Đại Mạc Thương Lang

Quyển 1 - Chương 26: Lọn tóc

Lúc trước, tôi đã
linh cảm có chuyện không ổn, giờ đây lại nhìn thấy phía sau mảng tóc là
một bóng đen co quắp. ngặt nỗi nó nằm quá sâu trong đám lưới sắt, nên
tôi không cách nào nhìn rõ được. Tôi thò đầu lại gần, mùi hôi thối bốc
lên càng nồng nặc, lúc này tôi đã đoán ra phần nào sự việc.

Tôi
đưa kìm vào bên trong cắt lưới sắt một khoảng đủ để lộ ra cái đầu. Tôi
túm đám tóc kéo lên, quả nhiên là một gương mặt đã bị ngâm nước cho phù
thũng và trắng bệch, cơ thể của người này bắt đầu trương lên và có dấu
hiệu phân hủy.

Tôi không nghĩ lại gặp một xác chết ở nơi này, dẫu trong sát na nhìn thấy mớ tóc ấy, tôi đã lờ mờ đoán ra sự việc, nhưng
khi thực sự xác nhận được nó, tôi vẫn giật thót mình. Tôi vội vàng hét
to báo cho người bên trên biết và ngay sau đó nhận được tín hiệu trả
lời, có điều tôi không nghe rõ họ nói gì, chỉ thấy lát sau có thêm một
người trèo xuống. Câu ta bị giá sắt cản trở tầm mắt, nên không nhìn thấy tình hình của tôi dưới này, miệng rang rảng hét điều gì đó.

Tôi
xua tay ra hiệu cho cậu ta ngừng hét. Có thêm một người bên cạnh khiến
tôi cảm thấy cứng gan hơn. Tôi nín thở để không hít phải cái mùi kinh
khủng kia nữa, rồi tiếp tục thò đầu vào trong.

Cái xác bị mắc kẹt ở giữa đống lưới sắt, tôi nhận ra người này mặc trang phục giống hệt
mình, ngực bỗng thấy thắt lại. Người chết ở nơi này, dường như cũng như
Viên Hỷ Lạc, cả hai đều thuộc đội khảo sát ở nhóm trước.

Việc này thật không thể ngờ nổi. Chết tiệt! Lúc trước lục soát, không ai trong
chúng tôi phát hiện nơi này có người chết, xem ra mấy cậu lính đã không

tìm kiếm phía dưới máy phát điện. Lẽ nào nhóm khảo sát của Viên Hỷ Lạc
tới được chỗ này cũng không đi sâu vào trong động, mà đi xuống cái hố
sụt nước giống như chúng tôi?

Tôi cảm thấy một luồng hơi lạnh bốc lên, vội vàng rụt người lại, tôi nói với cậu lính vừa xuống là bên dưới có một xác người chết, sau đó giật dây thừng báo hiệu để họ kéo lên.
Lên được tới nơi, mọi người xúm lại hỏi thăm tình hình, tôi liền thuật
lại một hồi, mọi người nghe xong đều lộ vẻ kinh ngạc. Vương Tứ Xuyên nói đây cũng là một manh mối, rồi quay sang hỏi tôi có nhận ra người chết
là ai không.

Tôi lắc đầu biểu thị không hề biết người đó, có điều anh ta phải bỏ mạng ở đây, thì hẳn nơi đây không phải vùng đất lành
chim đậu. Tôi bảo mọi người trước mắt hẵng cứ kéo cái xác lên đã, rồi
bàn tính sau.

Mấy người thay phiên nhau đi xuống, hì hục chừng ba tiếng đồng hồ mới cắt xong những sợi dây sắt quấn quanh cái xác, rồi
đưa người chết lên. Sau khi đưa được cái xác lên, thân thể ai nấy đều ám mùi thối của xác chết.

Nạn nhân có mái tóc rất dài, lúc ở dưới
tôi không nhìn rõ lắm, sau khi mang lên và lau rửa gương mặt, tôi mới
nhìn rõ diện mạo anh ta. Tuy khuôn mặt đã hơi phù nề, nhưng ngũ quan vẫn chưa có gì biến đổi đáng kể.

