Sở thích oái oăm của cô đã có lần bị anh Liêm phát giác, ông anh lập tức tố cáo cô em út ngay trong bữa cơm chiều. Thế là mọi người trong nhà đều nhìn cô bằng cặp mắt quái đản, cùng hỏi cô chỉ với một câu: “Khùng hả?”.
Hôm đó vô tình anh Liêm ngồi với bạn trong quán cà phê thì mưa đổ ập xuống bất ngờ. Những người đang đi trên đường đều nháo nhào tấp xe vô lề tìm chỗ trú. Cô và mấy đứa bạn cũng vậy, tấp ngay vào quán ổng đang ngồi. Ông anh cô lúc đó không thấy cô hay có thấy mà không kêu không chừng, bởi vì ổng ngại kêu em gái rồi còn đám bạn của nó thì sao? Phiền và hơi bị hao.
Đứng nhìn mưa một hồi thấy càng lúc mưa càng lớn, ào ào, mịt mù, trắng xoá. Đường phố vắng hoe ngoại trừ những chiếc taxi, xe tải hay xe hơi là không sợ ướt, còn hầu hết đều chen chúc đứng đầy hai bên lề đường, núp dưới những mái hiên chờ mưa tạnh. Đột nhiên cô nói với đám bạn:
− Đi đại đi!
Cả bọn nhao nhao lên:
− Điên sao? Mưa lớn như vậy mà đi?
− Trú một chút đi, ngớt mưa rồi về
− Có gì gấp đâu.
Thúy An kiểm tra lại quần áo, mừng vì hôm nay cô mặc quần jean với áo thun đen dày mo, có ướt cũng không ngại người ta dòm nên quyết định làm theo ý mình, loay hoay dắt xe đạp xuống đường
− Thôi, tụi bây ở đó chờ.
Lũ bạn lại ong óng:
− Mày có việc gấp hả?
− Không!
− Sao lại đi ngoài mưa?
− Tao thích.
Vừa ra khỏi chỗ trú là cô lập tức ướt như chuột ngay. Cô chậm chậm đạp xe, nước mưa ào ạt bao phủ lấy người cô, bên tai còn nghe văng vẳng tiếng càu ngàu của mấy đứa bạn:
− Con An này khùng rồi.
Cô đâu biết là anh Liêm cũng đang chưng hửng nhìn, để chiều về tố chi tiết. Ba là người thương cô nhất mà cũng chỉ nhăn mặt không hài lòng.
Kết quả là từ đó cô bị cấm tiệt không cho lội mưa ngoài đường nữa. Lý do là dầm mưa sẽ bị bệnh và quan trọng hơn là sợ cây đổ rớt trúng người.
Dạo này báo chí thường đang nhan nhản những tin nóng hổi về chuyện mưa gió làm cây trốc gốc, đè chết người đi đường, hoặc nhẹ thì cành cây rớt trúng thì cũng khổ. Những con đường thơ mộng “có lá me bay” hay những “cánh hoa dầu xoay tít bay bay” gì đó giờ chỉ còn lại trong văn chương thi phú thôi, chứ thực tế chúng đang là những mối nguy hiểm cho người thành phố trong mùa mưa gió.
Nhưng lệnh cấm là ở thành phố chứ ở đây thì ngoại … chưa cấm, chắc không sao. Chỉ có điều ở đây mưa thì đường đất sình lầy trơn trợt, không khéo là chụp ếch như chơi.
Thúy An nghĩ tới nghĩ lui không biết sẽ đi đâu chơi đây. Qua bên vườn hồng nhà Hai Quang? Lại vườn hồng! Hình như mấy ngày gần đây mình chỉ lẩn quẩn quanh cái vườn hồng này hay sao ấy! Thôi phải nghĩ ra chỗ khác chơi. Hay đến Đình chơi?
Ngoại và dì Năm đang nói chuyện gì đó có vẻ quan trọng nên Thúy An mon men xin phép thì được bà gật đầu cho ngay kèm lời dặn:
− Đội cái nón vô.
