Đắc nhân tâm

Phần IV - Chương 27: Khuyến Khích Người Khác

Pete Barlow là một người bạn cũ của tôi. Anh kiếm sống bằng nghề trình diễn xiếc thú và tạp kỹ. Tôi thích xem Pete huấn luyện những cô cậu diễn viên bốn chân ngộ nghĩnh. Tôi để ý thấy rằng mỗi khi một con chó đạt được một tiến bộ, dù nhỏ, Pete luôn vỗ về khen ngợi và thưởng cho nó một miếng gì đó.

Điều này không có gì mới. Những người huấn luyện thú để làm xiếc từ bao thế kỷ nay đều làm thế. Nhưng tôi ngạc nhiên vì sao bao lâu nay chúng ta lại không sử dụng cách đơn giản và hiệu quả này để khuyến khích một con người?

Tại sao chúng ta không dùng lời khen thay cho sự quở trách? Một tiến bộ dù rất nhỏ nhưng nếu được khuyến khích, từng chút một, từng chút một, nó sẽ lớn dần và đến lúc hóa ra một thành tựu to lớn.

Lời khen như tia nắng mặt trời, nó cần thiết cho muôn loài, trong đó có con người phát triển. Vậy mà hầu hết chúng ta luôn sẵn sàng sử dụng những làn gió lạnh như cắt để phê phán và thường ngần ngại khi tặng người thân của mình những tia nắng ấm áp từ những lời khen tặng. Ngẫm nghĩ kỹ, chúng ta sẽ thấy có những lời khen đã làm thay đổi hẳn cuộc đời của một ai đó.

Cách đây nhiều năm, có một cậu bé mười tuổi làm việc trong một xưởng máy ở Naples. Cậu khao khát trở thành một ca sĩ nhưng ông thầy dạy hát đầu tiên của cậu đã dội một gáo nước lạnh vào niềm khao khát này. Ông nói: “Cậu không bao giờ có thể hát được đâu. Cậu chẳng có chất giọng gì hết. Giọng hát của cậu nghe cứ như là tiếng ếch ộp hay ễnh ương kêu”. Thế nhưng, may mắn thay cho cậu bé khi trong đời cậu còn có một người mẹ.

Người mẹ thương yêu của cậu tuy chỉ là một người đàn bà nhà quê nghèo khó nhưng luôn cổ động, khích lệ cậu. Bà luôn âu yếm bảo rằng bà tin cậu có thể hát được và hát hay. Người mẹ ấy sẵn sàng đi chân đất để tiết kiệm tiền cho cậu đi học nhạc. Sự khích lệ của người mẹ không được học hành cao nhưng tràn đầy lòng hy sinh, tình thương và niềm tin tưởng vào con đã làm thay đổi cuộc đời cậu bé. Cậu tên là Enrico Caruso. Sau này, cậu trở thành ca sĩ hát nhạc kịch vĩ đại và nổi tiếng nhất của thời đại.

Chẳng phải tốn nhiều công sức mới làm cho người khác hạnh phúc hoặc thành công. Nếu bạn biết cách thì chỉ cần một lời động viên khích lệ, một lời khen đúng lúc cũng có thể tạo nên một nguồn động viên lớn lao cho người khác. Có thể, chúng ta sẽ làm được những điều vĩ đại mà chính chúng ta cũng không ngờ đến.

Vào đầu thế kỷ mười chín, một chàng thanh niên ở Luân Đôn có ước mơ cháy bỏng là trở thành nhà văn. Nhưng xem ra, mọi việc đều chống lại niềm khao khát này của cậu. Chưa học đến lớp năm, cha cậu vào tù vì không trả được nợ, nhiều lần cậu nếm trải sâu sắc nỗi khổ nhục của sự đói khát. Cuối cùng, cậu tìm được công việc dán nhãn các chai xi đánh giày trong một cửa hàng tồi tàn. Đêm đêm, cậu ngủ trong một cái kho cùng với hai cậu bé khác. Cậu thiếu tự tin vào khả năng viết lách của mình đến nỗi chỉ dám sáng tác trong cảnh lặng lẽ của đêm đen để không ai biết mà cười cậu. Hết sáng tác này đến sáng tác khác bị các tòa báo và nhà xuất bản từ chối. Tưởng chừng cậu đã tuyệt vọng và phải từ giã ước mơ văn chương của mình. Thế nhưng Trời không phụ lòng người, cuối cùng thành công đã đến khi một nhà xuất bản đã đồng ý nhận tác phẩm của cậu và trả cho cậu… một si-linh.

Niềm vui và tự hào dâng đầy tâm hồn cậu, không phải vì được trả một si-linh cho bài viết mà vì được khen tặng. Cậu sung sướng đến nỗi cứ đi lang thang khắp phố phường, nước mắt ràn rụa. Truyện cậu viết được in và xuất bản hẳn hoi. Đó chính là lời khen và sự thừa nhận tài năng của cậu. Khát vọng sâu thẳm nhất trong bản chất con người cậu là lòng khao khát được đánh giá và công nhận đúng đắn đã được đáp ứng. Nếu không có sự khuyến khích này, hẳn cậu sẽ phải chôn chặt cuộc đời mình trong các xưởng đánh giày đầy chuột. Ngày nay, rất nhiều người trên thế giới biết đến cậu. Tên cậu là Charles Dickens(23).

Đôi khi, một lời khen ngợi, động viên được nói ra đúng lúc có tác động phi thường mà ngay chính bản thân người tạo ra lời khen ấy cũng không ngờ đến.

