Phủi tay đứng lên, một tiếng tằng hắng phía sau khiến anh quay lại. Cô gái mặc chiếc áo thun đỏ ôm sát người đang ngồi trên một tảng đá thấp tay chống cằm nhìn anh.
− Mới ghé hả Hương? – anh hỏi thay câu chào.
Cô gái tên Hương hứ một cái.
− Mới ghé? Em đứng sau lưng anh có 15 phút rồi đó. Có mấy chậu kiểng thôi mà anh cũng để hết tâm trí vô, chẳng biết gì tới xung quanh.
Quang cười, thản nhiên trước lời phàn nàn quen thuộc của cô:
− Hương ghé có chuyện gì à?
Anh nói khi nhấc túi đồ nghề đi trên con đường rải sỏi giữa những hàng cây kiểng. Phủi nhanh quần áo đứng lên và bước sau anh, Hương hơi lóng ngóng vì tê chân. Cô chép miệng nói to.
− Có người quen muốn mua cây giống.
Quang nhướng mày.
− Mua cây giống? Hương chỉ người ta được rồi, bỏ cả sạp hàng mà dẫn họ qua nữa à?
Cô nháy mắt cười.
− Ờ thì sẵn tiện đóng sạp ghé qua anh chơi luôn, ngồi hoài ở sạp hàng chán muốn chết.
− Chà vậy là Hương bắt đầu chán cái sạp hàng mỹ phẩm nữa rồi phải không?
Cô gật đầu ngay:
− Có anh Quang là hiểu Hương nhất. Anh nói đúng rồi đó. Mỹ phẩm bán ở chở khách không được bao nhiêu mà cũng có tới 4, 5 sạp. Muốn mướn người coi phụ mà bà em không cho, mệt muốn chết.
Quang phì cười:
− Đã không nhiều khách mà Hương còn đòi mướn người nữa thì lấy đâu lời.
Hương phân bua:
− Nhưng cả buổi chỉ có mình em canh hàng, vừa chán, vừa mệt. Ngồi hoài có nước mọc rễ luôn. Em đang muốn chuyển qua hùn với người ta mở quán cà phê nhạc đây.
Quang lắc đầu không nói. Hương là cô bạn học chung từ thời tiểu học. Cô bạn này ngoài cái tính ào ào bộc trực ra chẳng hề có chút chín chắn, nghiêm túc.
Nhà Hương ở bên thị xã. Gia đình dòng họ có mấy xưởng sấy trái cây, mấy đại lý bia, nước ngọt lớn, làm chủ luôn cả 2 tiệm vàng có tiếng. Khá giả nên có thể coi cô là tiểu thư miệt này.
Học chưa hết lớp 9 là bỏ trường lớp, cô lấy một ông chồng buôn bán vàng bạc ở tỉnh nhưng chưa đầy năm đã vác đơn li dị. Khi được hỏi về lý do, cô cũng chỉ nói được một câu: “Không hợp, chán”.
Gia đình dòng họ đông đúc, nhiều người có công ăn việc làm khá đều được ba cô gửi gắm con gái mình theo học nghề nhưng từng nghề từng người đều bị cô liệt vào danh sách “chán”của mình để bỏ ngang.
Ly hôn chỉ làm bên nhà chông giận dữ, làm gia đình buồn phiền. Còn cô, như tính vô tâm cố hữu, cô chả có vẻ gì đau đớn hay hụt hẫng. Về nhà chỉ mới hôm trước, hôm sau đã qua nhà thăm hỏi Quang.
Thị xã quá nhỏ bé so với lời xầm xì đàm tiếu về mối quan hệ bạn bè của 2 người. Tính cách không chịu trưởng thành và quá thoải mái của cô làm bà nội của anh lúc còn sống cũng rất khó chịu. Gần chục năm trôi qua rồi. Vậy mà cô vẫn còn nguyên cái tính vô tâm, ham vui và mau chán như xưa.
− Đi coi không anh Quang? – Hương hỏi khi theo anh bước vào vườm ươm.
− Coi cái gì? – Anh ngẩng lên.
