời. Hãy cố gắng hiểu nếu bạn không mang lại cho họ những gì mà họ cần thì sẽ như thế nào. Một thời gian qua đi, hãy trở lại câu chuyện với một thái độ trân trọng và yêu thương. Thời gian nghỉ ngơi cho phép chúng ta bình tĩnh lại và làm lành vết thương lòng của chúng ta, và chú ý vào bản thân mình trước khi cố gắng nối lại sự giao tiếp.

BỐN CHỮ CÁI TRÁNH GÂY TỔN THƯƠNG

Về cơ bản có 4 quan điểm mà những cá nhân phải quen để tránh gây tổn thương trong những cuộc tranh cãi. Đó là những chữ cái: Fight (đấu tranh), Flight (lẩn trốn), Fake (giả vờ) và Fold (co lại). Mỗi một quan điểm này có lợi ích trước mắt khác nhau nhưng rốt cục tất cả các quan điểm đó đều phản tác dụng. Chúng ta hãy tìm hiểu mỗi một quan điểm này.

1. Đấu tranh. Quan điểm này chắc chắn bắt nguồn từ sao Hỏa. Khi một cuộc trò chuyện trở nên không có thiện cảm và không được hào hứng thì theo bản năng có những người sẽ bắt đầu cãi cọ. Ngay lập tức họ chuyển chúng thành những quan điểm có tính chất công kích. Khẩu hiệu của họ là “Sự phòng thủ tốt nhất là một kế hoạch tấn công mạnh mẽ”. Họ tấn công bằng việc khiển trách, chỉ trích, phê bình và làm cho người bạn đời trông có vẻ sai trái. Họ thường bắt đầu quát mắng và biểu lộ đầy tức giận. Động cơ bên trong của họ là dọa dẫm để làm người bạn đời sẽ yêu thương ủng hộ họ. Khi người bạn đời của họ nhượng bộ thì họ cho rằng họ đã chiến thắng nhưng trên thực tế họ đã thua.

Sự đe dọa luôn làm giảm đi lòng tin trong một mối quan hệ.

Sự đe dọa luôn làm giảm đi lòng tin trong một mối quan hệ. Những gì bạn muốn bằng cách làm cho người khác trông có vẻ sai trái là một cách chắc chắn để đi đến thất bại trong một mối quan hệ. Khi những cặp vợ chồng cãi nhau, dần dần họ mất đi khả năng cởi mở và chịu đựng tổn thương. Người đàn bà thu mình để bảo vệ bản thân họ còn người đàn ông thì dừng lại và sẽ thôi không quan tâm nữa. Dần dần họ đánh mất bất cứ quan hệ thân thiết nào mà họ có lúc đầu.

2. Sự lẩn trốn. Quan điểm này cũng bắt nguồn từ sao Hỏa. Để tránh sự đối đầu, những người sao Hỏa có thể lui về ở ẩn trong hang của mình và sẽ không bao giờ xuất hiện. Điều này giống như một cuộc chiến tranh lạnh. Họ từ chối nói chuyện và không có cái gì lay chuyển được quyết tâm của họ. Cách cư xử vừa tiêu cực vừa hiếu chiến này không giống khi nghỉ ngơi một thời gian rồi trở lại nói chuyện và giải quyết mọi thứ một cách tình cảm hơn.

Những người sao Hỏa này sợ phải đối đầu, họ muốn giữ im lặng và tránh nói đến bất cứ chủ đề nào mà có thể gây ra một cuộc tranh cãi. Họ “rón rén đi trên vỏ quả trứng” trong một mối quan hệ. Đàn bà thường phàn nàn là họ phải “rón rén đi trên vỏ quả trứng” – luôn cẩn thận đề phòng nhưng đàn ông cũng vậy. Nó đã ăn sâu vào người đàn ông đến nỗi mà họ thậm chí không nhận ra được họ đã làm điều đó bao nhiêu lần rồi.

Thay cho việc cãi cọ, một vài cặp vợ chồng đơn giản là họ sẽ không nói về những bất đồng của họ. Cách mà họ cố gắng đạt được những gì mình muốn là trừng phạt người bạn đời bằng việc từ chối tình yêu. Họ không lộ diện và trực tiếp gây tổn thương cho người bạn đời giống như những chiến binh. Thay vào đó, họ gián tiếp gây tổn thương cho người bạn đời bằng cách từ từ lấy đi tình yêu mà họ xứng đáng được nhận. Khi ta từ chối trao tặng tình yêu, người bạn đời của chúng ta chắc chắn là có ít tình cảm hơn để trao cho chúng ta.

Lợi ích trước mắt là hòa bình và hòa hợp, nhưng nếu vấn đề không được nhắc đến nữa và cảm giác không được lắng nghe vẫn tiếp tục thì sau đó sự tức giận vẫn ngày một nhiều lên. Về lâu về dài, họ không còn giữ được cảm xúc yêu thương nồng nàn, những thứ đã đưa họ đến với nhau. Họ thường làm việc quá sức, ăn quá mức hay có những thói quen khác như một cách để làm tê liệt những cảm giác buồn phiền nhàm chán của mình.

3. Giả vờ. Quan điểm này bắt nguồn từ sao Kim. Để tránh bị tổn thương trong một cuộc đối đầu, người này vờ như không có vấn đề gì. Cô ta sẽ nở một nụ cười trên gương mặt và làm ra vẻ rất hạnh phúc và thích thú với mọi thứ. Tuy nhiên theo thời gian, những người đàn bà này lại càng bực bội hơn. Họ luôn luôn cho người bạn đời của mình nhưng họ lại không nhận được những gì mà họ cần từ sự đền đáp. Sự tức giận này sẽ gây cản trở cho việc thổ lộ tình yêu một cách tự nhiên.

Họ sợ phải thành thật về tình cảm, vì vậy họ cố làm mọi thứ ra vẻ là “ổn rồi, được rồi và thật tốt”. Đàn ông thường dùng những kiểu nói như vậy, nhưng với họ, mỗi một kiểu nói có ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Anh ta giải thích “Nó là được rồi vì tôi đang đối phó với nó một mình” hay “Được thôi là bởi vì tôi biết phải làm gì” hay “Nó là tốt bởi vì tôi đang kiểm soát được nó và tôi không cần bất cứ sự giúp đỡ nào”. Không giống như đàn ông, khi một người đàn bà sử dụng những cách nói đó có thể là một dấu hiệu mà cô ta đang cố tránh một cuộc xung đột hay tranh luận.

Để tránh tạo ra những làn sóng một người đàn bà thậm chí có thể đánh lừa bản thân và tin tưởng rằng mọi thứ đều tốt, đều được rồi, ổn rồi mà trên thực tế không phải vậy. Cô ta chấp nhận hi sinh hoặc phủ nhận những mong muốn, những cảm giác và những nhu cầu của mình để tránh khả năng xung đột.

4. Co lại. Quan điểm này cũng bắt nguồn từ sao Kim. Thay cho việc cãi cọ, người này tự lùi bước. Họ chấp nhận bị khiển trách và chịu trách nhiệm về bất cứ cái gì đang gây khó chịu cho người bạn đời. Rút cục là họ tạo ra những gì giống như một mối quan hệ thân thiết và được ủng hộ. Nhưng họ đã đi đến đánh mất bản thân mình.

Một người đàn ông đã từng phàn nàn với tôi về vợ của anh ta. Anh ta nói rằng “Tôi yêu cô ấy rất nhiều. Cô ấy giành cho tôi mọi thứ mà tôi muốn. Điều phiền muộn duy nhất của tôi là cô ấy không hạnh phúc”. Vợ của anh ấy đã quên bản thân mình giành trọn 20 năm cho chồng. Họ chưa một lần cãi nhau và nếu bạn hỏi cô ấy về mối quan hệ của cô ấy, cô ấy luôn luôn nói rằng “Chúng tôi có một mối quan hệ rất tốt. Chồng của tôi rất đáng yêu. Vấn đề duy nhất của chúng tôi là ở tôi. Tôi chán nản và tôi không biết tại sao”. Cô ấy chán nản vì cô ấy đã hi sinh bản thân mình bằng cách vờ vui vẻ trong suốt 20 năm.

