Đại Mạc Thương Lang

Quyển 2 - Chương 45: Bùi thanh

Trầm ngâm một lát,
anh Điền mới lầm bầm nói trong tai nghe: “Đây là tượng điêu khắc thời kì viễn cổ. Sao nó lại xuất hiện ở đây nhỉ?”

“Chắc nó bị sụt lún từ trên cao xuống.” - Bùi Thanh đáp - “Có lẽ pho tượng Khoa Phụ[1] này
được khắc trên mặt đất, sau đó vì tai họa địa chất nên nó mới chìm vào
lòng đất, cuối cùng hang động sụp đổ khiến nó rơi xuống vực sâu.”

[1] Khoa Phụ: là người khổng lồ xuất hiện trong thần thoại “Khoa Phụ đuổi mặt trời”, thuộc bộ Sơn Hải Kinh của Trung Quốc.

“Có khả năng này sao?”

“Dẫu sao cũng nhiều khả năng xảy ra hơn việc suy đoán người cổ đại nhảy xuống vực sâu để khắc tượng.” - Bùi Thanh trả lời.

Có đúng như vậy không thì tôi không thể khẳng định nhưng tôi ý thức được
trong vực sâu này chắc chắn còn ẩn chứa rất nhiều bí mật, đó là những bí mật mà chúng tôi vĩnh viễn không thể nào chạm tới.

Máy bay chầm
chậm bay vòng qua người khổng lồ, thậm chí có lúc khoảng cách giữa máy
bay với người khổng lồ chỉ còn hơn chục mét, chúng tôi nhìn rõ mồn một
từng lỗ thủng, chẳng ngờ mỗi lỗ thủng có thể chứa vừa một người. Tôi có
cảm giác dường như trong những lỗ này đều chứa một thứ gì đó. Đáng tiếc
là máy bay lướt vụt qua nó nên chúng tôi không kịp nhìn kĩ. Người khổng
lồ đã ở sau lưng chúng tôi rồi biến mất trong đêm tối.

“Tiếc quá! Chúng ta không thể dừng lại xem!” - Vương Tứ Xuyên than thở - “Ai có
thể phát minh ra loại máy bay biết dừng lại giữa chừng thì tôi nhất định sẽ ban thưởng cho người đó.”

“Cũng chẳng cần thiết phải dừng lại.” - Bùi Thanh nói.

“Đã chụp được chưa?” - Anh Điền hỏi Chu Cường, Chu Cường đáp: “Được rồi ạ!”


“Tốt! Nhiệm vụ của chúng ta đã hoàn thành!” - Anh Điền thở phào như thể vừa trút được một rổ tâm sự.

Lúc này, một chuỗi tiếng động chợt phát ra từ phía ngoài, thiết bị chiếu
sáng ở ngoài máy bay đã phục hồi, đèn halogen lại bừng sáng.

“Lạ
thật!” - Ivan lẩm bẩm. Tôi vỗ mấy cái lên mặt để thư giãn, cảnh tượng
tôi nhìn thấy khi nãy có lẽ là cảnh tượng quái dị nhất mà tôi từng nhìn
thấy trong cuộc đời này. Sự quái dị ấy đúng là quá quái, khiến giờ đây
tôi bỗng trở nên vô cùng yên lặng, chỉ có điều tôi thấy hơi khó tư duy.

Ivan nhìn tôi, lắc đầu cười cười như thể anh ta cảm thấy phản ứng của tôi rất tức cười.

Tôi hỏi: “Anh không thấy kinh ngạc sao?”

“Đến giờ mà chúng ta vẫn sống sót mới là điều khiến người ta kinh ngạc
nhất.” - Anh ta nghĩ một lát rồi tiếp - “À! Tôi cần giảm nhẹ trọng lượng của máy bay để tiện cho việc tiết kiệm xăng ở mức độ tối đa. Anh bảo
mọi người kiểm đếm, chúng ta cần vứt bớt những đồ có thể vứt bỏ. Chuyện
này cần làm càng nhanh càng tốt. Anh đi chuẩn bị trước đi, lát nữa tôi
sẽ cho mở khoang ném bom.”

Nói đến giảm nhẹ tải trọng, hình ảnh
đầu tiên xuất hiện trong đầu tôi là Vương Tứ Xuyên, tôi bất giác bật
cười rồi lui xuống thông báo với mọi người. Những người khác vẫn trong
cơn chấn động, chưa định thần lại được, bị tôi vỗ cho mấy phát vào người mới dần dần có phản ứng, nhưng động tác vẫn còn rất chậm chạp.

