Ngày 8 tháng 10 năm 1806, Napoléon hạ lệnh chiếm xứ Saxony, đồng minh của nước Phổ từ khi ký Hòa Ước Pressburg, và đại quân tập trung ở Bavaria lập tức vượt qua biên giới bằng ba mũi. Đi đầu mũi giữa là kỵ binh của Murat, theo sau là Napoléon cùng với quân chủ lực. Quân số của đại quân lúc đó chừng 195.000 người, tức là già nửa tổng số lực lượng vũ trang của Napoléon, vì Napoléon còn phải để lại 70.000 người ở Ý và số còn lại gần bằng ngần ấy rải rác khắp trên các nước bị chiếm đóng. Thật ra, số 195.000 người ấy đã phải bổ sung bằng những tân binh được huấn luyện cấp tốc trong các trại ở hậu phương. Nước Phổ chống lại Napoléon bằng những lực lượng ít hơn từ 175.000 đến 180.000 người.
Muốn hiểu được tổn thất khủng khiếp cũng như không thể cứu vãn được đã làm nước Phổ tan tành chỉ sau vài ngày ngắn ngủi, đương nhiên không thể chỉ chú ý đến quân số chênh lệch không đáng kể giữa đại quân Pháp với quân đội Phổ, cũng không nên chỉ nhắc đến thiên tài của vị tướng tổng chỉ huy Pháp hoặc tài năng xuất sắc của các danh tướng bên cạnh Napoléon. Lúc đó, người ta được chứng kiến cuộc xung đột của hai hệ thống xã hội và kinh tế, của hai chế độ chính trị, của hai chiến thuật và tổ chức vũ trang thuộc những điều kiện của xã hội khác nhau. Một chế độ có tính chất phong kiến và chuyên chế điển hình, lạc hậu về mặt công nghiệp và chỉ có một nền kỹ thuật rất thô sơ xung đột với một quốc gia đã căn bản biến đổi sau cuộc các mạng tư sản thủ tiêu chế độ phong kiến và nông nô.
Chúng ta đã nói về tổ chức quân đội của Napoléon. Quân đội Phổ phản ánh trung thực tất cả cơ cấu tổ chức của một quốc gia xây dựng trên chế độ nông nô. Binh lính là những người nông nô, đã còng lưng vì roi vọt của chúa đất nay lại chịu đựng ngọn roi và súng gươm của bọn sĩ quan, họ là những người nô lệ của Nhà Nước, chịu đựng những cái tát và những mũi giày của bất cứ kẻ nào là cấp trên của họ, kể từ tên đội nhất trở đi và họ phải phục tùng mù quáng bọn chỉ huy, họ hoàn toàn hiểu rằng dù có chiến đấu dũng cảm và tận tâm đến đâu đi nữa, số phận của họ cũng chẳng được cải thiện tí nào. Điều kiện duy nhất để trở thành sĩ quan là phải thuộc dòng dõi quý tộc và một số trong bọn chúng thường tự phụ về sự khắc nghiệt đối với binh lính, vì bọn chúng coi đó là cơ sở chân chính của kỷ luật. Mặt khác, một sĩ quan chỉ lên tới cấp tướng khi nào đã gần về già, nếu không thì phải có sự nâng đỡ hoặc phải dựa vào tiếng tăm dòng dõi của mình.
Đến tận giữa thế kỷ XVIII, những tập quán của chế độ cũ tồn tại không những trong quân đội Phổ mà còn cả ở trong quân đội của mọi nước khác. Trong chiến tranh bảy năm, vua Frederick đệ nhị đã có thể chiến thắng quân Pháp, Nga, Áo, nhưng không phải ông ta không có lúc thất bại ghê gớm. Frederick đệ nhị biết rõ rằng chỉ có một thứ kỷ luật man rợ mới đẩy được những binh lính bị áp bức và lòng đầy căm hờn đi chiến đấu. Có lần, Frederick đệ nhị đã nói với một viên tướng thân cận nhất của mình: “Đối với trẫm, điều huyền bí nhất là tại sao chúng ta lại có thể hưởng sự an toàn ở ngay giữa đám binh lính của chúng ta”. 40 năm đã qua, nhưng nước Phổ vẫn là nước Phổ ngày xưa. Chỉ có điểm này thay đổi: Frederick không còn nữa, và thay thế ông ta là công tước Brunswick bất lực và bọn tướng lĩnh khác được phong tước nổi tiếng chỉ vì ngu xuẩn.
Vậy, khoảng cuối mùa hạ và đầu mùa thu năm 1806, trong giới cầm quyền Phổ cái gì đã xảy đến vào thời kỳ ấy, thời kỳ ứng nghiệm những điều mà định mệnh đã vạch sẵn cho họ? Frederick Wilhelm đệ tam, người mà một năm trước đây đã quá run sợ khi phải tham chiến chống vị Hoàng Đế đáng sợ, tuy đã liên minh với nước Anh, nước Áo và nước Nga, tại sao bây giờ lại dám cả gan làm việc đó? Trước hết, phải cho rằng do tuyệt vọng mà sinh ra dũng cảm, Wilhelm đệ tam tin chắc là dù có đầu hàng cũng không hòng thoát khỏi nạn, vì dẫu sao đi nữa Napoléon cũng sẽ tiến công. Nhưng bọn sĩ quan, bọn tướng lĩnh, tất thảy bọn quý tộc thượng lưu thì mừng quýnh và tự phụ huyênh hoang tướng lên rằng chúng sẽ cho tay phiêu lưu người Corsica kia, kẻ thủ phạm sát hại công tước Enghien, tên thủ lĩnh của bọn quần cộc một bài học. Bọn chúng hỏi: “Cho tới nay, Napoléon đã chiến thắng được những ai? Quân Áo ư? Chẳng qua đó là một bầy hèn nhát đủ các chủng tộc. Hay bọn mọi rợ dã man như quân Thổ và bọn Mamelukes ở Ai Cập? Hay quân Ý hèn yếu? Hay quân Nga cũng mọi rợ chẳng kém gì quân Thổ và bọn Mamelukes ở Ai Cập? Dễ thường cái vinh quang của Napoléon sẽ không bị tan thành mây khói trong trận chạm trán với quân đội của Frederick đệ nhị hay sao?”.
Triều đình, tướng tá, bộ chỉ huy tối cao, giới thượng lưu, Hoàng Hậu Louise với bọn cận thần, thật ra tất cả bọn ấy đều đã bại trận trước khi xuất trận vì sự nông nổi, tính hão huyền, tính hợm hĩnh quái gở của họ. Bọn họ không chịu đếm xỉa đến việc Napoléon tìm nguồn bổ sung không phải chỉ từ nước Pháp, mà còn từ nhiều nước lớn và giàu có khác đã quy phục. Bọn chúng còn tin là rồi đây, ngay sau khi quân đội Phổ đánh bại được Napoléon bằng một đòn táo bạo thì bọn Bảo Hoàng sẽ nổi dậy ở hậu phương Napoléon và sẽ nhân danh dòng họ Bourbon mà lật đổ Napoléon. Công tước Brunswick, tổng chỉ huy của họ là viên tướng đã từng chỉ huy cuộc can thiệp vũ trang chống lại nước Pháp vào năm 1792, và trái với chủ tâm của hắn, hắn đã làm cho dòng họ Bourbon chóng sụp đổ bằng những lời tuyên bố ngu xuẩn đầy nạt nộ của hắn, hắn có mối căm thù của một tên chúa đất trong chế độ cũ đối với nhân dân Pháp, với những người khởi nghĩa cách mạng gan góc. Nhưng Brunswick lại sợ tướng vô địch Bonaparte và không tán thành chút nào cái không khí hội hè và chiến thắng đang trùm lên đình thần tả hữu của Hoàng Hậu và hoàng tử Louis.
Trong các nhà thờ ở Berlin và ở các tỉnh, các mục sư nhận trách nhiệm cầu xin sự che chở đầy thần uy của “Đấng Tối Cao” mà xưa kia, xưa lắm, người ta hiểu rằng chính “Người” đã rủ lòng ban ơn cho triều đại Hohenzollern. Người ta nóng lòng sốt ruột chờ đợi tin tức diễn biến của chiến sự. Không ai biết là bên nào sẽ vượt biên giới trước.
Ba đạo quân của Napoléon đều tiến về phía sông Elbe (chi lưu Saale - HA), vượt qua rừng Franconian, tràn vào hậu phương quân Phổ để cắt đứt các đường giao thông của Phổ.
Trận giao chiến đầu tiên xảy ra ở gần Schleiz, vào ngày 9 tháng 10, một ngày sau khi Napoléon đã đột nhập vào xứ Saxony. Quân tiền vệ Pháp, Murat và Bernadotte gặp một quân đoàn Phổ và được lệnh của Napoléon cho tiến công. Quân Phổ bị đánh tan ngay trong trận giao chiến không quan trọng này, bị thiệt mất 700 người, trong đó 300 người chết. Ngày 10 tháng 10, một trận thứ hai, ác liệt hơn. Hoàng tử Louis, thủ lĩnh phái chủ chiến có thế lực trong triều, cùng với một đội quân 9.000 người chiếm lĩnh Gefell, bị Thống Chế Lannes tiến công sau khi đã tiến được vào sát vùng lân cận Gefell, và cuối cùng, thắng lợi cũng về phía quân Pháp. Sau một cuộc chống cự kịch liệt, quân Phổ bỏ chạy, để lại trên chiến trường chừng 1.500 người bị giết hoặc bị bắt. Cuối cùng trận đánh, hoàng tử Louis bị một nhát lê đâm chết.
Tàn binh bỏ Gefell chạy về nhập với quân chủ lực quân Phổ đang tập trung ở gần Jena dưới quyền chỉ huy của hoàng tử Hohenlohe. Một quân đoàn chủ yếu khác của quân Phổ, do đích thân công tước Brunswick chỉ huy, rút lên phía Bắc, theo hướng Naumburg, nhưng rồi cũng không tới được Naumburg.
Khi liên tiếp nhận được những tin chiến sự ở Schleiz, ở Gefell và tin cái chết của hoàng tử Louis, tất cả mọi người đều hoang mang dao động. Thật cũng đáng lạ rằng kết quả của hai trận chiến đấu khốn khổ và cũng không đáng kể ấy lại có thể làm thay đổi được tình hình chung đến tận gốc như thế. Cái hợm hĩnh hống hách vô độ lúc đầu đã nhanh chóng biến thành rối loạn và sợ hãi. Chỉ có Hoàng Hậu Louise là chưa thất vọng. Hoàng Hậu vừa tán dương với cận thần tinh thần hy sinh anh dũng của hoàng tử Louis, vừa quả quyết rằng trận đánh lớn sắp tới sẽ lập tức làm thay đổi tình thế.
Napoléon cho rằng chủ lực quân Phổ tập trung ở vùng lân cận Weimar để tiếp tục rút về Berlin, và dự đoán rằng trận chiến đấu quyết định sẽ diễn ra ở gần Weimar vào ngày 15 tháng 10. Napoléon ra lệnh cho Davout tiến theo hướng Naumburg và thọc sâu hơn nữa vào hậu phương quân địch. Bernadotte nhận lệnh hợp vây cùng Davout, nhưng không thực hiện được. Napoléon cùng với Soult, Ney và Murat tiến về Jena. Tối 13 tháng 10, Napoléon vào được trong thành phố đó, và khi quan sát những điểm cao bao quanh thành phố, Napoléon thấy có nhiều lực lượng lớn đang rút theo đường Weimar. Hoàng tử Hohenlohe biết quân Pháp đã chiếm được Jena nhưng tuyệt nhiên không ngờ chính cả Napoléon cũng đã có mặt ở Jena cùng với nhiều quân đoàn. Đêm 13 rạng ngày 14, Hohenlohe đình chỉ việc rút lui và hạ quyết tâm nghênh chiến, điều mà Napoléon không ngờ tới.