Anh ta chừng ngoài bốn mươi tuổi,
da đen nhẻm, có lẽ là bậc tiền bối trong nghề của chúng tôi. Sau khi rửa mặt sạch sẽ cho tử thi, Vương Tứ Xuyên nhìn một lát, bỗng nhiên cậu ta
biến sắc mặt.

Tôi hỏi cậu ta có chuyện gì, cậu ta lắp bắp: “Ôi trời, tôi nhận ra người này rồi, tại sao anh ấy lại ở đây nhỉ?”

Tôi hỏi ai, thì Vương Tứ Xuyên liền nói ra một cái tên, nghe đến cái tên
ấy, mặt mọi người cũng biến sắc theo, tất cả nhìn chằm chằm vào cái xác, như thể không tin nổi đó là sự thực.

Xin lượng thứ vì lúc này
tôi không thể tiết lộ danh tính của tử thi! Anh là một chuyên gia nổi
tiếng trong giới thăm dò khảo sát địa chất, thậm chí có thể xem như một
nhà khoa học đầu đàn của ngành địa chất chứ không phải một kĩ sư khảo
sát thông thường. Sau này, trong lịch sử ngành khai thác, mọi người đều
cho rằng anh đã vượt biên sang Liên Xô, chỉ có chúng tôi mới biết thực
ra anh ấy đã hi sinh tại mảnh đất này.

Khi biết được thân phận
của người chết, cả đội lập tức nhận ra, trước chúng tôi đã có một đoàn

khảo sát cấp cao tới đây thám trắc. Sự thực vượt ngoài sức tưởng tượng!
Nếu là đoàn cấp cao hơn, e rằng chỉ còn lại nhóm Lý Tứ Quang, Hoàng Cập
Thanh. Nghĩ đến những nhân vật này, mặt ai cũng thất sắc kinh hãi. Lúc
đó, ý nghĩ đầu tiên chợt lóe lên trong đầu tôi là nếu người mà nhóm anh
Miêu định cứu cũng thuộc hàng ngũ cán bộ cao cấp như thế, thì anh Miêu
quả là kẻ gan to trùm trời.

Vương Tứ Xuyên lục soát túi áo túi
quần của tử thi, nhưng không tìm thấy gì, cậu ta tiếp tục kiểm tra thân
thể, định tìm nguyên nhân tử vong. Nhìn sơ bộ thì có vẻ không thấy dấu
vết tổng thương bên ngoài, nhưng kiểm tra kỹ, chúng tôi phát hiện ở đầu
các chi của tử thi, ngón tay và ngón chân đều tím tái. Kỳ lạ nhất là,
phía trong khoang miệng há hốc, phần lợi của tử thi biến thành màu đen.
Toàn thân nạn nhân dường như trải qua các cơn co giật, người co quắp và
cứng đờ.

Theo kinh nghiệm dân gian, tôi chẩn đoán: “Hay người này chết vì trúng độc?”

Mọi người đều gật đầu tán thành. Vương Tứ Xuyên nói: “Lẽ nào bên dưới có
khí độc? Vũ khí hóa học của quân Nhật cất giấu bên dưới bị rò rỉ chất
độc ra ngoài sao?”

Rất khó nói khả năng này có xảy ra hay không.
Lúc đó, tôi có cảm giác đầu óc như được khai sáng, đúng vậy, chính là
như thế. Chẳng lẽ, hang động này là nơi quân Nhật cất giấu vũ khí hóa
học, sau khi rút quân, vì muốn che đậy bằng chứng tội ác sử dụng vũ khí
hóa học trong chiến tranh nên bọn chúng đã cất giấu toàn bộ số vũ khí
hóa học chưa kịp tiêu hủy vào đây? Còn chiếc máy bay kia chỉ ngẫu nhiên
bị kẹt lại trong đống vũ khí và được vận chuyển xuống dưới này?