Tôi đành tự mình làm, đồ nặng trong khoang chỉ có pháo tự động và đạn. Thế
là tôi bắt đầu tháo dỡ. Vương Tứ Xuyên cứ tiếc hùi hụi đống vũ khí, đối
với những người từ nhỏ chỉ được dùng súng tự chế để săn bắn thì tình cảm của họ đối với súng ống vô cùng khó giải thích.

Cửa khoang ném
bom đã mở. Chúng tôi chuyển đồ vào trong khoang, khí lưu chuyển ở đây
rất mạnh, tôi đẩy những vật nặng đã sắp xếp vào đường ray, sau đó đẩy
xuống, nhìn chúng trượt xuống màn đêm mênh mông. Tôi lại bó đạn thành
từng cuộn rồi đẩy xuống, ngoài ra còn vứt thêm mấy vật tư không có tác
dụng gì lắm.

Từ khoang ném bom nhìn ra ngoài, tôi chẳng nhìn thấy gì nữa, ngay cả sương mù cũng không, chẳng biết bóng người khổng lồ kia có còn ở đó hay không. Tôi thẫn thờ trong giây lát, rồi ép mình phải

định thần trở lại.

Lúc này, tôi nghe thấy phía sau có tiếng động, thì ra Bùi Thanh đang đi tới. Cậu ta vác một túi vải buồm, dường như đã tìm ra thứ gì để vứt. Sau đó, cậu ta tiện tay đóng luôn cửa khoang ném
bom lại, rồi bước đến chỗ tôi. Đột nhiên Bùi Thanh châm thuốc hút.

Thấy vẻ mặt cậu ta hơi lạ, tôi liền hỏi xem có chuyện gì, thì Bùi Thanh chợt nhìn tôi, rồi cười: “Định nói với anh chút chuyện.”

Tôi nhìn bộ dạng cậu ta thì càng thấy kì lạ hơn. Thằng nhóc này định làm gì? Lẽ nào cậu ta có ý đồ mờ ám nào chăng?

“Tôi đã nghe nói về lý lịch xuất thân của anh, anh cũng có thể coi là một
trong năm phần tử nằm trong danh sách đen của Đảng và nhà nước. Anh cũng biết ông già nhà anh đã tốn bao nhiêu công sức mới có thể lột được lớp
da đó xuống.” - Anh ta bắt đầu bằng giọng đầy uy hiếp, nhưng sau đó lại
trầm giọng xuống như muốn tâm sự - “Từ nhỏ tôi đã không có bố mẹ, tôi
lớn lên bên cạnh bố mẹ nuôi. Họ không hề ngược đãi tôi, nhưng cũng chưa
từng quan tâm thực sự đến tôi. Người trong viện đều có ý tránh nhắc đến
mẹ tôi, ngay cả tên của bà cũng không hề nhắc đến. Nhưng đó chưa phải
điều đáng sợ nhất, sau khi trưởng thành tôi phát hiện thế giới này rất
không công bằng, tôi luôn luôn thấp hơn người khác một đẳng cấp, mà hệ
quả đó là do mẹ tôi mang lại.”

Đây là đặc trưng cố hữu của thời
đại này. Tự trong lòng tôi cũng thấu hiểu chuyện đó. Nhưng cậu ta đột
nhiên nói vậy với tôi để làm gì?

“Trước đây tôi luôn không hiểu
vì sao mình phải chịu tất cả những uất ức đó, sau này mới biết thì ra
mình là đứa con của người Nhật.” - Cậu ta tiếp tục kể bằng giọng đều đều - “Anh có biết một đứa trẻ từ nhỏ đã tiếp nhận nền giáo dục kháng Nhật
sẽ có cảm giác gì sau khi biết mình chính là người Nhật không?”

Năm 1945, quân Nhật rút khỏi Trung Quốc nhưng để lại rất nhiều trẻ mồ côi,
đa phần trẻ bị bỏ lại là con em của kiều thương Nhật được sinh ra trong
thời chiến. Tôi không trả lời Bùi Thanh, nhưng đột nhiên thấy đồng cảm
sâu sắc với nỗi đau của cậu ta.