Hôm nay ở đình cũng đông người. Chẳng biết ngày gì. Đã cất công lên tới đây mà lại thấy có vẻ nhộn nhịp quá nên Thúy An không mấy hài lòng. Thay vì thắp nhang làm lễ, cầu xin gì đó thì cô lại tìm chỗ khác mà lủi.
Chợt thấy ai như ông Tư Sang đang đứng một mình cạnh những tảng đá bao quanh cái vũng nước nhỏ được người ta khéo léo sắp xếp thành hòn non bộ, Thúy An định mon men đến chào. Chưa kịp tới thì cô nghe tiếng người nói lớn:
− Chú Tư!
Ông Tư quay sang nhìn về hướng người gọi. Thúy An cũng đứng sững người khi nhận ra người vừa gọi là Hương, bạn của Hai Quang. Cả hai đều không thấy Thúy An, có lẽ vì cô đang bị khuất bởi một bụi cây. Thúy An quay lại tìm đường khác:
− Chú đến đây một mình hả chú? Anh Quang đâu chú?
− Nó đi Sài gòn rồi.
Tiếng ông Tư trả lời làm Thúy An chợt dừng bước. Hai Quang đi Sài gòn? Hồi nào vậy kìa? Mới tối hôm qua, lúc sang bên nhà anh dạy cho lũ trẻ con học, cô đâu nghe anh nói gì?
Tiếng Hương cũng ngạc nhiên không kém:
− Ủa, anh Quang đi hồi nào vậy chú Tư?
− Hồi sớm
− Chà! Dạo này con không thấy chú Tư xỉn nữa. Bộ chú không thích uống rượu nữa hả?
− Ừa, tự nhiên tao hết thích uống rồi!
− May ghê! Con mở quán cà phê chứ nếu mở quán nhậu mất mối chú Tư thì lỗ vốn chết
− Con nhỏ này, mày làm như tao uống ghê lắm vậy?
− Trời ơi! Chú xỉn mười mấy năm nay như vậy thì bà Chín Tiệm chỉ bán rượu cho một mình chú thôi cũng đủ giàu rồi
− Ờ, uống riết rồi chán
− Phải chú chán rượu thiệt không đó. Cháu nghe nói dạo này chú cứ lo dạy đờn ca gì đó cho con nhỏ con bà Hạnh phải không chú?
Vừa nghe đến đây, tự nhiên Thúy An nép hẳn qua một bên như muốn thu mình lại cho thật kín đáo để nghe người ta nói những gì về mình. Ông Tư im lặng không nói gì. Hương hỏi thêm:
− Chú Tư à, con hỏi thiệt chú cái này nghen
− Hỏi gì?
− Anh Quang … có gì với con nhỏ đó không vậy?
Ông Tư vẫn im lặng trầm ngâm như không để ý đến câu hỏi của Hương trong khi Thúy An muốn nhảy nhổm khỏi bụi cây:
− Con nghe nói dạo này anh Quang với con bé thân nhau lắm. Chú không lo sao?
− Lo chuyện gì?
− Chú không sợ anh Quang giống chú sao?
Ông Tư lắc đầu nhẹ:
− Con bé đó dễ thương lắm!
Thúy An chớp chớp mắt cảm động khi nghe ông nhận xét vậy. Cô cũng nhíu mày thắc mắc về tình bạn giữa Hương và Hai Quang. Theo như những gì anh kể cho cô nghe thì Hương chỉ là bạn học cũ, từng có chồng, từng li dị, sống thoải mái vì con nhà giàu. Anh chơi khá thân với Hương nhưng không thích cách sống của Hương lắm. Anh cho rằng họ không cùng quan điểm sống.
