Thoạt tiên đi bằng xe trượt tuyết, rồi xe ngựa, Napoléon đã vượt qua Ba Lan, Đức và Pháp trong 12 ngày, và sáng 18 tháng 12 năm 1812 thì về đến điện Tuileries. Biết được những sự nguy hiểm có thể xảy tới trong những ngày khốn đốn này, Napoléon đi rất bí mật: Ông không ngộ nhận những tình cảm chân thật của người Đức đối với mình. Caulaincourt, người đi theo Napoléon, có kể lại sự tuyệt đối bình tĩnh, lòng can đảm, nghị lực và ý chí tiếp tục chiến đấu của Napoléon. Khi bàn về cuộc chiến tranh vừa kết thúc, ông Hoàng Đế đã nói với Caulaincourt rằng nếu như ông ta đã phạm sai lầm thì không phải sai lầm về mục đích, cũng như về thời cơ chính trị của cuộc chiến tranh, mà sai lầm về phương pháp chỉ đạo chiến tranh. Napoléon cho rằng nếu cứ ở lại Vitebsk thì bây giờ Aleksandr đã phải quy hàng dưới gối. Tóm lại, trong khi trao đổi, Napoléon đã nói bằng giọng của một nhà quán quân chỉ trích những thiếu sót của mình sau một ván cờ bị thua, trước khi mở đầu một ván khác mà ông ta quyết thắng: Không mảy may ghê sợ dĩ vãng, không hề nghĩ đến sự giảm sút uy tín khuynh đảo cả thiên hạ của bản thân, cũng không hề có dấu hiệu suy sụp tinh thần như người ta đã luôn luôn thấy rất rõ ở Napoléon vào những 1810 - 1811, thời kỳ Napoléon đang có đầy rẫy uy quyền và danh vọng. Về mặt ấy thì chiến tranh là thế giới, là sự sống của Napoléon, chả thế mà khi chuẩn bị hoặc khi tiến hành chiến tranh, lúc nào Napoléon cũng làm cho người ngoài cảm thấy ông là một người tràn trề sức sống, thở đầy lồng ngực, và kể từ khi lên xe ngồi với Caulaincourt, vấn đề duy nhất mà Napoléon quan tâm lo lắng là cuộc chiến tranh là sự chuẩn bị về mặt ngoại giao và quân sự cho cuộc chiến tranh đó. Có phải rằng rồi đây sẽ chỉ chiến đấu với riêng người Nga như vừa qua không? Châu Âu có nổi dậy không và nước nào sẽ giương ngọn cờ khởi nghĩa trước tiên; liệu có thể (và bằng cách nào) ngừa trước được cuộc nổi dậy đó không? Phải mất bao nhiêu tháng mới tổ chức được một đạo quân mới? Dọc đường, Napoléon dừng lại ở Warszawa và cho gọi giáo sĩ Priest, đại sứ Pháp ở triều đình vua xứ Saxony; chính Priest cũng phải sững sờ kinh ngạc trước sự bình tĩnh của Napoléon. Chính trong cuộc gặp gỡ này, Napoléon đã nói những lời nổi tiếng sau đây: “Từ chỗ tuyệt vời đến chỗ lố bịch, chỉ có một bước mà thôi”, và hậu thế sẽ phê phán điều đó. Nhưng Napoléon đã nói thêm rằng, chẳng bao lâu nữa ông sẽ quay lại sông Vistula với một đạo quân 30 vạn người và quân Nga sẽ phải trả thắng lợi của họ bằng một giá đắt, những thắng lợi không phải thuộc về bản thân họ, mà thuộc về thiên nhiên. Ai chẳng có lúc nếm mùi thất bại! Đương nhiên là chưa có ai đã phải chịu đựng những thất bại tương tự. Napoléon thú nhận như vậy, song bao giờ thất bại cũng tương xứng với cảnh ngộ, hơn nữa, rồi đây những thất bại ấy sẽ được đền bù.
Như trên đã nói, Napoléon về đến Paris ngày 18 tháng 12, và ông nhận ngay ra là tinh thần dân chúng sụt xuống rất nhiều. Hai ngày trước khi Napoléon về đến thủ đô, những tin chẳng lành, đồn đại từ lâu, đã được xác nhận bằng bản tin quan trọng số 29 trong đó Hoàng Đế đã nói một cách khá chân thật về chiến dịch nước Nga và sự kết thúc của nó.
Tang tóc gieo xuống hàng chục vạn gia đình đã làm cho không khí cả nước Pháp trở nên đặc biệt nặng nề. Những ngày tiếp theo, Napoléon tiếp kiến các Bộ Trưởng, các uỷ viên Hội Đồng Chính Phủ và Thượng Nghị Viện. Bằng những lời lẽ nghiêm khắc và khinh bỉ, Napoléon phê phán các nhà cầm quyền thiếu nhanh trí trong vụ tướng Malet và yêu cầu họ phải báo cáo về các xử trí của họ, nhưng ông ta chỉ nói phớt qua về chiến dịch nước Nga và cũng chẳng thèm trình bày chi tiết về vấn đề đó.
Các quan đại thần và các đình thần tiếp đón Napoléon bằng thái độ nịnh hót, khúm núm quen thuộc của bọn họ. Với lòng sốt sắng vô hạn, chủ tịch Thượng Nghị Viện Lacépède đề nghị cho phép ông ta được chính thức tiến hành tổ chức lễ đăng quang cho người thừa kế Hoàng Đế lúc đó mới một tuổi rưỡi, để “tượng trưng cho sự kế tục của triều đại”; cả Thượng Nghị Viện khom lưng cúi xuống dưới chân ông Hoàng Đế đang ngồi trên ngai. Trong bài diễn văn đọc trước Thượng Nghị Viện, quan sát cái cách nhắc đến chiến dịch nước Nga của Napoléon, người ta thấy rõ ràng là ông ta lại nuôi các ảo mộng mà dường như ông ta đã hoàn toàn từ bỏ khi ra lệnh cho Thống Chế Mortier phá hoại điện Kremlinn: Ông ta cho rằng bây giờ cũng vẫn còn có khả năng ký hòa ước với Aleksandr bằng cách tuyên bố hai bên bất phân thắng bại.
“Cuộc chiến tranh mà tôi theo đuổi là một cuộc chiến tranh chính trị. Tôi đã tiến hành cuộc chiến tranh đó với lòng căm thù, và tôi đã cố tránh cho nước Nga những tai họa do chính nước Nga tự gây ra. Lẽ ra tôi đã có thể vũ trang cho một bộ phận nhân dân Nga chống lại nước Nga bằng cách tuyên cáo cho nông dân được tự do... Một số lớn làng mạc, thôn xóm đã yêu cầu tôi làm việc đó, nhưng tôi phải từ chối cái biện pháp đưa hàng nghìn gia đình đến chỗ chết ấy...”. Không đếm xỉa đến các nguyên lão Nghị Viện, thật ra Napoléon đã nói với các lãnh chúa Nga và với Hoàng Đế của họ, với kẻ “đứng hàng đầu” trong bọn họ (sau này em Hoàng Đế Aleksandr đệ nhất là Nikolai Pavlovich định nghĩa các Nga Hoàng Nga như vậy). Lúc này Napoléon đòi Nga Hoàng và các lãnh chúa phải biết ơn ông ta về việc đã tha cho bọn họ một cuộc nổi loạn của nông dân chống quý tộc theo kiểu Pugachev, tuồng như chẳng bao giờ Napoléon có ý định dùng đến thủ đoạn ấy cả. Tất cả những sự quỵ lụy ấy của bọn đại thần trong đế chế và của những người cầm quyền, cả tấn hài kịch dối trá hèn hạ đó, mà từ trên ngai vàng ông Hoàng Đế đã đáp lại cũng bằng một sự dối trá ngạo mạn và nóng nảy, chỉ là một thủ đoạn do tình thế bức bách và nhằm đánh lạc hướng chú ý của nước Pháp và của Châu Âu. Hai mục tiêu quan trọng bậc nhất của Napoléon là trước hết phải tổ chức được một đạo quân, sau nữa là phải đảm bảo được một sự viện trợ, bằng không thì cũng phải tranh thủ được sự trung lập của nước Áo và hết sức cố gắng để có thể của cả nước Phổ nữa.
Mục tiêu thứ nhất đã đạt được dễ dàng, mau lẹ. Khi còn ở trên đất nước Nga, Napoléon đã hạ lệnh cho gọi trước kỳ hạn lớp quân dịch năm 1813, và vào mùa xuân cùng năm đó việc huấn luyện tân binh căn bản cũng đã hoàn thành. Người ta phải vất vả lắm mới gọi được 14 vạn tân binh. Ngay từ năm 1812, Napoléon đã chỉ thị cho thành lập “những đoàn quân vệ quốc” để khi cần đến ông ta sẽ sáp nhập tất cả vào quân đội, coi như là làm theo nguyện vọng của họ, tuy rằng nhiệm vụ của đoàn vệ quốc đã được xác định rõ là giữ gìn an ninh trong nội địa của đế chế. Việc ấy cũng đã đem lại cho Napoléon thêm 10 vạn người. Tháng 6 năm 1812, Napoléon để lại ở nước Pháp và nước Đức chư hầu 23 vạn 5 nghìn người, đó là lực lượng mà hiện Napoléon có thể tin cậy được. Cuối cùng, còn lại vài nghìn người (sau này tính đúng thì vào khoảng 3 vạn người) sống sót trong chiến dịch nước Nga; thật ra, những quân đoàn được Napoléon tách ra cho về cánh Bắc (hướng Riga và Peterburg) và cánh Nam (Grodno) bị thương vong ít hơn rất nhiều so với những quân đoàn đã chiến đấu ở Borodino, nhưng sau này, trong hai tháng rút lui Moscow về sông Niemen, chúng đã bị tan rã.
Như vậy, ông Hoàng Đế đã có đủ lý do để hy vọng rằng vào mùa xuân năm 1813 sẽ có một đội quân từ 40 đến 45 vạn người, chứ không phải 30 vạn. Trong khi thừa nhận rằng con tính ấy có thể là quá lạc quan, Napoléon cũng vẫn không hoài nghi gì về khả năng tập hợp một quân đội cực mạnh; trong một thời gian rất ngắn cần phải tích cực xúc tiến việc cung cấp, tu bổ, bổ sung quân dụng, quân nhu, những xưởng công binh, pháo binh, nói tóm lại, tất cả các loại vật chất khí tài. Napoléon đã làm việc suốt ngày để tổ chức trang bị và huấn luyện bộ đội.
Mùa xuân năm 1813, sau khi Aleksandr làm thinh trước những ý kiến ngắn gọn mong muốn hòa bình của Napoléon bộc lộ trong bài diễn văn đọc trước Thượng Nghị Viện, hệt như vào mùa thu năm 1812 đối với những bức thư chuyển qua tay Tutolmin, Yakovlev và Lauriston, thì giờ đây, Napoléon đã hoàn toàn tin chắc rằng ông ta sẽ phải gặp quân Nga ở sông Vistula và sẽ đánh cho nó tan tành. Napoléon biết rõ rằng mùa đông năm 1812 đã làm cho Kutuzov thua thiệt nặng nề, mặc dù ông ta còn chưa biết rằng trong hai tháng trời truy kích từ Tarutino đến Niemen, Kutuzov đã mất hai phần ba số quân có lúc đầu là 10 vạn, và hơn hai phần ba số pháo. Với tình hình đường xá tồi tàn quá đỗi và bằng vào các phương pháp được dùng dưới chế độ nông nô, Napoléon cho rằng Kutuzov không thể nhanh chóng lấp lỗ hổng số quân có khả năng chiến đấu đã bị hao hụt và tổ chức lại pháo binh. Không nhắc lại những sai lầm của cuộc xâm lược, Napoléon yên lặng chờ đợi quân Nga trên sông Vistula và Niemen để đánh bại ở đó.
