Đại Mạc Thương Lang

Quyển 2 - Chương 29: Viên đá mang về từ vực sâu

Lúc ăn tối, tôi lại
nhớ đến tình trạng của Hà Nhữ Bình, đột nhiên cơ thể run lên một cách
không thể kiểm soát nổi. Tôi tin tất cả những người từng chứng kiến thảm cảnh ấy đều sợ hết hồn. Phía dưới vực sâu chắc chắn là một nơi chẳng
khác nào địa ngục, còn chúng tôi lại bắt buộc phải xuống địa ngục đó để
trải nghiệm, dẫu kế hoạch lần này đã bị hủy bỏ, nhưng mọi hoạt động thăm dò chỉ thực sự chấm dứt khi những nhân viên kĩ thuật như chúng tôi đều
đã hi sinh.

Tôi muốn rút khỏi nhiệm vụ lần này nhưng không có
dũng khí phản đối, tuy tiếng là mọi việc đều thực hiện trên tinh thần tự nguyện nhưng nếu bạn sợ hãi lui bước thì sẽ có rất nhiều người đến động viên và giải thích cho bạn trong suốt thời gian dài. Bởi họ cho rằng sợ hãi là vấn đề mà bất kì người lính chân chính nào cũng gặp phải và chỉ
cần khích lệ tinh thần một chút là xong, ngay cả tiểu đoàn trưởng, lữ
đoàn trưởng, sư đoàn trưởng cũng lần lượt đến “dội bom”, dẫu bạn có cố
kiên trì đến phút cuối cùng và được rút khỏi nhiệm vụ lần này thật, thì
sau khi trở về địa phương, đời này của bạn coi như bỏ, rồi còn không
biết họ sẽ chụp cho những tội danh gì và sẽ bắt bạn phải chịu những ấm
ức gì nữa.

“Đồng chí ấy có chút vấn đề”, câu nói này sẽ thành cái cớ để cản trở bạn làm bất cứ việc gì, ngay cả việc phân nhà, chia công
điểm cũng vậy, trừ phi tất cả mọi người đều được hưởng, nếu không chắc
chắn sẽ có người làm loạn lên rằng: loại lính đào ngũ còn được hưởng, hà cớ gì tôi lại không được? Đối với tôi, chuyện nhà cửa, công điểm thì
chẳng hề gì, nhưng tôi lại rất sợ bị người khác chèn ép, cô lập.

Chuyện này quan trọng chẳng khác nào số mệnh của chính mình, nên tôi không thể dễ dàng đưa ra quyết định.

Thế là tôi nghĩ đến chuyện nếu ông già nhà tôi mà biết việc này thì ông sẽ
hy vọng tôi làm như thế nào, có lẽ ông già sẽ chẳng để ý đâu, bởi cuộc
đời ông đã nếm trải quá nhiều vất vả, bị dị nghị chỉ là chuyện nhỏ mà
thôi, nhưng em trai chắc chắn sẽ khiến tôi phiền mà chết, lúc nào nó
cũng chỉ muốn tôi trở thành anh hùng, vả lại nó lại đang trong độ tuổi
dễ sốc nổi nhất, tuy vậy tôi biết rồi cuối cùng nó cũng sẽ hiểu và thông cảm cho anh trai thôi.

“Chắc chắn không thể tìm ra được kết quả
về tình hình dưới vực sâu”, tôi biết mọi người đều nghĩ như vậy, nhưng
chẳng ai dám nói.


Vương Tứ Xuyên ngồi dựa vào cọc chống, vừa chất thêm củi vào lò, vừa lẩm bẩm một mình: “Liệu phía dưới có phải lò dung
nham, người vừa chạm tới nơi là lập tức bị bỏng chết không nhỉ?”

“Lửa dung nham rất sáng, nếu phía dưới là dung nham thật thì phải sáng trưng mới đúng, mà nhiệt khí bốc lên cũng sẽ đảo lộn cả tầng sương khí, chứ
làm gì có chuyện im ắng thế?” - Có người bước vào, chen ngang lời Vương
Tứ Xuyên. Tôi quay đầu nhìn, thì ra là Bùi Thanh, cậu ta vừa từ chỗ anh
Điền trở về.

