Sau một thời gian ngừng lại ngắn ngủi, cuộc đại chiến tiếp diễn và cả hai bên đều hình dung rõ được những khó khăn. Đối địch Napoléon người chủ của nước Pháp, của phần lớn nước Ý, của một số thành phố và đất đai thuộc miền Tây Đức, của nước Bỉ, của nước Hà Lan là những lực lượng không kém phần to lớn và đáng sợ cả về sức mạnh cũng như về tính nhiều dạng nhiều vẻ của những lực lượng đó. Napoléon đã suốt đời vật lộn chống lại Khối Liên Minh của các nước quân chủ lạc hậu và nửa phong kiến, nhưng đứng đầu cuộc liên minh đó lại là một cường quốc có nền kinh tế tiên tiến đứng đầu thế giới tư bản vào lúc bấy giờ. Khi nhằm bắt những xã hội phong kiến và chuyên chế già nua với những hình thức kinh tế lạc hậu phụ thuộc vào quyền lợi của mình, những cuộc chiến tranh dưới thời Napoléon không phải chỉ đáp ứng những nguyện vọng của Nhà Nước tư sản Pháp. Những cuộc chiến tranh không chấm dứt đó đồng thời còn là cuộc đọ sức giữa nước Pháp vừa mới bước vào con đường phát triển công nghiệp và tư bản chủ nghĩa, với nước Anh đã đi vào con đường đó từ lâu và về mặt này, nước Anh đã đạt được những thành quả hơn hẳn.
Ở đây nên nói một vài lời về những cuộc chiến tranh của Napoléon: Ngay từ đầu chúng đã khác biệt hẳn với các cuộc chiến tranh của cách mạng Pháp. Về vấn đề này, Lenin đã nhận xét: “Một cuộc chiến tranh dân tộc có thể chuyển thành cuộc chiến tranh đế quốc và ngược lại. Thí dụ, những cuộc chiến tranh của cuộc Đại Cách Mạng Pháp bắt đầu như những cuộc chiến tranh dân tộc. Đó là những cuộc chiến tranh cách mạng: Chúng bảo vệ cuộc Đại Cách Mạng chống cuộc liên minh của các nước quân chủ phản cách mạng. Nhưng khi Napoléon đã lập lại được đế quốc Pháp bằng sự nô dịch nhiều quốc gia dân tộc lớn ở Châu Âu đã hình thành từ lâu và còn tồn tại, thì những cuộc chiến tranh dân tộc Pháp biến chất thành chiến tranh đế quốc, và đến lượt mình, chiến tranh đế quốc đẻ ra chiến tranh giải phóng dân tộc chống chủ nghĩa đế quốc Napoléon”. Lenin hiểu chủ nghĩa đế quốc ở đây là sự cướp bóc các nước khác nói chung và chiến tranh đế quốc là “một cuộc chiến tranh giữa bọn diều hâu để chia nhau một miếng mồi nào đó”. Người đã giải thích như vậy ở một chỗ khác, vẫn khi nói về thời đại Napoléon, nhưng vấn đề được nhìn nhận trên một khía cạnh khác.
Trong cuộc đấu tranh ác liệt và không nhân nhượng chống địch thủ của mình là chủ nghĩa tư bản Pháp mà lực lượng bành trướng quá nhanh, giai cấp tư sản Anh có về phía mình một nền kỹ thuật cao, những nguồn lợi tài chính vô cùng dồi dào, nhiều thuộc địa béo bở và quan hệ thương mại của họ toả khắp mặt địa cầu. Trong cuộc vật lộn này, nước Anh đã sử dụng lâu dài và tuyệt khéo những sự giúp đỡ và viện trợ cho các nước quân chủ nửa phong kiến, lạc hậu về mặt kinh tế, và đã xuất tiền trang bị vũ khí cho quân đội của các nước ấy. Khi con của William Pitt tung ra hàng triệu đồng, với danh nghĩa viện trợ cho Nga, Áo hoặc Phổ, để đặt họ đối địch với cách mạng Pháp hoặc Napoléon, là hắn đang làm đúng như bố hắn đã làm 40 năm trước đây: Viện trợ cho người Iraq và những bộ lạc Ấn Độ khác để lôi họ vào cuộc đấu tranh chống lại cũng những người Pháp ấy ở Canada. Dĩ nhiên, quy mô của các hoạt động nói trên và đối tượng tranh giành nhau có khác.
Tại sao hòa bình do nước Anh quyết định ở Amiens vào tháng 3 năm 1802, chỉ là một cuộc ngừng chiến một năm? Bởi vì khi niềm vui do chấm dứt được một cuộc chiến tranh gian khổ đã tan biến đi thì nhiều phần tử trong giai cấp tư sản và quý tộc địa chủ nhìn thấy rõ rằng chúng đã thua thiệt trong cuộc chiến tranh này và Bonaparte đã thắng. Không những Bonaparte không cho phép hàng hoá Anh nhập vào những thị trường rộng lớn đặt dưới quyền của ông ta, mà còn vì nắm được nước Bỉ và Hà lan trong tay thì bất cứ lúc nào Bonaparte cũng có thể uy hiếp trực tiếp bờ biển nước Anh; và nhất là từ năm 1802, Bonaparte đã không gặp khó khăn gì trong việc bắt ép nhiều quốc gia coi như “độc lập” phải liên minh với mình bằng cách trực tiếp uy hiếp các nước đó.
Khi ký được Hòa Ước Amiens, Bonaparte còn đáng sợ và nguy hiểm hơn cả Louis XIV vào thời kỳ cực thịnh, vì lẽ tất cả những cuộc thôn tính của Louis XIV trên tả ngạn sông Rhine chỉ là một trò chơi trẻ con so với việc Bonaparte đã làm chủ phần đất đai đó của nước Đức. Sự củng cố nền bá chủ của chế độ chuyên chính quân phiệt Pháp trên lục địa Châu Âu có thể dùng làm tiền đề cho cuộc xâm lược nước Anh.
Nên nói rằng Napoléon đã rất khéo lợi dung hòa ước ngắn ngủi Amiens để dẹp cuộc khởi nghĩa của những người da đen ở Saint Domingue, nơi mà dưới thời Viện Đốc Chính, người thủ lĩnh nổi tiếng của nhân dân da đen là Toussaint Louverture đã xây dựng thành căn cứ vững chắc. Người thủ lĩnh này vừa công nhận về danh nghĩa nền đô hộ của Pháp ở trên đảo lại vừa xử sự như ông vua độc lập.
