Chúng tôi đi qua rất nhiều người trên đường tới ga BART ở phố Powell. Họ đang chạy hoặc đang đi, mặt trắng bệch, im lặng hoặc la hét và hoảng sợ. Những kẻ vô gia cư co ro trong các ô cửa và quan sát mọi thứ, trong khi một ả gái điếm da đen cao lớn cải trang đang quát hai gã trai trẻ có râu về chuyện gì đó.
Càng tới gần ga BART, sức ép của các thân thể càng kinh khủng hơn. Khi chúng tôi tới cầu thang dẫn xuống ga, cảnh tượng ở đây thật hỗn loạn, một đám đông khổng lồ cố gắng giành giật lối đi xuống một cái cầu thang chật hẹp. Mặt tôi bị ép vào lưng ai đó, còn người nào đó khác thì đè vào lưng tôi.
Darryl vẫn ở bên cạnh tôi - cậu ta đủ cao lớn để không bị xô đẩy, và Jolu ở ngay phía sau Darryl, như kiểu bám vào eo Darryl vậy. Tôi thấy Vanessa ở cách đó vài mét, bị kẹt trong một đám còn đông hơn nữa.
"Cút đi!" Tôi nghe thấy Van hét lên phía sau. "Đồ khốn! Bỏ tay ra khỏi người tao!"
Tôi căng mắt ngó quanh đám đông và thấy Van đang kinh tởm nhìn một gã lớn tuổi hơn mặc một bộ vest đẹp đẽ, đang cười ngớ ngẩn với cô. Van lục ví và tôi biết ngay cô đang tìm cái gì.
"Đừng xịt hắn!" tôi gào lên qua đám đông. "Cậu sẽ gây rắc rối cho tất cả chúng ta đấy."
Vừa nghe tới từ xịt, gã đàn ông tỏ vẻ sợ hãi và nhũn như con chi chi, dù cho đám đông vẫn đẩy hắn lên phía trước. Phía trước, tôi nhìn thấy ai đó, một người đàn bà trung niên mặc một bộ váy hippie, loạng choạng ngã xuống. Bà hét lên khi bị ngã, và tôi thấy những nỗ lực thảm hại của bà để đứng dậy, nhưng bà không thể, sức ép của đám đông quá lớn. Tới gần bà, tôi cúi xuống để giúp bà đứng dậy, và suýt nữa tôi khiến bà ngã úp mặt xuống đất. Cuối cùng tôi giẫm cả lên ngực bà khi đám đông đẩy tôi vượt qua bà, nhưng tới lúc ấy tôi không nghĩ bà còn có thể cảm thấy được gì nữa.
Tôi sợ hãi như chưa bao giờ sợ hơn thế. Giờ những tiếng gào thét ở khắp nơi, thêm nhiều cơ thể người trên sàn, sức ép từ phía sau vẫn tàn nhẫn không dừng như một chiếc xe ủi đất. Tôi đã làm tất cả để cố đứng vững.
Chúng tôi vào đến phòng đợi lớn, ở đó có những chiếc cửa xoay. Ở đây cũng chẳng khá khẩm gì hơn - không gian khép kín khiến những giọng nói xung quanh chúng tôi dội lại thành những tiếng rống, làm cho đầu tôi ù lên, mùi và cảm giác của tất cả những cơ thể này khiến tôi thấy sợ bị nhốt kín, nỗi sợ mà tôi chưa bao giờ nghĩ mình mắc phải.
Mọi người vẫn đang tràn xuống cầu thang, nhiều người khác chen chúc quanh các cửa xoay và dưới cầu thang tự động dẫn lên sân ga, nhưng rõ ràng cách này cũng chẳng có kết cục tốt đẹp hơn.
"Có muốn thử cơ hội lên trên không?" tôi hỏi Darryl.
"Có chứ, mẹ kiếp, có," nó nói. "Thật khủng khiếp."
Tôi nhìn ra Vanessa - chắc chắn cô không thể nào nghe thấy tôi. Tôi tìm cách rút điện thoại ra và nhắn tin cho cô.
> Chúng ta ra khỏi đây thôi
Tôi thấy cô cảm thấy máy điện thoại rung lên, cúi xuống đọc rồi nhìn lại tôi và gật đầu cật lực. Trong lúc ấy, Darryl đã kéo được Jolu lại.
"Kế hoạch là gì?" Darryl hét lên vào tai tôi.
"Chúng ta phải quay trở lại!" Tôi hét lại, chỉ vào đám người đang chen chúc, đè nén lên nhau tàn nhẫn.
"Không thể nào!" nó nói.
"Chúng ta càng đợi lâu thì càng không thể!"
Nó nhún vai. Van cố gắng vượt qua đám đông tới và túm lấy cổ tay tôi. Tôi bám lấy Darryl, Darryl bám lấy Jolu bằng tay kia và chúng tôi chen ra ngoài.
