Nhận ra người bất lịch sự kia là ông anh của mình, cô kêu lên:
− Anh Hai làm gì kỳ vậy? Sao lại xông vô phòng kiểu đó?
Tay chống nạnh, Liêm trợn mắt nhìn quanh:
− Còn dám hỏi nữa hả? Mày đang làm cái giống gì trong này?
Thuý An nhăn mặt:
− Em à? Em nghe nhạc. Còn anh cũng đang làm cái gì vậy? Sao tự dưng tông cửa phòng em hạnh hoẹ?
Liêm lừ mắt nhìn cái headphone vẫn còn bên cạnh cô dài giọng:
− Nghe nhạc? Cũng là nghe nhạc? Lúc nào cũng vậy, không đi rong thì rúc trong phòng nghe nhạc. Bộ không chán hả mày?
Lại nữa rồi! Thuý An thầm than khổ. Cái tật ăn hiếp vô cớ của anh Hai cô lại bắt đầu rồi đây. Nhưng dù là vô cớ, cô chỉ biết nín nhịn chứ mách ai được. Ngay cả ba là người thương cô nhất nhà mà cả tháng nay cũng đâu lên tiếng bênh vực được cô.
Giơ chân đá vụt con thú nhồi bông của Thuý An vào vách không thương tiếc, y như sút bóng vào gôn, Liêm hắng giọng cà kênh:
− Má sai tao kêu cửa, kêu nãy giờ mày không mở thì tao tông vô coi thử. Tưởng mày đang làm cái khỉ gì chứ.
Nén cơn bực xuống giường lượm con thỏ bông tội nghiệp, cô hỏi:
− Anh nói mà kêu em xuống nhà à?
− Ừ, nãy giờ rồi đó.
− Má … có nói chuyện gì không anh Hai? – Cô chợt có chút lo lắng.
Đến bàn học Thuý An, nghẹo đầu ngắm nghía tấm poster hình đôi tài tử Leonardo Di Caprio và Kate Quinslet trong phim “Titanic” dán ngay trên vách, Liêm đáp mà không quay lại:
− Xuống ăn cơm chứ chuyện gì.
− Ăn cơm? – Thuý An ngạc nhiên nhìn ông anh Hai rồi lại nhìn đồng hồ trên cổ tay – Anh tông cửa phòng em là để kêu ăn cơm à?
− Ừ đó, thì sao?
Liêm đưa lưng che tầm nhìn Thuý An, anh nhả bã kẹo chequing gum dán ngay lên miệng cô đào Kate Winslet và cười khoái chí khi nghĩ đến gương mặt nhỏ em út lúc phát hiên đôi thần tượng của mình bị phá một cách bôi bác như vậy.
Để cô không nghi ngờ, anh quay qua, lưng che “kiệt tác” phá hoại của mình và hất hàm nói lấp đi:
− Suốt ngày cứ nằm lì trong phòng nghe nhạc. Làm như yêu âm nhạc lắm vậy. Mày đừng tưởng tu kiểu đó thì thành chánh quả nhé. Cứ mơ mộng trên mây hoài vậy? Chẳng biết thằng Vũ nó chấm mày ở chỗ nào.
Thuý An bất mãn nhưng không dám cãi lý như mọi khi. Từ khi mang án treo của má, cô đâu dám làm gì để chọc giận người trong nhà nữa. Thấy cô xịu mặt, Liêm khịt mũi buông một câu tử tế nhất trong ngày:
− Biết khôn thì xuống lẹ đi. Tao coi tình hình thì chắc là có chuyện gì đó chứ không phải chỉ ăn cơm mà thôi. Coi chừng đó.
Đi ngang cửa, Liêm không quên phẩy tay đánh mạnh vào cái phong linh treo trước phòng làm thanh một tràng âm thanh leng keng rối rít.
Nhìn theo ông anh, Thuý An thở ra. Ông anh Hai cô là vậy đó. Nói năng chẳng biết giữ lời và giỏi nhất là chuyện ăn hiếp em gái thôi.
Nhớ đến lời hăm dọa của anh, cô vội tắt máy, thu dọn headphone rồi theo anh xuống. Gia đình cô trước đến giờ không có thói quen ăn cơm chung buổi tối, nên sự kiện má cho anh Liêm lên gọi cô xuống ăn cơm nhất định là có vấn đề gì đây. Có khi nào lại mổ xẻ chuyện của mình? Ý nghĩ vừa tới Thuý An đã vội rùng mình gạt đi. Chắc là không đâu! Cái chuyện thi rớt của cô cũng may được phát hiện hôm có Vũ đến chơi mới đỡ bị mắng nhiếc, nhưng sau đó là chiến tranh lạnh trong nhà mà cô là người phải chịu đựng đến cả tháng trời. Tuy bây giờ cô đang là kẻ mang án treo và ai cũng có thể dè bĩu, nhìn cô bằng ánh mắt bực bội, khó chịu, nhưng chuyện của cô đã… cũ rồi mà, chẳng lẽ lại bị lôi ra hâm nóng nữa?
Băn khoăn nghĩ tới nghĩ lui, Thuý An cũng đã xuống tới nhà. Quả là bàn ăn đã được dì Sáu dọn rồi và hầu hết mọi người đã tề tựu quanh bàn. Hình như chỉ còn thiếu cô, và may quá còn ba nữa.
Nhận cái nhìn nghiêm lạnh của má, cái bĩu môi ngoảnh đi của chị Diễm, cô e dè ngồi cạnh ông anh Hai.
Tay gõ nhịp lên bàn một cách sốt ruột, Liêm chép miệng:
− Đại nhạc sĩ cũng đã xuống rồi. Còn có ba thôi. Không biết ba làm gì mà lâu quá trời. Lên nhắc hai lần rồi, vậy mà…
Bà Hạnh liếc mắt qua thằng con trai. Liêm còn định nói tiếp gì đó thì phát hiện ánh mắt của bà, liền im ngay.
Cả nhà yên lặng đợi khoảng vài phút, cuối cùng rồi ông Vĩnh cũng xuống. Thuý An dấu nụ cười khi thấy ba còn đeo cặp kính. Chắc là ông đang mải mê làm việc nên quên tháo xuống đây.
Khác với sự hiếu kỳ và nôn nóng của mấy đứa con, bà Hạnh hối người giúp việc bới cơm. Bữa cơm diễn ra có vẻ bình thường tuy thỉnh thoảng những ánh mắt sốt ruột chờ đợi vẫn liếc nhìn nhau hiếu kỳ làm những món ăn của dì Sáu dù vẫn thơm ngon nhưng không ai chú ý lắm.
