Hôm sau trời vừa sáng là Tả Thiếu Dương đã tỉnh, bò dậy, trước tiên là xem cái ổ sóc đặt bên cạnh gối, Bi Vàng cũng đã dậy, đang nằm trong cái ổ ấm áp của nó, thò đầu ra nhìn y, đôi mắt xoay tròn, hai cái râu ngắn rung tung.
- Bi Vàng dậy sớm thế. Tả Thiếu Dương đưa tay ra ôm nó vào lòng, gãi khẽ cằm, y chỉ biết mèo thích thế nên đoán sóc cũng thích, đúng là Bi Vàng thích thật vươn dài cái cổ ra. Thân mật một hồi rồi cho nó vào lòng, xuống thang, kệ đầu tóc bù xù, nhẹ nhàng mở cửa, xách thùng nước chạy nhanh ra sông.
Tới nơi thở hồng hộc, bốn bề vắng tanh vắng ngắt, một người sách nước cũng không có, cả phụ nhân hay ra sông giặt áo cũng chẳng có một ai, chỉ có gió lạnh thổi vù vù, một mình y đứng đó với hai cái thùng nước trống không.
Hôm nay là 30 Tết, là giao thừa rồi, nhà nhà hộ hộ đều chuẩn bị cơm nước, ai lại đi gánh nước nữa? Chỉ có một tên ngốc thôi, Tả Thiếu Dương không phải đi lấy nước, chum nước vẫn đầy, dùng như bình thường phải tới mùng 3 Tết mới hết, y ra đây là vì nguyên nhân khiến cả đêm y trằn trọc mãi.
Đi chầm chậm xuống thềm đá, chẳng có tiếng cười nói quen thuộc sao mà trống vắng, tới bên giếng rồi, chậm rì rì kéo nước, chậm đến mấy hai thùng nước cũng đầy, Tiểu Muội vẫn không xuất hiện, cũng không có ai đi lấy nước, chỉ có người đi qua nhìn y với ánh mắt kỳ quái.
Tả Thiếu Dương kệ ánh mắt người khác, cứ ngó đầu nhìn quanh quất, ôm hi vọng nhỏ nhoi là Tiểu Muội sẽ tới, giải thích với nàng.
Bi Vàng ở trong lòng tựa hồ cũng nóng lòng giúp y, thò cái đầu ra ngoài nhìn, bị gió lạnh quét qua, bộ lông chưa đủ dày giúp nó chống cái lạnh, thụt ngay đầu vào, một lúc lại tò mò giương to đôi mắt tròn nhìn, mọi thứ với nó đều có vẻ mới mẻ lạ lẫm.
Tả Thiếu Dương đợi tới nửa canh giờ, theo như bình thường thì Tiểu Muội và thiếu phụ kia đã đi lấy nước, bây giờ chưa tới, chắc là không tới nữa rồi.
Lòng ủ rũ, nghĩ giờ này hẳn mẹ cũng đã dậy, không thể đợi thêm, đành uể oải xách hai thùng nước về, trên đường đi thi thoảng còn quay đầu nhìn, dù chẳng thể nhìn thấy giếng nước nữa.
Lương thị đã dậy, thấy con xách nước về thi ngớ ra: - Sao con đi sách nước? Đến ăn mày 30 cũng không đi ăn xin nữa là, con thật là, ài... Thôi, mau bỏ thùng nước xuống.
Tâm trạng không tốt, Tả Thiếu Dương chẳng giải thích gì, để hai thùng nước đó tùy mẹ xử trí, lầm lũi đi ra mở cửa hiệu.
Lương thị nói với ra: - Không cần mở cửa, hôm nay là 30 Tết, mẹ đã nói rồi, ăn mày...
- Ăn mày cũng không đi ăn mày!... Con đóng lại là được. Tả Thiếu Dương đóng cửa đã mở một nửa lại, chỉ là không mang quần áo cho người ta giặt thôi mà, đâu phải tình nhân hẹn hò không gặp không về, có điều lòng cứ bứt rứt, ngồi một chỗ không yên, thấy phải làm cái gì đó: - Mẹ, vậy hôm nay nhà ta sẽ làm gì?
- Dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị bàn cúng bái trời đất thiên địa tiên tổ, đổi câu đối, dán giấy hoa, chuẩn bị cơm tất niên.. Mà nhớ ra lát nữa người ta tới đòi nhà rồi, Lương thị buồn bã nói: - Mà thôi, không cần làm gì cả, đợi trưa Tam Nương tới, nói chuyện với cô ấy xem thế nào, ài...
- Vậy con mở một cánh cửa cho sáng được không?
- Đừng mở, mở cửa sổ là được.
Cửa hiệu nhà bọn họ có hai cửa sổ ở hai gian bên, cửa sổ thời xưa rất phức tạp, song cửa sổ rối rắm cầu kỳ, che mất một phần ánh sáng rồi, lại còn dùng giấy dán lên, cho nên nhà dù có nhiều cửa sổ vẫn cứ u ám, nhà thì thấp, ánh sáng không đủ, thông gió cũng kém, rất bí bách, những ngôi nhà cổ nhìn thì đẹp đấy, nhưng ở rồi mới thấy cái không hay của nó.