Về vấn đề thuộc địa, Napoléon hoàn toàn tán thành những quan điểm của các điền chủ Pháp, bọn này dứt khoát không thừa nhận luật giải phóng nô lệ đã được ban bố trong thời kỳ Hội Nghị Quốc Ước cách mạng. Napoléon đã thu hồi, theo Hòa Ước Amiens, những thuộc địa Pháp bị nước Anh chiếm đóng (Saint Domingue, quần đảo Antilles, Mascarene, Guyana). Napoléon không dám phục hồi lại chế độ nô lệ ở những nơi nào mà chế độ đó bị thủ tiêu, nhưng ông ta công nhận nó ở tất cả những nơi nào mà nó còn tồn tại sau cuộc chiếm đóng tạm thời của Anh. Để đàn áp cuộc khởi nghĩa của Toussaint Louverture, năm 1802, Napoléon chuẩn bị một hạm đội và một đội quân 10.000 người. Bị gian kế của Pháp dụ vào trận địa Pháp, Toussaint Louverture bị bắt ngày 7-6-1802 và bị đưa sang Pháp. Louverture vừa tới Pháp, Napoléon đã hạ lệnh tống giam người anh hùng đấu tranh giải phóng cho dân tộc da đen vào hầm tối trong xà lim thánh Giu. Khí hậu gay gắt của vùng sơn cước ẩm ướt đó và sự giam cầm khắc nghiệt: Không cho phép gặp thân nhân, không được đi dạo, sự hành hạ vô nhân đạo trong 10 tháng trời đó đã giết chết mất Toussaint Louverture.
Napoléon đã có những chương trình nhằm tổ chức và bóc lột các thuộc địa. Nhưng việc tiếp diễn cuộc chiến tranh chống nước Anh vào mùa xuân năm 1803 đã buộc Napoléon phải từ bỏ đường lối chính sách lớn về thuộc địa. Vì không có khả năng giữ được những khoảng đất xa xôi trên triền sông Mississippi, do đường giao thông trên mặt biển đã bị gián đoạn hoàn toàn, nên Napoléon cũng đã phải bán lại cho Mỹ (3-4-1802) phần đất đai thuộc Pháp ở xứ Louisiana.
Bộ phận (quan trọng nhất) của giai cấp tư sản Anh, vào mùa xuân năm 1803, khi lớn tiếng đòi hủy bỏ Hòa Ước Amiens thì một trong vô số lý do của họ còn là: Phải ngăn cản không cho Napoléon giữ những thuộc địa cũ của Pháp và chiếm thêm những thuộc địa mới.
Nhưng Hòa Ước Amiens không phải chỉ bị phá từ London mà còn từ Paris nữa. Napoléon tin rằng khi ký Hòa Ước Amiens là người Anh đã thực tế không can thiệp vào những công việc của Châu Âu và cam chịu đứng nhìn Napoléon xác lập bá quyền của mình trên lục địa, bây giờ đột nhiên sự việc xảy ra không phải như vậy, và nước Anh không chịu khoanh tay đứng nhìn việc làm của Bonaparte ở Châu Âu.
Các cuộc đàm phán ngoại giao rất phức tạp bắt đầu. Cả hai bên đều không muốn và không thể nhân nhượng lẫn nhau, và đôi bên đều cùng hiểu rất rõ như vậy. Ngay từ đầu năm 1803, các cuộc đàm phán ấy đã đi vào một bước ngoặt đợi chờ sự tan vỡ. Ở London cũng như ở Paris, người ta do dự. Các Bộ Trưởng Anh không nhất trí được với nhau rằng đất nước đang sắp lao vào một cuộc đấu tranh đầy nguy hiểm, và ít ra thì cũng là trong những ngày đầu nước Anh đơn độc, không có đồng minh, vì lúc đó Pháp đang sống hòa bình với tất cả các cường quốc. Về phần Bonaparte, ông hiểu giới tư sản thương mại Paris và Lyon, cũng như các nhà công nghiệp sản xuất xa xỉ phẩm đã bị những đề nghị và những đơn đặt hàng đầy sức hấp dẫn của người Anh lôi cuốn đến mức độ nào; Bonaparte hiểu trong những tháng đầu sau khi ký Hòa Ước Amiens, việc 15.000 khách du lịch giàu có người Anh đến thăm đã làm nền thương nghiệp Pháp phấn chấn đến mức nào; Bonaparte cũng biết rằng tuy có khả năng không cho nhập hàng hoá Anh vào Pháp, kể cả trong thời bình, nhưng làm như vậy về phương diện lợi ích của các nhà công nghiệp Pháp mà nói thì cuộc chiến tranh với nước Anh trước mắt chẳng mang lại một cái gì mới. Thực ra, nếu chiến tranh bùng nổ, người ta có thể áp dụng gay gắt phương pháp cấm vận củng cố và phát triển phương pháp ấy sang các nước khác, và Napoléon đặt hy vọng lớn vào điều đó.
Màn kịch thịnh nộ nổi tiếng mà Napoléon đóng ở điện Tuileries trong cuộc tiếp kiến viên đại sứ Anh đã đẩy thẳng hai cường quốc vào cuộc chiến tranh, trong đầu óc Napoléon là một thử thách cuối cùng, một âm mưu thị uy tối hậu.
Nhân chuyện ấy, cũng nên nói một chút về cái đặc điểm riêng biệt ấy của Napoléon đã luôn luôn làm cho những nhà quan sát ngạc nhiên. Rõ ràng rằng cái bản chất hống hách, lầm lì, dễ nổi nóng và khinh thị hầu hết mọi người ấy thường hay đưa đến những cơn điên dại kinh khủng. Nhưng cũng nên nhận xét thêm rằng: Nói chung Napoléon tự chủ được một cách đặc biệt. Napoléon đã nêu cho nghệ sĩ nổi tiếng là Tanma những sự giả tạo trong diễn xuất của diễn viên bi kịch khi họ muốn diễn đạt những tình cảm lớn; ở gần Tanma, Napoléon đã học hỏi được nhiều và vì thế mà Napoléon đối xử với Tanma rất tốt. Vị Hoàng Đế ấy đã giúp cho Tanma thấy rằng đôi khi Hoàng Đế đến triều đình, Hoàng Đế thấy ở đó có những nàng công chúa mất tình nhân, những bậc đế vương mất nước, những vị vua chúa bị truất ngôi do chiến tranh, những tướng lĩnh cầu mong được khen thưởng hoặc đang khẩn khoản xin khen thưởng. Ông ta có thể quan sát thấy quanh mình sự lạm dụng lòng tự ái, một cảnh tranh giành ác liệt, các tai biến, mối ưu sầu, giấu kín trong tâm can, nỗi đau đớn để lộ ra ngoài. Ông Hoàng Đế nói thêm rằng: Triều đình của ông ta đầy rẫy những tấn bi kịch và bản thân ông ta là nhân vật bi thảm nhất của thời đại. Thế nhưng - Napoléon hỏi - Napoléon và những diễn viên khác của những tấn bi kịch đó có giơ tay lên trời không? Họ có nghiên cứu động tác của họ không? Họ có lấy tư thế, thái độ oai phong lẫm liệt không? Họ có kêu la không? Không dứt khoát là họ nói một cách tự nhiên như tất cả nhưng con người bị quyền lợi hoặc dục vọng khích động. Tất cả những người xuất hiện trên sân khấu lớn của thế gian đã làm như vậy và đã đóng một tấn bi kịch ở trên ngai vàng. Và Hoàng Đế khuyên nghệ sĩ hãy nghiền ngẫm những thí dụ ấy.