Trước khi ánh mặt trời buổi sáng toả chiếu, Napoléon cưỡi ngựa đi duyệt đội ngũ, Napoléon đã nói với binh sĩ rằng, trận đánh này sẽ nộp toàn bộ nước Phổ cho quân đội Pháp, rằng Hoàng Đế tin tưởng vào truyền thống dũng cảm của binh sĩ, và cũng theo như thường lệ, Hoàng Đế giải thích cho binh sĩ nghe đại cương kế hoạch tác chiến của mình.
Rồi bình minh của ngày 14 tháng 10 năm 1806 bắt đầu, ngày quyết định số phận nước Phổ. Trận chiến đấu đã xảy ra ngay sau khi mặt trời mọc: Trận đánh kéo dài và ác liệt, nhưng ngay từ lúc đầu, quân Pháp đã chiếm được lợi thế, đến nỗi quân Phổ dù có cố gắng đến đâu đi nữa cũng không tránh khỏi thất bại. Lúc đầu quân Phổ và quân Saxony vừa rút lui từ từ vừa ngoan cường chống cự, nhưng vì biết tập hợp và biết chỉ huy khéo léo các quân đoàn tinh nhuệ của Soult, của Lannes, của Augereau, của Ney và kỵ binh của Murat nên Hoàng Đế đã thực hiện được kế hoạch của mình từng điểm một. Khi quân Phổ quỵ và bắt đầu chạy trốn thì liền bị truy kích ngay và đối với kẻ bị bại trận, cuộc truy kích này còn khủng khiếp hơn cả trận Austerlitz. Tàn quân vội vã chạy về hướng Weimar và bị kỵ binh của Murat bám riết vào tận trong thành phố. Đến đây thì quân Phổ phải chịu những tổn thất nặng nề nhất. Kỵ binh Pháp đang hăng, chém sạch cả những người xin hàng. Quân Phổ hoàn toàn bị đánh bại. Một bộ phận nhỏ chạy thoát còn giữ được cái mã nhà binh, còn bao nhiêu bị đánh tan tành, bị bắt cầm tù hoặc mất tích (phần này chiếm số lớn nhất).
Hohenlohe, lẩn tránh trong đám tàn quân, đã tìm cách chạy về Naumburg vì ông ta cho rằng ở đó, binh đoàn chủ lực - lực lượng duy nhất mà từ nay trở đi người ta có thể trông cậy, do công tước Brunswick chỉ huy - được an toàn cùng với nhà vua. Nhưng, chợt gần tối, một số binh lính khác hốt hoảng chạy đến trà trộn vào đám bại quân từ Jena trốn về và loan báo rằng có một tai họa mới vừa giáng xuống nước Phổ. Số là, trước khi tới Naumburg, công tước Brunswick đã dừng lại ở Auerstedt, còn cách Jena chưa đầy 25km, thì đã chạm ngay phải quân Pháp của Davout, và điều này đã giải thích cho binh lính hiểu rõ tại sao có tiếng súng đại bác từ phía đó vọng tới tai họ trong suốt trận đánh. Mặc dầu số lượng quân Pháp ít hơn, vì trong tay Davout chỉ có binh đoàn của mình, còn Bernadotte chưa tới chi viện kịp, nhưng đại bộ phận lực lượng của quân Phổ cũng đã bị đánh bại tan tành. Công tước Brunswick bị tử thương vào lúc gay go nhất. Thế là quân bại trận ở Auerstedt lẫn với bại quân của Hohenlohe ùn ùn từ Jena và Weimar kéo đi như thác.
Như vậy là trong ngày 14 tháng 10, quân đội Phổ hầu như không còn gì nữa, sau khi đã bị Napoléon và Thống Chế Davout đánh cho thua luôn hai trận trong cùng một ngày. Ở Châu Âu, ngay trong số những kẻ địch tồi nhất của nước Phổ, chẳng ai ngờ được rằng sự việc lại kết thúc nhanh chóng đến thế, chỉ sáu ngày sau khi Napoléon bước vào chiến đấu.
Khi bên bại trận truyền cho nhau biết cái tin là đã bị mất hết và quân đội không còn, thì sự kinh khủng đến cực độ và chưa từng có xâm chiếm lấy họ.
Tàn quân Phổ tiếp tục trốn chạy hỗn độn. Quân Pháp truy kích và vơ vét được rất nhiều lương thực, xe cộ, lừa ngựa, pháo còn tốt nguyên và tất cả những thứ tàn quân vứt bỏ lại trên đường tháo chạy. Napoléon thẳng đường tiến về Berlin. Dọc đường, Napoléon ra lệnh chiếm đóng công quốc Hassenhausen, tuyên bố phế bỏ triều vua đó, xâm chiếm Brunswick, Weimar và Erfurt, Naumburg, Halle và Württemberg. Hoàng tử Hohenlohe rút về phía trước theo hướng Bắc, cùng với chừng 20.000 quân mà hoàng tử đã tập hợp được, hầu như không có vũ khí, tinh thần bạc nhược và không phục tùng chỉ huy nữa. Nhưng, trong cuộc chạy trốn lên phía Bắc của hoàng tử, đám tàn quân đó luôn luôn bị kỵ binh của Murat tập kích nên càng ngày càng tan rã. Sau khi vượt qua được Prenzlau, trên đường đi Stettin, Hohenlohe đã bị bao vây tứ phía và phải đầu hàng. Trước đó ít hôm, ngay sau khi Thống Chế Lannes vừa mới kêu gọi đầu hàng, vị trí kiên cố Spandau đã hạ khí giới đầu hàng không kháng cự, cùng với những kho tàng đầy ắp dụng cụ chiến tranh.
Và sau khi Hohenlohe đầu hàng, tướng Lasalle liền dẫn đầu đội kỵ binh tiến đến chân pháo đài kiên cố Stettin, trong đó có hơn 6.000 quân phòng giữ cùng với lực lượng pháo binh hùng hậu, lương thực và đạn dược dồi dào; tướng Lasalle kỵ binh Pháp vừa mới kêu gọi hàng, pháo đài này đã hàng ngay, không một phát súng chống cự trong khi đối phương không có lấy một khẩu pháo. Mối kinh sợ đen tối nhất đã đè lên tướng lĩnh, sĩ quan, binh lính của đám quân Phổ đã sẵn sàng dâng mình cho thất bại. Không còn chút vết tích gì về cái kỷ luật mà xưa nay họ vẫn từng khoe khoang. Hàng nghìn binh lính Phổ ra hàng quân Pháp.
Sự sụp đổ tinh thần của bọn chỉ huy Phổ làm cho ngay cả những kẻ chiến thắng cũng lấy làm lạ. Người ta không nhận ra được những người mà cách đây nhiều lắm là hai tuần còn dương dương tự đắc và tin chắc sẽ trừ khử được Napoléon.
Ngày 27 tháng 10 năm 1806, 19 ngày sau khi chiến tranh bùng nổ, và 13 ngày sau trận Jena và Auerstedt, Napoléon hát khúc khải hoàn tiến vào Berlin cùng với bốn Thống Chế và đội kỵ binh cận vệ tuỳ tùng. Viên thị trưởng giao nộp thủ đô cho Napoléon và yêu cầu đừng bắn phá thành phố. Napoléon hạ lệnh cho các cửa hàng mở cửa và duy trì sinh hoạt bình thường của thành phố. Dân chúng rối rít chúc tụng, đón tiếp Hoàng Đế một cách sợ hãi, biểu lộ sự quy phục hoàn toàn.
Đóng lại ở Berlin, Napoléon đã chú ý trước nhất đến việc tiêu diệt tàn quân Phổ tan tác ở khắp nơi. Rốt cuộc chỉ còn lại có đội quân của tướng Blücher, viên tướng Phổ kiên quyết nhất đã tập hợp được chừng 20.000 vừa sĩ quan và binh lính của các đơn vị tan rã, rồi cùng chạy lên phía Bắc và bị quân của các Thống Chế Bernadotte, Soult và Murat đuổi đánh.
Đến Lubeck, trước mặt Blücher là biên giới Đan Mạch nhưng nước Đan Mạch vì quá sợ Napoléon nên đã kiên quyết cấm quân Phổ không được đặt chân lên lãnh thổ của họ. Như vậy là Blücher không còn đường thoát vì quân Pháp đang đuổi ngay ở phía sau. Ngày 7 tháng 11, quân Pháp vào tới Lubeck và tiến công quân đoàn của Blücher ở ngay trong thành phố. Một cuộc giao chiến liều mạng bắt đầu và trong trận ấy chứng 6.000 quân Phổ bị quân Pháp giết hoặc bắt làm tù binh. Blücher dẫn đầu 14.000 quân trốn thoát khỏi thành phố, nhưng đến tối bị quân Pháp đuổi kịp và bao vây ở cánh đồng Lubeck. Blücher đầu hàng cùng với tất cả số còn lại trong số 14.000 binh lính, sĩ quan và tướng lĩnh, toàn bộ số pháo và đạn dược của mình. Cùng trong lúc đó, quân Pháp lại đã xuất hiện ở Kusterin trên Ode. Quân Pháp đã biết lợi dụng tình trạng mất tinh thần lạ lùng và không thể tưởng tượng được đang lan tràn khắp nước Phổ sau trận Jena, đến nỗi chỉ có bốn đại đội bộ binh, không có pháo, hiện ra dưới chân thành Kusterin, rồi viên chỉ huy đội quân bé nhỏ ấy đòi thành Kusterin phải đầu hàng cũng chẳng cần phải dùng đến hành động nghi binh vây thành. Vừa mới gọi hàng, thành Kusterin đã hạ khí giới cùng với 4.000 quân trang bị đầy đủ, một số lớn pháo binh và những kho lương thực to lớn. Hàng loạt các pháo đài kiên cố ấy đầu hàng, không chút kháng cự, một điều chưa từng thấy có trong lịch sử chiến tranh.
Điển hình nhất là pháo đài Magdeburg, là một giai thoại kỳ lạ mà Napoléon thoạt nghe báo cáo cũng sửng sốt, chưa dám tin. Magdeburg, pháo đài duy nhất chưa đầu hàng, là pháo đài kiên cố vào bậc nhất và đồng thời cũng là một trung tâm buôn bán lớn, trù phú. Ở đó, tập trung nhiều kho lương thực và đạn dược lớn, trong thành có lực lượng đồn trú quan trọng: 22.000 người trang bị đầy đủ, đặt dưới quyền chỉ huy của tướng Kleist. Sau khi Blücher đầu hàng, 22.000 người ấy và pháo đài Magdeburg là vị trí độc nhất còn sót lại của lực lượng vũ trang Phổ. Thống Chế Ney đã tới chân thành. Trong lúc cấp bách và tin chắc là sẽ thu được thắng lợi nên Ney cũng không tính đến việc mang theo pháo để công thành mà chỉ mang theo ba, bốn khẩu súng cối dã chiến. Ney kêu gọi Kleist nên đầu hàng ngay. Thấy đối phương từ chối, Ney hạ lệnh phát hoả; mấy khẩu pháo nhẹ đem theo đã không gây ra và cũng không thể gây hư hại gì cho pháo đài được, nhưng thế là đủ: Ngày 8 tháng 11, Kleist đầu hàng cùng với toàn bộ thành quách. Ney tiến vào thành phố và thấy ở đó rất nhiều kho quân nhu và kho hàng hóa đồ sộ. Sau này, Kleist giải thích về hành động ấy của mình rằng: Bởi dân chúng khiếp đảm vì súng cối của quân Pháp, đã cầu xin Kleist, với tư cách là người chỉ huy thành, cần phải sớm đầu hàng. Thể theo ý muốn đó mà Kleist đã đầu hàng.