Để làm vừa lòng người bạn đời của mình, những người này cảm nhận được sự khát khao của bạn đời qua trực giác và sau đó, cố gắng để làm vừa lòng người đó. Rốt cuộc, họ bực bội khi phải từ bỏ bản thân vì tình yêu.

Bất cứ một kiểu phản kháng nào cũng gây ra đau đớn bởi vì nhiều người đã phủ nhận bản thân mình quá nhiều. Họ cố tìm cách để tránh sự phản kháng bằng bất cứ giá nào và muốn được yêu thương tất cả. Bằng cách thức này, họ đã quên mất rằng họ là ai.

Bạn có thể tìm thấy mình ở một trong 4 chữ cái F trên hay ở trong nhiều chữ. Mọi người thường nghiêng về một chữ hơn. Với mỗi một chiến lược trong 4 chiến lược trên, ý định của chúng ta là bảo vệ mình khỏi bị tổn thương. Thật không may, nó không có hiệu quả. Điều hiệu quả là nhận biết được những bất đồng và ngăn nó lại. Hãy thư giãn để bớt căng thẳng và sau đó trở về vấn đề và nói chuyện lại. Hãy thực hành giao tiếp với sự nhận thức ngày càng cao và tôn trọng người khác giới, dần dần bạn sẽ biết cách tránh được những bất đồng cũng như những cuộc cãi cọ.

TẠI SAO CHÚNG TA TRANH LUẬN

Đàn ông và đàn bà thường tranh luận về tiền bạc, giới tính, khả năng quyết đoán, kế hoạch, giá trị, việc dạy dỗ con cái, trách nhiệm với gia đình. Tuy nhiên, những cuộc thảo luận và bàn bạc này đã trở thành những cuộc tranh luận gây tổn thương chỉ vì một lý do duy nhất – chúng ta không cảm nhận được tình yêu. Nỗi đau về tình cảm bắt nguồn từ việc không cảm nhận được tình yêu và khi một người đang cảm thấy đau đớn thì thật khó để yêu.

Bởi vì đàn bà không đến từ sao Hỏa, theo bản năng họ không nhận ra được những gì người đàn ông cần giải quyết êm xuôi những bất đồng. Những ý tưởng xung đột, những cảm xúc và những mong muốn trái ngược nhau là một thách thức lớn đối với một người đàn ông. Anh ta càng gần gũi với người đàn bà bao nhiêu thì càng khó giải quyết những khác biệt và bất hòa. Khi mà cô ấy không thích những điều anh ta làm thì anh ta lại hướng những điều đó vào mình và cảm thấy rằng cô ấy không thích mình.

Một người đàn ông có thể giải quyết những bất đồng cùng những bất hòa một cách tốt nhất khi những nhu cầu tình cảm của anh ta được đáp ứng. Khi anh ta bị lấy mất tình yêu, anh ta trở nên lo lắng và mặt trái của anh ta bắt đầu xuất hiện, theo bản năng anh ta rút thanh kiếm của mình ra.

Nhìn bề ngoài dường như anh ta đanh tranh cãi về vấn đề (tiền bạc, trách nhiệm và vân vân) nhưng lý do thực sự khiến anh ta rút kiếm là anh ta không cảm nhận được tình yêu. Khi một người đàn ông tranh luận về tiền bạc kế hoạch, con cái hay bất cứ vấn đề nào khác, thực ra, anh ta có thể tranh luận về những lý do sau đây:

NHỮNG LÝ DO SÂU KÍN KHIẾN NGƯỜI ĐÀN ÔNG TRANH LUẬN

Lý do sâu kín khiến người đàn ông tranh luận

1. “Tôi không thích cô ấy lo lắng quá về những điều nhỏ nhặt mà tôi làm hoặc không làm. Tôi cảm thấy bị chỉ trích, bị bác bỏ và không được chấp nhận”.

2. “Tôi không thích khi cô ấy bắt đầu bảo tôi nên làm mọi việc như thế nào. Tôi cảm thấy không được tôn trọng, thay vào đó, tôi cảm thấy mình bị đối xử như một đứa trẻ”.

3. “Tôi không thích cô ấy đổ lỗi cho tôi về việc không hạnh phúc. Tôi không cảm thấy được coi là một người hào hiệp của cô ấy”.

4. “Tôi không thích cô ta phàn nàn rằng cô ta đã làm nhiều như thế nào hay không được đánh giá cao. Điều này làm tôi cảm thấy không được đánh giá cao cho những gì tôi làm cho cô ấy”.

5. “Tôi không thích cô ta lo lắng rằng mọi thứ có thể dẫn đến sai lầm. Tôi cảm thấy không được tin cậy”.

6. “Tôi không thích cô ta mong chờ tôi làm điều gì hay nói chuyện khi cô ta cần tôi. Tôi cảm thấy không được chấp nhận và không được tôn trọng”.

7. “Tôi không thích cô ta cảm thấy bị tổn thương vì những gì tôi nói. Tôi cảm thấy không được tin cậy, bị hiểu lầm và bị đẩy ra xa”.

8. “Tôi không thích cô ta mong chờ tôi đọc được ý nghĩ của cô ấy. Tôi không thể. Nó làm tôi cảm thấy buồn hay bất lực”.

Những gì người đàn bà cần để tránh không tranh cãi

1. Cô ta cần cảm thấy được chấp nhận đúng như cách anh ta mong đợi. Thay vào đó, anh ta cảm thấy cô ta đang cố gắng cải thiện mình.

2. Anh ta cần cảm thấy được tôn. Thay vào đó, anh ta cảm thấy bị coi thường.

3. Anh ta cần cảm thấy được khích lệ thay vì cảm thấy bị từ chối.

4. Anh ta cần cảm thấy được đánh giá cao. Thay vào đó, anh ta cảm thấy bị khiển trách, không được đánh giá đúng mức, và không có quyền lực.

5. Anh ta cần cảm thấy được tin cậy và được đánh giá cao cho sự đóng góp của anh ấy đối với sự an toàn của cô ấy. Thay vào đó, anh ta cảm thấy phải chịu trách nhiệm về sự lo âu của cô ấy.

6. Anh ta cần cảm thấy được chấp nhận đúng như cách anh ta mong đợi. Thay vào đó, anh ta cảm thấy bị khống chế hay bị gây sức ép để nói chuyện và vì vậy không có gì để nói. Điều này làm anh ta cảm thấy không bao giờ thỏa mãn được cô ta.

7. Anh ta cần cảm được chấp nhận và được tin cậy. Thay vào đó, anh ta cảm thấy bị bác bỏ và không được tha thứ.

8. Anh ta cần cảm thấy được ủng hộ và được chấp nhận. Thay vào đó, anh ta cảm thấy như một sự thất bại.

Việc thỏa mãn những nhu cầu tình cảm chủ yếu của một người đàn ông sẽ giảm đi xu hướng tham gia vào những cuộc tranh luận gây tổn thương của anh ta. Một cách tự nhiên, anh ta có thể lắng nghe và nói chuyện với sự kính trọng, hiểu biết và quan tâm nhiều hơn. Theo cách này thì những cuộc tranh luận, những bất hòa về quan điểm và những cảm giác tiêu cực có thể được giải quyết thông qua cuộc trò chuyện thương lượng và sự thỏa hiệp mà không leo thang thành những cuộc tranh cãi gây tổn thương.

Đàn bà cũng góp phần vào những cuộc tranh cãi gây tổn thương nhưng vì những lý do khác. Nhìn bề ngoài, cô ấy có thể đang tranh cãi về tài chính, trách nhiệm hay về vấn đề nào đó, nhưng bên trong cô ấy đang chống lại người bạn đời của mình về một trong những lý do sau:

NHỮNG LÝ DO SÂU KÍN KHIẾN NGƯỜI ĐÀN BÀ TRANH LUẬN

Lý do sâu kín khiến người đàn bà tranh luận

1. “Tôi không thích anh ấy đánh giá thấp tầm quan trọng của tình cảm cũng như lời thỉnh cầu của tôi. Tôi cảm thấy bị bỏ rơi và không quan trọng”.

2. “Tôi không thích khi anh ấy quên làm những điều tôi yêu cầu và sau đó tôi phải thăm dò như kẻ ăn mày. Tôi cảm thấy giống như tôi đang cầu xin sự ủng hộ của anh ta”.