− Thì coi chỗ mở quán của em đó. Ở bên thị xã.
− Bán quán cà phê à? Vậy còn sạp mỹ phẩm?
Hương cười khì đưa mắt nhìn những thợ ươm đang làm việc đây đó.
− Thì … sang lại cho người ta. Lỗ một chút nhưng kệ đi.
Cất túi đồ nghề vào cái kệ trong góc, Quang nói.
− Chuyện địa điểm mở quán anh không biết gì, không giúp được cho Hương đâu. Sao Hương không hỏi ý ở nhà?
− Ý kiến gì nữa, ba em ừ rồi.
− Vậy còn nhờ anh làm chi?
− Thì anh khách quan, lại hiểu biết nhiều, anh ngó qua thử chỗ đó ra sao có được không.
Cô nói một cách hăng hái:
− Anh biết không, nó là một cái quán bán cà phê hủ tiếu, rộng nhưng xập xệ lắm. Em định cho sửa sang lại, làm giống như cái mốt ở trên thành phố. Trang trí dây thừng với mặt nạ quái quái, bốn góc để 4 tivi mở nhạc rap, nhạc rock. Thanh niên thị xã bây giờ tân tiến lên là vừa. Quán của em hiện đại như vậy chắc nổi lắm.
Hai Quang cười.
− Hương mở quán muốn nổi bật hay muốn có khách? Đừng có bắt sóng thành phố mà đem về đây thử nghiệm nhé. Kinh doanh phải tính có lời mới được.
Hương nhún vai.
− Có gan làm giàu mà. Giống như anh vậy đó. Trong vòng mấy năm, vừa mua lại được hết đất đai ông bà ngày xưa, đã vậy còn nổi tiếng nữa. Gan thì em có thừa. Lại có vốn nữa, sợ gì?
Quang cười.
− Anh không biết rằng Hương cũng thích làm giàu đó chứ. Nhớ cách đây mấy tháng, lúc mới sang cái sạp bên chợ, Hương đã hí hửng phân tích cho anh nghe nào là Hương chỉ bán cho vui thôi, ra bán cho có việc làm vì mỹ phẩm là thứ hàng hóa sạch sẽ không hôi hám, dơ dáy, không sợ ruồi bu kiến đậu, không sợ mốc meo, không sợ ế ẩm hư hao.
Hương ngắt lời.
− Em nhớ chứ. Nhất là bán Mỹ phẩm thì khỏi tốn công học nghề. Nhưng làm cho vui thì ít nhất cũng huề vốn chứ cứ lỗ đều đều rồi còn mua nhắm mấy lô kem giả, người ta mua về rồi đổi, mắng vốn tùm lum, mất công phải cãi lộn. Em chán lắm, chuyển qua bán cà phê có lý hơn.
Rồi vườm ươm, Quang chỉ tay vào bộ bàn ghế gần đó mỉm cười.
− Nếu nói về lý thì chẳng ai nói qua Hương, phải không? Ngồi đi, để anh đi lấy nước.
− Em không uống nước đâu. Anh đi với em đi, qua thị xã uống cà phê, ngó qua cái quán đó luôn.
Quang cười lắc đầu.
− Cà phê anh đã uống từ sáng sớm. Anh không đi đâu.
Hương khựng lại nhìn anh.
− Gì kỳ vậy?
− Hôm nay có nhiều việc lắm.
Hương nhăn mặt.
− Lại nữa rồi. Hôm nay thứ 2, ít khách mà, anh đi vắng một buổi có gì đâu. Còn chuyện ươm cây, ươm giống gì đó thì sai thợ làm được rồi. Kéo cho anh một mối bán cây giống mà anh không nể mặt sao.
Quang cười, nhưng cái cười của anh là cái cười không lay chuyển được. Hương nằn nì bắt lỗi.
− Mất công qua đây rủ anh mà anh ù lì không đi. Hôm bữa anh đi đâu lên Sài gòn cũng không thèm rủ em một tiếng. Giờ mất công qua nhờ anh có chút chuyện, anh lại không đi, gì kỳ vậy?