Khi được tin Magdeburg đầu hàng, Napoléon, nước Pháp và toàn thể Châu Âu đều thấy rõ rằng số phận nước Phổ như thế là hết. Quân Phổ bị tiêu diệt hay bị bắt, tất cả các thành quách còn nguyên vẹn cùng với một số lớn kho quân trang, quân dụng, quân giới, tất cả đều đã rơi vào tay quân Pháp, thủ đô và hầu khắp các thành phố (trừ Danzig) đều do nhà cầm quyền Pháp cai trị và nhân dân ở đâu cũng tỏ ra thần phục hoàn toàn.
Sau khi đi lang thang khốn khổ hết từ thành phố này để sang thành phố khác, vua Phổ, Hoàng Hậu Louise, con cái và quần thần (còn lại rất ít) cuối cùng trú lại ở Memel, biên giới của vương quốc Phổ. Tất cả những hy vọng đình chiến và hòa bình mà Frederick Wilhelm ôm ấp đều đã tiêu tan hết, vì Napoléon đã đề ra những điều kiện rất nghiệt ngã. Napoléon cho đăng trên báo Pháp những bài mỉa mai châm chọc tàn nhẫn, độc ác đối với Hoàng Hậu Louise, chỉ đích danh Hoàng Hậu là người chịu trách nhiệm chính về những tai họa đã trút xuống nước Phổ. Nhưng, những sự lăng mạ ác độc của kẻ chiến thắng đã không cản trở việc Frederick Wilhelm đệ tam viết cho Napoléon một bức thư lời lẽ cung kính, tỏ ý mong mỏi đức Hoàng Đế Napoléon sẽ được hài lòng về những tiện nghi trong hoàng cung ở Potsdam hoàn toàn còn tốt nguyên. Napoléon không thèm trả lời.
Trên con đường võ nghiệp dài dằng dẵng và đầy chiến thắng của mình, trước kia cũng như sau này, chưa bao giờ quyền lực của Napoléon lại đạt đến đỉnh cao như mùa thu năm 1806, và về sau không bao giờ còn thấy lại nữa. Trong một tháng, từ lúc bắt đầu chiến tranh (8 tháng 10) đến ngày Magdeburg đầu hàng (8 tháng 11), Napoléon đã hoàn toàn đánh bại một trong bốn cường quốc lớn ở Châu Âu vào thời bấy giờ mà xưa nay Napoléon không dám khinh thường. Chiến thắng của Napoléon thật là hoàn mãn và hào hùng chưa từng thấy. Đây là lần đầu tiên Napoléon được thấy sự hỗn loạn, sự hoảng hốt của chính phủ và của các tướng lĩnh Phổ, đầu hàng ngay sau những phát súng đầu tiên, sự thuần phục nhanh chóng và hoàn toàn tin cậy được của dân chúng và của các nhà cầm quyền Phổ. Quân Mamelukes ở Ai Cập đã kháng cự, quân Áo đã kháng cự, quân Ý đã kháng cự, quân Nga đã bại trận nhưng dũng cảm tuyệt vời, và ở trận Austerlitz, Napoléon đã phải ca ngợi tinh thần quyết chiến của một số đơn vị Nga. Trong khi đó, một quân đội tự hào về những truyền thống của Frederick đệ nhị, một nước thừa hưởng một tổ chức cai trị hoàn hảo nhất và nhân dân có trình độ văn hóa không thua một nước nào ở Châu Âu hồi ấy, bỗng nhiên biến thành một khối cứng đờ bất động. Toàn Châu Âu sững sờ kinh ngạc và sợ hãi, cố nhiên là không nói đến những quốc gia Đức, nước nào nước nấy vội vã đệ lên Napoléon, ở cung điện Potsdam những lời cam kết hoàn toàn thần phục.
Rất tự nhiên là trong những ngày tháng 10 và tháng 11 ấy. Napoléon sống trong một màn sương xán lạn, giữa những tin tức hàng ngày tới tấp bay về Berlin và Potsdam báo tin đầu hàng của các pháo đài và các đám tàn quân cuối cùng của Phổ; giữa những sự quy phục van xin tha tội và che chở, những sự khúm núm cam kết trung thành của các vương hầu, công hầu, vua chúa, thì rất tự nhiên là Napoléon quyết định giáng cho kẻ thù chính của mình, là nước Anh, một đòn sấm sét, và đòn ấy có thể thực hiện được sau khi đã chiến thắng nước Phổ. Chưa đầy hai tuần sau khi Magdeburg đầu hàng Thống Chế Ney, ngày 21 tháng 11 năm 1806, Hoàng Đế ký Đạo Luật Berlin nổi tiếng, ban bố việc phong tỏa lục địa.
Cuộc phong tỏa lục địa đóng một vai trò rất to lớn trong lịch sử của đế quốc Napoléon, trong lịch sử của toàn Châu Âu cũng như Châu Mỹ, nó trở thành cơ sở của toàn bộ cuộc đấu tranh về kinh tế và như vậy là cả về chính trị nữa, trong suốt thời gian của thiên anh hùng ca đế chế.
Những điểm chủ yếu của đạo luật Berlin gồm những gì? Việc cấm thông thương với nước Anh có từ hồi cách mạng và sau đó đã được sắc lệnh ngày 10 Tháng Sương Mù năm thứ V (1796) quy định và bổ sung cho rõ hơn. Dưới thời Napoléon, sắc lệnh đó không những đã được thừa nhận, mà ngày 22 tháng 2 cùng năm 1806 ấy, trong lúc cấm nhập khẩu các hàng dệt và sợi bông bất cứ từ đâu đưa tới, một lần nữa Hoàng Đế đã xác định lại quan điểm bảo hộ mậu dịch chặt chẽ của mình để bảo vệ nền kỹ nghệ của nước Pháp. Bằng Đạo Luật Berlin ngày 21 tháng 11 năm 1806, không phải Napoléon chỉ tiếp tục và củng cố độc quyền nội thương của đế quốc, mà còn đánh ác liệt vào toàn bộ nền kinh tế Anh; chủ ý của Napoléon là đưa nó đến chỗ chết ngạt, đến chỗ Nhà Nước phá sản, đến chỗ đói kém và đầu hàng. Lần này, điều chủ yếu là không phải chỉ tống cổ Anh ra khỏi đế quốc Pháp mà còn muốn tống cổ Anh ra khỏi lục địa Châu Âu, giết chết Anh về mặt kinh tế, tước đoạt các thị trường Châu Âu trong tay Anh. Điều 1 của đạo luật viết: “Nước Anh bị coi là ở trong tình trạng bị phong tỏa” và điều 2 nói: “Tất cả việc buôn bán và giao thiệp với nước Anh đều bị cấm”. Tất cả việc giao thiệp bằng bưu điện hoặc bằng cách khác đều bị cấm, lệnh ban ra là phải bắt ngay tất cả những người Anh trú ở khắp mọi nơi, phải tịch thu hàng hóa và tài sản của họ nói chung.
Khi phân tích việc phong tỏa lục địa, dù cho có thiếu rất nhiều những điều giải thích cụ thể, chi tiết chăng nữa - Napoléon không bao giờ hà tiện việc giải thích này - thì người ta chỉ cần đọc văn bản Đạo Luật Berlin cũng đủ để nắm được thực chất ý nghĩa lịch sử của nó: Việc phong tỏa kinh tế nước Anh chỉ có thể thu được một vài kết quả cụ thể với điều kiện: Nếu toàn thể Châu Âu không hoàn toàn thuộc quyền Napoléon thì ít ra cũng phải đặt dưới sự kiểm soát ngặt nghèo của Napoléon. Trái lại, chỉ cần một cường quốc không chịu khuất phục và tiếp tục buôn bán với nước Anh thì cũng đủ làm mất hết lực của đạo luật, bởi vì từ cái nước bất trị đó, hàng hóa Anh (với nhãn hiệu khác) sẽ lan tràn dễ dàng và nhanh chóng trên toàn cõi Châu Âu. Kết luận đã rõ ràng: Nếu muốn thắng được nước Anh thì phải được tất cả các cường quốc Châu Âu thực hiện chặt chẽ việc phong tỏa lục địa, phải đặt toàn thể Châu Âu dưới quyền Napoléon và điều trước tiên là phải chiếm tất cả các bờ biển ở Châu Âu để cho lính đoan và cảnh binh Pháp hành động được dễ dàng và tiêu diệt được nạn buôn lậu.
Không cần phải hiểu thấu thâm ý chính trị của Napoléon cũng thấy được những hậu quả tai hại của việc phong tỏa không những đối với nước Anh mà còn với đông đảo khách hàng tiêu thụ ở Châu Âu, vì như vậy họ bị thiếu mất nhiều sản phẩm kỹ nghệ và hàng hóa thuộc địa của Anh, từ bông cho đến cafe và đường. Napoléon cũng thừa hiểu trước rằng, về phần những thương nhân người Anh, việc buôn lậu sẽ đem lại rất nhiều lời, và do đó nó sẽ hoành hành dữ, nó sẽ quyến rũ những thương nhân Pháp vẫn thường bán nguyên liệu cho người Anh đến mức nào. Tất cả những điều đó, Napoléon đều đã có dự kiến đầy đủ và còn một câu trả lời logic như sau: Tiếp tục nốt cuộc chinh phục lục địa Châu Âu, đã bắt đầu một cách rất tốt đẹp, để việc phong tỏa lục địa trở thành hiện thực.
Napoléon đã rất nhanh chóng nhận ra được rằng trong toàn Châu Âu chỉ có một tầng lớp dân chúng - tầng lớp tư sản kỹ nghệ - là sẽ lấy làm hài lòng về việc không phải cạnh tranh với hàng Anh. Sau khi nước Phổ bị bại trận và từ khi xứ Saxony phản lại đồng minh của mình để đi với Napoléon và hứa thực hiện đạo luật Berlin thì những kỹ nghệ gia xứ Saxony lấy làm sung sướng, biểu thị niềm hoan hỉ mãnh liệt, nhưng còn thương nhân, nông dân và quảng đại quần chúng tiêu thụ lại lấy làm lo lắng và thất vọng. Napoléon có thể biết trước được rằng chỉ còn có biện pháp duy nhất là dùng sức mạnh, dọa nạt và cưỡng bức mới buộc được các chính phủ và nhân dân Châu Âu chấp nhận và thực hiện đúng đắn các điều khoản của việc phong tỏa.
Từ ngày 21 tháng 11 năm 1806, ngày ban bố đạo luật, việc xây dựng kiểu “đế quốc Charlemagne”, việc bành trướng và củng cố chế độ đó trở thành cần thiết tuyệt đối và bắt nguồn một cách logic từ phương thức đấu tranh kinh tế của Napoléon chống lại nước Anh.
Thượng thư ngoại giao Talleyrand được Hoàng Đế triệu đến cung điện Potsdam và được lệnh thông báo ngay tức khắc cho các chư hầu nửa chư hầu những ý định của Napoléon về vấn đề phong tỏa. Đồng thời, Hoàng Đế còn ra lệnh cho các Thống Chế chiếm đóng càng nhiều càng hay ven Biển Bắc và ven Biển Baltic. Napoléon biết rất rõ tính chất quái gở của biện pháp mà ông quyết định thực hiện. “Chúng ta đã phải hy sinh nhiều khi tiến hành bảo vệ quyền lợi riêng của chúng ta thoát khỏi cuộc tranh chấp của bọn vua chúa và chúng ta cũng đã phải hy sinh nhiều khi, sau bao nhiêu năm văn minh, chúng ta phải quay trở lại với những nguyên tắc nói lên đặc điểm dã man của thời đại nguyên thủy của các quốc gia; nhưng vì quyền lợi của nhân dân ta và của các đồng minh của chúng ta, chúng ta buộc phải chống lại kẻ thù chung bằng ngay những vũ khí mà kẻ thù đã dùng để đánh chúng ta”. Napoléon viết như vậy trong thông báo chính thức gửi cho Thượng Nghị Viện của đế quốc Pháp để báo tin việc thi hành phong tỏa lục địa. Bức thư đó, viết cùng với Đạo Luật Berlin, 21 tháng 11 năm 1806.