Tôi lập tức hỏi xem đã có tiến triển gì chưa, cậu ta lắc đầu thở dài: “Chưa có, tôi về ăn cơm.” Nói xong, cậu ta lại tiếp
lời: “Nhưng có khả năng là địa nhiệt, nơi này chứa nguồn địa nhiệt rất
lớn, nước sông ngầm đổ về đây, trở thành khí bốc hơi nhiệt độ cao và
phụt ngược lên trên, chỉ cần chạm vào thể khí này là da thịt lập tức tan nát và biến mất.”

“Vì sao Hà Nhữ Bình lại nhặt viên đá mang về?” - Vương Tứ Xuyên lắc đầu thể hiện mình không thể lý giải nổi.

“Có lẽ ngay cả anh ta cũng không biết đâu.” - Bùi Thanh nói - “Theo tôi,
trước đây quân Nhật cũng từng thử xuống đó nhưng không thành công, cỗ
máy điện đàm có lẽ được họ thả xuống đó bằng dù. Chúng ta chỉ đang lãng
phí thời gian mà thôi.”

Chúng tôi thở dài, chỉ thoáng nghe là
biết khả năng này hoàn toàn có thể tồn tại, chắc chắn Hà Nhữ Bình muốn
bảo với mọi người rằng, phía dưới không có nơi nào con người có thể sinh tồn được, như vậy nếu cuối cùng phải rút lui, thì trong lòng chúng tôi
cũng dễ chịu hơn ít nhiều. Nhưng tôi cũng rõ chuyện này chắc chắn không
thể xảy ra, muốn lật đổ suy đoán vừa rồi của Bùi Thanh cũng rất dễ, bởi
vì máy điện báo được bố trí dưới vực sâu đã làm việc đơn độc dưới lòng
đất mười mấy năm, nó cần một nguồn điện vô cùng ổn định. Tôi tin với kĩ
thuật thời bấy giờ, phía dưới chắc chắn phải có hệ thống phát điện thủy
lực loại nhỏ, chỉ cần hệ thống thủy lợi này hoạt động tốt, thì mấy chục
năm sau cũng không cần bất cứ sự bảo dưỡng nào.

Dưới vực sâu có
thể sinh tồn, vấn đề là chúng tôi có mò ra cánh cửa đó hay không, viên
đá mà Hà Nhữ Bình mang về là manh mối duy nhất chúng tôi có được.

Nhưng phải trong tình huống như thế nào thì cậu ấy mới cho rằng chúng tôi sẽ
nhìn ra manh mối từ viên đá? Bản thân viên đá không hề có điểm gì bất
thường, nó rất đỗi bình thường và phổ biến, vừa không thừa ra thứ gì khó giải thích, cũng chẳng thiếu bất kì nguyên tố gì.

“Có lẽ họ phải kiểm tra xem thứ gì vốn dĩ tồn tại trên viên đá này nhưng nay đã biến
mất.” - Bùi Thanh nói - “Nhiều khi người ta chỉ chú ý xem nó thừa ra thứ gì mà không để ý xem nó thiếu mất thứ gì!”

Đây cũng là cách hay, từ đầu tới cuối viên đá nên có đặc điểm đặc trưng tất yếu nào nhỉ? “Hà
Nhữ Bình là lính công binh, tôi cảm thấy anh ta đã nghĩ đến điều này,
anh ta không hiểu về thám trắc địa chất nhưng lại rất am hiểu về lĩnh

vực công trình xây dựng.” - Tôi nghĩ một hồi rồi nói với hai người còn
lại. Vương Tứ Xuyên liền khen tôi nói có lý, rồi vén cửa rèm gọi cậu
lính đang canh cửa vào.

Cậu lính ngoài cửa hoảng hồn, cứ ngỡ chúng tôi bắt cậu ta xuống vực, nên lúc bước vào trong, mặt đã vàng như nghệ.

Tôi hỏi: “Cậu bao nhiêu tuổi? Thuộc đại đội nào?”

