Xưa nay mấy người yêu nhau thường hiệp hội mừng vui với nhau, hoặc cùng nhau đi chung trên một con đường đời, thì hay gọi nhau là bạn đồng tâm đồng chí. Cách xưng hô như vậy người ta có thể rộng dung mà cho là được, mặc dầu người ta thường thấy đa số bằng hữu hoặc đồng tâm mà không đồng chí, hoặc đồng chí mà không đồng tâm.
Chí ư một cặp thanh niên nam nữ se tơ kết tóc với nhau, trong lúc ái tình ám ảnh say mê rồi khoe khoang với vợ chồng mình là bạn đồng chí đồng tâm nên siết tay để mạnh bước trên đường đời, lời khoe khoan ấy khó cho người ta chấp thuận được.
Người ta không chịu chấp thuận được là vì xem trong cả ngàn cặp vợ chồng, người ta chưa tìm được một cặp nào thiệt đồng chí đồng tâm. Trái lại, với con mắt sáng suốt, người ta thường thấy nếu không phải người trâu trắng kẻ trâu đen, thì cũng chồng chèo xuôi vợ chèo ngược. Nếu trong gia đình nào mà vợ chồng thuận hoà êm ấm, ấy là tại ông chồng xuôi xị để cho vợ cầm lái nắm lèo, hoặc nhờ bà sợ rầy để cho chồng làm mưa làm gió.
Như trong gia đình của ông Nhiêu Giám mà chúng ta đương lướt mắt xem đây, mặc dầu ông bà ăn ở với nhau 30 năm, trên thuận dưới hoà, trong ấm ngoài êm, sanh tới hai đứa con đã có dâu còn sắp có rể, thế mà vợ chồng có đồng tâm đồng chí hồi nào và chỗ nào. Sỡ dĩ thuở nay trong nhà được bình an, vì ông Nhiêu có học, ông lo lắng minh mông ông toan tính phá núi lắp sông tự ý ông, bà Nhiêu không cần biết tới, bà chỉ cặm cụi bồi thổ thớt vườn và cày cấy miếng ruộng, để có huê lợi và có lúa gạo mà cung cấp cho gia đình được ấm no, khỏi thiếu hụt mà phải nhọc lòng mệt trí vậy thôi.
Ðến đây chúng ta mới nhận thấy vợ chồng ông Nhiêu bề ngoài cũng vẫn thuận hoà êm ấm, nhưng bề trong thì sự bất đồng tâm, bất đồng chí thể hiện rõ ràng.
Ông Nhiêu ép con, là Ðạt khư khư bền lòng vững chí mà kháng chiến luôn luôn, dầu có chết đi nữa, thì cũng được danh thơm tiếng tốt đã hiến thân để cứu dân giữ nước. Ðạt không vâng lời cha đành quăng cây mác nghĩa binh, chấp tay quỳ gối mà đầu giặc đặng mang cái áo Cai Mã tà, viện lẽ rằng kháng cự không có đường chiến thắng chi bằng hàng đầu đặng hiệp tác mà giữ nước cứu dân.
Ông Nhiêu cho sự hàng giặc là điều nhục nhã, nhục cho phận con mà nhục lây cho cả cha mẹ ông bà, ông gọi hiệp tác với giặc là hại dân bán nước, bời vậy con trái ý ông thì ông ghét giận, quyết định không nhìn con và cấm con không về nhà nữa
Bà Nhiêu không dám binh con mà cãi lẽ với chồng, song hay con ở Mỹ Tho ẩn núp cho an thân, thì bà vui, chừng nghe tin con làm Cai Mã tà đặng có người che chở cho khỏi lao tù, khỏi súng đạn thì bà càng vui lòng thêm nữa, chớ không ghét giận con như ông Nhiêu. Bà không nhận sự vui lòng của bà đó là quấy bởi vì nàng dâu với con gái của bà cũng yêu Ðạt như bà, chớ nào phải ghét bỏ.
Ấy vậy ở trong nhà ba mẹ con bà Nhiêu đồng ý, duy có một mình ông Nhiêu khác ý mà thôi. Ða số thuộc về phía bà, nên bà không lo gì lắm.