Với thái độ ngoan ngoãn câm lặng và sợ sệt, Châu Âu đón nhận bản công bố phong tỏa lục địa. Sau thảm họa của nước Phổ. Chưa nước nào phục hồi được tinh thần và nhiều nước khiếp sợ tính từng ngày, tin rằng sẽ đến lượt mình mất nước. Nước Anh biết là từ nay trở đi vấn đề là đấu tranh một mất một còn. Nước Anh lại hướng về cái cường quốc mà trước đây Anh đã hai lần ngỏ ý liên minh, vào năm 1798 và vào năm 1805. Aleksandr đệ nhất lại được nước Anh hứa viện trợ tài chính, nếu Aleksandr lại chống Napoléon và có ý định cứu nước Phổ. Chính phủ Anh cũng thăm dò cả Áo, nhưng Áo vẫn chưa hồi phục sau thất bại khủng khiếp ở Austerlitz và Áo lại còn nhìn sự thất bại của Phổ bằng con mắt vui mừng độc ác, vì năm 1806 Áo đã không dám gia nhập Khối Liên Minh thứ ba. Để đáp lại, ở Peterburg, tất cả đều đã sẵn sàng tái chiến. Ở tất cả các nước, tất cả các kinh thành và đặc biệt ở Peterburg, Napoléon tổ chức một bầy gián điệp nhung nhúc và tay sai đủ hạng, đủ cỡ, cao thì có bá tước, hoàng thân và các bà hào hoa quý phái, thấp thì có chủ thuyền, chủ quân, quân hầu, viên chức bưu điện, thầy thuốc, nhân viên chạy thư. Bọn này báo cho Napoléon biết những cuộc thương lượng giữa Anh và Nga, ý định và sự chuẩn bị của Aleksandr, những lời hứa hẹn viện trợ tiền bạc cho Nga Hoàng trong trường hợp Nga tham chiến. Sau khi tạm thời lấy Berlin làm trung tâm cai trị đế quốc rộng lớn của mình, Napoléon chú ý cùng một lúc hai nhiệm vụ khó khăn, không tách rời nhau: Một là đặt ra những biện pháp cần thiết để thực hiện phong tỏa lục địa; hai là chuẩn bị quân đội để nay mai giao chiến với quân Nga tất sẽ ứng cứu cho nước Phổ bại trận.
Napoléon ra lệnh chiếm các thành phố buôn bán cổ ở bờ biển Hamburg, Bremen, Lubeck. Quân Pháp tiến quân theo dọc bờ Biển Bắc và Baltic, vừa chiếm đóng các thành phố và làng mạc ở ven biển, bắt giữ người Anh chẳng may sa vào tay họ, tịch thu hàng hóa Anh, dăng khắp nơi một màng lưới đồn bốt và quân tuần tiễu để ngăn chặn nạn buôn lậu của người Anh. Nước Phổ, xứ Saxony và nhiều nước khác thuộc Đức đến tận lúc đó vẫn phải đài thọ quân đóng trên các nước bị chiếm cứ. Các thành phố đồng minh thương nghiệp từ nay trở đi phải nuôi dưỡng những lính đoan và lính canh phòng bờ biển người Pháp đóng trên bờ Biển Bắc để ngăn ngừa hàng hóa Anh đột nhập. Đồng thời, Napoléon còn tích cực chuẩn bị việc xâm lược Ba Lan, mở một chiến dịch mới chống quân Nga và tập trung nhiều quân ở biên giới Đông Phổ.
Lần tham chiến này của Aleksandr được quyết định bởi những lý do chính đáng hơn năm 1805. Thứ nhất là Napoléon uy hiếp khá rõ rệt biên thùy nước Nga: Quân đội Pháp đã từ Berlin hành quân về phía Tây. Thứ hai là nhiều đoàn đại biểu Ba Lan nối nhau đến Potsdam để cầu xin Napoléon khôi phục nền độc lập của Ba Lan, và Napoléon, Hoàng Đế của nước Pháp, vua của nước Ý, người bảo hộ Liên Bang Sông Rhine, không ghét bỏ gì cái việc thêm vào ba danh hiệu ấy một danh hiệu khác có liên quan đến nước Ba Lan. Do đó, nước Nga ở vào tình trạng bị đe dọa sẽ mất Litva, Belarus, có thể cả Ukraine ở hữu ngạn sông Dniepr. Thứ ba là rõ ràng sau khi công bố đạo luật phong tỏa lục địa, Napoléon sẽ chỉ chịu dừng lại khi nào đã bằng cách này hoặc cách khác bức được nước Nga đứng về phía các cường quốc đang thừa hành đạo luật, và cuối cùng là việc ngừng buôn bán với nước Anh gây nên hậu quả tai hại nghiêm trọng cho việc xuất cảng nông sản của Nga sang Anh, cũng như đối với việc ổn định tiền tệ của Nga hiện đã đang rất bấp bênh. Tóm lại, có đủ lý do để chiến tranh với Napoléon, đó là chưa nói đến ý muốn phục thù trận thất bại nhục nhã ở Austerlitz, và người ta chuẩn bị cuộc đấu sức này kỹ càng hơn chiến dịch trước nhiều. Khi người ta kinh ngạc trước sự sụp đổ không ngờ của Phổ thì người ta đã đánh giá được lực lượng của kẻ địch mà người ta phải đương đầu. Và cũng không thể trông cậy và sự giúp đỡ đắc lực của ai cả, vì nước Phổ, vào cuối năm 1806, hầu như không còn là một cường quốc nữa.
Ở Peterburg, người ta quyết định đưa ra tiền tuyến một đạo quân 100.000 người cùng với tổng đội dự bị pháo binh và vài trung đoàn Cossacks để chống Napoléon. Đội cận vệ thì mấy ngày sau mới rời Peterburg.
Napoléon quyết định tiến quân trước quân Nga. Tháng 11, quân Pháp đã vào Ba Lan.
Giai cấp quý tộc Ba Lan và giai cấp tư sản chẳng đông đảo gì, phần lớn bao gồm các thương nhân và các nhà tiểu công nghệ, hoan hỉ đón tiếp quân Pháp, chào mừng Napoléon, người phục hưng nền độc lập của Ba Lan đã bị mất đi từ cuối thế kỷ thứ XVIII sau ba lần đất nước bị phân chia. Nhưng Napoléon có để ý gì đến nền độc lập của Ba Lan. Trong cuộc đấu trọng đại ấy của ông, ông chỉ cần dùng Ba Lan để làm tiền đồn hoặc làm bia đỡ đạn khi xảy ra chiến tranh với Nga và Áo ở miền Đông Châu Âu (với Napoléon, nước Phổ không cần đếm xỉa tới nữa). Nhưng muốn vậy thì trong chính sách đối ngoại, Napoléon phải hành động đúng như là người kế tục truyền thống cách mạng của nước Pháp tư sản. Song Napoléon chẳng bao giờ tự lĩnh lấy nhiệm vụ đó, và lúc đó Napoléon cũng chẳng nghĩ tới việc tiêu diệt đế quốc của bọn Nga Hoàng. Đến một lúc nào đó, nước Ba Lan sẽ là nguồn nhân lực và vật lực để bổ sung, tiếp tế cho quân đội của Napoléon. Napoléon đã đạt được mục đích đầu tiên bằng cách tranh thủ được cảm tình rộng rãi của giới tiểu quý tộc và tư sản ở các thành phố đối với nước Pháp, với tư cách là người bênh vực tự do của các dân tộc. Bằng một loạt những biện pháp trưng thu nghiêm ngặt, Napoléon đã bòn rút được những nguồn lợi khá lớn ở Ba Lan.
Sau Hòa Ước Tilsit, Napoléon phải giải quyết “vấn đề Ba Lan” bằng cách đem phân chia lại nước Ba Lan, và giao cho đồng minh mới của mình là vua xứ Saxony phần đất đai lớn nhất của Ba Lan thuộc Phổ, tên là Đại Công Quốc Warszawa. Công quốc này gồm nửa phần Bắc nước Ba Lan vùng thiểu số, trừ vùng Białystok đã giao cho Aleksandr. Nhưng trước khi ký Hòa Ước Tilsit, tình hình thắng bại vẫn chưa rõ rệt, trong lúc chờ đợi, Napoléon đã thành lập được một phái thân Pháp trong số đại thần người Ba Lan, nhưng bọn này do dự mãi mới dám quyết định vì họ sợ nước Nga có thể trả thù vào những chúa đất lớn là họ hàng thân thích của họ đang ở Litva, ở Belarus và ở Ukraine, bất cứ lúc nào cũng được. Thượng thư bộ chiến tranh của chính phủ lâm thời Ba Lan, hoàng thân Józef Poniatowski, sau này trở thành Thống Chế Pháp, cũng không tuyên bố ngay là thân Napoléon.
Chính sách đối nội của Napoléon ở Ba Lan nhằm đẩy Ba Lan tiến một bước trên chiều hướng biến chuyển thành một quốc gia tư bản. Điều 1 của bản hiếp pháp mà Napoléon đã quy định cho Đại Công Quốc Warszawa có nói: “Thủ tiêu chế độ nô lệ. Tất cả mọi người công dân đều bình đẳng trước pháp luật”. Thực ra, đó chỉ là lời nói suông, vì khi đã bỏ làng ra đi thì “người nông dân tự do” phải nộp lại ruộng đất cho chúa đất. Do chịu ảnh hưởng của những người công dân tự do là binh lính Pháp nên trong số nông nô người Ba Lan thuộc Phổ, đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên của phong trào đấu tranh chống chúa đất. Nhưng phong trào đó bị thất bại. Việc “giải phóng” nông dân một cách hình thức ấy không làm bọn chúa đất mất mát một chút quyền lợi nào.
Quân đội Pháp được đón tiếp nồng hậu ở Ba Lan, vì họ đã nhen nhóm ở đó những niềm hy vọng: Nước Ba Lan thoát khỏi ách đô hộ của Phổ, cũng như sau này sẽ thoát khỏi ách thống trị của Áo, và viễn cảnh sẽ “đoàn tụ” lại với Litva, Belarus, Ukraine. Vùng Poznan đã đón tiếp long trọng Thống Chế Davout. Khắp vùng, ngay cả những nơi quân Pháp chưa đi đến, người ta đã cách chức những nhà cầm quyền Phổ và thay bằng những nhà cầm quyền người Ba Lan. Vai trò lãnh đạo trong buổi đầu của cuộc nổi dậy chống lại nước Phổ là do Wibiki, một trong những người đã tham gia cuộc khởi nghĩa do Kościuszko lãnh đạo, ở Pháp trở về.
Phong trào đấu tranh chống nước Phổ ngày càng phát triển rộng rãi. Lúc đầu, trong số những binh đoàn khởi nghĩa đang hình thành, nổi bật là những cuộc nổi dậy do quý tộc tổ chức, nhưng từ cuối tháng Giêng năm 1807, nhiều trung đoàn chính quy thuộc “binh đoàn” của tướng Dombrowsky từ Ý về xuất hiện trên mặt trận và tiến về Danzig. Đến tháng 2 năm 1807 đã có tới 30.000 quân chính quy do các cựu sĩ quan và hạ sĩ quan của các “binh đoàn Ba Lan” chỉ huy, các binh đoàn này do Napoléon thành lập trong chiến dịch đánh nước Ý năm 1796 - 1797.