3. “Tôi không thích anh ấy đổ lỗi cho tôi khi cảm thấy khó chịu. Tôi cảm thấy mình phải trở nên hoàn mỹ để được yêu. Tôi không phải là người hoàn hảo”.

4. “Tôi không muốn anh ấy cất cao giọng hay lên bản kê khai tại sao anh ấy đúng. Điều đó làm tôi cảm thấy như tôi đang sai và anh ấy không quan tâm đến quan điểm của tôi”.

5. “Tôi không thích thái độ nhường bước của anh ấy khi tôi hỏi những câu hỏi về quyết định mà chúng tôi cần có. Nó làm tôi cảm thấy mình giống như một gánh nặng hay như tôi đang làm lãng phí thời gian của anh ấy”.

6. “Tôi không thích anh ấy không đáp lại những câu hỏi cũng như đưa ra lời bình luận. Điều này làm tôi cảm thấy như mình không tồn tại”.

7. “Tôi không thích anh ấy giải thích tại sao tôi không nên bị tổn thương, lo lắng giận dữ hay bất cứ cái gì khác. Tôi cảm thấy mình không còn giá trị và không được ủng hộ”.

8. “Tôi không thích anh ấy mong tôi vô tư hơn. Điều này khiến tôi cảm thấy thật là yếu đuối và sai lầm khi có được tình cảm”.

Những gì người đàn bà cần để tránh không tranh cãi

1. Cô ta cần cảm thấy được thừa nhận và được thương yêu. Thay vào đó, cô ấy cảm thấy bị suy xét và bị bỏ rơi.

2. Cô ta cần cảm thấy được tôn trọng và nhớ đến. Thay vào đó cô ấy cảm thấy bị lãng quên và ở cuối danh sách những điều được ưu tiên của anh ấy.

3. Cô ta cần anh ta để hiểu tại sao cô ta lo lắng và làm cô ta yên tâm rằng mình vẫn được yêu mà không cần phải hoàn mỹ. Thay vào đó, cô ấy cảm thấy không an toàn khi là chính mình.

4. Cô ta cần cảm thấy được thông cảm và được tôn trọng. Thay vào đó, cô ấy cảm thấy không được để ý đến, bị bắt nạt và bị đàn áp.

5. Cô ta cần cảm thấy rằng anh ấy quan tâm đến những cảm giác của cô và tôn trọng nhu cầu của cô để thu lượm thông tin. Thay vào đó, cô ấy cảm thấy không được tôn trọng và không được đánh giá cao.

6. Cô ta cần cảm thấy yên tâm rằng anh ấy đang lắng nghe và anh ấy quan tâm. Thay vào đó cô ấy cảm thấy bị bỏ rơi và bị suy xét.

7. Cô ta cần cảm thấy có giá trị và được cảm thông. Thay vào đó, cô ấy cảm thấy bực bội, không được ủng hộ, không được yêu và phản kháng.

8. Cô ta cần cảm thấy được tôn trọng và được thương yêu nhất là khi cô ta đang sẻ chia tình cảm. Thay vào đó cô ấy cảm thấy không an toàn và không được bảo vệ.

Cho dù những nhu cầu và cảm xúc buồn phiền này là hợp lý nhưng thông thường, chúng ta không tiếp xúc và đề cập đến chúng một cách trực tiếp. Thay vào đó, chúng lớn dần lên ở trong lòng và bùng nổ trong một cuộc tranh cãi. Đôi khi chúng được biểu lộ một cách trực tiếp nhưng thường chúng xuất hiện và được biểu lộ thông qua nét mặt, giọng nói và điệu bộ cơ thể.

Đàn ông và đàn bà cần hiểu và ủng hộ những nhạy cảm riêng tư và không bực tức về chúng. Bạn sẽ đưa ra vấn đề thực nhờ cố gắng giao tiếp bằng cách thỏa mãn những nhu cầu tình cảm của bạn đời. Những cuộc tranh cãi sau đó có thể trở thành những cuộc đàm phán ủng hộ lẫn nhau vì rất cần thiết để thương lượng và giải quyết những bất đồng và những bất hòa.

CẤU TRÚC CỦA MỘT CUỘC TRANH LUẬN

Một cuộc tranh luận gây tổn thương thường có một cấu trúc nhất định. Có thể bạn sẽ liên quan đến những ví dụ dưới đây.

Vợ tôi và tôi đã có một cuộc đi bộ dạo chơi thú vị. Sau khi ăn, mọi thứ dường như đều ổn cho đến khi tôi bắt đầu nói về những khoản tiền đầu tư có thể có. Đột nhiên cô ấy trở nên lo lắng rằng tôi đã xem xét đầu tư một khoản tiền dành dụm của chúng tôi vào cổ phần. Quan điểm của tôi là tôi chỉ đang cân nhắc nhưng những gì vợ tôi nghe lại là tôi đang lên kế hoạch (mà thậm chí không xem xét đến quan điểm của cô ấy). Cô ấy trở nên khó chịu vì tôi đã làm một việc như thế. Tôi cảm thấy khó chịu với cô ấy vì cô ấy đã cảm thấy khó chịu với tôi và chúng tôi có một cuộc cãi nhau.

Tôi nghĩ cô ấy phản đối những sự lựa chọn đầu tư của tôi và tranh cãi về hiệu lực của chúng. Sự tranh cãi của tôi, tuy nhiên, đã được tiếp thêm năng lượng bởi sự tức giận mà cô ấy đã gây ra cho tôi. Cô ấy tranh luận rằng cổ phiếu là quá mạo hiểm. Nhưng trên thực tế, cô ấy tức giận vì tôi đã xem xét việc đầu tư mà không thăm dò ý kiến của cô ấy về vấn đề đó. Thêm vào đó, cô ấy cảm thấy khó chịu vì tôi đã không tôn trọng quyền của cô ấy được thất vọng. Rốt cuộc, tôi trở nên quá buồn phiền đến nỗi cô ấy đã xin lỗi tôi về việc hiểu lầm và nghi ngờ tôi, và chúng tôi nguôi đi sự thất vọng.

Vào một thời gian sau, sau khi chúng tôi dàn hòa, cô ấy đưa ra câu hỏi này. Cô ấy nói “Nhiều lần, khi chúng ta cãi nhau, dường như em đã thấy khó chịu về điều gì đó và sau đó anh cũng cảm thấy khó chịu về em và em đã phải xin lỗi vì đã bực bội với anh. Không biết làm sao, em nghĩ rằng, thỉnh thoảng em muốn anh nói với em là anh xin lỗi vì đã khó chịu với em.

Ngay lập tức, tôi đã thấy được sự logic trong quan điểm của cô ấy. Việc mong chờ một lời xin lỗi từ cô ấy dường như hơi bất công, nhất là khi tôi là người cảm thấy bực bội với cô ấy trước tiên. Sự sáng suốt này đã làm thay đổi quan hệ này của chúng tôi. Khi tôi chia sẻ kinh nghiệm này trong các buổi thảo luận. Tôi phát hiện ra rằng hàng nghìn phụ nữ có thể ngay lập tức ủng hộ kinh nghiệm của vợ tôi. Đây là một mô thức chung khác nữa về đàn ông và đàn bà. Chúng ta hãy xem xét lại mô hình cơ bản này.

1. Đàn bà biểu lộ cảm giác lo lắng của mình về “XYZ”

2. Đàn ông giải thích lý do đàn bà không nên lo lắng về “XYZ”

3. Cô ấy cảm thấy không còn giá trị và trở nên lo lắng hơn (bây giờ cô ấy lo lắng về việc không có giá trị hơn là về “XYZ”)

4. Anh ấy cảm nhận được sự phản đối của cô ấy và trở nên khó chịu. Anh ấy phàn nàn với cô ấy về việc gây khó chịu cho anh ấy và mong đợi một lời xin lỗi trước khi dàn hòa.

5. Cô ấy xin lỗi và thắc mắc về những gì đã xảy ra hoặc là cô ấy cảm thấy khó chịu hơn và cuộc tranh cãi leo thang thành cuộc chiến.