Nhưng hình như Hương có hơi quan tâm đặc biệt tới chuyện riêng của Hai Quang thì phải:
− Con nói với anh Quang rồi. Đừng đùa với lửa, cái gương của chú còn đó mà ảnh không chịu nghe. Con có câu này muốn nói với anh Quang nhưng không dám, sợ ảnh tự ái. Con nói chú nghe nhưng chú đừng giận nghen. Con không dám có ý ghét gì bà Hạnh nhưng cứ nghĩ lại những chuyện trước đây thiệt tình con thấy quá bất nhẫn. Đến cả em ruột của bả còn khổ đến bây giờ thì thử hỏi anh Quang có đang mù hay không?
− Chuyện xưa rồi, còn nhắc làm gì?
− Chú quên được thì con mừng cho chú. Nhưng con nghĩ ở cù lao nhỏ bé này chẳng ai là không thấy tội nghiệp mỗi khi nhìn thấy cái chân tật nguyền của cô Năm Hoa. Chú có nghĩ cô ấy cũng muốn quên như chú không? Con nói thiệt là con không hề ghét con nhỏ đó, nhưng nó dễ thương đến mấy đi chăng nữa mà có bà mẹ như vậy thì … phải dè chừng thôi chú à. Đừng để anh Quang phải khổ
− Thằng Quang lớn lắm rồi chứ có phải là con nít đâu mà cần phải khuyên với bảo. Nhìn coi! Nó già hơn con người ta cả chục tuổi thế kia thử hỏi ai khờ hơn ai?
Hương có vẻ nản khi nghe những câu trả lời của ông Tư. Cô chép miệng thở dài rồi chợt nhìn về bầu trời đã kéo đầy mây đen kịt. Cô hấp tấp từ giã:
− Trời sắp mưa rồi. Con về trước nghe chú Tư.
Ông Tư ngước nhìn trời rồi nói:
− Giờ mà về bên chợ thì không kịp đâu, tạt qua bên tao lấy áo mưa mà về
− Dạ, để con ghé vào mượn. Mà có ai trông chừng nhà không mà chú lên đây?
− Có bé Hai đang tưới cây ở trỏng. Tao giao nhà cho nó. Mày tới kêu nó lấy áo mưa cho.
Hương đi lẹ xuống đường làng. Ông Tư Sang cũng đã bỏ đi vào trong đình. Chỉ còn mình Thúy An đứng trơ trọi. Tay chân cô toát lạnh. Tim như muốn ngừng đập vì những gì vừa nghe được.
Gió ào ào thổi càng làm Thúy An lạnh thêm nhưng cô không nhấc nổi chân. Đầu cô trĩu nặng khi nhớ đến những câu nói của Hương. Dì Năm bị tật nguyền là do mẹ cô ư? Mưa đã đổ xuống càng lúc càng lớn làm Thúy An chợt tỉnh. Cô quyết định đuổi theo Hương. Cô tuôn chạy trong mưa. Suốt con đường về cô không thấy bóng Hương nên chạy thẳng về nhà Hai Quang.
Hương đang mặc chiếc áo mưa vừa mượn được, trông thấy Thúy An ướt đẫm, đứng ngoài cổng mưa, Hương ngạc nhiên vớ chiếc dù gần đó chạy ra hỏi:
− Em kiếm anh Quang hả? Ảnh đi lên Sài gòn có công chuyện rồi.
Thúy An lắp bắp:
− Tôi vào….
Hương nhanh nhẹn kéo tay Thúy An:
− Ừ, vào đây.
Chìa cây dù ra cho Thúy An, Hương nói tiếp:
− Mượn cây dù này đi, nhà em gần thì cầm cái này mà về. Còn tôi thì mượn cái áo mưa
− Không, em … chỉ muốn hỏi chuyện chị một tí
− Gì vậy – Hương ngạc nhiên
− Chị Hương à, chị hứa nói thật chứ?
Hương nhíu mày vẻ khó chịu:
− Chuyện gì mà hứa với hẹn, nói thật hay nói dối ở đây?
− Không … không. Em muốn hỏi thăm chị một chuyện … mà em … không biết nên hỏi ai… Chẳng ai chịu nói cho em biết gì hết….
