Ở nhà ngoại một ngày, đến lúc về nhà, túi mấy anh em nhà họ Chu đã căng phồng.
Bà ngoại, dì Cả, dì Hai, mỗi người mừng tuổi một ngàn. Cậu chưa kết hôn, vừa đi làm một năm, có tiền lương nên mừng hai ngàn. Đếm tiền mừng tuổi cất trong túi quần, Đại Bảo hài lòng, mắt híp thành sợi chỉ, miệng há to nhét vừa một quả trứng gà.
Chu Tiểu Vân không giống Đại Bảo, lộ rõ vui mừng trên gương mặt. Cô biết số tiền mừng tuổi này một phần lớn phải “nộp vào ngân sách”, cùng lắm cho giữ số lẻ tiêu xài.
Mừng tuổi trẻ con chỉ cho đẹp thôi. Đối với người dân quê mà nói, đó là một khoản không thể không chi trong ngày Tết. Mấy anh em nhận được bao nhiêu tiền lì xì, mẹ Triệu Ngọc Trân cũng phải bỏ bằng đó tiền mừng tuổi lại. Vì thế, tiền mừng tuổi của trẻ con đương nhiên bị “sung công”, đoán chừng được giữ đến mùng năm tháng giêng là tốt lắm rồi.
Dù thế đi chăng nữa, trẻ con hiếm khi có nhiều tiền đến vậy, đứa nào đứa nấy mặt mày hớn hở, cất tiền vào túi. Trong túi có tiền, đến bước đi cũng khí thế hơn nhiều.
Đại Bảo là một cậu bé lanh lợi, sớm dùng tiền lì xì của mình, đi mua diêm tiên chơi với đám bạn. Tiếng pháo “đùng đoàng” vang cả ngày không dứt.
Tiểu Bảo siêng năng chạy đến tiệm tạp hoá. Đồ ăn ngon trong nhà không ăn, chăm chăm mua mấy món quà vặt bình thường thèm không có tiền mua. Chỉ có Nhị Nha nhỏ tuổi nhất chưa biết dùng tiền, nhưng hàng ngày con bé cất tiền mừng tuổi trong túi áo, không cho ai động vào, mới tí tuổi đã ra dáng “thần giữ của”.
Chu Tiểu Vân thầm tính toán trong lòng, muốn tiêu một khoản trước khi nộp lại, về phần mua gì, cô đã suy nghĩ kỹ.
Sáng mùng ba nhà cô Út đến, từ xa nghe thấy tiếng động cơ xe ba bánh của chú Ngô Hữu Đức. Ngô Lỗi ngồi phía trên, nhảy xuống, chạy thẳng về phía nhà Chu Tiểu Vân, rủ Đại Bảo đi chơi, cộng thêm Chu Chí Hải, ba người không biết chạy loạn đi đâu nữa.
Ngô Mai thấy Chu Tiểu Vân thì vui lắm, dính chặt lấy cô. Cô đi đến đâu, cô bé theo đến đó như hình với bóng. Chu Tiểu Vân nhớ sau khi nghỉ đông đây là lần đầu tiên gặp lại bạn, cha mẹ bận chuẩn bị đồ Tết, không có thời gian dắt cô đến nhà cô Út.
Tình huống của Ngô Mai không khác cô là mấy, khoảng mười ngày hai đứa không gặp nên nói mãi không hết chuyện – tất nhiên người nói mãi không hết chuyện là Ngô Mai.
Mười giờ sáng, nhà chú Ba ở thị trấn về đến quê.
Chú Ba Chu Quốc Dân mặc áo màu đậm, đeo kính, nom đẹp trai hơn các anh trai. Thím Ba Tống Minh Lệ là giáo viên dạy ngữ văn ở trường trung học trọng điểm của tỉnh. Năm nay, thím hai mươi chín tuổi, vóc người thon thả, bên ngoài mặc áo khoác nỉ, có khí chất ưu nhã của phần tử trí thức.
Loại khí chất trên người Tống Minh Lệ khiến Chu Tiểu Vân vô cùng hâm mộ. Cô cảm thấy một người phụ nữ có thể không xinh đẹp, diễm lệ nhưng nhất định phải có khí chất. Khí chất là thứ rất mờ ảo, nhìn không thấy, khó diễn tả thành lời, không sờ được mà người khác dễ dàng nhận ra.
