Đắc nhân tâm

Phần IV - Chương 30: Tôn Vinh Người Khác

Năm 1915, cả nước Mỹ hoảng loạn trước nguy cơ chiến tranh. Trong hơn một năm, các quốc gia châu Âu đánh nhau và gây ra những tổn thất về người và của ở mức độ chưa từng thấy. Hòa bình có tồn tại không ? Không ai có thể trả lời câu hỏi đó. Nhưng Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson quyết định thử thời cơ. Ông cử một phái viên sang tham vấn ý kiến của các nhà lãnh đạo châu Âu.

William Jennings Bryan, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, rất muốn đảm nhận trách nhiệm này. Ông thấy đây là một cơ hội thực thi chính nghĩa và có thể ghi danh vào sử sách. Tuy nhiên, Tổng thống Wilson lại bổ nhiệm một người khác. Đó là bạn thân và là cố vấn của Tổng thống : Đại tá Edward M. House. Ông House còn nhận một nhiệm vụ gay go hơn nữa là tìm cách báo tin tức khó chịu này cho Bryan mà không làm cho ông ta tức giận. Đại tá House kể lại trong nhật ký:

Bryan rõ ràng thất vọng khi nghe nói tôi sẽ sang châu Âu làm đặc phái viên hòa bình, ông nói chính ông đã lên kế hoạch làm điều đó… Tôi đáp lại rằng: “Tổng thống nghĩ sẽ bất tiện nếu để một người có địa vị quan trọng trong chính phủ như ông làm việc đó, vì việc này sẽ thu hút nhiều chú ý của dư luận và mọi người sẽ đặt câu hỏi tại sao ông lại phải đi xa…

Các bạn có nhìn thấy ẩn ý của House không ? House gián tiếp nói với Bryan rằng Tổng thống xem Bryan là vô cùng quan trọng đối với đất nước. Dĩ nhiên, Bryan rất hài lòng với hàm ý ấy bởi vì nó chứng tỏ mọi người, trong đó có Tổng thống, thấy được vai trò quan trọng của ông.

Vốn khôn khéo và giàu kinh nghiệm, Đại tá House đã thực hành một trong những nguyên tắc quan trọng: Làm cho người khác cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc khi thực hiện điều mà bản thân mình mong muốn.

Woodrow Wilson cũng theo nguyên tắc này ngay cả khi ông mời William Gibbs McAdoo(25)  làm thành viên trong nội các. Đây là vinh dự cao nhất dành cho một công dân. Thế mà ông còn đưa ra lời mời theo cách khiến cho McAdoo cảm thấy mình quan trọng bội phần. Đây là câu chuyện theo chính lời của McAdoo: “Tổng thống nói rằng ngài đang thành lập nội các và ngài sẽ rất vui sướng nếu tôi chấp nhận ghế Bộ trưởng Tài chính. Cách nói của ngài khiến tôi có cảm giác rằng khi chấp nhận vinh dự này là tôi đã tặng cho ngài một ân huệ to lớn”.

Không chỉ các chính khách và các nhà ngoại giao mới ứng dụng nguyên tắc này. Một người bình thường cũng có thể sử dụng nó một cách thật hiệu quả. Dale O. Ferrier ở Fort Wayne, Indiana, kể lại cách ông khuyến khích một cậu bé trở nên thích thú khi làm một công việc mà trước đây cậu cho là rất tẻ nhạt:

Một trong những công việc buồn chán của Jeff là nhặt những quả lê rơi. Cậu không thích công việc này, và thường không làm hoặc làm với thái độ rất lơ là, bỏ sót rất nhiều quả. Một hôm tôi bảo cậu ta: “Này Jeff, chú bàn với cháu việc này, nếu cháu nhặt được một rổ đầy lê, chú sẽ trả cháu một đô-la. Nhưng nếu sau khi cháu làm xong mà chú còn thấy một quả lê sót ở trong vườn, chú sẽ lấy của cháu một đô-la. Cháu có dám đánh cược với chú không?”. Đúng như mong đợi, cậu bé nhặt không sót một quả lê nào. Chẳng những thế, tôi còn phải để ý xem chừng cậu có hái quả nào trên cây để làm đầy các rổ của cậu hay không”.

Gunter Schmidt, học viên của chúng tôi ở Tây Đức, có một cô nhân viên trong cửa hàng thực phẩm rất lười biếng, không chịu dán nhãn giá trên các loại hàng hóa. Điều này làm cho khách hàng than phiền rất nhiều. Nhắc nhở hoặc đe dọa cô ta không đạt kết quả gì. Cuối cùng, Schmidt bổ nhiệm cô làm tổng quản trông coi giá cả của cửa hàng, cô sẽ chịu trách nhiệm định giá toàn bộ hàng hóa. Trách nhiệm và chức vụ mới này đã thay đổi hoàn toàn thái độ của cô. Từ đó cô rất quan tâm và thực hiện nhiệm vụ của mình rất tốt.