Làm cha làm mẹ ai cũng thương con. Không phải tại Ông Nhiêu không thương Ðạt, không chịu nhìn Ðạt là con nữa. Ông cũng thương Ðạt như bà vậy chớ, nhưng ông thương con theo trí đàn ông, còn bà thương con theo ý trí đàn bà. Ông thương con nên ông muốn ép con giữ nghĩa nhân đạo đức vuông tròn; còn bà thương con bà chỉ lo cho thân con được ấm no, yên ổn. Ông thương ông biểu con vì nghĩa nước non, con đừng sợ chết. Bà thương bà muốn con vì tình mẫu tử, con rán giữ lấy thân. Tại vậy, chỉ tại vậy mà vợ chồng Ông Nhiêu Giám bề ngoài thì hòa thuận êm ấm, song bề trong không đồng tâm đồng chí.
Bữa đó Thị Ðậu với Thị Trâm đi ra Mỹ Tho bán dừa chuối, về đến nhà thì đã tối mò. Hai chị em người xách tiền người lụi hụi đi vô nhà. Bà Nhiêu hỏi tại sao về tối dữ vậy. Trâm giành nói phải dợi bán cho hết chuối tới xế mới về được. Ông Nhiêu nằm trên võng ông không thèm hỏi gì hết.
Trâm giao tiền với trà bánh kẹo cốm cho mẹ. Còn Ðậu bưng thịt cá mắm khô đem xuống nhà dưới. Bà Nhiêu mở gói thèo lèo đưa cho Trâm một nắm rồi kêu Trâm mà nói: „Trâm nhúm lửa rồi bắt siêu nóng đặng chế trà cho cha con uống mà ăn bánh đây. Hồi chiều mẹ có nấu cơm nhiều mà để dành cho đó, dọn mà ăn với nhau.“ Bà lấy dĩa sắp bánh với kẹo cốm, lấy bình mà súc rồi để trà. Bà làm lăng xăng, đợi nước gần sôi rồi mới bưng bình đi xuống bếp. Thấy con với dâu đương ngồi ăn cơm, bà ngừng mà hỏi nhỏ: „Có gặp được nó hay không?“ Trâm cũng đáp nhỏ nhỏ: „Ðược mẹ à. Bắt ở ăn cơm đặng nói chuyện đến xế hai vợ chồng mới chịu cho về, nên về mới tối. Anh có vợ bé mẹ à. Ði lại nhà ảnh dễ quá. Con biết rồi. Con hết sợ nữa“. Bà Nhiêu khoát tay nói nhỏ: „Thôi để mai rồi nói chuyện“. Bà chế bình trà bưng lên nhà trên, mời ông lại ăn bánh uống trà.
Nãy giờ ông Nhiêu nằm êm, không nói chi hết nhưng ổng hiểu dâu con lấy cớ đi bán dừa chuối. Ðó là đi thăm Ðạt mà trở về hớn hở là chắc gặp được Ðạt rồi. Tuy vậy mà ông làm bộ như không hay biết gì hết nghe bà mời ông cũng vị tình bước lại ăn một miếng cốm uống một miếng trà cho bà vui lòng.
Bà chỉ mấy quan tiền của Trâm đem về mà nói với ông: “Ðồ chịu khó chở ra Mỹ mà bán mới có tiền. Ở đây chờ ghe tới mua họ mua rẻ quá“. Bà nói như vậy là có ý mở đường cho dâu con ít bữa đi bán dừa chuối một lần. Không biết ông hiểu mưu kế của bà hay không, mà ông lặng thinh, dường như ông nghĩ bán đồ trong vườn là việc của bà, ông không cần phải bàn tính.
Bữa sau ăn cơm sớm mơi rồi, Ông Nhiêu dắt Tâm đi qua trường học. Bây giờ trong nhà thong thả, bà Nhiêu xuống nhà dưới ngồi ăn trầu bà kêu dâu và con lại mà biểu thuật rõ chuyện đi kiếm Ðạt cho bà nghe.