Hầu như lúc nào Napoléon cũng tự chủ được. Nỗi bực bõ duy nhất của ông là những cơn giận dữ mà ông không biết làm thế nào để chế ngự được. Những cơn thịnh nộ đó rất dữ dội và làm xung quanh hoảng sợ. Vào những lúc đó, ông ta làm cho những người vững vàng nhất, can đảm nhất cũng phải sợ. Nhưng cũng có lúc, trong trường hợp đã tính trước và vì những lý do đã suy nghĩ chín chắn (và những trường hợp, lý do ấy không liên quan đến bản chất hay nổi nóng của ông ta) thì Napoléon đã đóng những màn kịch thịnh nộ tuyệt hay, với một nghệ thuật giả vờ điêu luyện và đặc sắc đến nỗi chỉ những người thấu hiểu Napoléon mới có thể ngờ rằng ông ta đóng kịch, nhưng không phải lúc nào cũng dám ngờ, vì ngay bản thân họ cũng thường hay bị nhầm.
Uychoco, đại sứ mới của Anh ở Pháp, ngay từ buổi đầu đã không bao giờ tin rằng có thể sống hòa bình với Bonaparte được, không phải chỉ vì nước Pháp có lợi nhiều trong Hòa Ước Amiens, mà còn vì sau đó vị Tổng Tài thứ nhất đã hoạt động trên phần đất đai Châu Âu ở sát biên giới nước Pháp như thể đất ấy đã thuộc quyền ông ta. Chẳng hạn, mùa thu năm 1802, Napoléon đã báo cho nước Thụy Sĩ biết rằng ông ta muốn lập hiến pháp mới ở Thụy Sĩ và đưa một chính phủ “bạn của nước Pháp” lên cầm quyền. Viện lý rằng nước Pháp và nước Ý chư hầu của Pháp ở bên cạnh Thụy Sĩ, rằng trên bản đồ Thụy Sĩ nằm giữa Pháp và Ý, và dựa vào những lý do địa lý ấy, Napoléon đã tập trung ở biên giới Thụy Sĩ một quân đoàn 30.000 người do tướng Ney chỉ huy. Thụy Sĩ quy phục và sau đó tỏ ra ngoan ngoãn tuyệt đối. Suýt soát cùng lúc ấy Napoléon tuyên bố hợp nhất hẳn vương quốc Piedmont vào nước Pháp. Những quốc gia nhỏ và những tiểu vương Đức, mà sau Hòa Ước Luneville năm 1801, không thể hy vọng vào sự giúp đỡ của nước Áo được nữa, run sợ trước Napoléon và cư xử với Napoléon như những kẻ tôi đòi, theo đúng nghĩa của danh từ ấy. Rồi cuối cùng là Hà Lan nắm chắc chắn trong tay Napoléon; rõ ràng là Hà Lan sẽ không thể thoát và không thể tự giải thoát được.
Nước Anh không thể và không muốn như vậy. Ngày 18-2-1803, trong buổi hội kiến long trọng đầu tiên, bằng cách giả vờ nổi giận và phun ra những lời dọa nạt, Napoléon đã la lối om sòm. Ông ta phô trương sự hùng cường của mình và tuyên bố rằng nếu Anh dám gây chiến thì đó sẽ là “một cuộc chiến tranh tiêu diệt”, rằng Anh đứng hòng phỉnh phờ các nước liên minh, rằng nước Áo “đã thôi không tồn tại” là một cường quốc lớn nữa. Napoléon nói bằng một giọng như vậy và hét to đến nỗi Uychoco viết thư về cho cấp trên của y, ngài Bộ Trưởng ngoại giao Hawkesbury rằng: “Tôi tưởng như đang đứng nghe một viên đại uý kỵ binh nói chứ không phải người đứng đầu một trong những quốc gia mạnh nhất ở Châu Âu”.
Napoléon một mực tin rằng có thể nạt nộ được Anh và như vậy vừa giữ được hòa bình, vẫn vừa làm chủ được Châu Âu. Nhưng ông ta đã gặp phải đối phương mạnh. Tuy có những bất đồng nghiêm trọng đã làm cho giai cấp tư sản và quý tộc Anh lúc đó không thống nhất với nhau trên nhiều quan điểm, nhưng bọn họ lại nhất trí về một điểm là không để nhà độc tài Napoléon chinh phục Châu Âu. Với sự dọa nạt của Napoléon về việc tập trung một đội quân nửa triệu người, chính phủ Anh đối lại bằng cách tăng cường hạm đội của họ và dùng nhiều biện pháp quân sự quan trọng.
Ngày 13 tháng 3, trong khi đóng một màn kịch mới và màn kịch cuối cùng, Napoléon đã tuyên bố rằng: “Các ông nhất định chiến tranh hả? Các ông còn muốn đánh nhau trong 15 năm nữa và các ông buộc tôi sẽ phải tham chiến”. Ông ta đòi lại đảo Malta mà Anh đã chiếm từ trước Hòa Ước Amiens và đã cam kết giao trả cho Dòng Họ Kỵ Sĩ, nhưng Anh trì hoãn việc thực hiện bằng cách tố cáo những hành động trái với hòa ước của Bonaparte, Napoléon lớn tiếng tuyên bố rằng: “Người Anh muốn chiến tranh, nhưng nếu họ là những người đầu tiên rút kiếm ra thì tôi sẽ là người sau cùng tra gươm vào vỏ... Các ông muốn chuẩn bị vũ khí, tôi cũng sẽ chuẩn bị vũ khí. Có lẽ các ông có thể giết chết được nước Pháp, nhưng đừng hòng dọa dẫm nó. Tai họa sẽ đến với những kẻ không tôn trọng hiệp ước! Nếu họ thích giữ đảo Malta thì chiến tranh là cần thiết”, Napoléon giận dữ thốt ra như vậy và bỏ phòng họp giữa cuộc tiếp kiến các đại sứ và các quan đại thần.
Uychoco rời Paris vào những ngày đầu tháng 5 năm 1803; như vậy là cuộc chiến tranh giữa Napoléon và nước Anh bắt đầu và nó chỉ kết thúc khi triều đại Napoléon kết thúc.
Ở Anh, người ta biết rằng cuộc chiến tranh này sẽ khó khăn và nguy hiểm. Hầu như ngay từ buổi đầu, người ta đã thấy thực tế là William Pitt, người đã thôi việc từ năm 1801, trở lại cầm đầu chính phủ, William Pitt đã rút lui từ ngày mà giai cấp lãnh đạo Anh, giai cấp tư sản và quý tộc cho rằng có khả năng và cần thiết thương lượng hòa bình với Bonaparte.