Song một vấn đề đáng sợ khác đã tự đặt ra: Quân Nga có đơn độc hay không? Từ tháng 12 năm 1812, tướng Phổ Yorck, dưới quyền chỉ huy của Thống Chế MacDonald (nước Phổ lúc này vẫn là “đồng minh” của Napoléon) đã bỗng nhiên chạy sang hàng ngũ quân Nga rồi đó sao. Đúng là Frederick Wilhelm quá khiếp nhược đã vội vàng không thừa nhận Yorck, nhưng Napoléon cũng biết rằng nếu vua Phổ không đứng về phía người Nga thì có thể sẽ bị người Nga lật đổ, vả chăng chỉ nội những lý do chủ quan của mình, Frederick Wilhelm cũng đã lâm vào nguy cơ bị người Nga lật đổ. Napoléon cũng biết rằng sẽ rất ngu xuẩn nếu không tính đến việc nước Phổ bị ông áp bức lại không tìm cách thoát khỏi sự đô hộ của ông ta, một khi quân đội Nga tiến vào nước Phổ.
Kutuzov phản đối việc kéo dài chiến tranh, không phải chỉ vì ông thấy không có lý do gì để máu của người Nga tiếp tục chảy để giải phóng nước Phổ và các quốc gia Đức, mà còn vì một lý do đơn giản và hiển nhiên nữa là Kutuzov đã nhìn thấy trước những khó khăn ghê gớm do cuộc chiến tranh với Napoléon đẻ ra, khi mà quân đội Nga yếu hơn về số quân và đã kiệt sức. Nhưng Aleksandr khăng khăng không hòa giải. Ông ta xuất phát từ nhận định rằng nếu để Napoléon được nghỉ ngơi một thời gian thì cũng như để toàn thể Châu Âu nằm dưới quyền thống trị của Napoléon như trước đây và sẽ làm cho sự uy hiếp sông Niemen trở thành thường xuyên và không thể nào tránh được. Nhưng nếu quân đội Nga, một khi đã ở lãnh thổ Phổ, được tăng viện thêm thì rõ ràng là vua Phổ sẽ bị buộc phải xuất quân đánh Hoàng Đế Pháp.
Hành động của nước Áo cũng chẳng còn làm vừa lòng Napoléon nữa. Nước Áo (với tư cách là “đồng minh” của Napoléon) coi như đã chiến tranh với Nga từ năm 1812, thì nay, bố vợ Napoléon - Hoàng Đế Francis và Metternich[52], người đang lãnh đạo đường lối chính trị ở Áo, đã ký một “hiệp định đình chiến” với nước Nga, và tất nhiên là bất chấp những mối quan hệ thân quyến mới đây, ông Hoàng Đế nước Áo đã coi hoàn cảnh mà chàng rể ông ta đang lâm phải là một đặc ân không mong mà đến của vận mệnh và như một bảo đảm cho sự giải phóng nước Áo thoát khỏi cái ách khủng khiếp đã đè nặng lên mình từ trận Wagram và Hòa Ước Schönbrunn.
Trong những cảnh ngộ khó khăn như vậy, Hoàng Đế Pháp đã nhớ đến cái việc xảy ra năm 1809: Sau khi chiếm được thành Roma, Napoléon đã cho bắt và đưa Giáo Hoàng Đến Xavon và năm 1812, trước khi đi Moscow, Napoléon lại ra lệnh dẫn Giáo Hoàng từ Xavon đến Fontainebleau. Hơn nữa, người ta đã tạo cho mọi người thấy rằng những cảnh binh đi vây quanh chiếc xe của Giáo Hoàng không có gì khác hơn là một đội quân danh dự hộ tống, và trong thời gian Giáo Hoàng ngụ tại hoàng cung ở Fontainebleau thì cũng không có gì để có thể nói được rằng Giáo Hoàng đã bị giam giữ ở đó: Giáo Hoàng là khách của Hoàng Đế. Tuy nhiên, Giáo Hoàng đã không ngớt phản kháng việc người ta cướp mất thành Roma (Napoléon đã giao Roma cho đứa con trai mới đẻ của mình, phong làm “Vua thành Roma”), cũng như phản kháng việc bị bắt giữ. Trước tình hình như vậy, ngày 19 tháng 1 năm 1813, Napoléon đã bất thần đến thăm người tù của mình. Thực tế là cần phải thỏa hiệp bằng cách này hay cách khác với những người Công Giáo là những người đã ngấm ngầm chống lại Hoàng Đế từ năm 1809. Nhưng cuộc trao đổi hữu hảo giữa Napoléon và Giáo Hoàng đã không đem lại kết quả cụ thể gì.
Napoléon ép Pius VII ký một bản điều ước mới, nhưng cũng không vì thế mà giao trả thành Roma cho Giáo Hoàng (về đại thể, bản điều ước mới sao chép lại nội dung bản điều ước năm 1802). Đối với Napoléon, những sự nhượng bộ không có tác dụng gì hết: Napoléon không ưa và cũng không biết nhượng bộ. Những trò dụ dỗ hèn kém của Napoléon đối với Giáo Hoàng vào tháng 1 năm 1813 đã chấm dứt khi Napoléon bất thần cho bắt Hồng Y giáo chủ Pietro và đưa đi khỏi Fontainebleau, Vì Napoléon đã nghe phong thanh thấy Pietro khuyên Giáo Hoàng Pius VII đối địch lại Napoléon. Nói về mưu toan thỏa hiệp không thành đó với Giáo Hoàng, Hoàng Đế đã thốt ra một câu đáng chú ý: “Thực là hiện nay phải bỏ thành Roma..." Điều ước ấy còn phải xếp vào tủ và sẽ chỉ được lôi ra sau khi đã đại thắng ở sông Elbe hay ở sông Vistula. Thật vậy, trong suốt năm 1813 ấy và những năm sau, Napoléon không ngừng tìm cách phá hoại các cuộc thương lượng với đối phương và luôn luôn mong mỏi một chiến thắng lớn. Vận may đã ủng hộ Napoléon quá lâu. So sánh toàn bộ cuộc đời Napoléon dưới ánh sáng của tất cả những sự nghiệp vĩ đại chưa từng có mà Napoléon đã hoàn thành, kể từ việc hạ thành Toulon năm 1793 đến việc sáng lập cái đế quốc rộng lớn ấy và rồi Napoléon đã dắt dẫn các lực lượng của đế quốc đó đến bên kia sông Niemen, thì dẫu sao cuộc chiến tranh năm 1812 cũng chỉ làm một chấm đen trên cả một tấm thảm mênh mông đầy thằng lợi.
Nước Phổ đã sẵn sàng phản lại: Vua Phổ đòi Napoléon rút quân ra khỏi một số vị trí, đòi 94 triệu francs dùng vào việc nuôi dưỡng quân đội Pháp mà ngân khố của Hoàng Đế còn nợ lại, nhưng đã bị từ chối. Nước Anh không thể thừa nhận sự xâm lược nước Tây Ban Nha của người Pháp, và Napoléon, ngày 14 tháng 2, khai mạc khóa họp Hội Đồng Lập Pháp, đã dứt khoát tuyên bố rằng: “Triều đại Pháp đang trị vì và sẽ trị vì Tây Ban Nha”. Vào tháng 3, Metternich đã tỏ ý muốn biết những điều kiện mà Napoléon sẽ ưng thuận để ký một hòa ước chung, nhưng đã không được trả lời một cách rõ ràng. Đối với tất cả các vấn đề này, thái độ của Napoléon cũng giống như đối với Giáo Hoàng: Một trận thắng lớn ở sông Vistula hay ở sông Niemen sẽ quyết định hết thảy. Trong bài diễn văn ngày 14 tháng 2, Napoléon bảo đảm rằng toàn bộ đất đai của đế chế sẽ không thể đụng chạm đến được và Đại Công Quốc Warszawa sẽ vẫn tồn tại trong biên giới hiện nay. Lúc này, Metternich chưa muốn cắt đứt quan hệ với Napoléon nên đã nói với Otto, sứ thần Pháp ở Vienna, rằng với những lời tuyên bố như vậy, Napoléon làm cho hòa bình với nước Nga, cũng như nước Anh và với nước Phổ sẽ không thể nào có được.
Khi những phái viên Áo ở London bên cạnh Castlereagh, ở Kärlich bên cạnh Aleksandr thăm dò dư luận thì ở đâu người ta cũng chỉ trả lời rằng: Nếu Napoléon khăng khăng không chịu nhượng bộ thì chỉ có chiến tranh mới có thể giải quyết được. Cuối cùng vua Phổ đã công nhiên đứng về phía Aleksandr và ký một hiệp ước liên minh với Aleksandr. Napoléon đáp lại bằng cách tuyển thêm tân binh. Xứ Saxony, Bavaria, Württemberg, Baden vẫn còn chịu khuất phục.
Ngày 15 tháng 7 năm 1813, Napoléon trở lại với quân đội ở Erfurt và tiến quân đánh nước Nga và nước Phổ. Đội quân mới này được trang bị rất hoàn chỉnh. Trong những tháng đầu năm đó, Napoléon đã miệt mài làm việc để huấn luyện và tổ chức quân đội, dành nhiều đêm để chấn chỉnh lại nền tài chính đến mức quân đội không còn thiếu thốn một thứ gì, và có thể mua tất cả những thứ gì cần thiết cho quân đội bằng tiền vàng thật và đủ cân lượng, vì thật ra điều quan trọng là không nên phá hoại và làm cho nhân dân các quốc gia German bất mãn, chừng nào họ còn là “đồng minh”, ít ra thì cũng còn đang chịu khuất phục.
Napoléon có 20 vạn quân tại ngũ; quân dự bị, cũng tương đương như vậy, đã được tập trung hoặc đang được thành lập. Kutuzov chết đúng vào trước khi chiến dịch mở màn, và khi chiến sự bắt đầu thì quân Nga và quân Phổ đã không có tướng chỉ huy. Ngay lúc đầu, Napoléon đã giành được một số thắng lợi. Quân Nga bị đánh đuổi khỏi Weissenfels, sau đó đã diễn ra những trận đánh vào ngày 1 và ngày 2 tháng 5 ở gần Weissenfels và Lützen. Napoléon đã hoàn toàn chiến thắng. Ở Weissenfels, Thống Chế Bessières, đứng cạnh Hoàng Đế, trước đội cựu cận vệ mấy bước, bị một mảnh đạn đại bác bắn trúng, vỡ ngực chết. “Thần chết đang đến gần chúng ta”, Napoléon nói như vậy vừa nhìn người ta liệm Thống Chế trong tấm áo choàng của Hoàng Đế để đưa ra khỏi chiến trường.
Trận Lützen đã diễn ra giằng đi giật lại và đẫm máu. Cưỡi ngựa từ cánh này sang cánh kia, Napoléon điều khiển mọi hành động tác chiến. Aleksandr và Frederick Wilhelm ở gần chiến trường nhưng không tham gia gì. Quân Nga và quân Phổ bị đánh lùi, mất chừng 2 vạn người, nhưng số thiệt hại của quân Pháp cũng không kém mấy. Vài ngày sau, Napoléon tiến vào Dresden.
