Trung tâm trọng trường của thế giới đang ngày càng dịch chuyển sang châu Á.
— Barack Obama
Nói thẳng: Trung Quốc không phải bạn ta. Họ xem ta như kẻ thù. Tốt hơn là Washington nên tỉnh ra thật nhanh, vì Trung Quốc đang cướp công ăn việc làm của ta, phá hủy ngành công nghiệp chế tạo của ta, ăn trộm công nghệ và năng lực quân sự của ta với tốc độ âm thanh. Nếu nước Mỹ không sớm khôn lên, tổn thất sẽ là không thể vãn hồi.
Có nhiều điều về sức mạnh Trung Quốc mà Obama và các đồng sự ủng hộ thuyết toàn cầu của ông ấy không muốn bạn biết. Nhưng, không một ai biết sự thật lại có thể ngồi yên và làm ngơ việc cường quốc kinh tế này [Mỹ - ND] sẽ rơi vào tình thế nguy hiểm đến thế nào nếu các vị mà ta gọi là lãnh đạo ở Washington không cùng xắn tay hành động, bắt đầu đứng lên bảo vệ công ăn việc làm của người Mỹ và ngừng chuyển chúng ra thuê ngoài ở Trung Quốc. Người ta dự đoán rằng đến năm 2027, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới – và điều này sẽ xảy ra nhanh hơn nữa nếu các xu hướng thảm họa trong nền kinh tế của Obama vẫn còn tiếp diễn. Nghĩa là trong vài năm tới, Mỹ sẽ bị nhấn chìm bởi cơn sóng thần kinh Trung Quốc – tôi đoán là đến năm 2016, nếu ta không hành động nhanh.
Điều này không xảy ra trong một đêm hay bất thần từ chân không. Chúng ta cứ ngần ngừ và làm ngơ trước những dấu hiệu cảnh báo suốt nhiều năm. Sự thật là, chúng ta đã thất bại nặng nề về công ăn việc làm trước Trung Quốc dưới thời Tổng thống George W. Bush. Thậm chí trước khi rơi vào thảm họa việc làm do Tổng thống Obama gây ra, thì từ năm 2001 đến năm 2008, Mỹ đã mất 2,4 triệu việc làm vào tay Trung Quốc.
Hơn 30 năm qua, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng trung bình 9-10% một năm. Nhưng dưới thời Tổng thống Barack Obama, Trung Quốc đã phát đạt nhanh một cách bất thường và Mỹ cũng thua lỗ nhanh một cách bất thường. Chỉ riêng quý I năm 2011, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ vũ bão 9,7%. Còn tỷ lệ tăng trưởng quý I của Mỹ thì sao? Một con số đáng xấu hổ: 1,9%. Các chính sách cùng phản ứng yếu ớt của Barack Obama trước việc Trung Quốc thao túng đồng tiền nước này, đột kích công ăn việc làm của ta và tấn công nền tảng sản xuất của ta càng làm mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn so với khi chúng ta hành động khác đi. Chúng ta có 14,4 triệu người mất việc. Chúng ta cần hành động.
Quan hệ của Mỹ với Trung Quốc đang đến bước quyết định. Chúng ta chỉ có rất ít thời gian để đưa ra những quyết định cứng rắn cần thiết nhằm giữ vững vị thế của ta trên thế giới. Cứ khoảng 7 năm, nền kinh tế Trung Quốc lại tăng trưởng gấp đôi. Đó là một thành tựu kinh tế khủng khiếp, và đó cũng là lý do tại sao hết năm này đến năm khác họ đánh bại ta về thương mại. Ngay lúc này, ta đang có một khoản thâm hụt thương mại khổng lồ là 300 tỷ đô-la với Trung Quốc. Nghĩa là mỗi năm Trung Quốc kiếm được từ Mỹ khoảng 300 tỷ đô-la. Khi tôi tham gia các buổi nói chuyện trên truyền hình và các chương trình tin tức, tôi nói ra con số đó, và mọi người thậm chí còn không thể hình dung nổi trong đầu một con số lớn như thế, song đó là sự thật. Chỉ tính riêng sự mất cân bằng thương mại thôi, thì cứ ba năm Trung Quốc lại gửi ngân hàng gần một nghìn tỷ đô-la của ta. Và đáng buồn thay, trong khi công nghiệp chế tạo của Mỹ từng là vô địch, thì giờ đây, vì chuyện Trung Quốc lừa ta bằng đồng tiền của họ, nên các công ty Mỹ không thể cạnh tranh về giá, dù ta làm ra những sản phẩm tốt hơn nhiều. Bởi vậy, bây giờ Trung Quốc là nhà sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới. Nhân đây cũng xin nói thêm là họ cũng có hơn ba ngàn tỷ đô-la ở ngân hàng dự trữ nước ngoài. Đó là số tiền đủ để Trung Quốc mua cổ phần chi phối mọi công ty lớn nằm trong danh sách chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones – các công ty như Alcoa, Caterpillar, Exxon Mobil, hay Walmart – và vẫn dư hàng tỷ đô-la trong ngân hàng.
Cứ 6 người trên hành tinh này thì có một người là người Trung Quốc. Dân số 1,3 tỷ người của họ vượt ta với tỷ lệ khoảng 4 trên 1. Đó là một nguồn nhân tài khổng lồ để xây dựng các doanh nghiệp, cung cấp nhân lực cho các khu chế xuất, đáp ứng đủ nhân sự cho các tổ chức giáo dục ưu tú, và xây dựng một lực lượng quân sự khổng lồ.