Trâm lanh lợi hơn Ðậu, Trâm mới tỉ mỉ kể chuyện từ đầu chí cuối, không bỏ sót một khoảng nào.
Nghe nói tới chuyện Ðạt có vợ bé, là em ông Ðội Tồn, thì bà lo ngại. Bà ngó Ðậu, té ra Ðậu lại vui vẻ như thường mà lại còn khen Thị Dần là người biết điều. Ðạt gá nghĩa với Dần thì Ðạt có phước lắm. Nàng nói thịt cá đem về đó là đồ của Dần lo mua gởi về cho cha mẹ, còn một gói trà cột chung với bánh in thèo lèo là đồ của Ðạt gởi.
Bà Nhiêu nghe nói biết điều lại thấy bộ Ðậu không buồn thì bà yên bụng.
Ðậu còn nói tiếp rằng Ðạt đã yên thân, lại có người lo cơm nước áo quần, thì nàng khỏi lo gì nữa. Trâm nói bây giờ đã biết nhà biết đường đi rồi, muốn đi bữa nào cũng được, không sợ Tây tra xét cản ngăn.
Bà Nhiêu cười mà nói: „Vậy thì hễ có dừa chuối nhiều bây chở đi bán đặng thăm thằng Ðạt luôn thể.“ Thị Ðậu nói: „Mình đem đồ ra thì dì thằng Tâm giao cho bạn hàng quen họ bán giùm, mình khỏi lo gì hết. Chừng nào về thì lấy tiền mà về. Ngặt chuối nặng nếu chở nhiều thì xuồng khẳm sợ chìm quá. Cha thằng Tâm cho họ mướn lỡ chiếc ghe lườn. Ảnh nói để ảnh đòi lại, rồi chuyến sau chị em con chèo về mà dùng“. Bà Nhiêu nói nếu Ðạt không cần dùng thì lấy về, cho mướn làm chi.
Từ đây bà Nhiêu với dâu và con bà thăm chừng dừa chuối hoài, trông cho có nhiều đặng chở ra chợ Mỹ mà bán. Ðậu với Trâm đi được vài lần nữa, lần nào vợ chồng Ðạt cũng cầm ở lại ăn cơm và cũng mua đồ gởi về. Lần sau Ðạt đã đòi chiếc ghe lườn lại rồi nên bận về Trâm để cho chị dâu bơi xuồng rồi nàng chèo ghe, xuồng bơi thủng thẳng chờ ghe đặng chị em nói chuyện.
Trót mấy tháng rồi ông Nhiêu không nhắc tới Ðạt, mà ông lại trông thơ của Nhiêu Lạc ở xóm Dầu, nóng nảy không biết Tây xử phạt cụ Thủ Khoa cách nào. Ra trường dạy trẻ nhỏ thì ông khuây khõa ít nhiều, mà hễ về nhà thì ông cứ nằm võng đưa tòn ten không muốn nói chuyện, không để ý đến việc chi trong nhà hết.
Một bữa trưa Ðỗ Chí Linh ở Khánh Hậu qua thăm ông Nhiêu Giám, chàng đi thẳng vô nhà, gặp bà Nhiêu chàng hỏi sức khoẻ của cha mẹ, rồi luôn dịp chàng hỏi bà Ðạt có về thăm nhà hay không?
Nhơn cơ hội ông Nhiêu ở ngoài trường học, bà Nhiêu mới tỏ thiệt cho Linh hay Ðạt đã theo Tây mấy tháng nay lãnh chức Cai coi lính Mã tà ngoài Mỹ Tho. Bà nói vì người ta biết Ðạt có chưn trong đoàn nghĩa binh nên kiếm bắt. Bất đắc dĩ mà Ðạt phải kiếm thế mà ẩn núp cho khỏi mang họa. Thế mà ông Nhiêu nói Ðạt là đồ bán nước hại dân, ông không nhìn là con ông nữa và ông cấm Ðạt không cho về nhà. Việc đó làm cho bà mất vui, theo ý bà mình không có súng thì làm sao mà kháng chiến cho nổi. Còn Ðạt ló về đây thì người ta vây bắt. Ðạt bít đường tấn thối tự nhiên phải đầu giặc cho khỏi chết, chớ có làm quấy gì đâu mà ông giận ghét, nói Ðạt bán nước hại dân.