Với việc nhận thức rõ ràng hơn về cấu trúc của một cuộc tranh luận, tôi có thể làm sáng tỏ vấn đề này bằng một cách hợp lý hơn. Nhớ rằng đàn bà đến từ sao Kim, tôi tập không trách cô ấy vì cảm thấy khó chịu. Thay vào đó, tôi cố gắng hiểu xem mình đã làm tổn thương cô ấy như thế nào và chỉ ra cho cô ấy biết rằng tôi đã lo lắng cho cô ấy. Thậm chí nếu cô ấy hiểu sai về tôi hay thậm chí đau khổ vì tôi, tôi sẽ cho cô ấy biết rằng tôi đã quan tâm đến cô ấy và tôi xin lỗi.

Khi cô ấy trở nên lo lắng thì việc đầu tiên là tôi lắng nghe, sau đó thành thực cố gắng hiểu cô ấy đã lo lắng về những gì, và sau đó nói: “Anh xin lỗi rằng anh đã làm em lo lắng khi anh nói”. Kết quả sẽ đến ngay lập tức. Chúng tôi cãi nhau ít đi rất nhiều.

Sau đó, tôi nói “Anh xin lỗi là em đã cảm thấy khó chịu”. Mặc dù đây không phải là một lời xin lỗi nhưng nó nói lên rằng: “Anh quan tâm đến em” và dường như điều đó đã giúp ích được rất nhiều.

Đàn ông rất ít khi nói “Tôi xin lỗi” bởi vì trên sao Hỏa điều đó có nghĩa rằng bạn đã làm điều gì đó sai trái và bạn phải xin lỗi.

Đàn ông rất ít khi nói “Tôi xin lỗi” bởi vì trên sao Hỏa điều đó có nghĩa rằng bạn đã làm điều gì đó sai trái và bạn phải xin lỗi. Tuy nhiên, đàn bà nói “Tôi xin lỗi” như là cách để nói “Tôi quan tâm đến những gì bạn đang suy nghĩ”. Điều đó không có nghĩa rằng họ đang xin lỗi về việc làm sai trái. Việc biết rằng người đàn ông rất ít khi nói “Tôi xin lỗi” có thể tạo ra những thán phục bằng cách học để sử dụng dạng thức này trong ngôn ngữ của người sao Kim. Cách dễ nhất để chuyển hướng một cuộc tranh luận là nói “Tôi xin lỗi”.

Hầu hết những cuộc tranh luận leo thang là khi một người đàn ông bắt đầu làm cho những suy nghĩ của một người đàn bà không còn giá trị và cô ta phản ứng lại bằng việc không tán thành. Là một người đàn ông, tôi phải học cách thực hành việc đánh giá cao người phụ nữ. Vợ tôi đã tập biểu lộ tình cảm của mình một cách trực tiếp hơn mà không phản đối tôi. Kết quả là những cuộc cãi cọ đã ít hơn còn niềm tin và tình yêu thì nhiều lên. Không có sự nhận thức mới này thì chắc chắn rằng chúng ta vẫn sẽ có những cuộc tranh luận tương tự.

Hầu hết những cuộc tranh luận leo thang khi người đàn ông bắt đầu làm cho những suy nghĩ của người đàn bà không còn giá trị và cô ta phản ứng lại bằng việc không tán thành.

Để tránh những cuộc tranh luận gây buồn phiền, điều quan trọng là nhận ra rằng người đàn ông đã vô tình làm cho cảm giác của người đàn bà không còn giá trị và cách người đàn bà vô tình đưa ra những thông điệp không tán thành.

Người đàn ông vô tình bắt đầu những cuộc tranh luận như thế nào?

Cách phổ biến nhất khi người đàn ông bắt đầu những cuộc tranh luận là hạ thấp quan điểm hay suy nghĩ của người đàn bà. Người đàn ông không nhận ra là họ đã làm điều đó bao nhiêu lần.

Ví dụ, một người đàn ông có thể coi thường những cảm giác tiêu cực của người đàn bà. Anh ta có thể nói: “Đừng lo lắng về nó”. Đối với người đàn ông, cụm từ này dường như là thân thiện. Nhưng đối với một người đàn bà – người bạn đời gần gũi thì nó là vô tình và gây tổn thương.

Trong một ví dụ khác, người đàn ông có thể cố giải quyết sự xáo trộn của người đàn bà bằng cách nói: “Nó không to chuyện đến thế”. Sau đó anh ta đưa ra giải pháp thiết thực cho vấn đề này, hy vọng cô ấy sẽ bớt căng thẳng và hạnh phúc. Anh ta không hiểu rằng cô ấy cảm thấy bị hạ thấp và không được ủng hộ. Cô ấy không thể đánh giá cao giải pháp của anh ta cho đến khi anh ta thừa nhận nhu cầu của cô ấy được buồn phiền.

Một ví dụ rất điển hình là khi người đàn ông làm một điều gì đó gây phiền muộn cho một người đàn bà. Bản năng của anh ta là làm cho cô ấy cảm thấy tốt hơn bằng việc giải thích tại sao cô ấy không nên lo lắng. Anh ta tự tin giải thích rằng anh ta có một lý do hợp lý, logic và hoàn hảo cho những gì anh ta đã làm. Anh ấy không biết rằng thái độ này lại làm cho cô ấy như thể mình không có quyền buồn phiền. Khi anh ta giải thích, thông điệp duy nhất cô ấy có thể nghe thấy là anh ta không quan tâm đến tình cảm của mình.

Đối với cô ấy, để hiểu được những lý do chính đáng của anh ấy thì trước tiên cô ấy cần anh ấy hiểu những lý do chính đáng của mình về việc cảm thấy lo lắng. Anh ấy cần sự chờ đợi đưa ra sự giải thích của mình sau khi lắng nghe cô ấy với sự hiểu biết. Đơn giản là khi anh ấy bắt đầu quan tâm tới tình cảm của cô ấy thì cũng là lúc cô ấy bắt đầu cảm thấ được ủng hộ.

Sự thay đổi này trong cách tiếp cận cần sự rèn luyện nhưng có thể đạt được. Nói chung, khi một người đàn bà bày tỏ cảm giác thất vọng, chán nản hay lo lắng thì mọi tế bào trong cơ thể của người đàn ông theo bản năng sẽ phản ứng với một bản kê khai những điều thanh minh và những lý lẽ bào chữa được được vạch ra để thanh mình cho những cảm giác khó chịu của cô ấy. Người đàn ông không bao giờ có ý định làm cho mọi chuyện trở nên xấu đi. Xu hướng giải thích của anh ấy là đúng như bản năng của người sao Hỏa.

Bằng việc hiểu rằng những phản ứng bản năng của anh ta trong trường hợp này là phản tác dụng, một người đàn ông, tuy nhiên, có thể tạo ra sự thay đổi. Nhờ sự nhận thức ngày càng cao cũng như những kinh nghiệm có thể có hiệu quả với phụ nữ, người đàn ông có thể tạo ra sự thay đổi này.

Đàn bà vô tình bắt đầu những cuộc tranh luận như thế nào?

Điều chung nhất khi người đàn bà vô tình bắt đầu những cuộc tranh luận là bởi vì họ không trực tiếp chia sẻ tình cảm của mình. Thay vì trực tiếp bày tỏ sự thất vọng hay cảm giác không thích, người đàn bà sẽ hỏi những câu trừu tượng mà không biết (hoặc biết) là truyền đạt một thông điệp không tán thành. Cho dù thỉnh thoảng đó không phải thông điệp cô ta muốn gửi, thông thường nó là những gì đàn ông sẽ nghe.

Điều chung nhất khi người đàn bà vô tình bắt đầu những cuộc tranh luận là bởi họ không trực tiếp chia sẻ tình cảm của mình

Ví dụ, khi người đàn ông đến muộn thì người đàn bà có thể cảm thấy rằng, “Em không thích đợi anh khi anh đến muộn” hay “Em đã lo lắng rằng có điều gì đó xảy ra với anh”. Khi người đàn ông đến, thay vì trực tiếp sẻ chia những cảm xúc của mình, cô ta lại hỏi một câu hỏi trừu tượng như “Sao anh có thể muộn đến thế?” hay “Tại sao anh không gọi điện?”