Cậu lính trẻ đáp: “Tôi tên là Bàng Thiết Tùng, mười tám tuổi. Đại đội ba!”

Không giống như trong phim, cậu ta chẳng hề có vẻ bất khuất của tinh thần cách mạng, mà nhìn cứ run lẩy bẩy.

Chúng tôi vốn cũng đang sợ nhưng nhìn thấy bộ dạng hốt hoảng của cậu ta thì
phải cố gắng trấn tĩnh lại, cũng thấy hơi an ủi một chút nhưng không
muốn trêu cậu ta, nên Vương Tứ Xuyên hỏi luôn: “Cậu là lính công binh
phụ trách mảng nào? Có cùng lĩnh vực với đồng chí Nhữ Bình không?”

Sắc mặt anh chàng Bàng Thiết Tùng càng xám ngoét, nhưng vẫn đứng nghiêm trang chào theo kiểu nhà binh: “Thưa cùng ạ!”

Vương Tứ Xuyên bảo cậu ta ngồi giữa chúng tôi, đưa cho cậu ta điếu thuốc rồi
hỏi: “Tôi hỏi cậu một chuyện, lính công binh các cậu nhìn thấy đá sỏi
thì sẽ nghĩ đến cái gì?”

“Kiên định! Ngoan cường! Không bao giờ bỏ cuộc ạ!” - Cậu ta đáp lại với vẻ rất nghiêm chỉnh.

Tôi nghĩ thầm, chẳng lẽ Hà Nhữ Bình nhặt viên đá đó lên là muốn nói với
chúng tôi rằng phải kiên cường và không được bỏ cuộc sao? Thế thì cảnh
giới tinh thần của cậu ta cao thật, trong môi trường ấy và cơ thể đang
chịu nỗi đau nhường ấy thì con người không thể nghĩ đến những điều này.

Vương Tứ Xuyên mắng: “Nghe thối lắm! Có phải đang lên lớp chính trị đâu mà
quàng xiên mớ khẩu hiệu giẻ rách của cậu vào. Cậu cứ thành thật nói cho
tôi nghe. Đây, đây và đây nữa!”, cậu ta vừa nói vừa đưa tay vòng một
vòng, ý ám chỉ bốn phía vách động xung quanh, rồi hỏi: “Cậu nhìn thấy
mấy viên đá này thì sẽ nghĩ đến cái gì?”

Bàng Thiết Tùng nghĩ một hồi nhưng có vẻ không dám trả lời, Vương Tứ Xuyên thấy mình hình như đã làm cậu ta sợ liền đổi sang bộ mặt hòa nhã của vị lãnh đạo đi thị sát
tình hình, cậu ta buông rèm che cửa xuống, rồi tươi cười hỏi cậu lính:
“Nào, nói tôi nghe xem! Chúng ta đang họp nội bộ, không ai tiết lộ
chuyện cậu sẽ nói ra ngoài đâu mà sợ.”

Lúc bấy giờ Bàng Thiết
Tùng mới dám đứng thẳng lưng, lắp bắp nói: “Báo cáo thủ trưởng, nhìn
thấy viên đá ở đây, tôi nghĩ đến lúc đào hang ở núi Côn Lôn. Tôi nghĩ,

nếu ở đó cũng có hang động lớn thế này, thì chúng tôi đã nhàn hơn bao
nhiêu rồi!”

Tôi và Vương Tứ Xuyên đưa mắt nhìn nhau, đúng như Bùi Thanh nói, tư duy của lính công binh hoàn toàn khác với chúng tôi, điều này có liên quan đến kinh nghiệm công tác. Thế là Vương Tứ Xuyên tiếp
tục dò hỏi: “Nếu lúc cậu nhìn thấy một viên đá bị đập vỡ rơi từ trên núi xuống, thì cậu sẽ nghĩ đến chuyện gì?”

“Đá ư?” - Cậu lính ngạc nhiên hỏi lại. Vương Tứ Xuyên bèn mô tả một chút về viên đá vỡ màu đen.

Bàng Thiết Tùng liền nói: “Tôi sẽ nghĩ đến công trình mở núi, phần lớn thời
gian chúng tôi đều tiếp xúc với loại đá vụn này, những hang động ở đây
đều rất ổn định, số đá vụn này có lẽ đã rơi xuống lúc bọn Nhật xây đập.”

