Đã Là Chuyện Của Hôm Qua

Chương 4: Hào môn vốn sâu như biển

Đồng hồ đã qua con số 5 mà Diệp Vũ vẫn chưa đưa Niệm Bằng về. Dù biết không nên làm phiền anh, song Tiêu Khiết vẫn đành gọi điện. Giọng cô đầy sự lo âu:

-Alo...Anh Diệp Vũ phải không? Anh đã đón Niệm Bằng chưa? Sao giờ chưa về? Em...

-Anh đưa Niệm Bằng về ngay. Em nấu cơm chưa?

-Dạ rồi...

-Anh và con về ngay...

Cô nghe tiếng Niệm Bằng cười khanh khách qua điện thoại...

Anh và con?

Tiêu Khiết cũng từng tự hỏi, mình có nên nói cho anh biết, Niệm Bằng là con ruột của anh không?

Nhưng nói thật để làm gì cơ chứ? Để xin của anh chút trách nhiệm và lòng thương hại. Để anh không hận cô nữa. Để anh thấy rằng mình đã sai trong suốt 6 năm khi cho rằng cô là người phản bội hay sao?

Thật ra, chuyện 6 năm trước, anh và cô ai mới là người có lỗi? Ai là người phải nợ ai?

Không cần truy cứu nữa..Dù sao đã là quá khứ. Coi như Tiêu Khiết nợ Diệp Vũ. Giao kèo 1 năm là để trả đủ nợ cho anh.

Chuông cửa reo.

Diệp Vũ về...

Tiêu Khiết tự cười mình, bao giờ đã giống như một người vợ chờ đợi chồng mỗi buổi chiều về...


Cửa mở...

Cô ngỡ ngàng:

-Ba mẹ...Niệm Tâm!

...Tay xách nách mang những đặc sản nhà nghèo mang tới. Tiêu lão đứng sựng lại đôi chút. Con gái ông...Tiêu Khiết thực sự đã gầy đi rất nhiều.

Ông càng đau lòng hơn khi cô con gái nhỏ một mình phải chống đỡ nơi chốn phồn hoa đô hội. Thêm đứa cháu đáng yêu nhưng nhiều bệnh...Bây giờ nó ở trong ngôi biệt thự cao cấp này, bên cạnh người đàn ông đó, có nghĩa là lại một lần nữa tự chui đầu vào rọ, vướng thêm không ít khổ đau.

-Ba mẹ đã bán hết nhà cửa ở quê. Chỉ được có 15 vạn. Con mang trả cho cậu ấy đi rồi theo ba mẹ về. Chúng ta có rau ăn rau, có cháo ăn cháo nhưng cả nhà có nhau. Vậy là đủ rồi con à!

Người cha của Tiêu Khiết vẫn hiền lành như thế. Vẫn bao dung như thế. Bao lần con cái gặp trắc trở, sai lầm, ông vẫn không một lời than trách. Chỉ có vòng tay luôn mở rộng đón chờ con.

Tiêu Khiết làm sao nhẫn tâm để cuối đời ba mẹ mình phải lây lất đầu đường xó chợ. Ngôi nhà đó, mảnh đất đó là cùa ông bà nội để lại, là gia tài quý giá nhất của ba cô.

-Ba à...Con...Thực sự số tiền này...không cần đâu...Anh Diệp Vũ không buộc con phải làm gì hết. Là con muốn Niệm Bằng có cha nên mới chấp nhận anh ấy. Dù sao thì...

-Niệm Bằng cũng là con của con mà.

Diệp Vũ bỗng dưng xuất hiện.

Người đàn ông này hắn từng gặp 6 năm trước khi theo Tiêu Khiết về quê.

Ông lam lũ, chất phác trong dáng điệu quê kệch. Nhưng tấm lòng của ông, sự yêu thương của ông dành cho gia đình thì thật ấm áp và đáng kính biết bao.

-Chào cậu...

Tiêu Khiết chết sững bởi câu Diệp Vũ vừa nói " Niệm Bằng là con của con mà".