Tất nhiên việc hỏi ai đó “Tại sao anh không gọi điện?” cũng được nếu bạn thật sự đang tìm lý do hợp lý. Nhưng khi người đàn bà cảm thấy khó chịu thì giọng nói của cô ta thường bộc lộ là cô ta không tìm kiếm một câu trả lời thực sự dẫn đến vấn đề, không có lý do nào được chấp nhận cho việc đến muộn.

Khi một người đàn ông nghe một câu hỏi giống như “Sao anh có thể đến muộn?” hay “Tại sao anh không gọi điện?” thì anh ta sẽ không thấy được những cảm giác của cô ấy mà chỉ thấy sự phản đối của cô ấy. Anh ta cảm thấy sự mong mỏi của cô ấy muốn mình có trách nhiệm hơn. Anh ta cảm thấy bị tấn công và phải tự vệ. Cô ta không biết rằng sự phản đối của mình lại gây ra phiền muộn cho anh ấy.

Cũng như người đàn bà cần sự thừa nhận, thì người đàn ông cần sự tán thành. Người đàn ông càng yêu người đàn bà bao nhiêu thì càng cần sự tán thành của cô ta bấy nhiêu. Nó luôn luôn là điểm xuất phát của một mối quan hệ. Hoặc cô ta mang đến thông điệp tán thành anh ta hoặc là anh ta cảm thấy tự tin có thể giành được sự tán thành của cô ta.

Trong cả hai trường hợp trên, sự tán thành đều là hiện diện. Cho dù người đàn bà bị xúc phạm bởi người đàn ông khác hoặc bố của cô ta, người đàn bà vẫn đem lại sự tán thành trong lúc đầu của mối quan hệ. Cô ấy cảm thấy “Anh ấy là một người đàn ông đặc biệt, không giống như những người khác mà tôi biết”.

Người đàn bà mà rút lại sự tán thành đó thì sẽ gây tổn thương nghiêm trọng cho người đàn ông. Đàn bà thường quen cách thoát ra khỏi sự tán thành. Và khi họ làm như vậy, họ cảm thấy rất hợp lý. Một lý do cho sự vô tình này là đàn bà thực sự không thấy được sự tán thành có ý nghĩa thế nào đối với người đàn ông.

Tuy nhiên, một người đàn bà có thể không đồng ý với cách cư xử của người đàn ông và vẫn tán thành anh ấy. Đối với người đàn ông để cảm nhận được tình yêu, anh ấy cần cô ta tán thành mình, cho dù cô ấy không đồng ý với cách cư xử của anh ta. Thông thường khi đàn bà không đồng ý với cách cư xử của đàn ông và cô ấy muốn thay đổi anh ta, cô ấy sẽ không chấp nhận anh ta. Tất nhiên, có thế có những lần cô ấy đồng tình nhiều hơn, cũng có những lần ít hơn nhưng nếu bị phản đối thì anh ta rất phiền muộn và đau khổ.

Hầu hết đàn ông quá xấu hổ để thừa nhận rằng họ cần sự tán thành nhiều như thế nào. Họ sẵn sàng làm bất cứ cái gì để chứng tỏ rằng họ không quan tâm. Nhưng tại sao ngay lập tức họ trở nên lạnh nhạt, xa cách và tự vệ khi họ mất sự tán thành của đàn bà? Bởi vì việc họ không nhận được những gì họ cần làm họ tổn thương.

Một trong những lý do khiến cho các mối quan hệ rất thành công trong giai đoạn đầu là một người đàn ông vẫn được người đàn bà chấp nhận và ưu ái. Anh ta vẫn là chàng hiệp sĩ tốt bụng của cô ấy. Anh ta nhận ra ân huệ của sự tán thành và kết quả là anh ta thành công. Nhưng ngay sau khi anh ấy bắt đầu thất vọng về cô ta, anh ấy thất sủng. Anh ấy đánh mất sự tán thành của cô ấy. Bất thình lình anh ấy bị thất thế.

Một người đàn ông có thể đối phó với sự chán nản của người đàn bà nhưng khi nó được biểu lộ cùng với sự phản đối hay sự từ chối thì anh ta cảm thấy bị xúc phạm. Đàn bà thường chất vấn đàn ông về cách cư xử của anh ấy với một giọng nói không tán thành. Họ làm điều này bởi vì họ nghĩ nó sẽ dạy anh ta một bài học. Nhưng không, nó chỉ tạo ra nỗi sợ hãi và sự oán giận. Và dần dần anh ta càng trở nên ít động cơ thúc đẩy hơn.

Để tán thành một người đàn ông thì phải thấy được những lý do chính đáng sau những gì anh ấy làm. Thậm chí, khi anh ấy không có tinh thần trách nhiệm, lười biếng hay thiếu kính trọng, nếu cô ấy yêu anh ấy, cô ấy vẫn có thể thấy và nhận ra lòng tốt của anh ấy. Để chấp nhận được người đàn ông thì phải thấy được mục đích tốt hoặc lòng tốt đằng sau cách cư xử của người đàn ông đó.

Để cư xử với người đàn ông như thể anh ấy không có lý do chính đáng cho những gì anh ta làm là từ chối sự chấp thuận mà cô ấy đã thoải mái đưa lại trong giai đoạn đầu của mối quan hệ. Một người đàn bà cần nhớ rằng cô ta có thể vẫn chấp thuận thậm chí cô ấy không đồng ý.

Một trong những cặp phạm trù phát sinh từ trong những cuộc tranh luận:

1. Đàn ông cảm thấy rằng đàn bà không ủng hộ quan điểm của mình.

2. Hay đàn bà không tán thành cách mà người đàn ông nói chuyện với họ.

Khi người đàn ông cần sự tán thành của người đàn bà nhiều nhất

Hầu hết những cuộc tranh luận xảy ra không phải bởi vì hai người bất đồng mà bởi vì hoặc người đàn ông cảm thấy rằng người đàn bà không tán thành quan điểm của anh ta, hoặc đàn bà không tán thành cách đàn ông nói chuyện với mình. Cô ta thường phản đối anh ta bởi vì anh ta hạ thấp quan điểm của cô ta hoặc nói với cô ấy bằng một cách quan tâm. Khi người đàn ông và đàn bà học cách để chấp thuận và đánh giá cao lẫn nhau thì họ sẽ không phải cãi nhau. Họ có thể thảo luận và thương lượng những bất hòa.

Khi một người đàn ông có khuyết điểm, quên làm việc vặt hay thoả mãn những trách nhiệm, người đàn bà không thấy được người đàn ông cảm thấy mặc cảm như thế nào. Đây là lúc anh ta cần tình yêu của cô ta nhiều nhất. Rút lại sự tán thành của cô ấy tại thời điểm này làm cho anh ta rất đau đớn. Cô ấy thậm chí không thể nhận ra được cô ấy đang làm gì. Cô ấy nghĩ mình đang cảm thấy thất vọng nhưng anh ta cảm nhận được sự từ chối của cô ta.

Một trong những cách mà đàn bà vô tình biểu đạt sự từ chối là ở trong đôi mắt cũng như trong giọng nói. Những lời lẽ cô ấy chọn có thể đáng yêu nhưng vẻ mặt hay giọng nói của cô có thể làm tổn thương đến người đàn ông. Phản ứng tự vệ của anh ta là làm cho cô ta cảm thấy sai trái. Anh ta làm cho cô ta không có giá trị để bào chữa cho mình.

Hầu hết đàn ông có khả năng tranh luận khi họ mắc lỗi lầm hay làm người đàn bà mình yêu phiền muộn

Hầu hết đàn ông có khả năng tranh luận khi họ mắc lỗi lầm hay làm người đàn bà mình yêu phiền muộn. Nếu anh ta thất vọng về cô ta, anh ấy muốn giải thích với cô ta tại sao cô không nên cảm thấy khó chịu. Anh ta nghĩ những lý do của anh sẽ giúp cô ấy cảm thấy tốt hơn. Những gì anh ta không biết là nếu cô ấy cảm thấy phiền muộn thì những gì cô ấy cần nhất là được lắng nghe và được đánh giá cao.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ BÀY TỎ NHỮNG KHÁC BIỆT MÀ KHÔNG PHẢI CÃI VÃ

Không có khuôn mẫu nhất định nên việc bày tỏ những khác biệt và bất đồng có thể là một nhiệm vụ khó khăn. Hầu hết bố mẹ của chúng ta hoặc là không cãi nhau một chút nào hoặc là khiến nó leo thang nhanh thành một cuộc cãi cọ. Biểu đồ dưới đây cho thấy cách người đàn bà và người đàn ông vô tình tạo ra những cuộc tranh luận như thế nào.