Một mối quan ngại lớn khác nữa là việc hằng năm Trung Quốc có 7 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học. Cho đến nay, Mỹ vẫn vượt Trung Quốc về tỷ lệ tốt nghiệp đại học xét trên toàn bộ dân số, nhưng bạn phải hỏi liệu các trường đại học của ta có cho ra đời những sinh viên tốt nghiệp có kỹ năng cần thiết để cạnh tranh không. Tôi đọc thấy quá nhiều câu chuyện về các tập đoàn phải tổ chức các lớp giáo dục bổ túc cho nhân viên. Và khi bạn nhìn vào điểm thi ở các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông, thì thật đáng báo động. Trong một nghiên cứu quốc tế có uy tín năm 2010 về trẻ em trong độ tuổi 15, Mỹ xếp thứ 25 trên 34 quốc gia về toán học. Còn Trung Quốc xếp thứ mấy? Thứ nhất. Thực tế là, học sinh Thượng Hải không những đứng nhất ở môn toán mà còn đứng nhất về môn đọc và khoa học. Họ hoàn toàn hạ gục ta – và tất cả những người khác. Chắc chắn, nghiên cứu này hơi thiên lệch vì họ chỉ lấy mẫu học sinh ở Thượng Hải vốn là nơi có nhiều học sinh thông minh nhất Trung Quốc theo học. Nhưng, ngay cả tờ tạp chí có tinh thần tự do TIME cũng chỉ ra rằng, khi bạn xem xét những thay đổi nhân khẩu cực lớn đang diễn ra ở Mỹ, thì nguy cơ về giáo dục đã bắt đầu lấp ló phía trước. Chỉ trong một thế hệ nữa thôi, chúng ta sẽ là một quốc gia thiểu số trở thành đa số, và hiện thời có một con số đáng sợ là 40% trẻ em Mỹ Phi và Mỹ Latin thậm chí không tốt nghiệp trung học phổ thông (chứ chưa nói đến đại học).
Theo bạn thì Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào có kế hoạch đưa hầu hết các lợi thế kinh tế và giáo dục của Trung Quốc nhắm vào đâu? Chính xác rồi đấy, vào các ngành công nghiệp quân sự và vũ khí. Theo tiết lộ của một thông báo mới từ Lầu Năm Góc, Trung Quốc đang nhanh chóng tăng cường lục quân, thủy quân và rót hàng triệu đô-la vào việc phát triển máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ I, tàu ngầm tấn công tiên tiến, các hệ thống phòng không tinh vi, các hệ thống chiến tranh không gian công nghệ cao và bổ sung cho kho tên lửa đạn đạo. Phản ứng trước sự tăng cường vũ trang quân sự của Trung Quốc, Tổng tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ Michael Mullen đã nói: “Người Trung Quốc có mọi quyền phát triển quân sự họ muốn. Chỉ là tôi không thể hiểu nổi tại sao một số năng lực này, dù là [máy bay tàng hình J-20], hay thiết bị chống vệ tinh, hay vũ khí chống tàu chiến, thì phần nhiều lại có vẻ nhắm thẳng vào Mỹ.”
Những gì Trung Quốc đang làm trên mặt trận chiến tranh mạng cũng đáng báo động. Khi điều trần trước Ủy ban Quốc hội, Phó Tổng Tham mưu Liên quân Hoa Kỳ, Tướng James Cartwright, nói rằng Trung Quốc có liên quan rất sâu đến việc do thám thông tin máy tính của các mạng lưới thuộc cơ quan chính phủ và doanh nghiệp Mỹ. Tướng Cartwright giải thích rằng gián điệp mạng có thể cô lập các điểm yếu của mạng vi tính và cho phép người Trung Quốc ăn cắp tin tức tình báo quý giá.
Vậy ta phải làm gì đây?
Trung Quốc đưa đến ba mối đe dọa lớn đối với Mỹ khi thao túng tiền tệ quá đáng, nỗ lực phá hủy nền tảng sản xuất của ta một cách có hệ thống; gián điệp công nghiệp và chiến tranh mạng chống lại Mỹ. Người Trung Quốc đã hà hiếp ta nhiều năm rồi. Nhưng, chính quyền Obama có vẻ gần như đồng lõa trong việc muốn giúp người Trung Quốc giẫm đạp lên ta. Obama tuyên bố ta không thể làm những việc có lợi cho ta, bởi nó có thể sẽ châm ngòi cho một “cuộc chiến thương mại” – làm như thể lúc này ta không ở trong một cuộc chiến như thế vậy. Tuy nhiên, tôi tin rằng chúng ta có thể vượt qua các mối đe dọa của Trung Quốc bằng một một chiến thuật khôn ngoan và một nhà thương thuyết cứng rắn.
Việc Trung Quốc thao túng trên quy mô lớn đồng tiền của nước này có mục đích đẩy mạnh xuất khẩu của họ và hủy hoại các ngành công nghiệp nội địa của ta. Khi chính quyền Trung Quốc thao túng đồng nguyên [yuan] (đơn vị tiền Trung Quốc, có lúc còn được gọi là nhân dân tệ) và định giá thấp nó, họ có thể bán hàng cho các nước khác với giá thấp hơn rất, rất nhiều so với một công ty Mỹ, vì đồng tiền của ta được định giá ở mức giá thị trường chính xác hơn. Nghĩa là, hàng hóa của ta được định giá cao hơn, và việc này khiến chúng kém cạnh tranh hơn.
Nhiều nhà phân tích đã cố xác định giá trị thực của đồng tiền Trung Quốc, nhưng thật khó có thể nói chắc vì giá trị luôn thay đổi. Tuy nhiên, quả thật dường như cũng có một sự nhất trí là đồng nhân dân tệ có vẻ bị định giá thấp đâu đó trong khoảng 40-50% so với giá trị thực của nó. Nghĩa là người Trung Quốc có thể định ra mức giá chỉ bằng nửa giá của một nhà sản xuất Mỹ cho một hàng hóa hay dịch vụ tương tự. Điều này báo hiệu nguy cơ người lao động Mỹ mất công ăn việc làm, và đó chính xác là chuyện đang xảy ra ngay lúc này.