Linh nghe bà mẹ vợ nói như vậy thì biết bà không hiệp ý với ông Nhiêu mà bà lại ló mòi binh Ðạt nữa. Chàng cứ ngồi nghe không dám nói phải quấy gì hết.
Bà Nhiêu than thở rồi bà biểu Linh đi ra trường học mà thăm Ông Nhiêu.
Bữa nay Chí Linh đi thăm cha mẹ vợ mà không dám đi ban ngày là vì chàng mới hay một tin quan hệ chàng muốn cho Ông Nhiêu biết gấp. Bởi vậy được nghe bà Nhiêu biểu ra trường học thì Ðạt đứng lên đi liền.
Ông Nhiêu đang khao khát gặp đồng chí mà tỏ bày tâm sự bởi vậy thấy Linh ông mừng rỡ, biểu Linh ngồi bỏ dạy học mà nói chuyện. Linh hỏi thăm sức khoẻ của ông rồi hỏi ông có nghe tin tức về cụ Thủ Khoa hay không?
Ông Nhiêu thở dài mà nói:
- Cha trông thơ của ông Nhiêu Lạc mà chưa thấy thơ nên có biết gì đâu. Hổm nay cha muốn đi lên trển nữa đặng hỏi thăm. Ngặt đường xa, ghe đi lâu quá bất tiện dữ.
- Như cha chịu thì con lãnh đi thế cho cha. Cha viết thơ cho ông Nhiêu Lạc rồi con cầm thơ con đi.
- Khoan để đợi ít ngày nữa coi. chú Tư Ðịnh biết nhà Ông Nhiêu Lạc. Cha viết thơ cho chú đi cũng được.
- Bên nầy cha hay ông Ðốc binh Thành bị Tây bắt hay không?
- Trời ơi! bắt hồi nào? ở đâu? Cha không hay.
- hưa bắt hồi tối hôm qua. Bắt tại Kỳ Son.
- Lần lượt bắt hết, bắt tới cấp chỉ huy thì ai còn điều khiển mà kháng chiến!
- Người ta mới cho con hay tin hồi sáng nầy. Con nghe bủn rủn, nên qua báo tin với cha. Người ta còn cho con biết một tin trặc trẹo nữa là tốp lính vây bắt Ðốc Thành đó phân nữa là lính Tây phân nữa là lính Việt. Mà tốp lính Việt đó do anh Hai Ðạt cầm đầu. Ảnh đứng chận cửa bao phía ngoài để cho Tây vô bắt.
Ông Nhiêu vỗ bàn cái ầm mà nói lớn:
- Cũng thằng bán nước đó nữa! Nó dắt Tây đi bắt, chớ Tây biết Ðốc Thành ở chỗ nào mà bắt được, thằng Ðạt đáng tội rồi! Mấy tháng nay nó chỉ cho giặc lần lần bắt mấy người trai tráng có chưn trong đoàn nghĩa binh của ta. Ðem họ về thành, nó dụ dỗ họ đầu giặc mà vô làm lính Mã tà với nó. nay nó bắt tới Ðốc Thành nữa. thì quá quắt rồi. Xưa rày nó chặt tay chặt chưn bây giờ nó chặt tới đầu cuộc kháng chiến!
- Họ nói như vậy nhưng cha nên để thủng thẳng hỏi lại coi. Có lẽ nào anh Hai con lại nở phản bội quá như vậy lận. Con chắc ảnh bị tình nghi nên ảnh phải đi lính đỡ cho qua lúc nguy hiểm nầy mà thôi.
- Không có thì làm sao người ta nói được. Phải có lửa mới có khói chớ. Nó có nói lẽ với cha. Cha biết rõ đầu óc nó rồi. Nó là yêu quỷ sanh ra để hại dân bán nước chớ không phải người ta.