Việc này không hề dễ dàng. Ban đầu chúng tôi di chuyển được tám centimet một phút, rồi chậm dần, thậm chí chậm hơn nữa khi tới cầu thang. Những người mà chúng tôi đi qua cũng chẳng vui thú gì vì chúng tôi xô họ đi. Vài người chửi chúng tôi, có một anh chàng còn trông như thế sẽ đấm cho tôi một cú nếu anh ta cựa quậy được cánh tay. Chúng tôi vượt qua ba người nữa bị giẫm đạp dưới chân, nhưng không có cách nào để tôi giúp họ. Đến lúc đó, tôi thậm chí không nghĩ tới việc cứu ai nữa. Tất cả những gì mà tôi có thể nghĩ là tìm khoảng trống phía trước để tiến tới, vì Darryl đang níu chặt lấy cổ tay tôi, vì tôi đang siết cứng lấy tay Van ở phía sau mình.
Sau một khoảng thời gian tưởng chừng như bất tận, chúng tôi lao ra mạnh mẽ và tự do như nút chai sâm banh, chớp mắt dưới ánh đèn màu khói xám. Tiếng còi báo động vẫn om sòm, nhưng âm thanh của xe cấp cứu khi chúng đi xuống phố Chợ còn lớn hơn. Dường như không còn ai trên phố nữa - chỉ có những người đang cố gắng trong tuyệt vọng để xuống dưới hầm. Rất nhiều người trong số họ khóc lóc. Nhìn thấy vài chiếc ghế dài bỏ trống - thường ngày bị chiếm đóng bởi mấy tay bợm rượu - tôi chỉ về hướng chúng.
Chúng tôi di chuyển tới đó, tiếng còi báo động và khói làm chúng tôi phải cúi đầu khom vai xuống. Chúng tôi vừa đến được chỗ chiếc ghế băng thì Darryl ngã về phía trước.
Cả đám hét lên trong khi Vanessa túm lấy nó kéo lại. Một bên áo của nó nhuốm màu đỏ và vết đỏ đang loang dần ra. Van kéo áo nó lên và thấy một vết cắt dài, sâu trên cái sườn mập mạp.
"Thằng khốn nạn nào đó đã đâm nó trong đám đông," Jolu nói, hai bàn tay nó siết chặt thành nắm đấm. "Chúa ơi, thật kinh khủng."
Darryl rên lên và nhìn chúng tôi, rồi nhìn xuống sườn, rên lên và quay đầu lại.
Vanessa cởi áo khoác jean và kéo cái áo cotton ngắn tay mà cô mặc ở trong ra. Cô nhồi nó lại và ấn nó vào sườn Darryl. "Giữ đầu cậu ấy," cô bảo tôi. "Nâng nó cao lên." Cô nói với Jolu, "Nâng chân cậu ấy lên - cuộn áo khoác của cậu hay cái gì đó vào." Jolu di chuyển nhanh nhẹn. Mẹ Vanessa là y tá và mùa hè nào cô cũng được huấn luyện sơ cứu ở trại hè. Cô thích xem những người trong phim sơ cứu sai cách và cười nhạo họ. Tôi mừng vì có cô đi cùng.
Chúng tôi đã ngồi đó rất lâu, giữ cái áo áp vào sườn Darryl. Nó liên tục nói với chúng tôi rằng nó ổn rồi và chúng tôi nên để nó đứng dậy, còn Van thì liên tục bảo nó hãy im mồm và nằm yên trước khi cô cho nó một trận.
"Hay chúng ta gọi 911?" Jolu nói.
Tôi thấy mình như một thằng ngốc. Tôi rút điện thoại ra và nhấn 911. Âm thanh mà tôi nhận được thậm chí không phải là tiếng tít tít báo máy bận - nó giống như tiếng rên rỉ đau đớn từ hệ thống điện thoại. Bạn sẽ không nhận được những âm thanh như thế trừ khi có ba nghìn người cùng lúc gọi đến một số. Ai cần đến các botnet khi đã có những kẻ khủng bố?
"Thế còn Wikipedia?" Jolu hỏi.
"Không điện thoại, không dữ liệu," tôi nói.
"Còn họ thì sao?" Darryl nói và chỉ ra đường. Tôi nhìn về hướng nó chỉ, tưởng sẽ thấy cảnh sát hay một nhân viên hỗ trợ y tế, nhưng không có ai ở đó.
"Không sao đâu bạn hiền, cậu thư giãn đi," tôi nói.
"Không, đồ ngốc, họ thì sao, mấy cảnh sát trong xe? Kia kìa!"
Nó nói đúng. Cứ năm giây lại có một xe cảnh sát, một xe cấp cứu hay một xe cứu hỏa đi qua. Họ có thể giúp đỡ chúng tôi. Tôi đúng là thằng ngốc.
"Vậy thì đi thôi," tôi nói, "hãy đưa cậu ấy tới chỗ bọn họ để họ khám và băng bó cho."
