Nơi dì Biên dẫn cô tới sáng nay là ngôi đình khá cũ kỹ nằm trong một khuôn viên đầy cây cao bóng rợp và những băng ghế đá rải rác. Kiến trúc xưa cũ với những mái cong kiểu cổ phủ rêu xanh, ngôi đình đã chịu nhiều dấu ấn của thời gian nên những chạm trổ rồng phục bên ngoài như mờ nhạt hẳn đi. Bên trong đình những hàng chữ Hán nổi trên cột kèo vẫn còn rõ ràng. Các bức tượng thờ trên bệ vẫn bình lặng hiền hoà qua màn hương khói.
Khách vào đình khá đông nhưng dường như không khí trang nghiêm làm ai nấy cũng khẽ khàng, gượng nhẹ. Đây đó chỉ có tiếng lắc xăm xanh xách, tiếng lầm bầm khấn nguyện mà thôi. Khói nhang trầm làm Thuý An ho sặc mấy cái, cô ra ngoài và thơ thẩn gần tốp khách du lịch dưới tán cây bồ đề trong sân để nghe anh chàng hướng dẫn viên thao thao công trạng của ông Đốc học, người được dân xứ này mến phục nhớ ơn và lập đình thờ.
Tích xưa rất hấp dẫn nhưng anh chàng hướng dẫn viên nói bằng cái giọng khoa trương quá nên Thuý An mất cả hứng.
Cô thong dong đến tựa lưng vào một cây sứ trắng ngắm cảnh vật và nghĩ lan man.
Sáng nay dì Năm đã đi rồi, đi từ sớm. Dì vừa đi, ngoại liền hối dì Biên và Thuý An vào đình cúng nhang và xin lễ cầu an.
Thuý An biết dì Năm chỉ mới 5, 6 ngày. Dì ít nói nhưng hiền hậu nên cô cũng mến. Lúc dì xách túi hành lý ra cổng cô cũng thấy buồn buồn.
Vậy là bây giờ ở nhà, ngoài cô ra chỉ còn có ngoại và dì Biên mà thôi. Ra vào chỉ có vỏn vẹn mấy người chắc là trống trải và buồn hơn.
Đang lơ đãng nghĩ ngợi thì một cái vỗ nhẹ vào vai làm Thuý An giật mình quay lại. Hai Quang đang đứng ở sau lưng cô.
Thuý An hơi nhăn mặt:
− Anh làm tôi hết hồn. Hình như anh thường xuất hiện thình lình thì phải, lần nào cũng thật bất ngờ
− Vậy à?
Hai Quang khẽ cười. Thuý An cũng im lặng. Cô sực nhớ tới lời dặn dò của dì Biên hôm qua. Liếc nhìn anh, cô tò mò:
− Anh cũng đi cúng? – Cô hỏi qua loa.
Hai Quang lắc đầu hỏi ngược lại:
− Em đã tham qua hết chưa? Sao lại thơ thẩn ở đây?
− Sơ sơ thôi – Cô mỉm cười – Em bị sặc khói nên ra đây thở một chút
− Dì Biên đâu rồi? – Hai Quang hỏi như thuận miệng:
− Dạ dì đem nhang và gạo vào trong rồi. Ở trỏng đông lắm.
Hai Quang nhìn bâng quơ những du khách túm tụm bên gốc bồ đề rồi buông giọng:
− Đi một vòng không?
− Đi đâu?
− Loanh quanh ở đây chơi trong khi chờ dì Biên ra.
Cô nhìn anh phân vân. Lời mời ngắn gọn lửng lơ nhưng không tệ như hôm qua. Đứng ở đây cũng chẳng làm gì. Dì Biên xin lễ cầu an có lẽ cũng khá lâu
− Sao em ngại à?
− Ngại gì đâu – cô cười
− Vậy thì đi.
Hai Quang đi trước mấy bước rồi ngoái lại như chờ đợi. Thuý An mỉm cười, cô bước theo anh. Hai Quang đưa cô đi một vòng qua cây bồ đề ra khỏi khoảng sân lát gạch tàu cũ kỹ.
Cảnh vật ở đây hơi hoang tàn một chút, dường như ít được chăm sóc. cuối sân chỉ có một gốc thiên tuế già cỗi xoè những cành lá sắc xanh rờn và cứng cỏi. Xung quanh nó, ngoài những đám cỏ dại rạp mình như phủ phục và những chấm hoa dại điểm tô, không còn cây gì khác. Khung cảnh ấy làm gốc thiên tuế như bệ vệ vươn xoè tự do và kiêu hãnh hơn.