“Ồ…”, tôi chìm vào suy tư, trực giác đầu tiên chợt đến là chuyện này không dễ suy đoán. Chẳng ai biết liệu Hà Nhữ Bình có nghĩ như vậy không.

Vương Tứ Xuyên hỏi cậu ta: “Có phải tất cả lính công binh đều nghĩ giống thế
không?”, thì Bàng Thiết Tùng không thể trả lời nổi, chỉ nói đây là suy
nghĩ của riêng cậu ta, hay là để cậu ta giúp chúng tôi hỏi những người
khác xem sao.

Vương Tứ Xuyên vừa định đồng ý thì bị Bùi Thanh
ngăn lại, cậu ta lạnh nhạt nói: “Cậu ra ngoài trước đi, chuyện ở đây
tuyệt đối không được hé môi kể với ai đấy!”

Bàng Thiết Tùng như
trút được gánh nặng ngàn cân, vội vã đi ra. Bùi Thanh nói: “Tôi tin
những gì cậu ta vừa nói có tính tham khảo nhất định. Sau khi Hà Nhữ Bình xuống đó, tầm nhìn dưới vực rất hạn chế, nên không thể có chuyện anh ta chú ý tới viên đá bé tẹo này, mà rất có khả năng thứ anh ta nhìn thấy
là một tảng đá lớn bị đập vỡ, vì là lính công binh, nên anh ta rất dễ
liên tưởng đến những tảng đá này xuất hiện từ công trình xây đập, trong
thời khắc sinh tử, anh ta đã nghĩ đến điều gì đó nên nhặt viên đá lên.”

“Cách suy nghĩ này hơi trực diện.” - Tôi nhận xét - “Chúng ta nghĩ thì chẳng có ích gì, phải để lính công binh nghĩ mới được.”

Bùi Thanh gật đầu: “Bởi vậy không thể để cậu lính đó đi hỏi hộ, e là cậu ta sẽ truyền đạt những thông tin không cần thiết. Chúng ta cần biết rằng,
tình huống ngoài đời thực phải được làm một cách thật cẩn thận, tôi sẽ
yêu cầu chính ủy chuẩn bị một cuộc trắc nghiệm, để toàn bộ số lính công
binh trong đại đội của Hà Nhữ Bình đến trả lời vấn đề này.”

So
với việc đoán mò, thì cách này rõ ràng tốt hơn rất nhiều, chúng tôi đều
đồng ý, Bùi Thanh liền đi thực hiện nhiệm vụ. Đợi cậu ta đi khuất, Vương Tứ Xuyên mới gật gù khen: “Thằng oắt này lúc lên cơn thì đúng là nhân
tài đấy!”

Tôi cười méo mó, trí thông minh và tinh thần khắc khổ
của Bùi Thanh đôi lúc khiến tôi thấy tự xấu hổ, trên thực tế, rất khó
nói thái độ sống khôn lỏi và lười nhác như tôi là đúng hay kiểu sống có

chủ kiến như cậu ta mới là đúng. Tôi chỉ biết mình sống rất vui vẻ và
thoải mái là được, nhưng không trải nghiệm thì đâu thể so sánh giữa tôi
với cậu ta, ai mới là người sống thoải mái hơn.

Đây chỉ là chuyện ngoài lề, tôi hỏi Vương Tứ Xuyên: “Cậu có suy nghĩ gì không, hiếm khi thấy cậu không phát biểu ý kiến đấy!”

Cậu ta nói: “Đây đâu phải phạm trù của chúng ta, nói lung tung sẽ làm nhiễu sóng tư duy của người khác. Có điều tôi cảm thấy cách nói của Bàng
Thiết Tùng có lý. Bởi nói đến con đập, tôi lại cảm thấy hơi nghi hoặc.
Mọi hành động của bọn Nhật ở đây đều rất kì quái!”

“Sao cậu lại nói thế?” - Tôi hỏi.