Hương cảnh giác:
− Chuyện gì?
− Chuyện … của má em….
Hương cắt ngang:
− Tôi không biết gì đâu! Em hỏi tôi vô ích.
Thúy An mím môi mạnh dạn:
− Em đã nghe chị nói chuyện với ông Tư ở trên đình nên mới hỏi chị.
Hương có vẻ hơi bất ngờ, nhưng cũng nói cứng:
− Em có nghe được thì cũng mặc em. tôi không có gì để nói cho em nghe cả. Muốn biết gì thì cứ hỏi thẳng người trong nhà chứ đừng hỏi lung tung nữa.
Nước mắt Thúy An tự nhiên chảy dài, cô mếu máo nói:
− Em năn nỉ chị đấy, chị kể cho em nghe đi.
Tay Thúy An lạnh ngắt, môi run run níu Hương. Nhìn gương mặt An thấy tội nghiệp nên Hương gật đầu, quyết định kể cho nó nghe cho rồi. Vì chuyện này ở đây ai cũng biết chứ đâu phải mình cô:
− Muốn nghe phải không? Vô trong đi
− Thôi, ở ngoài này cũng được chị Hương, em ướt lắm, không vô trong đó đâu.
Thúy An vẫn níu chặt tay Hương. Cô vừa quệt nước mắt vừa ngồi xệp ngay xuống nền nhà Hai Quang. Hương cũng ngồi bên cạnh hỏi:
− Em biết được những gì rồi?
− Em biết hồi đó chú Tư thương … má em…
− Đúng! Và bà Hạnh, má em, cũng thương chú Tư nữa, hai người bồ với nhau thời gian cũng dài lắm. Cho đến khi có đám hỏi của cô Năm Hoa.
Thúy An trố mắt:
− Dì Năm em có chồng ư? Sao nào giờ em không biết?
− Từ từ rồi tôi kể cho nghe! Hồi đó cô Năm Hoa đi lên thành phố học đại học. Được hai năm thì cô Năm dắt về một thanh niên đã quen ở Sài gòn, nghe đâu học cùng trường trên cô một, hai năm gì đó. Bà ngoại của em thấy ông đó hiền lành và gia đình ở Sài gòn cũng giàu lắm nên bằng lòng ngay. Hai bên đồng ý làm đám hỏi, chờ tới khi cô Năm ra trường thì cưới. Đám hỏi được tổ chức vào dịp hè, nghe nói linh đình lắm. Sau đó thì cô Năm Hoa vẫn ở nhà chơi cho đến hết hè. Còn vị hôn phu kia thì chạy đi chạy về thăm nom. Chuyện đời thật oái oăm. Chẳng hiểu ổng thăm nom cái gì mà đùng một cái bà Hạnh chia tay ông Tư Sang cái rụp. Cướp vị hôn phu của em mình ngon ơ. Lúc hai người thú thật với bà ngoại em thì cô Năm nghe được. Cô khóc chạy lên chùa, nhưng không may gần đó có mấy tảng đá bị lở nên té xuống bị đá đè vỡ xương chân. Lúc đưa vô bệnh viện cô Năm còn tìm cách tự vẫn mấy lần. Hai người kia vừa sợ vừa xấu hổ nên trốn tuốt trên Sài gòn ở luôn, không mặt mũi nào mà về nữa
− Vậy ông đó là … - Thúy An lắp bắp
− Nghe nói ổng tên Vĩnh. Phải ba em không?
− Ba… em….
Cả người ướt vì mưa giờ đã bắt đầu thấm lạnh. Cơn lạnh càng lúc càng tăng làm hai hàm răng của Thúy An va đập vào nhau lập cập. Cô cảm thấy mình không còn thở được nữa.