Bây giờ đây, vào năm 1803, William Pitt lại hoạt động. Con người này đã đánh cách mạng Pháp trong chín năm trời và từ nay lại gánh trách nhiệm theo đuổi một cuộc chiến tranh vô cùng khủng khiếp hơn chống Napoléon. Tuy nhiên, nếu William Pitt nghĩ rằng đánh nhau với Napoléon sẽ khó khăn hơn là đánh nhau với những chính phủ cách mạng vừa qua thì William Pitt cũng nhận thấy rằng cuộc chiến tranh mới này không gây nhiều nỗi lo lắng về mặt chính trị ở trong nước như cuộc chiến tranh trước đây với cách mạng Pháp. Đúng là vào năm 1803, nước Pháp đã mở rộng đất đai của mình một cách đáng kể làm cho Pháp trở nên giàu có hơn và có một quân đội được tổ chức khá hơn trước; đứng đầu nước Pháp là một nhà tổ chức thiên tài và một người chỉ huy lỗi lạc. Nhưng mặt khác, cái “nọc độc cách mạng” kia đã tan biến đi rồi, cái nọc đã bắt đầu phá hoại rõ rệt hạm đội của Hoàng Gia Anh, chưa nói đến nhân dân thợ thuyền ở các khu trung tâm kỹ nghệ và ở các vùng mỏ than. Pitt nhớ rất rõ đến các cuộc nổi loạn của của thủy thủ vào năm 1797, bây giờ, trị vì nước Pháp là một tay độc tài đã từng đàn áp man rợ những người Jacobin và thủ tiêu mọi dấu tích của quyền tự do chính trị. Tất cả những cái đó đều là sự thật. Tuy vậy, trong 18 tháng đầu của cuộc xung đột ấy, giữa nước Anh bị cô lập với nước Pháp của Napoléon, có chỗ rất đáng lo ngại.
Sau khi đã phấn khởi đón chào Hòa Ước Amiens, trong vài ba tháng, giai cấp tư sản thương nghiệp và công nghiệp Anh tin chắc rằng - như trên đã nói - Bonaparte không muốn ký kết, bằng bất kỳ giá nào, một hiệp ước thương mại với nước Anh và sẽ không cho hàng hoá Anh nhập vào Pháp, cũng như vào các nước Châu Âu thuộc quyền Bonaparte. Còn như bọn quý tộc, chúng mong muốn chiến tranh một cách có ý thức đầy đủ, vì nếu không có chiến tranh thì chúng phải ưng thuận một cuộc cải cách tuyển cử đến tận gốc, có lợi cho giai cấp tư sản, hoặc phải đương đầu với một cuộc đấu tranh ở trong nước kéo dài và cực kỳ nguy hiểm. Đó là một thực tế hiển nhiên, không thể chối cãi được. Vả lại, cái ám ảnh kinh khủng của phong trào thợ thuyền cũng làm cho giai cấp đang sắp sửa lao vào cuộc tử chiến ấy phải lo sợ. William Pitt dốc tất cả tâm lực vào việc ngăn cuộc đổ bộ của Napoléon lên bờ biển nước Anh.
Trước hết, Napoléon đã đánh chiếm Hanover, một quốc gia lớn ở Đức và là đất đai của riêng vua Anh, đồng thời ở đấy, vua Anh có quyền tuyển cử Hoàng Đế Đức. Sau đó, Napoléon đã hạ lệnh chiếm đóng một số căn cứ khác nhau ở miền Nam nước Ý, những nơi mà trước đây quân đội Pháp còn chưa tới. Napoléon chỉ thị cho Hà Lan và Tây Ban Nha phải để hạm đội và quân đội của họ cho Pháp điều động. Đồng thời có lệnh tịch thu hàng hoá của Anh trong tất cả các nước chư hầu; bắt tất cả những người Anh ở Pháp và giam giữ cho đến khi nào ký hòa ước với Anh. Rồi Napoléon đã tiến hành xây dựng một trại lính lớn ở Boulogne, đối diện với bờ biển nước Anh, nơi tập trung lực lượng rất lớn nhằm đổ bộ sang Anh. Napoléon chỉ cần ba ngày sương mù là làm chủ được London, trụ sở Quốc Hội và nhà Ngân Hàng Anh, Napoléon đã nói như vậy vào tháng 6 năm 1803, tức là một tháng sau khi chiến tranh bùng nổ. Công việc chuẩn bị xây dựng trại lính Boulogne được xúc tiến hết sức khẩn trương vào năm 1803, và sang năm 1804 càng khẩn trương hơn nữa.
Không khí hoạt động căng thẳng trùm khắp các hải cảng và các xưởng đóng tàu biển của Pháp. “Ba ngày sương mù” có thể cho phép hạm đội Pháp thoát được hạm đội Anh và đổ bộ lên đất Anh. Và lúc bấy giờ, chọc thủng mọi phòng tuyến, Napoléon sẽ tiến thẳng về London và đột nhập thủ đô. Napoléon và rất nhiều người ở Anh đã nghĩ như vậy.
Nhiều người Anh, đã sống trong thời kỳ đó, về sau này nói rằng trong những tháng đầu chiến tranh, người ta muốn chế giễu chương trình đổ bộ của Bonaparte. Nhưng vào cuối năm 1803 và nhất là vào năm 1804, người Anh không còn cười được nữa. Kể từ ngày nước Anh chờ đợi sự xuất hiện của chiến thuyền Tây Ban Nha vào năm 1588 đến nay, chưa bao giờ nước Anh lâm vào tình trạng náo động khẩn cấp đến như thế. Trong lúc đi thăm các hải cảng và các thành phố trên bờ biển Tây Bắc nước Pháp, Napoléon đốc thúc công việc và trong các bản tuyên bố, Napoléon đã làm loé rực trong ánh mắt của dân chúng các khu trung tâm buôn bán cái viễn ảnh rạng rỡ của sự chiến thắng kẻ địch muôn đời. Chính phủ Anh nhận được nhiều tin tức rất đáng lo ngại về quy mô chuẩn bị lớn lao của Napoléon.
Nhiều biện pháp nghiêm ngặt nhất được ban ra. Con người mà vào năm 1789, với một hạm đội và một đội quân hùng mạnh đã có thể thoát khỏi cuộc đuổi bắt của hạm đội Anh trên khắp Địa Trung Hải và đổ bộ lên Ai Cập không gặp khó khăn gì, chiếm đảo Malta khi đi qua, một con người như vậy hoàn toàn có thể lợi dụng sương mù rất hiếm ở Địa Trung Hải, nhưng thường luôn luôn có ở biển Manche. Và thời gian cần cho Napoléon để thực hiện tốt sự nghiệp lần này không phải là một chuyện hàng tháng, mà chỉ là hàng giờ hoặc nhiều nhất là vài ngày.
Vậy làm thế nào? Có hai giải pháp đề ra. Thứ nhất là vung vãi thật nhiều vàng ra để thành lập gấp một Khối Liên Minh Châu Âu, khối ấy sẽ tiến công Napoléon về phía Đông và như vậy sẽ ngăn chặn được Napoléon xâm lược nước Anh. Nhưng nước Áo đã bị Bonaparte đánh bại và đã bị thua thiệt nặng vì Hòa Ước Luneville, vẫn chưa hoàn toàn hồi phục. Áo muốn chiến tranh nhưng không tự quyết định được. Phổ lưỡng lự, Nga cân nhắc. Các cuộc thương nghị đang tiến hành. Pitt không thất vọng về việc thành lập Khối Liên Minh, song, phương kế đó tuy có chắc nhưng lại chậm chạp: Không phải tức thời thành lập ngay được.