Anh đã biết?

Tiếp theo anh sẽ làm gì?

-Con mời ba mẹ vào nhà...Con có chuyện muốn thưa cùng ba mẹ.

—————————————————


Căn phòng khách của Diệp Vũ bình thường vốn lạnh lẽo, hôm nay có khá đông người.

Niệm Bằng đưa đôi mắt ngây thơ nhìn ông bà ngoại, mẹ, cậu ba và "chú". Sao mọi người đều không nói gì? Đều là im lặng nhìn nhau

-Mẹ ơi! Con...đói...

-Niệm Bằng ngoan...-Niệm Tâm cười hiền – Lại đây với cậu. Cậu đưa con đi ăn nhé?

-Dạ...

Còn lại những người trong câu chuyện cần giải quyết. Tiêu lão hắng giọng:

-Cậu định thế nào?

-Niệm Bằng là con trai con...Tiêu Khiết là vợ của con...Con xin ba mẹ cho con được bù đắp những thiếu sót trong 6 năm nay.

-Vợ của cậu? Cậu và con tôi có đăng ký kết hôn không?

Đăng ký kết hôn?

Diệp Vũ chỉ nghĩ một đám cưới để tuyên bố với mọi người quyền sở hữu. Sau 1 năm, khi Tiêu Khiết đã phải chịu đủ hành hạ, hắn mới có thể dẹp mối hận xưa, làm lại từ đầu.

Hoàn toàn không ràng buộc pháp lý, không cho con người ti tiện như cô ta hưởng quyền lợi người vợ, có thể gây khó khăn cho Diệp Vũ sau này.

-Con và Tiêu Khiết chưa có đăng ký kết hôn. Nhưng mà...

-Cũng không có về quê tế tổ, thăm bà con họ hàng. Cậu cũng không đưa Tiêu Khiết nhà tôi sang thăm nhà cậu. Đám cưới thực chất là một cái cớ để cậu thuận tiện, ngang nhiên hành hạ nó thôi. Tôi nói cóvđúng không?

-..................

Diệp Vũ im lặng. Tiêu Khiết cũng không thể nói gì.

-Con gái tôi không phải là tiểu thư danh giá gì. Nhưng nó là do chúng tôi sinh ra. Đến bây giờ, tôi vẫn tự hào con tôi là người trong sạch. Lương làm kế toán của nó 1 tháng chỉ có 3500 tệ, quả thật ít ỏi nhưng nó không bán thân, không làm việc gì xấu hổ. Cậu không có tư cách gì để khinh rẻ nó, xem nó là người tồi tệ để chàđạp cho thỏa mãn lòng tự ái của cậu. Con gái tôi tôi xót. Dù cậu có gia tài hàng tỷ, tôi cũng không để cho con gái mình làm vợ cậu đâu.

Lòng Diệp Vũ rất đau....Đau vô hạn...Người cha này không đánh hắn, không nặng lời với hắn, nhưng những lời nói của ông còn hơn những lưỡi dao bén cắt vào tâm hắn...Hắn là gì chứ?...Cứ tự cho là mình đúng...Diệp Vũ lấy tư cách gì để khinh bỉ Tiêu Khiết...Lấy tư cách gì để mua cô như một món hàng.


-Ba...là con cam tâm tình nguyện trả nợ cho anh ấy. 6 năm trước con vì tự tôn của mình bỏ rơi anh ấy. Con hại Diệp Vũ mất hết lòng tin...Con có lỗi....

Bao giờ cũng là đứa con gái khờ khạo của ông đứng ra nhận lỗi. Chỉ có nó có lỗi thôi sao?

Tiêu lão không thể quên cái đêm Tiêu Khiết trở về từ Thượng Hải, cố mỉm cười, tỏ ra cứng cỏi nói với ông trong nước mắt:" Con và Diệp Vũ chia tay rồi"...

Ừ, thì chia tay.