Vanessa không thích điều này, nhưng tôi chỉ ra rằng cảnh sát không dừng lại vì một thằng nhóc đứng vẫy mũ trên đường, ngày hôm đó thì không. Tuy nhiên có thể họ sẽ dừng lại nếu thấy Darryl đang bị chảy máu ở đây. Tôi tranh cãi ngắn gọn với cô và Darryl đã dàn hòa bằng việc lảo đảo đứng dậy và tự lê mình xuống phố Chợ.
Chiếc xe đầu tiên gào rú lao qua - một cái xe cấp cứu - thậm chí còn không thèm đi chậm lại. Chiếc xe cảnh sát tiếp theo không dừng lại, cả xe cứu hỏa, rồi ba xe cảnh sát tiếp theo cũng không. Tình trạng của Darryl không tốt - mặt nó trắng bệch, hơi thở hổn hển. Chiếc áo của Van thấm đẫm máu.
Tôi mệt mỏi với những chiếc xe cứ lao qua mặt mình. Lần kế tiếp, khi một chiếc xe xuất hiện trên phố Chợ, tôi đứng chắn giữa đường, khua tay trên đầu, la lớn "DỪNG LẠI". Chiếc xe chạy chậm dần rồi dừng lại, chỉ đến lúc đó tôi mới nhận ra rằng nó không phải xe cảnh sát, xe cấp cứu hay xe cứu hỏa.
Đó là một chiếc jeep giống của quân đội, giống như một chiếc Hummer bọc thép, chỉ khác một điều nó không gắn huy hiệu quân đội. Chiếc xe dừng lại ngay trước mặt tôi, tôi nhảy lùi lại, mất thăng bằng và ngã lăn ra đường. Tôi cảm thấy cánh cửa mở ra ở gần mình, rồi nhìn thấy một đám lộn xộn những cái chân đi giày ống chuyển động tới gần. Tôi nhìn lên và thấy một nhóm người trông giống người của quân đội, mặc áo liền quần, cầm những khẩu súng to kềnh càng và đeo mặt nạ chống khí ga với tấm chắn kim loại mạ.
Tôi thậm chí còn chưa kịp nhìn kỹ họ thì những khẩu súng đã chĩa vào mình. Trước đây tôi chưa bao giờ nhìn thấy nòng súng cận cảnh như bây giờ, nhưng tất cả những gì bạn nghe nói về nó đều đúng. Bạn bị đông cứng tại chỗ, thời gian ngừng lại và tim bạn đập thùm thụp bên tai. Tôi há hốc miệng, rồi ngậm lại, rồi, rất chậm, tôi đưa hai tay lên trước.
Người đàn ông vũ trang không mặt, không mắt, cứ đứng trước tôi giữ súng rất chắc. Tôi thậm chí không thở nổi. Van đang hét gì đó, Jolu thì gào lên và tôi nhìn họ được một giây thì có người trùm một cái bao tải thô vào đầu tôi và thít chặt nó quanh khí quản tôi, nhanh và dữ dội đến nỗi tôi không còn thời gian để thở những hơi cuối cùng trước khi bị nghẹn lại. Tôi bị thúc vào bụng một cách thô bạo nhưng vô cảm, cái gì đó quấn quanh cổ tay tôi hai lần rồi siết chặt lại, cảm giác như ai đó đang cuộn dây rồi móc lại một cách tàn nhẫn. Tôi rú lên, giọng nói nghẹt lại do cái bao trùm đầu.
Giờ tôi hoàn toàn ở trong bóng tối, căng tai ra để nghe ngóng chuyện gì đang xảy ra với các bạn mình. Tôi nghe thấy họ hét lên qua lớp bao tải ngột ngạt, và rồi ai đó lạnh lùng túm lấy cổ tay tôi, giật người tôi gập xuống chân, sau đó bẻ quặt cánh tay tôi ra sau lưng, vai tôi kêu rắc rắc.
Tôi suýt ngã mấy lần, rồi một bàn tay ấn đầu tôi xuống và tôi đã ở bên trong chiếc Hummer. Nhiều cơ thể khác cũng bị xô đẩy hết sức thô bạo cạnh tôi.
"Các cậu à?" Tôi gào lên và nhận được một cú đấm mạnh vào đầu. Tôi nghe tiếng Jolu trả lời, và cảm thấy cú đấm mà nó cũng bị nhận. Đầu tôi rung lên như cái cồng.
"Này," tôi nói với bọn lính. "Hãy nghe đã! Bọn tôi chỉ là học sinh cấp ba. Tôi muốn dừng xe các ông lại vì bạn tôi đang bị chảy máu. Ai đó đã đâm cậu ấy." Tôi không biết những lời này sẽ lọt được bao nhiêu qua cái bao tải bịt kín này. Nhưng tôi vẫn nói. "Xin hãy nghe chúng tôi - đây chắc chắn là một sự hiểu nhầm. Chúng ta phải đưa bạn tôi vào bệnh viện..."