Một cậu bé khác ở Luân Đôn làm nhân viên trong một cửa hàng bán thực phẩm khô. Cậu phải thức dậy lúc năm giờ sáng dọn dẹp cửa hàng, làm việc vất vả suốt mười bốn giờ trong ngày. Đây là công việc thuần túy tay chân và cậu ghét nó. Sau hai năm, cậu không thể nào chịu đựng được nữa. Một buổi sáng thức dậy, không đợi ăn sáng, cậu cuốc bộ mười lăm dặm đi tìm mẹ, lúc đó đang giúp việc cho một gia đình giàu có, để nói lên suy nghĩ của mình. Sau đó, cậu viết một bức thư dài cho thầy giáo cũ của cậu, tâm sự rằng mình rất đau khổ, không muốn sống nữa. Người thầy an ủi và khuyến khích cậu, cam đoan rằng cậu thực sự thông minh và thích hợp cho những công việc còn tốt hơn thế. Ông sẵn sàng tìm cho cậu một chân giáo viên ở làng.

Người thầy đã thực hiện một nghĩa cử cao đẹp cho cậu học trò của mình. Lời động viên đúng lúc của ông đã thay đổi cả tương lai cậu bé. Người thầy này đã góp phần tạo nên một nhân tài đặc biệt trong lịch sử văn học Anh. Bởi vì ngay sau đó, cậu bắt đầu viết và nhanh chóng trở thành tác giả của vô số những tác phẩm bán chạy nhất nước Anh, kiếm trên một triệu đô-la bằng ngòi bút của mình. Đó là H. G. Wells(24).

Từ kết quả của nhiều cuộc thí nghiệm, nhà tâm lý học B. F. Skinner kết luận rằng, lời khen luôn luôn khiến cho những hành vi tốt được tăng lên và những hành vi xấu giảm đi.

Trong rất nhiều gia đình, dường như hình thức giao tiếp chính của cha mẹ với con cái là quát mắng và la rầy. Rất nhiều trường hợp con cái trở nên tệ hơn chứ chẳng phải khá hơn chút nào sau mỗi lần bị đối xử như vậy. Các bậc cha mẹ không hiểu rằng điều mà con cái họ thực sự cần là lòng yêu thương và những lời nói chân thành. Lời động viên, khen ngợi đúng lúc hoặc lòng bao dung giúp họ vượt lên những lỗi lầm và nỗ lực cao hơn.

John Ringelspaugh ở Rocky, Bắc Carolina, quyết định sử dụng một vài nguyên tắc mà ông đã học được trong lớp của chúng tôi để giải quyết vấn đề này. Ông kể: “Chúng tôi quyết định thử khen ngợi, đánh giá cao chứ không nhắc lại lỗi lầm của con cái. Quả là không dễ dàng bỏ qua những lỗi lầm sờ sờ trước mắt và cũng khó tìm được điều để khen. Nhưng chúng tôi rất quyết tâm và đã làm được. Qua vài ngày đầu tiên, lỗi lầm thường xuyên của các cháu lâu nay rõ ràng là thưa dần, rồi sau đó mất hẳn. Các cháu càng lúc càng tỏ ra xứng đáng với những lời khen của chúng tôi. Ở chúng đang hình thành ngày càng nhiều những hành vi đúng đắn và dĩ nhiên, còn rất ít chỗ cho hành vi sai trái”.

Mọi người đều muốn được khen, nhưng lời khen phải cụ thể, rõ ràng, thể hiện sự chân thành chứ không phải là lời sáo rỗng nghe cho êm tai. Chúng ta đều khao khát được tán  thưởng, được thừa nhận, đều sẵn sàng làm bất cứ điều gì để được như thế. Nhưng không ai muốn sự giả dối và nịnh hót.

Cho phép tôi được nhắc lại: Các nguyên tắc nêu trong quyển sách này sẽ chỉ có tác dụng khi chúng xuất phát từ chính sự chân thành. Tôi không đưa ra những mánh khóe hay thủ thuật để giúp chúng ta ứng xử giả dối. Tôi chỉ thảo luận với các bạn về sự khen ngợi chân thành từ sâu thẳm trái tim.

Nhà triết học và tâm lý học người Mỹ William James đã nói: “Chúng ta chỉ mới khai thác được một phần rất nhỏ những khả năng của mình”. Hẳn một trong những nguồn lực quý giá nhưng ít được sử dụng nhất là khả năng khen ngợi, nhìn nhận và đánh giá người khác – Một khả năng vốn có thể mang lại sức mạnh to lớn cho chính bạn và những người xung quanh.

"Lời ngọt ngào dễ nghe nhất trong tất cả mọi lời chính là lời khen" - Xenophon

"Nụ cười ấm áp và một cái vỗ vai thân thiện của bạn có thể cứu một con người đang bên bờ vực thẳm" - Camellia Elliot

"Mọi tiềm năng đều nở hoa trong ngợi khen và héo tàn trong chỉ trích. Nếu muốn trở thành nhà lãnh đạo xuất sắc, bạn hãy ghi nhớ điều này" - Dale Carnegie

 

Nguyên tắc 27 : Thật lòng khen ngợi sự tiến bộ, dù nhỏ nhất, ở người khác.

 

----------------------------------------------------

(23) Charles Dickens (1812 – 1870): Một trong những tiếu thuyết gia người Anh lớn nhất thế giới. Các tác phẩm nổi tiếng của ông như "Oliver Twist", "A Christmas Carol", "A Tale of Two Cities"

(24) Herbert George Wells (1866 – 1946): Tiểu thuyết gia, nhà báo, nhà sử học, thầy giáo người Anh. Các tác phẩm nổi tiếng có thể kể như "The Time Machine", "The War of the Worlds", "The Invisible Man", "The Island of Doctor Moreau".