Chắc lại chuyện của mình rồi. Thuý An than thầm trong bụng. Nét mặt vẫn bình thản, vẻ dần dà kéo dài thời gian của má làm cô thấy nặng nề quá. Nhất định là chuyện của mình rồi. Chẳng lẽ má nhận thấy ghẻ lạnh, chì chiếc không thôi chưa đủ với lỗi lầm của cô? Chẳng lẽ má vừa có hình phạt gì khác dành cho đứa con gái út cứng đầu cứng cổ?
Là hình phạt gì nhỉ? Không thèm ngó tới? Cúp tiền tiêu vặt? Hình phạt này đã có cả tới mấy tháng rồi còn gì. Hay ghê gớm hơn là bắt cô tới phòng răng của gia đình Vũ mà … phụ việc vặt xem như làm dâu ngay? Chết rồi!
Càng suy đoán, Thuý An càng lo lắng lung tung. Chị Diễm, anh Liêm thỉnh thoảng cũng liếc mắt nhìn cô như khủng bố tinh thần thêm. Cô bậm môi nén một tiếng than thầm.
Từ khi danh sách trúng tuyển đại học được công bố, cô đã biết mình khổ đời rồi. Những tưởng thời gian mấy chục ngày rồi đã phai bớt trong lòng má, không ngờ chỉ có cô muốn quên mà thôi. Trái với cô, mọi người vẫn nhớ hoài.
Bữa cơm kéo dài rồi cũng qua. Bà Hạnh buông đũa gọi dì Sáu rót nước và đem trái cây lên. Sau khi ăn nửa múi bưởi, bà hắng giọng bắt đầu câu chuyện bằng cách nói với chồng:
− Hồi trưa này nhận được thư từ dưới quê
Câu nói của bà làm Thuý An đang nín thở lắng nghe bỗng ngẩn lên ngạc nhiên. Ồ! Hình như chuyện không dính tới cô. Không phải mổ xẻ chuyện của cô.
Đang nâng ly nước lên, chưa kịp uống, ông Vĩnh ngạc nhiên quay lại nhìn vợ, mất một lúc rồi ông đặt ly nước xuống thận trọng hỏi:
− Có chuyện gì à?
Lần này thì bà nhìn qua mấy đứa con, giọng nghiêm trang:
− Chuyện nhỏ thôi. Dì Năm của mấy đứa bị bệnh.
− Bệnh gì? Có… nặng không? – ông Vĩnh buột miệng
Mắt bà lướt trở lại ông, giọng đều đều:
− Trong thư má không có nói, chắc tại làm việc nhiều mà không ăn uống bổ dưỡng.
− Vậy à!
Thuý An tò mò thấy ba có vẻ bần thần. Ông hỏi lặng đi:
− Vậy còn … má?
− Má thì chắc vẫn vậy - Bà Hạnh đáp
Thuý An nhìn hai ông anh bà chị của mình, thấy họ cũng như cô, đều ngạc nhiên vì biết ba đang nói đến ngoại. Tất cà đều im lặng nghe với vẻ hiếu kỳ
Chưa bao giờ Thuý An được má dẫn về quê ngoại. Gia đình cũng ít khi nhắc về ngoại nên cô cũng không biết gì nhiều
Trước đây cô cũng từng thắc mắc khi thỉnh thoảng dịp giỗ cúng gia đình cô về tận Nha Trang thăm quê nội nhưng quê ngoại dù chỉ ở miền Tây mà mỗi lần nghe nhắc đến thôi má cũng đã gạt ngang
Hôm nay có chuyện lạ đây!
Thắc mắc của mọi người cuối cùng chỉ có Diễm mới lên tiếng hỏi:
− Ở dưới muốn báo tin dì Năm bệnh thôi hả má?
− Không chỉ có vậy – Bà Hạnh lắc đầu
Bà im lặng một chút rồi buông giọng:
− Ngoại bảo nhà mình cho một người về dưới
− Về quê? Để làm chi má? – Diễm trố mắt
− Trong thư thì nói để chăm sóc đỡ đần dì tụi con một thời gian
Mọi người nhìn nhau kinh ngạc. Diễm buột miệng:
− Sao lại ngộ vậy má? Trước nay đối với nhà mình, ngoại đâu thèm…
Câu nói ngưng nữa chùng nhưng hầu như ai trong bàn đều hiểu ý Diễm
Quả thật xưa nay ở dưới quê ngoại đâu bao giờ liên lạc với gia đình. Nay có thư mà lại cần người về, chỉ để đỡ đần việc nhà thôi ư?
Diễm cau mày lẩm bẩm:
− Việc nhà chứ gì? Nếu vậy đâu cần hỏi nhà mình? Bà ngoại có tới sáu người con, mấy dì, mấy cậu đâu sao không kêu mà kêu tới nhà mình. Họ ở Cần Thơ, Mỹ Tho, còn gần hơn nhà mình nữa mà?
Bà Hạnh chưa kịp đáp thì Liêm rung đùi cười khì:
− Ngoại dữ có tiếng. Ngoài dì Năm thì còn ai chìu nổi ngoại. Hồi đó hổng cho về, bây giờ lại bắt về, lạ đời chưa?
Bà Hạnh lừ mắt nhìn thằng con vô ý tứ:
− Là bà ngoại của con đó, ai cho phép con ăn nói như vậy?
Liêm thụt người im tiếng. Diễm ngẫm nghĩ rồi nói:
− Má à, phải tính thôi. Con có ý này vừa tiện lại vừa khoẻ cho nhà mình.
Luôn hài lòng về sự khôn ngoan của đứa con gái lớn, bà Hạnh quay qua ngay
− Ý gì? Nói thử má nghe
− Mình chìu ý ngoại cũng được má. Mình mướn người làm là được rồi
Bà Hạnh nhíu mày:
− Mướn ai?
− Thì ai ở dưới quê đó má. Kiếm đại người nào gần đó. Mướn người ở quê vừa rẻ lại vừa chịu cực được, rất tiện lợi. Người quê mới rành việc quê chứ nhà mình thì ai biết gì mà về
Bà Hạnh ngẫm nghĩ rồi lắc đầu:
− Bộ mướn người ngoài là được à? Nhà ở dưới cũng thiếu gì người làm. Nếu chỉ cần người làm thì đâu có viết thư gọi mình.