Sau trận Lützen, Metternich tìm cách lập lại hòa bình giữa Napoléon và quân Liên Minh bằng cách đảm bảo rằng nước Áo sẽ liên minh với Napoléon theo những điều kiện sau đây: Napoléon sẽ bỏ Đại Công Quốc Warszawa, bỏ nền bảo hộ Liên Bang Sông Rhine, bỏ các thành phố đồng minh thương nghiệp ở miền Tây Bắc nước Đức và Illyria. Còn ngoài ra, Napoléon sẽ giữ lại tất cả; nước Bỉ, toàn bộ nước Ý, nước Hà Lan, vương quốc Westphalia vẫn nằm trong đế quốc của Napoléon. Napoléon từ chối. Ông ta nói với tướng Bubna, sứ thần của triều đình Vienna: “Tôi không cần sự điều đình bằng vũ lực của các ông, các ông muốn đục nước béo cò...”. Bằng một giọng châm biếm, Napoléon còn nói thêm: “Không phải cứ đổ nước hoa ra là chiếm được đất”. Thoạt tiên, người Áo đòi Napoléon trả Illyria, nhưng rồi họ sẽ còn đòi cả Venice, Milan, Toscany, thì ra họ bức Napoléon phải đánh nhau với họ. Chi bằng đánh nhau ngay. Nếu họ muốn lấy lại các tỉnh từ tay Napoléon thì họ cần phải rút gươm ra khỏi vỏ, họ kết luận như vậy. Ông quyết tâm tiếp tục chiến đấu và chiến đấu mãi mãi, không nhượng bộ chút gì cả. Một phong trào chống Napoléon ở Hamburg. Hoàng Đế phái Davout đến đó để trừng phạt những thành phố đồng minh thương nghiệp ở miền Tây Bắc nước Đức về tội chống lại cảnh sát và nhân viên hải quan Pháp đã phá hoại việc buôn bán của họ bằng sự thực hiện nghiêm ngặt cuộc phong tỏa lục địa. Napoléon ra lệnh cho Davout bắn một số nghị sĩ của tỉnh - những người cầm đầu phong trào chống Pháp, một số sĩ quan, bắt 500 công dân có uy tín nhất, có tiếng là có tư tưởng chống đối và tịch thu toàn bộ tài sản của họ.
Sau khi ra những lệnh trên xong, Napoléon rời Dresden, dẫn đầu đội cận vệ, đuổi theo bộ đội đang tiến về phía Đông, theo hướng Bautzen (trên sông Spree). Trên đường từ Dresden đến Breslau, cùng đi với Napoléon có bốn quân đoàn: Của Ney, của Marmont, của Oudinot và của Bertrand. Quân Liên Minh thì đặt dưới quyền chỉ huy của Wittgenstein, Barclay de Tolly, Miloradovich và Blücher. Trận Bautzen bắt đầu ngày 20 đến tối ngày 21 thì kết thúc. Napoléon điều quân đoàn của Ney đánh vòng lên phía Bắc cánh phải của đối phương, nhưng vì Napoléon không chú ý đến những lời chỉ bảo của tham mưu trưởng Jomini nên đến chiến trường quá chậm. Quân Liên Minh đã rút lui có trật tự.
Trận đánh cũng đẫm máu như ở Lützen. Cả hai bên đều mất chừng 3 vạn người vừa chết và bị thương. Thắng lợi lại thuộc về phía Napoléon và Napoléon dự định đẩy lùi quân Nga và quân Phổ đang rút lui, tiến thẳng đến Berlin. Quân Liên Minh vừa đánh vừa lùi làm chậm bước cuộc truy kích. Ngày 22 tháng 5, Napoléon đã xông tới và đánh tan đội hậu vệ của quân Liên Minh ở Gneisenau. Tối đến, lúc trận đánh sắp sửa kết thúc, trong khi đối phương đang rút lui thì Duroc tới trao đổi với Napoléon một lát, rồi vừa bỏ đi vừa buồn bã nói với Caulaincourt: “Ông bạn, ông có để ý thấy gì ở Hoàng Đế không? Hoàng Đế vừa mới giành được những thắng lợi sau nhiều trận thất bại và lẽ ra đây phải là lúc áp dụng những bài học rút ra được trong thất bại. Nhưng ông thấy đấy, Hoàng Đế không thay đổi gì cả, vẫn ham chiến. Tất cả những điều ấy sẽ chẳng đưa đến kết quả tốt đẹp gì“. Và giờ chót của Thống Chế Duroc đến. Một mảnh đại bác bắn vào cây gần chỗ Napoléon đứng đã bật vào Duroc. Duroc còn đủ sức chúc ông Hoàng Đế thắng lợi và ký được hòa ước. Napoléon trả lời: “Xin vĩnh biệt bạn, có lẽ mấy chốc mà chúng ta sẽ lại gặp nhau”.
Cái chết của Duroc, một trong số rất hiếm người được Napoléon yêu và tin cậy, đã làm cho Napoléon bị xúc động mạnh. Napoléon bất giác ngồi xuống một gốc cây: Những mảnh trái phá của quân hậu vệ Phổ rơi quanh người, nhưng Napoléon vẫn ngồi đó rất lâu, chìm đắm trong những ý nghĩ riêng. Trong chiến dịch năm 1813 này, Napoléon thường xông pha vào nơi nguy hiểm và nhất là trong những trường hợp không cần thiết một chút nào, điều đó trước đây Napoléon không bao giờ làm và đã phản lại quan niệm của Napoléon về vị trí của một người tướng tổng chỉ huy ở ngoài mặt trận. Những người ở gần Napoléon cũng nghĩ rằng ông thầm tìm cái chết và cố che giấu mọi người. Hầu như suốt trong thời gian quân Pháp truy kích, quân Nga và quân Phổ đã dùng pháo bắn lại rất mãnh liệt để yểm hộ cuộc rút lui của họ, nhưng Napoléon ngang nhiên đi với đội tiền vệ, ở chỗ nguy hiểm nhất, mặc dầu về mặt quân sự ông không cần thiết phải có mặt ở đó.
Sau trận Bautzen và sau vài ngày truy kích, hai bên tham chiến đã chấp nhận đề nghị hòa giải của nước Áo do Metternich đề xướng và, ngày 4 tháng 6 năm 1813, ký hiệp nghị đình chiến Pläswitz.
Mặc dầu, theo đề nghị của Metternich, bên phe Liên Minh cũng như Napoléon đã thỏa thuận cử đại diện toàn quyền của mình đến Prague để đàm phán, nhưng khi ký hiệp định đình chiến, cả hai bên đều không muốn có hòa bình thật sự. Quân Liên Minh biết rằng trước trận Lützen và Bautzen, Napoléon đã không chịu nhượng bộ một chút nào thì bây giờ, sau khi đã chiến thắng hai trận, lại càng không chịu; còn về phía mình, nếu như Aleksandr đã bằng lòng ký hiệp định đình chiến thì đó chỉ vì Barclay de Tolly đã tuyên bố dứt khoát là sau những thất bại, quân đội cần phải được hồi phục, củng cố đội ngũ và tăng viện. Napoléon cũng vậy, ông ta thỏa thuận đình chiến cũng chỉ nhằm tăng cường quân đội của mình để có thể đè bẹp quân Liên Minh một lần cho rồi. Đồng ý hoãn chiến, Napoléon đã phạm một sai lầm tai hại vì sự đình chiến chỉ có lợi cho đối phương, chứ không có lợi cho Napoléon, và vì nó cũng là một trong những nguyên nhân làm cho nước Áo từ bỏ vai trò trung gian hòa giải để nhảy sang hàng ngũ Liên Minh.
Đáng lấy làm lạ khi người ta nhận thấy rằng quân Liên Minh đã không nhận ra được sai lầm ấy của Napoléon, tuy rằng, sau đó khá nhiều năm, các tướng lĩnh của họ (Nga và Phổ, cũng như thái tử nước Thụy Điển Bernadotte) đều quả quyết nói rằng họ đã rất khéo biết lợi dụng hiệp ước đình chiến ngay từ buổi đầu và họ rất lấy làm hài lòng về hiệp định ấy. Tuy nhiên, chúng ta có chứng cớ không thể chối cãi được sau đây của trung tá Vladimir Ivanovic Lowenstein, người đã có điều kiện quan sát tường tận tình trạng tư tưởng đang diễn ra trong các bộ tham mưu của quân Liên Minh: Ông khẳng định rằng: “Trong quân đội Liên Minh, ở Phổ, trong các quốc gia German, nơi đâu người ta nói tiếng Đức thì nơi đó người ta than thở rằng cái hiệp định đình chiến ấy là một tai họa ghê gớm nhất”. Và, với sự châm biếm đúng đắn, Lowenstein đã thốt lên: “Ôi, trí tuệ của con người!”. Những ghi chép ấy của Lowenstein (Denkwurdigkeiten eines Livlanders), một người Đức, là một trong những tài liệu quý báu và vô tư nhất về lịch sử năm 1813, trong khi ấy thì nhiều tác giả Pháp, Nga, Áo và Thụy Điển, khi ghi chép về nó, đã vô tình hay hữu ý đưa ra nhiều điều dối trá.
Thế là hiệp ước đình chiến đã được ký kết, nhưng Napoléon không tin rằng việc đó đem lại cho ông ta những cơ hội chắc chắn để đi đến một nền hòa bình mà ông ta hằng mong mỏi, và ông ta đã kiên quyết không ký một hiệp ước đình chiến nào khác nữa. Được tất cả hoặc mất hết: Đó là khẩu hiệu của Napoléon khi khởi động cuộc chiến lớn năm 1813, và Napoléon đã theo đuổi cuộc chiến cũng với khẩu hiệu ấy. Ngay khi ở đảo Saint Helena, sau khi đã mất hết, kể cả sự tự do của mình, ông Hoàng Đế cũng không bao giờ tỏ ý mảy may tiếc rằng mình đã phạm phải sai lầm ấy, bởi đối với ông điều đó tuyệt nhiên không phải là một sai lầm. Ông nói một cách mỉa mai rằng mặc dầu ông hoàn toàn thất bại, ông vẫn có thể chiến bại trở về và ngồi vững trên ngai vàng, nếu không phải là chính ông thì là cháu đích tôn ông. Ông còn xác định nhiều lần rằng giữa ông và các vị vua chúa thừa kế tọa hưởng kỳ thành có sự khác nhau rất lớn.