Còn lại một thủ đoạn khác. Từ lâu, William Pitt và Hawkesbury đều đã biết rằng George Cadoudal, gã Bảo Hoàng đến tận xương tủy đang ở London và ở đấy hắn liên hệ với bá tước d’Artois; ngoài ra họ còn biết đại khái rằng bọn người Pháp xuất dương đang mưu mô gì đó. Thế là tức thì chính phủ Anh biết được những nét lớn về công việc của bọn Bảo Hoàng trốn ở London đang chuẩn bị. Tin chắc rằng cuộc bạo động ở Vendée đã hoàn toàn bị đè bẹp và không có khả năng lật đổ Bonaparte bằng vũ lực nên bọn chúng lặp lại cái mưu mô đã ngẫu nhiên bị thất bại hồi vụ bom nổ năm 1800.
Những viễn cảnh bất ngờ hiện ra trước mắt William Pitt. Chính phủ Anh muốn thực hiện công việc này một cách rất khéo léo. Tốt nhất là làm như đã làm vào năm 1801 đối với Pavel đệ nhất, trong lúc Pavel đang tiến hành chinh phục Ấn Độ, nghĩa là chơi lối ném đá giấu tay, vừa giữ được nghi thức lại vừa giành được cho mình khả năng bày tỏ những lời thăm viếng chia buồn một cách đàng hoàng đứng đắn nhất, như xưa kia, nhân dịp Nga Hoàng bị “trúng phong” ở trong buồng ngủ, lúc đại sứ Nga Vorozov chính thức báo tin cho người Anh biết về cái tai nạn đáng phàn nàn về mặt y học đó. Nhưng tổ chức vào năm 1804 ở cung Tuileries một “cơn trúng phong” là việc khó khăn và rất phức tạp hơn lúc ở cung điện Miseen ở Peterburg. Bên cạnh Napoléon không thấy có bọn sĩ quan cận vệ công phẫn, không có một bá tước Pahlen, một tên Bennigsen, một tên Platon Dubov, một trong số những người đã trực tiếp gây ra “cơn trúng phong” của Pavel. Mà giải quyết công việc này cũng không phải bằng một bà kiều diễm trên đời như kiểu Olga Alexandrovna Derepseva, chị Platon Dubov, mà Uychoco, đại sứ Anh ở Peterburg lúc bấy giờ đã dùng làm trung gian để biểu thị lòng ân cần của mình đối với sức khoẻ của Hoàng Đế Pavel; bây giờ lại phải bàn bạc với một tên thộn người xứ Bretagne chẳng hiểu những lời bóng gió tế nhị, những câu hiểu ngầm, và chỉ có cái việc “triệt” vị Tổng Tài thứ nhất đi mà hắn chịu không hiểu phải làm thế nào. Tóm lại, Cadoudal không hiểu thật rõ rằng phải làm thế nào để có thể “triệt” được người đứng đầu chính phủ ở ngay trong kinh thành của ông ta. Những kiểu nói tinh tế như vậy hoàn toàn xa lạ đối với Cadoudal và hai chân to quá khổ của hắn xỏ trong đôi ủng săn to tướng chưa đủ khéo léo để tiến bước trên sàn ván bóng như gương của các phòng khách và văn phòng ngoại giao ở London. Trong các cuộc bàn luận đó, câu nói “triệt Bonaparte” cũng có ý nghĩa thú vị như câu nói “mời Hoàng Đế Pavel thoái vị” trong những cuộc bàn bạc bí mật giữa bá tước Pahlen và Aleksandr và đêm 12 tháng 3 năm 1801. “Lời nói có làm chết người đâu”, đó là câu tục ngữ xã giao nhất trong số những câu châm ngôn Nga, William Pitt con, đã suốt đời tuân theo ý nghĩa giáo huấn của câu đó mặc dầu hắn không biết tiếng Nga.
Âm mưu đó nảy sinh và được trù tính ở London. George Cadoudal phải trừ được vị Tổng Tài thứ nhất, nghĩa là phải cùng với một vài người có vũ khí bất thần xông vào giết vị Tổng Tài thứ nhất lúc ông ta cưỡi ngựa dạo chơi, chả là ông có thói quen hay đi dạo một mình quanh khu Malmaison, nơi ông ở.
Cadoudal là một tên Bảo Hoàng cuồng tín, theo đúng nghĩa của danh từ. Hắn đã nhiều lần liều mình ở Vendée và đã trải qua nhiều chuyện mạo hiểm kỳ quặc nhất. Không ngần ngại, không sợ hãi, bây giờ Cadoudal sẵn sàng giết Bonaparte vì hắn thấy Bonaparte là hiện thân của sự thắng lợi của cách mạng mà hắn căm hờn, là kẻ đã chiếm đoạt ngai vàng của ông vua chính thống là Louis của dọng họ Bourbon.
Vào một đêm tối trời tháng 8 năm 1803, Cadoudal và đồ đảng của hắn được một tàu Anh cho đổ bộ lên bờ biển Normandie và bọn chúng tức khắc đến Paris. Bọn mưu sát có nhiều người, có nhiều tiền, có những mối liên lạc ở thủ đô, có những địa chỉ và nơi hẹn hò bí mật, có nơi ẩn trốn chắc chắn. Nhưng ngoài ra còn phải bắt liên lạc với nhân vật sẽ lên nắm chính quyền và triệu hồi bọn Bourbon về ngai vàng của tổ tiên họ ngay sau khi vừa thủ tiêu được Bonaparte. Bọn Bảo Hoàng tin tưởng sẽ tìm được nhân vật đó ở tướng Moreau, ở Pichegru - một viên tướng khác sẽ làm trung gian giữa Cadoudal và Moreau. Pichegru là kẻ bị đày ra Guyana sau ngày 18 Tháng Quả, đã vượt ngục trở về năm 1803 và sống bí mật ở Paris. Bị buộc tội là phản bội, lại là một tên tù vượt ngục thì thực tế Pichegru có thiệt gì khi hành động. Nhưng tướng Moreau lại là người có cái cốt cách khác hẳn và ở vào một hoàn cảnh khác hẳn. Moreau là một trong những tướng tài nhất của quân đội Pháp, một kẻ tham lam, nhưng một kẻ tham lam do dự. Đã từ lâu, Moreau căm ghét Bonaparte, vẫn cầu hại cho Bonaparte vì Bonaparte đã dám làm cuộc đảo chính ngày 18 Tháng Sương Mù, điều mà bản thân y không dám làm, và từ đó Moreau ở vào tình trạng đối lập ngấm ngầm với Bonaparte.
Một số người Jacobin tưởng Moreau là một tay Cộng Hòa kiên định, và bọn Bảo Hoàng biết rõ chân tướng Moreau thì đinh ninh rằng chỉ nội chuyện căm ghét Bonaparte cũng đã đủ để Moreau sẵn sàng giúp bọn chúng một tay.