Thuý An không nhịn được phải hỏi:
− Cây này chắc được trồng cả trăm năm? Nó đẹp quá.
Hai Quang gật đầu:
− Nó được học trò ông Đốc đem từ Qui Nhơn vào lúc bắt đầu xây đình. Trải qua bao nhiêu năm, bao nhiêu thăng trầm, các loại cây cối cùng thời với nó bị đốn bỏ, bị trốc gốc, chỉ có nó trụ mãi đến bây giờ.
Thuý An gật gù:
− Thiên tuế tượng trưng cho sự vĩnh cửu mà. hèn gì mà dáng vóc của nó có một vẻ ngạo nghễ đặc biệt quá.
Hai Quang nhìn cô nhưng không nói gì.
Rời gốc thiên tuế 2 người qua một khu đất trồng rải rác mấy cây sứ trắng, hồng. Hoa nở đẹp đưa mùi hương ngọt như kẹo thoang thoảng trong không gian. Chỉ tay vào ngôi nhà ngói nhỏ bên tay phải, Hai Quang nói:
− Đó là mặt sau của hậu viện, dì Biên của em chắc còn đang ở trong đó.
Thuý An ngắm phần hậu viện rồi tò mò hỏi:
− Mấy cái lu nước kia sao nhỏ quá, anh Quang?
Hai Quang nhìn theo tay cô, anh mỉm cười:
− Đó không phải là lu đựng nước đâu. Nó dùng để làm chao và muối dưa:
− Làm chao? Ở đây làm chao bán à?
Hai Quang lại ngó cô:
− Sao lại bán? Nhà chùa làm tương, chao để dùng mà.
Thuý An ngớ người ra. Tương chao, dưa muối gì mà cả lu như vậy? cái đình này chắc phải nhiều người lắm
− Em chưa đi tham quan chùa chiền lần nào à? - Hai Quang hỏi khi thấy vẻ ngô ngố của cô.
Thuý An cười bối rối:
− Đi cúng chùa thì cũng có một vài lần, nhưng thường mẹ An chỉ mua nhang đèn, trái cây vào cúng rồi về chứ không vào hậu viện như vầy. Không ngờ ở trong chùa lại làm tương chao nhiều thế.
Hai Quang đột ngột quay đi, anh không nói gì nữa. Thuý An nhìn theo. Cô không quá lạ lùng như hôm qua nữa. Có lẽ cô đã thấy quen với tính khí thất thường của anh rồi thì phải. Theo nhận xét khơi khơi của cô, anh ít nói, hơi ngạo mạn, khó hiểu nhưng có lẽ cũng khá tốt bụng. Còn cô từ xưa đến nay chỉ cần không đạo mạo, không quá khó chịu là cô có thể kết thân được rồi.
Vòng qua hậu viện, một hàng cây phượng đang trổ hoa hiện ra thật rực rỡ phía trước làm Thuý An muốn nín thở vì bất ngờ:
− Đẹp quá, trời ơi – Cô kêu lên.
Nhanh chân vượt qua Hai Quang, cô băng lên trước như bị hàng cây rực hoa đỏ thu hút
− Tôi không định dẫn em lại đây, không ngờ em thích phượng đến vậy.
Mắt cô mải mê dán lên đám màu sắc sặc sỡ ấy, cô lẩm bẩm như không nghe anh nói gì:
− Nhiều hoa quá. Chưa bao giờ An thấy nhiều hoa phượng như vậy. Hết hè rồi mà.
Đến dưới gốc phượng đầu tiên, Hai Quang vỗ nhẹ vào thân cây:
− Hàng phượng này mùa hè nào cũng rực rỡ như vậy và rồi lâu mới tàn.
Thuý An tấm tắc:
− Anh Quang hay thật, biết chỗ này. Đây vẫn còn thuộc Đình Ông Đốc mà sao không thấy người ta dẫn du khách vào tham quan?
− Ở đây là mé sau. Có lẽ người ta thấy hàng phượng này cũng không đặc sắc nên không dẫn khách vào đây. Cũng tốt. Vì chỗ này tôi thích nhất, họ mà chú ý đến thì nó không còn yên tĩnh nữa.
Thuý An ngước mắt ngắm từng tán hoa đây đó rồi lại nhẩm dếm xem có mấy cây tất cả. Dựa lưng vào thân cây, Hai Quang nhìn vô một lúc rồi chợt hỏi:
− Em còn đi học không?