Mắt Thúy An trợn trừng lơ láo. Đầu óc nặng như chì. Cả người cô run lên bần bật. Trong đầu cô bây giờ chẳng còn gì ngoài hình ảnh chiếc nạng gỗ của dì Năm cứ lảng vảng. Ôi, tội nghiệp cho dì. Miệng cô cứ mãi lắp bắp những tiếng không thành lời:
− Mẹ ơi… Mẹ đã làm gì thế này… Cả ba nữa … Ba….
Giọng Hương hoảng hốt lay gọi vẫn không làm Thúy An tỉnh táo được. Cô chỉ thấy trời đất sầm tối u ám….
Vừa tỉnh lại là Thuý An đã thấy ngay gương mặt lo lắng của Hai Quang cạnh giường. Cô nhỏm dậy nhìn quanh, nhà ngoại mà! Sao Hai Quang lại ngồi trong này ngang nhiên như vậy được? Bà ngoại với nét mặt nghiêm khắc, dì Năm ngồi buồn rầu, ngay cả dì Biên cũng xớ rớ gần đó. Tất cả đều tập trung nhìn vào Thuý An làm cô hoảng hốt bật dậy ngay.
Ngoại cô là người lên tiếng trước tiên:
− Mô phật! Nó tỉnh rồi! Coi cháo còn nóng không, hâm lại đi Biên! Rồi đặt nồi lá xông luôn đi! Nó ăn miếng cháo rồi xông là vừa. Khổ quá! Dầm mưa dầm gió chi vậy không biết. Ai hành ai đày mà đội mưa đội gió đi hỏi han người ta vậy chi hả An?
− Thôi mà đừng la nó nữa – Dì Năm nhỏ nhẹ.
Bà ngoại chợt mếu máo, rồi trên gương mặt già nua của bà chảy dài những giọt nước mắt hiếm hoi:
− Tao là rầy gì nó nữa! Những chuyện cũ rích đó biết hết cả rồi! Hay ho gì đâu mà cứ tìm cách bươi ra hoài vậy hả?
− Ngoại ….
Thuý An cũng oà lên khóc. Dì Năm cúi mặt ầm thầm chùi nước mắt. Tiếng Hai Quang thở dài, vỗ nhẹ lên vai Thuý An:
− Nín đi An!
Bà ngoại đã trấn tỉnh từ lúc nào, giọng bà lại đầy vẻ uy quyền:
− Thôi không có ngồi đó tỉ tê nữa! Lo mà ăn uống nghĩ ngơi cho khoẻ đi. Rồi tao lại nhắn má bây xuống ruớc về.
Thuý An tủi thân, nước mắt lại tiếp tục chảy dài:
− Ngoại đuổi con hả ngoại?….
Bà ngoại cô hứ nhẹ:
− Để mày ở đây thêm ngày nào là sanh chuyện rùm beng lên nữa. Người như cây tăm tre không lấy gì mạnh khoẻ, chẳng phụ giúp được bao nhiêu mà cứ hay làm những chuyện khùng điên hoài để nay lăn chỗ này, mai té chỗ kia. Xuống đây có bao nhiêu ngày đâu mà xóm làng náo động hết mấy phen. Tao chán quá rồi!
Dì Năm bước lại gần đưa tay sờ trán Thuý An rồi ngồi xuống bên cạnh:
− Con thấy trong người sao rồi? Thấy đỡ chưa? Đừng có đi chơi lung tung nữa nhé. Cứ ở nhà vài ngày cho khoẻ đi. Dì đi gọi điện cho má con rồi. Má con nói vài ngày nữa rảnh sẽ xuống đón con về
− Dì cũng đuổi con nữa hả dì? – Thuý An thút thít:
− Đừng có nói bậy! Con phải lo về học chứ!
Bà ngoại tiếp lời dì Năm:
− Cái con ba trợn này! Ai mà đuổi? Ở đây soi mói tò mò đã rồi, chưa hả dạ hay sao? Còn không lo về trên đó mà học hành thi cử. Hôm bữa nghe bây nói muốn thi cái gì đó thì về lo mà thi đi. Bộ tính cứ ở đây la cà hoài như vầy hay sao? Tao nói rồi, ráng mà thi cho đậu đó. Má bây không lo thì tao lo cho.