Ai đó lại đánh vào đầu tôi. Cứ như họ dùng dùi cui hay gì đó như vậy - đau hơn bất kỳ lần bị đánh vào đầu nào tôi từng biết xưa nay. Mắt tôi hoa lên, nước mắt chảy ra và đau đến mức tôi thực sự không thở nổi. Một lúc sau, khi lấy lại hơi, tôi không dám hé răng nữa. Tôi đã được một bài học.
Những tên hề này là ai? Họ không đeo phù hiệu. Có lẽ là bọn khủng bố! Trước giờ tôi chưa bao giờ thực sự tin rằng những kẻ khủng bố tồn tại - ý tôi là về lý thuyết thì tôi biết có những kẻ khủng bố ở đâu đó trên thế giới này, nhưng tôi không mảy may nghĩ đến nguy cơ sẽ gặp bọn chúng. Có hàng nghìn cách thế giới này có thể giết tôi - bắt đầu bằng việc bị một gã say xỉn đang lao như tên lửa xuống Valencia tông phải - rõ ràng việc đó còn dễ xảy ra và nhanh chóng hơn khủng bố. Bọn khủng bố giết chết ít người hơn so với những vụ sập nhà tắm và bị điện giật. Lo lắng về mấy tai nạn đó cũng có ích gần bằng việc lo bị sét đánh.
Ngồi sau con Hummer, với cái đầu bị bọc trong bao, tay bị trói nghiến ở sau lưng, nghiêng qua ngả lại trong khi những vết thâm sưng tấy trên đầu, đột nhiên tôi thấy việc bị khủng bố chứa đựng nhiều rủi ro hơn rất nhiều.
Chiếc xe xóc lên xóc xuống và hướng về phía đỉnh đồi. Tôi đoán chúng tôi đang đi về hướng đồi Nob, và từ góc quan sát này, có vẻ như chúng tôi sắp đến một con đường dốc hơn - tôi đoán đó là phố Powell.
Giờ chúng tôi đang lao xuống dốc. Nếu như bản đồ trong não tôi đúng thì chúng tôi đang hướng về khu cầu cảng Fisherman (Ngư Dân). Ở đó bạn có thể lên một con tàu, đi thật xa. Ý tưởng này phù hợp với giả thuyết về bọn khủng bố. Nhưng thế quái nào mà bọn khủng bố lại đi bắt cóc một lũ học sinh cấp ba?
Chúng tôi dừng lại trên một con dốc. Xe chết máy và cánh cửa mở ra. Ai đó kéo tôi ra đường và đẩy tôi trượt chân xuống mặt đường lát đá. Vài giây sau, tôi bị vấp ngã vào một cầu thang thép, cẳng chân bị va đập mạnh. Bàn tay phía sau lại xô tôi một lần nữa. Tôi thận trọng đi lên cầu thang, không thể dùng tay để giữ thăng bằng. Tôi bước lên bậc thứ ba và chuẩn bị bước tiếp bậc thứ tư, nhưng không có bậc thứ tư nào. Tôi suýt ngã một lần nữa, nhưng một bàn tay khác đã tóm lấy tôi từ phía trước và lôi tôi xuống một cái cầu thang thép, ấn tôi quỳ xuống rồi khóa tay tôi vào cái gì đó sau lưng.
Thêm nhiều chuyển động nữa, và cảm giác của những cơ thể bị trói khác ở ngay bên cạnh mình. Những tiếng rên rỉ và những âm thanh bị bóp nghẹt. Tiếng cười. Tiếp theo là một khoảng thời gian kéo dài vô tận trong sự ảm đạm bế tắc, tôi hít thở và nghe thấy tiếng thở của mình trong tai.
Tôi đã xoay xở ngủ được một chút, tư thế quỳ gối làm máu không lưu thông được xuống chân, đầu vẫn trong bao tải. Chỉ khoảng ba mươi phút, cơ thể tôi đã tiết vào máu lượng adrenaline của cả một năm, và trong khi chừng ấy adrenaline có thể tiếp thêm sức mạnh đủ để bạn nâng một chiếc ô tô khỏi một người bạn yêu quý hay nhảy qua những tòa nhà cao lớn thì sự đánh đổi như thế này thật đáng ghét.
Tôi tỉnh dậy vì ai đó kéo cái túi trùm ra khỏi đầu tôi. Họ không thô bạo cũng chẳng cẩn thận - chỉ là... vô hồn. Giống như người ta đặt các bánh kẹp cạnh nhau ở McDonald.
Ánh sáng trong phòng quá mạnh khiến tôi phải nhắm nghiền mắt, nhưng dần dần tôi cũng mở he hé rồi mở toang để nhìn xung quanh.