Hãy nhìn vào những gì mà hành động thao túng tiền tệ của Trung Quốc đã gây ra cho ngành công nghiệp thép của ta. Là một nhà thầu xây dựng nhiều tòa nhà xa hoa khổng lồ, tôi có thể cho bạn biết rằng công nghiệp thép có ý nghĩa sống còn đối với sức mạnh kinh tế của ta, và là một khoản chi phí quan trọng trong bất cứ công trình xây dựng nào. Theo Hiệp hội Sắt và Thép Hoa Kỳ (AISI), hành động định giá thấp tiền tệ của Trung Quốc là hình thức “trợ giá lớn nhất” cho các nhà sản xuất Trung Quốc, là “chìa khóa” cho sự bùng nổ tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc, và là “một nguyên nhân chính” cho sự mất cân bằng cấu trúc toàn cầu đang góp phần dẫn đến sự sụp đổ tài chính gần đây của Mỹ.
Sự thao túng tiền tệ của Trung Quốc và các hoạt động thương mại không công bằng khác đã giúp ngành sản xuất thép thô của Trung Quốc nhảy vọt từ 15% tổng sản lượng toàn cầu năm 2002 lên một con số cao đến không ngờ là 47% năm 2008. Năm 2002, Mỹ chỉ nhập khẩu 600.000 tấn thép (3% trên toàn bộ số thép nhập) từ Trung Quốc. Đến năm 2008, Trung Quốc đã khiến chúng ta phải mua 5 triệu tấn thép. Và một lần nữa, họ làm được điều này chủ yếu là nhờ việc định giá thấp đồng nhân dân tệ.
Kinh tế gia Alan Tonelson đã rất đúng khi viết:
Trong tám năm dài, nhóm vận động hành lang cho Trung Quốc ở Washington – được cấp cho nguồn kinh phí thừa mứa bởi chính các công ty đa quốc gia có cơ sở ở Trung Quốc được hưởng lợi từ khoản trợ giá 50% này [nhờ đồng nhân dân tệ được định giá thấp] – đã phô ra những lý lẽ hợp lý hóa việc không làm gì. Cái giá thảm khốc giáng xuống ta khi làm theo lời khuyên của nhóm vận động hành lang cho Trung Quốc cũng đủ để chứng minh cho việc làm ngơ mánh khóe gần đây nhất của nó… Các nhà máy Mỹ buộc phải tiếp tục đóng cửa, lợi nhuận của những nhà máy sống sót được thì tiếp tục sụt giảm và thậm chí biến mất, số việc làm mất đi ngày càng tăng và tiền lương tiếp tục bị cắt giảm. Tệ hơn nữa, sự mất cân bằng kinh tế toàn cầu lấy Mỹ làm trung tâm lại tiếp tục gia tăng cho đến khi chúng gây ra sự sụp đổ lớn nhất ở Mỹ và trên khắp thế giới kể từ sau cuộc Đại Suy thoái.
Những nhà quan sát khác, như Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa bang Alabama Richard Shelby, cũng thấy rõ. “Không nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc đang thao túng đồng tiền của nước này để trợ giá cho hàng xuất khẩu,” Shelby nói. Về việc Trung Quốc mua trái phiếu của Bộ Tài chính Mỹ, Shelby nói: “Có lẽ đã đến lúc cần có điều luật mới để đảm bảo Bộ Tài chính chăm lo cho người lao động Mỹ, chứ không phải mấy gã chủ nợ Trung Quốc.”
Là nền kinh tế dẫn đầu thế giới, chúng ta là người bị thương tổn nặng nề nhất bởi các hoạt động thương mại dối trá của Trung Quốc – và bất kỳ có chút hiểu biết về kinh tế học đều biết là tôi đúng. Như CNN Money đã nói: “Hầu hết các nhà kinh tế học sẽ đồng ý với logic của Trump rằng Trung Quốc đang giữ giá trị đồng tiền của nước này ở mức thấp để giúp các nhà sản xuất của họ có lợi thế khi bán hàng sang Mỹ.”
Dĩ nhiên, trở lại năm 2008 trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống, Barack Obama đã rất hưng phấn khi lớn tiếng phát biểu về những tác động tiêu cực của hành động thao túng tiền tệ. Khi còn là ứng cử viên, ông ấy thậm chí còn tán thành một dự luật sẽ thay đổi luật hiện hành để “định nghĩa thao túng tiền tệ như một hành động trợ giá cần áp thuế đối kháng (thuế chống phá giá)”. Giờ thì hãy tua nhanh đến năm 2012. Hiện nay, Obama lại nói những lời ngon ngọt về chủ đề này và thực hiện thuật ngoại giao “khẩn khoản” thường thấy của ông ấy với người Trung Quốc. Thử nghe những gì vị tổng thống này nói về việc Trung Quốc định giá thấp đồng tiền của mình: “Vì vậy, chúng ta sẽ tiếp tục mong giá trị đồng tiền của Trung Quốc ngày càng được định hướng theo thị trường, việc này sẽ giúp đảm bảo rằng không quốc gia nào có lợi thế kinh tế thái quá.”
Phát biểu này sũng sượt sự yếu đuối. “Chúng ta sẽ tiếp tục mong” bằng một phép màu nào đó người Trung Quốc từ bỏ những cách làm nguy hại của họ? Có đùa không thế? Cứ như thể nhờ phép màu nào đó, Trung Quốc đang cướp của chúng ta 300 triệu đô-la mỗi năm nhưng ngày mai sẽ thức dậy và quyết định: “Các bạn biết gì không, chúng tôi thực sự cần chơi công bằng hơn với người Mỹ và thôi không cướp của họ tất cả công ăn việc làm, các công ty và hàng tỷ đô-la nữa.”
Nhân đây cũng xin hỏi thêm, chẳng phải tổng thống của chúng ta nên tìm kiếm các lợi ích kinh tế cho chúng ta thay vì bảo vệ vị thế kinh tế của các quốc gia khác để “không quốc gia nào có lợi thế kinh tế thái quá” hay sao? Hãy thực tế nhé. Kinh tế Trung Quốc năm nay đang trên đà tăng trưởng 10,5%. Các nước còn lại trên thế giới thì vẫn tàng tàng ở mức tăng trưởng trung bình 4,8%. Mỹ thì sao? Tháng 9 năm 2011, GDP của Mỹ ở mức 1,3%. Tổng thống của ta phải thôi ngay việc cố trở thành một nhà kinh tế cho thế giới và bắt đầu chiến đấu cho nền kinh tế của ta. Thế mà, thay vào đó ông ấy lại để chúng ta tụt lại quá xa phía sau.