− Nhưng mình đâu có mướn người lo vườn tược. Mình mướn người săn sóc ngoại và dì Năm, tiền lương mình trả.
Bà Hạnh lắc đầu:
− Không được đâu. Quên là bà ngoại tụi bây khó tính nhất nhì cái xã dưới đó rồi à? Làm không đúng ý thì không xong. Nhất là gia đình mình và nhất là bị gửi thư đích danh như vậy
Diễm và Liêm nhìn nhau im lặng. Thuý An càng nín khe. Cô chỉ biết lắng nghe mọi người mà thôi. Lướt mắt nhìn khắp bàn ăn, bà Hạnh băn khoăn:
− Tự dưng muốn một người trong nhà mình về, không biết có ý gì nữa, thật là…
Nãy giờ không lên tiếng, giờ ông Vĩnh sốt ruột hỏi:
− Vậy em tính sao?
Câu hỏi này quá quen thuộc trong suốt cuộc đời làm vợ của bà Hạnh, cũng quen thuộc luôn với mấy đứa con nên mọi người chỉ chờ quyết định của mẹ. Bà Hạnh lẩm bẩm suy tính, cuối cùng bà chặc lưỡi thở ra.
− Chắc là phải chìu ý má thôi
Ông Vĩnh lặng thinh và có vẻ ngượng ngập với câu nói của vợ. Ông hỏi vợ:
− Vậy là phải cử một người trong nhà xuống đó à?
Bà Hạnh gục gặc đầu.
− Ai xuống bây giờ? Anh …
Không kịp để ông suy nghĩ và ngập ngừng lâu, bà Hạnh cao giọng ngắt lời ngay:
− Làm sao để anh được. Em biết tính rồi. Em phải lo việc trong ngoài, hụi hè đăng đăng đê đê, đâu rảnh ngày nào. Tụi nhỏ cũng lớn hết rồi. Để một trong mấy đứa về là được rồi. Chịu cực một chút để ngoại tụi nó hài lòng ít nhất một lần
Tới đây, câu nói ngưng nửa chừng. Cả ba đứa nhìn nhau ánh mắt trợn tròn.
Diễm luôn vẫn là cô gái có đầu óc nhạy bén và nhanh nhảu nhất, cô nói thẳng:
− Con mới ra trường, nhận cái bằng xong là đi tìm việc ngay, không nhanh chân thì hết cơ hội tốt. Má đừng chọn con nhé, con đi không được đâu
Liêm cũng theo gương em gái rung đùi cười hì hì:
− Má nhớ hồi con vô lớp 10, con theo mà về Cần Thơ đi đám tang ông cậu Tư không? Gặp ngoại ở đó, ngoại như không thèm ngó mình. Họ hàng cũng dòm ngó kỳ cục. Rồi con lỡ chọc ghẹo cái bà dì họ đó có chút xíu mà bị ngoại nổi giận chửi quá trời. Cả đời mới về thăm họ hàng một lần mà ngoại không thèm nghĩ gì, đuổi ngay hai má con mình về Sài gòn trong buổi sáng đó. Bây giờ con mà xuống đó thì khác gì chọc tức ngoại
Lý do của Liêm quá vững, vững còn hơn cả Diễm. Bây giờ thì cả nhà đều dồn ánh mắt về phía Thuý An. Những ánh mắt làm cô giật mình đến rơi cả miếng bưởi trên tay
Tuy chưa từng gặp không biết ngoại dữ như thế nào nhưng sự né tránh của mọi người làm cô phát hoảng. Quýnh quáng dưới cài nhìn đắn đo cân nhắc của má, cô ấp úng một cách vụng về:
− Con cũng không đi được đâu má. Con… xưa giờ con đâu có vê quê ngoại lần nào, con đâu biết gì
− Không thì có sao. Ngoại cần người săn sóc việc nhà chứ có cần hướng dẫn viên du lịch đâu – Diễm bẻ lại – Sai đâu làm đó là được rồi
Thuý An càng luống cuống
− Nhưng em … em cũng đâu có biết săn sóc gì đâu. Em đâu biết làm gì. Đừng kêu em đi
Diễm cười nhẹ:
− Không biết gì hết, chỉ biết suốt ngày sưu tầm ảnh diễn viên ca sĩ, suốt ngày hí hoáy với mấy cái đĩa nhạc, mấy cuốn tập nhạc thôi, phải không?
Cô bĩu môi với em gái
− Học hành đàng hoàng không lo, toàn lo mấy môn năng khiếu dở hơi. Nào là học đàn học hát, học vẽ học vời, rồi lại gia nhập ba cái câu lạc bộ nhí nhố gì đó. Bởi vậy thi Đại học mới rớt cái tõm. Đúng là hổng giống ai.
Liêm khoái chí thêm vào:
− Ừa, hôm trước má bẻ đống bút vẽ với xé tập nhạc gì của nó, nó rúc vô phòng bày đặt khóc một mình, sáng hôm sau hai con mắt sưng chù vù. Sáng thằng Vũ tới đón hỏi, nó còn chối không có gì.
Tức quá Thuý An kêu lên:
− Em rớt Đại học là tại em … dốt. Em thích ca hát, vẽ vời là chuyện của em, em khóc một mình cũng kệ em. Nhưng em không về quê đâu
Diễm cao giọng:
− Mày không về thì ai về? Chẳng lẽ là người bận bịu như ba như má, như anh Hai với tao? Giờ có mày rảnh rang người ta nhà mà về coi sóc ngoại thôi. Tuy là ngoại khó và hay mắng nhiếc nhưng có gì mà phải sợ đến giãy nãy như vậy?
Liêm tiếp lời:
− Phải rồi. Nếu mày thi đậu thì còn viện cớ học hành. Chứ rớt cái tõm như vậy thì ở không ở nhà một năm làm gì? Để mày về quê lo cho ngoại là tốt nhất. Bỏ mộng làm ca sĩ đi. Tướng mày làm nô tì isaura thì hợp hơn đó
− Nhưng em … làm sao em đi được. Em không đi được. – cô kêu lên
Diễm khịt mũi cười
− Cứ nói không mà được à? Mày phải đi thôi. Không vê quê thì chịu lấy ông Vũ đi, má gả liền, cả nhà còn mừng nữa. Lấy rồi về nhà bên đó để xem mày còn dở hơi như vậy nữa không?