Nhưng nhìn chung, người ta không bàn đến việc tổng động viên ở trong nước để trợ lực cho quân Pháp, và Thống Chế Lannes từ Ba Lan viết về cho Napoléon lúc này đang ở Berlin rằng không hy vọng gì nhiều ở người Ba Lan vì họ có nhiều khuynh hướng vô chính phủ và đối với họ không thể xây dựng một cái gì lâu bền được.
Cuối tháng 11, Napoléon nhận được tin có nhiều đơn vị đi trước của quân đội Nga đã vào Warszawa, Napoléon ra lệnh cho Murat và Davout tức khắc tiến quân đi Warszawa.
Ngày 28 tháng 11, Murat dẫn đầu đội kỵ binh, chiếm được thành phố mà quân Phổ đã bỏ từ chiều hôm trước để rút sang bên kia bờ sông Vistula và đã đốt cháy cầu. Rồi Napoléon cũng đến Ba Lan, lúc đầu ở Poznan, sau đến ở Warszawa. Bọn quý tộc kéo đến chào mừng, Napoléon tuyên bố là trước hết cần phải làm cho việc phục hưng nước Ba Lan trở thành danh chính ngôn thuận. Lẽ ra Napoléon đã định đưa người anh hùng dân tộc Ba Lan nổi tiếng thời bấy giờ ở Paris về nước, đó là Tadeusz Kościuszko, người cầm đầu phong trào đấu tranh chống chia cắt nước Ba Lan, dưới triều đại Catherine. Nhưng Kościuszko đã đưa ra những điều kiện nhằm bảo đảm nền tự do của Ba Lan khỏi rơi vào tay Napoléon, kẻ mà Kościuszko coi là một tên chuyên chế. Fouché, người tiến hành thương lượng đã thỉnh thị Napoléon xem nên ăn nói thế nào với nhà ái quốc Ba Lan. Hoàng Đế trả lời một cách giản đơn rằng: “Kościuszko là một thằng ngốc”. Napoléon quyết định chỉ dựa vào lực lượng của chính mình, không trông cậy vào cuộc khởi nghĩa chống lại nước Nga ở Litva và ở Belarus nữa.
Chiến tranh với nước Nga mở màn. Rời khỏi Warszawa, Napoléon tiến công quân Nga. Sau một vài trận xô xát nhỏ, ngày 26 tháng 12 năm 1806 đã xảy ra một trận ở Pułtusk, bên sông Narew. Tướng Bennigsen chỉ huy quân Nga; đối với Bennigsen, Aleksandr thấy vừa có ác cảm lại vừa lo ngại, cũng như đối với những người đã ám sát Pavel đệ nhất (thực ra họ chỉ là những tên tòng phạm của Aleksandr mà thôi), như Aleksandr đã phải cử Bennigsen vì không tìm được một viên tướng nào có tài hơn. Thống Chế Lannes chỉ huy quân Pháp.
Trận đánh kết thúc không phân thắng bại, và trong mọi trường hợp như vậy, bao giờ đôi bên cũng đều báo tin rằng mình đã thắng trận lên nhà vua. Lannes báo cáo lên Napoléon là quân Nga đã bị đuổi ra khỏi Pułtusk và bị tổn thất nặng, Bennigsen báo cáo lên Aleksandr là đã đánh bại được đích thân Napoléon, trong khi ấy Napoléon chưa hề bao giờ ở Pułtusk, không ở cả những vùng lân cận Pułtusk.
Nhưng ngay từ trận giáp chiến này, quân Pháp đã hiểu rằng không phải là họ đang đương đầu với quân Phổ bạc nhược mà là với những đơn vị Nga tinh nhuệ và dũng cảm. Napoléon đóng bản doanh trú quân ở Ba Lan và đồng thời điều viện từ Pháp sang. Quân đội Nga cũng nhận được viện binh từ các tỉnh ở trong nước gửi đến.
Napoléon điều đến Ba Lan chừng 105.000 quân, trong số đó thì gần 30.000 đóng ở các thành phố và ở giữa Thorn và Grauzden để phòng mọi cuộc tiến công bất ngờ từ Memel đến, mặc dù Frederick Wilhelm hầu như đã không còn quân đội. Bennigsen có từ 80 đến 90 nghìn quân. Hai bên đang bố trí giao chiến. Trận đó xảy ra ngày 8 tháng 2 năm 1807, ở gần Eylau (hay đúng hơn là ở Preußisch Eylau) thuộc miền Đông Phổ. Napoléon tổng chỉ huy quân đội Pháp. Trận Eylau là một trong những trận quyết chiến ác liệt nhất vào thời ấy và về mặt đó thì nó vượt tất cả mọi trận mà Napoléon đã giao chiến. Trận Eylau kết thúc cũng không phân thắng bại. Bennigsen đã mất một phần ba quân số, Napoléon cũng tổn thất nặng nề. Quân Nga đã điều ra mặt trận một lực lượng pháo binh nhiều gấp bội quân Pháp và các Thống Chế Pháp còn chưa kịp thời có đủ mặt ở trận địa. Quân đoàn của Thống Chế Augereau bị pháo binh Nga tiêu diệt gần hết. Chính bản thân Napoléon cùng với bộ binh ở giữa nghĩa địa Eylau, lúc đó là trung tâm của chiến trường, cũng suýt chết vì đạn đại bác rơi như mưa xung quanh. Cành cây bị tiện đứt và đạn bay vù vù trên đầu Napoléon. Napoléon luôn luôn quan niệm rằng một người chỉ huy trưởng không được liều mạng hy sinh nếu không thực sự cần thiết, nhưng bây giờ đây, ở Eylau, ông lại thấy phải hy sinh như ở Lodi và ở cầu Arcole dạo nọ. Chỉ khác là ở Lodi hoặc Arcole, Napoléon phải xông trước lên cầu để lôi kéo đám cận vệ do dự, còn ở Eylau thì ông lại phải động viên bộ binh kiên trì giữ vững trận địa, không được rối loạn hàng ngũ dưới hoả lực của quân Nga.
Napoléon và cận thần đều thấy rằng chỉ sự có mặt của Hoàng Đế mới có thể giữ vững tinh thần bộ binh trong tình thế khủng khiếp này. Hoàng Đế đứng nguyên ở vị trí chỉ huy, tiếp tục hạ lệnh cho một vài sĩ quan tùy tùng, vừa thoát được nơi tử địa đến chỗ Napoléon đang cùng trú với mấy đại đội bộ binh. Dưới chân Napoléon, xác binh lính và sĩ quan ngổn ngang. Các đại đội tác chiến bị hoả lực quân Nga tiêu hao dần, lính cận vệ và lính mặc áo giáp dần dần đều phải ra thay thế họ. Vừa bình tĩnh ra lệnh, Napoléon vừa đợi thời cơ, và thời cơ đã đến khi toàn bộ kỵ binh Pháp đột kích thắng lợi vào chủ lực quân Nga và cuối cùng đã cứu vãn được tình thế. Rốt cuộc nghĩa địa Eylau vẫn ở trong tay quân Pháp và trung tâm của trận đánh di động thành nhiều điểm trên chiến trường rộng mênh mông.
Khi bóng tối bắt đầu phủ kín chiến trường thì quân Pháp tự coi là kẻ thắng trận, vì Bennigsen đã rút lui. Trong thông báo, Napoléon nói đến thắng lợi, nhưng không phải chỉ có riêng mình Napoléon mới hiểu là quân Pháp không thu được thắng lợi thực sự trong ngày huyết chiến ác liệt đó, vì quân Pháp đã hy sinh rất nhiều. Napoléon cũng hiểu tổn thất của quân Nga còn lớn hơn thế nữa (xong cũng không đến nỗi bị tổn thất mất nửa quân số như quân Pháp đã xác định). Napoléon biết là Bennigsen còn giữ được những lực lượng đáng sợ, có tinh thần chiến đấu cao và không những không thừa nhận bị thất bại, Bennigsen còn loan báo rầm rộ thắng lợi của mình đi khắp nơi.
Suốt trong bốn tháng, quân Pháp không thu được một kết quả nào đối với quân Nga, và Caulaincourt, công tước xứ Vicenza, hơi nản chí, viết rằng có trời biết được bao giờ thì họ sẽ thắng lợi. Trên thị trường chứng khoán Paris, sau trận Eylau, tiền tệ sụt giá đùng đùng. Ở xa nước Pháp, đứng trước quân Nga đã giáng cho quân Pháp một đòn ác liệt không kém gì đòn quân Pháp đánh vào họ, Napoléon phải chuẩn bị một trận quyết định. Bởi vì chỉ một trận thất bại hay chỉ một trận Eylau mới nữa thôi là sẽ đủ để mở đầu cho toàn thể Châu Âu nổi dậy chống lại kẻ xâm lược.
Mùa đông buốt lạnh và mù sương, Napoléon phải đóng quân trên đất nước Ba Lan hoang tàn và miền Đông Phổ. Sau trận Eylau các bệnh viện đầy ứ những thương binh nặng.
Trên bãi chiến trường, hàng nghìn xác chết bỏ lại không chôn cất, thối rữa và mùi xú uế xông lên nồng nặc hàng km xung quanh, làm không ai dám đến gần.
Napoléon quyết định đợi sang xuân sẽ lại mở chiến dịch. Với tinh thần không mệt mỏi, Napoléon vừa thân hành đi kiểm tra những vị trí xa xôi nhất, trên một địa bàn rộng lớn, vừa đi thăm các bệnh viện, săn sóc các chuyến xe tiếp tế, vừa bổ sung quân số bằng tân binh đưa ở Pháp sang. Hoàng Đế rất chú ý đến tình hình là quân Nga hầu như ở ngay trên đất nước họ, cách biên thùy đất nước họ có mấy bước chân, còn Napoléon thì cách xa nước Pháp bằng cả một vùng đất đai rộng lớn gồm những nước Châu Âu bại trận và hầu như đã bị khuất phục nhưng căm ghét Napoléon. Những vật phẩm cần thiết đều phải tiếp tế từ xa lại. Nhân dân bị quân đội cướp bóc sạch trơn, họ đói khát đi lang thang cùng vợ con xung quanh các trại lính Pháp để xin ăn.
Napoléon không muốn mình sống đầy đủ qua tiết mùa đông này trong các thành phố bị chiếm đóng, ở Poznan, ở Breslau, hay ở trong lâu đài Warszawa lộng lẫy. Napoléon muốn duy trì tinh thần của binh sĩ trong chiến dịch đầy gian khổ này bằng hành động gương mẫu của mình. Từ bản doanh trú quân, Napoléon viết thư cho anh là Joseph, người mà Napoléon đã phong cho làm vua ở Naples, nói rằng có khi 15 ngày ông không tháo ủng. Napoléon nói thêm: Quân đội Pháp sống trong tuyết đọng và bùn lầy, không rượu vang, không rượu mạnh, không bánh, ăn toàn khoai và thịt, lúc tiến lúc lùi, đời sống căng thẳng, thiếu thốn, lúc nào cũng phải đánh nhau với quân địch. Thương binh được chở trên xe trượt tuyết không mui đưa đến một địa điểm các đấy 50 dặm. Họ đã tiến hành chiến tranh với tất cả sức lực của họ và trong tất cả sự khủng khiếp của chiến tranh.