Chúng tôi đều ở phía sau một chiếc xe tải, một chiếc xe khổng lồ mười sáu bánh. Tôi có thể nhìn thấy các khoang bánh cách nhau đều đặn dọc thân xe. Nhưng khoang sau của chiếc xe tải này đã bị biến thành sở chỉ huy/nhà tù di động. Những chiếc bàn thép xếp dọc tường với các màn hình phẳng bóng loáng đặt trên các giá đỡ có khớp nối linh hoạt có thể điều chỉnh vị trí xoay quanh người sử dụng như một vòng hào quang sáng lóa. Mỗi bàn có một chiếc ghế văn phòng sang trọng phía trước, được trang trí bằng các núm thiết kế thân thiện để điều chỉnh từng milimét của bề mặt ngồi, độ cao, cường độ và hướng di chuyển.
Rồi đến khu vực nhà tù - ở phía trước chiếc xe tải, cách xa mấy cánh cửa nhất, có những thanh chắn bằng sắt đóng vào thành xe, bên trong những thanh chắn này là các tù nhân.
Tôi nhìn thấy Van và Jolu ngay lập tức. Darryl có lẽ đang nằm trong hàng tá những người bị trói trong góc, nhưng cũng khó mà nói chắc được - nhiều người bọn họ đã ngã xuống và chắn tầm nhìn của tôi. Nơi đó bốc đầy mùi mồ hôi và nỗi sợ hãi.
Vanessa nhìn tôi và cắn môi. Cô sợ. Tôi cũng vậy. Cả Jolu nữa, mắt nó đảo điên loạn trông trắng dã. Tôi cũng sợ. Còn tệ hơn thế nữa, tôi mót tè như một con ngựa đua.
Tôi nhìn quanh tìm những kẻ bắt giữ chúng tôi. Đến lúc này tôi vẫn tránh nhìn bọn chúng, giống như bạn vẫn không muốn nhìn vào góc tối của cái tủ nơi não bạn tưởng tượng ra hình ảnh một con quái vật. Bạn không muốn biết mình đúng hay không.
Nhưng tôi phải nhìn những kẻ đáng ghét đã bắt cóc chúng tôi kỹ hơn. Nếu chúng là bọn khủng bố, tôi muốn biết. Tôi chưa biết một tên khủng bố thì trông ra sao, mặc dù các chương trình ti vi đã cố gắng hết sức để thuyết phục tôi rằng bọn chúng là những người Ả Rập da nâu, râu dài, đội mũ thít chặt và mặc áo cotton rộng thùng thình trùm tới mắt cá chân.
Những kẻ bắt giữ chúng tôi thì không như vậy. Đáng ra chúng phải làm hoạt náo viên giữa giờ của giải Super Bowl 1 mới phải. Trông chúng đặc chất Mỹ theo một cách nào đó mà tôi không thể xác định chính xác. Với đường viền cằm đẹp và mái tóc ngắn chỉn chu, trông chúng không giống người của quân đội chút nào. Chúng mặc đồ trắng và nâu, cả nam lẫn nữ, cười thư thái với nhau, đùa cợt và uống cà phê trong những cái cốc giấy. Chúng không phải người Ả Rập đến từ Afghanistan: trông chúng giống khách du lịch đến từ Nebraska.
Tôi nhìn chằm chằm vào một người, một phụ nữ trẻ da trắng có mái tóc màu nâu có vẻ không hơn tuổi tôi là mấy, khá dễ thương trong cung cách công-sở-đầyquyền- lực và đáng sợ. Nếu bạn cứ nhìn chằm chằm vào ai đó đủ lâu, cuối cùng họ sẽ phải nhìn lại bạn. Cô ta nhìn lại, gương mặt cô ta sa sầm lại thành một trạng thái hoàn toàn khác, vô cảm, thậm chí như một con rô bốt. Nụ cười của cô ta biến mất trong tức khắc.
"Này," tôi nói. "Nghe này, tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra, nhưng tôi thực sự cần đi tè." Cô ta nhìn xuyên qua tôi như thể không nghe thấy gì.
"Tôi nghiêm túc đấy, nếu không được đi tè bây giờ, tôi sẽ gặp phải một rắc rối khó chịu. Nó sẽ bốc mùi lên ở đây, cô biết chứ?"
Cô ta quay sang đồng bọn, một nhóm nhỏ ba người, chúng nói gì đó nhỏ đến mức tôi không thể nghe thấy gì ngoài tiếng quạt của máy tính.
Cô ta quay lại phía tôi và nói. "Nhịn thêm mười phút nữa, rồi từng đứa bọn mày sẽ được đi tiểu."
"Tôi không nghĩ mình còn có thể nín thêm được mười phút nữa," tôi nói, thêm một chút khẩn cấp trong giọng nói của mình. "Nghiêm túc mà nói, thưa quý cô, bây giờ hoặc không bao giờ cả."