Trong mỗi kiểu tranh luận được đưa ra dưới đây, đầu tiên tôi sẽ đưa ra những câu hỏi mà người phụ nữ có thể hỏi và sau đó tôi sẽ chỉ cách người đàn ông hiểu câu hỏi đó như thế nào. Tiếp đó tôi chỉ ra cách người đàn ông có thể hỏi và người đàn bà hiểu câu hỏi đó như thế nào.

NGUYÊN NHÂN CỦA MỘT CUỘC CÃI VÃ

1. Khi anh ta về nhà muộn

Câu hỏi bóng gió của cô ấy

Khi anh chồng cô ta về nhà muộn cô ta có thể hỏi “Sao anh có thể về muộn như thế được?” hoặc “Tại sao anh không gọi điện trước cho em?” hoặc “Em phải nghĩ như thế nào đây?”

Những gì anh ta nghe thấy

Những gì anh ta nghe là “không có lý do chính đáng nào cho việc anh về muộn! Anh thật vô trách nhiệm. Em chưa bao giờ về muộn như thế. Em có trách nhiệm hơn anh”

Những gì anh ta giải thích

Khi anh ta về nhà muộn, cô ta tức giận và chồng cô ta giải thích “Anh bị tắc đường” hoặc “Đôi khi cuộc sống không thể như ta mong muốn” hoặc “Em không thể lúc nào cũng mong anh về đúng giờ được”.

Những gì cô ta nghe thấy

Những gì cô ta nghe là “Em không nên tức giận bởi vì anh có những lý do chính đáng cho việc về muộn. Dù sao đi nữa công việc của anh cũng quan trọng hơn em và em đang đòi hỏi quá nhiều đấy!”

Cô ấy đã phản ứng như thế nào

Cô ấy đã nói “Em thực sự không hài lòng khi anh về muộn. Điều này làm em rất tức giận. Em thực sự mong nhận được một cú điện thoại lần sau nếu anh về muộn”

Anh ta có thể đánh giá cô ấy cao hơn

Anh ta nói “Anh về muộn, anh xin lỗi vì đã làm em buồn phiền”. Điều quan trọng nhất là chỉ lắng nghe mà không phàn nàn nhiều. Hãy cố hiểu và đánh giá cao cái mà cô ấy cần là được yêu.

2. Khi anh ta quên điều gì

Câu hỏi bóng gió của cô ấy

Khi anh ta quên làm điều gì, cô ấy sẽ nói “Sao anh có thể quên được nhỉ?” hoặc “Khi nào thì anh sẽ nhớ đây?” hoặc “Em phải làm thế nào để tin tưởng anh?”

Những gì anh ta nghe thấy

Những gì anh ta nghe là: “Không có lý do chính đáng nào cho việc anh quên. Anh thật tồi tệ và không đáng tin cậy. Em đã chịu đựng anh quá nhiều trong mối quan hệ này”

Những gì anh ta giải thích

Khi anh ta quên làm điều gì cô ta tức giận và anh ta biện minh “Anh thực sự rất bận và vừa mới quên thôi mà. Nhưng điều này đôi khi cũng xảy ra” hoặc “Đó không phải là vấn đề lớn. Điều đó không có nghĩa là anh không quan tâm tới em”

Những gì cô ta nghe thấy

Những gì cô ta nghe là “Em không nên quá tức giận và quan trọng hoá vấn đề như vậy. Em đang đòi hỏi quá nhiều và yêu cầu của em thật vô lý. Hãy thực tế hơn đi. Em đang sống trong một thế giới ảo tưởng đấy”

Cô ấy trở nên ít tán thành như thế nào

Nếu cô ấy buồn phiền, cô ấy có thể nói “Em không thích anh quên”. Cô ấy cũng có thể có cách tiếp cận có hiệu quả hơn, không đề cập gì đến chuyện anh ta quên, chỉ hỏi lại và nói “Em sẽ đánh giá cao nếu…” (Anh ta sẽ biết ngay là mình đã quên)

Anh ấy có thể đánh giá cao cô ấy hơn

Anh ta nói “Anh đã quên… Em có giận anh không?” Rồi để cô ấy nói và không kết tội cô ấy sai vì đã giận dữ. Khi cô ấy nói, cô ấy sẽ nhận ra là cô ấy đang được lắng nghe và rất nhanh, cô ấy sẽ đánh giá cao anh ấy.

3. Khi anh ta từ cái hang của mình trở về

Câu hỏi bóng gió của cô ấy

Khi anh ta từ hang trở về, vợ anh ta nói “Làm sao anh lại quá vô cảm và lạnh lùng như thế?” Hoặc “Anh mong đợi phản ứng của em như thế nào đây?” hoặc “Em phải làm thế nào đây để biết được điều gì đang diễn ra trong con người anh?”

Những gì mà anh ta nghe thấy

Thông điệp mà anh ta nghe thấy là “Không có lý do chính đáng nào cho việc anh tránh xa em. Anh thật là tàn nhẫn và không có tình yêu. Em đã chọn nhầm anh. Anh làm em đau đớn quá nhiều, nhiều hơn là em đã từng làm cho anh”.

Những gì anh ta giải thích

Khi anh ta từ hang trở về và cô ấy tức giận thì anh ta giải thích “Anh cần có thời gian cho riêng mình, chỉ có hai ngày thôi. Có vấn đề gì lớn đâu?” hoặc “Anh không làm gì có lỗi với em. Tại sao em lại quá tức giận như thế?”

Những điều cô ta nghe thấy

Những điều cô ta nghe thấy là: “Em không nên bị tổn thương hay cảm thấy như bị bỏ rơi, nếu em cảm thấy thế, anh chẳng thương hại em đâu. Em quá phụ thuộc và thích kiểm soát mọi việc. Anh sẽ làm những gì anh muốn, anh không quan tâm đến cảm xúc của em”.

Cô ấy có thể phản ứng như thế nào

Nếu điều này làm cô ấy tức giận, cô ấy sẽ nói “Em biết anh thỉnh thoảng muốn rời xa em nhưng điều này vẫn làm em đau đớn. Em không nói là anh sai nhưng điều quan trọng là em muốn anh hiểu được những gì em đang phải trải qua”.

Anh ta nên phản ứng ra sao

Anh ta nói “Anh hiểu rằng anh đi xa làm em đau đớn. Hẳn là em phải rất buồn phiền. Chúng ta hãy nói về những chuyện này” (Khi cô ấy cảm thấy được lắng nghe, cô ấy sẽ dễ dàng chấp nhận nhu cầu rời xa một thời gian của anh)

4. Khi anh ta làm cô ấy thất vọng

Câu hỏi bóng gió của cô ấy

Khi anh ta làm cô ấy thất vọng, cô ấy nói: “Sao anh có thể làm như vậy được?” hoặc “Sao anh không làm những gì anh định làm?” hoặc “Không phải anh nói là anh sẽ làm hay sao?” hoặc “Khi nào thì anh sẽ làm được điều này đây?”

Những gì mà anh ta nghe thấy

“Chẳng có lý do chính đáng nào để anh có thể làm em thất vọng. Anh là đồ đần độn. Anh chẳng làm được điều gì nên thân cả. Em không yên được đến khi anh chịu thay đổi”.

Những gì anh ta giải thích

Khi cô ấy thất vọng về anh ta thì anh ta giải thích “Em yêu, lần sau anh sẽ cố gắng làm đúng” hoặc “Đây không phải là một vấn đề lớn” hoặc “Nhưng anh không biết em muốn gì”.