Sau những khủng khiếp của chiến dịch Moscow làm cho hầu hết nhân dân Pháp chìm đắm trong đau khổ, Paris đã đón tiếp Napoléon bằng một sự khuất phục hoàn toàn. Vậy thì một sự đón tiếp như vậy ắt cũng sẽ diễn ra nếu như sau chiến dịch rực rỡ mùa xuân năm 1813, Napoléon trở về vẫn giữ được tất cả những miền đất đai rộng lớn của mình (trừ xứ Illyria vô tác dụng nằm xa lắc xa lơ tít trong vùng Balkan) mà chỉ hy sinh mất có Đại Công Quốc Warszawa và Liên Bang Sông Rhine, nơi Napoléon không trực tiếp trị vì, chỉ thông qua các chư hầu, và các nước ấy cũng chẳng phải là thành viên hợp thành đế quốc của Napoléon. Nhưng Napoléon hiểu rằng những sự nhượng bộ ấy, sự từ bỏ ý đồ hoàn thành việc xây dựng một đế quốc quy mô toàn thế giới sẽ có nghĩa là sự thắng lợi của nước Anh về mặt kinh tế và chính trị. Nhiệm vụ mà Napoléon từ đặt ra sẽ bị bỏ dở, nền thương nghiệp và công nghiệp Pháp sẽ không chống chọi được với thương nghiệp và công nghiệp Anh, cuộc khủng hoảng năm 1811 sẽ trở thành một hiện tượng mãn tính, nạn thất nghiệp cũng vậy, cuộc “cách mạng của những cái bụng rỗng”. Một cuộc cách mạng không sợ gì súng đạn, sẽ “định cư” ở các khu trung tâm thợ thuyền, ở thủ đô và ở các tỉnh; còn đối với giai cấp tư sản mà Napoléon là người cầm đầu đầy thế lực và trung thành trong cuộc đấu tranh kinh tế chống nước Anh thì Napoléon cũng chỉ là con người vô dụng. Vì cái gì mà giai cấp tư sản Pháp cứ phải tiếp tục chịu đựng sự chuyên chế chưa từng thấy của Napoléon? Và trị vì theo kiểu khác thì Napoléon không muốn mà bản chất Napoléon cũng không cho phép. Những cái đó đã thúc đẩy Napoléon phái Davout đến Hamburg, Roma, Lubeck, mang theo những lệnh nghiêm ngặt, để tiến hành những cuộc xử bắn và tịch thu tài sản vào giữa lúc Metternich đang cố hết sức thuyết phục Napoléon từ bỏ những nơi đó. Những cái đó đã làm cho Napoléon không những không nghĩ đến hòa bình và sự quay trở lại Paris, mà lại nghĩ đến một chiến dịch mới trên sông Vistula và Niemen và đã làm cho cuộc thương lượng ở Prague trở thành một màn hài kịch hão huyền. Người ta bàn với Napoléon nhượng lại Hamburg trong khi Napoléon nghĩ đến Niemen, người ta đề nghị với Napoléon bỏ Illyria trong khi Napoléon còn chưa triệu về những gián điệp và trinh sát viên do Napoléon phái đến Thổ, Ba Tư, Syria, Ai Cập trước khi bước vào chiến dịch nước Nga. Sự tranh chấp chỉ có thể giải quyết bằng súng đạn, không thể bằng những thủ đoạn ngoại giao tế nhị.
Thực tế đường lối ngoại giao của nước Áo là không muốn Napoléon chiến thắng hoàn toàn quân Liên Minh và cũng không muốn quân Liên Minh chiến thắng Napoléon, vì như vậy sẽ làm cho Nga Hoàng trở nên bá chủ. Metternich muốn hướng Napoléon vào con đường nhượng bộ, và khi vừa đến Dresden, ngày 28 tháng 6 năm 1813, Metternich đã đến yết kiến Hoàng Đế Pháp lúc ấy đang ngự ở đó.
Napoléon mở đầu bằng dọa nạt, dứt khoát buộc tội nước Áo là viện cớ đứng làm trung gian hòa giải để chuẩn bị bỏ sang hàng ngũ quân Liên Minh. “Các ngài hãy nói cho tôi rõ, có phải các ngài muốn chiến tranh với tôi không? Thì ra con người ta không thể giáo hóa được! Thì ra những bài học đường đời chẳng giúp ích gì họ cả! Bất chấp những kinh nghiệm đau đớn của họ, người Nga và người Phổ phấn khởi say sưa vì những chiến thắng mùa đông năm ngoái, đã cả gan giao chiến với tôi và tôi đã đánh cho thua, thua tơi bời, mặc dầu họ đã nói với các ngài trái hẳn lại. Thế các ngài, các ngài cũng muốn đến lượt các ngài chăng? Được, sẽ đến lượt các ngài. Tôi hẹn gặp các ngài ở Vienna, vào tháng 10”.
Rất lễ phép nhưng rất kiên quyết, Metternich biện bác rằng nước Áo không có những ý định như vậy, mà chỉ muốn có một nền hòa bình lâu dài. Và Metternich đã nêu ra những điều kiện cho hòa bình: Napoléon đồng ý nhường Illyria, Hamburg, Breme và Lubeck, Đại Công Quốc Warszawa và từ bỏ danh nghĩa bảo hộ đối với Liên Bang Sông Rhine, ngoài ra thì Napoléon sẽ giữ lại tất cả những đất đai còn lại. Napoléon đã nổi khùng: “Này, tôi đã rõ điều bí mật của các ngài, tôi biết trong thâm tâm các ngài muốn gì rồi... Người Áo các ngài muốn toàn bộ nước Ý, bạn các ngài là người Nga muốn nước Ba Lan; người Phổ muốn xứ Saxony; người Anh muốn nước Hà Lan và nước Bỉ, và nếu hôm nay tôi nhượng bộ thì ngày mai các ngài sẽ đòi hỏi những thứ mà các ngài thèm khát ấy. Nhưng muốn thế, các ngài hãy chuẩn bị gọi hàng triệu quân, hãy chuẩn bị đổ máu hết thế hệ này đến thế hệ khác và đến thương lượng ở chân đồi Montmartre”. Metternich đáp lại rằng người ta chẳng đòi hỏi Napoléon như vậy, rằng hòa bình mà người ta đề nghị với Napoléon là một nền hòa bình cao cả, vẻ vang. Napoléon bèn viện ra cái lập luận rằng đối với ông ta, nhượng bộ là nhục nhã. “Vua chúa của các ngài ra đời trên ngai vàng nên không thể hiểu được những tình cảm trong người tôi. Họ chiến bại trở về thủ đô, việc đó đối với họ chẳng sao cả. Nhưng tôi, tôi không thể nào trở về với danh dự giảm sút giữa nhân dân tôi được; tôi vẫn phải vĩ đại, quang vinh và được kính phục”.
Metternich đáp lại rằng, nếu như vậy thì chiến tranh sẽ không bao giờ kết thúc mà hiện nay toàn thể Châu Âu cũng như nước Pháp đã bị chiến tranh làm kiệt quệ và cần có hòa bình. “Tâu Hoàng Thượng, tôi vừa đi qua các trung đoàn của Hoàng Thượng,binh lính của Hoàng Thượng là những thiếu niên. Hoàng Thượng đã trưng binh trước tuổi và đã gọi vào quân ngũ một thế hệ vừa mới đến tuổi thành niên; thế hệ này một khi bị cuộc chiến tranh hiện nay hủy hoại đi thì rồi Hoàng Thượng có còn gọi lính trước kỳ hạn được nữa hay không? Liệu Hoàng Thượng có gọi đến thế hệ trẻ hơn họ nữa hay không?” Trong tập ký ức của mình, Metternich kể lại rằng lúc đó Napoléon phát điên phát khùng quẳng mũ xuống đất thét lên: “Ngài không phải một người lính, thưa ngài, ngài không có tâm hồn của một người lính; ngài chưa sống trong trại lính, ngài chưa học cách xem thường tính mạng của người khác và của ngài khi cần đến 20 vạn người làm được cho tôi những gì?”. Đó là những lời trơ tráo nhất mà Napoléon đã thốt ra để lăng nhục đối phương trong một cơn thịnh nộ. “Dẫu sao thì những người Pháp mà máu của họ đang được ngài bảo vệ đã không oán trách tôi lắm đâu. Đúng là tôi đã mất 20 vạn quân ở nước Nga, trong số đó có 10 vạn lính Pháp, những người lính ưu tú; tôi tiếc những người đó... đúng, tôi rất tiếc họ, còn những người khác, họ là người Ý, người Ba Lan, và chủ yếu là người Đức”, Napoléon nói tiếp và kèm vào tiếng cuối cùng ấy một điệu bộ khinh bỉ. “Thì cứ cho là thế" Metternich đáp lại, “nhưng thưa Bệ Hạ, chắc Bệ Hạ cũng đồng ý rằng đây không phải chuyện bênh vực riêng gì một người Đức nào”.
Sau những lời tuyên bố như thế, đương nhiên là cuộc gặp gỡ không đưa đến kết quả gì. Napoléon đã soi mói nhận xét rằng nước Áo đã khoác lác về lực lượng quân sự của họ, và khi Metternich yêu cầu Napoléon cho phép tiến hành đứng trung gian điều giải về mặt ngoại giao theo những quy định sẵn thì Napoléon đã nói rằng: “Chà, ngài cố tình, ngài vẫn cứ muốn cưỡng bức tôi. Này, ngài Metternich, nước Anh đã đãi ngài bao nhiêu để gây chiến với tôi. Thôi được! Chiến tranh thì chiến tranh! Nhưng thôi, xin tạm biệt, gặp nhau ở Vienna!”. Trong cơn thịnh nộ, Napoléon còn hỏi Metternich rằng nước Anh đã cho ông ta bao nhiêu để đóng vai trò này với Napoléon.
Khi Metternich cáo từ và đi ra thì Thống Chế Berthier - một người rất khao khát hòa bình và coi những điều kiện mà Metternich đưa ra là những điều hoàn toàn có thể chấp nhận được và rất vẻ vang - đã hỏi Metternich về kết quả cuộc hội đàm. “Tôi cam đoan với ông rằng thủ lĩnh của ông mất trí rồi" - Metternich đáp.
Mặc dầu cảnh kịch ấy đã diễn ra (trong đó, ngoài những lời tuyên bố khác ra, Napoléon còn nói rằng ông ta đã gia ơn cho nước Áo khi kết hôn với Marie Louise, và đó là một “sự điên rồ” của ông ta) nhưng cuối cùng Napoléon cũng đã chấp nhận việc nước Áo đứng trung gian hòa giải, tuy không có sự giao ước chính thức nào. Ngày 12 tháng 7 năm 1813 trong khi các viên đại diện toàn quyền Nga, Phổ và Áo hội họp ở Prague theo lời mời của Metternich và đang đàm phán mất thời gian vô ích thì quân đội của Napoléon được tăng cường, nhưng tình hình chính trị chung thì lại trở nên nghiêm trọng rõ rệt. Giữa lúc ấy, những tin tức về tình hình nguy khốn và thất trận của Pháp ở Tây Ban Nha bay tới. Quân Anh và quân du kích Tây Ban Nha đã đuổi quân Pháp đến tận dãy núi Pyrenées. Wellington đã chiến thắng ở Vittoria.
Biết trước là cuộc đàm phán ở Prague sẽ không đi đến kết quả gì và hơn nữa cũng không muốn đi đến kết quả, nên Napoléon đã cố tình kéo dài sự việc. Các đại diện toàn quyền Nga và Phổ, ngay cả Metternich, đều lấy làm bất bình và nổi giận trước những thủ đoạn đàm phán ấy. Các viên đại diện đó đã ở Prague từ ngày 12 tháng 7, mà người Pháp thì vẫn chưa thấy đến và không ngừng thọc gậy bánh xe.
Sau cuộc hội đàm của Metternich và Napoléon người Áo không còn do dự gì nữa. Metternich nói thẳng với đại diện toàn quyền Pháp là Narbonne rằng nếu Hội Nghị Prague không được nhóm họp trước khi hiệp định đình chiến hết hạn, nghĩa là vào ngày 10 tháng 8 thì nước Áo sẽ gia nhập Liên minh.
Các cuộc đàm phán đó tuyệt nhiên không mang lại kết quả gì. Napoléon đã chỉ thị trước cho bá tước Narbonne:
1. Kéo dài các vấn đề nhằm ngăn cản các hội nghị đi vào bàn bạc.
2. Trong trường hợp không ngăn cản được hội nghị thì không được có một chút nhân nhượng nào, và nắm chắc nguyên tắc ngoại giao biểu thị bằng công thức latin: “Uti possidetis” (ai chiếm được đâu thì ở đó).
Narbonne, Caulaincourt, Fouché, Savary, Berthier và hầu hết các Thống Chế khác đều khẩn khoản xin Hoàng Đế ký hòa ước. Mọi cố gắng của họ đều vô hiệu quả. Savary, Bộ Trưởng Bộ Công An mà Napoléon phong cho làm công tước xứ Rovigo, dám nói với Hoàng Đế rằng nhân dân bị điêu đứng vì gánh nặng của những cuộc chiến tranh liên tục và rất đang lấy làm lo rằng cuối cùng họ sẽ phẫn nộ nổi lên chống lại vị chúa tôn kính của họ. Lập tức viên Bộ Trưởng Bộ Công An nhận được mệnh lệnh phải im lặng và “không được can thiệp vào những vấn đề mà hắn không biết”.