Cô ta lắc đầu và nhìn tôi như một kẻ thua cuộc thảm hại. Cô ta và đồng bọn bàn bạc thêm, rồi một người khác tiến lên phía trước. Hắn ta già hơn, khoảng ba mươi ba mốt, đôi vai khá đồ sộ, như kiểu hắn luôn tập luyện với cường độ cao. Trông hắn giống người Trung Quốc hay Hàn Quốc - cái này ngay đến Van đôi lúc cũng không phân biệt được - nhưng lại có tác phong trông rất Mỹ theo một cách mà tôi không tài nào nói rõ được.
Hắn kéo vạt áo khoác thể thao ra để cho tôi thấy vũ khí giắt bên trong: tôi nhận ra một khẩu súng lục, một dùi cui điện và một cái gì đó giống gậy hoặc bình xịt tiêu, rồi lại kéo áo lại.
"Không vấn đề gì," hắn nói.
"Ừ," tôi đồng ý.
Hắn chạm vào cái gì đó ở thắt lưng của hắn và cái còng ở sau lưng tôi tuột ra, cánh tay tôi đột nhiên rơi thõng xuống đằng sau. Như thể hắn đeo cái thắt lưng đa năng của Người Dơi vậy - điều khiển còng tay không dây từ xa! Tôi nghĩ nó rất hợp lý, dù sao thì bạn cũng không muốn cúi xuống trước mặt tù nhân của mình với tất cả những thứ vũ khí chết người đó trong tầm mắt của họ - họ có thể giành lấy súng bằng răng và kéo cò súng bằng lưỡi hay cái gì đó.
Hai bàn tay tôi vẫn bị dây nhựa dẻo trói quặt ra phía sau, và giờ, khi không được đỡ bởi chiếc còng, tôi nhận ra chân mình đã tê cứng trong lúc chết gí ở một tư thế. Tóm lại là, tôi ngã đập mặt xuống đất, đá đá chân một cách yếu ớt vì chúng rần rần như có kiến bò ở trong, cố gắng đặt chúng ngay ngắn dưới phần thân để tôi có thể cảm thấy bàn chân của mình.
Gã đàn ông kéo tôi đứng lên và tôi bước xiêu vẹo về phía sau xe, tới nhà vệ sinh di động ở đó. Tôi cố gắng tìm Darryl trên đường quay lại, nhưng nó có thể là bất cứ ai trong số năm hay sáu người đang vạ vật ở đó. Hoặc không là ai cả.
"Vào đi," gã đàn ông nói.
Tôi giật cổ tay ra. "Làm ơn tháo cái này ra được không?" Tôi cảm giác ngón tay mình như những miếng xúc xích tím ngắt sau hàng giờ bị trói nghiến trong sợi dây nhựa dẻo.
Hắn không nhúc nhích.
"Coi này," tôi nói, cố gắng không tỏ vẻ mỉa mai hay giận dữ (không hề dễ). "Coi này, hoặc là anh phải giúp tôi nới lỏng bàn tay hoặc anh sẽ phải giúp tôi đi tè. Một chuyến viếng thăm nhà vệ sinh không phải là lúc không cần dùng đến tay." Ai đó trong xe cười khẩy. Gã này không ưa gì tôi, tôi có thể cảm thấy qua cách cơ miệng hắn chuyển động. Trời ơi, những con người này thật lạnh lẽo.
Gã đàn ông đưa tay xuống thắt lưng và kéo ra một bộ đồ đa năng rất đẹp. Hắn rút một con dao nhìn rất nguy hiểm, lướt nó qua đám dây trói bằng nhựa dẻo và tay tôi lại được tự do.
"Cảm ơn," tôi nói.
Hắn xô tôi vào phòng tắm. Bàn tay tôi trở nên vô dụng, giống như hai cục đất sét gắn vào cổ tay vậy. Khi tôi khẽ nhúc nhích các ngón tay, chúng ngứa ran, rồi cơn ngứa biến thành một cảm giác nóng rực khiến tôi gần như thét lên. Tôi đặt bệ xuống, tụt quần và ngồi xuống. Tôi không tin mình có thể tự đứng vững nữa.
Sau khi bàng quang của tôi được thả lỏng, mắt tôi cũng dễ chịu dần. Tôi lặng lẽ khóc, lắc lư qua lại trong khi nước mắt nước mũi chảy giàn giụa. Đó là tất cả những gì tôi có thể làm để không bật khóc nức nở - tôi bịt miệng lại và kìm nén những âm thanh thổn thức. Tôi không muốn chúng được thỏa mãn.
Cuối cùng, tôi vừa tiểu vừa khóc trong khi gã kia đập cửa thình thịch bên ngoài. Tôi cố gắng lau mặt sạch sẽ bằng một nắm giấy vệ sinh, ném xuống bồn cầu và giật nước, rồi nhìn quanh tìm bồn rửa mặt nhưng chỉ thấy một bình xịt thuốc rửa tay hoạt tính mạnh được bọc bởi một tờ giấy nhỏ in các thành phần sinh học của nó. Tôi xoa một ít vào tay và bước khỏi nhà vệ sinh.