Thông điệp mà cô ta nghe thấy là

Những điều cô ấy nghe thấy là “Nếu em buồn phiền thì đó là lỗi của em. Em nên linh hoạt hơn. Em không nên buồn phiền và anh không thương hại em đâu”

Cô ấy có thể phản ứng như thế nào

Nếu cô ấy tức giận, cô ấy sẽ nói “Em không muốn bị thất vọng. Em đã nghĩ là anh sẽ gọi điện cho em. Không vấn đề gì và em cần anh biết em cảm thấy thế nào khi anh…”

Anh ta nên phản ứng ra sao

Anh ta nói “Anh hiểu rằng anh đã làm em thất vọng. Chúng mình hãy nói chuyện về điều đó nhé… Em đã cảm thấy thế nào?” Hãy để cho cô ấy nói. Hãy cho cô ấy cơ hội để được lắng nghe. Cô ấy sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Sau một lát hãy nói với cô ấy: “Em cần anh làm gì để em thấy dễ chịu hơn?” hay “Anh có thể làm gì cho em bây giờ?”

5. Khi anh ta không tôn trọng những cảm xúc của cô ấy và làm cô ấy tổn thương

Câu hỏi bóng gió của cô ấy

Khi anh ta không tôn trọng tình cảm của cô ấy và làm tổn thương tình cảm của cô ấy, cô ấy sẽ nói “Làm sao anh có thể nói về điều đó như thế?” hoặc “Anh có thể đối xử với em theo cách này sao?” hoặc “Tại sao anh không nghe em nói?” hoặc “Thậm chí anh có quan tâm tới em nữa hay không?”

Những gì mà anh ta nghe thấy

Thông điệp mà anh ta nghe thấy là “Anh là một người tồi tệ và lạm dụng người khác. Anh không yêu em nhiều như em yêu anh. Em sẽ không bao giờ tha thứ cho anh điều đó. Anh nên bị trừng phạt và ra đi. Tất cả đều là lỗi của anh”

Những gì anh ta giải thích

Khi anh ta không tôn trọng tình cảm của cô ấy và thậm chí cô ấy còn tức giận nhiều hơn thì anh ta giải thích: “Nhìn này, anh không có ý đó” hoặc “Anh vẫn lắng nghe em nói đấy chứ và anh biết anh đang làm đúng” hoặc “Anh không phải không quan tâm đến em” hoặc “Anh có cười em đâu”.

Những điều cô ta nghe thấy

Những gì cô ta nghe là “Em không có quyền phàn nàn. Em đã làm mà không suy nghĩ bất cứ điều gì. Em đã quá nhạy cảm. Em có những sai lầm. Em là một gánh nặng”.

Cô ấy có thể phản ứng như thế nào

Cô ấy sẽ nói “Em không thích cách anh đang nói với em. Hãy dừng lại ngày” hoặc “Anh thật ích kỉ và em không chấp nhận điều đó. Em muốn có thời gian nghỉ ngơi” hay “Đây không phải là những gì em muốn có trong cuộc trò chuyện này. Chúng ta hãy bắt đầu lại” hoặc “Em không đáng bị đối xử như thế này. Em muốn có thời gian nghỉ ngơi” hay “Làm ơn lắng nghe em nói” (Một người đàn ông có thể đáp ứng tốt nhất với những lời yêu cầu ngắn gọn và trực tiếp. Những lời thuyết giảng hay câu hỏi chỉ thêm phản tác dụng).

Anh ta nên phản ứng ra sao

Anh ta sẽ nói “Anh xin lỗi, em không đáng bị đối xử như thế này”. Hãy thở sâu và lắng nghe phản ứng của cô ấy. Cô ấy có thể tiếp tục nói một số câu như “Anh chưa bao giờ nghe em nói”. Khi cô ấy tạm ngừng, hãy nói “Em đã đúng. Đôi khi anh đã không nghe em nói. Anh xin lỗi em, em không đáng bị đối xử như vậy… Hãy bắt đầu lại nhé. Lần này, chúng mình sẽ ổn hơn”. Bắt đầu một câu chuyện là cách tuyệt vời để không cho một cuộc cãi lộn leo thang. Nếu cô ấy không muốn nói chuyện thì đừng kết tội cô ấy. Hãy nhờ rằng, nếu bạn cho cô ấy quyền phiền muộn, cô ấy sẽ dễ dàng chấp nhận và ủng hộ bạn hơn.

6. Khi anh ta vội vã và cô ấy không thích điều đó Câu hỏi bóng gió của cô ấy

Cô ấy phàn nàn “Tại sao chúng ta lại luôn luôn vội vã như vậy?” hoặc “Tại sao anh lại luôn phải tới những nơi phức tạp như thế?”

Những gì mà anh ta nghe thấy

Thông điệp mà anh ta nghe thấy là “Chẳng có lý do chính đáng nào cho việc vội vã như thế này. Anh chẳng bao giờ làm cho em cảm thấy hạnh phúc. Không gì có thể làm anh thay đổi. Anh không có năng lực và không thèm quan tâm đến em”.

Những gì anh ta giải thích

Anh ta giải thích rằng “Điều đó không có gì xấu” hoặc “Đó là cách người ta thường làm” hoặc “Bây giờ chúng ta có gì để làm đâu” hoặc “Đừng lo lắng quá, mọi chuyện sẽ tốt đẹp thôi”.

Những điều cô ta nghe thấy

Những gì cô ta nghe là “Em không nên phàn nàn như thế. Em nên vui vì những gì em có và không nên tỏ ra là một người không vui và bất hạnh như vậy. Không có lý do chính đáng nào để phàn nàn, em đang làm cho mọi người chán nản.

Cô ấy có thể phản ứng như thế nào

Nếu cô ấy cảm thấy buồn phiền, cô ấy sẽ nói “Được rồi, đồng ý là chúng ta đang vội vã và em không thích điều đó. Em cảm thấy rằng lúc nào chúng ta cũng phải vội vã” hoặc “Em thích khi chúng ta không phải vội vã và em ghét khi chúng ta phải vội”. Hoặc “Em thực sự không thích điều này. Anh có muốn lập kế hoạch cho chuyến đi tới với 15 phút chuẩn bị không?”

Anh ta nên phản ứng ra sao

Anh ta sẽ nói “Anh cũng không thích điều đó, anh cũng ước gì chúng ta có thể chậm lại. Nó làm anh điên lên mất”. Trong ví dụ này anh ta có thể thông cảm với những cảm giác của cô ấy. Thậm chí anh ta có phần thích vội vã, thì anh ta vẫn có thể hỗ trợ một cách tốt nhất cho cô ấy trong lúc cô ấy đang chán nản bằng việc bày tỏ một cách trung thực là anh ta đang quan tâm đến sự chán nản của cô ấy.

7. Khi cô ấy cảm thấy bất lực trong cuộc nói chuyện

Câu hỏi bóng gió của cô ấy

Khi cô ấy cảm thấy không được ủng hộ hoặc bất lực trong một cuộc trò chuyện cô ấy sẽ nói “Tại sao anh lại nói như vậy?” Hoặc “Tại sao anh lại nói với em theo cách này?” hay “Tại sao anh không thèm quan tâm đến điều em đang nói?” hay “Làm sao anh có thể nói như vậy?”

Những gì mà anh ta nghe thấy

Thông điệp mà anh ta nghe thấy là: “Những gì anh ta nghe là: “Không có lý do chính đáng nào cho việc anh ta đối xử với em như thế này. Đó là bởi vì anh ta không còn yêu em nữa. Anh không quan tâm tới em. Em đã cho anh quá nhiều mà anh không cho lại em điều gì cả”.

Những gì mà anh ta giải thích

Anh ta giải thích rằng “Điều đó không có gì xấu” hoặc “Đó là cách người ta thường làm” hoặc “Bây giờ chúng ta có gì để làm đâu” hoặc “Đừng lo lắng quá, mọi chuyện sẽ tốt đẹp thôi”.

Những điều cô ta nghe thấy

Những điều cô ấy nghe là “Em không có quyền tức giận, em thật vô lý và nhầm lẫn. Anh biết cái gì là đúng và còn em thì không. Anh tốt hơn em. Em đã gây ra cuộc tranh cãi này, không phải là anh”.

Cô ấy có thể phản ứng như thế nào

Cô ấy sẽ nói “Em không thích những gì anh đang nói. Em có cảm giác như anh đang kết tội em vậy. Em không đáng bị như thế này. Hãy hiểu em” hoặc “Em vừa mới có một ngày vất vả. Em biết đây không phải là lỗi của anh tất cả. Và em cần anh hiểu những gì em đang trải qua, được không?” Hoặc cô ta có thể đơn giản bỏ qua những lời chỉ trích của anh ta và yêu cầu những gì mà cô ấy muốn, cô ấy sẽ nói “Em đang trong tâm trạng không tốt, anh có thể lắng nghe em một chút được không? Nó sẽ giúp em cảm thấy tốt hơn” (Một người đàn ông rất cần sự khuyến khích để lắng nghe).