Thời điểm phát xít Nhật đầu hàng, nghe những phạm nhân chiến tranh tiết lộ,
họ đã chôn ở Trung Quốc khoảng hai triệu đầu đạn vũ khí hóa học, thế
nhưng cho đến giờ quân Nhật vẫn không chịu khai ra địa điểm cất giấu số
vũ khí này. Lại có nguồn tin, đa số vũ khí này bị chôn ở Ngụy Mãn Châu
quốc.

Tôi thậm chí không hề để ý tới điều này. Sau khi đội khảo
sát Nhật Bản năm đó phát hiện ra dòng sông ngầm, họ bắt đầu tiến hành

thăm dò địa chất, sau đó làm báo cáo gửi lên cấp trên. Tuy cuối cùng
không phát hiện ra mỏ khoáng sản nào, nhưng có khả năng cấp trên lại
nhận thấy đây là nơi hợp lý để cất giấu vũ khí hóa học, nên mới xây dựng nơi này trở thành kho cất giấu vũ khí. Mặt khác, đây là vành đai phòng
ngự của quân Nhật với quân đội Liên Xô, nên giấu vũ khí ở nơi này để dự
phòng xem ra cũng khá hợp lý. Thế nhưng, bình tĩnh suy ngẫm, lại thấy
khả năng này khó xảy ra. Vì sao quân Nhật lại phải cất giấu vũ khí hóa
học ở chốn rừng sâu nước độc, chuyển được toàn bộ số vũ khí tới đây chắc hẳn phải rất tốn công tốn của, mà trở ngại đơn giản nhất là không biết
phải mất bao nhiêu thời gian mới mang được chừng ấy vũ khí hóa học từ
khắp nơi tập hợp về đây? Hơn nữa, trên thực tế, sử dụng sông ngầm để làm kho cất giấu vũ khí là không hợp lý về nguyên tắc xây dựng, bất luận
thế nào cũng phải tìm một chiesc hang khô ráo mà cất mới phải.

Đội phó cũng đồng tình với ý kiến của tôi, anh nói sau giá sắt chăng lớp
lưới mắt cáo, có lẽ là để ngăn chặn kế hoạch bỏ trốn của công nhân lao
động. Hơn nữa, lúc nãy chúng tôi nhìn thấy tấm biển “Khu vực cấm vào”
của quân Nhật để lại, điều đó cho thấy phía dưới giá sắt là khu vực cảnh giới, có lẽ đó là nơi nhóm khảo sát chưa đặt chân tới. Nếu bên dưới có
bom gas hoặc bom hóa học thì chắc hẳn phải có biển cảnh cáo mới phải.

Bỗng chốc trong đầu tôi dồn dập bao nhiêu suy nghĩ lộn xộn, rốt cuộc những
phán đoán ấy đúng hay sai, chúng tôi cũng chẳng có cách nào kiểm chứng.
Ngoài ra, còn một vấn đề mà khi nãy Vương Tứ Xuyên đã nhắc đến, đó là
tại sao người này lại chết ở dưới máy phát điện?

Chắc chắn cái
xác không phải bị trôi dạt từ nơi khác đến, bởi nếu vậy nó phải bị mắc
kẹt trên giá sắt mới đúng. Chúng tôi vò đầu bứt tai suy đoán, nhận thấy
chỉ có một khả năng là người này sau khi bị trúng độc, trong lúc sắp
chết cứ thế bò quay trở lại con đường vừa đi vào, thế nhưng do ngấm độc
nặng quá, nên đầu óc trở nên mê man, thuốc độc phát tác đúng lúc bò giữa đám thép gai, anh ta co giật khiến đám dây thép gai đâm vào người, quấn chặt lại, cuối cùng thì chết ở trong đó.

Xem ra, người này thực
sự đã bị cuốn trôi dưới dòng sông ngầm trong động, sau đó không may lại
gặp thêm sự cố trúng độc. Lẽ nào, người nhét mẩu giấy vào túi của tôi
lại biết rõ sự tình này.