Khi con gái dẫn chàng trai trẻ này về, quả thật ban đầu ông bà rất thích. Tươi tắn, tràn đầy sức sống và tư tưởng chín chắn. Ông bà đã nghĩ sau khi con kết hôn, sẽ bán một phần mảnh vườn, cộng thêm tiền lương của vợ chồng chúng nó trả góp đợt đầu một căn hộ ở Thượng Hải. Phải làm việc trên đó sau này mới có hy vọng khá lên chứ về quê heo hút, rồi sẽ như đời cha mẹ, cả đời chỉ biết lo cơm áo gạo tiền.

Cho đến khi người đàn ông đó xuất hiện.

Ông ta có con trai, ông bà cũng có con gái. Nhà ông ta giàu có nên con được ăn học bên Mỹ, tương lai tươi sáng. Tiêu lão nghèo, chỉ có thể cho con gái học cao đẳng, kiếm cho mình một nghề lương thiện mà làm. Tiêu Khiết con ông tuy không phải là thiên kim tiểu thư cao quý nhưng nó là bảo bối trong lòng ông bà. Làm sao mà vì yêu một đứa con trai, lại bị khinh khi đến vậy?

Tiêu Khiết cũng rất lý trí.

Gia cảnh tuy đạm bạc nhưng ba mẹ cô đã hy sinh cả cuộc đời cho con gái. Một nắng hai sương trên cánh đồng, tối về còn đan lát kiếm tiền thêm. Tiêu Khiết nhớ, khi cô lên Thượng Hải thi cao đẳng, cha cô đã bất chấp nguy hiểm, nhận lời làm phu khuân vác thuốc lá lậu sang biên giới, kiếm mấy ngàn tệ làm lộ phí cho con yên tâm học hành.

Tấm thân ba mẹ sinh ra, không phải để cho người ta vùi dập, càng không thể để người ta khinh khi vì trót yêu một công tử hào môn.

Tiêu Khiết cũng như cha mẹ, không hy vọng chồng tương lai của mình phải thật giàu có. Chỉ cần anh yêu thương cô là được. Suốt mấy năm học tập, Tiêu Khiết cũng được nhiều thiếu gia đeo đuổi, song cô không dám yêu họ. Bản thân Tiêu Khiết hiểu rất rõ, cách biệt giai cấp nghiệt ngã đến dường nào.

Trời khéo trêu ngươi khi cô gặp Diệp Vũ.

Trong công ty Tiêu Khiết làm thực tập sinh ngày đó, Diệp Vũ là kiến trúc sư chính tuy mới ra trường được vài năm. An h thích cô và đeo đuổi...Tiêu Khiết xiêu lòng bởi chính con người anh...Nông nổi, cuồng nhiệt nhưng cũng tỉnh táo và lý trí đến kỳ lạ...Dù đêm đó, cô không tỉnh táo và Diệp Vũ cũng không kềm chế được mình. Nhưng thuộc về anh, được Diệp Vũ yêu, đối với Tiêu Khiết, không còn gì nuối tiếc.

Say đắm như thế, nhưng cũng chính cô quyết định cắt đứt là cắt đứt. Lạnh lùng, tàn nhẫn đến nỗi bản thân Tiêu Khiết cũng phải rùng mình.

Cô không có lỗi gì để phải chịu đựng người ta sỉ nhục.

Cha mẹ Tiêu Khiết càng không có lỗi, không đáng bị cái người lẽ ra là thông gia đó buông ra những lời cay đắng, ném vào mặt họ cái câu:" Muốn bao nhiêu?"

Cửa Hào môn vốn sâu như biển, những người bình thường như Tiêu Khiết không mong sẽ bước chân vào.

Người cha, người mẹ nào cũng muốn con được hạnh phúc. Vì biết chốn đó là nơi không dành cho con gái, Tiêu lão càng không muốn Tiêu Khiết trở thành nạn nhân, đau đớn cả đời.


Chấm dứt là tốt nhất...Đau một lần còn hơn khổ sở cả đời

Nhưng...

Diệp Vũ ngày đó đã điên cuồng, phẫn nộ.Tại sao đang hạnh phúc? Tại sao cô lại nhẫn tâm biến anh thành một kẻ bị phụ tình?