Thuý An quệt ngang nước mắt, thò chân xuống giường dợm bước đi thì Quang níu lại:
− Còn yếu mà đi đâu vậy?
− Em đi tắm, áo em ướt mồ hôi không hà.
Dì Năm xua tay lia lịa:
− Không được! Con ở yên trên giường đi. Cảm lạnh từ hôm qua tới giờ mà tắm sao được! Ăn cháo trước đã. Chị Biên ơi, múc chén cháo lên đi
− Đây! Đây ….
Trên tay dì Biên là chén cháo trắng bốc khói, bà ngoại vừa bỏ một miếng trầu vô miệng vừa bỏm bẻm cằn nhằn:
− Con nhỏ này ngu ơi là ngu. Tắm, tắm cái gì? Ăn cho xong rồi trùm mền lại mà xông là thuốc. Còn thằng Hai Quang, ngồi cả buổi như vậy đã chưa? Lo về bển ăn uống tắm rửa gì đi, rồi có muốn canh thì chút nữa qua tha hồ mà canh
− Dạ….
Hai Quang líu ríu đứng lên chào rồi ra về. Bà ngoại còn nói thêm lúc anh ra đến cửa:
− Nhớ nói với chú Tư bây là con An nó khoẻ rồi, khỏi đi qua chợ hốt thuốc nữa nghen
− Dạ!
Hai Quang quay lại gật đầu với bà, tiện thể nhìn Thuý An đang xì xụp thổi cháo rồi cười với cô.
Thuý An vừa ăn cháo vừa nhìn ngoại. Lúc vừa tỉnh thấy Hai Quang ngồi trong nhà là cô thấy lạ. Rồi từ nãy giờ thấy ngoại nói chuyện không có gì là thù ghét Quang, cô không hiểu gì cả, nhưng không dám lộ vẻ thắc mắc. Bà ngoại cô xỏ dép đi ra sau nhà, vừa đi vừa làu bàu:
− Thiệt là mệt với đám tụi bây, con với cháu….
Đợi bóng ngoại vừa khúât là Thuý An khều ngay dì Năm hỏi nhỏ, thần sắc tươi tỉnh khoan khoái không có vẻ gì là bệnh hoạn:
− Dì Năm!
− Hử!
− Sao anh Quang qua đây vậy dì?
Dì Năm nhìn đứa cháu, cốc đầu cô một cái:
− Tại con chứ ai! Lại nằm vật ra bên nhà người ta như vậy!
Thuý An nhíu mày:
− Nhưng lúc đó đâu có ảnh ở nhà?
− Thì nó về nghe được nên chạy qua đây ngồi luôn tới giờ
− Ủa, nghe nói anh Quang lên Sài gòn mà, sao về mau vậy?
− Gì mà mau? Nó đi hôm qua, giờ mới về là đúng rồi, còn thắc mắc cái gì nữa? Bộ con tưởng con mới lăn ra đó sao? Cô đã nằm hai ngày rồi đó cô nương! Nhìn lịch thì biết. Con làm không những cả nhà mà cả xóm này cũng hết hồn suốt từ hôm qua tới giờ! Không biết mắc chứng gì mà trợn mắt trợn mũi, tay chân co giật như người bị động kinh vậy.
Thuý An hoảng hốt:
− Con… co giật thiệt hả dì Năm?
− Ừ!
− Chết rồi! Vậy là con bị thần kinh thiệt rồi! Con có bị… khùng không dì?
− Khùng quá đi chớ! – Dì Năm Hoa cười – Thôi, dì nói chơi thôi. Không sao đâu! Con chỉ bị mắc mưa cảm lạnh, rồi nghe con Hương nó kể chuyện thì bị xốc thôi chứ không có gì đâu. Dừng nghĩ ngợi lung tung nữa.
Chợt nhớ ra Thuý An vội hỏi:
− À quên! Còn chị Hương có sao không dì?