“Nếu tôi là con của người Nhật,
thì vì sao họ lại vứt tôi lại Trung Quốc? Còn nếu tôi được người Trung
Quốc nuôi dưỡng trưởng thành thì tại sao lại cho tôi một huyết thống của người Nhật?” - Bùi Thanh lạnh lùng nói. Những câu này chắc chắn đã đảo
qua đảo lại trong đầu cậu ta rất nhiều lần. Giọng nói cậu ta không hề
mang vẻ oán hận mà chỉ đơn giản là chậm rãi mang những thứ đã tinh luyện từ trong tim ra giãi bày.


“Sau khi trưởng thành, tôi bắt đầu đi
tìm tung tích bố mẹ ruột của mình. Tôi cần một đáp án, trừ phi họ đã
chết, còn không tôi nhất định phải tìm thấy họ. Tôi tra cứu rất nhiều
tài liệu, đi thăm rất nhiều nơi, cuối cùng tôi tìm thấy tên của bố mẹ
mình trong một tập tài liệu cũ. Tôi phát hiện họ là hai kĩ sư địa chất
người Nhật và họ đã mất tích sau khi tham gia khảo sát một hạng mục công trình ở Nội Mông. Tôi được bố mẹ gửi vào gia đình một người bạn của họ
nhờ nuôi. Lúc ba tuổi, gia đình này rời khỏi Trung Quốc và bỏ tôi lại.
Vì biết được thông tin này, nên tôi mới gia nhập hệ thống.” Tôi nhìn
xuống vực sâu phía dưới khoang ném bom, rồi chợt ý thức được điều gì đó.

“Lẽ nào bố mẹ của cậu là…” Cậu ta cười, nghiêng mặt nhìn vào bóng tối bên
cửa sổ, trong đôi mắt vừa như ánh lên vẻ hoang mang lại vừa như chan
chứa một hy vọng cháy bỏng.

Tôi nhìn cậu ta, bỗng một linh cảm
chợt trỗi dậy trong lòng. Tôi nhớ đến người phụ nữ đứng bên cạnh viên sĩ quan Nhật mà mình nhìn thấy trong cuộn phim. Lúc đó tôi đã thấy có gì
đó không bình thường, lẽ nào bà ta là mẹ của Bùi Thanh? Vừa suy nghĩ tôi vừa nhìn vào túi vải buồm khoác trên vai Bùi Thanh. Giờ tôi mới nhận
ra, đó chính là dù hạ cánh.

“Tôi tin rằng cuối cùng họ đã xuống vực.” - Cậu ta khẳng định.

Bùi Thanh lại quay người về phía tôi dặn dò: “Trong khoang máy bay có ba lô của tôi, bên trong có phiếu lương thực toàn quốc mà tôi để dành, nhờ
anh trao lại cho bố mẹ nuôi của tôi. Sau khi tôi xuống đó, anh giúp tôi
giành lấy đãi ngộ của liệt sĩ. Thằng em nuôi có thể nhờ đó để học lên
đại học.”

“Cậu điên à? Bao nhiêu năm như thế, dẫu họ có xuống đó thật thì cũng chết từ lâu rồi!” - Tôi hét nhỏ.

“Đối với tôi, sống hay chết thì cũng đâu có ý nghĩa gì.” - Cậu ta chậm rãi đáp.

“Lương thực cậu mang theo quá ít, dưới đó lại rộng lớn chừng ấy, không khéo
cậu chưa kịp tìm ra chỗ họ ở thì đã chết rồi.” - Tôi cố khuyên can.

“Tôi có bảy mươi hai tiếng.” - Bùi Thanh rất kiên quyết - “Anh có nhớ dải
đèn sáng dưới đáy vực không? Tôi nghĩ chắc họ ở đó!” Tôi nghe mà không
biết nói gì hơn.

“Sau khi tôi xuống đó, chắc chắn mọi người sẽ
không biết chuyện gì xảy ra với tôi. Nếu anh tiết lộ những gì tôi vừa

nói, thì nhất định anh cũng bị nghi ngờ và thẩm tra. Chi bằng anh cứ bảo tôi trúng độc hóa điên. Như thế thì chẳng ai bị liên lụy cả.”

Tôi kiên quyết lắc đầu, đột nhiên Bùi Thanh móc ra một khẩu súng lục. Lúc
tôi lao đến chỗ cậu ta thì Bùi Thanh bắn một phát vào người tôi. Tôi ngã khuỵu xuống đất trong cơn đau dữ dội, cùng lúc ấy, cậu ta nhảy qua cửa
khoang ném bom.