“Hiện nay, mỗi năm chúng ta đang xuất khẩu sang Trung Quốc hơn 100 tỷ đô-la hàng hóa và dịch vụ”, Obama nói. “Và theo kết quả của các thỏa thuận mà ta đã đạt được trong tuần này, chúng ta sẽ tăng được hơn 45 tỷ đô-la hàng xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc và đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ sẽ tăng thêm hàng tỷ đô-la. Quan trọng nhất là những thỏa thuận này sẽ hỗ trợ khoảng 235.000 việc làm cho người Mỹ, trong đó bao gồm nhiều công việc chế tạo, sản xuất.”
Đúng, chúng ta xuất khẩu 100 tỷ đô-la hàng hóa sang Trung Quốc, nhưng vấn đề ở đây là họ xuất khẩu gấp bốn lần sang ta và đang cướp của ta 300 tỷ đô-la vì họ dối trá về đồng tiền của họ! Thế mà ông ấy có đề cập đến điều đó không? Không chút nào. Và hãy chú ý cách ông ấy nói 45 tỷ đô-la hàng xuất khẩu sang Trung Quốc mà ông ấy thương thuyết được sẽ “hỗ trợ” 235.000 việc làm cho người Mỹ. Nghĩa là, chúng ta không tạo ra các việc làm mới, ta chỉ “hỗ trợ” những việc làm vẫn chưa bị phá nát. Vì vậy, nếu bạn may mắn có một công việc trong ngành chế tạo máy bay, có lẽ bạn vẫn có thể giữ được công việc này – bạn chỉ cần xây đường bay cho lãnh đạo Trung Quốc.
Tổng thống cần nghiêm khắc với người Trung Quốc và phải đe dọa đưa ra các biện pháp trừng phạt thẳng tay nếu họ không chơi đúng luật thị trường. Đáng lẽ ông ấy nên thương thuyết một cách cứng rắn cho cuộc cải cách thực sự sẽ mang lại cho các nhà sản xuất Mỹ một sân chơi bình đẳng với các đối thủ Trung Quốc. Rồi khi đó, chúng ta sẽ thấy ai thực sự có thể đánh bại ai và tạo ra việc làm thực sự trong khu vực kinh tế tư nhân.
Tôi ngán ngẩm vì lúc nào cũng đọc thấy chuyện thuê ngoài. Tại sao ta không nói về “mang việc trở lại quê nhà”(1)? Chúng ta cần mang công ăn việc làm trong ngành chế tạo trở về nơi nó vốn dĩ thuộc về. Mang việc trở lại quê nhà, hay “hồi hương”, là một cách để ta lấy lại những công việc đã bị Trung Quốc đánh cắp. Ta biết rằng tiền lương của Trung Quốc đang ngày càng tăng. Ngoài ra, Trung Quốc cũng thiếu một số nguồn tài nguyên thiên nhiên mà ta dư thừa. Nếu ta khai thác hai yếu tố then chốt này, ta có thể đưa ra lý lẽ thuyết phục các công ty rằng họ nên đưa cơ sở sản xuất của họ về lại Mỹ.
Một số người khôn ngoan đang tiến hành việc này rồi. Harry Moser, cựu CEO của một nhà cung cấp công nghệ chế tạo của Mỹ, đã bắt đầu một chương trình có tên Khởi nghiệp tại Quê nhà(2), đây là một nhóm hoạt động cho các doanh nghiệp và chính phủ thấy họ có thể làm ra nhiều tiền và tạo dựng hoạt động kinh doanh phát đạt hơn bằng cách mang việc làm về lại quê nhà. “Xu hướng này là thật”, Moser nói, “và nó không chỉ là một dòng chảy nhỏ, nó là một luồng ổn định”. Moser đã đúng. Gần đây tôi đọc thấy một bài báo trên tạp chí NewsMax về một công ty sản xuất đũa ở Americus, Georgia, có tên là Georgia Chopsticks. Chủ công ty, David Hughes và Jae Lee, nhận thấy có hàng tấn gỗ đặc biệt mà ta có thể dùng để làm đũa ở phía Nam Georgia. Họ thấy họ có thể làm đũa ở Mỹ với chi phí rẻ hơn so với làm ở Trung Quốc. Tuyệt hơn là, bằng cách này họ biết mình có thể tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người Mỹ hơn. Vì vậy, họ đã sản xuất đũa ở Georgia và xuất khẩu sang Trung Quốc! Thế có tuyệt không? Ngay lúc này đây, họ đang làm ra 4 triệu đôi đũa một ngày – và dự tính sẽ đẩy sản lượng lên đến 10 triệu đôi đũa một ngày, và sẽ tạo ra 150 việc làm mới cho người Mỹ. “Tôi tự hào khi là một phần của xu thế này”, Susan White – một nhân viên làm đũa – nói. “Có vẻ mọi thứ bạn thấy ở Mỹ ngày nay đều được sản xuất tại Trung Quốc, từ quần áo cho đến cả quốc kỳ Mỹ. Chúng tôi đang giáng trả. Quá tuyệt!”
Việc mang việc trở lại quê nhà có tiềm năng rất lớn. Song Harry Moser cho biết chính quyền Obama không quan tâm đến việc này. “Làm cho [Obama] theo đuổi việc này là cả một thách thức. Tất cả tiền cược của ông ấy đều đặt hết vào xuất khẩu rồi.” Đó là lý do tại sao Quốc hội cần thông qua dự luật “Đạo luật Mang Công ăn Việc làm Trở lại Mỹ” (H.R. 516) của dân biểu bang Virginia, Frank Wolf, để giúp mở rộng phong trào “mang việc trở lại quê nhà” và đưa việc làm Mỹ trở lại với nơi mà chúng thuộc về – ngay ở đây trên đất Mỹ này. Bạn hãy nhìn đi, nếu chúng ta có thể sản xuất đũa ở Mỹ và bán cho người Trung Quốc, thì ta cũng có thể cạnh tranh trên hàng trăm mặt trận khác. Ta chỉ cần cứng rắn, khôn ngoan và có một tổng thống sẵn sàng đứng lên vì nước Mỹ và dám đối mặt với người Trung Quốc.