Ngày 10 tháng 8 hiệp định đình chiến kết thúc, và ngày 11, Metternich thông báo tin nước Áo tuyên chiến với Napoléon. Ở London và trong hàng ngũ Nga - Phổ, mọi người đều hân hoan vui mừng. Bắt đầu từ đây, lực lượng của Khối Liên Minh trội hơn hẳn lực lượng của Napoléon.
Đoạn kết của chiến dịch năm 1813 đang đến gần. Ở Nga, ở Phổ và ở Áo người ta liên tiếp động viên tân binh. Người ta đưa hết lực lượng dự trữ ra mặt trận, người ta căng hết sức lực. Nước Anh một lần nữa cởi nút túi tiền, không keo kiệt bủn xỉn tiếc đồng vàng lá bạc cần thiết cho việc củng cố Khối Liên Minh, cũng như tăng cường cho Wellington ở Tây Ban Nha. Kể cả những lực lượng dự bị, bây giờ Khối Liên Minh có gần 85 vạn binh lính, và Napoléon kể cả đội dự bị, có gần 55 vạn quân.
Đại nguyên soái Áo Schwarzenberg được bổ nhiệm làm tổng chỉ huy Quân Đội Liên Minh. Napoléon không sợ Schwarzenberg chút nào. Quân Nga không còn Kutuzov và Bagration nữa và bây giờ Hoàng Đế đánh giá số tướng lĩnh còn lại của họ cũng chẳng hơn gì năm 1812. Napoléon đánh giá khá cao một số người đã chiến đấu ở Smolensk và Borodino, song, nói chung Napoléon đánh giá quá thấp Bộ Tham Mưu Nga. Chẳng hạn Napoléon cho rằng phương pháp chỉ đạo các cuộc hành binh suốt trong quá trình rút lui khỏi Moscow là hoàn toàn ngu xuẩn, và Napoléon xác định rằng, như ông đã từng nhắc mãi cho đến khi chết, chỉ có những khoảng không gian vô hạn, việc đốt cháy thành Moscow, mùa đông khủng khiếp và cái sai lầm mà chính bản thân Napoléon mắc phải trong khi chiếm đóng Moscow và lần lữa ở lại đó mới là những nguyên nhân làm cho chiến dịch bị thất bại; còn như các tướng lĩnh, các nhà chiến lược, chiến thuật Nga, theo ý Napoléon đều không có khả năng lợi dụng kịp thời một chút nào những hoàn cảnh và cùng thuận lợi cho họ. Năm 1813, Napoléon đánh giá người lính Nga còn cao hơn năm 1807, sau trận Eylau, trên cả những người lính khác trong Khối Liên Minh. Còn đối với nước Phổ, Napoléon coi cũng chẳng hơn gì nước Áo và nước Nga, ông ta không thấy trong hàng ngũ họ tay địch thủ nào khả dĩ đáng sợ về nghệ thuật chiến tranh.
Nhưng Napoléon biết rằng Bernadotte (người đã trở thành kẻ thù của Napoléon vào năm 1813) với tư cách là thái tử nước Thụy Điển, đã khuyên Aleksandr đệ nhất và các vua chúa các nước Liên Minh cầu cứu tướng Moreau, một tướng tài mà năm 1804 đã bị kết án vì liên quan vào vụ âm mưu George và Pichegru, rồi bị trục xuất khỏi nước Pháp và từ đó sống ở Châu Mỹ. Là kẻ thù không đội trời chung với Napoléon, Moreau đã sang hàng ngũ của Aleksandr đúng vào lúc chiến sự tiếp diễn, sau khi Hội Nghị Prague bị thất bại.”Không nên xông vào những cánh quân nào mà chính Napoléon có mặt ở đó, chỉ nên đánh vào các Thống Chế”, đó là lời khuyên đầu tiên của Moreau với Aleksandr và quân Liên Minh. Nhưng mọi việc đều làm cho người ta thấy lương tâm của kẻ phản bội ấy không để cho hắn yên, mặc dầu hắn đã tự an ủi bằng cách cho rằng hắn không đánh lại nước Pháp mà chỉ đánh lại kẻ áp bức nước Pháp. Tướng Nga, hoàng thân Repnin, được chứng kiến cảnh tượng nổi bật sau đây: Gặp một người lính Pháp già bị bắt làm tù binh, Moreau liền bắt chuyện, nhưng nhận ra được người tướng trước đây đã từng chỉ huy quân đội của nước Pháp, bây giờ lại giúp đỡ kẻ thù của Tổ Quốc mình, người lính già đó lánh xa Moreau mấy bước và hô lên: “Nền Cộng Hòa muôn năm”. Người lính già chỉ còn thấy ở người tướng Cộng Hòa ấy là một kẻ phản bội mà lão chẳng thèm bắt chuyện. Với thái độ mơn trớn, Aleksandr đệ nhất tỏ ra hết sức chăm chút quý mến Moreau, và nhất quyết giao cho Moreau vai trò chính.
Trước hết, Hoàng Đế Nga quý trọng Moreau vì với tài chiến lược của Moreau thì Moreau là người duy nhất xứng đáng gọi là địch thủ của Napoléon, sau nữa là sự có mặt của Moreau ở tổng hành dinh của quân Liên Minh có thể gây ra một sự dao động nào đó trong quân đội Pháp, vì đến tận bây giờ Moreau vẫn giữ được tiếng tăm của một người tướng Cộng Hòa hoàn hảo, bị nghi oan trong vụ Cadoudal và đã bị Napoléon trục xuất. Nhưng trong thời đại ấy, đối với binh lính Pháp, đối với quân đội thì các khái niệm nước Pháp, đế chế, Hoàng Đế, Tổ Quốc chỉ là một; khi họ đứng trước quân thù, trước sự can thiệp của nước ngoài, trước bọn Bảo Hoàng, trước bọn lưu vong thì họ coi tất cả bọn chúng cũng chỉ là một mà thôi, và Nga Hoàng đã tính sai. Về mặt tinh thần, dưới con mắt của binh lính Pháp, người được Nga Hoàng nâng đỡ đã không còn sống nữa ngay từ khi hắn vừa bước sang hàng ngũ quân địch. Lẽ ra Aleksandr định để Moreau đứng đầu chỉ huy Quân Đội Liên Minh thay Schwarzenberg nhưng chính Moreau lại đề nghị tổng chỉ huy quân đội là Aleksandr còn Moreau làm tham mưu trưởng, như vậy có ngược thực tế Moreau nắm quyền chỉ huy tối cao. Nhưng số mệnh lại đã quyết định hoàn toàn khác.
Sau khi chiến sự tiếp diễn, trận đánh lớn đầu tiên là trận Dresden (27 tháng 8 năm 1813). Ở đây, Napoléon đã giành được một trong những chiến công rực rỡ nhất. Trong trận này, quân Liên Minh thiệt hại chừng 2 vạn rưỡi người chết, bị thương và bị bắt, và Napoléon mất gần 1 vạn. Quân Đội Liên Minh rút lui rất trật tự, trừ một vài quân đoàn bỏ chiến trường chạy trốn, bị kỵ binh truy sát gót. Cả hai bên đều sử dụng lực lượng pháo binh mạnh mẽ, và toàn bộ trận đánh đã diễn ra trong cơn sấm sét liên hồi của 1 nghìn 2 trăm khẩu pháo. Vào lúc ác liệt nhất, khi cánh trái của quân Liên Minh đã hoàn toàn bị đánh bại, đích thân Napoléon đứng ở trung tâm chỉ huy pháo binh, trên đồi Rohnischa, thấy bên trận địa quân địch có một toán kỵ binh, Napoléon bèn hạ lệnh cho một khẩu đội ngắm bắn. Ở giữa toán kỵ binh đó là Hoàng Đế Aleksandr, lần đầu tiên làm tròn nhiệm vụ tổng chỉ huy Quân Đội Liên Minh, bên cạnh Aleksandr là Moreau. Những viên đại bác đầu tiên bắn vào dúm người đó, theo lệnh của Napoléon, đã làm gãy hai chân của tướng Moreau và vài hôm sau thì Moreau chết. Trong hàng ngũ quân Pháp cũng như trong hàng ngũ quân Liên Minh người ta thêu dệt ra rằng Moreau bị chết bởi một viên đạn của khẩu pháo do chính tay Napoléon nhắm bắn, sau khi Napoléon nhận ra kẻ “phản bội” qua ống nhòm. Dầu sao thì quân Liên Minh cũng đã hoàn toàn thua ở Dresden và cái chết hết sức đột ngột của Moreau, nhà chiến lược có tài nhất của quân Liên Minh, cũng đã giáng cho họ một đòn ác liệt. Bị đánh bại ở Dresden, quân Liên Minh đã rút bằng nhiều đường về phía núi Kim Khi (Ore Mountains).
Trong những ngày sau, các Thống Chế Marmont, Victor, Murat, Saint Cyr, tướng Vandamme, được phái đi truy kích, còn bắt được hàng nghìn tù binh Nga, Phổ và Áo. Nhưng vì Vandamme quá hăng nên đã tách rời khỏi quân chủ lực tiền vệ và đã bị đánh tan ở Kulm vào những ngày 29 và 30 tháng 8; trong trận này, Vandamme bị thương và bị bắt làm tù binh cùng với một phần quân đội. Thắng lợi này lại cổ vũ tinh thần quân Liên Minh đã bị suy sụp từ sau trận Dresden. Đối với Napoléon, phải đương đầu cho vững và không ký hòa ước, dù có bị thua, đó lại là một trong những lời khuyên răn mà Moreau còn kịp nói với quân Liên Minh trước khi Moreau chết. Quân Liên Minh nhận thấy rằng, nếu như trước sau Napoléon vẫn là một thiên tài thì binh lính của ông ta nay không phải là những người như trước. Những đứa trẻ 18 đến 19 tuổi không thể thay thế được những quân đoàn vô địch, những đội quân gang thép mà Napoléon đã cùng với họ chiến đấu ở Ai Cập, ở Syria và đã chinh phục được Châu Âu, cũng không thể thay thế được các đội quân mà Napoléon đã dẫn đến Moscow và đã vung vãi hài cốt của họ trên các chiến trường. Chính Napoléon cũng biết điều đó. Napoléon còn thấy được một khó khăn khác. Cái nguyên tắc mà Napoléon đã xây dựng nên, một thứ nguyên tắc đã trở thành cổ điển sau thời Napoléon và đã được mang ra giảng dạy qua tất cả các giáo trình chiến lược và chiến thuật, nói rằng bí quyết của nghệ thuật chiến tranh là ở chỗ phải tập trung mạnh hơn địch vào thời gian và địa điểm cần thiết, nay đã bị chính Napoléon vi phạm, bởi vì bây giờ mọi vấn đề đều tuỳ thuộc vào cái chiến dịch Saxony này. Davout, người cầm đầu những lực lượng đông đảo, một trong những tướng lĩnh ưu tú nhất của Napoléon, bây giờ ở đâu? Đang bắn giết những thương gia ở Hamburg. Những phân đội bộ binh, kỵ binh và pháo binh quan trọng có thể giúp ích cho Napoléon trong trận quyết định sắp tới, bây giờ ở đâu? Ở Danzig, ở miền Bắc nước Đức, ở miền Nam và miền Trung nước Ý, ở Tây Ban Nha. Gọi họ về thì khác gì tự tay Napoléon làm tan rã cái đại đế quốc chỉ có thể đứng vững được bằng sức mạnh của các đồn ải, không gọi về thì cũng sẽ đi đến kết quả như vậy, bởi vì Napoléon sẽ không thể tránh được thất bại khi quân Liên Minh tiến công; quả là Khối Liên Minh thiếu tướng tài kể từ khi Moreau chết nhưng họ điều ra trận tuyến một số quân gần gấp đôi số quân của Napoléon.