Câu hỏi làm Thuý An ngẩn người. Ngưng ngước mặt ngắm hoa, cô quay lại bần thần nhìn anh rồi lại lựng khựng nhìn lên cao như tránh né câu trả lời.
Màu hoa phượng quen thuộc mới vừa dâng trong cô một cảm xúc bồi hồi say sưa thì bây giờ sao lại lắng dịu để trở thành cảm giác gì đó như ngậm ngùi. Cô cụp mắt xuống. Với cô, màu hoa giờ sao gay gắt, chói mắt quá
− Tôi hỏi không đúng lúc à? – Đam đăm nhìn cô, Hai Quang dịu giọng.
Thuý An cười gượng gạo:
− Không phải
− Em còn trẻ quá, tôi đoán là em chưa học xong trung học.
Thuý An bặm môi im lặng. Thấy cô không muốn trả lời, Hai Quang cũng không hỏi thêm.
Có một đóa phượng rơi nhẹ xuống đất, Thuý An cuối người nhặt lên. Những cánh phượng và nhị hầu như còn nguyên. Cô ngắm nghía mấy chiếc cánh có vân trắng ngoằn nghoèo rồi buột miệng:
− Hồi nhỏ An thích ép hình bướm bằng hoa phượng vào tập lắm.
Hai Quang thoáng nhìn cô nhưng vẫn lặng im. Giọng cô như vương đầy luyến tiếc:
− Có mấy anh An quen ở lớp trên chỉ cho An cách ép hoa phượng, hoa giấy, lá thuộc bài thành hình bướm, hình phượng hoàng. An thường được bạn bè nài xin vì hình rất đẹp.
Thuý An mỉm một nụ như tự cười mình:
− Lên lớp 12 bớt mơ mộng ngây ngô một chút nhưng an vẫn ép 2 con bướm rất đẹp trong cuốn lưu bút. Một con có cặp cánh cũng có vân trắng thật lạ như cánh hoa này, còn một con màu hồng đều trông hiền hơn. Chúng như một đôi vậy.
Hai Quang tựa lưng vào một thân cây phượng. Anh lắng nghe cô một cách tôn trọng:
− Mấy anh bạn An chỉ cách xịt keo để cánh hoa cứng hơn, bền hơn nhưng An không thích làm vậy. Cánh hoa cũng như cánh bướm, mỏng manh, mềm mại trông thật hơn. Cũng lạ, người ta hay mong muốn và ước mong sự bền vững
− Như vậy không tốt sao? – Quang nhẹ giọng hỏi.
Thuý An so vai:
− Dĩ nhiên cũng tốt nhưng chuyện đời đâu có tuyệt đối. An thấy quan trọng là cái mình có được, đạt được là thật nhất, đáng nhớ nhất, không gì so sánh được, không gì thay thế được. Khi đó phạm trù bền vững trở thanh không cần thiết nữa.
Quang cười nhạt:
− Em đọc được điều này ở đâu?
− Có đọc được ở đâu đâu, em tự nghĩ vậy đó
− Tự nghĩ? – Quang nhại giọng cô - Miễn là đáng nhớ nhất, thật nhất chứ không cần chuyện bền vững? Ở tuổi em bàn về vấn đề này như vậy có già dặn quá không?
− Tuổi? – Cô ngớ ra - Tuổi tác thì dính gì vào đây?
− Sao lại không dính dáng. Em bao nhiêu tuổi?
− 18.
Quang nheo mắt như đánh giá:
− 18? hay thật! Chỉ 18 thôi mà đã luận về tình yêu một cách già dặn và hiện đại như vậy à?
Thuý An trố mắt nhìn anh một cách kinh ngạc:
− Anh Quang nói gì vậy? Gì mà… tình yêu? Yêu đương gì ở đây? An đang nói về tuổi học trò mà?
Tới phiên Quang ngẩn người. Thuý An nhìn kỹ mặt anh rồi cô phá lên cười nắc nẻ:
− Trời ạ, thì ra nãy giờ ông nói gà, bà nói vịt.
Giơ một ngón tay, cô phân bua ngắt quãng trong tiếng cười:
− Nhưng cái này không phải lỗi của An nhé. An đang nói chuyện … con bướm ép trong lưu bút, đang nói về chuyện bọn An bỏ thời gian o bế giữ gìn những kỹ vật tuổi học trò sao cho bền lâu. Có vậy thôi mà anh Quang lại nghĩ xa đi đâu tới hàng ngàn cây số. Mắc cười quá.