Ngay lúc này, chúng ta đang bị người Trung Quốc lừa dối – và hầu hết người Trung Quốc mà tôi giao thiệp ở góc độ kinh doanh đều biết điều này và đều lấy làm ngạc nhiên trước những gì mà Obama để mặc chính quyền Trung Quốc lấy đi. Một nhà thương thuyết cứng rắn có thể buộc người Trung Quốc phải ngưng trò này ngay lập tức. Trước đây, chúng ta đã làm được. Một minh chứng tuyệt vời đó là khi chính quyền Bush bỏ ra hai năm buộc Trung Quốc tăng giá trị đồng nhân dân tệ cho cân xứng với đồng đô-la, việc đó đã phát huy tác dụng. Giữa năm 2005 và 2008, giá trị đồng nhân dân tệ tăng 21%. Tuy nhiên, kể từ đó, Trung Quốc đã không cho tiền của họ tăng giá trị nữa, và chúng ta khổ sở vì việc đó. Vấn đề là: Người Trung Quốc khôn ngoan – họ phản ứng trước sức ép kinh tế và họ biết họ sẽ không phải chịu sức ép nào từ Obama.
Việc buộc Trung Quốc ngừng chơi trò giả ngây về tiền tệ có thể bắt đầu bất kỳ khi nào ta bầu được một tổng thống sẵn sàng hành động dứt khoát. Ông ta có thể bắt đầu bằng cách ký thành luật một dự luật mà Hạ viện Mỹ đã thông qua với tỷ lệ 348/79 phiếu hồi tháng 9 năm 2010. Hẳn điều này sẽ cho phép chính phủ ta tính được thuế nhập khẩu dựa trên việc đồng tiền của nước sản xuất đang bị định giá thấp bao nhiêu. Nghe như một ý tưởng tuyệt vời, đúng không? Ấy thế mà khi dự luật này được Hạ viện thông qua không lâu, Bộ trưởng Tài chính Tim Geithner của Obama đã khuyến cáo ta rằng phải tử tế với Trung Quốc. “Quan trọng là phải nhận ra rằng chúng ta sẽ không tiến hành chiến tranh thương mại,” Geithner nói. “Chúng ta sẽ không tiến hành chiến tranh tiền tệ. Tôi muốn nói rằng phần lớn giới lãnh đạo Trung Quốc đều hiểu là việc để tỷ giá hối đoái xê dịch là rất quan trọng với họ trên phương diện kinh tế.” Thế thì tại sao ta không buộc họ làm gì đó về việc này hả Bộ trưởng Geithner? Chính sự yếu kém và thất bại hoàn toàn về thỏa thuận với Trung Quốc khi đấu tranh cho lợi ích Mỹ đã khiến ta ký giấy bảo đảm cho sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và cho sự sụp đổ kinh tế của chính ta.
Các thị trường mở là lý tưởng, song nếu một gã lúc nào cũng dối trá, thì thị trường tự do ấy là thế nào đây? Hãy nhìn vào các quyluật kinh tế cổ điển mà nhà kinh tế học vĩ đại người Scotland Adam Smith đã rút ra. Những người biết rất ít về chủ nghĩa tư bản sẽ tóm tắt quyển sách kinh điển của Adam Smith, cuốn The Wealth of Nations (Sự thịnh vượng của các quốc gia), bằng câu nói cốt lõi “tham lam là tốt”, giống như lời thoại cũ rích trong bộ phim Wall Street (Phố Wall). Như hầu hết mọi người, tôi cho rằng lời thoại này dí dỏm và được làm cho Hollywood, nhưng đó không phải là điều Adam Smith nói trong cuốn sách ấy, và cũng chả phải là điều ông thực sự muốn nói. Đó là lý do tại sao hầu hết những người chỉ trích chủ nghĩa tư bản và Adam Smith không bao giờ dành thời gian đọc cuốn sách ông viết trước cuốn Sự thịnh vượng của các quốc gia, cuốn sách đã đặt ra các quy tắc luân lý cho các thị trường, hoạt động kinh doanh và đời sống. Cuốn sách có nhan đề The Theory of Moral Sentiments (Lý thuyết về các Tình cảm Luân lý), và đây chắc chắn là cuốn đáng đọc. Như Smith viết: “Người hiếm khi tránh xâm phạm đến nhân thân, hay điền trang, hay thanh danh của hàng xóm chắc chắn là người có cực ít giá trị tích cực”.
Sự thật đơn giản là: Mậu dịch tự do đòi hỏi phải có các quy tắc công bằng áp dụng cho mọi người. Và nếu ta có một tổng thống buộc người Trung Quốc tuân thủ quy tắc, lợi ích cho nền kinh tế của ta sẽ là khổng lồ. Viện Kinh tế Quốc tế Peterson đã nghiên cứu sâu vấn đề tiền tệ Trung Quốc và kết luận rằng việc định giá lại 20% (thấp hơn một nửa mức tỷ giá hối đoái ước đoán trên thị trường tự do) sẽ tạo ra 300.000 đến 700.000 việc làm cho người Mỹ trong hai đến ba năm tới. Hãy nghĩ về điều này. Ngay lúc này ta có một tổng thống và một bộ trưởng tài chính đang nhún vai thờ ơ trong khi Trung Quốc cướp đi hàng trăm nghìn việc làm trong ngành chế tạo của Mỹ. Đó là lãnh đạo sao? Vấn đề này quá tệ hại và giải pháp rõ ràng đến mức ngay cả một nhà báo chủ mục của tờ New York Times(và cũng là một “nhà kinh tế” cánh tả cấp tiến), Paul Krugman, cũng phải thừa nhận rằng: “Trong những lúc bình thường, có lẽ tôi thuộc vào số những người đầu tiên phản bác các tuyên bố rằng Trung Quốc đang đánh cắp việc làm của người khác, song lúc này thì đó lại là sự thật hiển nhiên”, Krugman viết: “Cần phải làm gì đó với đồng tiền của Trung Quốc.” Khi một người tôn thờ Obama như Paul Krugman còn buộc phải thừa nhận là có vấn đề, thì bạn biết là nước Mỹ đang ngập sâu trong rắc rối như thế nào rồi đấy.