Trong phút chốc, Bùi Thanh đã mất hút vào bóng
đêm, ngay cả việc dù hạ cánh của cậu ta có mở được ra hay không, tôi
cũng chẳng nhìn thấy.

Tôi ngây người một lát rồi trở về khoang,
lay mọi người dậy. Cơn đau trước ngực khiến tôi không nói nên lời. Vương Tứ Xuyên vội vàng kiểm tra vết thương của tôi. Tôi không dám để cậu ta
động tay vào, bởi vì không biết khí độc ở đây có xâm nhập vào trong vết
thương hay không. Có điều rõ ràng Bùi Thanh không hề có ý bắn vào yếu
huyệt của tôi, nếu cậu ta mà bắn vào sọ thì tôi chết chắc chứ không nghi ngờ gì nữa. Nhưng dẫu vậy, đây là lần đầu tiên tôi bị súng bắn, chưa
bao giờ tôi nghĩ nó lại đau đến mức ấy. Mấy bộ phim trên rạp đúng là
chuyên gia lừa lọc.

Vương Tứ Xuyên hỏi chuyện gì đã xảy ra. Tôi
bèn thuật lại đại khái mấy trọng điểm, nhưng tuyệt không đếm xỉa gì đến
chuyện của Bùi Thanh. Tôi tin rằng nếu mình khui chuyện của Bùi Thanh ra ngoài ánh sáng thì chắc chắn sẽ lãnh hậu quả đúng như những gì cậu ta
đã cảnh báo.

Lúc ấy, sự chấn động và kinh ngạc trong lòng đã áp
đảo mọi cảm xúc khác, thậm chí tôi còn chẳng bận tâm đến chuyện cậu ta
bắn mình. Tôi chỉ đau đáu một điều: cậu ta sẽ rơi xuống đâu? Rất có thể
phía dưới những tảng đá khổng lồ là hẻm núi sâu mấy chục dặm. Cậu ta chỉ có tối đa bảy mươi hai giờ đồng hồ để đi tìm tín hiệu kia, hơn nữa lại
không hề có đường về. Như vậy có đáng không? Nói thực, tôi không thể
phán xét Bùi Thanh. Tôi biết cảnh ngộ của những đứa trẻ con em thành
phần bị liệt vào danh sách đen. Bất luận thời nào cũng vậy, vết thương
chiến tranh luôn kéo dài nỗi đau trên những đứa trẻ bất hạnh. Đối với
Bùi Thanh của thời thơ ấu thì câu nói “Mẹ mày là con điếm Nhật” chắc
chắn là lời nguyền độc địa và đau đớn nhất. Nó khiến cậu ta hãi hùng bật tỉnh khỏi giấc mộng hằng đêm. Việc ăn gạch đá hay bị nhổ nước bọt hẳn
là chuyện cơm bữa. Bởi vậy chắc chắn cậu ta sẽ ôm một tình cảm rất phức
tạp với mẹ của mình. Đó là nỗi khát khao có được tình yêu thương của một đứa trẻ chưa bao giờ nhìn thấy đấng sinh thành, trộn lẫn cảm giác căm
hận mà những “lời nguyền” kia mang đến. Nó thôi thúc cậu ta muốn tìm
hiểu sâu hơn về mọi điều sau khi điều tra được tổ chức kia đã nhảy xuống vực một cách thần bí và biến mất dưới đó.

Không biết mọi người
còn nhớ chi tiết Bùi Thanh đã khóc lúc nhìn thấy thi thể của nữ binh

Nhật không? Tôi nghĩ chắc chắn lúc ấy cậu ta đang nghĩ rằng rất có thể
mẹ mình cũng gặp phải cảnh ngộ tương tự, còn khi ánh nhìn cậu ta toát
lên vẻ miệt thị đối với xác chết thì có lẽ vì cậu ta chợt nhớ đến những
chuyện uất ức mình phải trải qua trong những năm tháng thiếu thời.

Bất kể nói gì thì nói, việc Bùi Thanh nhảy xuống vực sâu đã trở thành hiện
thực. Đối với Bùi Thanh, thì câu chuyện này đến đây là kết thúc và bắt
đầu mở ra câu chuyện của riêng cậu ta. Còn chúng tôi thì vẫn phải tiếp
tục.