Ông Nhiêu nói chua dứt lời thì chú Tư Ðịnh bước vô chào hỏi Chí Linh rồi đi lại một bên Ông Nhiêu mà nói nhỏ nhỏ:
- Cha chả, sao mà người ta đồn rùm, họ nói chú hai Ðạt dắt Tây đi bắt Ðốc Thành rồi ông à.
- Tôi hay rồi Linh mới nói đây.
- Nếu cậu Linh cũng hay như vậy, thì lời đồn chắc trúng, chớ không phải nghe thấp thổ rồi đồn bậy.
- Trúng chớ. Hôm trước tôi đã nói với chú, thằng Ðạt là phồn[1] bán nước. Tôi không nhận nó là con của tôi nữa. Nó theo giặc nó lãnh quyền tước và lương hướng của giặc, đặng giúp chiếm đất nước của mình mà cai trị, bắt dân mình làm tôi mọi thì tôi coi nó là giặc là kẻ thù chung của người mình, chớ không phải là con của tôi.
- Cụ Thủ Khoa bị bắt rồi bây giờ tới ông Ðốc Thành nữa, thì còn ai đâu mà cầm binh kháng chiến. Không biết rồi họ xử ông Ðốc Thành thế nào.
- Hồi nảy tôi có nói với Linh, tôi tính viết thơ rồi cậy chú cầm lên xóm Dầu hỏi ông Nhiêu Lạc cho biết tin tức cụ Thủ Khoa.
- Ðược, ông viết thơ đi, ông muốn bữa nào tôi đi cũng được đi một mình tôi lấy chiếc xuồng bơi đi cho mau, không cần đi ghe lớn.
- Bây giờ xãy ra vụ nầy, thôi chú đình sự đi lên xóm Dầu, muốn cậy chú đi giùm ra Mỹ Tho lóng nghe coi họ bắt Ðốc Thành đem về rồi họ xử cách nào.
- Cũng được. Khuya nay tôi lấy xuồng tôi bơi đi.
- Chú rán hỏi thăm cho chắc nghe hôn.
- Tôi biết mánh lới. Tôi hỏi chắc được mà. Vậy ông đừng lo.
- Vậy thì Linh ở bên nầy chơi con. Ở chơi đợi chiều mai chú Tư đi hỏi thăm chú về, đặng nghe tin tức Ðốc Thành, rồi con sẽ về.
Chí Linh dụ dự.
Tư Ðịnh tiếp nói: „Cậu Linh ở chơi. Bây giờ bên nầy êm rồi. Không có ai ruồng xét gì nữa đâu mà sợ. Chú Ðạt chú đi. Ông ở nhà ông buồn quá cậu ở nói chuyện chơi cho ông vui.“ Linh nói: „Lúc nầy tôi tập luyện ít người. Nhưng tôi ở chơi vài bữa được. Ở nhà có em út họ coi chỉ cho mấy người mới.“
Tư Ðịnh nói:
- Lúc nầy đã rảnh sao cậu không xin với ông bà cưới phứt cô Trâm rồi về bên nầy mà ở, ở bên nầy dạy võ cũng được vậy chớ.
- Tình hình còn rối lắm, nên tôi chưa dám tính đến cuộc hôn nhơn.
- Biết chừng nào mới hết rối. Cậu không còn cha mẹ, mà cũng không có anh em. Nghe nói ở bển cậu ở đậu nhà bà con. Thôi thì cưới rồi về ở bên nầy cho xong.
- Ðể đợi ít ngày nữa coi.
Ông Nhiêu nói: „Thôi mai chú đi dọ tin Ðốc Thành coi thế nào, rồi tôi viết thơ cho chú cầm lên Xóm Dầu mà hỏi thăm cụ Thủ Khoa. Nếu hai người bị kẹt hết, thì tôi sẽ biểu Linh cưới con Trâm cho rồi, chớ còn kháng chiến gì nữa mà chờ.
Tư Ðinh đứng dậy đi về. Ông Nhiêu dặn phải nghe tin Ðốc Thành cho chắc.