"Mày làm trò gì trong đó thế?" gã đàn ông nói.
"Sử dụng các tiện ích," tôi nói. Hắn xoay tôi lại, tóm lấy tay tôi và tôi cảm thấy một cái còng tay bằng nhựa dẻo mới được phập vào. Cổ tay tôi đã sưng phồng sau lần gần nhất bị trói mà cái còng mới thì siết vào làn da mỏng manh của tôi một cách tàn bạo, nhưng tôi sẽ không khóc toáng lên để hắn được thỏa mãn.
Hắn trói tôi vào chỗ cũ và tóm lấy người tiếp theo, tôi nhận ra chính là Jolu, với khuôn mặt sưng vù và một vết bầm tím trên má.
"Cậu ổn chứ?" tôi hỏi, và gã đàn ông có thắt lưng đa năng bất ngờ đặt tay lên trán tôi và đẩy mạnh, khiến đầu tôi bật về phía tường kim loại của xe tải, tạo ra một âm thanh nghe như tiếng chuông đồng hồ. "Không được nói," hắn nói trong khi tôi vật lộn để kéo mắt mình tập trung vào một điểm.
Tôi không thích những người này. Và ngay lúc đó tôi đã quyết định rằng bọn chúng sẽ phải trả giá cho tất cả những điều này.
Từng người một, tất cả những tù nhân tới nhà vệ sinh và trở lại, và khi tất cả đã xong, kẻ canh giữ tôi quay lại với đám bạn của hắn và uống thêm một tách cà phê nữa - tôi thấy chúng uống từ một cái bình giấy bìa lớn của Starbucks - cuộc nói chuyện không rõ ràng và pha lẫn tiếng cười.
Rồi cánh cửa phía cuối xe bật mở, không khí trong lành ùa vào, không còn ám khói như trước nhưng thoáng mùi khí ozone. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi tôi nhìn thấy cảnh vật bên ngoài trước khi cửa đóng, tôi thấy trời tối om, và đang mưa, một cơn mưa bụi giống như sương mù của San Francisco.
Người đàn ông vừa bước vào mặc một bộ quân phục. Quân phục Hoa Kỳ. Ông chào mọi người trong xe và họ cũng chào lại ông, đó là lúc tôi biết rằng tôi không phải tù nhân của nhóm khủng bố nào cả - tôi là tù nhân của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Họ dựng một cái màn che nhỏ ở cuối xe rồi nhặt từng đứa chúng tôi một, cởi trói và dẫn tới sau xe. Theo như tôi tính - bằng cách đếm từng giây trong đầu, một con hà mã, hai con hà mã - thì mỗi cuộc tra hỏi kéo dài khoảng bảy phút. Đầu tôi váng vất do cơ thể bị thiếu nước và caffeine.
Tôi là người thứ ba, người phụ nữ với mái tóc được cắt thẳng băng đưa tôi tới. Nhìn gần, trông cô ta mệt mỏi với quầng thâm dưới mắt và những nếp nhăn nơi khóe miệng.
"Cảm ơn," tôi nói một cách máy móc trong khi cô ta cởi trói cho tôi bằng điều khiển từ xa và kéo tôi đứng thẳng lên. Tôi ghét bản thân vì cái lối lịch sự máy móc này, nhưng nó đã ăn sâu vào tôi mất rồi.
Cơ mặt cô ta không hề nhúc nhích. Tôi đi trước cô ta tới cuối xe, đằng sau màn che. Có một chiếc ghế gập đơn và tôi ngồi xuống đó. Hai người bọn họ - người phụ nữ có mái tóc cắt bằng và người đàn ông với chiếc thắt lưng đa năng - nhìn tôi từ chiếc ghế siêu công thái của họ.
Giữa họ là một chiếc bàn trải đầy đồ trong ví và ba lô của tôi.
"Xin chào, Marcus," người phụ nữ với mái tóc cắt bằng nói. "Chúng tôi có vài câu hỏi cho cậu."
"Tôi đang bị bắt giữ à?" tôi hỏi. Đây không phải một câu hỏi vẩn vơ. Nếu bạn không bị bắt giữ thì có những giới hạn nhất định trong việc cảnh sát được phép và không được phép đối xử với bạn. Thứ nhất, họ không thể giữ bạn quá lâu mà không bắt giam bạn, không thể không cho bạn gọi một cuộc điện thoại và phải cho phép bạn nói chuyện với luật sư. Và ôi trời ơi, tôi rất muốn được nói chuyện với một luật sư.