Câu chuyện này có vẻ hơi trẻ con. Nhưng đó cũng là điều mà người ta nói về Napoléon khi ông cho đúc 15.000 huân chương Bắc đẩu Bội tinh tặng các binh sĩ, phong 18 viên tướng của mình là “Thống chế Pháp” và gọi đạo quân của mình là “Đại quân”. Napoléon bị chỉ trích đã tặng “đồ chơi” cho các dũng tướng dạn dày chiến trận. Napoléon đáp trả: “Tôi làm điều đó là bởi vì đồ chơi vẫn luôn chi phối con người”.

Một người bạn của tôi bà Ernest Gent ở Scarsdale, New York, khó chịu vì những cậu bé cứ chạy bừa lên thảm cỏ của bà. Quát mắng, dỗ dành mãi vẫn không có tác dụng, bà nghĩ ra cách tặng cho đứa trẻ nghịch phá nhất trong đám một danh hiệu và cảm giác về uy quyền. Bà gọi cậu bé là “thám tử” và giao cho cậu trách nhiệm ngăn không cho bất kỳ ai chạy ngang qua thảm cỏ. Điều này đã giải quyết được vấn đề. “Thám tử” còn tuyên bố nung một miếng sắt đỏ và đe dọa in vào người bất kỳ thằng bé nào dám giẫm chân lên thảm cỏ.

Người lãnh đạo nên ghi nhớ những điều dưới đây khi phải thay đổi thái độ hay hành vi của những người mình quản lý:

1. Thành thực. Đừng hứa điều gì bạn không thể làm được. Hãy nghĩ đến lợi ích của nhân viên thay vì của bản thân.

2. Biết chính xác bạn muốn nhân viên thực hiện điều gì.

3. Thông cảm. Hãy tự hỏi nhân viên của mình thực sự muốn điều gì.

4. Xem xét những lợi ích mà nhân viên sẽ nhận được khi thực hiện điều bạn gợi ý, đề nghị.

5. So sánh những lợi ích này với những điều nhân viên yêu cầu.

6. Khi đưa ra yêu cầu, bạn nên trình bày dựa trên quan điểm quyền lợi của nhân viên. 

Đừng quá ngây thơ nếu cho rằng chúng ta luôn nhận được sự hưởng ứng tích cực, thuận lợi khi chọn cách tiếp cận như trên. Nhưng, dù sao con người cũng dễ có xu hướng thay đổi thái độ nếu chúng ta làm cho người khác vui thích thực hiện điều mình được gợi ý. Dù hiệu quả chỉ 10% thì đó cũng là thành công rồi.

Gợi ý một điều gì đó thật khéo léo để người khác thực hiện là cả một nghệ thuật. Nếu chúng ta kiên trì rèn luyện và có sự quan tâm chân thành đến người khác, chúng ta sẽ làm được.

"Nhiệm vụ quan trọng nhất của con người là sống và mang đến cho mình cũng như những người xung quanh những giây phút thanh bình và hạnh phúc, đánh thức mọi khả năng tiềm ẩn trong họ và giúp họ vượt qua những khó khăn của cuộc sống" - Dale Carnegie.
                                                          
"Khi thực sự quan tâm và đủ kiên nhẫn để truyền đạt thì bao giờ chúng ta cũng nhận được những hưởng ứng tích cực và thu được kết quả tốt nhất" - Charlotte Bronte
                                                        
"Có những điểm cao trào trong cuộc sống, và hầu hết chúng đều đến từ sự khích lệ của một ai đó" - George Adams.



Nguyên tắc 30 : Tôn vinh người khác, làm cho họ vui vẻ thực hiện đề nghị của bạn.
 

------------------------------------------

(25) William Gibbs McAdoo (1863 – 1941): Luật sư, chính trị gia người Mỹ, Bộ trưởng Tài chính thứ 46 của Hoa Kỳ từ năm 1913 – 1918.  

 

                              *********************

Tóm Tắt Những Nguyên Tắc Lãnh Đạo Hiệu Quả

 

Công việc của người lãnh đạo bao gồm khả năng giúp người khác thay đổi thái độ và hành vi của mình. 

Dưới đây là một vài gợi ý: 

 

Nguyên tắc 22 : Bắt đầu câu chuyện bằng lời khen ngợi chân thành.

 

Nguyên tắc 23 : Góp ý sai lầm của người khác một cách gián tiếp.

 

Nguyên tắc 24 : Hãy xét mình trước khi phê bình người khác.

 

Nguyên tắc 25 : Gợi ý, thay vì ra lệnh.

 

Nguyên tắc 26 : Biết giữ thể diện cho người khác.

 

Nguyên tắc 27 : Thật lòng khen ngợi sự tiến bộ, dù nhỏ nhất, ở người khác.

 

Nguyên tắc 28 : Khen ngợi làm người khác sống xứng đáng với lời khen đó.

 

Nguyên tắc 29 : Khuyến khích, mở đường cho người khác sửa chữa lỗi lầm.

 

Nguyên tắc 30 : Tôn vinh người khác, làm cho họ vui vẻ thực hiện đề nghị của bạn.

 

--- Hết ---