Anh ta nên phản ứng ra sao

Anh ta nói “Anh xin lỗi đã làm em khó chịu. Em có nghe anh đang nói gì không?”. Bằng việc để cô ấy có cơ hội suy nghĩ lại những gì cô ấy nghe, sau đó anh ta lại có thể nói tiếp: “Anh xin lỗi, anh hiểu tại sao em không thích điều đó”. Rồi hoàn toàn im lặng. Đây là lúc chống lại sự cám dỗ muốn giải thích cho cô ấy rằng cô ấy đã hiểu lầm những gì bạn nói. Một lần nữa nỗi đau này cần được nghe để làm cho nó được dịu bớt đi (Những lời giải thích hữu ích chỉ sau khi nỗi đau được dịu bớt với sự công nhận và quan tâm thấu hiểu).

GIÚP NHAU TRONG NHỮNG LÚC KHÓ KHĂN

Bất kì mối quan hệ nào cũng gặp phải những lúc khó khăn, chúng có thể xảy ra vì nhiều lý do khác nhau như: mất việc, người thân chết, ốm đau, không có đủ thời gian để nghỉ ngơi. Vào những lúc khó khăn này, điều quan trọng nhất là hãy cố gắng trò chuyện với một thái độ yêu thương chân thành và ủng hộ. Thêm vào đó, chúng ta phải chấp nhận và hiểu rằng: chúng ta và người bạn đời của chúng ta không phải lúc nào cũng được hoàn hảo. Khi học cách giao tiếp có hiệu quả trong tình huống đáng thất vọng nho nhỏ trong một mối quan hệ, bạn sẽ dễ dàng hơn để giải quyết những thách thức lớn hơn khi chúng xảy ra bất ngờ. Trong mỗi ví dụ trên đây tôi đã đặt người phụ nữ trong vai trò phiền muộn đối với người đàn ông vì những gì anh ta đã làm hoặc không làm. Tất nhiên người đàn ông cũng có thể tức giận với người phụ nữ và bất kỳ những gợi ý nào của tôi được liệt kê đều áp dụng bình đẳng cho cả hai phái. Nếu bạn đang ở trong một mối quan hệ như vậy, hãy yêu cầu người bạn đời của mình xem anh ta hoặc cô ta sẽ phản ứng với những gợi ý được liệt kê ở trên như thế nào là một bài học hữu ích.

Khi bạn không tức giận với người bạn đời, hãy giành thời thời gian để khám phá những lời nói nào có tác động nhất đối với họ và hãy chia sẽ những điều gì tốt nhất với bạn. Hãy làm theo một vài “những lời nói được đồng ý và đã được sắp xếp trước” phía trên, nó có thể sẽ rất hữu ích để trung hòa tình trạng căng thẳng khi mâu thuẫn tăng lên.

Cũng như vậy, hãy nhớ rằng không thành vấn đề sự lựa chọn lời nói của bạn đúng đắn như thế nào, cảm giác sau lời nói đó mới có ý nghĩa quan trọng nhất. Thậm chí nếu bạn dùng từ chính xác những cụm từ đã được liệt kê trên đây mà người bạn đời của bạn vẫn không cảm nhận được tình yêu, sự chấp nhận và sự ủng hộ của bạn thì sự căng thẳng sẽ tiếp tục tăng lên. Như tôi đã đề cập trước đó, đôi khi cách giải quyết tốt nhất để tránh mâu thuẫn là để cho sự việc tiếp tục diễn ra và chờ đợi. Mất một thời gian để tự suy nghĩ để rồi sau đó bạn có thể quay trở lại với nhau với sự cảm thông, chấp nhận, đánh giá cao và ủng hộ hơn.

Ban đầu việc tạo ra những cơ hội này có thể làm bạn cảm thấy lúng túng hoặc thậm chí có thể bị lôi cuốn. Nhiều người suy nghĩ rằng “Yêu là nói thẳng nói thật”. Tuy nhiên, sự tiếp cận quá trực tiếp này sẽ làm cho người nghe có cảm giác không đáng tin cậy. Một người vẫn có thể được coi là trung thực khi nói về tình cảm của mình với một phong cách cẩn thận và tự tin hơn. Sau một thời gian, bạn sẽ trở nên chủ động hơn.

Nếu như hiện tại bạn đang trong một mối quan hệ và người bạn đời của bạn đang cố gắng áp dụng một số gợi ý trên hãy nhớ rằng họ đang cố gắng để có sự hỗ trợ tốt hơn. Thoạt tiên, sự diễn đạt của họ có thể dường như không tự nhiên và còn có vẻ giả dối. Không thể thay đổi điều kiện sống trong một sớm một chiều. Hãy cẩn thận khi đánh giá từng bước đi của họ: nếu không họ sẽ từ bỏ rất nhanh.

TRÁNH NHỮNG CUỘC TRANH CÃI THÔNG QUA GIAO TIẾP THÂN MẬT

Những cuộc tranh cãi và những mối bất hòa dễ gây tổn thương có thể tránh được nếu chúng ta hiểu được những gì mà người bạn đời của mình cần và hãy nhớ thực hiện nó. Câu chuyện sau đây minh họa cho khi một người phụ nữ trò chuyện trực tiếp về tình cảm của mình và người đàn ông công nhận tình cảm này như thế nào thì cuộc cãi vã sẽ tránh được.

Tôi nhớ rằng đã có lần rời nhà đi nghỉ mát với vợ tôi. Khi chúng tôi xuống xe và có thể nghỉ ngơi sau một tuần bận rộn, tôi mong đợi Bonnie cảm thấy hạnh phúc và chúng tôi sẽ có được chuyến nghỉ mát tuyệt vời. Thay vào đó cô ấy lại thở dài và nói: “Em cảm thấy cuộc đời mình như một cuộc tra tấn dai dẳng, đau đớn”.

Tôi im lặng và nén một tiếng thở dài và đáp lại “Anh biết em định nói gì. Anh cũng cảm thấy như thể người ta đang ép từng giọt sức sống ra khỏi người anh”. Khi tôi nói ra điều này, tôi làm động tác như người ta vắt nước ra khỏi một tấm thảm.

Bonnie gật đầu đồng ý với sự ngạc nhiên của tôi, đột nhiên cô ấy mỉm cười và chuyển chủ đề. Cô ấy bắt đầu nói về việc cô ấy cảm thấy thú vị như thế nào trong chuyến đi này. Cách đây sáu năm, điều này sẽ không thể xảy ra. Chúng tôi sẽ cãi vã và tôi sẽ đổ hết lỗi lên đầu cô ấy.

Tôi sẽ tức giận khi cô ấy nói cuộc đời cô ấy như một chuỗi ngày tra tấn dai dẳng. Tôi sẽ vơ tất cả vào mình và có cảm giác như cô ấy đang phàn nàn về tôi. Tôi sẽ biện hộ và giải thích rằng cuộc đời của chúng tôi không giống như một cuộc tra tấn và cô ấy nên vui vì chúng tôi đang có một chuyến đi tuyệt vời đến như vậy. Sau đó, chúng tôi sẽ cãi nhau và sẽ có một chuyến đi tra tấn dai dẳng. Tất cả điều này sẽ xảy ra vì tôi đã không hiểu và hạ thấp cảm giác của cô ấy.

Lần này, tôi đã hiểu rằng là cô ấy chỉ đang bày tỏ một cảm xúc thoáng qua. Đó không phải là lời bình luận về tôi. Vì tôi hiểu điều này nên tôi không cố tự vệ. Nhờ những lời bình luận của tôi về cuộc sống nói chung, cô ấy cảm thấy được đánh giá cao. Đáp lại, cô ấy sẽ chấp nhận tôi và tôi đã cảm thấy tình yêu, sự chấp nhận và sự tán thành của cô ấy. Bởi vì tôi đã học để đánh giá cao những cảm xúc của cô ấy, cô ấy đã có được tình yêu mà cô ấy xứng đáng được hưởng. Và chúng tôi đã không cãi nhau.