Mấy tháng buộc phải ngừng chiến đối với Napoléon là cả một giai đoạn làm việc tích cực phi thường. Cứ ba, bốn ngày lại có công văn giấy tờ từ Paris, Amsterdam, Milan, Naples, Berlin gửi tới cùng với báo cáo của các Bộ Trưởng, các Thống Chế và các phó vương, thư tín của các đại sứ. Là một ông vua độc tài cai trị nhiều quốc gia lớn, bao giờ Napoléon cũng giành cho mình quyền tối hậu quyết định tất cả các vấn đề quan trọng. Lúc thì trú trong một kho thóc, như khi ở Osterode, lúc ở trong một túp lều của nông dân, Napoléon xem công văn giấy tờ gửi tới, hạ mệnh lệnh và ra quyết định. Trong cùng một ngày, Napoléon thảo đạo luật tăng cường việc kiểm tra thuế quan; sửa đổi và ký các văn bản điều lệ của một trường học cho con gái các sĩ quan; khiển trách em mình là vua nước Hà Lan hoặc yêu cầu vua xứ Bavaria phải tăng cường việc giám thị vùng Tyrol, Napoléon ra lệnh cho dòng họ Bourbon Tây Ban Nha tăng cường quân số canh phòng bờ biển, ông chú ý đến văn học, đùng đùng giận dữ về những quan điểm văn học của tuần báo Mercury[33] nước Pháp mà ông cho là ngu xuẩn, chỉ thị cho Bộ Trưởng Công An Fouché phải lập tức sửa lại tất cả những ý kiến của tờ báo đó và thậm chí ra lệnh tìm một người chủ bút khác “biết lẽ phải hơn” cho tờ báo đó. Napoléon hỏi cả tình hình kỹ nghệ tơ lụa Lyon và còn muốn biết tại sao người ta lại để các nữ diễn viên sân khấu Pháp người nọ thủ đoạn với người kia, ảnh hưởng đến nghệ thuật của họ; Napoléon ra lệnh trục xuất bà Stael khỏi Paris vì những tư tưởng tự do của bà ta; soát lại các sổ sách và báo cáo của Bộ Tài Chính và đã phát hiện ra được nhiều sự nhầm lẫn, không chính xác. Ông cách chức và bổ nhiệm các công chức ở bên Ý, ra lệnh theo dõi chu đáo tình hình ở Áo và những công việc chuẩn bị về mặt quân sự của nước Áo; ra lệnh kiểm tra các thành phố và làng mạc ở Phổ.
Những loại công việc ấy rất nhiều và rất khác nhau, nhưng Napoléon bao giờ cũng đề ra được những giải pháp rõ ràng, chính xác và không chậm trễ; không hài lòng giải quyết các công việc mà các Bộ Trưởng, các tướng lĩnh và các đại sứ đã đệ lên, chính bản thân Napoléon đề ra những vấn đề mới và yêu cầu mọi người phải báo cáo gấp. Các đội giao thông liên lạc phi ngựa chí tử đi về các phía đã định và các mệnh lệnh cần được thi hành. Napoléon chỉ đạo tất cả những côngviệc đó cùng một lúc với những công việc chính có liên quan đến việc chuẩn bị về mặt ngoại giao và quân sự của chiến dịch mùa xuân sắp tới.
Napoléon thành công rực rỡ trong việc đạt tới mục tiêu mà ông ta đã trù tính từ cuối năm 1806, lôi kéo được vua Thổ đẩy mạnh hơn nữa cuộc chiến tranh chống lại nước Nga mà Napoléon đã tuyên chiến. Tháng 3 năm 1807, Napoléon viết một bức thư, lời lẽ rất khôn khéo, gửi cho vua Thổ khiến vua Thổ hành động kiên quyết hơn, như trước đây Napoléon đã nhen lại mâu thuẫn giữa Selim với nước Anh. Do đó một bộ phận quân Nga phải rút khỏi sông Vistula và Niemen, nơi quyết định số phận của chiến dịch. Napoléon cũng đã tiến hành đàm phán mấy ngày với triều đình nước Phổ đang tị nạn ở Königsberg. Điều kiện của Napoléon đưa ra đối với Frederick Wilhelm đệ tam xem ra quá nặng, Wilhelm đã bỏ dở cuộc điều đình. Ngày 26 tháng 4, Phổ hội kiến riêng với Nga Hoàng ở Bartenstein và sau đó trở thành hoàn toàn bất trị: Chính Wilhelm đệ tam đã đề ra những điều kiện mà Napoléon dù có bị đại bại chăng nữa cũng không bao giờ chấp nhận được.
Napoléon cho rằng trong chiến tranh không có việc gì nhỏ mọn cả; ông cân nhắc hết thảy, dự kiến hết thảy vì biết rẳng kết quả của một trận đánh lúc đang ở vào phút quyết định đôi khi lại phụ thuộc vào những nguyên nhân không thể xác định được. Người, pháo, đạn dược ùn ùn tăng viện về các đồn trại và tự thân Hoàng Đế phân phối các thứ đó cho các quân đoàn. Ông đã ban bố đúng lúc rất nhiều mệnh lệnh và đã ký một loạt các hiệp ước để bổ sung vào quân đội hiện thời của ông thêm nhiều chi đội lính Đức, Ý, Hà Lan.
Châu Âu khiếp đảm đến mức độ mà Napoléon muốn làm gì thì làm, ngay cả đối với cường quốc chưa bao giờ tham chiến với Napoléon hay với một nước nào khác. Cho nên muốn tăng cường quân đội để sau đây giao chiến với quân Nga, Napoléon tính ra rằng có thể yêu sách Tây Ban Nha chừng 15.000 quân, mặc dù không có quyền hoặc một lý do nào cả, và Tây Ban Nha cũng không ở trong tình trạng chiến tranh với Phổ hay Nga. Một bức công hàm khẩn cấp được gửi đến Madrid, trong đó Napoléon lưu ý Thủ Tướng Tây Ban Nha Godoy về việc 15.000 quân đó rằng, bản thân họ thì “hoàn toàn vô dụng”, nhưng trái lại, đối với Napoléon có rất nhiều tác dụng. Thế mà cái lý lẽ tưởng chừng không thể có được ấy - vì chẳng có lý lẽ nào khác - lại đã tỏ ra có sức thuyết phục chính phủ Tây Ban Nha đến nỗi 15.000 quân được đưa ngay đến cho Napoléon, một phần sang Đông Phổ, một phần sang miền Bắc nước Đức. Tháng 5 năm 1807, Napoléon có dưới quyền tám Thống Chế và ngần ấy quân đoàn, với tổng số quân là 228.000 người, không kể độ 170.000 binh lính chiếm đóng nước Phổ và chưa bị gọi đi tham gia chiến dịch sắp mở vào mùa xuân.
Trong mùa xuân ấy, tình hình tiếp tế được cải thiện. Ngày 26 tháng 5, Danzig đầu hàng Thống Chế Lefebvre sau một thời gian cầm cự tương đối dài và người ta thu được ở đó nhiều kho lương thực lớn và quân dụng đủ các loại.
Giai đoạn kết thúc đến gần. Quân đội Nga, sau trận Eylau cũng được tăng cường thêm về quân số, nhưng trang bị lại kém nhiều so với đại quân của Napoléon. Trong quân đội Pháp, tất nhiên cũng có nạn tham ô lũng đoạn: Napoléon đã uổng công trong việc diệt bọn ăn cắp và bọn hối lộ, bọn đầu cơ và bọn môi giới, bọn tài chính bất lương và bọn lũng đoạn. Trong cuộc chiến tranh này, Napoléon đã bị thất bại, và ngay ở Pháp người ta cũng nói rằng tất cả bọn ăn cắp ấy đều chỉ cười khi bọn chúng nghe thấy người ta tán tụng Hoàng Đế là “vô địch”. Người ta còn nói rằng quân Pháp sống cực kỳ gian khổ, vất vưởng suốt cả mùa đông năm 1807 trong một vùng hoang tàn, tuy vậy, quân Nga lại còn sống cực khổ hơn nhiều. Binh lính Nga đói và rét, chết như ruồi.
Aleksandr đệ nhất sợ một trận Austerlitz thứ hai. Từ lâu, trong giới cầm quyền và triều đình, người ta cho rằng cần thiết phải dốc toàn bộ lực lượng tinh thần và vật chất của nhân dân Nga để chuẩn bị cuộc chiến đấu lớn, ý định đó đã mang lại những kết quả rất kỳ lạ. Người ta phổ biến mục đích ấy cho Hội Đồng Tôn Giáo, rồi hội đồng này, hoặc do người ta gợi ý hoặc do ý kiến riêng của hội đồng đã quyết định mở một cuộc vận động lạ lùng, làm kinh ngạc bao nhiêu người hồi đó. Trong bản sắc dụ gửi cho toàn thể giáo dân chính thống do những người chăn dắt linh hồn chuyển đến, Napoléon được miêu tả như là tiền thân của Quỷ Vương phản Chúa, như kẻ thù từ hàng triệu năm nay của đức tin, như người sáng lập ra pháp đình Do Thái, ngoài ra, người ta còn nói Napoléon là người bỏ Đạo Thiên Chúa để theo Đạo Hồi (ám chỉ các chiến dịch ở Ai Cập và ở Syria), Napoléon gây chiến với Nga nhằm mục đích chính là tiêu diệt nhà thờ chính thống. Đó là tóm tắt bản tài liệu lạ lùng đã được đọc trên tòa giảng của tất cả các nhà thờ của nước Nga. Nhưng việc chuẩn bị tư tưởng cho cuộc đấu tranh chống lại các binh đoàn của Quỷ Vương phản Chúa còn chưa phát triển đến mức mong muốn thì giờ quyết định đã điểm.
Đầu tháng 5, theo lệnh của Napoléon, tất cả các đơn vị đóng ở thành phố và làng mạc được điều động đến doanh trại và ngay sau đó, quân đội đã sẵn sàng chiến đấu. Bennigsen, không biết việc ấy, đã quyết định tiến công vào những ngày đầu tháng 6. Aleksandr đệ nhất tới bản doanh, thúc giục tướng Bennigsen ráo riết và càng tin tưởng vào những lời quyết đoán huênh hoang của chính viên tướng này: Tô vẽ thêm những câu chuyện về trận Eylau, Bennigsen đi đến chỗ cho Nga Hoàng tin rằng Napoléon đã bị giáng một đòn khủng khiếp ngày 8 tháng 2, và bây giờ đây, mùa đông đã qua, đường sá đã đi lại được thì đã đến lúc phải hành động ngay.
Quân Nga bước vào chiến dịch ngày 5 tháng 6; tuân theo mệnh lệnh của Bennigsen, Bagration tiến công vào quân đoàn của Ney được phái đi làm nhiệm vụ trắc vệ, còn thủ lĩnh Cossacks là Platov thì vượt qua sông Alle . Ney vừa rút lui vừa chiến đấu chống lại đối phương đông gấp bội (chừng 30.000 người), họ vừa tiến công vừa uy hiếp Ney. Đồng thời, quân Nga tiến công vào nhiều điểm khác.
Napoléon định mở màn chiến dịch vào ngày 10 tháng 6. Hành động bất ngờ của quân Nga đã buộc Napoléon phải thay đổi ngay kế hoạch. Chạy vội ngay ra chiến trường, Napoléon ngạc nhiên thấy quân Nga, vì lẽ gì không biết đã ngừng binh lại, không truy kích quân đoàn của Ney nữa, và sau khi dừng lại tại chỗ gần 24 giờ, lại quay trở lại một cách bất ngờ. Nhanh chóng tập trung thành một khối xung kích gồm sáu quân đoàn cộng thêm đội quân cận vệ, cả thảy hơn 125.000 người, Napoléon ra lệnh cho các Thống Chế phản kích.