Thực ra, mối căm ghét đối với Bonaparte là thiên kiến chủ yếu của Moreau, nhưng không thể vì thế mà cho rằng Moreau muốn đặt lại bọn Bourbon lên ngai vàng. Nhưng cái việc “đã biết rõ âm mưu mà lại không phát giác” sau này đã làm cho Moreau bị khốn đốn. Pichegru, thường xuyên liên hệ với bọn gián điệp của chính phủ Anh, bảo đảm với người Anh và bọn Bảo Hoàng rằng Moreau đã bằng lòng cộng tác. Nhưng Moreau từ chối, không nói chuyện với Cadoudal và tuyên bố thẳng với Pichegru rằng y sẵn sàng hành động chống Bonaparte nhưng không muốn phụng sự bọn Bourbon. Trong khi các cuộc hội đàm và bàn bạc bí mật đó đang tiến hành thì cảnh sát của Napoléon rình mò và hàng ngày báo cáo lên vị Tổng Tài thứ nhất tất cả những điều đã khám phá được.
Ngày 15 tháng 2 năm 1804, tướng Moreau bị bắt tại nhà riêng và tám ngày sau thì Pichegru bị tóm cổ vào ban đêm: Chả là Pichegru trốn trong nhà người bạn thân nhất của hắn, người này đã báo cho cảnh binh để lấy 300.000 francs. Những cuộc thẩm vấn diễn ra liên tục, nhưng Pichegru không chịu khai một điều gì. Nhân danh Bonaparte, người ta hứa với Pichegru rằng sẽ trả lại tự do và khoan hồng nếu Pichegru nhận đã gặp gỡ bàn bạc với Cadoudal.
Pichegru từ chối. 40 ngày sau khi bị bắt, người ta thấy Pichegru chết treo trong nhà giam bằng chiếc cravát của hắn. Thế là tiếng đồn không ngớt truyền đi rằng không phải Pichegru tự sát mà bị ám sát theo lệnh cấp trên. Sau này, Napoléon cải chính một cách khinh bỉ những tin đồn đó rằng: “Tôi có toà án để xét xử hắn và có lính để bắn hắn. Trong đời tôi, không bao giờ tôi làm một việc vô ích”. Song những tin đồn đó có đất tốt để phát triển, vì trước cái chết bí mật của Pichegru vài ngày, một sự cố hoàn toàn bất ngờ đã làm rung động các tầng lớp trên ở Pháp và ở Châu Âu: Công tước Enghien, một người thuộc dòng họ Bourbon, bị hành hình.
Từ ngày Moreau, Pichegru và tiếp luôn là nhiều người khác dính líu đến âm mưu đó bị bắt, có thể nói rằng Napoléon không lúc nào nguôi giận. Trong việc này, Napoléon thấy rất rõ vai trò chủ đạo của bọn Bourbon cũng như bàn tay của người Anh. Napoléon biết rằng người Anh đã đưa Cadoudal đổ bộ lên đất Pháp từ cuối mùa hạ năm 1803, mang theo tiền bạc của người Anh và những lời chỉ giáo của bá tước d’Artois, biết rằng Cadoudal hiện ở Paris và có thể bất cứ lúc nào gây ra một vụ mưu sát do một mình hắn hoặc cùng bọn tâm phúc của hắn tiến hành. Trong cơn giận dữ, có lần Bonaparte nói rằng bọn Bourbon đã lầm tưởng Bonaparte không có đủ tư cách để bắt chính bọn chúng phải đền tội về những vụ mưu sát ấy. Khi nghe câu la lối ấy, để lấy lòng Bonaparte và đồng thời để trả thù bọn Bảo Hoàng đang căm ghét mình mà không gặp nguy hiểm gì, Talleyrand liền nhận xét chêm vào: “Thật vậy, bọn Bourbon cho rằng máu của ngài không quý bằng máu của bọn chúng”. Lời nhận xét này đã làm cho Napoléon phát điên khùng. Chính vì thế mà lần đầu tiên khi nghe người ta nói đến công tước Enghien. Giận dữ đến cực điểm, Napoléon tức tốc họp hội đồng tư vấn (có Fouché và Talleyrand tham dự), quyết định bắt công tước Enghien. Có hai khó khăn: Trước hết là công tước không sống ở Pháp mà ở đất Baden, hai là công tước không dính líu gì đến cái âm mưu đã bị bại lộ kia. Nhưng trở ngại thứ nhất đối với Napoléon thì không thành vấn đề vì lúc bấy giờ Napoléon đã hành động ở Tây Đức và Nam Đức như ở trên đất nước mình rồi. Trở ngại thứ hai cũng chẳng đáng kể vì người ta đã quyết định từ trước là sẽ đưa công tước ra trước hội đồng quân sự, mà đặc biệt hội đồng này không đòi hỏi gì nhiều chứng cớ cho lắm. Lệnh bắt được truyền đi ngay.
Công tước Enghien, sống ở Ettenheim, một thành phố nhỏ trên đất Baden, có ngờ đâu đến cái nguy cơ khủng khiếp đang treo trên đầu. Đêm 14 rạng ngày 15 tháng 3 năm 1804, một phân đội hiến binh đi ngựa, xâm phạm đất Baden bắt công tước Enghien và đưa ngay về Pháp. Rõ ràng là các vị thượng thư xứ Baden tỏ vẻ hài lòng vì người ta đã có ý không bắt họ cùng với công tước, và suốt trong thời gian công tước bị bắt, các nhà chức trách xứ Baden đi biệt tăm biệt tích đâu không biết. Ngày 20 tháng 3, công tước bị giải tới Paris, đưa về lâu đài Valence. Chiều ngày 20 tháng 3, hội đồng quân sự họp ở đấy để xét xử công tước Enghien đã can tội ăn tiền của nước Anh chống lại nước Pháp. Ba giờ kém mười phút sáng, Enghien bị kết án tử hình. Enghien viết một lá thư và yêu cầu gửi đến tận Napoléon. Chủ tịch Hội Đồng Quân Sự Hulin (một trong số những người anh hùng phá ngục Bastille) muốn nhân danh toà án gửi lên Napoléon đơn xin giảm tội cho Enghien, nhưng tướng Xavarin đặc phái viên của điện Tuileries, giằng bút ở tay Hulin và nói: “Bây giờ là việc của tôi”. Ba giờ sáng, công tước Enghien bị đưa xuống hào của lâu đài và bị xử bắn.
Khi xem thư của công tước Enghien, Napoléon nói rằng nếu nhận được sớm hơn thì đã xá tội cho Enghien. Suốt ngày hôm đó, Napoléon vô cùng ủ dột và tư lự, không một ai dám nói gì với ông ta cả. Sau này, Napoléon quả quyết rằng mình hoàn toàn đúng khi cho hành hình công tước: Quyền lợi của Nhà Nước đòi hỏi làm như vậy và cần phải làm cho bọn Bourbon khiếp sợ rụng rời.
Vài ngay trước khi xử tội công tước Enghien, cuối cùng Cadoudal cũng đã bị bắt. Khi người ta tóm được hắn ở ngoài phố, hắn chống cự lại một cách tuyệt vọng, làm chết và bị thương nhiều cảnh binh. Cadoudal và bọn tâm phúc của hắn đều bị lên máy chém. Tướng Moreau bị phát vãng ra khỏi nước Pháp.