− Kỳ gì đâu? Anh bận thật mà.
Hương hứ một cái.
− Bận cái gì mà bận. Lúc nào anh cũng chỉ có một lý do. Em ghét cái vườn hồng của anh quá. Càng có tiếng thì càng làm anh đổ hết công sức, thì giờ vô đó, muốn rủ đi đâu cũng khó khăn.
Tỉnh bơ trước lời trách móc xem chừng đã quá quen tai, Quang quay vào nhà. Hương nhăn mặt nhìn theo cái dáng đi lừng lững của Quang. Cô dứ dứ nắm đấm về phía đó. Chúi mũi vô công việc chẳng còn quan tâm tới ai.
Quang trở ra với chai nước ngọt. Anh ngồi xuống ghế đối diện. Hương im lặng một lúc rồi chuyển qua chuyện khác.
− À hôm bữa anh lên Sài gòn làm gì vậy?
− Công chuyện – Rót nước ngọt cho cô, Quang lơ đãng đáp.
Trả lời cũng như không, Hương trề môi. Cô liếc nhìn anh rồi gõ nhè nhẹ mấy ngón tay lên mặt bàn.
− Nghe nói hôm bữa ở Sài gòn về, anh còn làm người tốt việc tốt nữa.
− Muốn nói gì đây? – Quang có vẻ đề phòng.
Hương cười cười.
− Kể em nghe đi.
− Nhưng chuyện gì mới được?
Hương trợn mắt.
− Còn chuyện gì nữa. Em nghe được hết rồi đó. Hôm đó về nhà có mỏi xuội 2 tay không? Con nhỏ đó nặng bao nhiêu ký? Chắc cũng đẹp nên anh dẹp hết mọi chuyện gồng mình đem vô tận nhà.
Quang lắc đầu.
− Xứ này nhỏ xíu, cái gì cũng thành chuyện được, mệt thật.
Hương liếc nhìn anh.
− Em chỉ nghe người này người nọ qua thị xã kể loáng thoáng thôi.
Hơi chồm người lên bàn, cô hỏi.
− Chuyện hôm đó là sao vậy anh Quang? Bộ anh không biết người bị xỉu đó là cháu bà Ba Thông à?
− Không.
Hương nhìn anh, rồi cô nhỏ giọng.
− Vậy mà biết rồi anh cũng bồng tới tận nhà?
Hơi cau mày, Quang lặng thinh. Câu chuyện khơi gợi làm anh nhớ đến cô gái nhỏ nhắn hôm đó. Quả thật lúc lên đò anh đã chú ý đến vẻ bần thần khác lạ của ô. Cô gái còn trẻ, rất trẻ. Dáng cô ngồi đó có một vẻ gì rất thu hút dù khuôn mặt tái xanh và mệt mỏi, dù cô chỉ ngước mắt ơ hờ nhìn anh chì một lần.
Anh biết cô không phải là người xứ mình nhưng anh không đoán nổi cô là cháu gái bà Ba Thông. Và có nằm mơ anh cũng không tưởng được người đàn bà bồn chồn ngồi cạnh cô lại là bà Hạnh mà thuở nhỏ anh đã được nghe nhắc đến không biết bao nhiêu lần.
Cô gái nhỏ ấy lại là con gái bà Hạnh. Điều ấy làm anh bất ngờ suốt cả ngày hôm đó. Thật tấu xảo.
− Rồi lúc nhận ra người đem cháu gái bả vô nhà dùm là anh, bả có nói gì không?
Hương hắng giọng hỏi, Quang lắc đầu.
− Chắc là bả quê lắm. – Hương gặng hỏi - Bả có cám ơn anh không?
Quang lặng thinh không đáp. Hương vẫn tò mò.
− Còn bà Hạnh nữa, bả có biết anh là ai không? Lúc đó bả nói gì? Nghe nói bả về liền, chắc là bả….
Quang nhăn mặt đứng dậy, giọng anh lạnh lùng.