Một số người chấp nhận cách làm của Obama và chỉ đơn giản nhún vai trước sự phá hủy có hệ thống của Trung Quốc đối với ngành chế tạo Mỹ. Họ nghĩ chả có cách nào hồi sinh khu vực kinh tế ấy của ta – và cùng với đó là hàng triệu công ăn việc làm. Họ nghĩ ta vẫn tốt chán với một nền kinh tế dựa trên dịch vụ. Song, điều đó hoàn toàn sai. Không có lý do gì để hy sinh hàng triệu việc làm và tương lai của các ngành công nghiệp quan trọng của Mỹ cho Trung Quốc chỉ vì các lãnh đạo của ta không cứng rắn và không bảo vệ lợi ích của ta.
Đây là giải pháp: Phải cứng rắn. Đập mức thuế 25% lên hàng xuất khẩu Trung Quốc nếu họ không định mức giá thật sự theo thị trường cho đồng tiền của họ. Xong chuyện. Bạn nghĩ người Trung Quốc sẽ không phản ứng mang tính xây dựng ư? Không doanh nghiệp nào tôi biết lại muốn quay lưng lại với thị trường Mỹ cả – và người Trung Quốc cũng thế. Song, điều này sẽ giúp chấm dứt tình trạng thâm hụt thương mại quá lố bởi sự lừa dối của Trung Quốc. Nhà phân tích của đài CNBC và cũng là giáo sư kinh doanh của Đại học California Irvine, Peter Navarro, đã chỉ ra rằng tình trạng thâm hụt thương mại làm ta mất khoảng 1% tăng trưởng GDP mỗi năm, tức tổn thất gần một triệu việc làm mỗi năm. “Đó là hàng triệu việc làm mà ta đã không tạo ra được trong thập niên vừa qua”, Navarro viết. “Và nếu lúc này chúng ta có những việc làm ấy, hẳn ta sẽ không thấy những con số thất nghiệp ngày càng tăng cao, những ngôi nhà khóa cửa vì bị tịch thu để thế nợ và các xưởng sản xuất trống không nuôi cỏ dại… Khi một đất nước Trung Quốc trọng thương chủ nghĩa tiến hành các biện pháp thương mại không công bằng để áp dụng chiến tranh chống nền tảng sản xuất của ta, kinh tế Mỹ sẽ thảm bại.”
Các công ty và doanh nghiệp Mỹ là những bậc thầy về cách tân công nghệ và kinh doanh, song người Trung Quốc cũng giỏi không kém trong việc trộm cắp các bí mật thương mại và công nghệ. Các nhà đầu tư và các công ty Mỹ phải đổ hàng triệu đô-la để sáng tạo và phát triển một sản phẩm mới, chỉ để người Trung Quốc, thông qua gián điệp công nghiệp, ăn cắp tất cả thông tin mà không mất gì. Người Trung Quốc cười vào sự yếu kém và thảm hại quá đỗi của chính phủ ta trong cuộc chiến đấu với tình trạng trộm cắp tài sản trí tuệ. Điều đó đã đủ tệ rồi, thế mà chính phủ ta lại còn đứng về phía Trung Quốc và không làm gì cả trong khi Trung Quốc yêu cầu bất kỳ công ty Mỹ nào muốn bước vào thị trường Trung Quốc cũng phải chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc. Việc chuyển giao công nghệ cưỡng ép như thế trên thực tế đã bị Tổ chức Thương mại Thế giới ra lệnh cấm, cho đó là một hoạt động thương mại không công bằng, song Tổng thống Obama lại để mặc cho Trung Quốc thoát êm khỏi việc này.
Josh Kraushaar của tờ National Journal đã lưu ý rằng sự thiếu hiểu biết về mặt kinh tế của Obama đã gây hại cho ông ta cùng với các lao động “xanh”. Trong khi Obama ám ảnh với “các việc làm xanh”, thì các lao động “xanh” lại không ham gì thứ ấy. “Các công việc năng lượng xanh có lẽ là tương lai, nhưng các công nhân bị mất việc lại cho thấy chúng không phải là một liều thuốc chữa bách bệnh.” Lý do lao động “xanh” gạt bỏ bài hùng biện đầy những lời lẽ tốt đẹp của Obama là vì họ thông minh. Họ biết rằng bất cứ khi nào ta nghe ông ấy nói những đổi mới trong công nghệ xanh sẽ kích phát các cơ hội việc làm khổng lồ như thế nào, thì mọi thứ đều vô nghĩa, vì Obama thiếu sự dũng cảm và can trường để xử lý tình trạng Trung Quốc trộm cắp công nghệ và các bí mật thương mại của Mỹ trên quy mô lớn.