Những mâu thuẫn sâu sắc và bế tắc ám ảnh tâm trí Napoléon. Đường đến Berlin hiện ra đầy gian khổ, khó khăn. Bernadotte với quân lính Thụy Điển và Bülow với một bộ phận của quân đội Phổ đã đánh lui được những sư đoàn Pháp, trong đó có rất nhiều quân của các nước chư hầu của Napoléon như quân Bavaria, Saxony và những nước khác và càng ngày họ càng trở nên không tin cậy được, họ đào ngũ hàng trăm người một và không chịu chiến đấu với lý do duy nhất là không chống lại những người Đức khác để phục vụ những mưu đồ của Napoléon mà họ không biết. Ngày 23 tháng 8, ở Großbeeren, Thống Chế Oudinot bị đánh bật lại trên đường đi tiến công Berlin, Trên đường đi Silesia, MacDonald cũng đã bị thất bại ở Katzbach. Ngày 4 tháng 9, Murat tiến công Blücher làm cho Blücher thua chạy nhưng lại không tiêu diệt được Blücher. Ngày 6 tháng 9, Ney bị thất bại ở Dennewitz. Từ nay trở đi, Napoléon hoàn toàn không còn trông cậy gì được vào lính Đức trong quân đội của mình nữa: Ney đã phải rút lui chỉ vì lính Saxony trong quân đoàn của Ney bỏ chạy từng mảng khi có cơ hội. Napoléon cũng không hài lòng về các Thống Chế của ông ta. “Các tướng lĩnh và sĩ quan mệt mỏi vì chiến tranh, đã không còn có cái hành động đã giúp họ làm nên những việc lớn khi xưa”, ngày 8 tháng 9 năm 1813, Napoléon viết như vậy cho Clarke, Bộ Trưởng Bộ Chiến Tranh, khi ông ta ra lệnh cho Clarke củng cố và tiếp tế cho các cứ điểm ở Renania.
Tháng 9 trôi qua, không xảy ra sự kiện quyết định nào, nhưng Napoléon cũng như quân Liên Minh còn muốn đọ sức nhau bằng một trận tổng công kích vào trước mùa đông.
Phong trào giải phóng dân tộc lan rộng trên toàn cõi nước Đức. Những đội du kích của hội sinh viên Đức yêu nước và các hội yêu nước khác đã bắt đầu xuất hiện. Thanh niên tư sản, sinh viên Phổ, Saxony, sinh viên các quốc gia trong Liên Bang Sông Rhine, sinh viên Westphalia, bây giờ ai nấy đều hăng say hoạt động cho công cuộc giải phóng nước Đức thoát khỏi ách ngoại bang.
Napoléon tích cực chuẩn bị chiến dịch mùa thu. Nhưng Napoléon đã thấy trước rằng dù ông ta có thắng trận thì chiến tranh cũng không thể kết thúc ngay được bởi ông ta đã quyết tâm không nhượng bộ một chút nào và hiểu rằng với những lực lượng dự bị hùng hậu, quân Liên Minh cũng không chịu là kẻ bại trận dù rằng họ bị thất bại. Napoléon liền quyết định cho gọi thêm 28 vạn thanh niên mới lớn lên, lẽ ra đến năm 1815 mới đến tuổi đăng lính. Lời tiên đoán của Metternich đã trở thành hiện thực: Cửa các trại lính lại khép lại, bên trong nhốt những chú bé tân binh.
Ngay từ những ngày đầu tháng 10, người ta thấy quân đội đối phương bắt đầu tiến hành những cuộc hành binh phức tạp, cùng với những trận đánh nhỏ, những cuộc tiến công cục bộ, những cuộc rút lui. Trong những ngày đau đớn ấy đối với Napoléon, sự hoạt động của ông để chỉ đạo, kiểm tra và tìm tòi thêm mỗi ngày những mưu chước, thủ đoạn chiến tranh mới thật đáng kinh ngạc.
Quân Nga lúc đó đã tràn vào chiếm vướng quốc Westphalia, và vua Jérôme chạy trốn. Xứ Bavaria phản bội và chạy sang với phe Liên Minh. Napoléon buộc phải gấp rút mở đợt tổng công kích và phải thắng trận. Napoléon đã nói như vậy, và hẳn là ông ta hiểu được ý nghĩa bi thảm của sự kiện; các nước chư hầu đã bắt đầu phản bội ông, họ không cần đợi chờ kết quả của những trận đánh sắp tới.
Ngày 16 tháng 10 năm 1813, trên cánh đồng Leipzig đã diễn ra trận đánh lớn nhất trong suốt cuộc đời võ nghiệp của Napoléon: “Trận các quốc gia”, như ở nước Đức lúc bấy giờ người ta thường gọi. Ròng rã ba ngày 16, 18 và 19 tháng 10 ở Leipzig, Napoléon đã chống lại cuộc liên minh của người Nga, người Áo, người Phổ và người Thụy Điển. Ngoài người Pháp ra, trong quân đội của Napoléon còn có người Ba Lan, Saxony, Hà Lan, Ý, Bỉ, người Đức của Liên Bang Sông Rhine. Khi vào cuộc chiến, Napoléon có 15 vạn rưỡi quân và bên Liên Minh có 22 vạn. Khi trời vừa tối, hai bên cầm cự rất găng và chưa phân thắng bại. Trong ngày đầu ấy, Napoléon mất gần 3 vạn quân, số thương vong của quân Liên Minh lên tới gần 4 vạn.
Người ta chờ đợi ngày hôm sau. Suốt đêm, Napoléon và quân Liên Minh đều nhận được tiếp viện. Sáng ngày thứ hai, Napoléon giao chiến với số quân tiếp viện là 1 vạn rưỡi, trong khi đó thì 11 vạn quân của quân đội miền Bắc, dưới quyền chỉ huy của Bernadotte và Bennigsen, đã đến tiếp viện kịp quân Liên Minh. Trời vừa sáng, Napoléon đi thăm bãi chiến trường ngày hôm trước cùng Murat. Murat đã lưu ý Napoléon rằng kể từ trận Borodino đến nay chưa bao giờ người ta thấy cảnh tàn sát như vậy. Buổi sáng ngày 17 tháng 10 đã có lúc Napoléon nghĩ đến việc rút lui, nhưng cuối cùng lại quyết định ở lại. Napoléon sai dẫn tướng Áo Merveldt, bị bắt làm tù binh từ hôm trước đến và đề cập với Merveldt về vấn đề hòa bình với nước Áo. Merveldt nói rằng ông ta biết là nước Áo hiện nay muốn hòa bình và nếu Napoléon “vì hạnh phúc của thế giới và của nước Pháp” đồng ý thì có thể ký kết ngay được.
Cả ngày 17 tháng 10 được dành cho việc chuyển thương binh và chuẩn bị để lại tiếp tục chiến đấu. Sau một hồi lâu do dự, Napoléon quyết định rút về tuyến sông Pleisse, nhưng trước khi Napoléon kịp thực hiện cuộc hành quân ấy thì chiến sự đã nổ ra vào sớm ngày 18 tháng 10. So sánh lực lượng đã biến đổi có lợi cho quân Liên Minh. Ngày 16 tháng 10, sau khi mất khoảng 4 vạn quân thì ngày 17 và trong đêm 18 họ đã nhận số quân tiếp viện hùng hậu: Để tiếp tục chiến đấu ngày hôm đó họ đã điều ra trận địa số quân đông gần gấp đôi của Napoléon. Trận đánh ngày 18 đã diễn ra kinh khủng hơn cả trận đánh ngày 16. Giữa lúc giao chiến, toàn bộ quân đội người Saxony, chiến đấu miễn cưỡng trong hàng ngũ Napoléon, đột nhiên bỏ chạy sang hàng ngũ quân Liên Minh và quay súng bắn vào quân Pháp, những người mà vừa đây họ còn chung mục đích. Tuy vậy, Napoléon vẫn tiếp tục chiến đấu, chiến đấu với một nghị lực tàn bạo, bất chấp tình thế tuyệt vọng. Khi tiếng súng câm lặng cùng với bóng chiều đổ xuống thì hai bên lại mặt đối mặt và chiến sự vẫn chưa kết thúc. Nhưng rồi đoạn chót đã đến vào đêm 18 rạng ngày 19. Sau những tổn thất kinh khủng mà Napoléon lại vừa chịu đựng và sau sự phản bội của binh lính Saxony, Napoléon không thể đương đầu được nữa. Ông quyết định đánh rút lui. Cuộc rút lui bắt đầu vào ban đêm và kéo dài suốt cả ngày 19 tháng 10, trong ngày hôm đó Napoléon đã rút khỏi Leipzig, vừa đánh vừa rút về phía Tây và bị quân Liên Minh đuổi gấp. Trận đánh thật là đẫm máu chưa từng thấy vì ở trong các đường phố và ở các cửa ô, quân rút lui ùn lại đông nghịt. Napoléon đã hạ lệnh phá các cầu đã đi qua, nhưng vì một sự lầm lẫn, công binh đã cho nổ mìn quá sớm, trong khi ấy gần 2 vạn 8 nghìn quân (quân Ba Lan) chưa qua được. Tướng Ba Lan là Thống Chế Poniatowski, chỉ huy quân đoàn Ba Lan, bị thương, đã chết đuối khi thúc ngựa cố vượt sông Elster. Nhưng chẳng mấy chốc, cuộc truy kích cũng ngừng lại. Napoléon cùng với quân đội rút về sông Rhine.
Tổng số thiệt hai của quân Pháp, từ ngày 16 đến ngày 19 tháng 10 ít nhất là 6 vạn rưỡi người và quân Liên Minh cũng đã mất vào khoảng 6 vạn. Nhiều ngày sau đó ở những vùng lân cận thành phố Leipzig còn vang lên những tiếng kêu ghê rợn của những binh sĩ bị thương nặng, và mùi hôi thối không thể chịu nổi của những xác chết đã rữa xông lên ngột ngạt khắp vùng. Không có người để thu dọn chiến trường, không có nhân viên y tế để cứu chữa các thương binh và những người bị què cụt.
Từ Leipzig, Napoléon lui về tận biên giới nước Pháp, về đến tận tuyến sông Rhine, nghĩa là tuyến ngăn đôi nước Pháp và đế quốc Đức trước khi có những cuộc xâm lược của Napoléon. Xung quanh nhân vật Napoléon nền hội họa Pháp đã nhiều lần gợi lại cái giờ phút báo ứng ấy của định mệnh và những biến cố xảy ra đầu năm 1814. Nét bút thiên tài của Meissonier đã nắm được tâm trạng của Napoléon: Ông miêu tả Napoléon ngồi trên mình ngựa đi bước một giữa những người lính già và hướng cặp mắt buồn rượi nhằm vào một vật vô hình đằng trước họ. Vào cuối tháng 10 ấy và trong những ngày đầu tháng 11 năm 1813, tức là vào giữa giai đoạn cuối của chiến dịch Saxony và giai đoạn đầu của chiến dịch Pháp, một cuộc đấu tranh khủng khiếp và chắc chắn là đau xót đã diễn trong tâm can của con người đó, cuộc đấu tranh mà Napoléon không hề nói với một ai trong đám tuỳ tùng đi giữa hàng quân thưa thớt của đội cựu cận vệ kỵ binh nhưng nó đã hiện rõ trên nét mặt nghiêm nghị và cặp mắt ủ dột của ông ta.