Ông Nhiêu có khách nên chiều bữa đó ông cho học trò về sớm. Ông dắt Linh vô nhà, biểu bà Nhiêu dậy nấu cơm sớm cho Linh ăn, rồi cha con nhắc ghế ra sân ngồi bàn tính với nhau coi phải dùng phương pháp nào mà đối phó với thời cuộc.
Trong cuộc đàm luận nầy cha vợ với chàng rể đều lộ tâm trí rõ ràng. Cả hai đều khư khư cương quuết phải kháng chiến để gìn giữ đất đai của ông cha dày công khai thác. Về điều đó thì cha con đồng ý với nhau. Nhưng cha là nho gia còn con là võ sĩ, bởi vậy mỗi người quan niệm tương lai một cách riêng, không thể hiệp hoà với nhau được.
Ông Nhiêu nói nếu kháng chiến mà không thành công thì ông sẽ bỏ xứ mà đi, ông không thể làm thần dân của giặc cho được, còn Chí Linh nói vì chàng yêu đất nước nên chàng không nỡ lìa xa; nếu đất nước tiêu tan, không cứu được thì chàng sẽ chôn thịt vùi xương trong đất nước ấy cho tròn phận nam nhi đối với núi sông cây cỏ.
Ông Nhiêu nhớ hôm đi lên Sài Gòn, Chợ Lớn, ông thấy có nhiều người Việt Nam ra đầu Tây lãnh chức, lãnh quyền, rồi quần áo nhỗn nha ngựa xe rần rộ, tác oai tác phước, vinh mặt vinh mày, thấy như vậy ông thấy làm hổ thẹn. Ông than: „Mấy người đó là hạng người vô giáo dục, vô lương tâm, nên mới làm như vậy được. Nếu họ có học thì họ phải nhớ lời của Thánh nhơn dạy; sống trong thời thái bình thạnh trị, mà mình cam phận la lất trong cảnh nghèo hèn, thì mình đáng hổ thẹn lắm vậy, hổ vì mình không có tài nghệ để dạy dân giúp nước, nên mới tệ như vậy. Còn sống giữa lúc loạn ly hỗn độn mà mình an hưởng địa vị giàu sang, thì mình cũng hổ lắm vậy, hổ vì mình giỏi gian trá quên thẳng ngay, mê lợi danh bỏ nhân nghĩa, cứ xu thời cậy thế mà bóc lột mới được cao sang đó. Rất tiếc dân đau khổ nước khuynh nguy mà người ta không thèm lo giữ nước đỡ dân, lại lo cướp giựt tranh chấp những miếng mồi của giặc quăng ra để dụ dỗ. Vận nước suy vi nên mới khiến lòng người tồi bại đến thế. Nghĩ thiệt đáng buồn!“
Chí Linh nói: „Ai làm sao thì làm. Phận con cứ giữ một lòng với nước non, với chủng tộc giàu nghèo không kể, sống chết không màng!“
Ông Nhiêu nói: „Vậy mới phải chớ“.
Cha con luận nhơn tình, bàn thế cuộc đến khuya rồi mới chịu đi ngủ.
Chú Tư Ðinh hứa với Ông Nhiêu khuya chú ra Mỹ Tho, theo lời hứa nên sao mai vừa mọc thì chú bơi xuồng một mình. Còn chú mạnh mẽ nói chú sẽ có tin tức rõ về Ðốc Thành, ấy là vì chú kể chắc sẽ có cai Ðạt thông tin cho chú biết.
Thiệt quả ra tới bến đò gần chợ. Tư Ðịnh buộc xuồng mà gởi cho chủ ghe đậu gần đó, rồi xăm xăm đi vô phía trại lính Ðạt đã có dắt chú về nhà một lần rồi, nên chú đi cứng cỏi, không sợ lạc đường, cũng không lo tra hỏi.
Cai Ðạt có ở nhà. Chàng thấy Tư Ðịnh thì mừng rỡ, Ðạt hỏi thăm trong nhà bình yên thế nào rồi mời Ðịnh ở ăn cơm rồi sẽ về. Chú đi chợ mua đồ sẵn dịp ghé thăm một chút mà thôi, ở lâu không được.