Chúng tôi dùng chiếc túi ngủ quấn cái
xác cẩn thận, Vương Tứ Xuyên bảo nhất định phải xuống bên dưới xem thế
nào, sự việc này xem ra rất bất thường. Lại nói, nếu đoàn người mà anh
Miêu muốn cứu đúng là đoàn người này thì có lẽ anh ấy đã đi nhầm đường,

giờ chúng tôi đã biết thì không thể khoanh tay đứng nhìn.

Thời
điểm đó, vấn đề quốc gia được đặt lên hàng đầu, tư tưởng nhiệm vụ phải
đặt lên trên hết ăn sâu bám rễ vào bộ não của chúng tôi, huống hồ trong
trường hợp này lại liên quan đến mạng người. Lúc đó, chúng tôi đều không hề do dự nghĩ mình phải thay anh Miêu hoàn thành nhiệm vụ. Vậy là tất
cả đều gật đầu.

Vương Tứ Xuyên cảnh báo bên dưới có thể có khí
độc, chúng tôi phải hết sức cẩn thận, mọi người tìm xem có đầy đủ mặt nạ phòng độc chưa, nếu chưa có thì phải chuẩn bị khăn ướt cầm theo.

Sau cùng, mọi người xé vải bông ra làm dụng cụ chống độc, bây giờ nghĩ lại
mới thấy ngày đó thật ngờ nghệch, cứ nghĩ rằng làm như vậy là phòng
chống được khí độc. Có điều những kiến thức về “ba dự phòng”[1] hồi đó
phổ cập chỉ được như vậy, tuy chúng tôi làm nghề khảo sát địa chất nhưng trên thực tế đã được tiếp xúc với cái mặt nạ phòng độc bao giờ đâu, bởi vì rất nhiều nơi trong hang sâu bị bịt kín, khí độc sản sinh tự nhiên
rất dễ cháy, có khi chưa chết vì bị nhiễm độc thì đã chết vì bị thiêu
cháy, cho nên mặt nạ phòng độc thành ra không cần thiết.

[1] Ba
dự phòng: cách gọi tắt của lớp huấn luyện quân đội đối với ba loại vũ
khí: hạt nhân, hóa học, sinh học, nhằm giúp bộ đội giảm thiểu hoặc tránh khả năng bị sát thương bởi các loại vũ khí trên.

Chuyện thì dài
nhưng chỉ kể được ngắn, chúng tôi lại tiếp tục xuyên qua dàn thanh sắt,
nếu muốn vào sâu bên trong thì chỉ có lối này, ngay phía sau tôi, đội
phó cũng đang leo xuống, khi đến chỗ các bậc thanh để leo lên vách đá
thì đường đi trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Chúng tôi đi xuôi
xuống dưới một quãng khá dài. Con đường đi xuống rất dốc và quanh co,
hai bên vách bị nước xói nhẵn bóng, nếu không cẩn thận rất dễ bị trượt
xuống. Chúng tôi căng thẳng, cẩn thận di chuyển từng bước một. Lát sau,
chúng tôi đã đến một cái hang nhỏ, có lẽ đó là địa tầng phát sinh sau
này, nơi đây không có nguồn sông ngầm chảy ra từ khe đá, nếu có thì chỉ
là những khe nước nhỏ, nước chỉ sâu đến mắt cá chân chúng tôi, chiều cao của hang thấp đến mức chúng tôi phải khom lưng mới đi được.

Bên
dưới quả nhiên không có nhiều dấu vết của quân Nhật để lại, chúng tôi
liền bỏ miếng vải bịt mũi ra. Chúng tôi đi tiếp chừng mười mấy phút,

bỗng nhiên một cậu lính đi bên cạnh đột nhiên dừng lại, bảo có điều gì
đó đang xảy ra.

Chúng tôi đều dừng cả lại nhìn cậu ta hỏi làm
sao? Nhưng cậu ấy không trả lời chúng tôi, mà chỉ cầm đèn pin soi xuống
phía dưới chân, rồi với vẻ lo lắng, cậu ta vén ống quần lên. Chúng tôi
thấy trên ống quần của cậu ấy từng cục từng cục thịt màu đen nổi lên,
chúng tôi cẩn thận nhìn kĩ, phát hiện ra đó là những con đỉa đã hút máu
căng tròn.