− Má đâu có bắt em… lấy chồng. – Thuý An đỏ mặt hét lớn
Liêm chắc lưỡi như tội nghiệp:
− Trời! Thằng Vũ đâu có tệ, làm gì hét như gặp ma vậy? Mà nó có hỏi cưới liền đâu? Không chịu lấy nó liền thì nhận nhiệm vụ về quê đi. Sợ hả? Tao chỉ mày mánh này nha. Má cũng nói có nhiều người làm mà. Ngoại sai mày thì mày sai lại người ta, bị đòn thì chạy, bị chửi thì nghe, vậy đó.
Bà Hạnh nhăn mặt nạt lớn
− Mấy đứa tụi bây đừng cãi cọ, chọc ghẹo nó nữa, im hết coi
Giọng của bà có hiệu lực ngay tức thì. Mấy đứa con im ngay cái màn châm chích nhau
Bà Hạnh quay qua Thuý An. Ngắm nghía đứa con gái út đang ngồi co ro hoảng sợ, trầm ngâm một lúc rồi bà chắc lưỡi phán quyết:
− Trước sau gì cũng phải có một người, thôi thì Thuý An cũng đang rảnh rang. Con về dưới thay cả nhà phụ giúp và lo lắng cho ngoại một thời gian đi
An ngẩng lên rụng rời
− Nhưng con… má, con đâu biết lo gì, con còn phải …
Bà Hạnh nghiêm giọng ngắt lời
− Con cái gì ở nhà cứ đóng cửa rút vô phòng, chả biết làm gì ngoài mấy chuyện nhạc nhẽo thì về dưới một chuyến cũng tốt
Cô ngắt ngứ không biết nói gì tiếp
Thấy con gái út tỏ vẻ sợ hãi cũng tội nghiệp, ông Vĩnh hắng giọng nói với vợ:
− Em à, hay còn cách nào khác không? Con An nó còn nhỏ quá, có biết làm gì đâu
Đã tìm ra cách giải quyết rồi, bà Hạnh giữ nguyên quyết định:
− Không biết thì tập cho biết. Ai cũng có công việc, cũng bận bịu. Nó không đi thì ai đi? Anh hay em?
Ông Vĩnh bối rối. Biết rằng trước giờ những quyết định của bà hầu như khó phản bác nhưng mặt con gái út mỗi lúc một thất vọng, ông Vĩnh vớt vát lần cuối cùng:
− Nhưng con An về dưới thì chuyện với thằng Vũ ra sao?
Bà Hạnh cau mày:
− Thằng Vũ à?
Ông Vĩnh hấp tấp gật đầu:
− Ừ, mới bữa trước bên anh chị Thuận với mình tính là để thằng Vũ Sắp xếp thời gian rảnh tới kèm con An đi thi năm sau mà
Ngẫm nghĩ một lát bà Hạnh lắc đầu:
− Thì vậy, nhưng … con nhỏ mới 18, bên kia người ta cũng chưa hối gì mà. Vả lại con An có thi lại cũng năm sau, thì cứ về quê vài tháng, xong chuyện thì trở lên chứ có ở luôn đâu
Rồi chừng như mọi việc đã được thông qua, bà Hạnh đứng lên:
− Thôi được rồi. Kêu dì Sáu dọn dẹp bàn ăn đi. Còn con An theo má về phòng để mai đi sớm
− M…ai? – Thuý An há hốc mồm – Má nói …
− Ừ. Đã quyết định rồi thì đi sớm cho ngoại khỏi sốt ruột rồi la rầy. Mai má đưa đi sớm để chiều về kịp mở hụi nữa. Dây hụi tháng ngày mai lớn lắm.
Thuý An sửng sốt nhìn qua ba cầu cứu nhưng chỉ nhận được ánh mắt thương hại và cái nhìn thụ động của ông. Má đã lên mấy bậc thang và hắng giọng hối thúc, cô đành đứng dậy lủi thủi đi theo.
Khi xổ ra mấy bộ quần áo để xếp vào chiếc va li nhỏ, cô nghe má ngọt ngào bên tai mà buồn rũ:
− Về dưới phải ráng ngoan nghe không Thuý An. Không được cứng đầu, không được cãi lời để ngoại phải mắng vốn ba má
Thấy cô vẫn như người mất hồn, bà Hạnh kéo cô ngồi xuống rồi vuốt mái tóc ngắn củn của cô, bà trấn an:
− Con lo phải không? Đừng lo, đó là quê ngoại thôi. Tuy ở dưới thiếu tiện nghi, hơi quê mùa và chưa bao giờ má đưa con về, nhưng đó không phải là chỗ lạ mà là quê của mình
Mặt chảy dài, cô nói yếu ớt:
− Nhưng ai cũng nói bà ngoại … dữ lắm.
Bà Hạnh cười nạt đùa:
− Bậy nè, con cứ nghe thằng Liêm với con Diễm hù doạ rồi sợ tầm bậy. Bà ngoại đâu có dữ lắm. Tính ngoại thật ra có … khó chịu một chút thật nhưng ngoại chỉ tức giận khi bị làm trái thôi. Con không làm trái ý ngoại thì làm sao ngoại giận được phải không?
Chừng như để trấn an cô, bà nói thêm:
− Vả lại xưa nay con chưa từng về dưới, không chừng ngoại thấy con nhỏ, thấy con dễ thương mà lại thương con thì sao
− Nhưng … anh Hai cũng nói bà ngoại hình như không ưa nhà mình
− Lại nghe thằng Liêm. Tuy xưa nay ngoại có thành kiến với nhà mình một chút thật, nhưng biết ý ngoại thì sống được thôi. Con dù gì cũng là cháu ruột ngoại mà, làm sao dữ với con được
Lời trấn an của má xem ra không thuyết phục được Thuý An bao nhiêu. Vì cô biết mình chẳng được coi là dễ thương trong mắt người khác, nếu cô dễ thương sao anh Liêm cứ suốt ngày hùng hổ dọa nạt cô hoài? Nếu cô dễ thương sao chị Diễm cứ suốt ngày lườm nguýt mỉa mai cô hoài?