Cô lại sặc lên cười, tiếng cười giòn tan.
Hai Quang nhìn Thuý An một lúc rồi anh cũng đành phì cười.
Tếu thật! Đúng là lỗi của anh rồi. Cô trẻ con quá, trẻ hơn cả cái tuổi 18, vậy mà anh cứ bị ám ảnh chuyện người lớn để rồi vận vào cô.
Khi cả anh và cô ngớt cơn cười, anh nghiêm mặt nhìn cô rồi hắng giọng:
− Xin lỗi em.
Thuý An phẩy tay cười:
− Không sao. Thật ra chuyện đối thoại lạc quẻ kiểu này An bị hoài. Anh Quang không biết đó thôi, An có tật hay nói lung tung, hay suy diễn, nhiều lúc nói hăng say không mạch lạc, bị bạn bè hiểu sai hết.
Cô hít một hơi thở dài rồi nhìn anh cười:
− An bô lô ba la toàn chuyện không đâu, chắc anh Quang nghe oải lắm.
Hai Quang lắc đầu:
− Đâu có. Em thành thật, vô tư, trò chuyện với em rất thích. Tôi chắc là ở thành phố em có rất nhiều bạn.
Thuý An gật đầu khoe ngay:
− Anh Quang nói đúng quá. An có nhiều bạn lắm. Bạn của An lại có nhiều nhóm khác nhau. An không đi với nhóm này thì đi với nhóm khác, vui lắm
− Sao lại nhiều nhóm khác nhau? – Hai Quang thắc mắc.
Thuý An giải thích:
− Vì mỗi nhóm bạn lại hợp ý, hoà đồng một sở thích khác nhau. Ví dụ như nhóm khoái dạo phố và ăn vặt, có nhóm thích đọc sách, có nhóm mê dân ca, có nhóm tôn sùng pop-rock.
Hai Quang gật đầu hiểu ra:
− Vậy thì em thích hết các thứ đó?
− Đúng rồi, An thích hết các thứ giải trí và đam mê đó. Còn mấy nhóm bạn của An thì không ưa sở thích của nhau – Cô cười – Người khác trêu An là kết bạn bè hỗn tạp, nhí nhố, nhưng An thấy đây có gì đâu. Nhóm bạn nào cũng dễ thương, chơi chung vui lắm.
Thấy anh gật gù, cô hỏi lại:
− Còn anh Quang? anh có nhiều bạn không? Bạn thân kiểu như An đó?
− Tôi à?
Câu hỏi đột ngột của cô làm anh ngẫm nghĩ mât một lúc rồi thú nhận trong sự ngạc nhiên của chính mình:
− Hình như … tôi không có bạn thân thì phải.
Thuý An lỏ mắt:
− Anh không có bạn hàng xóm, bạn học chung, bạn quen biết hoặc làm việc chung à? Anh không hợp sở thích với ai sao?
− Không. Miễn cưỡng lắm thì cũng có một cô bạn tương đối thân thôi. Nhưng cũng không hợp sở thích lắm.
Thuý An tò mò nhìn anh rồi tủm tỉm cười. Hèn gì mà anh ít nói. Bộ dáng không cởi mở và còn hơi lầm lì của anh chắc làm nhiều người không thích rồi.
Chẳng bù cho cô chút nào, Thuý An thầm nghĩ. Điều anh Liêm, chị Diễm thường hay la mắng cô cũng đâu đúng lắm. Có bạn bè, có nhiều người quý mến mình xem ra vẫn thích hơn không kết bạn bè. Sống mà không giao tiếp, không bạn bè thân như cái anh chàng Quang này hoặc như ngoại, như dì Năm buồn lắm.
Hít hít cánh phựong với cái mùi hăng hăng quen thuộc ấy vài cái, cô lượm thêm vài cánh còn tươi trên nền đất rồi bỏ luôn vào túi áo định bụng sẽ về làm một con bướm tặng người bạn mới quen của mình. Có cái gì đó trong túi áo cô thuận tay lôi ra:
− Gì vậy? - Hai Quang hỏi khi thấy cô vừa ngó mảnh giấy nhỏ trên tay vừa cười một mình
− Lá xăm An mới xin được:
− Em cũng xin xăm à?