Và chuyện này có thể trở nên tệ hại hơn nữa, không những đe dọa nền kinh tế mà còn đe dọa cả an ninh quốc gia của ta. Trung Quốc là kẻ gây hấn chính trong lĩnh vực gián điệp mạng và chiến tranh mạng. Họ không những có năng lực ăn cắp công nghệ quân sự tuyệt mật của Mỹ, mà còn có khả năng thả các virus máy tính phá hoại vào các mạng vi tính của ta. Khoảng 12 năm trước, tôi đã viết một quyển sách có nhan đề The American We Deserve (Nước Mỹ ta đáng có). Là người đã viết nhiều sách bán chạy, trong đó có nhiều cuốn đứng số 1 trong bảng sách bán chạy, có lẽ đây là quyển sách ít thành công nhất của tôi. Sự thật là, người ta không muốn nghe Donald Trump nói về chính trị mà chỉ muốn nghe về kinh doanh thôi. Đó là lý do khi tôi viết cuốn The Art of the Deal (Nghệ thuật đàm phán trong kinh doanh) và nhiều sách khác, chúng đã thành công lớn. Trên thực tế, cuốn Nghệ thuật đàm phán trong kinh doanh được cho là sách kinh doanh bán chạy nhất thời đại. Thế nhưng, tôi tự hào về cuốn Nước Mỹ ta đáng có vì nhiều lý do. Một là, tôi đã dự báo rất rõ về tình trạng khủng bố ở Mỹ, thật không may, điều này đã xảy ra, và lẽ ra có thể tránh được hay giảm xuống tối thiểu. Tôi thậm chí còn nhắc đến cái tên Osama bin Laden. Hai là, tôi đã dự báo sự sụp đổ của nền kinh tế. Có quá nhiều dấu hiệu, quá nhiều chỉ dấu và quá nhiều yếu tố mà tôi cho là khiến sự sụp đổ sắp xảy tới trở nên rõ ràng. Vì thế, dù có lẽ đây là quyển sách ít thành công nhất của tôi vì nó không bàn về kinh doanh, song tôi lại được ghi công rất nhiều vì những dự báo chính xác và có tác động mạnh. Trong quyển sách ấy, tôi không nhắm đến việc đưa ra các dự báo, mà nhắm đến việc tạo ra sự khác biệt và cảnh báo về những nguy cơ tiềm ẩn khác.
Tôi e rằng một nguy cơ tương tự nhưng khác biệt đang hiện diện cùng với sự phát triển công nghệ quân sự nhanh chóng của Trung Quốc. Theo Lầu Năm Góc, quân đội Trung Quốc đã đạt được “sự tiến bộ đều đặn” trong việc phát triển các chiến thuật chiến tranh trực tuyến.
Đối với một đất nước như Trung Quốc, khả năng ăn cắp các thiết kế quân sự của ta đồng nghĩa với việc họ tiết kiệm được hàng trăm tỷ cho các chi phí nghiên cứu và phát triển. Nói cho cùng, sao lại cần chi hàng nghìn tỷ xây dựng và thử nghiệm các hệ thống vũ khí phức hợp khi bạn chỉ cần nhấp chuột một cái là trộm được các bản thiết kế chi tiết nhỉ?
Hãy nhìn vào những gì đang diễn ra lúc này. Năm 2009, tờ Wall Street Journal thông báo rằng những kẻ xâm nhập mạng đã sao chép thành công vài nghìn tỷ byte dữ liệu tuyệt mật về dự án máy bay tiêm kích tấn công kết hợp (JSF) trị giá 300 tỷ đô-la của ta, một dự án sẽ giúp dễ dàng đánh bại máy bay chiến đấu loại mới F-35 Lightning II hơn hẳn so với trước đây. Không ngạc nhiên gì, các quan chức Mỹ đã kết luận bằng một sự “chắc chắn” rằng vụ tấn công này đến từ – như bạn có thể đoán được – Trung Quốc.
Giờ đây ta cũng biết rằng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang đi theo một học thuyết mới gọi là Chiến tranh Điện tử Mạng Tích hợp (INEW). Kế hoạch mới của chính phủ này gồm có “đào tạo và trang bị để lực lượng của họ có thể sử dụng nhiều loại công cụ IW [chiến tranh thông tin] đa dạng nhằm thu thập tin tình báo và nhằm xác lập sự thống trị thông tin trước các đối thủ trong cuộc xung đột.” Trong một phiên họp quốc hội, Tướng James Cartwright đã làm chứng rằng Trung Quốc đang tích cực tiến hành “do thám mạng” và đang thâm nhập vào các mạng vi tính của các cơ quan chính phủ cũng như các công ty tư nhân của Mỹ. Với những người biện hộ cho Trung Quốc, những người có thể sẽ đi khẳng định rằng các vụ tấn công mạng ấy có thể là do những hacker Trung Quốc gây ra và không dính líu gì đến chính phủ Trung Quốc, thì nghiên cứu sâu của RAND đã chứng minh điều hoàn toàn ngược lại:
Xét về quy mô, mục tiêu và tính phức hợp của chiến dịch tổng thể nhắm vào Mỹ và ngày càng nhiều nước khác trên thế giới cho thấy những bằng chứng rõ ràng rằng những hoạt động này được nhà nước tài trợ hoặc hậu thuẫn. Những kẻ thi hành dường như có quyền tiếp cận các nguồn lực tài chính, nhân sự và phân tích vốn vượt khỏi những gì mà các hoạt động tội phạm mạng có tổ chức hay các nhóm hacker lớn hoạt động độc lập có khả năng tiếp cận liên tục qua nhiều năm. Hơn nữa, các loại dữ liệu bị trộm cắp không có giá trị tài chính như những con số trên thẻ tín dụng hay thông tin tài khoản ngân hàng, vốn thường là mục tiêu của các tổ chức tội phạm mạng. Thông tin công nghệ phòng thủ kỹ thuật cao, thông tin có liên quan đến quân sự hay các tài liệu phân tích chính sách của chính phủ không dễ gì được các tội phạm mạng bán thành tiền trừ phi chúng có khách hàng là một nhà nước – quốc gia.
Nguy cơ quân sự đến từ Trung Quốc là cực lớn – và không ngạc nhiên gì khi chính phủ Trung Quốc nói dối về quy mô ngân sách quân sự của họ. Người Trung Quốc khẳng định rằng ngân sách quốc phòng của họ là 553 tỷ đô-la một năm, bằng khoảng 1/5 ngân sách của ta. Song, các chuyên gia an ninh khu vực tin rằng ngân sách quân sự thực tế của Trung Quốc cao hơn thế nhiều. Một cách để Trung Quốc che giấu chi tiêu quân sự của họ là gán nó cho các ban ngành khác trong chính phủ. Bằng cách đó, sự mở rộng quân sự nhanh chóng của họ có thể giữ được bí mật với các quốc gia khác, những quốc gia mà nếu biết được ngân sách quân sự thật của Trung Quốc thì có thể sẽ cảm thấy đáng báo động đến mức phải gia tăng chi tiêu quân sự của mình. Như vụ rò rỉ cáp năm 2009 đã tiết lộ, chiến thuật gian dối của Bắc Kinh là theo lời nhắn nhủ của người cha già của đất nước Trung Quốc hiện đại Đặng Tiểu Bình rằng Trung Quốc phải “giấu mình chờ thời”.