Cô cũng tự biết mình khó mà ngoan ngoãn được như ý má muốn
Má muốn cô rãnh thì qua phòng răng gia đình Vũ coi ngó phụ việc vặt, cô lại thích rúc trong phòng nghe nhạc và xem phim hoạt hình. Má muốn cô luôn để tóc dài và uốn quăn từng lọn thật đẹp như chị Diễm nhưng cố lại cứ ra tiệm bảo thợ cắt ngang. Cái mái tóc ngang chỉ đủ phủ ót quá đơn giản ấy đã làm má bực mình bao nhiêu lần rồi. Ngay cả chuyện má muốn cô thi đậu và học nha khoa theo sự dìu dắt kèm cặp của Vũ cô cũng âm thầm phá hỏng.
Chẳng phải cô là đứa hay bị la rầy nhất nhà đó sao? Chẳng phải má đã từng trách mắng cô là một đứa con gái không chịu theo khuôn mẫu, không chịu tỏ ra khôn ngoan thưc tế, cứ ngông nghênh ngốc nghếch hoài đó sao?
Đối với bà ngoại cô là đứa cháu ruột thật nhưng là đứa cháu chưa bao giờ về thăm ngoại, là đứa cháu mà từ nhỏ đến lớn ngoại chưa biết mặt mũi. Vậy ngoại có thể nào yêu thương được một đứa cháu lạ hoắc vừa ngu ngốc vừa cứng đầu như cô không?
Nhìn qua Thuý An, như hiểu chút ít nỗi hoang mang lo buồn của cô, bà Hạnh lắc đầu:
− Đứng buồn quá như vậy chứ. Mặt mũi con mà buồn thấy thật thảm thiết. Về dưới chỉ có một vài tháng thôi mà, làm gì ủ rủ quá vậy. Cứ coi như đi nghỉ hè là được rồi. Đem theo sách vở, không chừng yên tĩnh lại học vô nữa đó
Móc túi lấy xấp tiền, bà đưa cho cô:
− Cả tháng nay không cho con tiền tiêu vặt, chắc giờ túi không có đồng nào phải không?
Thấy Thuý An ngó lại với ánh mắt e dè, bà nhét tiền vào tay con gái rồi hắng giọng dễ dãi:
− Đừng sợ, má hứa không la rầy chuyện con thi rớt nữa đâu. Cầm tiền má cho đi. về quê không có gì xài tiền thật, nhưng dằn túi cũng tốt
Lần này cô mới dám cầm xấp tiền má cho và lí nhí:
− Cám ơn má
Cái án treo đã được má chính thức cởi bỏ, Thuý An thấy nhẹ thở hơn một tí. Cô rụt rè hỏi:
− Chừng nào con về lại nhà mình hả má?
Má chắt lưỡi:
− Đợi dì Năm đỡ là con xin về được rồi, chẳng lẽ bà ngoại giữ con ở lại luôn.
Thấy cô im lặng, bà Hạnh xoa đầu cô cười:
− Má cũng đâu muốn con đen da khét nắng ở dưới đó. Công trình lo lắng kỹ lưỡng để hai đứa con gái má đứa nào cũng có nước da trắng đẹp như vầy mà mấy tháng phải dãi nắng dầm sương, má cũng xót lắm chứ.
− Con … đem theo máy headphone được không má? – Cô mon men hỏi
Bà Hạnh gạt đi:
− Không được. Con có tật nghe nhạc là cứ mê đi quên cả thời gian, rủi ngoại kêu mà không nghe thì có mà bị la chết
Thuý An tiu nghỉu lặng im. Có tiếng gõ nhẹ nơi cửa, dì Sáu nói vọng vào:
− An ơi, có cậu Vũ đến chơi
Nghe vậy, bà Hạnh đứng lên cười:
− Thằng Vũ đến kìa. Con chải tóc gọn ghẽ đi rồi xuống. Đừng bí xị mặt mũi nữa
Má đi rồi Thuý An lại nằm thừ ra. Sự việc xảy ra thật chớp nhoáng. Má chỉ vừa báo tin về một lá thư xa, vậy rồi cuối cùng lại dẫn đến quyết định là cô phải về quê
Cô là Út trong nhà vậy mà hầu như chẳng ai nhớ đến điều đó ngoài ba. Trong lúc này, cô có cảm giác mình như bị ăn hiếp, như bị cả thế giới cô lập vậy. Có tiếng cười văng vẳng dưới nhà nhắc nhở cô. Thuý An thở dài với tay lấy chiếc lược tròn chải sơ mái tóc trước khi xuống nhà dưới
Vũ đang vui vẻ nói chuyện với anh Liêm và chị Diễm. Thấy cô xuống anh chắc lưỡi:
− Trời, ngó nó kìa. Vậy mà ông cón định rủ nó đi nữa
Vũ liếc nhìn bộ đồ short mặc nhà của cô rồi cười nói:
− Anh mua được vé xem kịch “Tin ở hoa hồng “ rồi, em lên thay áo mình đi
Ngồi phịch xuống ghế cạnh anh, cô lắc đầu:
− Em không đi đâu, anh Vũ
− Sao vậy?
− Không sao hết, em không muốn đi.
Vũ cười
− Nhưng đây là vở kịch của Thành Lộc mà, chẳng phải trước đây em thích và xem đi xem lại kịch của đóng Thành Lộc sao?
Thuý An im lặng. Đúng là vậy thật. Chẳng những cô mê xem Thanh Lộc diễn mà còn mong ngóng từng vở kịch mới của diễn viên này khi chúng mới còn giới thiệu trên báo cho đến ngày được trình làng nữa
“Tin ở Hoa hồng” là vở nhạc kịch tuyệt hay. Cô đã được nghe mấy đứa bạn cũ trong Câu Lạc Bộ Yêu Nhạc quảnh cáo rồi. Nhưng lúc này đây, cô thực sự chẳng có tinh thần mà thưởng thức vở kịch ấy nữa
− Chắc nó sợ khuya quá – Diễm lên tiếng
Vũ hắng giọng
− Coi kịch xong thì cũng chỉ hơn 10 giờ thôi, đâu có khuya gì, anh cũng xin phép bác rồi
Thuý An vẫn lắc đầu
− Nhưng em thấy hơi mệt, em không muốn đi đâu
Diễm nhăn mặt
− Lại trở chứng rồi. Mất hứng thật. Thôi về phòng cho khoẻ anh hai. Kệ nó giở tật nhõng nhẽo với ông Vũ
Thuý An cụp mắt im lặng. Liêm đứng lên hất hàm nói với Vũ:
− Ờ, mình ông ráng mà chìu đi. Ai biểu tuyên bố chấm con nhỏ con nít dở hơi này thì chịu khó chịu đựng. À mấy cái games ông nói …
Vũ gật đầu ngắt lời
− Tôi nhớ mà, mai tôi cho ông mượn
Khi chỉ còn hai người, Vũ đổi chỗ ngồi bên cạnh Thuý An, nắm tay cô nhỏ nhẹ hỏi:
- Anh biết chuyện em phải về quê rồi. Em đang lo phải không?