Tư Ðịnh nói chuyện chơi một hồi rồi như tình cờ sực nhớ hỏi Ðạt:
- À! Ở trong mình người ta đồn hôm đó chú Hai dắt lính Tây qua Kỳ Son vây bắt được Ðốc Thành. Phải có như vậy hay không?
- Có nhưng mà họ có tình báo chỉ dẫn cho họ biết mà đi bắt. Tôi coi mã tà họ bắt tôi đem một chục lính đi theo, tôi phải đi. Nhưng tụi tôi ở ngoài xa. tôi có biết Ðốc Thành ở đâu mà dắt họ bắt.
- Mà họ bắt được hay không?
- Ðược. Họ đem về mấy bữa rày, họ còn để trong khám.
- Cha chả, không biết rồi đây họ xử làm sao. Bị đày hay không?
- Biết đâu. Bị làm tới Ðốc binh, tôi sợ nặng nhưng không sao. Hôm mới bắt dắt đi về dọc đường, ông Ðốc Thành có biểu tôi làm ơn cứu giùm ổng. Tôi có cậy ông Ðội Tồn rồi. Trong vài bữa nữa ông Ðội òn ỷ nói giùm chắc họ thả.
- Ừ, chú Hai nó rán nói giùm. Chớ cụ Thủ Khoa bị kẹt rồi, bây giờ ông Ðốc Thành bị nữa thì ai nấy bỏ nghỉ hết.
- Ðược mà. Tôi chắc xin được. Chú dừng lo tụi em út nhỏ nhỏ bị bắt tôi xin được hết, không cần cậy tới ông Ðội. Tôi tiếc quá chú Tư. Chớ chi tôi vô lính trước thì cụ Thủ Khoa bị bắt tôi xin họ thả cụ cũng được nữa.
- Chú Hai nó được người ta yêu như vậy thì đỡ quá đỡ cho bà con anh em ở trong mình.
- Ừ, chú nói với bà con đừng lo. Ai rủi bị bắt thì tôi cứu cho, không sao đâu mà sợ.
- Nầy nãy giờ tôi quên nói cho chú nó nghe. Lần trước tôi gặp chú đó tôi về tôi có nói cho ông Nhiêu bà Nhiêu nghe hay chú làm Cai Mã tà, ông Nhiêu giận ổng rầy quá ổng nói chú theo giặc để hại dân bán nước. Ổng biểu tôi có gặp chú nữa thì nói cho chú ổng không nhìn chú là con ổng cấm chú không được về nhà, mà cũng đừng cho ổng thấy mặt nữa.
- Con em tôi hôm trước nó ra thăm tôi nó có nói chuyện đó cho tôi hay rồi. Cha tôi giận thì tôi chịu. Tôi dám nói gì đâu. Chú Tư nghĩ coi tôi ở ngoài thì tôi phải chết. Cực chẳng đã tôi phải về đây mà ẩn núp. Cha tôi không chịu, biểu tôi phải chết. Chết vô ích thì chết làm chi. Thà tôi đi lính đặng cứu anh em bà con, không có ích hơn hay sao, cha tôi nói tôi đi theo lính đặng hại dân bán nước. Tôi có làm bậy hồi nào đâu mà cha tôi nói như vậy. Chú Tư ở gần, chú làm ơn khuyên giải giùm cha tôi đặng đừng giận tôi nữa.
- Ông Nhiêu gắt lắm. Ai dám cãi với ổng. tuy vậy thì hễ có dịp thì tôi sẽ khuyên dần dần, vó lẽ ổng sẽ bớt giận chớ. Mà phận chú cũng phải rán ăn ở cho có đức, đừng có hung hăng quá, nếu thấu tới tai ông Nhiêu rồi thì khuyên giải giống gì được.
Tư Ðịnh cáo từ mà về.
Ðến trưa chú về tới nhà, ăn ba hột cơm rồi lật đật đi qua nói chuyện cho ông Nhiêu nghe. Vô tới sân chú biết ông Nhiêu ở ngoài trường học. Chí Linh hội ý biểu hiểu chú biểu ra trường học để đặng nghe nói chuyện.