Tả Thiếu Dương đi mở cửa sổ, phòng sáng hẳn lên, nhưng gió lạnh cùng ùa vào, không thành vấn đề, vừa rồi ra bến sông gió lồng lộng như vậy mà y còn không để ý nữa là.
Tâm trạng như vậy không viết sách cho cha được, Tả Thiếu Dương cởi búi tóc ra, chải xong bắt đầu học búi tóc, có điều búi tóc lại càng nhớ tới Tiểu Muội, làm mãi không xong, bực mình quấn bừa một cục tướng trên đầu.
Lương thị nhìn thấy trách: - Trung Nhi, sao ngay cả tóc cũng không biết vấn nữa? Thôi, để mẹ làm cho. Rồi đi tới cầm lấy lược, giảng giải cho y cách búi tóc, vừa nói vừa dạy thực tiễn.
Tả Thiếu Dương rốt cuộc tự búi tóc được, nhưng tay giơ lên mỏi dừ rồi, từ điểm này có thể suy ra vì sao sư sãi lại cạo chọc đầu, chấy rận ngứa ngáy thì làm sao tĩnh tâm niệm kinh được, trọc thật là tốt, không biết có cách nào cạo trọc mà không phải làm sư không nhỉ? Đây gọi là nhàn cư vi bất thiện, Tả Thiếu Dương chải đầu xong không có việc gì làm, lấy Bi Vàng ra gãi ngứa cho nó, đầu suy nghĩ linh tinh.
Tả Quý đã dậy, rửa ráy xong cầm cốc trà Lương thị pha cho, tuy hiệu không mở vẫn theo thói quen ngồi sau cái bàn, lặng lẽ uống trà.
Tả Thiếu Dương cất Bi Vàng vào trong lòng, lấy sách hôm qua đữa sửa một phần ra đưa cho Tả Quý: - Cha, vị linh y kia nói sách của cha có nhiều chỗ thiếu xót và sai, con sửa lại một phần rồi, cha xem thế nào.
- Thế à? Tả Quý lật xem, càng xem càng kinh ngạc, rất nhiều thứ ông còn chưa nghe qua bao giờ, lại có kiểu dùng thuốc như thế sao: - Vị tiên sinh đó nói thế à?
- Dạ, ông ấy hỏi con đã xem những loại sách gì, con mới đem sách cha dạy cho ông ấy, ông ấy chỉ điểm cho con những chỗ sai trong đó, con đều ghi nhớ.
Tả Quý nghĩ ai lại đưa sách gia truyền cho người ngoài xem, nhưng mà nếu con mình không thật thà như thế cũng không làm người ta động lòng truyền thụ kiến thức cho, vừa xem vừa tặc lưỡi: - Con có cơ duyên như thế đúng là phúc của con. Vậy viết tiếp đi, viết mấy đơn thuốc là được, cái khác cha không nhớ được nữa đâu.
- Dạ. Tả Thiếu Dương hiểu với tuổi cha mình có tính trơ với học tập rồi, vẫn không khỏi luyến tiếc, riêng học thuốc mà không học y, không học lý luận tương quan thì không có ý nghĩa, mà có khi lợi bất cập hại, giống như phụ nhân bán vải kia, dùng thuốc bừa bãi mà sinh bệnh, nghĩ một chút nói: - Lão linh y đó có dạy con một bài vè bốc thuốc, con viết cho cha nhé.
- Bài vè à? Cái đó được, dễ nhớ.
Tả Thiếu Dương cho Bi Vàng ăn trước sau đó mới lấy bút viết ( Thang đầu ca)
( Thang đầu ca) do danh y thời Thanh là Uông Ngang biên soạn, khi học các sách y cổ điển, ông cảm thấy chữ nghĩa sâu xa thâm thúy, người mới học đọc sách sẽ thấy mênh mông không biết đầu mối ở đâu, khó lãnh hội yếu chỉ của sách. Ông bèn phỏng theo sách ‘Độc Tố Vấn Sao’ của Hoạt Thọ đời Nguyên, viết lại. Trong đó có hơn ba trăm phương thuốc trung y thường dùng, lấy hình thức vè thất ngôn quy nạp lại,, lời giản, nghĩa rõ, nêu rõ phần quan trọng, thuận tiện cho việc nhập học đọc thuộc lòng, về sau thành kiến thức nhập môn Trung y, Tả Thiếu Dương tất nhiên thuộc lòng như cháo chảy.
30 Tết ai nấy ở nhà lo việc gia đình, nên người đi đường ít hơn hẳn, chỉ có đám trẻ con cầm pháo trúc, đồ ăn kết thành từng nhóm nô đùa, năm mới luôn là thời gian vui vẻ nhất của trẻ con.
Bài vè này khá dài, viết tới tận trưa mới xong.
Tả Quý lần này đọc càng chấn kinh hơn, gật đầu liên tục: - Không tệ, ừm, bài vè này chứa kiến thức bác đại tinh thâm, câu chữ đơn giản dễ nhớ, không phải là cao nhân tuyệt không thể viết ra, để vi phụ từ từ đọc... Lúc này ông cũng không có tâm tư xem sách.
Tả Thiếu Dương cũng vậy, cất bút đứng bên cửa sổ thất thần nhìn ngoài đường, chờ Triệu Tam Nương đến đưa ra phán quyết cuối cùng.