Cô gật đầu. Vũ cười:
− Bác nói em có chứng say sóng nên sợ đi xa. Nhưng em đừng quá lo. Vĩnh Long cũng đâu xa xôi lắm. Em uống thuốc say sóng trước khi đi là được rồi
Thuý An định nói gì nhưng lại thôi. Anh không hiểu tuy gọi là quê hương nhưng rất xa lạ với cô, với gia đình cô. Cô lo vì chẳng biết chuyện gì sẽ chờ đợi mình ở nơi ấy
− Em đang nghĩ gì vậy?
Thuý An thở ra nói lãng đi
− Hôm nay anh vắng khách à?
Vũ phì cười
− Phòng răng của anh có bao giờ vắng khách đâu, nhất là ngày cuối tuần. Tại mua vé kịch rồi, nên anh mới giao cho cậu Bình và mẹ ôm sô hết để tới rủ em đi đó chứ
Ngắm vẻ ủ dột của cô anh rủ rê:
− Em vẫn còn chưa yên tâm lắm chuyện ngày mai thì phải. Có gì đáng lo đâu. Không xem kịch thì đi ăn kem nhé. Có một tiệm kem mới mở ở đường…
Thuý An ngắt lời anh
− Em cũng chẳng thèm kem, chỉ muốn …
Muốn gì? Thuý An ngập ngừng. Cô chợt chẳng biết thật sự mình muốn gì nữa. Ở nhà thì chắc không rồi vì cô đã rúc trong phòng suốt ngày. Còn đi ra ngoài thì biết đi đâu?
Vò mớ tóc ngắn của cô, Vũ tủm tỉm:
− Bất cứ em muốn đi đâu, làm gì anh cũng chìu, đừng lo. Liêm cũng có cảnh cáo anh hoài là thương cô nhóc không thèm lớn như em là bị hành dữ lắm nhưng anh không ngán đâu
Thuý An ngẩng nhìn anh, cô buột miệng:
− Vậy anh chở em đi một vòng được không?
− Đi đâu?
Cô phác tay mơ hồ:
− Loanh quanh một vòng vậy thôi
Vũ hơi nhướng mày. Anh đã nghe nói nhiều về cái tật thích đi rong ngoài phố của cô rồi nhưng đây là lần đầu tiên cô rủ anh đi cùng. Tuy không hứng thú gì lắm nhưng anh cũng chiều cô
Lên phòng thay vội chiếc quần jean, Thuý An xuống nhà thì Vũ cũng đã nổ máy xe đợi cô.
Gió ngoài đường phố làm Thuý An như dịu bớt những băn khoăn lo lắng trong lòng. Ngồi sau lưng Vũ cô lơ đãng nhìn những bảng đèn đủ màu rực sáng của hàng quán hai bên đường. Cô thích được đi lang thang như thế này. Chẳng biết tại sao như vậy
Đường phố có chỗ nhộn nhịp, có chỗ vắng vẻ đìu hiu. Có khi ầm ào với nhưng dòng xe cộ chạy bất tận, có khi lại tắc nghẹt trong sự nóng nảy bồn chồn. Đường phố có nhiều bộ mặt. Và cô thích hết những bộ mặt ấy. Nếu ở nhà cô chỉ có thể rúc vào phòng nghe nhạc để tìm thế giới riêng cho mình thì ngoài đường phố, cô thấy thật thoải mái dễ chịu với trời cao, với gió lộng, với nắng chang chang, hoặc ngay cả với mưa tầm tã
Thế nên dù đường phố bụi bặm và nhiều bất trắc về đêm cho cô nhóc cứ lơ ngơ như lạc vào hành tinh lạ như cô, cô vẫn thích đi rong hoài, nhất là khi mang tâm trạng bất an như hiện giờ
Thuý An có vẻ đang thư giãn, nhưng Vũ thì không. Là một người luôn quý trọng thời gian, anh cảm thấy mình đang phí phạm điều gì đó khi cứ mãi chạy lòng vòng không mục đích, cho dù hôm nay là ngày cuối tuần và ngồi sau lưng anh là cô gái hầu như chắc chắn sẽ là vợ anh sau này
Khi đảo vòng thứ hai quanh công trường Hồ con rùa, Vũ nhịn không được phải hắng giọng
− Nè nhỏ ơi, vòng lên vòng xuống khu Nguyễn Huệ 3,4 lần rồi, ngay cả cái công trường này cũng đã là lần thứ hai. Em còn muốn đi nữa sao?
Thuý An vẫn chưa muốn về, cô đành đề nghị:
− Ghé vào quán nào uống nước không anh Vũ?
Vũ gật đầu tấp đại vào một quán lấp lánh ánh đèn màu bên ngoài
Bên ngoài xe cộ tấp nập vậy mà quán vắng tanh. Thấy họ là một đôi, người phục vụ dẫn đến một góc nhỏ cách biệt với quầy bar bằng vách ngăn và cách biệt với bàn bida chẳng có khách nào đằng kia bởi một chậu dừa kiểng xum xuê
Khi hai ly nước được đem ra, Vũ đòi một cái ống hút cho Thuý An. Anh quậy tan ly đá chanh, cắm ống hút rồi đẩy đến trước cô như một thói quen. Thấy Thuý An tủm tỉm cười, anh nhíu mày:
− Gì em cười vậy?
− Tự dưng em thấy mình… ngồ ngộ
− Cái gì mà ngồ ngộ?
Chẳng lẽ nói thấy anh lo cho cô chu đáo đến nỗi không giống một cặp tình nhân, cô lắc đầu né câu trả lời. Ngậm ống hút, cô ngắm anh bằng vẻ tò mò rồi buột miệng hỏi:
− Anh Vũ nè
− Gì em? – Vũ nâng ly ậm ừ
− Anh Vũ thương em thật à?
Nuốt ngụm nước, Vũ đặt ly xuống ngay để phản đối:
− Em con nít ghê! Còn phải hỏi nữa à?
− Vậy … anh thương em từ hồi nào?