Lúc đó, theo một vài con số ước lượng, Bennigsen có chừng 85.000 quân và theo tài liệu khác thì có chừng 100.000 quân chiến đấu. Đến vùng ngoại ô Haileclerc, Bennigsen dừng lại chiếm lĩnh các cứ điểm kiên cố, và trận chiến đấu diễn ra ngày 10 tháng 6 kéo dài vài tiếng đồng hồ. Trong thời gian ấy, đội tiền vệ quân Pháp bị thiệt mất chừng 8.000 người vừa chết vừa bị thương, và quân Nga mất gần 10.000 người. Bennigsen bị thương. Napoléon cho hai quân đoàn tiến quân trên đường đi Königsberg và do đó, Bennigsen phải rút lui về Bartenstein ở phía Đông Bắc. Chủ tâm của Bennigsen là dùng trận Henberg để làm chậm bước tiến của Napoléon, nhưng Napoléon lại đã cho chủ lực của ông tiến thẳng đến Königsberg, qua Eylau. Napoléon đã dự kiến là đối phương có ý cứu thủ đô Đông Phổ. Và, hồi ba giờ sáng ngày 14 tháng 6, Thống Chế Lannes nhận thấy quân Nga đã tiến vào thành phố nhỏ Friedland từ hôm trước, đang chuẩn bị vượt sang hữu ngạn sông Alle để về Königsberg. Lập tức Lannes hạ lệnh nổ súng.
Thế là trận đánh lớn diễn ra vào ngày 14 tháng 6 năm 1807, và cũng là trận chấm dứt chiến tranh. Lannes phái các sĩ quan tuỳ tùng đến báo cáo với Napoléon và lập tức Napoléon chỉ thị cho tất cả các lực lượng phải cấp tốc hành quân và bản thân Napoléon cũng lập tức đến nơi diễn ra chiến sự. Napoléon đã nhận ra sự nhầm lẫn tai hại của Bennigsen, trong lúc vội vã vượt sông, đã để quân đội ùn lại thành một khối lớn ở khuỷu sông Alle. Thống Chế Ney nhận nhiệm vụ nguy hiểm là tiến công thẳng vào chủ lực của quân địch. Quân Nga, đặc biệt là đội kỵ binh cận vệ do Kologrivov chỉ huy, đã chống lại rất ngoan cường, và một bộ phận quân đoàn của Ney trong lúc tiến công vì đội hình quá dày đặc, đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Quân Pháp, sau khi chiến đấu vô cùng gay go mới chiếm được Friedland, đã phá cầu trên sông Alle. Napoléon đích thân chỉ huy trận đánh. Khi một đại bác bay qua đầu, Hoàng Đế trông thấy một chiến sĩ đứng gần mình hoảng sợ rụt đầu lại thì Hoàng Đế bảo người lính: “Nếu viên đạn có dành trước cho anh thì dù anh có nấp dưới 30 thước nó cũng đi tìm anh”. Sai lầm căn bản của Bennigsen đã đưa quân đến chỗ thất bại hoàn toàn, mặc dầu họ chiến đấu rất dũng cảm: Quân Nga phải nhảy xuống sông để tránh pháo binh của Pháp sát thương. Một bộ phận chạy trốn dọc theo bờ sông, một bộ phận khác hàng, nhưng số bị bắt thì ít hơn số bị chết đuối rất nhiều. Hầu hết số pháo của quân Nga rơi vào tay Napoléon. Sau khi bị tổn thất nặng nề (hơn 25.000 chết, bị thương và bị bắt), Bennigsen đã vội vã lui về hướng Preghéna và bị quân Pháp bám sát. Chỉ còn cách chuồn mới có thể tránh bị tiêu diệt hoàn toàn. Ngay sau trên Friedland, Thống Chế Soult vào thành Königsberg và vơ vét được rất nhiều quân cụ, lương thực, quần áo mà quân Anh thì không dự kiến được tai biến sắp xảy ra, vừa mới đưa từ đường biển vào. Năm ngày sau trận Friedland, quân lính của Napoléon đã tiến tới sông Niemen vào ngày 19 tháng 6. Tàn quân Nga vượt sông. Napoléon tiến đến Tilsit, biên giới đế quốc Nga.
Buổi chiều, ở vị trí tiền tiêu của một sư đoàn kỵ binh Pháp đóng trên bờ sông Niemen, một sĩ quan quân đoàn Bagration cầm cờ trắng xuất hiện, viên sĩ quan này mang một bức thư của tổng chỉ huy quân Nga và yêu cầu chuyển đến Thống Chế Murat. Bennigsen xin đình chiến. Murat lập tức chuyển bức thư lên Hoàng Đế. Napoléon ưng thuận. Cuộc chiến tranh đẫm máu ấy kết thúc.
Cho đến tận phút cuối cùng, Aleksandr cũng chưa nhìn thấy sự thất bại. Ngày 12 tháng 6, khi những tin tức của trận Henberg bay về Tilsit báo tin trận đánh đã kết thúc với những tổn thất nặng nề và quân Nga đã phải rút lui thì Constantine, em Hoàng Đế Aleksandr, đã dùng những lời lẽ rất mạnh thúc giục Nga Hoàng nên điều đình ngay với Napoléon. Constantine thưa rằng: “Tâu Hoàng Thượng, nếu Hoàng Thượng không muốn giảng hòa với nước Pháp thì Hoàng Thượng hãy phát cho mỗi binh sĩ một khẩu súng ngắn nạp sẵn đạn và ra lệnh cho họ tự bắn vào đầu họ, Hoàng Thượng cũng sẽ thu được kết quả giống như việc Hoàng Thượng muốn đánh một trận cuối cùng khác, trận đó tất nhiên sẽ mở cửa cho quân đội Pháp tràn vào đất đai của Hoàng Thượng”. Aleksandr không muốn nghe gì hết. Ông ta rời Tilsit, đến gặp các lực lượng dự bị của quân Nga vào chiều ngày 14 tháng 6 tức là đúng vào lúc quân Nga bị chết chìm trong sóng nước sông Alle ở Friedland, và sáng ngày 15, những tin tức đầu tiên về cuộc thất bại bắt đầu về tới Tilsit: Người ta được biết rằng một phần ba đội cận vệ của quân Nga đã bị tiêu diệt ở Friedland sau một trận chiến đấu anh dũng, Bennigsen đã mất trí và không biết làm thế nào cả. Tiếp theo những tin đồn đại là tin chính xác hơn: Ở Friedland, quân đội Nga đã bị thất bại khủng khiếp, không kém gì ở Austerlitz năm 1805, Napoléon và đại quân có thể tràn ngay vào nước Nga. Bộ tổng chỉ huy quân Nga hoảng loạn.
Denis Davydov, người chiến sĩ du kích nổi tiếng năm 1812, viết về tình trạng quân đội Nga sau trận Friedland như sau: “Ngày 18 tháng 6, tôi đến đại bản doanh thấy nhốn nháo một lũ người tạp nham: Anh, Thụy Điển, Phổ, Bảo Hoàng Pháp, các viên chức hành chính và quân sự Nga, tư sản, những nhân vật không biết gì về công tác quân sự cũng như tất cả các công việc khác, bọn ăn bám, bọn âm mưu, nói tóm lại đó là nơi họp chợ của bọn đầu cơ chính trị và quân sự, chúng giãy giụa trước sự đổ vỡ của bao nhiêu hy vọng bao nhiêu chương trình và bao nhiêu mưu mô của chúng. Tất cả bọn chúng đều nơm nớp lo sợ, dường như chỉ trong nửa giờ nữa là đến ngày tận số của loài người”. Bennigsen đề nghị Aleksandr cho phép một hiệp ước đình chiến. Lần này, Aleksandr đành cam chịu.
Napoléon chấp nhận những đề nghị đó ngay khi vừa tiếp được. Ông ta cũng không còn lý do gì để tiếp tục chiến tranh với Nga, vì muốn tiến hành một cuộc chiến tranh như vậy thì phải mưu tính một cuộc chuẩn bị hoàn toàn khác. Nước Phổ đã bị quy phục và nước Nga có thể chấp thuận thực hiện phong tỏa lục địa và như vậy là Nga sẽ đi theo đường lối chính trị của Napoléon. Lúc này, Napoléon chỉ cần ở Aleksandr có thế mà thôi.
Ngày 22 tháng 6, Aleksandr cử tướng bá tước Lobanov Rostovsky đến gặp Napoléon ở Tilsit, nơi Hoàng Đế Pháp đóng bản doanh sau khi rời Friedland. Napoléon mở cuộc hội đàm với Lobanov; vừa tiến sát đến cái bàn trên trải một tấm bản đồ, và vừa chỉ sông Vistula, Napoléon nói rằng: “Đây là biên giới của hai đế quốc, bên này là Hoàng Đế của ông trị vì, bên kia là tôi”. Nói như vậy là Napoléon đã để lộ ra ý định thủ tiêu nước Phổ và chia cắt nước Ba Lan.
Lúc này, Aleksandr đang ở Shali. Trong những ngày khủng khiếp chờ đợi Lobanov ký hiệp ước đình chiến trở về, Aleksandr đã sống lại những ngày qua sau trận Austerlitz, và còn khốn khổ hơn thế nữa. Vì chỉ trong một tuần rưỡi là Napoléon có thể tới Vinno.
“Chúng ta bị tổn thất ghê gớm về sĩ quan và binh lính: Tất cả các tướng lĩnh của chúng ta, và trước hết là những vị tướng giỏi đều đã bị thương hoặc đau ốm - Aleksandr thú nhận như vậy - tất nhiên, rồi đây nước Phổ sẽ lâm vào cảnh gay go, nhưng có những lúc trước hết ta cần phải suy nghĩ đến việc bảo tồn mình và chỉ nên tuân theo một nguyên tắc duy nhất là: Quyền lợi của quốc gia”. Sự quan tâm “bảo tồn mình”, như Aleksandr đã bày tỏ trong câu chuyện với hoàng thân Kuryakin ở Shali, đã buộc Aleksandr phải thay đổi về căn bản đường lối trong 24 tiếng đồng hồ; sau khi nhận được tin về Friedland phải quyết định đình chiến và nếu cần, còn phải liên kết với Napoléon chuyển hướng bất ngờ ấy của nước Nga mà nước Phổ có vĩnh viễn mất đi hay chỉ còn lại một mảnh thì đó chỉ là vấn đề phụ. Các triều thần tập hợp quanh Nga Hoàng ở Shali, run như cầy sấy, chỉ sợ đội tiền vệ của Napoléon tập kích tới.
Khi được tin Napoléon ưng thuận đình chiến và ký hòa ước, Aleksandr và quần thần lại hoan kỉ cuống cuồng. Aleksandr đệ nhất lập tức ra lệnh báo cho Napoléon hay tin rằng Nga Hoàng khao khát mong muốn có sự liên minh chặt chẽ với Napoléon, và chỉ có sự liên mình Pháp - Nga mới có thể đem lại hạnh phúc và hòa bình cho thế giới. Sau khi phê chuẩn hiệp định đình chiến, Aleksandr ngỏ ý muốn hội kiến riêng với Napoléon.
Aleksandr không thể nào trì hoãn việc giải thích cho Frederick Wilhelm đệ tam, người mà cho đến phút cuối cùng vẫn còn tin vào tình hữu nghị của Aleksandr. Nga Hoàng đã giải thích cặn kẽ và vua Phổ đã xin đình chiến với Napoléon. Vua Phổ định cử thượng thư Hardenberg, người giàu lòng yêu nước, đến đại bản doanh của Napoléon ở Tilsit. Nhưng Napoléon nổi khùng ghê gớm khi người ta đọc đến tên Hardenberg ông ta giậm chân và hét lên đến nỗi người ta không dám nói đến Hardenberg nữa. Người ta báo cho vua Phổ hiểu rõ là nhà vua sẽ bị đối xử một cách không khoan nhượng.
Ngày 25 tháng 6 năm 1807, lần đầu tiên hai vị Hoàng Đế gặp gỡ nhau. Để Aleksandr không phải qua bên bờ sông phía quân Pháp, bởi lẽ quân Pháp đã chiếm được sông Niemen, cũng như Napoléon không phải qua bên bờ phía quân Nga, người ta đã cắm ngay ở giữa lòng sông một cái bè trên dựng hai cái lều lộng lẫy. Tất cả đội cận vệ của Napoléon xếp hàng dọc ở bờ sông bên này, và trên bờ sông bên kia là đội cận vệ của Aleksandr với số lượng ít hơn.