− Xin lỗi Hương, anh chẳng hứng thú gì về chuyện này. Nếu Hương ghé qua chỉ để nói chuyện tầm phào như vậy thì xin lỗi anh còn việc phải làm.
Hương chột dạ.
− Nhưng … anh Quang … tại Hương thấy….
Quang không muốn nghe tiếp, anh bỏ cô bạn lại bên ly nước mà đi trở lại nhà ươm hoa.
Loay hoay với lô hồng mới và mấy mầm lan vừa lai tạo với nhóm thợ cho đến trưa, lúc rảnh tay và nhớ ra, anh nhìn lại thì không thấy bóng Hương nữa. Nhún nhẹ vai, anh gọi nhóm thợ vào rửa tay ăn cơm.
Ở nhà ngang đã kê 2 cái bàn xếp với hàng ghế xung quanh. Thức ăn bày sẵn trên bàn với 2 thố cơm to.
Quang vuốt mớ tóc và gương mặt còn ướt nước của mình. Anh đến bên bé Hai, cậu nhóc mau mắn đưa cho anh cái mâm lớn được đậy cẩn thận bằng lồng bàn kèm theo một bịch giấy.
− Loại thuốc rê anh Quang dặn nè, em mua được rồi.
Quang gật đầu hối mọi người ăn cơm, còn mình bưng mâm đi về cuối vườn. nắng trưa gay gắt làm chút ẩm ướt trên da mặt anh cũng mau chóng khô đi. Con đường trải sỏi đã hết, anh đi luôn vào vườn cây rợp bóng.
Căn chòi lá nằm gần cuối vườn đã thấp thoáng trước mắt, anh bước vào, bên trong vắng tanh, cây đàn bầu còn treo trên vách. Quang hơi ngạc nhiên. Anh đặt mâm và bịch thuốc rê lên cái chỏng tre cũ rồi ra ngoài nhìn quanh. Phải đi dọc góc vườn thêm chút nữa, anh mới thấy chú mình.
Ông đang đứng gần cây hồng quân già, ngơ ngẩn nhìn đâu đó qua bớ rào hoa đỏ. Có tiếng ai đó nói líu ríu rồi tiếng cười trong vắt nghe lạ tai. Âm thanh chắc hẳn bên kia bờ rào. Quang nhíu mày bước nhanh lại.
− Chú Tư – Anh gọi.
Chú Tư không nghe thấy anh, ông như mải ngóng theo một âm thanh khác. Quang nheo mắt nhìn. Bờ rào với giàn hoa đỏ bao năm mọc um tùm chỉ cho anh thấy thấp thoáng bóng dáng người nào đó. Nhưng họ đã đi xa, tiếng cười nói líu ríu kia cũng nhỏ dần. Anh quay lại vịn tay chú.
− Chú Tư.
Bây giờ thì ông quay lại nhìn anh.
− Trời nắng quá, chú ra đây đứng làm gì?
Chú Tư lắc đầu.
− Không có gì.
− Tới giờ cơm rồi, về ăn thôi chú.
− Ừ, về.
Bước song song với chú, Quang gợi chuyện.
− Hôm nay bé Hai nấu cơm sớm. Chiều nay khách đông, bạn hàng mua cây giống cũng hẹn tới nên sợ không kịp.
Chú Tư gục gặc đầu không nói gì. Ông theo anh vào căn chòi lá. 2 chú cháu ngồi trên chiếc chõng cũ. Quang mở nắp lồng bàn. Món khoai sọ rau răm và món cá trê chiên nước mắm gừng.
Cũng như mọi ngày, món ăn chỉ hấp dẫn Quang. Anh ăn nhanh và nhiều. Khi đơm chén thứ 3, anh liếc nhìn chén cơm đầu vẫn còn quá nữa của ông chú mà ngao ngán. Chú cứ vậy hoài.
Giữa bữa chú Tư chợt ngẩng mặt ra ngoài rồi chép miệng.
− Cây bồ quân mùa này nhiều trái quá.
Câu nói làm Quang khựng lại. Anh nhíu mày nhìn ông. Chú Tư như không để ý đến anh, ông vẫn và cơm một cách uể oải.