Vũ hơi lạ. Anh nhìn đôi má đỏ ửng của cô. Lần đầu tiên cô đề cập đến chuyện hai người đây. Tính cô anh biết, tuy liếng láu nhưng rất nhút nhát và dễ mắc cỡ khi nói chuyện tình cảm. Ngay cả cách đây vài tháng, khi nghe anh tỏ tình cô cũng chỉ đỏ mặt làm thinh chứ đấu dám nói gì
Nhìn cô đăm đăm, anh thắc mắc:
− Nè An, em không dám xài chữ “yêu” à? Không nhớ anh đã từng thẳng thắn nói rằng anh yêu em sao?
Ánh mắt và giọng nói của anh làm Thuý An cụp mắt cười:
− Em chỉ sợ anh xài chữ “yêu” phí phạm thôi. Em tự hỏi mình hoài. Lười học, ham chơi… em đâu có gì tốt
Vũ khẽ nhướng mày. Liêm cũng từng hỏi anh như vậy. Lúc đó anh chỉ cười cho qua, vì làm sao giải thích cho hắn hiểu cô em gái út của hắn dù tính khí trẻ con nhưng rất dễ thương, rất thu hút đối với anh
Anh đã phát hiện ra điều đó khi nhận ra mình thích ghé lại nhà thằng bạn cũ những lúc không có nó ở nhà để gợi chuyện và nghe nhỏ em gái nó huyên thuyên đủ thứ bằng cái giọng vô tư lự hơn là cặp kè đi chơi với mấy cô bạn đồng trang lứa
− Anh chưa trả lời em đó. –Thuý An nhắc khi thấy anh cứ tủm tỉm cười
− Trả lời cái gì?
− Sao anh lại thương em?
− Yêu chứ?
Thuý An mắc cỡ háy anh:
− Ừ thì … yêu, nhưng tại sao?
Ngắm cô, Vũ cười lập lờ:
− Ừ thì … tại em đẹp, em dễ thương
− Anh xạo, chị Diễm đẹp hơn em mà. Nhiều người đẹp hơn mà
Vũ nhăn mày:
− Em lại ngớ ngẩn rồi. Sao lại dính Diễm ở đây. Em đẹp khác mà
− Khác là sao?
Vũ lắc đầu ngó lơ lên trần. Người yêu con nít hơi mệt thật đó chứ. Chẳng lẽ huỵch toẹc ra rằng vì không có ý thức sắc đẹp và ưu điểm của mình nên vẻ đẹp của cô càng tự nhiên và thật hơn
Chống tay lên cằm, Thuý An bĩu môi:
− Em lại hỏi những câu ngu ngốc phải không? Anh không thèm trả lời. Anh nói thật đi, có phải em vừa ngu vừa tửng không bằng một góc mấy chị hồi đó học chung với anh
Anh cười:
− Anh có nói em ngốc bao giờ? Đừng có nghe Liêm hay Diễm nói. Anh có cách nhìn của anh chứ
Cô chăm chú nhìn anh như muốn hiểu thật rõ câu nói còn mơ hồ kia. Được một lúc, cô thở ra:
− Nhưng nhiều khi em cũng công nhận mình ngu thực sự. Học hành trật vuột, thi đại học cũng rớt, chẳng làm gì ra hồn
Vũ giấu nụ cười. Thuý An không biết thôi. Cô thi rớt đối với gia đình là cái lỗi, nhưng ngược lại, anh cảm thấy có chút hài lòng.
Các cô bạn gái trước kia của anh có thể có cùng cách suy nghĩ, có thể dễ hoà hợp hơn, nhưng sự thông minh, khôn khéo và đầy bản lĩnh của các cô lại không hấp dẫn anh bằng tính lơ ngơ, khờ khạo của Thuý An. Từ lúc trưởng thành, Vũ quan niệm rất rõ ràng rằng anh không cần một cô vợ giỏi giang, khôn khéo. Đàn bà càng giỏi giang thì càng có xu hướng xem nhẹ trách nhiệm với gia đình và rồi cũng có lúc xem nhẹ cả ông chồng. Chuyện đó Vũ thật không chịu đựng nổi.
Tốt nghiệp với mảnh bằng xuất sắc, gia đình điều hành một phòng khám nha khoa nổi tiếng đông khách, Vũ có thể tự hào về mình. Anh không ngại khi có một cô vợ thông minh, nhưng anh ghét cảnh quá bình đẳng của nhiều gia đình quanh anh. Anh càng không ưa kiểu vợ chồng cũng như bạn bè, chồng đi làm vợ cũng bon chen đi làm để rồi ông chồng có khi phải xăn tay xuống bếp
Anh đã so sánh và đã lựa chọn một cách chín chắn. Một cô vợ trẻ con, ngây thơ, không giỏi toan tính, không nhạy bén với cuộc sống như Thuý An là quá tôt đối với anh. Anh là đàn ông. Anh thích làm việc kiếm tiền cho cả nhà để khẳng định mình. Anh thích cả ngày làm việc vất vả nhưng về nhà luôn có cô vợ bé bỏng, dễ thương, tươi tắn chờ mình với cơm canh nóng hổi. Anh thích lo cho cô, nuông chìu thói mơ mộng trẻ con của cô để biết mình sở hữu cô. Có thể nhiều người cho quan niệm của anh là thủ cựu, nhưng thủ cựu có gì không tốt khi gia đình sẽ luôn vững chắc, chồng ra chồng, vợ ra vợ?
Thuý An còn quá trẻ để nói chuyện cưới hỏi, anh biết. Nhưng anh có đủ kiên nhẫn để chờ cô thêm vài năm nữa. Anh là bạn học cũ của Liêm, hai gia đình cũng có chút quen biết, anh không ngại khi đợi thời gian chín mùi sẽ chính thức cầu hôn. Hai năm, có lẽ cũng đủ. Tốt nhất là Thuý An thi rớt thêm một năm nữa. Một cô dâu đủ 20 tuổi sẽ thích hợp hơn nhiều.
− Anh đang nghĩ gì vậy?
Câu hỏi và vẻ mặt bắt đầu bùng thụng của Thuý An làm Vũ sực tỉnh. Anh phì cười:
− Câu này thường thì anh hỏi em, hôm nay hân hạnh được em hỏi ngược lại. Biết không, anh đang nghĩ về em đó
− Anh nghĩ gì về em?
Thay vì đáp anh móc ví lấy ra tấm danh thiếp đưa cho cô. Thuý An ngạc nhiên cầm nhìn rồi ngẩng lên:
− Sao tự dưng đưa danh thiếp của anh cho em? Em có biết phòng phòng khám của nhà anh mà?