Lần đầu tiên, Napoléon buộc phải hiểu rằng đại đế quốc đã sụp đổ: Cái khối những quốc gia và dân tộc không đồng nhất, tạp nham, mà Napoléon đã cố công gắng sức nhào nặn thành một quốc gia độc nhất bằng thép và lửa trong bao nhiêu năm, nay đang rã rời nát vụn. Murat, người Thống Chế, người chỉ huy kỵ binh của ông, người anh hùng của biết bao chiến trận, người được ông phong cho làm vua xứ Naples nay lìa bỏ ông. Murat bỏ đi, và Napoléon biết Murat ra đi là để phản bội ông, biết Murat đã bí mật đứng về phía quân Liên Minh để giữ lấy ngai vàng. Anh Napoléon là Joseph bị quân Anh và nghĩa quân Tây Ban Nha đuổi ra khỏi bán đảo Tây Ban Nha. Em là Jérôme, vua xứ Westphalia đã trốn khỏi Kassel. Davout bị quân Nga và Quân Phổ bao vây ở Hamburg. Nền thống trị của nước Pháp ở Hà Lan đang lung lay nghiêng ngửa. Nước Anh, nước Nga, nước Áo, nước Phổ chưa dồn được nước Pháp trở về biên giới cũ thì còn chưa chịu. Đại đế quốc, sự nghiệp của Napoléon, đã đến giờ chót: Nó đang tan rã ở khắp mọi nơi.
Napoléon hãy còn 10 vạn quân, trong đó 4 vạn sẵn sàng chiến đấu được. Chỉ phải trang bị và tổ chức biên chế số quân còn lại. Ông cũng còn một số quân đóng đồn ở Danzig, Hamburg và rải rác trong các vùng của Châu Âu còn trung thành với đế chế, tổng số khoảng từ 15 đến 18 vạn quân. Những tân binh thuộc lớp năm 1815, đã gọi nhập ngũ năm 1813, đang được huấn luyện cấp tốc ở trong các trại lính.
Napoléon vẫn chưa chịu giảng hòa. Ông ta còn nghĩ đến giai đoạn chiến đấu mới, và khi ông ta nói với các Thống Chế để phá vỡ sự yên lặng não nề của mình thì đó chỉ là để ra các lệnh mới. Hồi này, Napoléon quyết định đưa Giáo Hoàng về La Mã, cho Ferdinand, vua nước Tây Ban Nha, bị cầm tù từ năm năm nay được trở về nước.
Đã phải tổn thất 12 vạn rưỡi người của cả hai bên ở Leipzig và nhất là đã phải có cuộc rút lui sau lần tàn sát rùng rợn như vậy, Napoléon mới hiểu được rằng một trận đánh lớn không thể cứu vãn tất cả những gì đã xảy ra, không thể xoá nhòa hình ảnh Borodino, đám cháy thành Moscow, đại quân bị chôn vùi trong tuyết, sự phản bội của nước Phổ, nước Áo, xứ Saxony, xứ Bavaria, vương quốc Westphalia, không thể thanh toán những hậu quả của trận Leipzig, không thể giải quyết cuộc chiến tranh mà nhân dân Tây Ban Nha đang đương đầu, và đánh bật Wellington cùng quân Anh ra biển. Mãi đến tận tháng 6, tháng 8, tháng của cái năm 1813 khủng khiếp ấy, khi hỏi Metternich đã nhận bao nhiêu tiền của người Anh, Napoléon vẫn còn có thể giậm chân, đùng đùng nạt nộ, lăng mạ Hoàng Đế Áo Francis, khiêu khích nước Áo, phá vỡ các cuộc đàm phán hòa bình, chỉ nghĩ đến phải nhượng lại miền Illyria ở phía Nam hoặc những thành phố đồng minh thương nghiệp ở miền Tây Bắc nước Đức mà đã nổi khùng lên; Napoléon vẫn có thể tiếp tục thiêu đốt hàng hoá Anh bị tịch thu, bắn giết những Thượng Nghị Sĩ của thành phố Hamburg, nói tóm lại là Napoléon vẫn có thể tiếp tục xử sự tuồng như năm 1812 ông ta đã chiến thắng quân Nga trở về, và tuồng như vào năm 1813 vấn đề chỉ là trừng phạt nước Phổ dấy nghĩa.
Nhưng sau trận Leipzig, khi về đến gần biên giới nước Pháp cũ, đằng sau là quân địch đông như kiến cỏ đang bám gót, Napoléon thấy cần phải xét lại tất cả tư tưởng chính trị của mình. Nước Pháp đang bị đe dọa xâm lược, phải bảo vệ lấy lãnh thổ của nó.
Trước khi tới sông Rhine, ngày 30 tháng 10, ở Hanau, Napoléon còn phải dùng vũ khí với người Bavaria và người Áo, trước đây là đồng minh với ông, để mở đường máu, và ngày 2 tháng 11 năm 1813 khi tới Mainz ông Hoàng Đế chỉ còn 4 vạn quân có thể chiến đấu được. Theo sau họ là một bầy người bị tước mất vũ khí, kiệt sức và ốm yếu ùa vào thành phố, họ là những người không đáng kể đến nữa, mặc dầu họ vẫn có tên trong những bản báo cáo thực lực quân số.
Trung tuần tháng 11, Napoléon về tới Paris. Chiến dịch năm 1813 kết thúc, chiến dịch năm 1814 bắt đầu. Liếc nhìn qua sổ tổng kê, có thể nhận thấy ngay được rằng ngoài nửa triệu người mất trong năm 1812 (con số ước lượng), nước Pháp còn mất thêm hàng chục vạn người nữa do cuộc trưng binh cướp đi và bị tiêu diệt trong năm 1813. Nhưng chiến tranh còn tàn phá ác liệt hơn bao giờ hết, và đại bác đã gầm rú ở biên giới nước Pháp. Nước Pháp đang chịu đựng một cuộc khủng hoảng kinh tế mới, giống như cuộc khủng hoảng mà cái đế quốc ấy đã trải qua vào nửa đầu năm 1813. Nhưng lần này, vấn đề không phải là cứu vãn một phần thất nghiệp bằng tiền trợ cấp của Nhà Nước nữa và tuyệt không có hy vọng gì chấm dứt ngay được nó. Năm 1813, trong khi Napoléon đang chiến đấu ở Đức thì cảnh binh Parat đã bắt đầu để ý và ghi vào các bản báo cáo sự tái phát của một hiện tượng mà đúng là người ta đã nói đến một cách rất bí mật vào năm 1811: Thợ thuyền công khai bàn tán, biểu thị sự bất bình và bắt đầu nói những “lời lẽ phá hoại”.
Còng lưng quá lâu dưới bàn tay sắt của nền chuyên chế quân phiệt và trong hơn 18 năm trời (kể từ Tháng Nảy Mầm và Tháng Đồng Cỏ năm 1795) không mưu đồ được một hoạt động có tổ chức nào, dưới sự thôi thúc ngày càng mạnh của túng thiếu và thất nghiệp, các vùng ngoại ô thợ thuyền bắt đầu lên tiếng kêu ca phàn nàn. Nhưng điều đó không thể dẫn đến một cuộc bạo động làm sống lại dù chỉ là một chút các cuộc bạo động Tháng Nảy Mầm và Tháng Đồng Cỏ trước đây, cũng không thể dẫn đến những cuộc biểu tình lớn. Và như vậy, không phải chỉ bởi công tác do thám đã được nâng lên tới mức hoàn thiện nhất dưới thời Fouché, và nay, dưới thới Savary - công tước xứ Rovigo thừa kế - vẫn giữ được nếp cũ; cũng không phải vì bọn cảnh binh đông nhung nhúc và bọn lính tuần tra ngày đêm cưỡi ngựa dạo khắp thành phố, lượn đi lượn lại qua những vùng ngoại ô Saint Antoine, Saint Marceau, qua khu phố Tu Viện Cũ, đường phố Molfetta; càng không phải vì quần chúng thợ thuyền không đắng cay cơ cực và không bừng bừng phẫn nộ chính quyền. Những điều đó đang diễn ra, Napoléon là kẻ sửa đổi cuốn “tiểu bạ công nhân”, tiểu bạ ấy đặt người lao động vào vị trí hoàn toàn lệ thuộc và giao phó hẳn họ cho chủ tha hồ sử dụng; hàng năm trong khi đòi hỏi thuế máu, ban đầu thì Napoléon đã tuyển những tân binh đến tuổi trưởng thành, nhưng giờ đây Napoléon cướp đoạt những đưa trẻ tuổi 18 và đã dùng hàng chục vạn đứa để bón cho những cánh đồng xa xăm của những lò sát sinh rải rác khắp nơi trên thế giới. Napoléon, kẻ đã cướp hết của thợ thuyền mọi phương tiện để chống trả với sự bóc lột của bọn chủ, không có lý gì để trông cậy vào sự ủng hộ của các tầng lớp lao động.
Nhưng bây giờ đây, cũng như vào những ngày đầu của cách mạng, khi quân thù đang tiến đến gần biên giới, và khi những kẻ xâm lược đang rắp tâm khôi phục nền thống trị của bọn quý tộc và đặt lại dòng họ Bourbon lên ngai vàng thì giới thợ thuyền hoang mang và lưỡng lự. Hình ảnh đẫm máu của kẻ chuyên chế tham quyền cố vị bỗng chốc bị xoá nhòa: Họ lại thấy xuất hiện trên sân khấu một bầy Bảo Hoàng gian manh đê tiện cũ - những tên phản bội lưu vong. Lại một lần nữa bè lũ ấy chống lại nước Pháp, chống lại Paris, và đang còn ẩn núp sau lưng quân đội nước ngoài, bọn chúng đã mơ tưởng đến sự phục hưng trật tự xã hội cũ và xoá bỏ tất cả những thành tựu của cách mạng.
Làm gì đây? Nổi dậy ở hậu phương của Napoléon, và như vậy, tạo điều kiện cho quân thù dễ dàng chinh phục nước Pháp và phục hưng lại dòng họ Bourbon chăng? Quần chúng thợ thuyền đã không nổi dậy vào cuối năm 1813 và đầu năm 1814 mặc dầu trong suốt triều đại Napoléon, họ đã đau khổ hơn bao giờ hết.
Tâm trạng của giai cấp tư sản lại hoàn toàn khác. Đa số các nhà công nghiệp vẫn ủng hộ Napoléon. Bọn họ biết rõ hơn ai hết rằng nước Anh đang muốn gì và mong đợi gì, và họ sẽ gặp biết bao nhiêu khó khăn trong việc cạnh tranh với nước Anh ở ngoài nước cũng như ở trong nước nếu Napoléon bị thua. Giới thương mại lớn, giới tài chính, giới buôn bán chứng khoán than phiền từ lâu rằng không thể sống và làm việc trong thời chiến tranh liên miên và dưới chế độ độc tài đã được xây dựng thành một chính thể. Từ lâu, thị trường ngoài nước đã bắt đầu giảm sút ghê gớm; bây giờ thị trường trong nước cũng vừa bị thu hẹp lại không kém. Một hiện tượng đã được nhiều nhà quan sát lưu ý: “Có tiền nhưng không biết nó chạy đi đâu mất”. Bọn người làm giàu bằng chạy môi giới trăm công nghìn việc không hy vọng chiến tranh chấm dứt chừng nào Napoléon còn trị vì; sau thảm họa của đại quân ở nước Nga, nhất là sau Hội Nghị Prague tan vỡ và sau trận Leipzig, họ tin chắc rằng Hoàng Đế không sao tránh khỏi bị thất bại và như vậy là chẳng có sự ổn định tối thiểu nào về tài chính, chẳng có việc mở rộng quan hệ thương mại, việc nhận đơn bán hàng hay đặt đơn quan hệ thương mại, việc nhận đơn bán hàng hay đặt đơn mua hàng quan trọng. Bộ phận rất đáng kể ấy của giai cấp tư sản đã nóng lòng sốt ruột, đắng cay, chán chường, tức giận: Họ nhanh chóng tách khỏi Napoléon.