− Sao là sao? Con muốn hỏi gì?
− Thì. chị Hương có bị ngoại … chửi không dì?
Dì Năm lắc đầu:
− Chửi bới gì nữa! Bộ con tưởng ngoại con bạ gì cũng chửi sao?
Im lặng một lúc dì Năm nói tiếp:
− Lúc con Hương chạy qua đây báo, cả nhà mình qua đó thấy con như vậy, ngoại con quýnh quáng la khóc om sòm. Cũng may con chỉ co giật một chút thôi rồi nằm thiêm thiếp như vậy luôn. Ai cũng lo nhưng đỡ hoảng hơn. Con Hương chạy về bên thị xã mời bác sĩ qua nữa đó chứ! Mà con nhỏ cũng gan nghen. Nó ngồi kể một mạch chuyện con tò mò hỏi, rồi nó nói con nghe những gì, nó thành thật kể hết. Nó nói vì đó là những chuyện có thật, ai cũng biết, chứ nó đâu có bịa ra đâu mà sợ!
Thuý An ngập ngừng:
− Lúc đó ngoại có rầy chỉ không dì?
− Ngoại con chỉ lo cho con thôi chẳng rầy la ai đâu! Nhưng có người trách con Hương dữ lắm
− Dì hả?
− Không! Thằng Quang! Nó mới về hồi sớm nay, nghe ai kề không biết mà nó cự con Hương một chập rồi chạy thẳng qua đây ngồi luôn. Ngoại nói về nhà đi mà nó nhất định không chịu, cứ ngồi đây miết. Dì sợ ngoại bực mình mà quát nạt đuổi cổ nó chứ! Nhưng cũng lạ là ngoại con không khó chịu gì hết, để mặc nó muốn đến ngồi lúc nào thì ngồi. cái thằng cũng lì ghê đi!
Thuý An thừ người nghĩ ngợi. Dì Năm ra lệnh:
− Ăn xong chưa? Đưa chén đây! Chuẩn bị xông nghen.
Thuý An cảm thấy khoẻ hẳn sau khi xông nồi là thuốc. Cô đánh tiếp một giấc cho tới lúc sẫm tối. Lúc dậy thì cả nhà đang ăn cơm. Cô nhỏm dậy kêu lên:
− Con cũng đói bụng quá.
Miệng nói là cô nhào tới bàn ngay, nhưng mà ngoại nạt:
− Bệnh mà ăn cơm cái gì! Ăn cháo đi!
− Con ăn cơm được mà ngoại …
− Không! Ăn một hồi ói ra hết thì sao? Tao biểu ăn cháo đi.
Giọng ngoại cương quyết quá nên Thuý An không dám cãi, mặc dù ngán cái món cháo trắng đường cát tới tận cổ nhưng cô vẫn ráng nuốt cho ngoại yên lòng.
Cả nhà đang yên lặng ăn cơm, bỗng bà ngoại lầm bầm:
− Hừ! Bộ không biết câu “trời đánh tránh bữa ăn” sao? Người ta chưa nuốt trôi miếng cháo mà đã ló mặt qua canh, làm như canh báu vật vậy.
Ai cũng quay qua nhìn. Hai Quang đang thập thò ngoài cổng. Dì Năm phì cười, gật đầu với dì Biên. dì Biên chỉ chờ có vậy vội buông đũa đi ra mở cổng. Dì Năm nói nhỏ với bà ngoại:
− Chứ nó không phải báu vật của má sao?
Thuý An đỏ mặt lén nhìn ngoại, bà khoát tay tỉnh bơ:
− Xì, tao không thèm. Nó chỉ giỏi làm chuyện dở hơi không hà. Bữa đòi làm cô giáo dạy con nít học, rồi bữa thì xách đờn đi học người ta. Rồi nay thì xin đi câu cá, mai thì xin đi câu tôm mà chẳng khi nào thấy đem về con lăng quăng nào. Phiền quá là tao đuổi về trển cho rồi.