Vào tháng 3, sau vụ hành hình công tước Enghien và trong khi người ta đang chuẩn bị bản án của Cadoudal thì ở Paris và ở các tỉnh có tin đồn rằng chính công tước đã được Cadoudal và đồ đảng của hắn định đưa lên ngôi vua sau khi đã thanh toán được Bonaparte. Đó là tin đồn nhảm nhưng cũng đã giúp ích được nhiều cho Bonaparte. Pháp Đình, Hội Đồng Lập Pháp, Nghị Viện được coi như đại diện cho nhân dân nhưng gồm toàn những kẻ mù quáng và tay sai của vị Tổng Tài thứ nhất, bắt đầu nói công khai và nói toạc ra rằng đã đến lúc cần thiết phải chấm dứt cái tình trạng mà trong đó sự an ninh và quyền lợi của Quốc Gia tuỳ thuộc và sinh mạng của riêng một người và người ấy đang gây cho mọi kẻ thù của nước Pháp nuôi hy vọng bằng những vụ mưu sát. Kết luận rõ ràng là: Cần phải thay chế độ “Tổng Tài trọn đời” bằng chế độ quân chủ thế tập.
Vì thế, sau triều đại Mérovingiens trị vì từ thế kỷ thứ V đến thế kỷ thứ VIII; sau triều đại Carolingiens, kế tục triều đại Mérovingiens, trị vì thứ thế kỷ VIII đến thế kỷ X; sau triều đại Capetien (gồm hai chi họ Valois và Bourbon) thống trị từ cuối thế kỷ thứ X đến năm 1792 năm mà Louis XVI (tức là “Louis áo choàng”, trong thời cách mạng người ta gọi Louis XVI như vậy) bị lật đổ thì phải có “triều đại thứ tư” trị vì nước Pháp, đó là triều đại Bonaparte.
Chế độ Cộng Hòa, tồn tại từ ngày 10 tháng 8 năm 1792, đến nay lại phải nhường chỗ cho chế độ quân chủ. Tuy vậy, triều đại mới Bonaparte không thể mang tên hiệu của các triều đại trước được.
Ông chúa mới muốn mang cái danh Hoàng Đế mà Charlemagne, khi làm lễ đăng quang, đã tự phong cho mình vào năm 800. 1.000 năm sau, vào năm 1804, Napoléon tuyên bố công khai rằng noi gương Charlemagne, Napoléon sẽ trở thành Hoàng Đế Phương Tây, rằng ông không tự cho mình là người thừa kế của các vua chúa thời xưa của nước Pháp, mà là người thừa kế của Hoàng Đế Charlemagne.
Đế quốc Charlemagne có gì khác hơn là một âm mưu làm sống lại và mở rộng một đế quốc khác còn rộng lớn gấp bội đế quốc La Mã. Napoléon cũng tự cho là kẻ thừa kế của đế quốc ấy, là kẻ thống nhất những nước có nền văn minh Phương Tây. Sau này, Napoléon đã thành công trong việc quy phục các nước chư hầu dưới ách thống trị trực tiếp hay gián tiếp của mình gồm một khoảng đất đai rộng lớn gấp bội khoảng đất đai mà Charlemagne chưa hề trị vì: Trước chiến dịch nước Nga năm 1812, quyền lực ghê gớm của Napoléon bao trùm lên trên các lãnh thổ rộng lớn, trù phú và dân cư đông đúc gấp bội đế quốc La Mã, đó là mới chỉ nói ở Châu Âu, chưa nói đến những đất đai thuộc La Mã ở Bắc Phi và ở Tiểu Á. Nhưng khi lần đầu tiên Châu Âu được nghe nói đến kế hoạch Napoléon làm sống lại đế quốc Charlemagne thì nhiều người cho rằng dự án đó xuất phát tự một sự kiêu ngạo điên rồ và coi nó như một sự thách thức táo bạo của một kẻ xâm lược ngang tàng với thế giới văn minh.
Đại sứ của tất cả các cường quốc lo âu chú ý theo dõi sự biến chuyển bất ngờ, đột ngột và nhanh chóng sang chế độ quân chủ đã quá hiển nhiên ở Pháp sau khi khám phá âm mưu của Cadoudal và sau vụ hành hình công tước Enghien. Tính chất Bảo Hoàng được xác minh đầy đủ của âm mưu đó đã buộc mọi người phải chú ý. Tuần tự theo dõi các sự việc được công bố trong quá trình điều tra và các cuộc tranh tụng trong khi xét xử, dần dần người ta nhận ra rằng, ở ngay giữa lòng bọn đại tư sản, trong số những kẻ chiếm hữu tài sản của Nhà Nước, có ước vọng củng cố chính quyền và chế độ Napoléon lập nên nhằm bảo đảm một cách có hiệu lực tính mạng và tài sản của họ chống lại những mưu đồ của bọn tư sản cũ, bọn quý tộc. Ngày 18 tháng 4 năm 1804, Nghị Viện ra một nghị quyết. Theo nghị quyết ấy thì Napoléon Bonaparte được phong làm Hoàng Đế nước Pháp theo chế độ thế tập. Thể thức trưng cầu dân ý lần này còn dễ dàng hơn năm 1799, sau Tháng Sương Mù.
Tư tưởng ai nấy đều hoang mang cao độ, mặc dù ai nấy đều đã trông đợi sự kiện ấy từ năm 1802 và giai cấp đại tư sản, ủng hộ triệt để chính sách của Bonaparte, đã cho rằng chế độ quân chủ quay trở lại là một việc nhất định không thể tránh được. Đương nhiên là những người Cộng Hòa kiên định không thể cam chịu tình hình mới đó. Những ngày cách mạng, những ước mơ tự do và bình đẳng, những lời đả kích kịch liệt bọn độc tài còn khắc sâu trong tâm trí. Một số người nghĩ rằng Bonaparte đã làm giảm vinh quang của ông ta khi muốn thêm một chức vị vào cái tên đã lừng lẫy khắp nơi của ông ta. Pavel Louis Courier lúc đó kêu lên rằng: “Đã là Bonaparte mà còn làm Hoàng Đế! Hắn muốn xuống dốc!”. Beethoven vì quá hâm mộ nên tặng Napoléon cái tên “bản giao hưởng hùng tráng” nhưng Beethoven đã thu lại lời tặng ấy khi thấy anh công dân Bonaparte đã biến chất thành Hoàng Đế. Khi một bầy văn võ bá quan phẩm phục rực rỡ, một bầy phu nhân trong triều, áo quần lộng lẫy, lần đầu tiên đến chúc tụng vị Hoàng Đế mới trong cung Tuileries thì chỉ có một vài người hiểu trong thâm tâm rằng người chúa mới chưa coi lễ lên ngôi của ông ta đến đây là kết thúc và không phải vô cớ mà ông ta nhắc tới Charlemagne. Napoléon muốn Giáo Hoàng đích thân đến dự lễ lên ngôi của ông. Như 1.000 năm trước đây, năm 800, vị tiền bối xa xôi của Giáo Hoàng đã làm đối với Charlemagne. Nhưng Napoléon định tâm đem lại cho lễ lên ngôi một sự thay đổi có ý nghĩa. Charlemagne đến với Giáo Hoàng ở La Mã để làm lễ đăng quang, còn Napoléon thì muốn Giáo Hoàng phải đích thân đến với Napoléon ở Paris.