Tuy Napoléon đã làm cho các làng mạc Pháp bị kiệt quệ vì những đợt trưng binh liên tiếp, không ngừng không dứt, cũng vì những sự bòn rút của cải, nhưng quần chúng nông dân có ruộng đất (trừ nông dân ở Vendée) lại còn sợ những sự thay đổi về chính trị do cuộc xâm lược đem đến hơn. Đối với đông đảo quần chúng trong giai cấp nông dân, dòng họ Bourbon là tượng trưng của sự phục hưng chế độ phong kiến, với quyền lực của bọn lãnh chúa về con người và ruộng đất, là tượng trưng của sự tước đoạt lại những tài sản của Giáo Hội cũng như những đất đai tịch thu của bọn lưu vong đã đem phân tán bán cho tư sản và nông dân trong thời kỳ Cách Mạng. Mối lo sợ bị mất những quyền lợi đã phải khó khăn lắm mới giành được ấy, cũng như quyền sở hữu hoàn toàn những mảnh đất của mình đã buộc người nông dân phải chịu đựng tất cả những hậu quả của đường lối đối ngoại xâm lược và cướp bóc của Napoléon. Nhưng dù sao, Napoléon cũng còn dễ chịu hơn chế độ phong kiến cổ xưa do dòng họ Bourbon phục hồi.
Cuối cùng là tầng lớp quý tộc cũ và mới không đông lắm nhưng có thế lực. Quý tộc cũ và ngay cả số người trong bọn họ đã từng phụng sự Napoléon vẫn thấy gần dòng họ Bourbon hơn chính Napoléon. Không phải tất cả quý tộc mới gồm các Thống Chế, công hầu, bá tử của đế chế, đã được chính tay Hoàng Đế chồng chất cho vàng bạc và ân huệ, đều là chỗ dựa cho Hoàng Đế. Họ thèm khát hưởng thụ những nguồn của cải cải vô tận của họ như bọn quý tộc chính cống: Sống trong danh giá và tiện nghi, xếp những chiến công còn mới tinh của họ vào thế giới ký ức xa xưa. Có lần nổi nóng, Hoàng Đế đã nói: “Thưa các ngài, tôi thấy rõ là các ngài không muốn chiến tranh nữa! Berthier muốn đi săn ở lâu đài Grosbois, Rapp muốn chui vào ngôi biệt thự đẹp đẽ ở Paris”. “Tâu Hoàng Thượng, hạ thần cũng bằng lòng như vậy... thú vui của thủ đô, hạ thần được nếm quá ít”. Rapp đã chua chát đáp lại. Cuộc đời nơi đồn ải, giữa muôn vàn nguy hiểm, dưới làn lửa đạn, canh bạc lớn và thường xuyên với thần chết ấy đã làm mệt mỏi và kiệt sức những người dũng cảm và kiên quyết nhất như MacDonald, Ney, Augereau, Sébastiani, Victor, những người tận tụy nhất như Caulaincourt và Savary, đến nỗi họ bắt đầu lắng nghe những lời bóng gió của Talleyrand và của Fouché, những kẻ đã bí mật mưu mô phản bội từ lâu.
Sau khi thất bại ở Leipzig ngày 16, 19 tháng 10 năm 1813, một chiến dịch mùa xuân khởi đầu rực rỡ là thế nhưng Napoléon trở lại Paris để xây dựng lại lực lượng nhằm đương đầu với cuộc xâm lược đang ào ào tràn vào nước Pháp thì tình hình và tình trạng tư tưởng của các tầng lớp và các giai cấp là như vậy.
“Ta đi đánh ông ngoại Francis đi”, chú vua nhỏ thành Roma nói như vậy, nó lặp lại với vẻ nghiêm trang của một đứa bé lên ba những lời của người cha rất yêu con đã dạy cho. Ông Hoàng Đế phá lên cười khi nghe thằng bé nhắc lại như một con vẹt câu nói mà nó không hiểu nghĩa. Giữa khi đó, khi quân đội của mình càng tiến đến gần sông Rhine thì ông ngoại Francis càng tỏ ra do dự, và đó cũng là tâm trạng của Metternich, quân sư của Hoàng Đế Francis. Chắc hẳn sự do dự ấy không phải vì những mối quan hệ họ hàng: Napoléon là con rể của Hoàng Đế Áo, và người kế nghiệp Napoléon là cháu của Francis đệ nhất. Những nguyên nhân khác buộc đường lối ngoại giao của Áo phải tính toán kết quả mong muốn trong cuộc chiến tranh này theo một quan điểm kém dứt khoát hơn nhiều so với người Anh chẳng hạn, hoặc so với Aleksandr đệ nhất, hoặc so với vua Phổ Frederick Wilhelm đệ tam.
Đối với người Anh, Napoléon là kẻ thù không đội trời chung và nguy hiểm nhất của sự bành trướng thế lực Anh, mà họ đã vấp phải sau mười lăm thế kỷ lịch sử. Chừng nào Napoléon còn trị vì thì không thể có hòa bình lâu dài giữa nước Pháp và nước Anh. Aleksandr cần rửa mối nhục cá nhân và nhất là nhìn thấy ở Napoléon, một viên thủ lĩnh duy nhất có khả năng phục hưng nước Ba Lan khi gặp thời cơ. Và Nga Hoàng biết chắc rằng nếu Napoléon còn ở trên ngai thì ắt ông ta sẽ tìm những biện pháp quân sự và ngoại giao để giáng cho các kẻ thù của ông ta những đòn trí mạng.
Frederick Wilhelm đệ tam - bị bức phải chống lại Napoléon vào tháng 3 năm 1813, và từ đó cho tới trận Leipzig vẫn còn chết khiếp, theo đúng nghĩa của từ ấy - còn bị lý do ấy thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa. Ông ta công kích kịch liệt Aleksandr, nhất là sau những vố thất bại, sau trận Lützen, Bautzen, Dresden: “Phen này tôi lại ở trên sông Vistula đây!” Frederick Wilhelm nhắc lại một cách tuyệt vọng. Cả đến trận thắng ở Leipzig cũng không làm Frederick Wilhelm yên lòng thêm mấy. Vào thời ấy, đứng trước Napoléon, người ta sợ hãi khủng khiếp gần như sợ hãi thần linh, và đó đã là hiện tượng phổ biến. Cho đến sau trận Leipzig, sau khi Napoléon đã mất hết các đất đai đã chinh phục được, chỉ còn lại cái hậu phương là nước Pháp kiệt quệ, với tình hình dân chúng xôn xao, mà hình như Napoléon vẫn còn đáng sợ, đến nỗi Frederick Wilhelm không thể không hãi hùng nghĩ đến mai này khi chiến tranh kết thúc và khi các bạn Liên Minh đã rút đi hết thì ông ta, vua nước Phổ, sẽ còn phải chịu đựng cái cảnh láng giềng với một kẻ là Napoléon.
Nước Anh, Aleksandr và Frederick Wilhelm cho rằng nếu lần này phe Liên Minh vẫn để Napoléon ngồi trên ngai vàng thì bao nhiêu máu đã đổ ra trong những năm 1812 và 1813 đã uổng phí, nhưng nước Áo lại không thấy như vậy. Metternich muốn rằng nước Nga có một đối thủ đáng kể ở phía Tây; muốn rằng sau khi không còn là kẻ thù đáng sợ của nước Áo nữa thì Napoléon vẫn còn tồn tại ở Châu Âu, với tư cách là đồng minh về mọi mặt của một nền quân chủ của dòng họ Habsburg, để luôn luôn là vật chướng ngại lớn cho nước Nga. Metternich và Francis đệ nhất lại cố gắng dàn xếp với Napoléon, vì vị thượng thư ấy, con người thạo ngón dọa dẫm quân Liên Minh bằng cách đe rút nước Áo ra khỏi Liên Minh, đã lại buộc được nước Anh, nước Nga và nước Phổ ưng thuận đề nghị đàm phán hòa bình với Napoléon một lần cuối cùng theo những điều kiện sau đây: Napoléon sẽ phải chấm dứt chiến tranh bằng cách từ bỏ các đất đai đã chiếm được mà hiện nay đã bị mất; Napoléon sẽ còn lại nước Pháp với những đường biên giới không thay đổi mấy so với biên giới của nước Pháp đã được Hòa Ước Luneville quy định năm 1801. Các vua chúa phe Liên Minh đã có mặt ở Frankfurt. Metternich đã mời Saint Aignan, nguyên đại sứ Pháp ở Weimar hiện đang bị giữ ở Frankfurt và trước mặt thượng nghị sĩ Aberdeen đại diện cho nước Anh, Nesselrode, đại diện cho nước Nga (Nesselrode tuyên bố mình thay mặt cả Hardenberg, tể tướng nước Phổ), người ta đã giao cho nhà ngoại giao Pháp nhiệm vụ đi gặp Napoléon để chuyển những đề nghị của các cường quốc Liên Minh. Khi ký kết nó thì Hòa Ước Luneville đã là kết quả của một cuộc chiến tranh thắng lợi. Cho nên Napoléon vẫn còn lại cái đại cường quốc mà ông ta đã lập nên năm 1801 sau trận Marengo và Hohenlinden. Đang đứng chông chênh trên bờ vực thẳm - sau những tai họa khủng khiếp năn 1812 và 1813, trước nguy cơ nước Pháp bị quân Liên Minh tức thời xâm lược - thì gặp vận may cứu mạng không ngờ. Napoléon vẫn là chủ một cường quốc đứng vào bậc nhất.
Ngày 14 tháng 11 năm 1813, Saint Aignan đã đến Paris với những điều kiện của Liên Minh. Napoléon không muốn bày tỏ ý kiến ngay vì đang lao vào hoạt động sôi sục và cuồng nhiệt nhất: Tuyển mộ các lớp quân dịch mới, chuẩn bị đầy đủ cho một cuộc chiến tranh mới. Tuy vậy, Napoléon đã ưng thuận đàm phán một cách bất đắc dĩ và dè dặt, đồng thời tiến hành ráo riết hơn nữa việc tổ chức quân đội. “Rồi khắc biết! Rồi khắc biết!” Trong khi rảo bước đi đi lại lại trong phòng, Napoléon nói chung cũng như vậy chẳng nhằm vào ai, “không lâu đâu rồi các ngài sẽ biết rằng binh lính của tôi và tôi không quên nghề nghiệp! Người ta đã đánh bại chúng tôi ở sông Rhine và sông Elbe, đánh bại bằng cách phản bội... nhưng rồi sẽ không có những kẻ phản bội ở giữa sông Rhine và Paris đâu “.
Những lời ấy bay khắp nước Pháp, bay khắp Châu Âu. Trong số những người am hiểu Napoléon, không một ai tin rằng đề nghị hòa bình của phe Liên Minh đạt được kết quả.
Ngày ngày, những đoàn quân mới tiến về phía Đông, về phía sông Rhine diễu qua con mắt theo dõi chăm chú của ông Hoàng Đế. Tấn thảm kịch lớn đã sắp tới ngày kết thúc.