Tiêu Khiết có lỗi với anh. Cô lý trí, cô không chịu người khác sỉ nhục. Song Tiêu Khiết cũng quá ích kỷ khi chỉ nghĩ tới bản thân mình.

Cô không để ý Diệp Vũ sẽ như thế nào khi đột ngột đang trên thiên đường bị đá xuống vực sâu?

Phản bội...

Diệp Vũ đã chuẩn bị sẵn một khẩu súng. Nếu không biết rõ nguyên nhân, hắn sẽ cùng cô trầm luân địa ngục. Đã không phải là của mình, Diệp Vũ cũng không để cô thuộc về ai.

Nếu năm đó cha hắn không sai người bí mật bắt cóc, đưa Diệp Vũ sang Mỹ, giam lỏng hắn nửa năm trong nhà thì có lẽ...tất cả đã kết thúc một cách đau thương.

Bây giờ, hạnh phúc đang kề cận. Dù bằng mọi giá, dù dùng tất cả thủ đoạn hắn cũng không bao giờ để nó tiếp tục rời khỏi mình.

-Con xin ba mẹ...Tiêu Khiết là vợ con...Niệm Bằng là con của con...Con xin ba mẹ giao cô ấy cho con...Con sẽ làm mọi cách để Tiêu Khiết không đau lòng...để mẹ con cô ấy được hạnh phúc. Con xin ba mẹ. Ba mẹ hãy gả Tiêu Khiết cho con.

"Dưới chân đàn ông có bọc vàng", Diệp Vũ quỳ xuống trước mặt hai vợ chồng Tiêu lão. Còn cần để ý tới mặt mũi hay danh dự gì nữa chứ. Chỉ cần Tiêu lão muốn, hắn sẵn sàng làm mọi thứ để ông cho mình cơ hội sửa sai.

-Ba ơi!

Tiêu Khiết vẫn khờ khạo như vậy. Cô quỳ xuống bên cạnh Diệp Vũ. Tiêu lão không nén được tiếng thở dài.

-Không cần làm vậy đâu...

Sáu năm Tiêu Khiết một mình chống chọi, nuôi Niệm Bằng khôn lớn. Nó cương quyết không tìm cho mình một chỗ dựa. Ông cũng hiểu đứa con gái này vẫn còn yêu Diệp Vũ...Yêu rất là nhiều.

-Tiêu Khiết à...Con nghĩ sao?

Tiêu bà bây giờ mới lên tiếng. Người mẹ bao giờ cũng dễ mềm lòng hơn kẻ làm cha.

Tiêu Khiết cũng không thể giấu lòng mình được nữa. Giây phút cô thấy anh quỳ xuống dưới chân ba mẹ, cô đã hiểu, cửa hào môn kia tuy sâu như bể, bản thân Tiêu Khiết không có tham vọng bước vào nhưng không thể vì nó mà lại một lần nữa buông rơi hạnh phúc của chính mình.


-Con và Niệm Bằng đều cần anh Vũ...Con...

-Ba mẹ hiểu rồi...Dù sao Niệm Bằng cũng cần ba ruột...- Tiêu lão quay sang Diệp Vũ- Tôi chỉ hy vọng cậu đã nói được thì sẽ làm được. Làm cha mẹ không mong gì hơn là con cái được sống hạnh phúc...Từ từ cho tôi thấy, Tiêu Khiết của chúng tôi không chọn lầm người.

-Dạ...

Có một số người làm cha làm mẹ thường mong gả con gái vào chốn hào môn để được sung sướng, nhưng họ không nghĩ hào môn vốn sâu như biển, không dễ dàng gì cho một cô gái tầm thường bước chân qua.

Ông bà đã lo sợ cho con quá nhiều. Giờ có lẽ cũng là lúc để cho nó tự trưởng thành, đi tìm cho mình một cuộc sống thích hợp, xây dựng gia đình thuộc về nó, bên cạnh người mà nó yêu thương...