Thuý An cười hì hì:
− Dì Biên bày An xin. Lắc xong rồi xổ tung ống xăm cả mấy lần, cuối cùng cũng xin được mà không phạm quy, có chữ Hán, chữ Việt nhưng An xem cũng chả hiểu gì hết
− Trong đó có người giải mà? Sao em không đưa bác từ giải dùm?
− Người ta xúm quanh ông ấy đông lắm.
Hai Quang ngắm vẻ mặt cô rồi hỏi:
− Có muốn tôi xem thử giúp em không?
− Xem cái gì ạ? – Thuý An ngạc nhiên:
− Ý tôi là em có muốn tôi giải giúp em không?
Thuý An nhìn anh nghi ngờ:
− Anh biết giải quẻ xăm nữa à?
Quang nhếch môi cười không nói gì. Thuý An ngần ngừ rồi chắt lưỡi chìa mảnh giấy hình chữ nhật nhỏ xíu:
− Nếu vậy thì … giải thử giùm An đi.
Quang cầm mảnh giấy cô đưa, nhìn thoáng qua rồi gật đầu nói:
− Em xin được quẻ Trung. Quẻ này không xấu cũng không tốt. Mấy câu thơ này ngụ ý nói chuyện buồn phiền rồi cũng qua đi. Ước vọng hạnh phúc tưởng trong tầm tay nhưng không dễ gặt hái. Phải qua đoạn đường trúc trắc, nhọc nhằn mà lại lắm ngã rẽ. Cần kiên nhẫn và đủ nghị lực mới vượt qua được.
Thuý An dỏng tai nghe hết những lời giảng mơ hồ kia. Chà, nói vậy là sao nhỉ? Cứ như lời an ủi hay khuyên nhủ ai vậy. Mà cô thì có bí lối gì đâu mà cần khuyên nhủ? Cô cầm miếng giấy, ngờ ngợ hỏi:
− Trong đây … nói vậy thật à?
− Đại khái là vậy, tôi chỉ diễn giải ra thôi.
Thấy cô ngấm ngầm trề môi, Quang bực dọc:
− Có gì à? Không tin tôi nói thật? Vốn chữ Hán của tôi không nhiều nhưng từ thuở nhỏ tôi ăn dầm nằm dề ở đây. Những là xăm đó tôi thường sao phụ bác từ. Những gì thuộc về đình này tôi đều biết rõ, biết còn hơn nhà mình nữa.
Thuý An vội xua tay:
− Không phải, tôi đâu có nghĩ anh dịch sai đâu, chỉ là… tôi thấy….
Ngó 4 câu thơ tứ tuyệt bằng chữ Hán rồi ngó lại mấy câu tiếng Việt cũng không đâu ra đâu, cô ngập ngừng với thắc mắc của mình:
− Tại tôi thấy lời xăm sao có vẻ mông lung mơ hồ quá.
Quang dịu giọng:
− Xăm cũng là một dạng tiên đoán tương lai, không đúng 100% đâu. Xã hội này bao nhiêu là người. Mỗi người một cảnh đời, một gút mắc khác nhau. Chỉ có 100 lá xăm, làm sao đại diện tỉ mỉ cho hàng ngàn, hàng vạn cảnh đời được. Đúng được tương đối là hay rồi, tin hay không tuỳ mình.
Ừ nhỉ! Thuý An ngẩn ra nhớ lại những điều diễn giải của anh khi nãy. Đúng rồi, tuy chỉ chung chung mơ hồ nhưng cũng hơi khớp với trường hợp của cô đó chứ
− Hồi nãy anh nói An muốn đạt được hạnh phúc hay ước vọng gì đó phải kiên trì và cố gắng à?
Anh gật đầu. Thuý An ngiền ngẫm rồi chắt lưỡi:
− Quẻ xăm này không biết có linh nghiệm không.
Thấy anh nhướng mày thắc mắc, cô chép miệng nói:
− An thật tình cũng đang có một ước vọng nhưng… chắc khó mà thực hiện được
− Mộng ước cao lắm sao mà sợ không thực hiện được?
Thuý An lắc đầu:
− Trái lại, mong ước của An rồi tầm thường.
Quang cười:
− Tầm thường à? Để tôi đoán nhé. Mong ước năm sau thi đậu đại học phải không?
Thuý An trợn mắt nhìn Quang:
− Anh … sao anh Quang nói như thầy bói vậy? Sao anh biết?