Denis Davydov được chứng kiến sự kiện lịch sử ấy và bài tường thuật của ông đã làm sống lại trong đầu óc chúng ta cái cảm tưởng của những người đã tham dự cuộc hội kiến ở Tilsit và chẳng có sử gia nào có thể viết hơn được. “Chúng ta sắp được mắt thấy vị tướng vĩ đại, nhà chính trị vĩ đại, nhà làm luật, nhà cai trị và người đi chinh phục, người mà sau khi đã đè bẹp những quân đội của toàn Châu Âu và hai lần đè bẹp quân đội Nga. Chúng ta sắp được thấy con người có tài khuất phục tuyệt đối được tất cả những ai mà người ấy cần gặp, và có trí thông minh kỳ lạ...” “... Tới bờ sông, chúng ta thấy Napoléon cưỡi ngựa, tay cương thả lỏng, đi giữa hai hàng rào cận vệ binh của ông ta. Tiếng hoan hô, tiếng reo như sấm quanh ông ta và inh ỏi vang sang bờ bên kia: Quân hộ tống và tùy tùng Napoléon ít nhất cũng tới 400 kỵ binh... Trong giờ phút này, cảnh tượng vĩ đại đã trùm lên mọi tình cảm khác... Mọi con mắt đều quay nhìn và đổ dồn sang bờ bên kia, sang chiếc thuyền chở con người phi thường đó, người tướng mà chưa bao giờ người ta được trông thấy hoặc được nghe nói kể từ thời Alexander đại đế và Julius Caesar đến nay, con người đã trội hơn Alexander đại đế và Julius Caesar biết bao nhiêu về thiên tài nhiều mặt và về vinh quang do tự mình tạo nên bằng cách khuất phục nhiều dân tộc có trình độ văn minh và văn hóa cao nhất”.
Vì lý do kiểm duyệt nên Denis Davydov không thể nhắc lại trong hồi ký những cảm giác không phải chỉ của riêng ông mà là của đa số sĩ quan Nga về Aleksandr trong ngày hôm đó; theo lời Davydov thì Aleksandr “che giấu nỗi xúc động bằng một sự bình tĩnh giả tạo”. Tuy nhiên, chúng ta sẽ hiểu thêm về Aleksandr qua những bằng cớ sau đây.
Trong giới quân sự Nga, người ta luôn luôn coi Hòa Ước Tilsit là sự kiện còn nhục nhã hơn cả những trận thất bại ở Austerlitz hoặc ở Friedland. Và về điểm này, quan niệm của tầng lớp quý tộc tự do trẻ tuổi của thế hệ sau này đều thống nhất với quan niệm của những người đã trực tiếp tham gia cuộc chiến tranh đó.
Trong một bài thơ của Pushkin (1824), Aleksandr gặp lại Napoléon trong giấc mộng:
“Napoléon xuất hiện
Hệt như khi quét những đạo quân Phương Bắc
Trên chiến trường Austerlitz xa xôi
Lúc người Nga học chạy để giữ lấy sống còn.
Và Napoléon còn xuất hiện
Hệt như kho ở vùng Tilsit
Với bàn tay của người chiến thắng
Napoléon hiến dâng
Hòa bình và hổ nhục
Cho vị Nga Hoàng trẻ tuổi”
Chỉ sau Cách Mạng, người ta mới dám in nguyên văn những câu thơ đó, cho trong hầu hết những lần xuất bản trước người ta đã in ra những câu thơ đã sửa lại cho nhẹ đi (“Hòa bình hay hổ nhục”) và làm sai lạc cả tư tưởng Pushkin.
Dù sao chăng nữa, khát vọng của Aleksandr đã được thực hiện không khó khăn, khổ sở như ông ta đã tưởng. Ngay khi hai vị Hoàng Đế cùng bước xuống mảng, Napoléon ôm choàng lấy Aleksandr và cả hai đều bước vào nhà lều rồi bắt đầu hội đàm ngay với nhau trong gần hai tiếng đồng hồ. Cả hai vị Hoàng Đế không ai kể lại tỉ mỉ cuộc gặp gỡ, nhưng bọn tùy tùng đứng ngoài đã tiết lộ ra một vài câu chuyện và đương nhiên là nội dung chính của cuộc hội đàm này được ghi lại trong bản hòa ước sẽ ký trong mấy ngày sắp tới.
Napoléon hỏi: “Tại sao hai nước chúng ta đánh nhau?" Aleksandr nói: “Thưa ngài, tôi căm ghét người Anh cũng như ngài... Tôi sẽ là trợ thủ của ngài chống lại nước Anh”. “Nếu như vậy thì hòa ước đã ký rồi”, Napoléon đáp.
Suốt trong thời gian hai vị Hoàng Đế hội đàm với nhau trên mảng, vua Phổ trú ở bên bờ sông Niemen phía quân Nga, luôn luôn hy vọng người ta sẽ mời cả mình đến nữa. Mãi đến ngày hôm sau, Napoléon mới để cho vua Phổ vào với cương vị là người thứ ba và đối xử với vua Phổ một cách khinh miệt nhất. Lúc chia tay, Hoàng Đế Pháp mời Hoàng Đế Nga ăn trưa, không mời vua Phổ và bỏ đi sau khi chỉ hơi khẽ gật đầu chào vua Phổ. Ngày 26 tháng 6, theo lời yêu cầu của Napoléon, Aleksandr qua sông sang Tilsit, và từ đó hai người gặp nhau hàng ngày. Lúc đầu, Napoléon không cho một vị Bộ Trưởng nào của mình có mặt trong cuộc hội đàm. Napoléon nói với Aleksandr: “Tôi sẽ là thư ký của ngài và ngài sẽ là thư ký của tôi”. Ngay từ lời phát biểu đầu tiên của Napoléon người ta đã nhìn thấy tình cảnh nước Phổ thật đáng tuyệt vọng biết bao nhiêu. Napoléon đề nghị rất giản đơn việc phân chia như sau: Aleksandr sẽ lấy tất cả phần phía Đông sông Vistula, còn Napoléon lấy tất cả phần phía Tây, Napoléon không thèm nói chuyện cả với vua Frederick Wilhelm và trong những trường hợp hãn hữu mà ông ta cho phép Frederick Wilhelm đến gần, ông ta nói chuyện công việc thì ít nhưng chửi mắng sỉ nhục thì nhiều. “Một ông vua nhơ nhuốc, một quốc gia nhơ nhuốc, một quân đội nhơ nhuốc, một cường quốc lừa dối người và không đáng tồn tại”, đó là lời phát biểu của Napoléon với Aleksandr về bạn của Aleksandr, về con người mà Nga Hoàng có lúc thề thốt kết nghĩa đồng minh và tình hữu hảo đời đời trước di hài của Frederick Wilhelm đệ nhị. Aleksandr chỉ vừa trả lời bằng nụ cười mơn trớn và xã giao vừa yêu cầu Hoàng Đế Pháp rằng, ngoài tất cả những điều mà người Pháp có thể trách Phổ thì cũng nên để lại một cái gì đấy cho nước Phổ.
Vua Phổ khiếp sợ, sẵn sàng làm tất cả mọi việc, thậm chí còn lợi dụng cả đến sắc đẹp của vợ mình: Ông ta cho triệu gấp Hoàng Hậu Louise, vốn đẹp có tiếng, đến Tilsit. Chính Louise là người mà ngay từ thời kỳ đầu cuộc chiến tranh với nước Phổ đã bị Napoléon coi như kẻ thù và đã ra lệnh công kích một cách thô bỉ trên báo chí. Tuy nhiên, trong triều đình Phổ, người ta nuôi hy vọng rằng cuộc hội kiến thân mật với người đàn bà có sắc đẹp quyến rũ đó sẽ có thể làm dịu được trận lôi đình của kẻ chiến thắng tàn nhẫn, và người ta vội vã thì thầm kế hoạch với Hoàng Hậu, nhưng dù sao họ cũng không quá trông cậy vào đó, bởi người ta đã biết Napoléon ít bị đàn bà làm lung lạc, ngay cả đối với những người mà Napoléon say mê. Cuộc hội đàm được bố trí ở lâu đài Tilsit. Hoàng Hậu có nhiệm vụ phải cố gắng thu hồi lại ít nhất là vùng Magdeburg và một vài mẩu đất đai khác cho nước Phổ.
Sau cuộc cưỡi ngựa đi dạo, Napoléon quay trở về lâu đài, bận bộ đồ đi săn, tay cầm roi ngựa, và được Hoàng Hậu, trong bộ triều phục lộng lẫy ra tiếp đón. Cuộc mật đàm kéo dài rất lâu. Sau cùng, khi vua Frederick Wilhelm không thể chịu đựng nổi được nữa tình trạng nhục nhã của mình dưới con mắt của bọn quần thần, đã liều mạng bước vào, cuộc hội đàm thân mật giữa Hoàng Đế và Hoàng Hậu bị cắt đứt lúc Louise chưa kịp thu hồi được gì. Sau này, Napoléon nói đùa với các Thống Chế của mình rằng: “Nếu vua Phổ vào chậm một chút thì chắc ta đã trả lại Magdeburg”.
“Nước Phổ cũ”, xứ Pommern, Brandenburg và Silesia được để lại cho nước quân chủ thuộc dòng Hohenzollern. Số còn lại, về phía Đông cũng như phía Tây, đều bị tước đoạt.
Ngoài ra, Napoléon còn tìm cách giày xéo lên tinh thần tự hào dân tộc của nước Phổ bằng cách ghi trong điều 4 Hòa Ước Tilsit rằng, Napoléon hoàn lại bốn tỉnh đó cho nước Phổ vì “nể lời Hoàng Đế nước Nga”. Tất cả những đất đai Phổ về phía Tây sông Elbe đều bị sáp nhập với vương quốc Westphalia do Napoléon vừa mới thành lập, còn sáp nhập thêm cả Đại Công Quốc Halle. Napoléon phong cho Jérôme làm vua Westphalia.
Những đất đai Ba Lan tước được của Phổ (gồm tỉnh Poznan và Warszawa) nay thành Đại Công Quốc Warszawa, và Napoléon chỉ định vua Saxony làm vua Đại Công Quốc ấy. Aleksandr đệ nhất (do Napoléon yêu cầu) sáp nhập vùng Białystok nhỏ bé vào đất đai của mình. Một hiệp ước liên minh tiến công và phòng thủ, tạm thời giữ bí mật, được ký kết giữa hai Hoàng Đế. Như thế là từ đó nước Nga gia nhập cuộc phong tỏa lục địa.
Ngày 8 tháng 7 năm 1907, Hòa Ước Tilsit được chính thức ký kết, nó là một cái nhục cho nước Phổ và cho toàn nước Đức. Hội hè và duyệt binh diễn ra liên tiếp ở Tilsit cho tới đêm mồng 8 tháng 7. Suốt thời gian này, hai vị Hoàng Đế đều tỏ ra rất quyến luyến nhau, và Napoléon chú ý nhấn mạnh đến mức độ cao cả của mình đối với kẻ thù ngày hôm qua, nay đã trở thành đồng minh. Ngày 9 tháng 7, Napoléon và Aleksandr cùng đi duyệt đội ngũ cận vệ Pháp và Nga, và sau khi hôn từ biệt nhau trước hàng quân và đông đảo quần chúng chen chúc trên bờ sông Niemen, hai ông Hoàng Đế từ giã nhau. Trừ hai vị Hoàng Đế và những triều thần gần gũi nhất của họ ra, chưa một ai có thể biết được rằng trong mấy ngày diễn ra cuộc tiếp xúc ở Tilsit tình hình thế giới đã thay đổi lớn lao.