Lại nói tiếp, ba chị em dâu mỗi người một vẻ.
Bác gái Thẩm Hoa Phượng lớn tuổi hơn, năm nay tầm ba mươi tuổi, hơi đầy đặn, nét hiền từ của phụ nữ trung niên.
Mẹ cô Triệu Ngọc Trân nhỏ hơn, khuôn mặt đẹp nhất, dù để mặt mộc cũng không che được nét đẹp trời sinh.
Thím Ba Tống Minh Lệ không có nét đầy đặn của bác gái hay vẻ đẹp của mẹ cô nhưng thím có sự nữ tính đặc biệt, không nói rõ được. Cách ăn mặc của thím ấy không chạy theo mốt, có điều chẳng hề lạc hậu. Thím có phong cách riêng của mình, cách nói năng học thức hơn xa phụ nữ nông thôn chưa một lần đặt chân lên thành phố. Thím đứng đó lập tức khiến nét đẹp của các chị dâu nhạt nhòa hẳn.
Xem đi, đây là khí chất của phụ nữ trí thức đó! Chu Tiểu Vân rất thích thím Ba. Giọng của thím nhỏ nhẹ, lễ phép đúng mực, xử sự chu toàn. Chu Tiểu Vân luôn mong mình có thể trở thành người như thím.
Nhà chú Ba chỉ có một cậu con trai tên là Chu Chí Viễn, bằng Tiểu Bảo năm nay sáu tuổi, biết cách ăn nói hơn Tiểu Bảo nhiều. Mặc dù không thường xuyên về quê, nhưng cậu bé nhanh chóng hoà đồng, chơi đùa với các anh.
Sau khi Đại Bảo sinh ra không lâu, ông nội Chu Tiểu Vân qua đời, chỉ còn một mình bà nội ở cùng chú Ba. Chú và thím đi làm cả ngày, không có thời gian chăm lo việc nhà, bà nội sáu mươi tuổi còn khoẻ mạnh, ở nhà trông cháu, nấu cơm, giặt giũ lo hết mọi việc. Tống Minh Lệ biết thời biết thế, thường xuyên đưa tiền tiêu vặt cho bà nội, mua thêm quần áo mới hằng quý, bà nội cảm thấy con dâu thứ ba hiếu thuận càng không chịu về.
Triệu Ngọc Trân thường ở sau lưng oán giận mẹ chồng bất công. Nhà chú Ba chỉ có một đứa, từ lúc Chu Chí Viễn đẻ ra đã trông đến tận giờ. Nhà mình đông con, không thấy bà về chăm đứa nhỏ hộ.
Chu Quốc Cường nghe những lời này thì không vui: “Chú Ba và vợ đều đi làm, không có thời gian trông con. Mẹ ở đó nấu cơm cho hai người. Chúng ta ở quê hằng ngày ở nhà, cần gì có người thay chúng ta chăm con, mình có nhiều thời gian mà. Còn nữa, nhà có thêm miệng ăn tự chú ấy nuôi. Nhiều năm qua, mẹ do chú Ba phụng dưỡng, không để chúng ta phải bỏ ra một xu. Nếu để mẹ ở nhà chúng ta, hai vợ chồng mình nuôi con còn tốn sức, huống chi nuôi mẹ.”
Nhắc tới chuyện nuôi mẹ, Triệu Ngọc Trân thức thời ngậm miệng.
Bà nội trở về, thấy đám cháu trai cháu gái thì vui mừng vô cùng, đem tiền riêng bình thường tích cóp ra mừng tuổi. Lớn đi học rồi bà cho hai ngàn, nhỏ được một ngàn. Bọn nhỏ thấy tiền lì xì thì cười toe toét, bà nội phát tiền lì xì cũng thấy vui.
Cô Út mừng mỗi đứa một ngàn. Nhưng thím Ba hào phóng hơn nhiều. Tờ năm ngàn mới tinh vô cùng chói mắt, Triệu Ngọc Trân và Thẩm Hoa Phượng vội vàng lì xì lại Chu Chí Viễn năm ngàn. Nhà chú Ba chỉ có một con, Chu Tiểu Vân nghĩ thầm tính ra nhà mình có lời nhất.
Cô yên lặng nhẩm tính trong lòng, chợt phát hiện trên người mình có tận mười mấy ngàn. Vào lúc này, trẻ con có bằng đấy tiền là một khoản cực lớn.