Ông Nhiêu thấy Tư Ðịnh thì mừng, biểu ngồi rồi hỏi có nghe chắc Ðốc Thành bị bắt hay không. Tư Ðịnh kéo Linh lại ngồi một bên chú ngồi trước mặt Ông Nhiêu rồi chú mới nói: “Ra tới chợ Mỹ tôi hỏi thăm thì ai cũng hay Ðốc binh Thành bị lính vây bắt được bên Kỳ Son, nhưng không hiểu lính nào. Tôi giận mới đi kiếm chú Hai Ðạt mà hỏi coi phải chú dắt lính qua bắt Ðốc Thành đó hay không. Tôi gặp chú Ðạt tôi hỏi thì chú nói Tây họ vẫn biết Ðốc Thành ở Kỳ Son nên đem binh qua bắt, chớ chú có biết đâu mà dắt đi. Thiệt quan Tây có biểu chú đi theo với 10 tên lính Mã tà. Nhưng tụi chú bao ngoài xa, chớ không có vô nhà mà bắt. Chừng bắt được dắt đi về dọc đường. Ðốc Thành thấy chú mới năn nỉ xin chú lập thế cứu giùm. Chú hứa để thủng thẳng rồi chú sẽ liệu. Hiện giờ Ðốc Thành còn bị giam trong khám. Chú Ðạt đã có cậy ông Ðội Tồn xin giùm rồi. Có lẽ Ðốc Thành khỏi tù.”
Ông Nhiêu cười gằn mà nói:
- Thằng Ðạt quỷ quyệt lắm, chú Tư nghe nó nói mà chú tin thì lầm chết. Nó dắt người ta bắt đốc Thành đó chớ ai. Nó kiếm chuyện mà nói đặng che đậy cái gian của nó. Nó khôn hơn tôi sao nổi. Nó giấu đầu rồi lòi đuôi. Nó nói Ðốc Thành năn nỉ cậy nó cứu giùm. Nó chắc cứu được? Trong đôi bữa đây họ sẽ thả. Hứ! Thả! Nó làm mủ làm nhọt, tưởng người ta không biết. Nó dắt đi bắt đem về nó hăm doạ, rồi dụ đầu giặc, hễ chịu đầu thì người ta tha, lại cho làm lính, làm cai làm đội. Nó dùng chước đó quyến rủ nghĩa binh mình theo Tây bộn rồi. Bây giờ nó dụ tới Ðốc Thành nữa, chớ có gì đâu. Chú Tư để rồi coi. Nay mai đây Ðốc Thành sẽ làm Cai làm Ðội Mã tà nữa.
- Chú Hai Ðạt nói chớ chi chú vô làm lính trước khi cụ Thủ Khoa bị bắt, thì chắc chú cứu cụ Thủ Khoa cũng được nữa.
- Cụ Thủ Khoa đương thèm cầu nó. Mặt nó mà dụ cụ phản quốc được à? Thiệt mưu của thằng Ðạt nham hiểm độc ác lắm. Nó làm cách đó nó phá cuộc kháng chiến rã rời hết. Thà nó dắt Tây bắt nhơn viên đem về bắn chết, làm như vậy ít độc ác là dụ đầu hàng. Nó giúp cho giặc có thể trở giáo của mình mà giết người mình. Hai người nghĩ coi phải tội nó lớn không hử?
- Chú nói nghe tử tế quá. Chú dặn tôi anh em trong nầy đừng sợ. Nếu ai rủi bị bắt chú sẽ xin giùm cho. Nếu chú có khác thì mình làm sao mà biết được.
- Thôi chú Tư nghỉ ít bữa rồi tôi viết thơ tôi cậy chú đem lên ông Nhiêu Lạc trên xóm Dầu mà hỏi thăm cụ Thủ Khoa.
Tư Ðịnh từ mà về. Chí Linh cũng xin phép trở về Khánh Hậu, hứa chừng nữa tháng sẽ qua nữa đặng hỏi thăm tin tức của cụ Thủ Khoa.
[1] phường