“Vì sao chúng lại cho xây dựng con đập lớn nhường này, nhất là khi xây nó
trên dòng sông ngầm thì càng phải hạ quyết tâm rất lớn, chúng chắc chắn
phải có lý do không thể không xây.” - Cậu ta nhận xét - “Tôi nghĩ không
thể chỉ vì lý do phát điện thôi đâu, bởi nếu thế thì dòng dây điện từ
mặt đất xuống chẳng phải càng tiện hơn sao.”

Ô! Tôi hơi sững
người, chưa bao giờ mình nghĩ đến vấn đề này, nhưng Vương Tứ Xuyên lại
nói với vẻ rất bình thản, khiến tôi càng rầu ruột. Tôi thừa nhận mình
dốt hơn Bùi Thanh, nhưng không thể chịu đựng được thực tế là mình còn
dốt hơn cả Vương Tứ Xuyên nữa.

Cậu ta vẫn tiếp tục giải thích:
“Tác dụng của con đập là khống chế mực nước của sông ngầm, tôi cảm thấy
mục đích bọn Nhật xây đập là để kiểm soát lưu lượng nước chảy xuống vực
sâu. Nước và đá, nếu gộp hai vật này lại có lẽ sẽ giúp chúng ta phân
tích ra được tình hình dưới đó. Đáng tiếc là chúng ta không có tư cách
ngồi nghiên cứu, cứ để lão Điền mọt sách kia quằn quại với đám giấy lộn
đi, không khéo mấy tuần lễ nữa cũng chẳng mò mẫm ra được kết quả gì đâu. Bởi vậy cứ để Bùi Thanh ra tay thúc giục cấp trên vẫn là tốt nhất, ít
ra tay đó còn có bản lĩnh hơn lão Điền.”

Tôi gật đầu, định nói đỡ cho anh Điền mấy câu, nhưng có lẽ ít nói những lời này sẽ tốt hơn, bởi
Vương Tứ Xuyên chắc cũng chẳng muốn nghe. So sánh giữa Bùi Thanh và anh
Điền, đương nhiên tôi thích anh Điền hơn, không hiểu tại sao tôi lại có
cảm giác này, có lẽ bởi mảnh giấy “Cẩn thận Bùi Thanh!” và một vài hành
động kì quặc của cậu ta trước đây khiến tôi thấy cậu ta và chúng tôi
không giống nhau.

Ăn cơm tối xong, thấy trời vẫn còn sớm, khu cứu thương vẫn chưa đóng cửa, tôi định qua đó gặp Hỷ Lạc, lần này, tôi định sẽ đường hoàng đến hỏi xem đã được phép vào thăm bệnh nhân chưa, nếu
vẫn chưa được thì tôi sẽ lẻn vào bằng đường sông giống như lần trước.
Lần trước gặp nhau, thần kinh của cô ấy có vẻ đã hồi phục hơn chút ít.
Tôi cảm thấy nếu mau chóng đưa cô ấy ra khỏi hang núi thì sẽ tốt cho sức khỏe hơn. Tuy làm vậy tôi cũng không thực sự muốn bởi tôi không nỡ xa

cô ấy, nhưng đến giờ phút này thì mọi chuyện chỉ đành để nó dần dần phai nhạt mà thôi. Công việc tôi sắp phải làm quá nguy hiểm, mà cô ấy chỉ
cần rời khỏi nơi này, thì cơ hội để chúng tôi gặp lại nhau quả thực quá
mờ mịt. Nghĩ đến đây, nỗi sầu lại đầy vơi dâng trào.

Sắp tới lều, tôi đột nhiên thấy có gì đó là lạ, mấy cô y tá nhìn tôi chằm chằm bằng
ánh mắt kì quái, cảm giác rất bất thường. Lạ thật! Lẽ nào đúng như lời
của Vương Tứ Xuyên, bọn họ đã nghe thấy tin đồn gì sao? Đi hẳn vào
trong, tôi thấy rất nhiều người đang tụ tập ở đó, mấy ông bác sĩ cũng
ngồi cả đây.

Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là, trong số họ còn có người mà trước đây tôi từng gặp ở mép đập - gã Liên Xô mũi lõ.