Pius VII hoảng sợ và căm tức khi được biết ý muốn của Hoàng Đế Napoléon. Các cận thần của Giáo Hoàng cố gắng an ủi Giáo Hoàng bằng cách dẫn giải các thí dụ lịch sử xưa kia. Họ đã nhắc lại một trong vô vàn kỷ niệm về đức Giáo Hoàng Leon thứ nhất rằng giữa thế kỷ thứ V, khi tình hình chẳng ra sao, đã đành chịu nhẫn nhục đến gặp Attila, mà người thủ lĩnh ấy của dân tộc Hung thì không thể nào bì được với vị Hoàng Đế mới của nước Pháp về phương diện học vấn, lễ độ và lịch thiệp. Vả lại, cũng không thể đặt vấn đề từ chối được. La Mã nằm trong vòng uy hiếp của quân đội Pháp ở miền Bắc và miền trung nước Ý.
Nghĩ đã chín, Giáo Hoàng nhanh chóng quyết định đành làm theo những yêu sách của Napoléon, nhưng không phải không cố đòi cho được một sự đền bù tối thiểu bằng một số mảnh đất nhỏ ở miền Bắc Đất Thánh mà trước đây Napoléon đã chiếm đoạt. Nhưng Pius VII, Hồng Y giáo chủ Consalvi và Viện Mật Tuyển của Giáo Hoàng không đủ sức chọi với nhà ngoại giao tài giỏi là Napoléon. Tuy Giáo Hoàng đã dùng những mẹo vặt đã kêu rên cay đắng, rồi lại dùng đến những mẹo vặt những lời kêu rên, nhưng việc mặc cả của ông ta cũng chẳng ăn thua. Sau khi được Napoléon khích lệ Giáo Hoàng đã đi Paris với hy vọng đến đó sẽ được một chút gì. Nhưng đến Paris, Giáo Hoàng cũng chẳng được gì hơn. Trước cũng như trong khi làm lễ đăng quang, Napoléon đã tỏ ra thái độ hai mặt rất kỳ khôi. Napoléon cần đến Giáo Hoàng vì trong thời ấy hàng triệu người dân trên mặt đất và đặc biệt đa số nhân dân Pháp đều sùng Giáo Hoàng. Vậy thì Giáo Hoàng là một cái đồ phụ tùng cần thiết cho lễ đăng quang của ông, nhất là khi cần phải làm sống lại quyền hành và ý nguyện của Charlemagne. Nhưng mặt khác, Napoléon coi cá nhân Giáo Hoàng như một gã phù thủy, như những kẻ lợi dụng một cách có ý thức sự ngu xuẩn của loài người bằng những lời thần chú và những thủ pháp mê tín ở trong cũng như ở ngoài nhà thờ. Khi mời Giáo Hoàng, Napoléon hứa với các vị Hồng Y giáo chủ là sẽ đi đón Giáo Hoàng. Napoléon đã đi đón nhưng lại vận đồ đi săn, có thợ săn, lính tiền trạm và chó vây quanh, và đã gặp Giáo Hoàng ở rừng Fontainebleau, cách lâu đài Fontainebleau ở vùng lân cận Paris vài bước, nơi Napoléon đang ở. Đoàn của Giáo Hoàng dừng lại, Giáo Hoàng được mời xuống xe và qua đường cái để lên xe của Hoàng Đế, nhưng Napoléon thì không xuống xe tiếp đón. Napoléon đã xử với Giáo Hoàng như vậy trong suốt thời gian ông này ở Paris.
Ngày 2 tháng 12 năm 1804, lễ đăng quang của Napoléon được cử hành ở nhà thờ Đức Bà Paris. Mọi người đổ xô ra xem khi đoàn xe lộng lẫy kéo thành một hàng dài vô tận đưa toàn bộ triều đình, tướng tá, đại thần, Giáo Hoàng và các Hồng Y giáo chủ từ cung điện đến nhà thờ. Ngoài ra, ngày hôm đó người ta còn nhắc lại một câu trong truyền thuyết để gán cho nhiều nhân vật khác nhau và có lẽ câu đó đã do một người lính Cộng Hòa cũ nói để trả lời Napoléon khi Napoléon hỏi người ấy có thấy thích thú về sự long trọng này không: “Tâu Bệ Hạ, rất thích thú, nhưng thật đáng tiếc bao nhiêu vì ngày hôm nay vắng mất 300.000 người đã chết để làm cho những buổi lễ giống như thế này không thể có được”. Câu truyền thuyết đó đôi khi được người ta cho là đã được nói vào dịp ký bản hiệp nghị giữa Giáo Hoàng và Napoléon, nhưng dù ở trong trường hợp nào đi nữa, câu nói đó vẫn rất có ý nghĩa.
Bất ngờ đối với Giáo Hoàng và trái với thủ tục đã định trước, Napoléon sửa đổi một cách hết sức đặc biệt phần chủ yếu của buổi lễ: Vào lúc long trọng nhất, khi Pius VII sắp làm nhiệm vụ đặt mũ miện lên đầu Hoàng Đế như 10 thế kỷ trước vị tiền bối của Giáo Hoàng đã làm đối với Charlemagne ở Tòa Thánh Pie, thì bất chợt Napoléon giằng lấy mũ triều thiên ở tay Giáo Hoàng và tự đặt lên đầu mình; rồi đến lượt vợ Napoléon, Joséphine, quỳ trước mặt Hoàng Đế để Hoàng Đế đặt lên đầu một mũ khác nhỏ hơn. Hành động này mang một ý nghĩa tượng trưng: Napoléon không muốn để cho sự “làm phép” của Giáo Hoàng có một tầm quan trọng quá quyết định trong buổi lễ. Napoléon không muốn nhận ở tay người cầm đầu cái tổ chức tôn giáo mà Napoléon thấy cần phải đếm xỉa tới nhưng thực tâm không ưa và cũng chẳng trân trọng.
Hội hè kéo dài nhiều ngày liền ở trong triều đình, ở kinh thành, ở các tỉnh, người ta dăng đèn, bắn súng cối, kéo chuông, tấu nhạc liên tục. Ngay giữa lúc thú vui không ngừng không dứt ấy, Napoléon đã nhìn thấy mối nguy mới đang uy hiếp đế quốc Pháp. Trước ngày làm lễ đăng quang. Napoléon đã nhận được những tin tức không cho phép mình hoài nghi rằng sau vụ Cadoudal bị bại lộ, William Pitt đã tăng cường công tác ngoại giao để thành lập một Khối Liên Minh khác chống lại nước Pháp. Ngay từ buổi đầu của các cuộc chiến tranh cách mạng đến nay thì Khối Liên Minh thứ ba và thực tế, Khối Liên Minh ấy đã được thành lập.