− Trong đó có số phone của anh –
− Em cũng …
− Em cũng biết nhưng chưa bao giờ gọi, đúng không?- Vũ ngắt lời
Thuý An cười, cụp mặt né tránh vẻ trách móc của anh:
− Nhưng em có ghi lại trên bàn học lâu rồi, anh đâu cần đưa cho em danh thiếp làm chi
Vũ lắc đầu thở ra. Cô vợ sẽ cưới của anh đôi khi… kém thông minh quá xá
− Cô nương ơi, để em cầm về quê đó, biết chưa?
Thuý An chớp mắt nhìn anh, cô rụt rè
− Anh muốn thỉnh thoảng em gọi cho anh à?
− Ừ, lúc nào buồn, lúc nào rảnh, cứ gọi kể cho anh nghe chuyện dưới đó
Nắm bàn tay cô, anh nói:
− Nghe Liêm nói em về dưới thăm ngoại, lâu lắm cũng chừng một hai tháng thôi, nhớ cứ rảnh thì nhấc máy gọi cho anh, nghe chưa
Thuý An để nguyên tay trong tay anh, yên nghe lời dặn dò của anh mà lòng cảm thấy ấm lại rất nhiều, nỗi lo lắng về chuyến về quê ngoại đã dịu đi
Hai người ngồi nói chuyện thêm chút nữa, câu chuyện cuối cùng chuyển qua đĩa nhạc vừa ngân lên trong quán. Mà thật ra chỉ có Thuý An huyên thuyên mà thôi, vì Vũ vốn chẳng để ý gì đến ca nhạc, ban nhạc thịnh hành, anh chỉ thích ngắm nhìn và lắng nghe cô nói
Khi đồng hồ của Vũ sắp chỉ 10 giờ, anh đưa cô về. Người mở cửa vẫn là dì Sáu,dì quay vào khi thấy vẻ nấn ná của Vũ. Anh liếc nhìn phòng khách đã tắt đèn rồi giữ tay Thuý An lại. Thấy cô nhướng mày ngạc nhiên, anh cười bảo
− Ghé tai đây anh nói nhỏ cái này nữa
Đúng như dự đoán, cô khờ của anh ngoan ngoãn nghe lời để rồi giật mình khi bị cuốn vào vòng tay và đôi môi của anh. Buông cô ra, anh nói êm như ru:
− Để em mang theo khi đi xa anh
Ánh đèn đường tít ngoài kia không rõ làm Vũ tiếc vì không nhìn thấy đôi gò má của cô ửng hồng đến độ nào, nhưng vẻ bối rối vì bất ngờ của cô làm anh hài lòng. Anh nháy mắt:
− Em vào đi. Ngủ ngon nhé. Về dưới gọi điện cho anh
Xe Vũ đã chạy đi. Thuý An ngẩn ngơ nhìn theo cho đến khi xe khuất hẳn. Rồi cô đóng cổng với đôi tay lọng cọng. Khoá cổng xong, cô băng qua sân, suýt vấp té ở bậc tam cấp. Miệng lầm bẩm, cô nhăn nhó trách Vũ. Anh khó hiểu thật, tại sao mà chọn đúng lúc này mà hôn. Đã vậy còn nói một câu rất ấn tượng rồi phóng xe đi. Kỳ cục!
Cô không biết người ta hôn nhau lần đầu như thế nào. Trong sách vở và trong âm nhạc nụ hôn lãng mạn lắm chứ. Vậy mà với anh, là cái hôn bất ngờ nên ngoài sự ngạc nhiên, cô hầu như chẳng biết mình có cảm giác như thế nào nữa
Còn đang lầm bầm thầm nhằn nhừ Vũ. Thuý An chợt khựng lại khi đi ngang qua phòng ba má. Bên trong, tiếng má phàn nàn vọng ra:
− Bao nhiêu năm rồi, vậy mà… Thôi thì… đụng chuyện này cũng chiều theo ý má một lần đi xem sao, hy vọng má bỏ qua chuyện cũ. Chứ cứ bị mắng nhiếc, bị họ hàng hở chút là bươi móc hoài chán lắm. Có quê mà không dám về. Nhiều khi em cũng thấy tủi thân
Thuý An đợi thêm một vài giây nhưng không nghe thêm ba má nói gì, cô về phòng thắc mắc trong lòng. Má nói cái gì mà chuyện cũ? Tại sao má không dám về quê? Vì bà ngoại khó ư? Trước nay cô cũng có đôi lần hỏi má về quê ngoại nhưng lần nào cũng bị gạt đi. Bây giờ cô sắp về đó nhưng má cũng chẳng nói rõ gì cả. Vậy là sao nhỉ?
Để nguyên quần áo nằm lăn ra giường, cô nhìn những vật dụng ngổn ngang trong phòng mà thấy lo lo. Quê ngoại là ở đâu? Cô chỉ biết mang máng là mình có quê ở Vĩnh Long nhưng chưa bao giờ được đặt chân về dưới một lần. Dường như từ khi lấy chồng, má cô không muốn trở vê quê cũ. Bây giờ đích thân má dẫn cô đi, nhưng lần đầu tiên về quê cô đã phải gánh trách nhiệm xem chừng rất nặng nề cho cả nhà. Bà ngoại dữ dằn và khó khăn cỡ nào? Tại sao nhà cô ai cũng có vẻ ngán sợ? Chắc là phải dữ ghê lắm nên má mới né tránh như vậy
Vơ cái gối ôm nằm dài ra nệm, Thuý An chép miệng tự nhủ. Suy cho cùng bà ngoại cũng là người thân thuộc, có khó mấy thì cũng ráng chịu chứ biết sao. Nghe nói dì Năm ở bên cạnh và chăm sóc ngoại được suốt hai mươi mấy năm nay, sao cô lại không thể bắt chước dì vài tháng? Với nhiệm vụ về quê này, cô có thể xoá đi cái án treo của má vì tội thi rớt. Anh Liêm, chị Diễm sẽ bớt châm biếm, chán ghét cô
Thôi kệ. Vắng Sài Gòn một vài tháng coi như thay đổi không khí vậy
Với những ý nghĩ lan man trong đầu, Thuý An thiếp đi lúc nào không hay. Quanh cô, những quần áo và vật dụng vẫn còn bày la liệt bên cái vali nhỏ.