Quang lắc đầu đầu cười:
− Đơn giản là suy đoán thôi. Hồi nãy chính em thú nhận là mình 18 tuổi. Thấy hoa phượng tươi là mặt mày bí xị, tôi đoán đại vậy thôi. Không ngờ em rớt thật.
Nhìn gương mặt mà anh bảo là bí xị, anh hất hàm:
− Thi mấy trường mà rớt?
− Hai
− Rớt hết hai à?
Cô ỉu xỉu gật đầu. Sao hơn một tháng rồi mà sự xấu hổ khi phải nhắc lại chuyện này vẫn còn nguyên vậy không biết.
Ngắm những cánh hoa phượng rụng trên sân, Quang buột miệng:
− Hai trường em không thèm vào học là trường gì vậy?
Anh dùng chữ “không thèm” làm cô phì cười:
− Khoa Nha trường Y và Kinh tế thương mại. Đừng nói An không thèm học. Là một đứa dở như An không lọt được vào kỳ thi tuyển thôi
− Vậy nếy thời gian quay trở lại để em lựa chọn lần nữa, em có cố gắng để thi mấy trường đó không?
Thuý An nín lặng, cô lựng khựng hồi lâu để rồi hạ giọng ỉu xìu:
− Thật ra An hơi ớn cái nghề mó máy vô miệng người ta, cũng ngán người ta công việc tính toán, kinh doanh. Có đậu … chắc cũng khó mà học vô. Bởi vậy em chỉ muốn….
Thành thật ghê, Hai Quang tủm tỉm:
− Vậy em thích làm gì?
Thuý An nháy mắt đùa:
− Thích không làm gì hết. Cái này là bí mật. Nói anh Quang biết rủi không linh nghiệm sao?
Cô hắng giọng quay đi:
− Thôi không nói chuyện đó nữa. Anh Quang chưa biết tính An đó thôi, có nói anh cũng không hiểu. À, anh nói dẫn An đi tham quan mà, hết rồi sao?
Hai Quang mỉm cười:
− Tôi có nói dẫn em tham quan đâu, chỉ rủ đi một vòng thôi.
Quang chợt nhìn cô, ngần ngừ một lúc anh nói:
− Có một chỗ cũng có hoa cỏ như ý em thích, nhưng không phải ở đây.
Đến lượt cô ngó lại anh và sau một giây thì đoán ra:
− Anh muốn nhắc đến cái vườn hồng nhà anh à?
Quang gật đầu và nhấn mạnh:
− Lời mời thật tình đó.
Thuý An bật cười. Anh vẫn nhớ chuyện bị cô bắt lỗi hôm qua:
− Sao? Đi chứ?
Thuý An ngẫm nghĩ. Hôm qua đi chợ thị xã, hôm nay đi đình, nếu xin đi nữa thì không biết ngoại có cho đi không hay bị la. Ngoại không thích hàng xóm, không thích vườn hồng đang ăn nên làm ra của anh này. Vậy muốn tham quan cô phải viện lý do gì bây giờ?
Cô ngập ngừng hỏi:
− Nhà anh Quang ở đâu vậy?
− Sát bên nhà em – Hai Quang đáp nhanh.
Cô trố mắt ngạc nhiên:
− Anh Quang nói sát bên nhà ngoại An thật à?
− Sao lại không thật. Vườn của tôi giáp mé sau vườn nhà ngoại em.
Hèn gì mà dì Biên nói bên anh đông khách ồn ào. Thuý An chợt nghĩ ra, cô kêu lên:
− Ý anh nói…chỗ có cây hồng quân? Cây hồng quân thật to…
− Đúng rồi. Bờ rào hoa chuông và cây hồng quân là ranh giới, bên kia là vườn nhà tôi. Sao qua thử xem được chứ?
Thuý An ngần ngừ chỉ một giây. Máu phiêu lưu ngốc nghếch trỗi dậy là náo nức, cô ngẩng lên:
− Không biết An xin ngoại được không, nếu xin được thì chiều An qua, được không anh Quang.
Hai Quang cười, tia mắt sáng rực:
− Dĩ nhiên là được.
Thuý An nhìn đồng hồ:
− Không biết dì Biên đã xong chưa.
Hai Quang gật đầu:
− Có lẽ xong rồi đó. Vậy chia tay ở đây nhé. Hẹn em buổi chiều.
Thuý An dạ gọn trước khi trở ra sân đình đón dì Biên. Viễn cảnh sẽ được vui chơi ngắm ngó đây đó làm cô thích chí. Chân cô nước mau hơn.