"Cái này để làm gì?" cô ta hỏi, tay cầm điện thoại của tôi. Màn hình đang hiện thông báo lỗi mà bạn sẽ thấy nếu cứ liên tục xâm nhập dữ liệu của nó mà không có mật mã đúng. Đó là một thông điệp khá thô lỗ - một bàn tay bằng đồ họa đang làm cái động tác mà cả thế giới đều nhận ra - vì tôi thích tùy biến đồ vật của mình.
"Tôi đang bị bắt giữ phải không?" tôi lặp lại. Họ sẽ không thể bắt bạn trả lời bất cứ câu hỏi nào nếu bạn không bị bắt, và khi bạn hỏi họ câu hỏi này, họ phải trả lời bạn. Đó là luật.
"Cậu đã bị Cục An ninh Nội địa giam giữ," người phụ nữ ngắt lời.
"Tôi có đang bị bắt giữ không?"
"Cậu sẽ phải có thái độ hợp tác hơn nữa, Marcus, bắt đầu ngay từ bây giờ." Cô ta không nói "Nếu không thì..." nhưng ai cũng hiểu.
"Tôi muốn liên lạc với một luật sư," tôi nói. "Tôi muốn biết tôi đã bị buộc tội gì. Tôi muốn xem vài giấy tờ chứng nhận của cả hai người."
Hai viên sĩ quan nhìn nhau.
"Tôi nghĩ cậu nên thực sự cân nhắc lại cách tiếp cận của mình trong trường hợp này," người phụ nữ có mái tóc cắt bằng nói. "Và tôi nghĩ cậu nên làm như thế ngay bây giờ. Chúng tôi tìm thấy một vài thiết bị đáng ngờ trên người cậu. Chúng tôi đã tìm thấy cậu và đồng bọn của cậu ở gần khu vực xảy ra vụ khủng bố nghiêm trọng nhất mà đất nước này từng chứng kiến. Kết nối hai sự kiện này lại thì mọi việc có vẻ không tốt đẹp lắm cho cậu đâu, Marcus. Cậu có thể hợp tác, hoặc là cậu sẽ phải vô cùng hối tiếc. Giờ thì, cái này để làm gì?"
"Cô nghĩ tôi là quân khủng bố à? Tôi mới mười bảy tuổi!"
"Vừa đủ tuổi - Al Qaeda thích tuyển chọn những đứa trẻ nhạy cảm, dễ bị ảnh hưởng. Chúng tôi đã tìm thông tin về cậu trên mạng, cậu biết đấy. Cậu đã đăng rất nhiều thứ không hay ho chút nào lên Internet."
"Tôi muốn nói chuyện với một luật sư," tôi nói. Người phụ nữ với mái tóc cắt bằng nhìn tôi như thể tôi là một con bọ. "Cậu đã có ấn tượng sai lầm rằng mình bị cảnh sát bắt do phạm tội. Cậu cần phải vượt qua điều này. Cậu đang bị chính phủ Hoa Kỳ giam giữ như một kẻ có khả năng là chiến binh của kẻ thù. Nếu tôi là cậu, tôi sẽ phải suy nghĩ rất kỹ về việc làm thế nào để thuyết phục chúng tôi rằng cậu không phải là kẻ thù quốc gia. Rất rất kỹ. Bởi vì có những hốc tối mà kẻ thù quốc gia có thể biến mất vào trong, lỗ hổng rất sâu và tối, lỗ hổng mà cậu sẽ biến mất vào đó. Vĩnh viễn. Cậu có nghe tôi không anh bạn trẻ? Tôi muốn cậu mở khóa chiếc điện thoại này và giải mã những tệp tin trong bộ nhớ. Tôi muốn cậu tự giải thích cho mình: tại sao cậu ở trên con phố đó? Cậu biết gì về cuộc tấn công trong thành phố này?"
"Tôi sẽ không mở khóa điện thoại của tôi cho cô," tôi nói đầy căm phẫn. Bộ nhớ điện thoại của tôi có tất cả các loại tài liệu riêng tư trong đó: ảnh, e-mail, các bản hack và mod 2 nhỏ mà tôi đã cài. "Đó là đồ đạc riêng tư."
"Cậu có gì phải giấu?"
"Tôi có quyền riêng tư của mình," tôi nói. "Và tôi muốn nói chuyện với một luật sư."
"Đây là cơ hội cuối cùng của cậu, nhóc con. Những người thành thật không có gì phải giấu."
"Tôi muốn nói chuyện với một luật sư." Bố mẹ tôi sẽ trả tiền. Tất cả những câu hỏi thường gặp về việc bắt giữ đã khá rõ ràng vào thời điểm này. Chỉ cần kiên quyết yêu cầu một luật sư, dù cho họ nói hay làm gì. Không có lợi gì khi nói chuyện với cớm mà không có mặt luật sư của bạn. Hai người bọn họ nói họ không phải cớm, nhưng nếu đây không phải là một vụ bắt giữ thì là cái gì?
Nhưng suy đi tính lại, đáng lẽ tôi nên mở khóa điện thoại của mình cho họ.