Bạn hãy nhìn đi, khi chuyện liên quan đến Trung Quốc, tốt hơn là Mỹ hãy ngừng làm rối tung. Trung Quốc xem ta như một kẻ thù ngây thơ, cả tin và ngốc ngếch. Và mỗi ngày khi Obama vẫn còn tại vị, họ còn sải bước nhanh để thế chỗ ta trên lĩnh vực kinh tế. Họ thao túng đồng tiền của họ theo cách cướp đi một triệu việc làm của người Mỹ và đẩy sự mất cân bằng thương mại hoàn toàn bất bình đẳng lên 300 tỷ đô-la. Họ ăn cắp bí mật thương mại của các doanh nghiệp ta để có thể tiết kiệm hàng tỷ đô-la chi phí nghiên cứu và phát triển, và rút ngắn nhiều năm thời gian cần thiết để đưa một sản phẩm mới ra thị trường. Và tệ nhất là, Trung Quốc đang dẫn đầu trong việc phát triển các kỹ thuật chiến tranh mạng cao cấp mới, và lấy đó làm bội số sức mạnh cho quân đội vốn đã khổng lồ của họ, một quân đội hiện có 2.285.000 quân đang hoạt động cùng với 800.000 quân dự bị khác. Song hãy nhớ lại một điều khi ta đến bàn đàm phán với Trung Quốc: Nhật Bản, một đất nước nhỏ hơn nhiều, ít dân và ít lính hơn nhiều, đã cho Trung Quốc tơi bời trong chiến tranh – đó không phải là một dấu hiệu tốt cho tương lai quân sự của Trung Quốc.
Chúng ta cần một tổng thống sẽ ký đạo luật lưỡng đảng buộc Trung Quốc phải định giá đúng đồng tiền nước mình. Ta cần một tổng thống sẽ đập lên Trung Quốc mức thuế 25% trên mọi hàng xuất khẩu của họ vào Mỹ, nếu họ không chịu ngừng việc định giá thấp đồng nhân dân tệ. Ta cần một tổng thống sẽ thẳng tay trừng trị tội trộm cắp tài sản trí tuệ rành rành và trên quy mô lớn của Trung Quốc, thứ trộm cắp đã cho phép Trung Quốc cướp đi các sản phẩm của ta. Trên hết, ta cần một tổng thống đủ khôn ngoan và cứng rắn để nhận ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia mà Trung Quốc đang dựng lên trên mặt trận mới là chiến tranh mạng.
Có lẽ nhiều người sẽ cho là tôi đang nói quá tệ về Trung Quốc và những người đại diện của đất nước này. Sự thật là tôi rất nể trọng người dân Trung Quốc. Tôi cũng rất nể trọng những người đại diện Trung Quốc. Điều tôi không nể trọng là cách chúng ta thương lượng và đàm phán với Trung Quốc. Nhiều năm qua, tôi đã thực hiện nhiều thỏa thuận và giao dịch với người Trung Quốc. Tôi đã kiếm được một khoản tiền khổng lồ. Tôi đã bán các căn hộ với giá 53 triệu đô-la, 33 triệu đô-la và nhiều mức giá thấp hơn. Tôi đã tạo ra một trong những việc làm lớn nhất ở Manhattan với các đối tác người Trung Quốc và đã kiếm được rất nhiều tiền. Vì vậy, tôi biết rõ người Trung Quốc, tôi hiểu và tôn trọng họ.
Bất kỳ khi nào tôi nói một cách tồi tệ về những gì họ đang làm với ta, tôi không có ý chỉ trích họ – tôi chỉ trách các lãnh đạo và các đại diện của ta mà thôi. Nếu ta có thể quay lưng lại với họ là xong, hẳn tôi sẽ hết lòng khuyến khích ta làm vậy. Song rủi thay, họ quá thông minh và các lãnh đạo của ta lại không đủ khôn ngoan.
Tôi có nhiều bạn ở Trung Quốc và những người bạn này không thể tin rằng lãnh đạo của họ lại có thể ký được những thỏa thuận ưu đãi không thể tin nổi ấy. Điều đáng ngạc nhiên là, bất chấp mọi ngôn từ hùng hồn và gay gắt mà tôi dùng để chống Trung Quốc, tờBloomberg Businessweek gần đây đã đăng tải một bài báo về thứ mà người Trung Quốc muốn nhất. Đáng chú ý nhất là một đoạn trích dẫn lời của chủ tịch công ty bất động sản Asher Alcobi về những gì mà các khách hàng người Trung Quốc của ông ưa thích hơn cả: “Cái gì dính đến tên Trump thì đều tốt”.
Vậy nên, tôi nói xấu Trung Quốc, song tôi nói sự thật và các khách hàng ở Trung Quốc muốn gì? Họ muốn Trump. Bạn biết thế nghĩa là gì không? Đó nghĩa là họ tôn trọng những ai nói đúng thực tế và nói lên sự thật, cho dù sự thật ấy có thể không hay gì với họ. Thực tế là, chính sự tôn trọng tôi dành cho người Trung Quốc đã dẫn tôi đến chỗ nói các lãnh tạo của ta phải cẩn thận. Người Trung Quốc sẽ lấy, lấy và lấy cho đến khi ta không còn gì cả – và ai lại đi trách họ khi họ có thể phủi tay?
Trung Quốc là đối thủ của ta. Đã đến lúc ta phải hành động giống đất nước này… và nếu ta làm đúng việc của mình, Trung Quốc sẽ đi tới sự tôn trọng hoàn toàn mới đối với nước Mỹ, và khi đó ta có thể hạnh phúc du hành trên đường cao tốc đến tương lai cùng Trung Quốc như một người bạn.